Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi PhuongLinhNguyen, 24/10/2011.

Tags:
  1. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    “NGƯỜI MẸ TỐT HƠN LÀ NGƯỜI THẦY TỐT”



    Cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” là một cuốn sổ tay về cách nuôi dạy con của nhà giáo, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi. Chị đã tổng kết kinh nghiệm gần hai mươi năm nuôi dạy con, đồng thời kết hợp với một nền tảng lí thuyết vững chắc và kinh nghiệm thực tế có được trong quá trình trực tiếp dạy học cũng như tiếp xúc với khá nhiều trẻ em, từ đó đúc rút ra được những bài học quý báu trong cuốn sách này.
    “Người mẹ tốt hơn là người thấy tốt” đề cập đến rất nhiều vấn đề lớn nhỏ trong quá trình nuôi dạy con cái, nhưng tựu chung lại có thể gói gọn thành hai vế: đó là nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của con trẻ. Tác giả không viết về những thứ quá vĩ mô và trừu tượng mà ngược lại, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của trẻ từ những điều đơn giản nhất, như chính tác giả đã viết “Với trẻ em không có chuyện nhỏ, mọi chuyện nhỏ đối với trẻ đều là chuyện lớn”.
    Cuốn sách được trình bày dưới dạng những bài viết nhỏ, mỗi bài viết đề cập đến một vấn đề trong quá trình nuôi dạy con cái mà hầu hết các bậc phụ huynh đều gặp phải như làm thế nào để trẻ không sợ tiêm, trả lời thế nào khi trẻ hỏi em bé từ đâu đến, làm thế nào khi con trẻ nói dối, tạo lập những phẩm chất tính cách tốt đẹp cho con trẻ… đến những vấn đề trong học tập như dạy con biết chữ, làm toán, viết văn… Những bài viết này rất chân thực, gần gũi, dễ hiểu, không đi vào lối mòn sáo rỗng và nặng về lí thuyết, rất dễ dàng cho các bậc phụ huynh đọc và ứng dụng.
    Ngoài ra, trong cuốn sách này, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi cũng đề cập đến một số vấn đề bất cập trong hệ thống giáo dục Trung Quốc và các đối sách cần có của các bậc phụ huynh. Hệ thống giáo dục của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hệ thống giáo dục của Trung Quốc, vì vậy bạn đọc cũng có thể tham khảo và tự tìm ra cho mình những cách giải quyết riêng.
    Tác giả cuốn sách là một nhà giáo, một chuyên gia giáo dục có nhiều năm làm công tác giảng dạy, tư vấn và nghiên cứu giáo dục gia đình, nhưng trên hết chị còn là một người mẹ. Vì vậy, trong cuốn sách này, ngoài những quan niệm giáo dục độc đáo đầy trí tuệ, người đọc còn có thể bắt gặp tình yêu con sâu sắc ngập tràn trong từng trang viết của chị. Tác giả quan niệm: Các bậc phụ huynh cần đứng trên góc độ của con trẻ để nhìn nhận vấn đề, đừng bắt ép con trẻ sống theo lối sống mà người lớn áp đặt cho chúng. Bởi vì “trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp tự nhiên sẽ phát triển (Trích “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”). Đây thực sự là một quan niệm giáo dục độc đáo và đầy tiến bộ, rất đáng cho chúng ta nghiên cứu và học hỏi.
    Cuốn sách phù hợp cho những người làm công tác giáo dục, quan tâm đến giáo dục và những người sắp làm cha, làm mẹ cũng như các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi thiếu nhi đến độ tuổi mười bảy, mười tám.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi PhuongLinhNguyen
    Đang tải...


  2. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Xoa chỗ đau cho chiếc ghế con


    Tốt bụng và độ lượng luôn luôn song hành với nhau, một cô bé biết xoa chỗ đau cho chiếc ghế con, thì sẽ biết thấu hiểu và dành nhiều tình yêu thương hơn cho người khác, gặp phải vấn đề gì không bao giờ nằng nặc giữ ý kiến và lợi ích cho mình. Lối tư duy này không những giúp cô bé cảm thấy vui vẻ trong hiện tại, mà còn đảm bảo cho cô bé suốt đời không phải chịu thiệt thòi.

    Thường có tình huống như thế này, em bé đùa nghịch hoặc đang đi, không may vấp vào vật gì đó, đau rồi bật khóc. Để an ủi trẻ, bố mẹ thường vừa dỗ trẻ, vừa cố tình đưa tay đánh “kẻ gây sự” đó, “trách” nó tại sao lại làm trẻ bị đau, ra vẻ “trả thù” cho trẻ. Sau đó an ủi trẻ nói, chúng mình đã đánh nó rồi, nó không dám động vào con nữa đâu. Có thể lúc này con trẻ được an ủi phần nào, hết khóc và bật cười, bố mẹ cũng cảm thấy rất hài lòng. Đây là cách làm không hay, là một “hành động trả thù”. Nó dạy cho trẻ khi gặp chuyện gì không vui sẽ trách cứ người khác, dạy cho trẻ tính không biết khoan dung và thích báo thù, không có lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

    Có thể người lớn sẽ nghĩ, cái bàn làm trẻ vấp ngã, tôi chỉ đánh nó thôi, bàn đâu có biết đau, điều này có sao đâu, tôi có dạy trẻ đánh người đâu. Thực ra, trong mắt con trẻ, vạn vật đều là vật, nói chuyện với một nhành cỏ cũng giống như nói chuyện với người lớn, thái độ với một cái bàn cũng giống như thái độ với người lớn. Có lúc, tình cảm của một bé gái đối với con búp bê mà bé yêu thích không hề thua kém tình cảm mà bé dành cho người chị gái ruột của mình. Con trẻ ngây thơ như một trang giấy trắng, đối với chúng mọi chuyện đều mới mẻ, mọi sự kinh qua đều là quá trình trải nghiệm và học hỏi.

    Trong tác phẩm nổi tiếng Emile của mình, khi bàn đến sự hình thành phẩm chất đạo đức của con người, nhà tư tưởng người Pháp Jean-Jacques Rousseau đã cho rằng, những năm tháng đầu đời của con người, tức những cảm tri mà họ tiếp nhận trong khi còn ngây thơ, trong sáng, sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc đến cuộc đời của họ. Khi trẻ còn nhỏ, mọi tình tiết trong cuộc sống đều có thể trở thành những sự kiện hàm chứa ý nghĩa giáo dục quan trọng, trong giáo dục trẻ em không có chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhỏ đều là “chuyện lớn”, đều có thể phát triển thành một thói quen tốt hoặc đức tính xấu ở trẻ. Bố mẹ cần nhạy bén trong vấn đề này, phải lưu tâm hơn, để những “chuyện nhỏ” gặp phải hàng ngày, đều trở thành mỗi viên gạch mỗi tảng đá xây nên toà nhà tình cảm tư tưởng tuyệt đẹp cho con trẻ.

    Khi con còn nhỏ, những chuyện va chạm, vấp ngã sẽ thường xuyên xảy ra, với cô con gái Viên Viên của tôi đương nhiên cũng là như vậy. Một mặt chúng tôi rất chú ý đến sự an toàn của bé, mặt khác khi xảy ra những chuyện như thế, cũng không tỏ ra ngạc nhiên quá mức. Cố gắng nhìn nhận sự việc bằng tâm trạng vui vẻ, thoải mái, để bé cảm nhận được rằng chuyện này rất bình thường, thậm chí có phần thú vị. Nếu động một chút là người lớn tỏ ra hoảng hốt, lo sợ, không những không thể an ủi được con trẻ, mà còn làm cho chúng sợ, ngoài sự đau đớn về thể xác, về mặt tâm lý cũng cảm thấy sợ hãi.

    Đồng thời chúng tôi còn giáo dục cho con gái biết đối xử tốt với “đối phương”. Ví dụ bé vấp vào chiếc ghế con bị đau, chúng tôi không bao giờ đánh ghế, mà nhẹ nhàng thơm vào chỗ đau của bé (nghe nói cái hôn của mẹ có tác dụng làm giảm đau), an ủi bé rằng “Sẽ hết đau ngay thôi, con đừng khóc nữa nhé”. Sau khi đã an ủi được phần nào, cũng sẽ xoa vết đau cho chiếc ghế con giống như xoa cho bé vậy, nói với ghế con rằng “Sẽ hết đau ngay thôi”.

    Làm như vậy, không những không để chiếc ghế con đứng ở phía đối chọi với bé, trở thành kẻ xấu “gây hại” cho bé, mà còn có thể coi như bạn bè chia sẻ nỗi đau, đồng thời để bé ý thức được rằng “va chạm” là chuyện của cả hai bên, cần phải thông cảm cho nhau. Khi xoa vết đau cho chiếc ghế con, Viên Viên cũng quên đi cái đau của mình, tinh thần nhanh chóng vui vẻ trở lại.

    Do chúng tôi thường xuyên làm như vậy, có lần tôi đưa bé đi chơi, bé chạy, vấp phải mặt đường gồ ghề, ngã xuống, hai tay rớm máu, bật khóc. Tôi vội thơm lên tay bé, thổi nhẹ, sau đó lại lau nước mắt cho bé, và bé không còn khóc nữa. Đang lúc tôi chuẩn bị dắt bé đi, đột nhiên bé ngồi thụp xuống, xoa chỗ đau cho chỗ đất mình vừa vấp, an ủi nói “Sẽ hết đau ngay thôi mà”.

