Hình Vẽ Của Trẻ Em

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi Le Khanh, 7/4/2007.

  1. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    CON TÔI LÀ HọA SĨ ?

    Một cháu bé, khi có thể cầm được cây viết trong tay thì một trong những hoạt động thú vị nhất của bé là nguệch ngoạc những hình thù trên giấy. Nếu không có giấy, thì nhà họa sĩ tí hon này sẵn sàng sử dụng các bức tường, cánh cửa…thậm chí cả nền nhà cũng có thể trở nên nơi thể hiện tài năng chưa lóe sáng này.
    Điều này có thể gây ra những tác động khác nhau nơi phụ huynh, có người thì ngăn cấm, thậm chí trừng phạt để trẻ thôi cái trò bôi bẩn này đi, có người thì mặc kệ không cần để ý, để rồi sau đó trẻ sẽ quay qua các trò khác và cũng có người thì lại cho rằng con mình chắc sẽ trở thành một họa sĩ trong tương lai, nên lập tức tìm đến các lớp năng khiếu, nhất là với các trẻ trong độ tuổi mẫu giáo hay lớp Một.
    Thường thì sau một vài khóa vẽ trong dịp hè, các em lại vui vẻ từ giã giấy, màu để tập trung vào việc học hay…chơi games, khiến cho nhiều ông bố bà mẹ thất vọng vì con mình chẳng có tí ti năng khiếu nào, hoặc với những gì đã học thì các em sẽ có được một số điểm cao trong môn vẽ nếu có ở nhà trường,thế thôi!
    Nhưng nếu phụ huynh quan tâm hơn đến ý nghĩa các hình vẽ của trẻ mà không bị ám ảnh bởi những tiêu chuẩn về mỹ thuật như bố cục, phối màu hay phải giống thực, thì những bức vẽ nguệch ngoạc đó, với những hình thù kỳ dị lại là một thông điệp, hay một bản “mô tả bản thân” khá phong phú. Qua đó, các em sẽ bày tỏ một cách hoàn toàn vô thức những gì các em đã thấy, đã hình dung và cả những mong ước thầm kín của mình. Điều này sẽ “thực” hơn rất nhiều những gì các em đã vẽ dưới sự hướng dẫn của người lớn trong các lớp vẽ và được mệnh danh là “tiếng nói của trẻ thơ”.
    Ở đây, cũng xin nói qua một chút về ý nghĩa và giá trị của danh từ năng khiếu, trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, ta thường lẫn lộn một cách cố ý hay vô tình về ý nghĩa giữa năng khiếu và khả năng. Chúng ta thường đưa trẻ đến các lớp gọi là năng khiếu, với hy vọng ở đây các em sẽ được phát triển, để dần dần trở thành một họa sĩ trong tương lai. Trong khi đó, thì với sự hướng dẫn của những giáo viên ở các lớp này, các em chỉ được hướng dẫn những kỹ năng cơ bản để có được khả năng vẽ hình cho đúng, tô mầu cho chuẩn.
    Nếu các em có năng khiếu thực sự thì các lớp này có thể là một cơ hội để các em bày tỏ chứ không giúp cho các em phát triển thêm chút nào theo nghĩa từ thấp đến cao, từ ít thành nhiều, nếu không muốn nói là đôi khi, chính hoạt động dạy vẽ theo các mẫu có sẵn, theo những nguyên tắc cơ bản về bố cục, về phối màu lại làm hạn chế hay thui chột đi năng khiếu có sẵn trong các em!
    Năng khiếu hội họa được xem là một yếu tố bẩm sinh, khiến cho các em có sự ham thích đến say mê các phương cách thể hiện hình vẽ, có những cái nhìn độc đáo về cuộc sống và những hình ảnh diễn ra trước mắt mình, sau đó các em sẽ trình bầy lại cũng theo cách nhìn của mình một cách “không giống ai” trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể hay lúc các em “cao hứng”.
    Trong các lớp dạy vẽ, nếu may mắn các em được những họa sĩ đích thực phát hiện và động viên các em sáng tác thì năng khiếu sẽ là nguồn lực cho các em chắp cánh bay cao. Còn nếu không, dưới sự hướng dẫn của các giáo viên dạy vẽ, tốt nghiệp chính quy trong các trường mỹ thuật thì các em chỉ có khả năng trở thành những người biết vẽ một cách đúng nguyên tắc và có được những bức tranh đẹp, mô tả sinh động những hình ảnh và sự vật chung quanh, nhưng không có tính sáng tạo trong đó.
    Khi cho trẻ hoàn toàn thoải mái vẽ vời trên những trang giấy trắng, chúng ta không nên kỳ vọng các em sẽ trở nên một họa sĩ, nhưng qua đó sẽ khám phá ra tính cách của các em, với bản “tự bạch” bằng hình thể này và các bức vẽ sẽ giúp cho các em giảm đi những lo âu, căng thẳng trong cuộc sống vì các em đã được “trút bỏ” hay “tuôn trào” những niềm vui, nỗi buồn, sự lo hãi của mình trên trang giấy trắng. Như vậy, hình vẽ của trẻ em mặc dù chỉ là những hình nguệch ngoạc, chẳng có chút giá trị nào về mặt mỹ thuật nhưng vẫn có một giá trị khác, mà đôi khi cần thiết hơn việc các em có trở thành một họa sĩ trong tương lai hay không.

