Nỗi niềm người chép

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi yenhoa, 28/11/2005.

  1. yenhoa

    yenhoa Thành viên chính thức

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    201
    Đã được thích:
    30
    Điểm thành tích:
    28
    Từ giảng đường: Nỗi niềm người chép


    Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) học theo nhóm - một hình thức học tập được nhiều SV ưa thích - Ảnh: Như Hùng

    TT - Dường như hầu hết SV khi bước vào giảng đường đều nghĩ về một thế giới học tập khác đang mở ra trước mắt họ.

    Sẽ không còn cảnh thầy đọc, trò chép như ở phổ thông. Thế nhưng nhiều SV đã thật sự hụt hẫng, có người còn nghĩ đến chuyện xin gia đình cho được nghỉ học...

    >> Tường trình từ giảng đường

    Tập của tôi đang ở đâu?

    Thử dạo một vòng quanh các trường ĐH, CĐ có thể dễ dàng nhận ra rằng bao giờ các tiệm photocopy cũng là nơi thu hút SV đến nhiều nhất. Ngoài việc đến để photo giáo trình, tài liệu thì phần lớn SV đến đây để photo tập chép.

    Và những ai chăm chỉ chép bài, chữ đẹp đều trở thành "cứu tinh" của những SV lười chép hoặc không muốn đến lớp.

    T. - một nữ SV Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cho biết: “Từ đầu năm học đến giờ có khi nào quyển vở nằm ở nhà đâu, bạn này vừa mượn xong thì bạn khác mượn. Năm cuối ĐH rồi tụi nó mượn chép và photo cho đầy đủ để còn học thi. Bạn bè mà, nên cũng không thể khó khăn. Nhưng có khi sáng mai có tiết mà suy nghĩ mãi vẫn không nhớ ai mượn tập mình, đến khi... vật về khổ chủ mới biết là ai mượn".

    Có lẽ vì thế mà không hiếm SV cho đến khi đã kết thúc môn học vẫn không hề biết mặt giảng viên (GV), vẫn vô tư hỏi: “Môn đó học cái gì, thi cái gì vậy...?”. Vì những người lười chép chỉ cần mượn tập các SV đến lớp rồi photo một lần và gạo bài là có thể đi thi dễ dàng.

    Bạn đọc có ý kiến trao đổi, góp ý về vấn đề này xin gửi về: hathachhan@tuoitre.com.vn

    Tất nhiên trong bối cảnh đó đã có trường hợp hết sức éo le và bất hợp lý mà không ít SV ấm ức: “Mình đi học, chép bài đầy đủ, thậm chí soạn bài thi rồi cho bạn mượn photo, thế mà thi lại điểm thấp hơn. Không hiểu sao nữa!”.

    Có thể nói chính xác hơn, phương pháp học và dạy ở hầu hết giảng đường ĐH đều mang tính một chiều. Đối với những giờ học các môn chính trị, lý thuyết thì hầu như GV là người đảm nhận “thuyết trình” từ đầu đến cuối tiết học, SV chỉ việc chăm chú chép bài.

    Đoạn nào mang ý chính thì GV chú ý nhấn mạnh và đọc kỹ cho SV chép vào tập. Hầu như không có ý kiến nào phát biểu, thắc mắc hay phản bác ý kiến của GV.

    Một SV ĐH Ngân hàng than thở: “GV giảng rồi đọc chép, giảng rồi bảo chép tiếp theo, ghi ý tiếp... cứ y như HS tiểu học. Kể cả những môn học chỉ toàn con số mà không hiểu sao thầy cũng chỉ bắt SV chép, rất mất thời gian. Trong khi GV có thể tạo điều kiện cho SV tự nghiên cứu phần lý thuyết và dành thời gian làm quen và đi sâu vào những con số, phép toán thì ngược lại chỉ học tính toán vào thời gian gần kết thúc môn học nên SV rất chật vật với kỳ thi”.

    ... Và lá thư gửi bố

    Một SV ở Hà Nội đã từng viết thư xin gia đình cho nghỉ học vì bị sốc khi giảng đường ĐH hoàn toàn khác với suy nghĩ của bản thân. Chúng tôi xin lược trích lại nội dung lá thư này, xem đó như một nỗi niềm của người SV...