    Đồng thời, nếu bé và các bạn nhỏ đều muốn chơi với búp bê, hai bên tranh giành nhau, chúng tôi vừa không yêu cầu bé phải nhượng bộ, nhưng cũng không xúi giục bé giằng lấy, mà nhanh chóng dùng một đồ vật khác để thu hút sự chú ý của bé và các bạn nhỏ, để bé biết rằng còn nhiều đồ chơi khác thú vị hơn nhiều; hoặc là hướng cho bé và bạn nhỏ khác cùng chơi, cảm nhận được nếu hai bên hợp tác với nhau sẽ rất vui vẻ. Ví dụ nói với trẻ rằng “Chúng mình cùng trang điểm cho búp bê nhé. Tóc của búp bê rối rồi. Nào, bé Triết chải đầu cho búp bê, Đình Đình vào nhà vệ sinh lấy khăn mặt lau mặt cho búp bê, Viên Viên đeo cho búp bê cái nơ lên đầu… Này, xem này, ba bạn nhỏ trang điểm cho búp bê đẹp biết bao!”. Người lớn thường xuyên hướng cho trẻ như vậy, đồng thời bố mẹ hàng ngày cũng phải đối xử với trẻ bằng thái độ thân thiện, trong bất cứ chuyện gì đều phải nghĩ cách hiểu con trẻ, không hằn học quát tháo trẻ, trẻ sẽ học được cách hiểu người khác, học được cách hoá giải mâu thuẫn một cách ôn hoà. Đặc biệt là phải học được cách “nhượng bộ”. Ngay từ nhỏ Viên Viên đã biết nhường nhịn, mỗi lần xảy ra xung đột, bé luôn luôn nhường nhịn. Sự nhường nhịn này không phải là sự nhún nhường nhát gan, mà là lòng bao dung thực sự của một đứa trẻ, là khả năng đối mặt với sự thiên biến vạn hoá.

    Khi chơi với các bé khác Viên Viên không bao giờ để xảy ra cãi nhau, bé luôn luôn biết thông qua “biện pháp” để giải quyết vấn đề. Tôi còn nhớ có một lần ở trường mầm non, Viên Viên và mấy bạn nhỏ khác chơi cầu trượt. Bé nào đứng ở vị trí đầu tiên sẽ luôn luôn là người leo lên trước trượt xuống trước, sau đó lại là người đầu tiên chạy đến chân cầu thang của cầu trượt, đợi đến khi người đằng sau trượt hết xuống, xếp hàng sau người thứ nhất rồi lại cùng nhau đi lên. Có thể đột nhiên con trẻ phát hiện ra rằng được làm “người đứng đầu” rất oai phong, nên bắt đầu tranh nhau. Bé trượt sau ra sức chạy về phía cầu thang, nhưng lại rất khó chiếm được vị trí thứ nhất, và thế là các bé bắt đầu xô đẩy nhau, hò hét, tất cả đều tỏ ra không vui. Viên Viên cũng rất muốn làm người trượt xuống đầu tiên, nhưng bé sẽ không thông qua cách hò hét hoặc xô đẩy người khác để chiếm lấy vị trí đầu tiên. Bé để mình trượt bớt đi một lượt, chờ bên cầu thang, đợi đến khi các bạn nhỏ khác trượt xuống chạy đến cầu thang, đương nhiên là sẽ phải xếp sau bé. Bé dùng cách bỏ lượt thích đáng, vừa không xảy ra mâu thuẫn với các bạn nhỏ khác, lại vừa giành cho mình cơ hội đứng đầu hàng một lần.

    Sự thấu hiểu người khác của Viên Viên còn được thể hiện trên rất nhiều phương diện. Từ nhỏ bé đã thân thiện, gần gũi với mọi thứ xung quanh, tôi và bố Viên Viên đùa đánh vào mông em búp bê một cái bé cũng không cho. Sau khi vào cấp một, quan hệ giữa bé và bạn bè trong lớp cũng rất tốt, mỗi lần lớp bình bầu “Học sinh Ba tốt” (phẩm chất đạo đức tốt, học tập tốt, sức khoẻ tốt), gần như Viên Viên luôn giành được 100% phiếu. Năm bé mới bảy tuổi, con của anh trai tôi - bé Nghị mới bốn tuổi đến nhà tôi ở mấy tháng. Viên Viên luôn luôn đối xử rất tốt với em bé, không để xảy ra mâu thuẫn gì giữa hai chị em. Có lần, tôi và Viên Viên đi mua bánh gato mà bé và bé Nghị đều rất thích ăn, chỉ còn lại một ít, cùng lắm chỉ đủ cho hai người ăn. Tôi hỏi bé về nhà có thể nhường cho bà ngoại và em ăn được không, lần này Viên Viên không ăn có được không. Viên Viên đã vui vẻ đồng ý, mặc dù rất muốn ăn, nhưng bé cũng nghĩ được rằng em bé bé như vậy, bà ngoại lại già rồi, cả hai đều cần phải được chăm sóc. Về đến nhà, bé nhất quyết nhường bánh gato cho bà ngoại và em, còn mình nói kiểu gì cũng không chịu ăn. Bà ngoại phải thốt lên rằng con bé này hiểu biết thật.

    Trường cấp hai mà Viên Viên học là trường nội trú, hàng ngày đều phát cho học sinh một quả gì đó. Về đến nhà Viên Viên nói với tôi rằng, lúc đầu nếu được chia cho một quả không ngon lắm, bé cảm thấy không vui, nhưng nghĩ nếu quả này không chia cho mình thì sẽ chia cho người khác, kiểu gì cũng phải có một người ăn nó. Nghĩ vậy lại thấy vui, từ đó trở đi bất kể được chia quả như thế nào bé đều không để ý. Lúc nói ra điều này Viên Viên mới mười tuổi.

    Viên Viên nghĩ được như vậy, chúng tôi cũng rất mừng. Tốt bụng và độ lượng luôn luôn song hành với nhau, một cô bé biết xoa chỗ đau cho chiếc ghế con, thì sẽ biết thấu hiểu và dành nhiều tình yêu thương hơn cho người khác, gặp phải vấn đề gì không bao giờ nằng nặc giữ ý kiến và lợi ích cho mình. Lối tư duy này không những giúp cô bé cảm thấy vui vẻ trong hiện tại, mà còn đảm bảo cho cô bé suốt đời không phải chịu thiệt thòi.

    Thực ra Viên Viên không phải là mẫu người vừa gặp đã cảm thấy dễ gần, cô bé sẽ chào hỏi một cách lịch sự, nhưng không hàn huyên, càng không nói những lời không thật với lòng mình để tạo quan hệ, trong quá trình giao tiếp không bao giờ có hành động lấy lòng để mang lợi cho mình. Điều này thậm chí khiến cho một số người mới gặp cô bé lần đầu cảm thấy có một chút áp lực hoặc không thoải mái, cảm thấy cô bé này quá thờ ơ, không nhiệt tình. Nhưng chỉ cần tiếp xúc nhiều với Viên Viên, sẽ phát hiện ra sự trong sáng, tốt bụng của cô bé. Từ trước đến nay cô bé luôn giữ quan hệ tốt với bạn bè, lên cấp ba, nhà trường công bố danh sách ứng cử viên là “Học sinh Ba tốt” cấp thành phố, tiến hành bỏ phiếu lựa chọn trong cả khối. Viên Viên là một trong số những ứng cử viên đó, có bạn còn đi vận động hành lang kiếm phiếu cho cô bé trong lúc cô bé không hề hay biết.

    “Kỹ xảo” của Viên Viên trong quá trình quan hệ với mọi người chính là không có kỹ xảo, mọi hành động đều hoàn toàn tự nhiên, cô bé thật lòng thân thiện với người khác, thời gian trôi qua, dần dần người khác cảm nhận được một cách rất tự nhiên, cũng khiến người khác cảm thấy dễ chịu.

    Lớp mà Viên Viên học khi lên cấp ba là lớp thực nghiệm đầu tiên, tập trung toàn học sinh giỏi của trường. Thực ra mỗi người bạn trong lớp đều là đối thủ cạnh tranh trong quá trình thi đại học. Hai tháng trước khi thi đại học, trong quá trình ôn thi, Viên Viên tổng kết ra được mấy trang ghi các nhóm từ tiếng Anh cần phải học thuộc. Cô bé cảm thấy cái này rất có ích, nếu giới thiệu cho bạn bè cùng lớp sẽ rất tốt, thế nên đã nhờ tôi in ra và mang ra ngoài photo. Chúng tôi xếp thành từng tập, ghim lại, Viên Viên cho vào túi xách mang đến lớp, phát cho mỗi bạn một tập. Mặc dù là chuyện nhỏ, nhưng cũng có thể thấy sự trong sáng và vô tư của cô bé.

    Triết gia Erich Fromm cho rằng, chủ nghĩa vị kỷ và cô độc là từ đồng nghĩa, và con người không thể thực hiện được mục đích của mình trong bối cảnh cắt đứt mọi mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Chỉ khi con người đoàn kết nhất trí, liên hệ mật thiết với đồng bào của mình, mới cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Yêu người khác không phải là một hiện tượng vượt lên trên con người, mà là một sự nội tại nào đó nằm trong con người, đồng thời những thứ phát ra từ trái tim là sức mạnh của chính con người. Dựa vào luồng sức mạnh này, con người làm cho mình và thế giới liên hệ được với nhau, đồng thời biến thế giới trở thành thế giới của anh ta một cách thực thụ. Vương Tuyển, người phát minh ra kỹ thuật in laze nói rằng: “Người nào mà nghĩ cho người khác nhiều như nghĩ cho mình thì đó là người tốt”. Chúng tôi cũng tin rằng, kỹ xảo làm người tốt nhất mà bố mẹ có thể dạy cho con chính là làm người tốt.

    Tiến sĩ giáo dục Lý Khai Phục - học giả đang tập trung nghiên cứu vấn đề giáo dục tư tưởng lành mạnh cho thanh thiếu niên đặc biệt nhấn mạnh đến “lòng thấu hiểu”, tức khả năng thấu hiểu được tinh thần và suy nghĩ của người khác, hiểu được lập trường và sự cảm nhận của người khác, đồng thời đặt mình vào địa vị của người khác để suy nghĩ và giải quyết vấn đề trong quá trình giao tiếp với mọi người. Điều này cũng giống với khái niệm “lòng thông cảm” mà nhà giáo dục người Mỹ John Dewey từng nói. John Dewey cho rằng, lòng thông cảm là một phẩm chất tốt, không đơn thuần là một tình cảm. Nó là một trí tưởng tượng cần dày công tu dưỡng, khiến chúng ta nghĩ được đến những công việc chung của nhân loại, chống lại những thứ chia rẽ con người một cách vô nghĩa. Khi những thứ như “lòng thông cảm” hoặc “lòng thấu hiểu” trở thành một phần của bản tính con người, anh ta sẽ không còn tự coi mình là trên hết, không còn nghĩ mình đang đứng trên đầu người khác, không còn sự thù địch bài xích; có sự thấu hiểu, có sự tốt bụng, có sự độ lượng.