    (theo tập sách : Khám phá trẻ em qua nét vẽ - Lê Khanh - sắp xuất bản )
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Le Khanh
    Đang tải...


  2. Hanhem

    Hanhem cô nàng Bình yên

    Tham gia:
    12/10/2006
    Bài viết:
    500
    Đã được thích:
    116
    Điểm thành tích:
    83
    Anh Khanh cho em hỏi ,hum bữa em có đến Ngày hội sáng tạo của bé (chủ yếu là hoạt động vẽ và tô màu ) ,các bé thường tô rất khác màu nhau .Nhưng có 1 điểm chung là hầu hết bức tranh nào cũng có ông mặt trời cả .Vậy ông mặt trời trong tranh biểu hiển điều gì ở bé .
     
  3. Cool Kids

    Cool Kids Thành viên đạt chuẩn

    Tham gia:
    13/8/2006
    Bài viết:
    51
    Đã được thích:
    27
    Điểm thành tích:
    18
    Đúng là cho trẻ vẽ tranh để qua đó theo dõi những diến biến tâm lý của trẻ là một phương pháp có tính sư phạm cao và hiệu quả. Tất cả những gì không diễn đạt được bằng lời hoặc vì không được lắng nghe, trẻ em luôn thể hiện nó lên tranh vẽ.

    Một đứa trẻ mang tâm trạng buồn, u uất, sẽ không hay dùng nhiều sắc mầu khác nhau trên tranh vẽvà thường là gam mầu tối, xám, hiếm khi thấy gam mầu nóng, sáng, sặc sỡ. Những khuôn mặt người trong tranh thường nguệch ngoạc, mịêng méo xệch, không mỉm cười, hoặc các cánh tay thường là hai vệt dài kéo chẩy thõng xuống thay vì giơ lên trên như trẻ vẫn hay vẽ.

    Trẻ em thường bầy tỏ tâm trạng của mình hoặc thuật lại những điều chúng thấy.

    Con trai bé nhà mình tính tình sôi nổi, vui vẻ, tính cách của cu cậu thể hiện trên các gam mầu, luôn đa dạng, sặc sỡ. Có lần mình rất ngạc nhiên vì cu cậu mang về từ trường một bức vẽ bằng mầu nước trên tấm bìa rất to, không có một mầu nào khác ngoài một mầu xám, như là đen được pha với trắng, trông như một đám tàn khổng lồ. Mình hỏi con vẽ gì, thì hắn nói "con vẽ một tòa nhà đang cháy, tàn và khói đang bay". Mình nghĩ mãi sao xem tại sao hắn lại nghĩ ra cái "chủ đề" lạ như vậy. Sau đó mới nhớ ra là tối hôm trước đó, vì là gần ngày 11.9, nên trên TV có phát lại phóng sự về ngày World Trade Center bị khủng bố bằng máy bay trong đó có tòa nhà cháy đen ngòm thật. Có thể hắn đã sợ và bị ám ảnh.

