Đừng hành hạ học trò

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Ngoc Lan, 17/4/2006.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Trong những năm gần đây, hiện tượng ngược đãi đối với học sinh xảy ra khá nhiều ở các trường học, nhất là các cấp tiểu học và THCS, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy, đã và đang làm xói mòn, đổ vỡ lòng tin của phụ huynh học sinh.
    Chúng tôi vẫn còn nhớ như in, vào một buổi sáng, một người đàn ông trung niên đến toà soạn với thái độ bức xúc: "Tôi công tác ở Công ty điện lực Hưng Yên, nhân thể chuyến công tác lên Hà Nội, các anh chị làm ơn đưa tôi đến gặp cô giáo đã tát học sinh 19 cái tát. Đọc tin trên báo, tôi không ngủ được và cứ hình dung ra cảnh tượng kinh khủng ấy...". Đó là câu chuyện đã xảy ra ở trường Điện Biên (Hà Nội) cách đây vài năm.

    Còn ở Vị Thanh (Cần Thơ) đã từng xảy ra trường hợp một cô giáo đánh học sinh đến mức em phải nhập viện.

    Ở TPHCM có cô giáo bắt học sinh đứng xếp hàng ngoài nắng rồi tự vả vào mặt nhau. Thậm chí có trường hợp cô giáo bắt học sinh liếm ghế ở Trường THCS Liên Hoa (Hà Tĩnh).

    Do bực tức vì học sinh không thuộc bài, hay trêu bạn trong lớp mà cô giáo chủ nhiệm lớp 4/1 Trường Tiểu học Bình San (Hà Tiên, Kiên Giang) đã bắt 3 học sinh nam lên bục giảng tụt quần rồi đánh cho chừa.

    Có phụ huynh còn phản ánh có học sinh bị cô giáo dùng băng dính dán miệng vì tội... hay nói chuyện trong lớp.

    Có học sinh đã bị thầy cô giáo coi như tội phạm, bắt đeo bảng to trước ngực ghi rõ lý do phạt rồi bắt học sinh đó "diễu hành" quanh trường. Đó là "sáng kiến" của ba giáo viên gồm Lâm Thị Mông (chủ nhiệm lớp 7A5), Trần Thị Tường Thanh (chủ nhiệm 7A6) và Ngô Huy Tuấn (chủ nhiệm 7A10) - Trường THCS Phước Bửu (Xuyên Mộc, BR-VT). Hậu quả của việc lạm dụng nhục hình này đã khiến hàng loạt học sinh không dám đến trường. Một học sinh mới 8 tuổi của Trường Tiểu học Hùng Vương (thị xã Vĩnh Long) đã từng bị cô giáo bắt quỳ gối để cả lớp tát vào mặt chỉ vì em viết chữ xấu.

    Một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học N.T.C (Hà Nội) bị nghi ngờ lấy tiền của bạn. Cô giáo chủ nhiệm nghĩ ra cách điều tra của riêng mình là cho bạn theo dõi, cách ly, tác động bằng những lời lẽ nghi ngờ. Cậu học sinh bé bỏng đã không chịu nổi sự ghẻ lạnh của bạn bè... cuối cùng em bị sang chấn tâm lý, nhìn ai cũng thấy sợ. Chúng tôi đến thăm em, đau xót biết chừng nào khi người mẹ bây giờ chỉ còn mỗi một mong ước là con mình không trở thành người bị tâm thần.

    Gần đây nhất, dư luận vô cùng bức xúc bởi chuyện xảy ra vào 28.2, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp, TPHCM). Thầy Trần Sỹ Chấn Sử đã bắt phạt học sinh bằng những hình thức mang tính "hành hạ" học sinh mới 10 tuổi đầu như tát, bắt hít đất từ 100 - 300 lần hoặc chạy từ 5-30 vòng sân trường. Thầy giáo biện minh là để "răn đe" các em không được đùa giỡn trong giờ học (!). Liệu lời giải thích ấy có đủ thuyết phục cho cách giáo dục phản sư phạm mà thầy Sử đã áp dụng?

    Sự việc đã khiến ngay cả đội ngũ giáo viên, đồng nghiệp của thầy cũng hết sức bất bình. Trao đổi về sự việc này, cô Trần Thị Lan - Phó Hiệu trưởng nhà trường - nói: "Việc áp dụng hình phạt như thầy Sử thực hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của các học sinh. Đó là chưa kể đến tổn thương về mặt tâm lý".

    Thầy Nguyễn Long Sơn - Phó phòng Giáo dục - Đào tạo quận Gò Vấp - cũng cho biết: Không thể lấy bất kỳ lý do gì để thanh minh cho hành động này. Thầy Sử đã vi phạm đến quy định đầu tiên của ngành là "không được xúc phạm nhân cách của đồng nghiệp và học sinh". Mặt khác, chúng ta là nước thứ hai tham gia vào Công ước Quyền trẻ em - hơn ai hết những giáo viên phải hiểu và thực hiện tốt những điều trong công ước".

    Nói rộng hơn về vấn đề này, cô Nguyễn Thanh Mai - một chuyên gia tư vấn các vấn đề về học đường ở TPHCM - cho biết: "Ơ lứa tuổi 12-13, nhận thức của các em còn rất non nớt. Đó là chưa tính đến về mặt tâm sinh lý, đây cũng là một trong những giai đoạn có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, những phương pháp giáo dục phải rất "mềm dẻo" mới có thể uốn nắn các em được. Nếu áp dụng những phương pháp phản khoa học, trước hết có thể gây hoảng sợ cho nhiều học sinh - nhất là học sinh nữ. Sau đó, hình ảnh tốt đẹp về người thầy trong các em cũng vì thế mà mất đi. Các em sẽ rơi vào tình trạng "đối phó" thầy cô.

    Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin khẳng định: Số giáo viên vi phạm nguyên tắc đạo đức người thầy, lạm dụng nhục hình với trẻ em, chắc chắn chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số gần 1 triệu giáo viên cả nước. Tuy nhiên, để hình ảnh người thầy đẹp trọn vẹn trong mắt học trò cũng như toàn xã hội, dư luận không thể không gióng tiếng chuông báo động về những "con sâu bỏ rầu nồi canh" này. Nhóm PV Xã hội

    Theo báo Lao Động
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


Chia sẻ trang này