Tại sao học sinh "lơ mơ”?

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi yenhoa, 24/10/2007.

  1. yenhoa

    yenhoa Thành viên chính thức

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    201
    Đã được thích:
    30
    Điểm thành tích:
    28
    Một vấn đề giáo dục "rất cổ điển" lại được đặt ra trong một cuộc hội thảo có tên rất hiện đại: "Tập trung trí tuệ, nắm bắt tương lai" (do Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Công ty Wrigley VN tổ chức).

    Đó là vấn đề vì sao nhiều học sinh hiện nay không hứng thú và mất tập trung trong học tập.

    Chắc hẳn có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, một nguyên nhân cần tập trung giải quyết đó là chương trình dạy học. Cần hiểu rằng chương trình gồm bốn nhân tố: mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, phương pháp dạy học và cách thức đánh giá kết quả dạy học (không như cách ta thường hiểu chỉ gồm những nội dung dạy học).

    Lý do chủ yếu khiến học sinh không hứng thú học tập là chương trình giáo dục đã chưa thật sự quan tâm đến người học như những cá nhân với nhiều đặc điểm riêng biệt; học sinh chưa được đào luyện để thành những con người tự chủ. Nghĩa là chương trình chưa thể hiện được đúng nghĩa định hướng dạy học từ người học, vì người học và cho người học. Tạm gọi đây là tính chất "phi người học".

    Trước hết, tính chất "phi người học" của chương trình có thể nhìn thấy ở quá trình quản lý giáo dục vĩ mô. Đó là việc tồn tại một bộ sách giáo khoa thống nhất cho cả nước. Cách thực thi giáo dục kiểu đồng nhất hóa này tạo nên môi trường giáo dục cưỡng ép, lệ thuộc và triệt tiêu sáng tạo. Mặc dù luôn có những nhắc nhở này, qui định kia rằng phải sử dụng sách giáo khoa một cách linh hoạt sáng tạo thì giáo viên, học sinh và cả người quản lý vẫn khó thể tự chủ bởi vì chỉ có một chọn lựa mà thực tế dạy học cho thấy hơn bất kỳ yếu tố nào khác, sách giáo khoa luôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội dung dạy học, cách dạy và học...

    Bất chấp người học

    Thứ hai, tính chất "phi người học" của chương trình có thể nhìn thấy trong phương pháp giảng dạy bỏ qua kinh nghiệm và nhu cầu - quan tâm của người học. Sự tự chủ sáng tạo của trẻ bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu có trước, một nhu cầu cấp bách tự nhiên và điều kiện hiện tại của trẻ. Trẻ không bao giờ sáng tạo cái gì mà nó không biết, không hiểu và không có hứng thú. Và "kinh nghiệm" là cơ sở khá bền vững cho học sinh tích cực - sáng tạo. Thế nhưng, giở những trang sách giáo viên hay đi dự giờ có thể dễ dàng thấy lối dạy bất chấp kinh nghiệm và quan tâm của người học.

    Có lẽ dễ dàng khẳng định điều này khi tình cờ chúng tôi khám phá có hai cách dạy trên cùng một văn bản truyện mang tên Những hạt thóc giống (tên tiếng Anh là "The empty pot"). Một là cách dạy được thể hiện trên sách giáo viên tiếng Việt lớp 4 của VN, và hai là cách dạy trong một bài dạy tại Anh (trang web http://www.bu.edu/education/caec/files/elemlesson.htm - bài học tích hợp giữa dạy tiếng và đạo đức). Sách giáo viên tiếng Việt của chúng ta bắt đầu bằng lời giới thiệu trực tiếp của GV: "Tính trung thực là đức tính đáng quí và qua bài Những hạt thóc giống, các em sẽ thấy người xưa đã đề cao tính trung thực như thế nào".

    Một cách vào bài bất chấp trẻ biết gì, nghĩ gì và quan tâm thế nào đến nội dung bài sắp học! Trong lúc đó, giáo viên Anh bắt đầu bằng việc đưa ra cách ngôn "Sự chân thành là cách cư xử tốt nhất" (Honesty is the best policy) và hỏi: "Các em đã từng nghe câu nói này chưa? Các em hiểu câu nói này như thế nào?".