    “Giáo dục tức là quá trình bồi dưỡng phong cách”. Dạy cho con trẻ biết “xoa chỗ đau cho chiếc ghế con”, nói là một vấn đề kỹ xảo sẽ không chính xác bằng việc coi đó là một quan niệm giáo dục hoặc quan niệm triết học. Bố mẹ nhất nhiết phải chú ý đến sự thống nhất hài hòa trong quan niệm giá trị ẩn trong mọi lời nói và hành động của mình, chỉ có những cái trước sau thống nhất, mới có thể ngấm dần, ảnh hưởng dần tới con trẻ, đồng thời ổn định trong trái tim trẻ, trở thành phong cách làm việc của trẻ.

    Nếu bình thường trẻ sơ ý bị ngã, bố mẹ áp dụng được một cách rất nhẹ nhàng là “xoa chỗ đau cho chiếc ghế con”; nhưng một ngày nào đó con trẻ không để ý làm vỡ chiếc lọ hoa mà bạn thích, bạn lại không kìm chế được và nổi trận lôi đình với con. Bình thường luôn nói với con trẻ rằng phải thấu hiểu người khác, nhưng khi suy nghĩ của con trẻ không giống với cách nghĩ của bạn, liền mắng là trẻ “không biết nghe lời”, bắt ép trẻ phải nghe lời, chứ không phải là thấu hiểu cảm nhận của trẻ - vậy thì hành vi giáo dục của bạn sẽ không thống nhất nữa, thực ra là bạn đã biến thành bậc phụ huynh không thấu hiểu, không độ lượng, giá trị quan không thống nhất. Giây phút này tinh thần của bạn được thể hiện chân thực biết bao, điều này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng trẻ, quan niệm giá trị của trẻ cũng bị bạn đảo lộn, “phong cách” cũng sẽ không thống nhất một cách hoàn chỉnh.

    Tôi đã từng được gặp một số em bé trong mắt chứa đầy vẻ đối địch, những em bé rất dễ nổi cáu, dễ dàng tấn công người khác. Có một bà mẹ, miệng vừa kêu ca cậu con trai của mình hay đánh bạn, nói “không được đánh bạn”, vừa hậm hực “giáo huấn” chiếc bàn vừa va vào đầu cậu con trai. Nhìn thấy con trai túm đánh bạn nhỏ khác, chị cũng nạt qua loa, thái độ hàm chứa sự dung túng, có thể là sợ con trai bị thiệt; bình thường còn thích đánh đùa bố của đứa trẻ, lấy đó làm niềm vui. Sau khi đi học mẫu giáo, cậu con trai của người mẹ này không chơi được với bạn, thường xuyên đánh bạn, khiến cả cô giáo và bố mẹ các bé khác đều có ý kiến. Có thể tự đáy lòng cậu bé này rất muốn chơi với các bạn nhỏ khác, nhưng trong quá trình chơi lại luôn luôn có ý thức bảo vệ mình, chỉ sợ mình bị người khác bắt nạt, hầu hết là kết thúc cuộc chơi trong sự mâu thuẫn với các bạn. Vì thế cậu bé này rất cô độc. Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt vừa cô đơn vừa đối địch đó, tôi luôn cảm thấy lo lắng cho tương lai của cậu.

    Tôi cũng từng được gặp không ít người lớn “chưa trưởng thành”, lối tư duy của họ về cơ bản là “chủ nghĩa đơn phương”, mọi cái “lý” đều đứng về phía họ, họ không hề quan tâm đến công việc và sự cảm nhận của người khác, công việc và tâm trạng của mình là điều quan trọng nhất, suy nghĩ của mình là đúng đắn nhất. Trong công việc hàng ngày và trong cuộc sống, lúc nào cũng tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ. Không những khiến người khác không vui, mà còn thường đem lại điều không vui cho mình. Khi họ sốt sắng bảo vệ lợi ích cho mình, một số lợi ích đích thực trong cuộc đời con người lại lặng lẽ trôi mất.

    Người tốt bụng mới là người ít có va chạm nhất với thế giới, mới dễ dàng trở thành người hạnh phúc. Những đứa trẻ không khắt khe về mặt suy nghĩ, lớn lên sẽ có cách đối nhân xử thế tự nhiên, có mối quan hệ hài hòa với mọi người, sẽ có được nhiều sự giúp đỡ và nhiều cơ hội hơn. Khi “xoa chỗ đau cho chiếc ghế con” trở thành một lối tư duy của con trẻ, trong cuộc sống trẻ sẽ biết thấu hiểu, tốt bụng và được tôn trọng - và những cái mà trẻ lấy được từ cuộc sống, cũng chính là những điều này.
     
  3. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Mở “cửa hàng”

    Nếu biến việc học thành một viên sôcôla nhân rượu, có trẻ nào không thích không? Nếu biến việc học thành một viên thuốc đắng, làm sao trẻ thích được?



    Tôi phát hiện ra rằng, chơi trò “mở cửa hàng” với con là một hoạt động rất tốt, thông qua trò chơi dạy cho trẻ học được cách cộng trừ nhân chia, có thể giúp trẻ rèn luyện khả năng tính toán một cách hiệu quả, là phương pháp học “học mà chơi, chơi mà học” thực thụ.

    Năm Viên Viên bốn tuổi, có một thời gian tôi dạy con học toán, lúc đầu là áp dụng phương pháp đếm ngón tay để làm các phép tính như “2+3” bằng mấy. Lúc đầu Viên Viên cũng rất thích, nhưng chơi một thời gian dài liền tỏ ra chán. Tôi liền nghĩ, có cách nào để cho trẻ vừa học được cách tính toán lại vừa có hứng thú?

    Hồi đó trong khu dân cư còn chưa xuất hiện siêu thị, thông thường tại các điểm dân cư đều có một, hai “cửa hàng nhỏ”, Viên Viên rất thích vào cửa hàng cùng tôi để mua đồ. Mỗi lần đi tôi đều cho Viên Viên nói với chủ cửa hàng cần mua gì, đồng thời đưa tiền cho chủ cửa hàng. Lúc đó chỉ là để cho con học được cách làm việc, học được cách giao tiếp với người khác một cách tự nhiên. Không ngờ điều này đã khiến cho bé có được khái niệm về tác dụng của đồng tiền ngay từ khi còn rất nhỏ.

    Một lần tôi và Viên Viên đi mua hàng về, ánh mắt bé lộ rõ vẻ hâm mộ, nói lớn lên sẽ mở cửa hàng. Tôi hỏi tại sao, bé liền nói chúng ta mua đồ phải trả tiền, còn người bán hàng lại không phải trả tiền. Sau đó tôi phát hiện ra con gái cùng các bạn nhỏ hàng xóm chơi trò mở cửa hàng, đóng vai khách hàng và chủ, người đóng vai chủ cửa hàng tỏ ra rất đắc ý. Xem ra bé rất muốn làm chủ cửa hàng, vì thế tôi đã nghĩ ra trò chơi mở cửa hàng với bé.

    Viên Viên đóng vai chủ quầy, còn tôi và ông xã đương nhiên là khách hàng. Chúng tôi lấy một số đồ dùng quây thành một “quầy hàng nhỏ”cho bé, đồng thời bày lên các loại “hàng hóa”, hàng hóa có cái là thật, có cái chỉ mang tính tượng trưng (ví dụ loại kem mà bé thích ăn nhất thì phải tìm vật thay thế), chỉ cần bé hiểu là được, sau đó chúng tôi thay phiên nhau ghé thăm cửa hàng của bé.

    Chúng tôi chăm chú ngắm nhìn hàng hóa của Viên Viên, lựa chọn sẽ mua cái gì, hỏi bé bao nhiêu tiền, có lúc còn trả giá. Lúc trả tiền, thông thường đều phải tìm tiền lẻ để trả lại, ví dụ mua một chiếc đũa sáu hào, thông thường chúng tôi sẽ đưa cho bé một tệ, như thế bé sẽ phải trả lại bốn hào.

    Lúc đầu đều là bé định giá, trẻ nhỏ định giá, cho dù lớn hay nhỏ đều là số tiền chẵn và đơn giản, ví dụ một tệ , hai trăm tệ. Thông thường Viên Viên không thích dùng những mức giá như “một tệ tư” hay “hai trăm lẻ ba tệ” để làm khó mình.

    Sau nhiều lần chơi, chúng tôi liền lén kéo bé về với các phép tính phức tạp hơn.
    Ví dụ lúc đầu một que kem có giá một tệ, chúng tôi gợi ý rằng, mấy ngày hôm nay kem lên giá rồi, mỗi que một tệ hai, ở đây con có muốn tăng giá không, tăng giá mỗi que lãi thêm được hai hào nữa. Sau đó chúng tôi đưa cho bé hai tệ hoặc năm tệ, như thế phép tính của bé đã phức tạp hơn.

    Lúc đầu Viên Viên không thích cách định giá có số lẻ này, nó khiến bé cảm thấy rắc rối khi tính toán. Tôi liền đưa bé ra cửa hàng mua đồ, bảo bé chú ý xem mức giá của các loại hàng hóa về cơ bản đều có số lẻ, và thế là “giá bán” của Viên Viên bắt đầu có số lẻ.

    Độ khó của các phép tính khi bán hàng dần được nâng lên, cần phải quá độ một cách tự nhiên, như thế sẽ giữ được hứng thú cho trẻ.

    Lúc đầu chúng tôi thường chơi phép cộng trừ trong phạm vi một trăm, sau đó lại kiến nghị bé, cho rằng một số đồ nào đó cần phải rất đắt, có thể định giá đến ba trăm, năm trăm tệ. Theo những gì tôi nhớ, năm bốn tuổi, Viên Viên đã có thể làm được phép tính cộng trừ trong phạm vi năm trăm, điều này cơ bản được học từ việc “bán hàng”.

