Những kiểu hành xử 'phản giáo dục' ở trường mầm non

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Ngoc Lan, 11/12/2007.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Những kiểu hành xử 'phản giáo dục' ở trường mầm non

    Nhẹ thì úp mặt vào tường, bắt cả lớp tẩy chay, nặng thì cho các bạn tát vào mặt, bịt mũi để bắt trẻ ăn... đó là những hình phạt đang được một số cô áp dụng tại nhiều trường mầm non.


    Bé Huy Hoàng, gần 4 tuổi, con trai chị Hà, quận Phú Nhuận, đang theo học tại một trường mầm non quốc tế, quận I, TP HCM, mỗi tháng đóng hơn 3 triệu đồng học phí. Ngày đầu tiên tới trường, hai mẹ con rất hào hứng vì được cô giáo chào đón tận cổng với một quả bóng đỏ có chữ "Welcome!".

    Buổi chiều chị đón con, cô giáo hồn nhiên khoe, sáng nay khi cô hỏi "Các con có thương cô không?”, cả lớp đồng thanh “Dạ có”, riêng Huy Hoàng nói “Không!”. Cô bảo Hoàng chìa tay ra, đánh đét một cái, cậu vẫn cười lắc đầu: “Không!”. Đét mạnh hơn cái nữa cháu hơi run run nhưng vẫn lắc đầu. Cô lấy thước kẻ, vụt vào tay cái thứ nhất, Hoàng vẫn "Không", cái thứ hai mạnh hơn, rồi cái thứ ba mạnh hơn nữa, thì bé mếu máo: “Dạ rồi”.

    Nghe cô, ban đầu chị Hà tưởng Hoàng quậy phá, nghịch ngợm nhưng cô giáo khẳng định bé rất ngoan và thông minh, chỉ có mỗi "tội" không trả lời có thương cô giống các bạn. Chị Hà bị "sốc" nhưng kiềm chế, sợ cô mất hứng vì cô đang khoe với phụ huynh câu chuyện trên như một chiến tích vì đưa được bé Hoàng vào khuôn khổ.

    Chị Hà quyết định góp ý với Ban giám hiệu về phương pháp dạy của cô giáo với Hoàng. "Hiệu trưởng trường xin lỗi gia đình, hứa sẽ uốn nắn giáo viên, nên tôi rất hy vọng. Mãi sau này, qua một người bạn làm trong trường đó tôi mới biết, Ban giám hiệu đã triệu tập một cuộc họp tất cả giáo viên trong trường, nhưng chỉ để khiển trách cô giáo “ngu ngốc vạch áo cho người xem lưng”, chị Hà buồn rầu nói.

    Sau đó, cô giáo “sửa sai” bằng cách áp dụng rất triệt để phương châm này, không quên "đay" bé Hoàng “vì con mà cô bị phạt”. Có lần đến đón con sớm, chị Hà vô tình chứng kiến cảnh cô giáo ra lệnh cho một cháu khác ném vở của bé Hoàng ra ngoài cửa sổ vì "viết chữ như gà bới".

    Thái độ ghẻ lạnh của cô khiến bé Hoàng ngày càng ngơ ngác, sợ sệt, gọi tên mấy lượt cũng không thưa. Cô giáo tưởng cháu lì lợm, la thật to, bé vẫn không có phản ứng. Cuối cùng mới phát hiện ra quần Hoàng ướt sũng tự bao giờ, nước tiểu ướt loang mặt thảm. Cô giáo sợ quá phải thông báo cho chị Hà, nhưng không quên đổ lỗi "chắc tại gia đình cho cháu dùng nhiều kháng sinh".

    Không lâu sau, chị Hà phải cho bé Hoàng đến bác sĩ điều trị tâm lý và chuyển bé sang trường khác.

    [​IMG]
    Kết quả thăm dò trên VnExpress về hành động dọa trẻ mầm non. Ảnh: Chụp màn hình.

    Chị Lê Phương, phụ huynh quận Tân Bình, TP HCM phàn nàn, ở lớp bé Zin, 4 tuổi, con gái chị đang theo học, các bảo mẫu vẫn cho cháu ngủ trưa chung giường với bé trai khác. Nếu không xảy ra chuyện bé Zin bị cháu trai đó cắn chảy máu vì tội lỡ quàng tay ôm bạn trong lúc ngủ, thì gia đình không thể nào biết lớp này coi nhẹ việc phân biệt giới cho trẻ mầm non như thế.