    Theo dõi diễn biến tâm lý và đời sống tinh thần của con để có sự điểu chỉnh phù hợp là rất nên làm. Mình cũng áp dụng cách này trong khoảng một năm cho anh lớn nhà mình vì chậm ngôn ngữ diễn đạt.
     
    architect thích bài này.
  4. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Trong hình vẽ phong cảnh, trẻ hay vẽ hình mặt trời đó là một biểu hiện bình thường của một trẻ phát triển tốt - Vấn đề là trẻ vẽ to hay nhỏ, hình có tia sáng hay không ( và thường thì có mắt mũi ) - Trẻ sử dụng màu tươi, nóng cũng là điều bình thường, còn màu sắc ảm đạm, nhợt nhạt thường có ở các trẻ chậm khôn hay rối nhiễu tâm lý .
    Hình vẽ còn là một biện pháp giải tỏa tâm lý rất tốt - khi trẻ vẽ được, trẻ sẽ thoải mái hơn -và sẽ giúp ích trong việc viết chữ sau này - vì thế, nên tạo điều kiện cho trẻ được vẽ và bộc lộ .
     
  5. tuongvi

    tuongvi Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    1/8/2005
    Bài viết:
    1,991
    Đã được thích:
    573
    Điểm thành tích:
    773
    Bác cho em hỏi, con gái em rất mê vẽ. Nàng vẽ mọi nơi, mọi lúc, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ vẽ người, nhà và cây. Không biết đấy là bộc lộ bản tính gì? Khi tô mầu thì tô một vật rất nhiều mầu sắc. Con chim phải đến 8 mầu chẳng hạn. Em đang nghiên cứu cho bé đi học vẽ thì có nên không nhỉ?Cảm ơn bác!
     
  6. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Bạn có thể tham khảo thêm một bài viết nữa nhé :

    TÌM HIỂU VỀ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN

    Trẻ chập chững biết đi sẽ vẽ theo bản năng
    Khi đi ngang qua những chỗ mà bé đã vẽ linh tinh lên đó, bạn hãy dừng lại và quan sát đi,không bậy bạ chút nào đâu. Bé bị thôi thúc phải để lại dấu vết hay bút tích như những đường gợn sóng và dấu chấm trên bàn ghế hoặc trên tường. Nhưng động cơ của bé chưa đủ mạnh nên bé chỉ vẽ khi có nhu cầu giải phóng bớt năng lượng.
    Lên 3 tuổi, bé vẽ có chủ ý hơn với những đường thẳng và vòng tròn được vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Nếu tiếp tục luyện tập và phát huy được khả năng tập trung thì sự kết hợp giữa thị giác và động lực của bé sẽ làm cho điều đó khá hơn. Ở giai đoạn này, bé chưa nhận thức được sự sáng tạo trong nghệ thuật. Hình vẽ của bé trông có vẻ như lung tung, bừa bãi và không ra hình thù gì, nhưng lại là sự bắt đầu của ý thích muốn được vẽ.

    Tuổi sắp đi học, vẽ theo suy nghĩ và ý tưởng
    Từ 3 tuổi cho đến 5 tuổi, cơ ở các ngón tay và cổ tay mạnh hơn trước. Ngoài ra, tay và mắt cũng phối hợp nhịp nhàng hơn trước. Các yếu tố này hình thành nên giai đoạn kế tiếp có liên quan đến vấn đề về quan sát vật thể. Đây là bước ngoặc quan trọng trong quá trình phát triển trí não của trẻ con - khả năng vẽ theo ý tưởng của mình.
    Vẽ trở thành một phương tiện để trẻ giao tiếp, và có thứ ngôn ngữ riêng của nó. Trẻ bắt đầu quan tâm đến các kiểu dáng, cách trang trí và thiết kế. Dần dần những bức tranh của trẻ chuyển từ những hình ảnh trừu tượng thành những hình tượng có hồn. Những gì bé đã đã trải qua và nhìn thấy kết hợp lại với nhau và được thể hiện một cách tượng trưng (dù vẫn chỉ là những đường thẳng và những dấu chấm). Trẻ đã có thể truyền đạt với bạn những gì trẻ muốn nói bằng hình ảnh. Khi đang vẽ, trẻ rất hay nói để có thể khỏa lấp sự non nớt và cũng có thể là trẻ đang cố gắng liên hệ, gắn kết suy nghĩ và cảm xúc của bé với môi trường bên ngoài.