    Trò chơi mở cửa hàng được chơi đến khi Viên Viên học lớp hai, lớp ba. Khi cô bé học phép nhân và phép chia, tôi liền lén bổ sung thêm một số kiến thức trong trò chơi, ví dụ một chiếc bút chì chín hào, tôi yêu cầu mua liền một lúc tám chiếc, hoặc là một gói bánh giá bốn tệ, bên trong có mười cái, còn tôi chỉ muốn mua ba cái. Như thế, cô bé phải vận dụng kiến thức nhân chia của mình để tính toán.

    Quá trình “bán hàng” chính là quá trình trẻ không ngừng làm các “đề ứng dụng”, điều này rất có lợi cho việc gợi mở khả năng toán học cho trẻ. Giáo dục toán học không nên kéo ngay trẻ vào các con số trừu tượng, không nên lấy những phép tính khô khan để làm khó con trẻ. Phải để cho trẻ cảm nhận được con số qua trò chơi, để chúng cảm nhận được rằng tính toán không phải là những thứ trừu tượng, mà là những thứ hữu dụng tồn tại trong cuộc sống quanh ta, có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống thường nhật của chúng ta.

    Khi Viên Viên học lớp một, lớp hai, trong lúc các bạn khác đang phải vật lộn giữa những con số trừu tượng, cô bé vừa nhìn đã biết ngay cách giải, cảm thấy những đề toán đó quá đơn giản.

    Học hết lớp hai Viên Viên liền nhảy cóc lên lớp bốn, lúc đó ban giám hiệu của trường có phần lo lắng. Nói năm lớp ba là năm quan trọng, nội dung học trong năm lớp ba khá khó, đặc biệt là môn toán. Và thế là tôi tìm hai cuốn sách toán lớp ba tập một và tập hai, bỏ ra mười ngày học hết với Viên Viên, Viên Viên nắm bài rất tốt, sau khi vào học thi cùng với một số bạn đã từng học toán lớp ba, điểm của cô bé cao nhất.

    Không phải Viên Viên là thiên tài đặc biệt gì, mà là những kiến thức có liên quan đã được cô bé sử dụng từ lâu khi “mở cửa hàng”. Việc phải vắt óc khi làm “chủ cửa hàng” đã khiến khả năng tư duy toán học của cô bé được nâng lên rõ rệt, khi học sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng.

    Trẻ em có bản tính thích mô phỏng cuộc sống của người lớn. Tôi còn nhớ hồi nhỏ thường chơi đồ hàng, rất vui. Tôi nghĩ, chắc chắn cảm giác của Viên Viên khi “mở cửa hàng” cũng giống cảm giác của tôi khi chơi đồ hàng, chỉ có điều cô bé không biết trong quá trình chơi mình đã học được cách tính toán.

    Vì thế, tại sao học tập cứ buộc phải “khổ”? Học tập cũng có thể tiến hành trong niềm vui. Hơn nữa, học tập được tiến hành trong niềm vui sẽ giúp trẻ học tốt hơn. Chúng ta đều mong muốn con em mình thích học, nếu biến việc học thành một viên sôcôla nhân rượu, có trẻ nào không thích không? Nếu biến việc học thành một viên thuốc đắng, làm sao trẻ thích được?

    Trong trò chơi “mở cửa hàng” cần phải chú ý một số vấn đề sau:

    Trước hết là không nên nói cho trẻ biết dụng ý của mình.
    Chơi trò chơi này, bố mẹ chơi là để cho trẻ học được cách tính toán, nếu bạn nói cho trẻ biết mục đích này, hoặc bị trẻ phát hiện ra, trẻ sẽ không còn hứng thú chơi nữa. Cần phải để cho trẻ cảm nhận được rằng đây chỉ là một trò chơi, chỉ là để chơi thôi. Khi chơi với trẻ, người lớn cần chăm chú và nghiêm túc, coi mình là trẻ và chơi một cách say sưa, trong quá trình này không nên thuyết giáo điều gì, càng không nên trách mắng trẻ nếu con tính sai.

    Hai là tránh để trẻ cảm thấy ngại ngùng.
    Trong quá trình chúng tôi chơi với Viên Viên, lúc đầu Viên Viên không có cảm nhận gì với việc định giá cao hay thấp cho đồ vật nào đó, hoàn toàn là báo giá theo cảm tính. Ví dụ cô bé áp giá cho một “que kem” là một trăm tệ, bố cô bé liền nói với giọng rất khoa trương rằng: “Hả, sao mà đắt vậy!”. Ý bố Viên Viên là muốn tạo bầu không khí, anh than như vậy vì biết rõ giá cả thị trường, nhưng câu nói của anh đã khiến Viên Viên sợ. Qua cách nói của bố, Viên Viên cũng cảm nhận được rằng mình đưa ra giá cao quá, nên bé có phần luống cuống. Khi hỏi đến giá của món đồ tiếp theo, lúc báo giá cô bé có phần e dè, thấp thỏm, ngần ngừ đưa ra một con số, sau đó chờ đợi phản ứng của người lớn, thăm dò xem mình đưa ra giá như thế có đúng hay không. Cứ tiếp tục chơi như vậy, sự chú ý của trẻ sẽ không thể tập trung vào trò chơi nữa, thời gian dài sẽ cảm thấy căng thẳng và chán. Tôi vội vàng đứng ra xoa dịu, nói với bố Viên Viên rằng que kem này rất thơm, nên đáng giá như vậy.

    Xong chuyện tôi nói với bố Viên Viên, từ sau bất kể con đưa ra giá bao nhiêu, đều không tỏ ra ngạc nhiên hay thắc mắc. Đừng lấy kinh nghiệm sống của bạn để can thiệp vào tư duy của trẻ, trẻ không có khái niệm giá cả thị trường. Mục đích của chúng ta chỉ là để trẻ học được cách tính toán, không phải là dạy trẻ học được cách làm ăn, chính vì thế trẻ đưa ra giá bao nhiêu cũng không quan trọng. Trẻ hoàn toàn có thể đưa ra giá cho một kilogam gạo là hai trăm tệ, cũng có thể đưa ra mức giá bốn hào cho một chiếc nhẫn.

    Thứ ba là không để phép tính làm khó trẻ.
    Một điều bố mẹ cần phải nhớ là, đây là trò chơi, chứ không phải giờ học toán. Bố mẹ có thể thông qua việc “mua bán” để phát triển khả năng tính toán của trẻ, nhưng không nên vội vàng. Trong quá trình chơi phải đặt niềm vui của trẻ lên hàng đầu, việc học đặt ở vị trí thứ hai. Độ khó của phép tính có thể nâng cao dần dần, nhưng không nên để phép tính quá khó ảnh hưởng đến niềm vui. Nếu trong quá trình mua bán trẻ liên tục cảm thấy phép tính khó, trẻ sẽ nản chí và mất hứng thú chơi.

    Bốn là không nên ép buộc con trẻ chơi.
    Không nên vì mục đích bắt trẻ học mà thường xuyên chơi một trò chơi. Sau khi tôi kể cho một số người nghe về trò chơi này, liền có người về nhà chơi với con hàng ngày. Lúc đầu trẻ còn có hứng thú, nhưng chơi liền ba ngày là không muốn chơi nữa, bố mẹ liền dỗ ngon dỗ ngọt bảo phải chơi.

    Cũng có những lúc, vừa chơi chưa được bao lâu, chưa mua bán được gì, vì một lý do nào đó mà trẻ đột nhiên không muốn chơi nữa, lúc này bố mẹ cũng không nên bắt ép, chỉ cần trẻ thể hiện ra là không muốn chơi nữa, thì nên dừng lại ngay, để tránh làm cho trẻ cụt hứng với trò chơi. Nếu bố mẹ tỏ ra quá tích cực trong trò chơi, dễ khiến trẻ phát hiện ra dụng ý của bạn.

    Thứ năm là cố gắng dùng tiền thật.
    Lúc đầu tôi và Viên Viên chơi, không muốn dùng tiền thật, cảm thấy như thế không vệ sinh, liền dùng một số mảnh giấy ghi giá tiền. Nhưng tôi phát hiện thấy con gái không hứng thú lắm với tiền giả, chỉ cần con trẻ ý thức được rằng tiền có thể đổi lấy được thứ mà mình cần, sẽ rất có thiện cảm với tiền. Dùng tiền thật có thể giúp trẻ chơi một cách say mê hơn, chơi xong chú ý rửa tay là được.

    Viết đến đây tôi nghĩ, nếu ghi lại số “tiền lãi” của mỗi lần chơi của trẻ, đồng thời giữ lại số tiền mà trẻ kiếm được, lúc mua đồ cho trẻ dùng số tiền này, có thể sẽ càng kích thích trẻ thích chơi hơn. Điểm này tôi không áp dụng với Viên Viên mà chỉ đoán làm như thế sẽ hay hơn.

    Thứ sáu là cố gắng thay đổi cách chơi, cố gắng để cho mỗi lần chơi khác nhau.
    Thông thường trẻ muốn làm “chủ cửa hàng”, đặc biệt là lúc ban đầu. Sau vài lần chơi, để trò chơi luôn giữ được sự mới mẻ, có thể đổi vai diễn cho trẻ, để trẻ làm người mua hàng. Cho dù ai làm khách hàng, đều có thể đóng các vai khác nhau, hình thành nên các tổ hợp khác nhau, có lúc là cụ ông cụ bà, có lúc là bạn nhỏ, có lúc là bác sĩ hoặc cô giáo. Các đối tượng khác nhau có các sự việc và nhu cầu khác nhau, như thế sẽ có rất nhiều câu chuyện xảy ra. Ngoài ra còn có thể để cho các loại đồ chơi trong nhà tham gia, như chó bông hoặc gấu bông… đến mua đồ, đương nhiên là có người thay chúng nói chuyện và trả tiền.

    Ngoài việc “mở cửa hàng”, chúng tôi và Viên Viên còn “bán rau”. Có lúc Viên Viên cũng chịu làm chủ quầy hàng rau xanh, chúng tôi liền vẽ ra các loại rau, hoa quả lên giấy, hoặc tìm các đồ vật thay thế, chơi trò bán rau với con gái. Tôi còn đến cửa hàng bán thuốc đông y mua cho con gái một chiếc cân đĩa nhỏ, bởi hồi đó loại cân mà những người bán rau hay dùng ở chợ đều là cân tay bình thường.

