Bé chậm biết nói

Thảo luận trong 'Các vấn đề chăm sóc khác' bởi Mẹ Sóc Nâu, 5/12/2008.

  1. Mẹ Sóc Nâu

    Mẹ Sóc Nâu Thành viên chính thức

    Tham gia:
    27/11/2008
    Bài viết:
    260
    Đã được thích:
    110
    Điểm thành tích:
    43
    Nếu con bạn đã 18 tháng tuổi mà chưa nói được thì đúng là chậm nói. Nguyên nhân phần lớn là do giảm sức nghe. Hãy làm một vài phép thử. Nếu đúng bé nghe kém, phải nhanh chóng áp dụng các phương pháp đặc biệt để giúp bé tập nói.

    Ngôn ngữ được hình thành và phát triển trong vài năm đầu đời. Thông thường, khi được 6 tháng tuổi, bé đã bập bẹ được hai âm rõ ràng; 10-12 tháng tuổi, bé nói được một vài từ đơn giản. Đến 1-2 tuổi, bé nói được nhiều hơn và khi 3 tuổi có thể học thuộc bài hát ngắn.

    Để phát triển được tiếng nói, trẻ phải nghe và nhìn được ngay từ những tuần đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh ra không có khả năng nghe nếu không được giúp đỡ thì sẽ không biết nói. Cũng có trường hợp trẻ nghe được nhưng không nói được, nếu không được giúp đỡ, trẻ sẽ không biết cách thể hiện nhu cầu của mình.

    Nếu con bạn đã 18 tháng tuổi mà chưa nói được nghĩa là bé bị chậm nói. Để đánh giá sức nghe của bé, bạn có thể làm theo cách sau đây: Tìm cái xúc xắc (nếu không có, hãy lấy một cái hộp sắt nhỏ bỏ vài viên sỏi con vào trong, khi lắc sẽ phát ra tiếng kêu). Để một người lớn ngồi đối diện với bé, còn bạn ngồi phía sau, cách bé khoảng hai bước chân mà không để bé biết. Lắc xúc xắc, nếu bé không quay đầu về phía bạn nghĩa là bé bị giảm sức nghe. Làm như thế 3 lần để khẳng định kết quả.

    Nếu con bạn đúng là bị giảm khả năng nghe nói, bạn cần huấn luyện cho bé càng sớm càng tốt theo các cách sau:

    Nghe và nhìn

    Bạn dùng ngôn ngữ để diễn tả những điều mình muốn; có thể dùng từ ngữ kết hợp dùng động tác (như thay đổi nét mặt, cử động của tay, của thân mình). Dạy bé vừa nghe vừa nhìn, bất kể bé có đáp ứng hay không.

    Bắt chước

    Lúc đầu, bạn nên chọn nơi yên tĩnh. Dạy bé cách lắng nghe và cách bạn nói, sau đó bảo bé bắt chước lại. Lần lượt luyện cho bé cách phồng má thổi hơi ra rồi dùng tay để trước miệng, mũi xem hơi ra thế nào. Đặt tay bé lên môi, lên má bạn để bé cảm nhận được cử động của môi bạn mỗi khi nói. Sau đó đặt tay bé lên môi, lên má bé và bảo bé bắt chước những cử động như khi bạn nói. Bé sẽ cảm nhận được hơi phát ra và rung động của các bộ phận đó khi nói. Lúc đầu, bạn nên chọn những âm dễ nói như: a, o, u... Sau đó dạy bé những từ có âm đó, dần dần dạy những câu có từ đó.

    Nhận biết từ

    Dạy bé mỗi lúc một từ, chẳng hạn: bố, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác; đầu, mặt, cổ, tay, chân, bụng, lưng; đi, đứng, nằm, ngồi; quần, áo, giầy dép; nồi, xoong, bát, đĩa, chậu, xô; khỏe-ốm, no-đói, nóng-lạnh, vui-buồn...
    Ví dụ: Để dạy bé từ “mũi”, trước tiên bạn phải dạy bé phát âm “m” và “ui” sau đó ghép hai âm đó lại thành từ “mũi”. Bảo bé sờ lên mũi và nói từ “mũi”. Lặp đi lặp lại nhiều lần như thế để bé nhớ.

    Đối thoại

    Bắt đầu nói với bé những câu đơn giản. Dạy bé đếm từ 1 đến 100; gọi tên các con vật nuôi trong nhà hay tên các đồ vật, rồi các từ so sánh như dài-ngắn, cao-thấp, các từ chỉ thời gian như hôm qua, hôm nay, bây giờ, lát nữa, lúc nãy... Để lôi cuốn được trẻ vào cuộc đối thoại, bạn nên giao tiếp với bé theo cách tự hỏi và tự trả lời.

    Dạy bé nói là một công việc khó khăn, đòi hỏi bạn và những người trong gia đình phải kiên trì. Cần tạo bầu không khí tự nhiên, thoải mái như khi bé đang chơi đùa hoặc khi bạn cùng chơi đồ chơi với bé. Tạo cơ hội cho bé vui chơi cùng những trẻ khác càng nhiều càng tốt. Cần nói chậm, rõ, chuẩn; không ép trẻ nói, nhất là khi có đông người hoặc có người lạ.

    Theo Vnexpress
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Mẹ Sóc Nâu
    Đang tải...


Chia sẻ trang này