    Thế là giờ học bắt đầu bằng một cuộc trao đổi chia sẻ nhỏ của học sinh về những kinh nghiệm liên quan đến lòng chân thành. Điều đáng nói thêm ở đây là từ "trung thực" (nội dung chính của câu chuyện đã được thay bằng từ "chân thành", cùng nghĩa nhưng gần gũi hơn với lứa tuổi học sinh tiểu học. Và nếu muốn tìm thêm những chứng cứ đầy thuyết phục cho hai phương pháp dạy học đối nghịch nhau này, độc giả có thể tìm xem trong tài liệu đã chú thích trên.

    Áp đặt, không gợi mở

    Thứ ba, tính chất "phi người học" của chương trình có thể nhìn thấy trong phương pháp giảng dạy không khuyến khích sự động não tìm tòi, sự thể hiện suy nghĩ đa chiều, sự trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hiểu biết và cảm xúc cá nhân của người học. Rõ ràng, ngay ví dụ vừa nêu (cách giới thiệu trực tiếp của GV về tính trung thực) cũng đã bao hàm thể hiện lối dạy học truyền thụ một chiều, lối dạy kiểu "ban phát cá” chứ không phải lối dạy "cách câu cá” cho người học. Điều này thể hiện rõ nét hơn trong cách dẫn dắt học sinh tìm hiểu bài bằng hệ thống các câu hỏi và hoạt động.

    Các câu hỏi được đặt ra trong sách giáo viên tiếng Việt 4 chủ yếu tìm kiếm nội dung sự kiện - chi tiết của truyện cộng với một câu hỏi ý kiến học sinh nhưng theo kiểu "định đặt sẵn": Theo em, vì sao người trung thực là đáng quí? Theo chúng tôi, từ "đáng quí” ở đây là áp đặt. Trong lúc đó, các câu hỏi được đưa ra trên bài dạy của giáo viên Anh chủ yếu theo hướng tạo điều kiện cho suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, khơi gợi những cách nghĩ khác nhau của học sinh.

    Chẳng hạn cùng với ý câu hỏi: "Theo em, vì sao người trung thực là đáng quí?", các học sinh Anh phải trăn trở nhiều với câu hỏi như: "Em nghĩ rằng Ping (Chôm) là sự chọn lựa tốt nhất của nhà vua? Tại sao?". Hay: "Các em có nghĩ là nên đề nghị giáo viên khác hay bố mẹ đọc truyện này cho học sinh lớp 2 khác không? Tại sao?". Rõ ràng để trả lời hai câu hỏi này, học sinh vẫn phải thể hiện ý kiến đánh giá tầm quan trọng của lòng trung thực nhưng sự thể hiện ấy được thực hiện một cách tự chủ và sáng tạo.

    "Chính sự tinh túy của sáng tạo khiến những ý tưởng đơn giản nhất trở thành hữu dụng" (Charles Péguy).

    Tóm lại, chương trình dạy học của chúng ta hiện nay đang thiếu chất kích thích sự tự chủ sáng tạo, vì vậy học sinh chưa thấy được cái hữu dụng của các ý tưởng trên trang sách, trong lời dạy nên các em không hứng thú, mất tập trung trong học tập.

    Những kỹ thuật hay phương tiện giúp học sinh tập trung đã được đề cập trong hội thảo như huấn luyện ngoại khóa; tư vấn kỹ năng tập trung và học tập cho sinh viên, học sinh; hỗ trợ một số vật dụng cho nhà trường thiết nghĩ chỉ là chiến lược tạm thời. Cải tiến chương trình giáo dục cần xem là giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề thiếu tập trung và mất hứng thú trong học tập.

    HOÀNG TUYẾT
    Tuổi trẻ
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi yenhoa
    Đang tải...


  2. tuoitho1

    tuoitho1 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    6/11/2015
    Bài viết:
    153
    Đã được thích:
    12
    Điểm thành tích:
    18
    học sinh không hứng thú học tập là chương trình giáo dục đã chưa thật sự quan tâm đến người học như những cá nhân với nhiều đặc điểm riêng biệt; học sinh chưa được đào luyện để thành những con người tự chủ. Nghĩa là chương trình chưa thể hiện được đúng nghĩa định hướng dạy học từ người học, vì người học và cho người học
     

Chia sẻ trang này