    Hoạt động “mở cửa hàng” đã gợi ý cho ta thấy: Phương pháp học kết hợp với cuộc sống sẽ cho hiệu quả cao hơn, phương pháp giáo dục bắt nguồn từ cuộc sống có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi.

    Dạy con học không nhất thiết là phải ngồi vào bàn học, chỉ cần lưu tâm một chút, ở đâu cũng có thể phát hiện ra cơ hội giáo dục. Ví dụ, khi dạy trẻ đếm từ 1 đến 10, nếu bạn chỉ đọc đi đọc lại những chữ số này, trẻ chỉ nghe thấy những âm tiết, thực ra trẻ không biết những âm tiết này đại diện cho cái gì, cũng không hiểu “1, 2, 3, 4” này là cái gì. Nếu lúc bạn bế trẻ lên cầu thang, mỗi lần đều vừa đi vừa đếm số bậc cầu thang; lúc mở một hộp kẹo sôcôla, trước tiên nhất thiết phải đếm xem có bao nhiêu cái sau đó mới ăn. Tóm lại, mỗi khi đọc đến “1, 2, 3, 4…”, luôn liên hệ với một việc cụ thể nào đó, trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, đồng thời hiểu được khái niệm về chữ số.

    Tôi còn nhớ rất rõ khi Viên Viên hai tuổi rưỡi, có một lần bố bé đi công tác về, mua cho bé 6 hộp sữa chua Wahaha. Buổi sáng bé uống một hộp, tôi bỏ số còn lại vào tủ. Buổi chiều đột nhiên Viên Viên hỏi: “5 hộp sữa đó đâu hả mẹ?”. Không ngờ bé lại biết còn 5 hộp, tôi thực sự ngạc nhiên. Lúc đó bé vẫn chưa biết làm phép tính cộng trừ, lúc này bé đã hiểu được khái niệm về số có lẽ là do tôi thường xuyên cùng bé đếm các đồ vật “1, 2, 3, 4”.

    Sau khi trẻ vào trường, vẫn có thể thông qua “các hoạt động” để học bài. Tôi phát hiện ra rằng để trẻ làm “cô giáo” giảng bài cho bố mẹ cũng là một hoạt động rất hay.
    Lúc Viên Viên mới vào trường tiểu học, cô giáo dạy các em học phiên âm, để giúp con nhanh chóng nắm được, tôi liền nói với bé, hồi nhỏ mẹ không chịu khó học phiên âm, quê mẹ nói tiếng địa phương, chữ phiên âm mà cô giáo dạy mẹ cũng không đúng với tiêu chuẩn. Con được học cách viết phiên âm ở trường, tối về dạy cho mẹ được không? Tôi nói rất chân thành, Viên Viên nghe thế rất mừng, nói vâng ạ. Sau đó hàng ngày cô bé liền đem những kiến thức đã học về nhà dạy cho tôi, tôi cũng chăm chú lắng nghe, chăm chú học.

    Lúc chơi trò “làm cô giáo”, tôi lưu ý có một số vấn đề sau:
    Thứ nhất, khi thiết kế những hoạt động này, bố mẹ cần “trao quyền”, để trẻ được “nắm quyền”.
    Trò chơi làm cô giáo cũng giống như trò chơi mở cửa hàng, đều là để trẻ vận dụng kiến thức, học hỏi kiến thức trong thực tiễn. Chúng còn có một đặc điểm chung là để cho trẻ cảm thấy mình “có quyền”, đây cũng là nguyên nhân tại sao những trò chơi như thế này thu hút được trẻ. Chính vì thế trong các hoạt động này cần phải để trẻ trở thành nhân vật chủ chốt và người chủ động trong hoạt động, đừng để trẻ cảm thấy mình bị động, bị người lớn chỉ đạo.

    Thứ hai, cần phải lựa chọn những đáp án hoặc những thứ có đáp án hoặc nội dung tương đối cụ thể, chính xác để trẻ giảng.
    Trong môn Ngữ văn tôi chỉ để Viên Viên dạy cách viết phiên âm, bởi cách học ngôn ngữ mang tính mở, trẻ khó giảng, giảng rồi cũng không có ý nghĩa gì. Thông thường tôi hay để cho bé giảng môn toán, bởi đặc điểm của toán học là chặt chẽ. Đồng thời cũng cần phải chú ý rằng, không nên lạm dụng trò dạy học, thông thường là lén quan sát việc học của con, chỉ khi phát hiện ra giai đoạn nào con nắm chưa được vững, tôi mới bảo con giảng bài cho tôi. Điều này cũng giống như việc “mở cửa hàng”, không nên để trẻ cảm thấy chán, cần phải nghĩ cách để giữ niềm hứng thú của trẻ.

    Thứ ba, phương thức đưa ra yêu cầu của bố mẹ cần tự nhiên, không thể chỉ lấy mỗi việc hồi nhỏ mình không học cẩn thận làm cái cớ.
    Ví dụ có lúc tôi tìm được một lỗi trong vở bài tập của Viên Viên, và lỗi sai này là do cô bé chưa hiểu rõ khái niệm, sau đó tôi giả vờ kinh ngạc nói “Câu này hình như là làm đúng, sao cô giáo lại gạch sai nhỉ?”. Và thế là tôi liền gọi Viên Viên, xem là do cô bé làm sai hay cô giáo chấm sai. Trong quá trình này, tôi vừa phải giả vờ không rõ vấn đề đồng thời lại vừa phải định hướng cho con theo lối tư duy đúng, vì muốn làm rõ vấn đề mình sai hay cô giáo sai, Viên Viên cũng sẽ chăm chú cùng tôi phân tích, suy nghĩ lại khái niệm. Kết quả đương nhiên sẽ chứng minh được là cô bé làm sai câu này, nhưng ít nhất Viên Viên đã chỉnh lại được “cái sai” cho mẹ, điều này cũng khiến cho trẻ cảm thấy mình vừa làm được một việc rất quan trọng. Đồng thời về cơ bản cũng nắm vững được khái niệm mà trước đó hiểu chưa sâu.

    Không nên vạch ra những lỗi mà trẻ mắc phải trong quá trình giảng bài, càng không thể cười nhạo những sai sót của trẻ.
    Đã đóng vai là học sinh, bố mẹ nhất thiết phải có thành ý, nghiêm túc lắng nghe trẻ giảng bài. Cũng giống như việc mở cửa hàng, không nên để trẻ phát hiện ra dụng ý của bạn, nếu không trẻ chỉ cảm thấy bố mẹ dùng phương thức này để kiểm tra mình, trẻ sẽ không cảm thấy tự hào, cũng không có hứng thú. Nếu lối tư duy hoặc cách trình bày của trẻ có lỗi, cần phải khéo léo nói ra, hoặc dùng phương pháp gợi ý để trẻ suy nghĩ theo lối tư duy đúng. Không bao giờ để trẻ có cảm giác mình giảng không hay mà cảm thấy ngượng ngùng. Trong quá trình này chỉ cần bố mẹ có chút gì đó giáo huấn hoặc nhạo báng, trẻ sẽ rất buồn bã và mất tự tin. Nhất thiết phải để cho trẻ cảm nhận được thành tích của mình trong quá trình này.

    Năm 2004, tôi có tham dự một buổi diễn thuyết của học giả Lưu Trường Danh - nhà giáo dục đương đại nổi tiếng, hiệu trưởng trường trung học phổ thông số bốn Bắc Kinh. Trước khi lên làm hiệu trưởng ông là giáo viên dạy vật lý rất giỏi của trường này. Khi nói đến chuyện mình làm thầy giáo dạy vật lý, học sinh của ông nếu làm sai câu nào trong bài kiểm tra, sau khi để học sinh làm lại câu này, ông còn cho học sinh này giảng cho cả lớp nghe một lần - hiệu quả của “làm một lần” và “giảng một lần” là hoàn toàn khác nhau. Những cái có thể giảng ra một cách rõ ràng ắt phải bao hàm sự suy nghĩ một cách nghiêm túc, đồng thời đã được lý giải rõ ràng, sau đó mới giảng ra được một cách rõ ràng. Những thứ đã từng giảng sẽ ăn sâu vào đầu mình hơn - nếu nói “làm một lần” chỉ là học lại một lần, thì “giảng một lần” đã trở thành thực tiễn, đối với học sinh đây cũng là một hoạt động ứng dụng kiến thức, có thể giúp chúng nắm chắc hơn.

    Hoạt động này cũng có thể ứng dụng trong gia đình, khi phụ huynh muốn phụ đạo bài tập cho con, không bằng việc bạn để trẻ “phụ đạo” bài tập cho bạn. Đương nhiên bạn cũng phải nghĩ cách để làm cho thật khéo, để cho hoạt động này diễn ra một cách tự nhiên, chứ không nên để trẻ cảm thấy căng thẳng hoặc ngại ngùng.

    Tôi nghe một vị phụ huynh phàn nàn rằng cậu con trai mới vào cấp ba của anh học toán không tốt lắm, gặp vấn đề khó thường dễ dàng bỏ qua, không chịu đào sâu suy nghĩ. Anh nhìn vở toán của con, thấy những nội dung đó đã vượt quá phạm vi kiến thức của mình, mình cũng không thể phụ đạo được. Theo suy nghĩ của người bình thường, thì nên tìm cho trẻ một giáo viên, hoặc đi học thêm, nhưng nghĩ đến vấn đề trình độ phụ đạo của người khác và sự tiện lợi, anh cảm thấy mình nên học cho hiểu sau đó phụ đạo con sẽ tốt hơn. Và thế là anh bắt đầu nghiên cứu sách giáo khoa môn toán. Trình độ giải toán của con trai lúc đó kiểu gì cũng khá hơn anh, có chỗ nào không hiểu anh liền hỏi con. Trong quá trình giảng con cũng có rất nhiều chỗ không rõ, hai bố con liền cùng nhau nghiên cứu, nếu nghiên cứu không ra vấn đề thì để con đi đến trường hỏi thầy cô giáo hoặc bạn học, về nhà giảng lại cho bố nghe. Người bố không phải chỉ giả vờ làm học sinh, mà là học rất nghiêm túc. Khi phát hiện ra trình độ toán học của mình được nâng cao, điểm toán của con trai cũng tiến bộ rõ rệt, và con trẻ cũng học được cách đào sâu suy nghĩ vấn đề, không còn giống như trước, vừa có vấn đề là bỏ đó đợi người khác nói cho mình, hiệu quả tốt hơn nhiều so với việc đi học thêm.