    “Trước khi bước chân vào giảng đường ĐH học, con đã có rất nhiều hi vọng, sẽ được học tập hết sức mình, theo khả năng và sở thích của mình bởi mọi người luôn nhắc nhở rằng: “Cố lên con (cố lên cháu, cố lên em, cố lên trò...), khi lên ĐH con sẽ được tiếp cận với một cách học hoàn toàn mới, con sẽ được dạy cho cách tự đọc sách, tự nghiên cứu, con sẽ có cơ hội giao lưu học hỏi, con sẽ được tiếp cận với các tri thức khoa học tân tiến nhất, con sẽ được hướng nghiệp để học theo ngành con thích và có khả năng, con sẽ được truyền cảm hứng trong học tập, con sẽ, con sẽ...”.

    Vâng, thưa bố mẹ cùng tất cả những người con yêu quí, con đã cố gắng hết sức mình trong mấy năm học để được vào ĐH và con cũng thấy được những cái mọi người vẫn nói, chỉ có điều hơi khác.

    Con cũng học được cách tự đọc sách như mọi người nhưng vì trên giảng đường thầy chẳng giảng cái gì khác ngoài sách, giống hệt trong sách, thầy cầm kè kè quyển sách và đọc lại như thế thì chả phải con tự đọc sách là hơn à.

    Vâng! Và con cũng có được biết đến cái gọi là hướng nghiệp. Đó là những buổi có giới thiệu ngành nghề của các khoa mà chủ yếu là nói về thành tích của mình, ca ngợi khoa mình chứ không hề cho SV có cái nhìn khách quan, không cho con biết được con có tố chất gì và nên theo ngành nghề gì.

    Nói chung đến bây giờ con vẫn không biết con hợp với cái gì? Nên thôi con học theo cái con thích vậy, vì như thế con sẽ luôn có niềm đam mê trong học tập, nó sẽ giúp con khá hơn. Nhưng cái này mới là cái con thấy bức xúc nhất, đó chính là cái gọi “cảm hứng học tập”.

    Hằng ngày con vẫn đến lớp nhưng không phải vì cái gọi “cảm hứng học tập” mà là vì điểm danh, nếu không có nó con sẽ không được thi nên con mới phải đi thôi...”.

    Bao nhiêu hi vọng ngày xưa của con đã đang bị thực tại làm cho sụp đổ là sao thưa bố?

    Vâng! Có thể bố sẽ bảo con là mày chỉ vớ vẩn, chương trình ĐH do cả một bộ giáo dục nghĩ ra, có trí tuệ của bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ mà lại như thế ư? Có mà mày lười học thì có. Bàn tiếp đến chuyện học ĐH, có lần bố đã nói với con: “Thế tại sao vẫn có những người giỏi từ trường này ra là sao?”.

    Thưa bố, con xin mạnh dạn nói là có lẽ số này quá ít, con cho rằng ĐH là nơi đào tạo ra cả một lớp người cho xã hội chứ đâu phải đào tạo vài cá nhân xuất sắc phải không bố?

    Đôi dòng tâm sự của con mong bố hiểu cho. Con muốn nghỉ học ĐH không phải vì con không muốn học, trái lại con khao khát được học tập. Nhưng không phải thế này thưa bố. Chính vì thế này con mong bố cho phép con nghỉ để thực hiện một kế hoạch của con.

    Đó là con sẽ học tiếng Anh và những thứ cần để đi du học, bởi thật sự bây giờ đi du học không hề khó, thậm chí không có tiền vẫn có thể đi, chỉ cần đủ ý chí và năng lực. Chính phủ nhiều nước luôn sẵn sàng cho vay toàn bộ chi phí cho đến khi học xong ra trường trả nợ.

    Con nghĩ chỉ khi thật sự được học trong một môi trường học tập tiên tiến, được phát huy hết sở trường và đam mê của mình, được học tập kèm theo vui chơi chứ không phải lúc nào cũng cắm đầu vào học thì con mới có thể tiến bộ được...”.

    NHÓM PV GIÁO DỤC
    Tuổi trẻ Online
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi yenhoa
    Đang tải...


Chia sẻ trang này