    Theo chị Phương, chỉ đến khi bé Zin và nhiều cháu khác có những hành động bất thường như bé gái thì đòi đi tiểu đứng, bé trai đòi đi tiểu ngồi và có nhiều thắc mắc quá sâu về sự khác biệt giữa "cái đi tiểu" giữa trẻ nam và nữ, chị và các phụ huynh khác mới giật mình, yêu cầu nhà trường xem xét lại điều kiện sinh hoạt của trẻ.

    "Buồn nhất là khi gia đình phản ánh thực tế trên, Hiệu trưởng lại nói phụ huynh cứ quan trọng hóa, trẻ con chưa biết gì, ngủ với ai chẳng được! Thú thật, tôi không tưởng tượng được nhận thức của các cô về vấn đề giới tính đối với trẻ mầm non ấu trĩ như thế", chị Phương bức xúc nói.

    Tại Hà Nội, chị Thanh Thảo, có con 15 tháng tuổi gửi tại một trường mầm non tư thục cao cấp ở quận Ba Đình cho biết, một lần đột xuất đến giữa giờ để đón trẻ về sớm, bỗng thấy cô mang một bé gái chừng 2 tuổi đang khóc nức nở ra sân la mắng. Lần khác, lại thấy cô đè ngửa bé ra, đổ bình sữa vào mồm khiến bé giẫy giụa khóc. "Kiểu này mà bé bị sặc thì chắc chết mất", chị Thảo than thở.

    Còn chị Phương Anh có con học trường mầm non tư thục chuẩn quốc gia ở quận Đống Đa cho biết, một chiều đến đón con thấy mặt cháu lằn mấy vết đỏ, cô giải thích là con nằm ngủ tì vào chiếu. Còn cu cậu, vừa trông thấy mẹ đã tủi thân, rơm rớm nước mắt nhưng lại không dám khóc vì có cô đứng bên.

    "Phải đưa con đi chơi một lúc rồi tỉ tê hỏi cu cậu mới dám khai là bị cô giáo tát vì tội chớ sữa ra lớp. Qua điện thoại, lúc đầu cô khẳng định không đánh bé nhưng sau phải thừa nhận và thanh minh đủ điều", chị Phương Anh nói.

    Sau buổi đó, cô giáo có đến xin lỗi gia đình nhưng thời gian sau chị vẫn phải chuyển cháu sang một trường mầm non khác.

    Không trực tiếp chứng kiến cảnh trẻ bị cô giáo hành hạ nhưng nhờ lần gọi điện cho cô để hỏi thăm tình hình của con, chị Lan ở quận Thanh Xuân mới trực tiếp nghe được những lời cô chửi cậu bé đang gắt ngủ: "Con xin bố! Bố câm mồm đi cho con nhờ".

    Có con gái 3 tuổi là nạn nhân của bạo hành trường học, anh Nguyễn Quốc Vương buồn bã nhớ lại ngày gửi con ở một trường tư thục trên phố Huỳnh Thúc Kháng. "Thay vì dỗ, cô lại nhốt cháu vào phòng, không cho ra ngoài. Buổi tối cháu ngủ ở nhà hay giật mình. Có đêm cháu tỉnh dậy đã lao ra ngoài cửa và đập tay liên tục vào cánh cửa, đòi đi ra ngoài".

    Do cháu quá sợ hãi nên dù đã chuyển trường nhưng sau này, mỗi khi đi qua gần nơi học cũ, cô bé lại hét lên và chỉ đi sang đường khác.

    Cô con gái 4 tuổi của chị Lương lại sợ hãi kể lại việc bị cô phạt chỉ vì không ngủ trưa: "Con mệt, nhưng không ngủ được, cô lấy roi đánh vào dưới hai lòng bàn chân của con. Roi của cô nhỏ nhưng đánh đau lắm. Cô còn đánh cả mấy bạn khác nữa, con không học lớp cô đâu".

    Cũng theo phụ huynh này, cô giáo còn bầu ra một bạn lớp trưởng để thay cô quản lớp. Do cô trao quyền bạn nào nói chuyện hay làm việc riêng sẽ bị lớp trưởng cầm cái roi đi đánh nên các bạn trong lớp cũng sợ bạn này như sợ cô giáo.

    "Chúng ta dạy trẻ hay dạy "đầu gấu"? Bạn bè sẽ nhìn đứa trẻ được cô phân công đi đánh bạn khác như thế nào? Phải chăng đứa trẻ này đang được huấn luyện trở thành đầu gấu khiến các bạn hết vía?", vị phụ huynh này bức xúc đặt câu hỏi.