    Tóm lại, bố mẹ nên đầu tư một chút công sức, thời gian, thiết kế và tạo ra những công việc bao hàm kiến thức để trẻ tự làm, còn hơn là lo lắng về điểm thi, bỏ tiền bỏ công sức, bắt ép trẻ phải học, để cho trẻ có cơ hội vận dụng những kiến thức mà mình đã học để giải quyết một số vấn đề thực tế, thực tiễn là “lớp học thêm” bổ ích nhất.

    Ngoài hai ví dụ “mở cửa hàng” và “làm cô giáo” ở trên, chắc chắn vẫn còn có thể tìm được không ít phương pháp. Ví dụ, khi bố mẹ tính toán tiền nong của gia đình, lấy cớ nói máy tính hỏng, nhờ con đang học tiểu học tính bằng bút hộ; đồ gia dụng hỏng, có thể cùng trẻ vận dụng những kiến thức vật lý mà trẻ học được trong giờ vật lý để sửa thử. Đặc biệt là qua sở thích của trẻ, tìm ra các kiến thức cần nắm vững, kết hợp sở thích của trẻ với các hoạt động là tốt nhất.

    Nhà giáo dục vĩ đại người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky(1) cho rằng: “Nguyên nhân khiến trẻ em tụt hậu việc học hành là do trẻ không học được cách suy nghĩ. Các sự vật, hiện tượng, các mối liên hệ qua lại trong thế giới xung quanh, không trở thành ngọn nguồn suy nghĩ của trẻ… Hãy để các sự vật thực tế dạy cho trẻ biết cách suy nghĩ - đây là điều kiện vô cùng quan trọng để tất cả các trẻ em bình thường đều trở nên thông minh, nhanh nhẹn, chăm học, ham hiểu biết”(2).

    Tư tưởng giáo dục cốt lõi của nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ John Dewey là, trẻ em nên học tập từ cuộc sống, học tập từ những việc mà mình làm, chứ không phải học tập trong sách vở. Ông cho rằng phương pháp dạy học mãi mãi thành công trong giáo dục chính là “Hãy cho học sinh một số việc để làm chứ không phải là cho chúng một số thứ để học”(3).

    Chính vì vậy, khi bố mẹ muốn con trẻ tiến bộ trong học tập, không nên giúp đỡ trẻ bằng cách kéo chúng lại với sách vở, kéo chúng vào lớp học thêm, mà nên tạo một số cơ hội, để trẻ vận dụng những kiến thức mà mình đã học giải quyết một số vấn đề. Bất luận là học cái gì, nếu chúng ta tạo cơ hội thực tiễn “mở cửa hàng” cho trẻ, thì đa số trẻ sẽ không phải khổ sở vì chuyện học hành nữa.


    Lưu ý đặc biệt

    Khi chơi trò “mở cửa hàng” với trẻ, người lớn cần chăm chú và nghiêm túc, coi mình là trẻ và chơi một cách say sưa, trong quá trình này không nên thuyết giáo điều gì, càng không nên trách mắng con trẻ nếu con tính sai.

    Trong quá trình chơi phải đặt niềm vui của trẻ lên hàng đầu, việc học đặt ở vị trí thứ hai. Giáo dục toán học không nên kéo ngay trẻ vào các con số trừu tượng, không nên lấy những phép tính khô khan để làm khó trẻ. Phải để cho trẻ cảm nhận được con số qua trò chơi, để chúng cảm nhận được rằng tính toán không phải là những thứ trừu tượng, mà là những thứ hữu dụng tồn tại trong cuộc sống quanh ta, có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống thường nhật của chúng ta.

    Sau khi vào học ở trường, vẫn có thể thông qua “hoạt động” để học bài. Khi phụ huynh muốn phụ đạo bài tập cho con, không bằng việc bạn để trẻ “phụ đạo” bài tập cho bạn. Khi thiết kế những hoạt động này, bố mẹ cần “trao quyền”, để trẻ được “nắm quyền”, trở thành nhân vật chủ chốt và người chủ động trong hoạt động, đừng để trẻ cảm thấy mình bị động, bị người lớn chỉ đạo.


    -------
    Chú thích:

    (1)Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky (1918-1970): Nhà giáo dục người Ukraina (Liên Xô trước kia).

    (2)Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo.

    (3)John Dewey, Chủ nghĩa dân chủ và giáo dục.


    (Nguồn: Tusachnguoimetot)
     
    Sửa lần cuối: 25/10/2011
  4. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Những em được gậy thần chạm vào có lực học tốt



    Cấp một, thậm chí là cấp hai, không có cái gọi là tụt hậu trong việc học, cũng không tồn tại thành tích xuất sắc tuyệt đối, tất cả đều có thể thay đổi. Sức mạnh thần kỳ khiến tình hình thay đổi chính là việc đọc sách ngoài giờ học.



    Có một cây “gậy thần” rất thần kỳ, em nào được nó chạm vào sẽ trở nên thông minh hơn, có nhiều tiềm năng hơn trong học tập. Cây “gậy thần” này là gì? Ai sẽ may mắn được nó chạm vào, đây chắc chắn là điều mà rất nhiều người muốn biết. Xin hãy tha lỗi cho sự cố làm ra vẻ huyền bí của tôi, không phải tôi đang nói đến truyện cổ tích, mà là đang đưa ra một phép ví von, bởi không có cách ví von nào thích hợp hơn nó.

    Hãy cho phép tôi nói xa hơn một chút, nói về câu chuyện có thực của bốn em nhỏ.

    Tôi đã từng có cuộc tiếp xúc trong một thời gian khá dài với các em học sinh lớp năm ở một trường tiểu học, nên biết các em rất rõ. Trong lớp có bốn em học sinh, tôi thường chia các em làm hai nhóm, sau đó đặt lại gần nhau để so sánh.

    Nói về hai em đầu tiên trước, một cô bé tên là Hiểu Phi và một cậu bé tên là Tiểu Tráng, hai em nay đều học rất cố gắng, thành tích học tập ở mức khá xuất sắc, tính cách không huênh hoang cũng không sống nội tâm, trong giờ học không gây mất trật tự, ở trong lớp là những học sinh vừa được cô giáo quý nhưng lại dễ bị lãng quên.

    Một nhóm khác gồm hai em trai, một em tên là Bác, một em tên là Thành. Bác là một học sinh rất xuất sắc, môn nào học cũng giỏi, rất có năng lực, đặc biệt còn rất có chính kiến, em là một trong số rất ít học sinh gần như không tìm được khuyết điểm nào mà tôi đã từng gặp; còn Thành là một học sinh vừa có ưu điểm, vừa có khuyết điểm, thường xuyên không làm bài tập cẩn thận, thành tích học tập bình thường, nhưng rất có khiếu nói năng, lúc nào cũng tỏ ra lười biếng, nhưng không vi phạm kỷ luật nhiều.

    Bốn em nhỏ này khiến tôi phải chú ý và so sánh là do bắt nguồn từ bài tập làm văn của các em. Hai em đầu tiên, bài văn của Hiểu Phi và Tiểu Tráng tôi đã đọc, chữ viết mặc dù không quá đẹp nhưng gọn gàng, nhưng trình độ viết văn rất kém, nội dung nghèo nàn, có nhiều lỗi chính tả, chữ cũng viết sai khá nhiều, điều này có phần trái ngược với điểm thi tương đối khá của các em lúc bình thường. Mỗi bài văn của các em đều bị cô giáo yêu cầu sửa đi sửa lại, các em sửa rất nghiêm túc, chép đi chép lại nhiều lần, nhưng nếu so sánh bản sửa lần thứ tư với bản sửa lần đầu tiên thì chỉ có thể nhìn thấy dấu vết đã được sửa, không thấy sự tiến bộ; lật sang bài văn tiếp theo, trình độ vẫn giậm chân tại chỗ. Xem các vở bài tập khác của hai em, đều có thể cảm nhận sự cố gắng và sự lực bất tòng tâm của các em trong việc học.

    Về cơ bản tôi đã có thể phán đoán được vấn đề của các em nằm ở đâu.

    Tôi đã tìm hai em này để nói chuyện. Hỏi các em cùng một câu hỏi là: Các cháu có thường xuyên đọc sách ngoài giờ học không? Thấy tôi hỏi như vậy, Hiểu Phi rất e dè, nói với tôi rằng, cô bé rất muốn đọc, nhưng bố em không cho phép, sợ ảnh hưởng đến việc học, nên đã cho hết những cuốn sách mà cô bé có thể đọc vào tủ và khóa lại. Nhà Hiểu Phi có đặt tờ báo tặng kèm tạp chí Độc giả, cô bé rất thích đọc tạp chí này, nhưng mỗi lần có báo mới, bố mẹ đều tìm cách giấu đi không cho em xem. Còn Tiểu Tráng thì nói rằng em không thích đọc sách ngoài giờ học, ngoài mấy cuốn truyện tranh, em không bao giờ đọc cuốn sách nào khác.

    Tôi nghĩ nếu hai em bé này cứ tiếp tục như vậy thì thật là đáng tiếc, các em biết nghe lời như vậy, lại chịu khó, đáng lẽ phải xuất sắc hơn trong việc học. Và thế là tôi đã mời bố mẹ của hai em đến để nói chuyện, mục đích là muốn họ quan tâm đến việc đọc sách ngoài giờ học của con hơn, thông qua việc đọc sách để giải quyết vấn đề học hành khó khăn của các em.

    Bố của Hiểu Phi nói, con bé hàng ngày chăm chỉ học hành như vậy, thành tích học tập mới chỉ đạt loại khá, nếu như lại phân tâm đọc các cuốn sách khác, tụt xuống mức trung bình thì sao? Mẹ của Tiểu Tráng cho rằng để Tiểu Tráng đọc sách lại tăng thêm gánh nặng học hành cho trẻ, một tuần Tiểu Tráng học thêm sáu buổi và học nhạc một buổi, từ thứ hai đến chủ nhật không có ngày nào nghỉ, nhà em ở khá xa, mỗi ngày đi xe bus cả đi cả về hết hai tiếng rưỡi, mỗi ngày Tiểu Tráng chỉ được ngủ sáu tiếng đồng hồ. Chính vì thế mẹ em nói, không thể tăng thêm gánh nặng cho em nữa.

