Thông tin: Giao tiếp với con

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Hải Phạm, 4/1/2011.

  1. Hải Phạm

    Hải Phạm Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    24/11/2010
    Bài viết:
    1,025
    Đã được thích:
    1,555
    Điểm thành tích:
    1,013
    [​IMG]
    Đôi khi chúng ta nghĩ rằng giao tiếp chỉ là phương thức để truyền đạt một điều gì đó với người khác. Nhưng giao tiếp quan trọng hơn điều đó nhiều. Giao tiếp là chia sẻ những gì có ý nghĩa giữa 2 hay nhiều người, là công cụ để xây dựng chiếc cầu nối vững chắc giữa bố mẹ và con cái.

    Chúng ta thường giao tiếp với nhau qua ngôn ngữ cử chỉ mà không cần ngôn ngữ, như khi chúng ta nhìn thấy con cầm bánh, chúng ta có thể nhìn chằm chằm vào con với vẻ hăm doạ. Chúng ta không cần nói "không", nhưng con chúng ta thừa hiểu rằng chúng ta không muốn bé ăn bánh trước bữa cơm.
    Một trong những thử thách khi giao tiếp là chúng ta không hiểu đúng nghĩa mà người nói muốn truyền đạt (khiến mọi người hiểu lầm nhau). Với con trẻ, thử thách này còn lớn hơn.

    Ví dụ, nếu con bạn nói với bạn rằng bé gặp phải vấn đề ở trường, bạn có thể sẽ hỏi con "Con đã làm gì để thầy giáo phát điên lên như vậy?" Khi chúng ta hỏi như vậy, chúng ta đang tìm kiếm câu trả lời để chúng ta giúp con cư xử tốt hơn. Nhưng con cái chúng ta có nghĩ như vậy không? Có thể bé lại cảm thấy bị buộc tội, bé cảm thấy rằng bạn quan tâm đến giáo viên hơn là quan tâm đến bé, bé cho rằng chẳng có ai hiểu bé cả hoặc cho rằng bạn không quan tâm đến các cảm xúc của bé. Vì vậy, chúng ta có thể làm gì để giao tiếp với con cái tốt hơn?

    Hãy dành thời gian khám phá những thứ có ý nghĩa với con

    Một cách rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ với con cái là hỏi con về những sở thích, những hoạt động yêu thích và các cảm xúc của con. Khi bạn hỏi con với những câu hỏi không mang tính tra khảo thì con sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho bạn. Bạn hãy đóng vai trò là một người bạn thể hiện sự quan tâm đến con. Ví dụ:

    "Con thích chúng ta sẽ đến chơi nhà bạn nào?"

    "Con sẽ kể cho mẹ nghe chuyện thú vị nhất của con ngày hôm nay chứ?"

    "Hình như con có vẻ lo lắng (vui, mệt mỏi, giận giữ). Con có thể chia sẻ cảm xúc đó với mẹ không?"

    Một trong những thời điểm quan trọng nhất để hiểu các cảm xúc của con là khi con có những cảm xúc tích cực. Nếu con vừa nói với bạn về vấn đề giữa bé và giáo viên, bạn có thể nói:

    "Con cảm nhận như thế nào về cô giáo?"

    "Qua câu chuyện con kể với bố mẹ thì hình như con đã rất xấu hổ có phải không?"

    "Mẹ không biết liệu con có cảm thấy giận cô hay không?"

    Bước đầu tiên để giao tiếp hiệu quả là hãy dành thời gian hiểu con. Một số cha mẹ lo lắng rằng hiểu con có nghĩa là đồng ý với hành vi của con. Nhưng trên thực tế, hiểu các cảm xúc của con không có nghĩa là đồng ý với hành vi của con mà có nghĩa là bạn quan tâm đến các cảm xúc của con. Đó là một thông điệp rất quan trọng. Tất nhiên sau khi đã hiểu con rồi, thì bạn sẽ dễ tìm ra giải pháp cho tình huống. Bạn không cần phải quyết định xem con bạn hay cô giáo của con cần nhận trách nhiệm trong tình huống này. Mà dạy con cách cư xử mới là điều bạn cần quan tâm. Bạn có thể hỏi con "Con cần phải làm gì để ngăn chặn vấn đề này sẽ lại xảy ra trong tương lai?" Nếu con bạn cảm thấy an toàn và được bố mẹ hiểu, bé sẽ sẵn sàng suy nghĩ các cách để ngăn chặn vấn đề xảy ra trong tương lai. Ví dụ, khi bé gặp vấn đề về giữ trật tự trong lớp học, với tư cách là cha mẹ, bạn có thể giúp con suy nghĩ đến các khả năng có thể xảy ra: "Con có cần nói với các bạn rằng con muốn làm xong bài tập trước khi nói chuyện với các bạn ấy không?" "Con có cần phải chuyển chỗ để ngồi cạnh bạn khác không?"