    Tuổi đến trường – phát triển óc quan sát
    Từ 5 đến 8 tuổi, vẽ đã trở thành những tác phẩm của trí tuệ. Những bức tranh của trẻ ghi lại quá trình trẻ suy nghĩ, là nhu cầu mô tả rất hiện thực về bản thân và cũng là nơi để trẻ trút ra tình cảm của mình. Khi ấy, tranh của trẻ trở nên sống động, có đầu tư. Hầu hết những bức tranh của trẻ đều được khơi nguồn cảm hứng sáng tác từ những vật có thể rất kỳ quặc đối với những người khác. Trẻ tìm thấy được niềm vui riêng trong mỗi tác phẩm mang tính sáng tạo của mình. Và đây cũng là sản phẩm của bán cầu não phải của trẻ.
    Trẻ dưới 6 tuổi thường sống trong thế giới của trí tưởng tượng, nhưng trẻ lại quan sát cuộc sống xung quanh một cách thực tế hơn. Lúc này, những bức tranh của bé có thể làm người lớn ngạc nhiên vì chiều sâu của đề tài và hình thức của nó.

    Cân đối bán cầu não trái và phải
    Theo nghiên cứu, bán cầu não trái chịu trách nhiệm chia nhóm, phân tích và sắp xếp mọi thứ theo một chuỗi liên tục, thứ tự. Ngược lại, bán cầu não phải thì lại kết hợp các hoạt động của các bộ phận trong cơ thể và điều khiển thị giác. Bán cầu não phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển khả năng nghệ thuật của trẻ. Chương trình giáo dục cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên rất cần chú trọng đến việc khuyến khích các hoạt động của não trái ví dụ như toán, phân tích cấu trúc câu.
    Trẻ con ở độ tuổi từ 9 đến 12 có óc thực tế hơn, và điều đó được thể hiện trong những bức tranh của trẻ. Sự diễn đạt một cách phóng khoáng và tự do sẽ dần dần trưởng thành hơn, mang sắc thái logic và phân tích sâu hơn. Sự sáng tạo độc đáo thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của trẻ.
    Ở tuổi này, trẻ đã bắt đầu băn khoăn về giá trị sự sáng tạo của mình, niềm đam mê dành cho nghệ thuật của chúng bị giảm xuống trầm trọng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi trẻ bước vào học cấp 2, ở đó trẻ bị nhồi nhét bao nhiêu là thứ vào đầu và bán cầu não bên trái của trẻ phải hoạt động liên tục để tiếp nhận và xử lý hàng tấn thông tin. Do não trái hoạt động quá nhiều nên lấn át luôn khả năng xử lý các hoạt động của não phải.
    Đầu tư thời gian học
    Những nhà chuyên môn khuyên các bậc cha mẹ: hãy khuyến khích sự phát triển hoạt động của bán cầu não phải cho trẻ. “Ngoài các giờ học trong lớp, chịu khó tổ chức cho trẻ đi tham quan các phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Giúp trẻ nhận ra được vẻ đẹp thiên nhiên, hãy để trẻ được sống và lớn lên trong môi trường mà ở đó trẻ được tự do sáng tạo và vẽ tranh.”
    Khi cho con đi học vẽ, chúng ta nên nhớ, các lớp hội họa không phải chỉ là nơi phát hiện, phát triển và duy trì các dòng chảy của sự sáng tạo mà còn là nơi bọn trẻ có thể học được cách quan sát một cách phóng khoáng cũng như tỉ mỉ.
    Trong các lớp học vẽ, trẻ có thể học cả nghệ thuật và giá trị của cuộc sống. Sau khi vẽ xong một bức tranh, trẻ thường tự ngắm nhìn và kết luận vật thể trong tranh có thể là quá lớn hoặc quá nhỏ. Trẻ sẽ lập tức chỉnh sửa lại sao cho phối cảnh của tranh hợp lý hơn. Khi chỉnh sửa lại có nghĩa là trẻ đã học được cách quan sát mọi vật khái quát ngay lần đầu và sau đó trẻ sẽ phối cảnh lại. Nói cách khác, trẻ học được cách quan sát những bức tranh cỡ lớn rồi mới lên kế hoạch phác thảo bản vẽ của mình. Đó là nghệ thuật của cuộc sống, không những được giảng dạy và áp dụng trong lớp học vẽ mà còn được trẻ mang vào cả hoạt động trong cuộc sống thường ngày.
    Học hội họa đòi hỏi phải có khả năng thế vai và mô phỏng công việc của người khác. Nhưng đừng hiểu lầm, giáo viên không nên dạy trẻ ăn cắp tác phẩm của người khác mà chỉ quan sát làm cách nào người ta lại có thể nảy sinh ra và thể hiện ý tưởng của họ trong các bức tranh của mình. Bọn trẻ có thể học được cách nhìn mọi vật từ quan điểm của người khác, từ góc nhìn khác. Từ đó trẻ có thể nhận ra và tiếp thu ưu điểm của họ. Vai trò chủ yếu của người dạy vẽ là hướng dẫn cho mỗi người tự khám phá phong cách riêng và độc đáo của riêng mình.