    Tôi nói với hai vị phụ huynh rằng, hiện giờ hai em này đang học tiểu học, mỗi lần điểm thi cao hơn hay thấp hơn một vài điểm không quan trọng, hiện tại vấn đề của các em là lực học không tốt, đây mới là vấn đề lớn, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học sau này của các em. Không cần phải đi học thêm nhiều như vậy, không nên yêu cầu cao về điểm thi, để các em được đọc nhiều sách hơn, như thế mới giảm được gánh nặng học hành cho trẻ một cách căn bản, lực học của các em mới được nâng cao, tương lai mới có được thành tích học tập tốt thực sự.

    Tôi cố gắng nói cho rõ vấn đề, lúc đó họ cũng bày tỏ sự đồng tình với lời gợi ý của tôi. Nhưng sau đó tôi lại tìm hiểu qua các em, không có gì thay đổi. Bố của Hiểu Phi cho rằng, do gia đình mình đặt báo được tặng kèm tạp chí Độc giả, khiến con trẻ không yên tâm học hành, vì thế đã đổi quà tặng sang sữa. Bản thân Tiểu Tráng không có nguyện vọng đọc sách, mẹ em cũng không định cho em có nguyện vọng này, chỉ có ý định đăng ký cho em học môn Taekwondo, lý do là con trẻ học hành cả ngày ít vận động, học lớp này vừa được vận động lại có thể phòng thân, nhất cử lưỡng tiện, tôi không biết mẹ em sẽ lấy thời gian ở đâu cho em nữa. Và tôi còn tìm hiểu được rằng, mấy lớp học thêm mà Tiểu Tráng học, có một lớp là lớp ngữ văn.

    Khác hẳn với Hiểu Phi và Tiểu Tráng, Bác và Thành viết văn rất tốt, gần như cả bài không viết sai chữ nào hoặc đặt câu sai. Bác viết chữ rất gọn gàng thoáng đãng, trong bài viết luôn có cái nhìn và tài liệu độc đáo; mặc dù chữ Thành viết không được đẹp, trong bài thỉnh thoảng lại có chỗ gạch xóa, không sạch sẽ, và các bài văn của em thể hiện trình độ rất khác nhau, có bài vừa đọc là biết không tập trung viết, đối phó cho qua chuyện, nhưng có mấy bài xem ra là em dành nhiều công sức ra để viết, qua nét chữ có thể cảm nhận được cái hay, cái bay bổng của bài văn, khiến người ta phải khen ngợi.

    Tôi cũng đã từng nói chuyện riêng với hai em này, biết được các em đều thích đọc sách ngoài giờ học. Ở nhà Bác có rất nhiều sách, em đọc rất nhiều, chủ yếu là các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài, sách lịch sử, sách thuộc lĩnh vực tự nhiên, vượt xa lượng sách mà ở độ tuổi của em cần phải đọc. Bố mẹ Thành đi làm ăn thường không ở nhà, em sống với ông bà nội, nhà ông bà nội không có máy vi tính, ti vi cũng rất ít mở, không có việc gì làm em đành mua rất nhiều sách về đọc. Thành đọc rất nhiều loại sách, động vật, khoa học viễn tưởng, trinh thám, võ hiệp, tìm được cuốn nào là đọc cuốn đó.

    Hai em này không những làm văn hay, các vấn đề khác đều ứng phó một cách linh hoạt. Bác là một học sinh giỏi nhưng không phải là mọt sách, em thích đá bóng, dành rất nhiều thời gian cho việc đá bóng; Thành mặc dù thành tích học tập không tốt lắm, nhưng theo lời cô giáo chủ nhiệm của em, em rất thông minh, thành tích học tập hiện giờ của em là do em nhắm mắt mà giành được, chỉ cần em tập trung học ba ngày là lọt được vào ba bạn có điểm cao nhất lớp.

    Tôi rời lớp học này, để lại cho các em địa chỉ email của mình, hiện giờ tôi vẫn giữ liên lạc với một số em. Hiện giờ các em đã học lớp chín, chuẩn bị phải thi vào cấp ba. Bác không viết thư cho tôi, nhưng mẹ em thường xuyên liên lạc với tôi, chúng tôi chưa gặp nhau lần nào, thông qua mạng Internet trao đổi với nhau các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục con trẻ. Bác học ở một trường điểm của thành phố, theo lời mẹ em thì hiện tại em vẫn học rất tốt, vì có thành tích học tập tốt và đá bóng giỏi, em đã được tuyển thẳng vào trường cấp ba tốt nhất của thành phố. Hiểu Phi vẫn liên lạc với tôi, cấp hai em học ở một trường bình thường, đội ngũ giáo viên và mọi vấn đề khác đều không tốt. Nghe nói Tiểu Tráng và Thành cũng học ở trường này, hiện giờ lực học của Hiểu Phi và Tiểu Tráng chỉ đạt mức trung bình, chắc chắn sẽ không thi vào được trường tốt; nhưng sau khi lên lớp chín, Thành bắt đầu thấy sốt ruột, em đã hiểu được tầm quan trọng của việc học, hiện giờ là một trong mấy em đứng đầu của khối, còn được bình chọn là “Học sinh Ba tốt”. Hiểu Phi còn nói, hiện giờ càng ngày em càng không muốn học nữa, cảm thấy học thật là khó.

    Xu thế phát triển trong việc học của mấy em học sinh này đã rõ ràng.

    Chắc chắn bố mẹ của Hiểu Phi và Tiểu Tráng rất thất vọng vì con em mình, họ đã làm rất nhiều điều cho con, nhưng thành tích học tập của con lại không lý tưởng, trong thời điểm then chốt, không biết họ sẽ nghĩ ra cách gì để giúp con, về cơ bản có thể khẳng định rằng, họ càng không cho con đọc sách ngoài giờ học nữa – từ đó, có thể dự đoán rằng, con em họ không những rất khó đạt được thành tích cao trong kỳ thi vào cấp ba sắp tới, mà trong giai đoạn học cấp ba, sẽ không có gì khởi sắc, và trong tương lai, trong suốt cuộc đời, lực học của các em chỉ bình bình và đầy khó khăn.

    Còn Bác và Thành, lực học của các em đã ổn định, trong cuộc sống học tập sau này, các em sẽ càng chủ động hơn và nắm vững hơn.

    Chuyện của bốn em nhỏ nói đến đây, vấn đề tôi muốn nói đã rõ ràng rồi.

    Cây “gậy thần” là gì, chính là đọc sách ngoài giờ học. Nó có một ma lực, âm thầm phú cho con trẻ nguồn năng lượng khác nhau – tất cả những em từ nhỏ đã đọc nhiều sách, trạng thái trí tuệ và lực học của các em sẽ tốt hơn; tất cả những em từ nhỏ ít đọc sách, lực học thường rất bình thường; kể cả là tốc độ làm bài tập, thông thường đều chậm hơn rất nhiều so với các em đọc nhiều sách.

    Tại sao đọc sách lại có ảnh hưởng lớn đến trí tuệ và lực học của con trẻ?

    Nhà giáo dục Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu về việc đọc sách của thanh thiếu niên, ông đã trình bày nhiều quan điểm rõ ràng về mối quan hệ giữa việc đọc sách và lực học.

    Ông nói: “Kinh nghiệm ba mươi năm khiến tôi tin rằng, sự phát triển về mặt trí tuệ của học sinh được quyết định bởi khả năng đọc sách tốt”. Từ góc độ tâm lý học ông phân tích rằng, “Thiếu khả năng đọc sách sẽ gây trở ngại và ức chế sự hình thành của những liên kết rất nhỏ trong não, khiến chúng không thể bảo đảm một cách thuận lợi mối liên hệ giữa các tế bào thần kinh. Người nào không giỏi đọc sách, người ấy sẽ không giỏi suy nghĩ”(1). Ông đã chỉ ra cái hại của việc ít đọc sách, “Tại sao có những học sinh thời thiếu nhi thông minh, lanh lợi, khả năng lý giải tốt, chăm chỉ ham học hỏi, nhưng đến thời thiếu niên trí tuệ lại sa sút, thái độ đối với tri thức lạnh nhạt, đầu óc không linh hoạt? Đó là do chúng không biết đọc sách!”, trong khi “Một số học sinh dành thời gian không nhiều cho việc làm bài tập ở nhà, nhưng thành tích học tập của chúng lại không kém. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không hoàn toàn nằm ở chỗ những học sinh này có tài năng hơn người. Đó thường là do chúng có khả năng đọc khá tốt. Và khả năng đọc khá tốt đã thúc đẩy tài năng, trí tuệ phát triển”(2). “Phàm là những học sinh ngoài sách giáo khoa không đọc sách gì khác, những kiến thức mà chúng nắm bắt được trên lớp rất hời hợt, đồng thời dồn toàn bộ công sức cho việc làm bài tập ở nhà. Do gánh nặng bài tập ở nhà quá nặng, chúng không có thời gian đọc sách báo khoa học, điều này đã tạo nên một vòng tuần hoàn xấu”(3).

    Tâm lý học hiện đại đã có rất nhiều chứng minh và chứng thực cho điều này. Tổng kết lại những lý luận học tập của các nhà tâm lý học như Jean Piaget(4), Jerome Seymour Bruner(5), David Ausubel(6) có thể thấy hai điểm then chốt: Một là sự phát triển của tư duy và hệ thống ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết với nhau, hai là học tập kiến thức mới phải dựa vào vốn kiến thức đã có từ trước. “Đọc” là một hoạt động lấy ký hiệu ngôn ngữ làm công cụ trung gian, bao hàm những nội dung phong phú, vượt qua phạm vi của đời sống hiện thực, khiến cho “hệ thống ngôn ngữ” của người đọc phát triển tốt hơn, đồng thời có thể khiến cho “nền tảng trí tuệ” của anh ta phong phú hơn, từ đó khiến cho khả năng tư duy và khả năng học kiến thức mới của anh ta tốt hơn.