    Theo tiết lộ của một cựu giáo viên mầm non, hiện các cô có hàng chục hình phạt không để lại dấu vết trên người trẻ. Trong đó, thường xuyên được sử dụng nhất là cách dọa: cho trẻ vào máy giặt; bắt đứng lên ngồi xuống (gọi là giã gạo); dùng roi phạt vào lòng bàn tay, bàn chân; úp mặt vào tường; cả lớp tẩy chay không cho chơi cùng, đến lớp chỉ ngồi một chỗ; cho đứng trước lớp để các bạn bêu riếu.

    Thậm chí, theo cô giáo mầm non này, trẻ còn bị dọa nạt man rợ (kiểu như đánh chết, cắt tay chân cho vào nồi...); phạt không cho ngủ, không cho uống nước; cho các bạn tát vào mặt...

    * Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

    Lan Hương - Tiến Dũng
    VNEXPRESS
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


  2. canh cut xinh

    canh cut xinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    20/4/2007
    Bài viết:
    1,026
    Đã được thích:
    120
    Điểm thành tích:
    103
    Ngoài 1 số bà mẹ làm gay gắt với nhà trường, đưa ra công luận.... Còn lại đa phần các trường hợp đều tỏ ra "thờ ơ" trước các hành động của cô giáo đối với trẻ nhỏ (ngay cả khi đã cho con chuyển trường). Vậy phải chăng, chính thái độ "thờ ơ" này đã khiến cho tình trạng giáo dục của nước nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng?...

    Nên chăng, với mỗi một vụ việc, bên cạnh việc yêu cầu nhà trường có hình thức kỷ luật đối với giáo viên, cần có 1 đường dây nóng để các bậc phụ huynh có thể phản ánh, hoặc ít nhất là phải được thông báo tới UBND phường sở tại? Các mẹ có cao kiến gì không?
     
  3. mẹ cu tèo

    mẹ cu tèo Banned

    Tham gia:
    11/7/2007
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    8
    Nguyên nhân là một phần từ phía gia đình là đặt áp lực cho con phải ăn thật nhiều, nghịch thật ít. Phải thật ngoan ngoãn, bảo sao nghe vậy không chống đối, không nghịch ngầm, phải học giỏi hơn bố mẹ, phải giỏi tiếng Anh, giỏi vi tính, hội họa, nhạc kịch, múa hát, võ thuật,...

    Ở ngoài xã hội, chính quyền muốn có những công dân kiểu "gà công nghiệp" chỉ biết làm việc, đóng thuế và không chống đối.
     
  4. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Những nhà giáo nói về tình trạng bạo hành trẻ mầm non

    Những nhà giáo nói về tình trạng bạo hành trẻ mầm non

    Ngày 11/12, trao đổi với VnExpress, Vụ phó Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT Ngô Thị Hợp cho biết, vụ dán băng dính làm ngạt thở bé gái 18 tháng đã được báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT. Một số cán bộ giáo dục cho rằng, các trường mầm non đang chạy đua xây cơ sở to đẹp nhưng quên việc đào tạo giáo viên.


    Bà Ngô Thị Hợp, Vụ phó Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT: Vụ việc đã được báo cáo lên Bộ trưởng GD&ĐT.

    [​IMG]
    Bà Ngô Thị Hợp. Ảnh: VTC.

    Trong số gần 170.000 giáo viên mầm non, một số cô đã có những việc làm, hành vi vi phạm nghiêm trọng phẩm chất đạo đức nhà giáo. Điển hình là vụ cô bảo mẫu Vy dán băng keo vào miệng cháu Bảo Trân. Là cán bộ quản lý giáo dục, tôi rất bất bình với hành vi trên. Sở GD&ĐT TP HCM đã báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT về vụ việc này.

    Về nguyên nhân, theo tôi, thứ nhất là do giáo viên chưa được đào tạo nghiệp vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; thứ hai, chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả của những hành vi gây ra với trẻ; thứ ba, khâu tuyển dụng giáo viên không đúng với quy định của ngành; thứ tư, một số địa phương còn dễ dãi cấp phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa đủ điều kiện.

    Mặc dù, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng mầm non lại là bậc học không bắt buộc. Theo thống kê, hiện có gần 6 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng mới chỉ có hơn 3 triệu cháu được tới trường. Trong đó, hơn 50% trẻ học tại các trường mầm non tư thục. Hiện mới có 80% giáo viên đạt chuẩn từ trung cấp mầm non trở lên.

    Nhu cầu và áp lực xã hội rất lớn trong khi điều kiện hiện không đáp ứng nổi. Do vậy, người dân cứ mang trẻ đến gửi mà không biết cơ sở đó có đủ điều kiện chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, đầu năm học, Vụ đã chỉ đạo các cấp quản lý, cơ sở nào không đủ điều kiện, phải kiên quyết thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động.

    Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT TP HCM: Có thể dùng biện pháp phạt tâm lý đối với trẻ cá biệt.

    [​IMG]
    Bà Nguyễn Thị Kim Thanh. Ảnh: L.H.

    Không thể phủ nhận thực tế, giáo viên một số trường mầm non đôi khi có những hành xử phản giáo dục. Tình huống này thường rơi vào những người thiếu hoặc yếu chuyên môn. Cá biệt có người có chuyên môn sư phạm, nhưng vẫn hành động thiếu kiểm soát với trẻ trong thời điểm nào đó.

    Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân khiến giáo viên có những hành xử phản sư phạm. Việc phải chăm sóc những trẻ hiếu động, quá biếng ăn, cũng là nguyên nhân khiến cô giáo bị áp lực. Nhiều cháu được gia đình quá nuông chiều nên khi đến trường không chịu hòa mình vào tập thể. Phụ huynh nên xác định trường mầm non không chỉ phục vụ trẻ, mà còn là nơi dạy dỗ cho các cháu kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, biết bổn phận chăm sóc những người trong gia đình.

    Tôi cho rằng, trong một chừng mực nào đó, giáo viên có thể áp dụng biện pháp phạt tâm lý với trẻ cá biệt. Ví dụ như phạt không cho tham gia trò chơi cùng cả lớp, hoặc phải chấp nhận kéo dài và chia nhỏ bữa ăn của các cháu. Nếu cô giáo yêu thương trẻ như con, thì những biện pháp phạt sẽ được sử dụng bởi cái tâm trong sáng, với mục đích dạy dỗ, uốn nắn, chứ không nhằm trừng phạt. Những vấn đề thuộc về cá tính thì giáo viên phải tự rèn luyện bản lĩnh tâm lý, hạn chế khoảnh khắc mất tự chủ.

    Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường rà soát, chuyển giáo viên có tâm lý bất ổn sang làm những công việc phù hợp.

    Bà Nguyễn Thị Lộc, Hiệu phó Mầm non bán công Hoa Mai, quận 3, TP HCM: Giáo viên mầm non cần nhất là chữ Tâm.

    [​IMG]
    Bà Nguyễn Thị Lộc. Ảnh: L.H.

    Dù ở thời đại nào, câu nói "cô giáo như mẹ hiền" vẫn áp dụng đúng với giáo viên mầm non, nhất là với nhóm nhà trẻ. Gần 30 năm làm trong ngành sư phạm và gắn bó với trẻ, tôi thực sự đau xót khi đâu đó vẫn có cách hành xử "phản giáo dục" của giáo viên, bảo mẫu. Không thể biện minh do mức lương trả giáo viên, bảo mẫu mầm non ngoài công lập thấp nên ảnh hưởng đến tâm huyết nghề nghiệp.

    Khi đã xác định vào nghề giáo thì chữ Tâm phải đặt lên hàng đầu. Có lẽ do kinh nghiệm sư phạm và bản lĩnh tâm lý của một số bảo mẫu, giáo viên quá yếu nên mới có những hành động để lại hậu quả đau lòng như báo chí nêu trong thời gian qua.

    Chúng ta đừng mải lo cơ sở vật chất cho to đẹp nhằm "hấp dẫn" phụ huynh, mà trước hết nên quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên.

    Bà Trần Thị Minh Hải, Hiệu trưởng Mầm non Tư thục Minh Hải, quận Đống Đa, Hà Nội: Phải tăng cường mối quan hệ gia đình - nhà trường.

    Các cô mà hành xử thô bạo với trẻ sẽ làm mất đi hình ảnh vô cùng đẹp của nhà giáo, người mẹ thứ hai của trẻ. Một số ít giáo viên có những hành vi không đúng đối với trẻ là do sự nhận thức chưa đầy đủ, đặc biệt là sự bồi dưỡng, trau dồi đạo đức của nhà trường chưa được sát sao.

    Tôi cũng mong muốn các cơ quan chủ quản ngành giáo dục thường xuyên kiểm tra tư cách giáo viên, hồ sơ tuyển dụng, tăng cường kiểm tra các cơ sở mầm non. Bên cạnh đó, các trường cần tạo mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh và lắng nghe ý kiến góp ý của phụ huynh để điều chỉnh kịp thời những việc làm chưa đúng của giáo viên.

    Lan Hương - Tiến Dũng
    VNEXPRESS
     

Chia sẻ trang này