Kinh nghiệm mở lớp mầm non tự quản tại Mỹ

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi Mẹ Xíu, 19/4/2007.

  1. Mẹ Xíu

    Mẹ Xíu Thành viên tích cực

    Tham gia:
    1/9/2005
    Bài viết:
    685
    Đã được thích:
    160
    Điểm thành tích:
    83
    Thấy mọi người đang bức xúc về vấn đề tìm trường mầm non tốt cho con (trong đó có cả mình nữa) nên post bài này lên cho mọi người tham khảo. Hay mình bắt chước họ thì tốt quá.

    Đúng là ở Việt Nam, điều kiện trường lớp, giờ giấc để gửi trẻ em, rất khó đảm bảo cho các bà mẹ yên tâm đi làm. Tôi không rõ các nước khác thế nào chứ ở Mỹ thì đây cũng là một vấn đề nan giải. Trường công thì chi phí thấp nhưng họ dựa vào thu nhập của bố mẹ (thường là ở dưới mức nghèo khổ) mới cho phép gửi trẻ. Thế nên trẻ em gửi trong đó phần lớn là con của những gia đình học thức kém. Nếu gửi con vào đó thì bố mẹ không yên tâm về môi trường vì sợ con mình tiếp thu những thói xấu từ trẻ khác (đấy là giả sử là mình đáp ứng được điều kiện về thu nhập để xin một suất gửi con trong đó).

    Còn nếu gửi con ở trường tư thục thì rất đắt đỏ. Nhiều khi mẹ đi làm, sau khi trừ thuế thu nhập và các khoản bảo hiểm xã hội thì tiền lương chỉ đủ gửi con. Nếu có nhiều con thì phần lớn là mẹ nghỉ ở nhà trông cho đến khi con đi học. Nhưng phụ nữ Mỹ rất tự lập, họ ít khi muốn ở nhà rồi và phụ thuộc kinh tế vào chồng nên là rất nhiều bà mẹ lựa chọn đi làm trở lại. Để xử lý vấn đề thời gian và chi phí, các bà mẹ ở Mỹ đã nghĩ ra một cách để có thể yên tâm gửi con đi làm mà vẫn giảm được chi phí: Họ lập ra các lớp học do phụ huynh tự quản (gọi là parent co-op). Tôi nghĩ rằng đây là một mô hình khá hay và rất có khả năng thực hiện được ở Việt Nam. Tôi có 3 con nhỏ đều gửi ở các lớp như thế này.

    Lớp học tự quản là do các phụ huynh tự đứng ra tổ chức và cùng tham gia quản lý mọi hoạt động. Một nhóm các phụ huynh họp nhau lại và mỗi người góp một khoản tiền bằng nhau để gây quỹ ban đầu. Quỹ này sẽ được dùng để thuê địa điểm lớp học, thuê cô giáo hoặc người giữ trẻ và các chi phí khác như điện nước, trang thiết bị. Các phụ huynh bầu ra những người có uy tín và kinh nghiệm vào ban quản lý, thay mặt cả nhóm lo thủ tục giấy tờ để mở lớp học và thủ quỹ, kế toán để ghi chép các khoản thu chi.

    Mục đích của lớp học là giúp cho bố mẹ có nơi tin cậy để gửi gắm con mình chứ không vì lợi nhuận nên sẽ không phải nộp bất kỳ khoản thuế nào. Các khoản thu sẽ được tính toán hợp lý để vừa đủ trang trải chi phí duy trì lớp học. Những người không có chuyên môn quản lý hay kế toán thì sẽ đóng góp vào các hoạt động khác (làm vệ sinh, trang trí lớp học...) tuỳ theo khả năng của mỗi người.

    Tùy vào độ tuổi của trẻ, cần chia ra các nhóm khác nhau và thuê người giữ trẻ phù hợp. Để giảm chi phí trả cho người trông trẻ (bên này người giữ trẻ hoặc cô giáo mẫu giáo đều phải được đào tạo và có bằng cấp), bố mẹ có thể phân công nhau mỗi ngày cử một người phụ giúp cô giáo. Ví dụ, một lớp 12 cháu thì nếu thuê 2 cô giáo sẽ rất đắt, còn nếu chỉ có 1 người thì sẽ không lo được hết cho tất cả các cháu. Trong lớp học tự quản sẽ có một cô giáo được bố mẹ thuê, còn thì 12 bố mẹ sẽ thay nhau mỗi người có trách nhiệm đến giúp cô chăm sóc trẻ. Nếu bố mẹ bận thì có thể nhờ ông bà hay bạn bè đi giúp.

    Theo cách này, tiền lương trả cho cô giáo giảm được một nửa (bên này lương của họ khá cao và chiếm một phần không nhỏ cho các chi phí của lớp học), mà bố mẹ sẽ có cơ hội được tham gia vào quá trình chăm sóc và giáo dục các cháu. Bố mẹ sẽ yên tâm hơn khi biết được cô giáo chăm sóc con mình thế nào. Mặt khác, thời gian làm việc sẽ ít bị ảnh hưởng vì 12 ngày mới đến lượt mình phải đi giúp cô giáo. Nếu bố mẹ thay phiên nhau thì 24 ngày mới phải xin nghỉ ở cơ quan. Lợi ích nữa là các bạn sẽ học được kiến thức sư phạm từ cô giáo và gần gũi với con mình cũng như là các bạn của cháu hơn.