    Như vậy, nếu cháu thích vẽ và cũng rất thích tô màu, bạn có thể cho cháu đi học vẽ - nhưng xin đừng kỳ vọng cháu sẽ thành họa sĩ, điều này có thể có và cũng có thể không .
    Còn việc vẽ người - nhà và cây thì đây chính là cơ sở để đánh giá sự phát triển nhận thức, trí tuệ và tình cảm của trẻ - nếu có điều kiện được " chiêm ngưỡng" các hình vẽ này, tôi có thể góp ý với bạn về sự phát triển của cháu.
     
    architect thích bài này.
  7. bé con

    bé con Thành viên chính thức

    Tham gia:
    10/5/2016
    Bài viết:
    152
    Đã được thích:
    51
    Điểm thành tích:
    862
    Hình vẽ nói lên tính cách gì của trẻ

    Các bạn ơi,

    Con mình mới được gần 2 tuổi nhưng rất thích họi họa hay sao ây mà cứ nắm được cái bút nào là vẽ miệt mài lên tấtcả mọi chất liêu.
    Không hiểu cu tí vẽ gì nưa. Toàn là tròn tròn thội
    Như thế có thể hiệntính cách hay năng khiếu gì của bé không nhi?
     
  8. tuongvi

    tuongvi Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    1/8/2005
    Bài viết:
    1,991
    Đã được thích:
    573
    Điểm thành tích:
    773
    Cảm ơn bác đã bỏ công trả lời câu hỏi của em . Em cũng chẳng kỳ vọng gì nhiều ở việc học vẽ của con, chỉ mong con thích và thoải mái là đươc. Để em nghiên cứu đưa những ảnh của con vẽ lên đây rồi bác góp ý hộ em . Cảm ơn bác rất nhiều!
     
  9. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Bạn Bé con ơi
    Cháu bé không phải là vẽ mà là đang khám phá - cháu khám phá là cái tay có thể cầm viết, cái viết có thể tạo ra những đường nét và do cháu chưa có nhiều ý tưởng và cũng chưa điều khiển thuần thục cái tay, nên cháu sẽ tạo ra vô số vòng tròn khiến ta nghĩ rằng, có lẽ là một Picasso tương lai chăng ?
    Bạn nên cung cấp cho cháu những cây viết sáp to to một chút và một số giấy trắng ( giấy đã qua sử dụng chỉ cần 1 mặt trắng là đủ ) để cháu tiếp tục khám phá các hành tinh trong thái dương hệ - kẻo cháu sẽ bôi bẩn khắp nơi, bị ăn roi và cụt hứng khám phá - việc cầm cây viết tốt sẽ giúp cháu cầm muỗng tốt, và nếu bạn để cho cháu tự xúc ăn thì cháu sẽ đỡ làm vương vãi ra bàn - đó là kết quả đầu tiên của hội họa đấy !
     
  10. Le Khanh

    Le Khanh Đủ quyền lập Họ

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    2,065
    Đã được thích:
    1,788
    Điểm thành tích:
    863
    Hãy cho trẻ vài tờ giấy, cây bút chì mềm ( có thể thêm hộp màu sáp hay bút lông màu tuỳ ý ) và tìm hiểu thêm một chút về hình vẽ con mình nhé

    TÌM HIỂU NHÂN CÁCH
    Nhà tâm lý Karen Machover (1949) là người đầu tiên đã phân tích các hình vẽ về con người của trẻ em nhằm tìm hiểu nhân cách đã được phóng chiếu lên hình vẽ như thế nào. Theo quan điểm này, các cảm xúc, tri giác và tình cảm đều được đặt vào trong những bộ phận của thân thể, kết quả là hình thành hình ảnh - thân thể. Như thế, khi cho các em vẽ trên một trang giấy (thường là khổ A4) một hình vẽ người, trước khi ghi nhận các chi tiết để đánh giá về trí năng, thì theo Machover, chúng ta nên chú ý đến một số đặc điểm của hình vẽ là:

