Bỏ giờ làm để kịp đón con

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Sweethome, 13/4/2007.

  1. Sweethome

    Sweethome Thành viên tập sự

    Tham gia:
    13/4/2007
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    Thứ tư, 11/4/2007, 10:12 GMT+&

    Bỏ giờ làm để kịp đón con

    Mới 4 rưỡi chiều, chị Thơm, nhân viên một công ty ở Cầu Giấy (Hà Nội), đã nhìn trước nhìn sau xem có sếp ở gần không, rồi vội vã đi đón con ở trường mầm non cách đó cả chục cây số. Chị sốt ruột bởi biết bé Thu đang phải đợi mẹ một mình.

    Nhà chị Thơm ở Mai Động. Chị gửi cô con gái 2 tuổi ở trường mầm non của phường. Hằng ngày cứ hơn 4 giờ chiều, cô giúp việc lại chuẩn bị đi đón bé. Nhà trường trả học sinh đến 5 giờ rưỡi, nhưng nếu cô giúp việc đến sau giờ tan học là 4 rưỡi ít phút thôi thì lớp đã vắng, chỉ còn một vài cháu chưa được đón.

    Những lần người giúp việc về quê hoặc bỏ làm, chưa có người mới, nhà chị Thơm lại loạn lên vì chuyện đưa đón con. Công việc yêu cầu cả hai vợ chồng phải đi sớm về muộn, ông bà nội ngoại ở xa, nên những dịp như vậy chị toàn bị sếp "lườm". Đi đón con khi còn tiếng rưỡi nữa mới hết giờ làm, những hôm quá nhiều việc cần giải quyết, chị Thơm phải đi "vận động hành lang" tìm chỗ gửi bé vài tiếng nữa để quay lại cơ quan. Có lần, chị đành mang con lên chỗ làm, vừa giải quyết công việc vừa giải quyết các nhu cầu của trẻ.

    Nếu như chuyện ăn bớt giờ của Thơm chỉ là thỉnh thoảng thì với chị Hường ở Thanh Xuân, đó là "chuyện thường ngày ở huyện". Hường làm kế toán cho một công ty trách nhiệm hữu hạn, trước đây đã mấy lần đổi chỗ làm vì về quá sớm đón con. "Thực ra các sếp của mình cũng du di cho nghỉ sớm để kịp đón bé trước khi trường đóng cửa, nhưng lần nào đến nhìn thấy con cũng lủi thủi một mình với cô giáo, thương quá nên mình toàn đi sớm hơn". Do đó, Hường đã chuyển sang làm ở công ty hiện nay, tuy lương thấp nhưng được về sớm, giám đốc dễ tính, lại gần nhà.

    Chuyện đón con khi không có người giúp đỡ đang là một bài toán khó đối với nhiều gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội. Trừ các công chức nhà nước, phần lớn người lao động phải làm việc đến 17h30-18h, không thể kịp đón trẻ đang học ở các trường mầm non công lập hoặc bán công. Nếu như mẹ làm xa hoặc tắc đường thì dù có về sớm cả tiếng cũng chưa chắc đã kịp.

    Do đó, nếu không có ông bà hay người giúp việc đón hộ, các bà mẹ chỉ có thể tìm một trường tư để gửi, nơi thường có dịch vụ trông thêm ngoài giờ. Những trường này thường có học phí cao hơn, chưa kể việc một số nơi chất lượng không đảm bảo. Chị Hoa, một bà mẹ ở Hoàng Mai, cho biết, bé trai hai tuổi rưỡi của chị vốn được gửi ở trường công, điều kiện chăm sóc khá tốt, lớp 22 cháu, do 2 cô phụ trách, đồ chơi rất nhiều. Nhưng sau đó mẹ chồng chị không ở cùng nữa, hết người đưa đón, bé được chuyển sang một trường tư, lớp 38 cháu mà cũng chỉ có 2 cô, thiết bị học tập khá sơ sài. Vốn biếng ăn, con chị Hoa càng gầy sút vì cô giáo không thể ép ăn được, hôm nào về quần áo cũng chua lòm mùi chất nôn.

    Bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng phòng Mầm non, Sở giáo dục đào tạo Hà Nội, thừa nhận, các trường công hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân, trong đó có vấn đề giờ giấc. Các trường mầm non công lập và bán công ở Hà Nội hiện đón trẻ trước giờ đi làm 1 tiếng và trả trẻ sau giờ tan sở 1 tiếng. Quy định của thành phố về giờ làm cho cán bộ công chức là 8-16h30. Do đó, giờ đón trẻ chỉ có thể kéo dài đến 17h30. Tùy điều kiện, các cơ sở có quyền linh hoạt trông thêm giờ, một số trường như Việt Triều cũng có dịch vụ này. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy không nhiều.

    "Nếu xét về giờ giấc, số trường mầm non công lập và bán công hiện nay chỉ có thể phục vụ được nhân viên nhà nước. Những người đi làm về muộn hơn đành chấp nhận gửi trường tư" - bà Lan Hương nói. Theo bà, các cô giáo mầm non cũng là người lao động, ngày làm việc theo quy định cũng là 8 tiếng nhưng trên thực tế đã phải làm nhiều hơn, trong khi mức lương và học phí ở trường công là cố định.

    Bà Hương cho biết, để khắc phục những hạn chế trên, Hà Nội đang chuẩn bị thí điểm mô hình trường mầm non chất lượng cao, trong đó các điều kiện chăm sóc đều được cải thiện tốt, nhưng học phí cũng sẽ cao. Mặt khác, hệ thống giáo dục mầm non ở các thành phố lớn sẽ được thay đổi theo hướng xã hội hóa, với sự chiếm lĩnh của trường tư thục, có chất lượng và mức đóng phù hợp với nhu cầu người dân. Các trường công sẽ chỉ còn ở những nơi khó khăn như Sóc Sơn.

    Chính vì vậy, bà Hương khuyên các phụ huynh không nên kỳ thị trường công - trường tư nếu có đủ điều kiện về kinh phí, bởi trường tư cũng phải tuân theo quy chuẩn của ngành mới được phép tồn tại, nhiều trường chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều trường chui, trường cóc hoạt động bất hợp pháp. Ngoài việc cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát, các bà mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ nơi định gửi con - tài sản quý giá nhất của mình.

    (Theo Vnexpress)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Sweethome
    Đang tải...


Chia sẻ trang này