    Lớp học tự quản phải có điều lệ rõ ràng, được các bố mẹ đặt ra và tuân thủ, trong đó ghi rõ các quyền và nghĩa vụ. Lúc đầu sẽ có một khoản tiền đặt cọc mà mỗi thành viên phải đóng góp. Khi nào ngừng tham gia và không vi phạm điều lệ thì sẽ được trả lại khản tiền này (thường do thành viên mới thế chỗ đóng vào). Các khoản đặt cọc sẽ được dùng để lập thành một qũy dự phòng cho hoạt động của lớp và được điều chỉnh tăng hay giảm tùy theo thoả thuận của tất cả các thành viên.

    Ở Việt Nam, có thể thuê các cô giữ trẻ, các cô giáo mầm non đã về hưu hay những người thích làm ở bên ngoài hơn trường của nhà nước. Để giảm tối thiểu các khoản tiền đóng góp ban đầu, bố mẹ có thể góp các vật dụng sẵn có cho lớp: Nôi em bé, đồ chơi, bát đĩa, chăn màn... Ai có gì góp nấy, đồ cũ cũng được miễn là vệ sinh và an toàn cho trẻ.

    Về việc ăn uống: Nếu phải nấu ăn cho các cháu tại lớp như ở các trường mẫu giáo hay nhà trẻ truyền thống thì sẽ tốn thời gian, cần người cấp dưỡng và địa điểm rộng hơn, chi phí sẽ cao. Ở lớp học tự quản, mỗi cháu khi đi học được bố mẹ chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa. Đến giờ ăn, cô giáo chỉ cần cho vào lò vi sóng hâm nóng lại. Điều này vừa giúp giảm chi phí lại tốt hơn cho trẻ vì bố mẹ biết khẩu vị của con mình. Phụ huynh nào đến phiên mình phụ giúp cô giáo thì sẽ chịu trách nhiệm mang đồ ăn tráng miệng và nước uống cho cả lớp. Nếu là trẻ sơ sinh thì mỗi cháu có bình sữa và hộp sữa riêng do bố mẹ chuẩn bị sẵn. Các cô chỉ cho cháu ăn thôi. Còn bình sữa bẩn thì chiều đến bố mẹ sẽ lấy về để tự tráng rửa.

    Phụ huynh nào đến phiên mình giúp trông trẻ sẽ lo dọn dẹp, làm vệ sinh khi tan lớp. Người này cũng sẽ ở lại khi cô giáo hết giờ làm việc để trông các cháu được đón muộn. Như vậy, sẽ không phải trả tiền làm thêm giờ cho cô giáo mà bố mẹ các cháu khác cũng yên tâm là có người tin cậy trông con cho mình. Có thể mang các cháu được đón muộn về nhà mình và thông báo trước cho phụ huynh.

    Lịch phân công phụ huynh đến lớp phụ giúp cô giáo phải được thống nhất từ trước. Trong trường hợp bố mẹ nào có việc đột xuất mà không đến được vào ngày mình được phân công thì có thể thu xếp với bố mẹ khác để đổi ca.

    Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ hay cuối tuần, các phụ huynh họp lại để tổng kết hoạt động, cập nhật và công khai các khoản thu chi, góp ý cho việc duy trì lớp, làm tổng vệ sinh lớp học, tổ chức cho các cháu đi chơi hay tham quan cùng nhau, kết nạp thành viên mới (khi có cháu nào chuyển đi chỗ khác hoặc đã đủ lớn để đi học ở ngoài thì sẽ kết nạp thành viên mới để thế chỗ).

    Hôm nào có sinh nhật bé thì bố mẹ của cháu sẽ mua quà và bánh kẹo đến lớp chia cho tất cả các bạn góp vui.

    Bố mẹ có thể tổ chức các hoạt động gây quỹ cho lớp học để giảm chi phí phải đóng. Ở Mỹ người ta hay tổ chức làm bánh, đồ lưu niệm để bán vào những dịp lễ tết, hoặc nấu các suất ăn sẵn rồi bán cho các hội ở nhà thờ..., nói chung là tuỳ điều kiện và khả năng của bố mẹ mà sáng tạo. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu vào thì lợi nhuận từ các hoạt động gây quỹ sẽ được cho vào ngân sách để chi tiêu cho lớp học (mua đồ chơi mới cho các cháu, đưa các cháu đi tham quan...)

    Một lợi ích nữa là bố mẹ của các cháu sẽ có mối quan hệ khăng khít với nhau, có thể chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ và hỗ trợ nhau trong cuộc sống chứ không chỉ hạn chế ở lớp học. Nhiều khi bố mẹ có thể trao đổi. Bố mẹ này gửi con mình cho bố mẹ khác trông khi nhà có việc hay khi muốn có thời gian giải trí dành cho riêng mình. Về mặt tâm lý thì bố mẹ sẽ yên tâm là con mình sẽ được người tin cậy chăm sóc chu đáo cũng như khi mình trông con của họ vậy.

    Tôi nghĩ đây là những kinh nghiệm rất hay và hoàn toàn có thể áp dụng được ở Việt Nam, vấn đề là các ông bố và bà mẹ ở Việt Nam có thể toàn tâm toàn ý với lớp học được không mà thôi. Theo cách này thì chi phí gửi trẻ giảm chỉ còn 1/3 so với gửi trẻ ở lớp tư nhân mà vẫn đảm bảo được giờ giấc cho bố mẹ đi làm.

    Nguồn Vnexpress
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Mẹ Xíu
    Đang tải...


Chia sẻ trang này