    ĐỘ LỚN CỦA HÌNH VẼ:
    - Hình vẽ quá lớn: Chiếm hết trang giấy thể hiện hung tính không kềm chế được nội tâm. Các trẻ hiếu động, không bị ức chế, kém tự kềm chế thường vượt ra ngoài khuôn khổ tờ giấy và không vẽ được hết các bộ phận của hình. Đôi khi trẻ nhút nhát, hay e thẹn, nhận thức về bản thân yếu kém cũng vẽ những hình người to lớn, thể hiện ước muốn có uy quyền.
    - Hình vẽ nhỏ: Trẻ nhút nhát, e thẹn, tự co mình lại hay thể hiện sự không an tâm, các trẻ này thấy mình nhỏ bé, không đáng kể. Đôi khi trẻ có hung tính quá mức và nhận thức không tốt về bản thân cũng vẽ những hình người nhỏ xíu. Bề ngoài là hung tính nhưng bên trong lại là sự lo hãi, không yên tâm.
    Nhấn mạnh và vẽ to quá đáng một vài bộ phận: Các bộ phận mà trẻ quan tâm, lo lắng thường được vẽ nhấn mạnh hay to quá đáng bằng cách vẽ quá nhiều chi tiết, vẽ bằng nét mực đậm... Dạng kém nhấn mạnh là vẽ bộ phận đó nhỏ hơn so với những bộ phận khác, thiếu chi tiết hay mờ nhạt.

    VỊ TRÍ ĐẶT HÌNH VẼ:
    - Hình vẽ ở gần đầu trang giấy hay ở vị trí cao: Có những mong ước hoang tưởng hay đã phải cố gắng rất nhiều trong thực tế để đạt đến những mục đích, hoặc cảm thấy quá khó khăn trong công việc của mình.
    - Hình vẽ đặt quá thấp ở phía dưới trang giấy: Tình trạng không an tâm hay một con người thực tế có tính tự ti, nhút nhát.
    - Hình vẽ lệch về bên trái: Suy nghĩ về quá khứ, gắn bó với người mẹ và là đặc điểm của trẻ có tính hướng nội.
    - Hình vẽ lệch về bên phải: Nhiều ước vọng cho tương lai. Trẻ gắn bó với bố và mang tính Hướng ngoại.
    - Hình người đặt nghiêng: (Quá 150 so với đường thẳng đứng) Tình trạng tâm lý cảm thấy không an toàn, lo sợ.
    Như vậy, trung tâm của trang giấy tượng trưng cho cái tôi, nếu trẻ vẽ ngay chính giữa làmột trẻ quân bình, lúc đó ta cần xem nét vẽ của trẻ có những nét ly tâm (vẽ từ trong ra ngoài) hay hướng tâm (vẽ từ ngoài vào trong) để nhận định trẻ mang tính hướng ngoại hay hướng nội.
    Theo một số nhà nghiên cứu thì phần bên trái của trang giấy thuộc về quá khứ, phần bên phải thuộc về tương lai. Ta thấy rằng hình vẽ càng thiên về bên trái bao nhiêu thì trẻ càng có khuynh hướng dễ bộc lộ các cảm xúc và thể hiện tính “trẻ con” bấy nhiêu. Hình vẽ càng thiên về bên phải bao nhiêu thì trẻ lại càng tỏ ra có khả năng tự chủ và thành thục bấy nhiêu.
    Nếu xét theo chiều thẳng đứng thì phần dưới trang giấy thể hiện tính ưa vật chất, còn phần trên trang giấy thể hiện khuynh hướng thiên về lý tưởng và khả năng phát triển trí tưởng tượng.
    Qua nghiên cứu theo độ tuổi, thì trẻ nhỏ thường hay vẽ ngay chính giữa trang giấy, và càng lớn thì tỷ lệ này càng cao (44% ở trẻ 3 tuổi, 75% ở trẻ 7 tuổi và gần 100% ở tuổi 12). Vì vậy, nếu trẻ trên 7 tuổi mà hình vẽ quá lệch ra ngoài tâm giấy thì đó là một biểu hiện rất đáng quan tâm.
    Trong vẽ hình người, hoặc vẽ cây, thì xu thế của cánh tay và hai chân cũng như hướng cành cây cũng nói lên tính năng động cởi mở hay rụt rè của nhân vật. Tình cảm đối với một nhân vật nào đó như bố mẹ cũng thể hiện trong nét vẽ mềm mại hay nhấn mạnh, vì thế khi cho các em vẽ, chúng ta nên cho các em vẽ bằng một loại bút chì tương đối mềm (2B) để các em có thể phản ánh tốt hơn những xu thế tâm lý trong nội tâm.
    Khi cho các em vẽ chúng ta không những quan sát và đánh giá những hình vẽ trên giấy, mà ngay cả hành vi và lời nói của các em khi vẽ cũng góp phần vào việc thể hiện tính cách của trẻ.
    Nếu trẻ vẽ nhanh đó là một trẻ tự tin và hướng ngọai, còn nếu trẻ vẽ chậm thì đó là một em cẩn thận hay suy nghĩ và hướng nội.
    Trình tự vẽ nhân vật nào trước hay sau cũng có ý nghĩa, cũng như vẽ một nhân vật có nhiều chi tiết trong khi lại có những nhân vật khác trẻ vẽ rất sơ sài.
    Khi quan sát các em vẽ nên đứng đằng sau không nên đứng đối diện để các em vẽ thoải mái hơn.