    Để giao tiếp với con cái hiệu quả hơn, bạn cần tập trung vào những gì con nói với bạn, cố gắng chú ý tới các cảm xúc của con, và tìm hiểu con nhằm giúp bạn hiểu con hơn.

    Để hiểu những gì có ý nghĩa với con, bạn hãy ngừng những công việc bạn đang làm, ngồi xuống ngang tầm với con, ôm con vào lòng và lắng nghe những gì con nói. Ngay cả khi bé đã lớn, bạn có thể khoác vai con, nhìn vào mặt con và tập trung vào những gì con nói. Tất nhiên, nếu con cảm thấy không thoải mái khi bạn khoác vai thì đừng cố gắng ép buộc.

    Khi bạn lắng nghe, bạn có thể có xu hướng muốn tranh cãi hoặc khiển trách con. Khi bạn làm như vậy, thông điệp mà bạn gửi cho con là gì? Liệu đó có phải thông điệp mà bạn muốn gửi cho con hay không? Liệu điều đó có giúp bạn lắng nghe, hiểu con và giúp con đưa ra quyết định hay không?

    Gửi tới con các thông điệp khích lệ và rõ ràng

    Bước tiếp theo để giao tiếp hiệu quả với con trẻ là gửi tới con những thông điệp rõ ràng. Chúng ta thử xem chúng ta đã từng nói với con kiểu như dưới đây chưa.

    Tại sao con không ngủ? Tại sao con lại ngủ suốt ngày thế? Ai bảo con dùng cái này? Rửa bát đĩa đi con. Mặc quần áo nhanh lên. Tắt đài đi. Con vẫn chưa dọn giường à? Cái áo này ngắn quá. Phòng con bừa bộn quá. Con không thể làm đúng một việc gì à? Con đừng nhai kẹo cao su như thế nữa. Mẹ không quan tâm đến việc người khác có thứ gì. Con đã làm bài tập về nhà chưa? Đừng ngồi rũ ra như thế. Đừng nói chuyện điện thoại nữa...

    Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ dạy con có trách nhiệm qua những thông điệp trên ư. Khi bạn gửi tới con tất cả những thông điệp kiểu như vậy, con sẽ cảm thấy mình ngớ ngẩn và không được bố mẹ yêu. Con sẽ làm theo những lời chỉ dẫn đó. Nhưng các thông điệp mà bạn muốn gửi cho con sẽ kèm theo sự la mắng, nhắc nhở, chỉ trích, đe doạ, tra khảo, khuyên bảo, đánh giá, ra lệnh và yêu cầu, điều đó khiến con trẻ cảm thấy mình không tốt hoặc cảm thấy mình ngốc nghếch. Tức là bạn đã không khích lệ con.

    Nhưng cha mẹ có thể học cách gửi tới con cái những thông điệp rõ ràng và mang tính khích lệ. Bạn hãy quan tâm đến những câu kiểu như: Cảm ơn con đã mặc quần áo ngủ của con. Cảm ơn con đã rửa bát đãi. Mẹ rất vui khi con tự mặc quần áo.

    Khi chúng ta lo âu, mệt mỏi, không vui vẻ hoặc giận dữ, chúng ta rất khó có thể khuyến khích con. Đôi khi chúng ta cố gắng diễn đạt các cảm xúc với con khi chúng ta cảm thấy giận dữ. Đó là những việc không nên làm. Nếu bạn cảm thấy chúng ta muốn lăng mạ con hoặc muốn làm con tổn thương thì chúng ta hãy đợi cho đến khi chúng ta bình tĩnh lại. Sau đó, bạn hãy chia sẻ các cảm xúc của bạn với con.