    CÁC NÉT VẼ:
    - Những nét vạch mạnh, rộng rãi, thẳng: Trẻ tự tin, hỗn láo, hướng ngoại, thích ganh đua, gây hấn.
    - Nét mơ, đứt quãng, có gạch bóng: Thiếu tự tin, rụt rè, không vững vàng.
    - Nhiều đường cong ngoằn ngoèo, nhỏ nhắn: Trẻ nhạy cảm. có óc tưởng tượng phong phú, nhưng thiếu tự tin.
    - Bức vẽ có nhiều đường thẳng và góc nhọn: Trẻ thực tế, hăng hái đôi khi đến chống đối, biết tổ chức và có óc sáng kiến.
    - Bức vẽ có nhiều vòng tròn: Trẻ chưa trưởng thành, có nhiều nữ tính.
    - Có sự cân đối giữa đường cong và đường thẳng: Trẻ quân bình, tự chủ.
    - Có nhiều đường thẳng đứng: Tính khí mạnh dạn, hiếu động, hướng ngoại, có tinh thần xây dựng, ham hiểu biết.
    - Có nhiều đường nằm ngang: Có xung đột tâm lý,mâu thuẫn nội tâm.
    - Có nhiều lằn tụ về một phía: Trẻ quyết định nhanh, dứt khoát nhưng có thể vội vàng.
    - Có nhiều lằn phân tán tứ phía: Dễ bị bản năng lôi cuốn, thiếu tập trung.
    - Có nhiều nét gãy: Trẻ bất ổn, đứng ngồi không yên.
    - Có nhiều chấm và đốm nhỏ: Trẻ trật tự, tỉ mỉ.
    - Nhiều nét ra ngoài khung: Trẻ thiếu tự tin hay ưa chống đối.
    - Nét đậm, mạnh bạo: Trẻ Hung tính, có sức mạnh và cứng cỏi.
    - Nét mảnh, ấn nhẹ: Trẻ thiếu cương quyết, hay bị ức chế, e thẹn. dịu dàng, nhút nhát.
    - Nét tự nhiên hay cứng nhắc: Nét vẽ phản ánh tâm lý của trẻ, Khi vẽ, trẻ sẽ bộc lộ một số dấu hiệu cho thấy trẻ vui vẻ hay lo sợ, căng thẳng... chúng ta sẽ thấy nó phản ánh lên nét vẽ, Nét vẽ có thể rất tự nhiên hay gượng gạo phản ánh tâm lý hợp tác hay lo sợ của trẻ lúc đó.
    Trẻ hiền lành hay dùng đường cong, trẻ năng động hay dùng đường thẳng và góc cạnh; nếu chỉ có đường cong chứng tỏ phần nào kém phát triển. Vẽ quá nhiều đường ngang biểu hiện những mối xung đột trong tâm tư, nhiều chấm hay viết nhỏ nói lên tính tỉ mỉ.
    Người ta đã làm thí nghiệm như sau: Bảo một số người lớn vạch một đường trên giấy theo họ thể hiện những tính từ như vui, buồn, nhanh nhẹn, chậm chạp, hung hăng… Họ có thể tạo ra những nét bút nhẹ nhàng hay nhấn mạnh, cong hay bẻ gãy đề thể hiện những ý nghĩa khác nhau.

    Còn nhiều chuyện lý thú quanh hình vẽ trẻ em - chờ xem nhé !
     
    architect thích bài này.

Chia sẻ trang này