    Bạn hãy dành thời gian hiểu con. Khi bạn hiểu con, đánh giá cao và khuyến khích con, bạn sẽ giao tiếp dễ dàng với con hơn.

    Có một loại thông điệp quan trọng khác mà bạn cần gửi cho con đó là thông điệp nói về mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. Đó là tất cả những thông điệp nói lên tầm quan trọng của một người nào đó đối với bạn. Ví dụ:

    "Bố mẹ thực sự thích ở bên cạnh con."

    "Cảm hơn con đã giúp đỡ bố mẹ."

    "Con giúp đỡ bố mẹ rất nhiều. Bố mẹ đánh giá cao việc đó."

    "Con có muốn cùng mẹ đi chợ không? Mẹ thích đi chợ với con."

    Bằng cách thường xuyên gửi tới con các thông điệp tích cực này, chúng ta sẽ giúp con hiểu rằng chúng ta tôn trọng con, đánh giá cao con và yêu thương con.

    Chia sẻ các cảm xúc của bạn theo những cách hữu ích

    Khi cần chia sẻ với con những cảm xúc thất vọng hay bị tổn thương của bạn với con, thì đó là việc nên làm. Khi bạn dùng thông điệp khiển trách cá nhân con ("You" -message) như "Con làm mẹ phát điên lên đây" hoặc "Con thiếu cẩn thận quá", tức là bạn đã làm cho con tổn thương.

    Khi bạn chia sẻ các cảm xúc của bạn mà không khiển trách con, thì tức là bạn đang sử dụng thông điệp mô tả cảm xúc của chính bạn đối với sự việc ("I" - message). Thông điệp này có công thức "Khi + (mô tả sự việc đã xảy ra), bố mẹ cảm thấy + (mô tả cảm xúc của bạn)". Ví dụ:

    "Khi mẹ nhìn thấy bùn đầy sàn, mẹ cảm thấy thất vọng hoặc giận dữ."

    "Khi con đánh em, bố mẹ cảm thấy buồn và giận."

    "Khi con vứt cặp sách trên sàn nhà, bố mẹ thấy thất vọng."

    "Khi con hỏi mẹ mà mẹ đang nghe điện thoại, mẹ cảm thấy khó chịu."

    Yếu tố then chốt để bạn sử dụng thông điệp mô tả các cảm xúc của chính bạn thành công là những thông điệp này không mang tính chất khiển trách hay la mắng con. Đây là loại thông điệp tốt nhất là để bé biết những gì bé làm có thể gây ra rắc rối cho bé.

    Thỉnh thoảng, khi chúng ta có một ngày tồi tệ và cảm thấy rất mệt mỏi, thì chúng ta hãy chia sẻ cảm xúc đó với con cái để con không nghĩ rằng chúng chính là người khiến chúng ta khó chịu. Chúng ta có thể nói "Ngày hôm nay mẹ rất mệt mỏi. Mẹ xin lỗi vì đã không chơi với con được. Để hôm khác chơi, như vậy thì chúng ta sẽ không nổi cáu với nhau."

    Duy trì mối quan hệ tích cực

    Hầu hết những thông điệp chúng ta chia sẻ với con cái đều cần là những thông điệp tích cực. Kể cho con nghe về những sở thích, những việc mà bạn đã hoàn thành, nói về những lúc con làm cho chúng ta vui lòng, chia sẻ với con những gì mà chúng ta đang học hỏi, đó là những việc tốt nên làm. Đặc biệt, chúng ta hãy nói với con những niềm vui mà con đem lại cho chúng ta. Và khuyến khích con nói về các thú vui và những công việc mà con đã hoàn thành.

    Mục đích của việc giao tiếp với con trẻ là chia sẻ tình yêu và sự quan tâm trong khi đó vẫn dạy con cư xử cho phù hợp. Nếu chúng ta suy nghĩ về những thông điệp mà chúng ta sẽ gửi tới con, chúng ta sẽ giao tiếp với con tốt hơn. Đó là công việc cần thời gian và cần sự cố gắng, nhưng nó thật xứng đáng để bạn cố gắng.

    H. Wallace Goddard là chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu quá trình phát triển của trẻ và chương trình gia đình mở rộng tại đại học Auburn.

    Nguồn: Đại học Auburn.

    Biên dịch: Ngô Thu Hiền
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Hải Phạm
    Đang tải...


Chia sẻ trang này