    Lấy một ví dụ hình tượng: Việc xây dựng năng lực học tập giống như xây nhà, “hệ thống ngôn ngữ” tương đương với công cụ, “nền tảng trí tuệ” tương đương với nền tảng công trình (trình độ thăm dò nền móng, trình độ thiết kế công trình, trình độ kỹ thuật của công nhân, trình độ quản lý thi công… các nội dung vô hình nhưng quan trọng). Có công cụ tốt và nền tảng công trình hoàn thiện, cả quá trình xây nhà sẽ là một công việc khá nhẹ nhàng, cũng có thể đảm bảo chất lượng; nếu công cụ và nền tảng đều kém, chất lượng thi công sẽ như thế nào thì chúng ta đã biết.

    Trong giai đoạn học tiểu học, thậm chí những lớp dưới của cấp hai, chỉ dựa vào trí thông minh là có thể đạt được thành tích cao, nhưng nếu như không có việc đọc làm bước đệm, càng lên lớp cao càng tỏ ra lực bất tòng tâm. Điều này giống như những công trình kiến trúc đơn giản không có yêu cầu lớn đối với công cụ và điều kiện nền tảng, càng là những công trình lớn, tinh xảo, yêu cầu đối với công cụ và điều kiện nền tảng càng cao.

    Tôi đã từng gặp mấy vị phụ huynh rất buồn khổ, con em họ lúc đầu thành tích học tập rất khá, trẻ cũng rất cố gắng, nhưng điều khiến họ cảm thấy bất an là, càng ngày trẻ càng không được như ý trong việc học. Mỗi lúc như vậy, tôi đều hỏi về tình hình đọc sách ngoài giờ học của các em từ nhỏ đến lớn. Không nằm ngoài dự đoán của tôi, về cơ bản những em này đều không đọc sách ngoài giờ học. Trái ngược với các em này là nhóm các em khác, hồi nhỏ thành tích học tập không xuất sắc, nhưng do các em đọc nhiều sách, về sau lại vượt lên đầu, đến lúc cần phải học thực sự, tiềm lực sẽ phát huy rất mạnh.

    Cấp một, thậm chí là cấp hai, không có cái gọi là tụt hậu trong việc học, cũng không tồn tại thành tích xuất sắc tuyệt đối, tất cả đều có thể thay đổi. Sức mạnh thần kỳ khiến tình hình thay đổi chính là việc đọc sách ngoài giờ học. Nó thực sự giống một cây gậy thần, càng ngày càng chứng tỏ được tác dụng thần kỳ.

    Người ta dễ dàng nhìn thấy sự biến đổi bên ngoài của con trẻ: Một số trẻ càng ngày càng thích học, thành tích càng ngày càng tốt, sẽ cảm thấy trẻ đã lớn, đã hiểu biết hơn; một số trẻ càng ngày càng không thích học, thành tích càng ngày càng kém, sẽ cảm thấy tại sao trẻ càng ngày càng kém hiểu biết, càng ngày càng không tự giác. Người ta rất ít khi nhìn thấy được nguyên nhân kỹ thuật quan trọng đằng sau vẻ bề ngoài này, đó chính là việc đọc sách ngoài giờ học.

    Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều càng ngày càng hiểu biết. Khác biệt ở chỗ, những em đọc sách nhiều, lực học tốt, khi các em có ý thức học một cách chủ động, ngôn ngữ, vốn trí tuệ phong phú đã giúp các em. Lực học khá tốt của các em sẽ khiến các em chỉ cần cố gắng là đạt được thành tích cao, thành tích cao này vừa có thể thôi thúc các em học hành một cách chủ động hơn, tích cực hơn. Còn những em ít đọc sách, sự yếu kém trong nền tảng ngôn ngữ và trí tuệ khiến lực học của các em kém đi, trước những kiến thức càng ngày càng khó, trước những cuộc cạnh tranh càng ngày càng gay gắt, các em càng cảm thấy lực bất tòng tâm, các em càng ngày càng cảm thấy mình đuối sức, càng ngày càng mất tự tin, càng ngày càng không có hứng thú với việc học. Con người không thể dựa vào nghị lực và sự nâng đỡ về mặt lý trí một thời gian quá dài, chẳng mấy chốc các em sẽ tỏ ra sa sút, bắt đầu trốn tránh việc học một cách vô tình hay hữu ý – đó có thể chính là sự “càng ngày càng thiếu hiểu biết, càng ngày càng không thích học” ở con trẻ mà phụ huynh cảm nhận được.

    Để cho trẻ thông minh và học giỏi, bố mẹ đều cố gắng hết sức mình, từ lúc mang thai đã bắt đầu ăn cái nọ tẩm bổ cái kia. Chắc chắn chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển ở đại não của trẻ, nhưng cho dù ăn nhiều thứ tốt đến bao nhiêu, đều chỉ là một phép cộng. Ngoài một số rất ít trẻ em phi thường, tất cả những em sau khi sinh ra khoẻ mạnh, cuối cùng sự khác biệt về mặt trí tuệ giữa các em không nằm ở các nhân tố vật lý hay sinh lý này, mà nằm ở giáo dục vỡ lòng. Phương pháp quan trọng nhất của hoạt động khai sáng trí tuệ chính là đọc sách, đó là một phép nhân, có thể khiến trí tuệ của trẻ tăng theo cấp số nhân.

    Một số giáo viên và phụ huynh không coi trọng việc đọc sách ngoài giờ học của trẻ, là do họ luôn lo rằng, chỉ riêng việc hoàn thành chương trình học ở trường trẻ đã bận lắm rồi, thi đạt điểm cao là điều quan trọng nhất, việc đọc sách ngoài giờ học vừa lãng phí thời gian vừa ảnh hưởng đến học hành, không đáng phải làm. Suy nghĩ này giống như việc, tôi đang nóng lòng đi từ Cáp Nhĩ Tân đến Quảng Châu để tham gia một hội nghị, làm gì có thời gian đợi chuyến bay sau bốn tiếng đồng hồ nữa, tàu sắp chuyển bánh rồi, tôi buộc phải đi tàu thôi – dường như là như vậy, thực tế là sai lầm.

    Một nắm hạt giống vùi xuống đất, có hạt nhận được lượng nước thích hợp và nguồn ánh sáng dồi đào, có hạt vừa thiếu nước vừa không có ánh nắng mặt trời, cuối cùng sẽ khác nhau rất lớn. Đọc sách chính là nguồn nước và ánh sáng của trí tuệ.

    Tôi đoán sẽ có một câu hỏi được đặt ra, lẽ nào người thường xuyên đọc sách nhất định sẽ học giỏi ư, không đọc sách chắc chắn sẽ không tốt ư? Đương nhiên là không. Trong quá trình suy nghĩ một vấn đề hoặc miêu tả một hiện tượng chúng ta không thể tuyệt đối hóa nó.

    Nếu tất cả mọi “quy luật” trong văn hóa hoặc phạm trù xã hội đều giống như các định luật toán học hoặc vật lý phải có độ chính xác 100% mới được xác nhận là thành lập thì tất cả mọi quy luật xã hội đều không tồn tại, tất cả mọi cuộc đối thoại đều không thể tiến hành. Thế giới phức tạp như vậy, mỗi sự việc đều có hàng nghìn mối liên hệ với các sự việc khác, vì thế cũng không thể nhìn nhận một cách riêng lẻ bất kỳ một hiện tượng gì. Ví dụ kết luận “Uống trà có thể phòng ngừa bệnh ung thư một cách có hiệu quả” và hiện tượng “Người thích uống trà cũng vẫn bị bệnh ung thư” không xung đột với nhau, bởi vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, dùng cái thứ hai để phủ định cái thứ nhất sẽ không có ý nghĩa.

    Tôi không dám nói tất cả những đứa trẻ thích đọc sách chắc chắn đều học giỏi, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, những đứa trẻ không bao giờ đọc sách ngoài giờ học hoặc rất ít khi đọc sách ngoài giờ học chắc chắn học sẽ không xuất sắc. Nếu so sánh một nhóm em thích đọc sách với một nhóm em không thích đọc sách ngoài giờ học, chắc chắn sự khác biệt giữa các em trong việc học sẽ rất rõ rệt.

    Trong trường cấp hai thường có một hiện tượng gọi là “học lệch”, đây dường như là một sự thách thức đối với mối quan hệ giữa việc đọc sách và lực học nói đến ở đây. Đặc biệt là một số em trai, thích học toán, lý, hóa nhưng không có hứng thú với các môn học xã hội như văn, tiếng Anh, cũng rất ít khi đọc sách, nhưng điểm toán, lý lại thường rất cao.

    Tôi đã từng gặp một vị phụ huynh của một em học sinh cấp hai, thậm chí chị còn rất mừng vì chuyện con chị học toán, vật lý rất giỏi, nhưng không thích học văn, có lẽ là do cảm thấy như thế chứng tỏ con chị thông minh. Tôi nghĩ, nếu con chị chỉ không thích môn văn, nhưng lại đọc rất nhiều sách ngoài, chị có thể tự hào, chứng tỏ tiềm lực của con chị vẫn rất lớn; nhưng nếu con chị rất ít đọc sách, ghét môn văn là do khả năng học văn kém, thì đó là một chuyện khá phiền phức, e rằng một ngày nào đó các môn toán, lý sẽ bị ảnh hưởng.

    Tôi có quen một thầy giáo dạy toán ở một trường điểm trong thành phố, thi đại học anh được điểm tối đa môn toán, điểm tối đa của môn văn là một trăm năm mươi điểm nhưng anh chỉ được chín mươi hai điểm. Lúc đầu anh rất thích môn toán, muốn làm một nhà toán học, đăng ký dự thi khoa toán trường Đại học Bắc Kinh, nhưng tổng số điểm không đủ, cuối cùng chỉ vào khoa toán của một trường đại học bình thường.

    Anh nói, qua mấy năm dạy học tôi mới thực sự cảm nhận được tầm quan trọng của môn văn. Hàng năm, trong số mười em học sinh có điểm thi đại học cao nhất của trường anh, rất ít em học lệch, về cơ bản đều giỏi môn tự nhiên, giỏi cả môn xã hội. Anh nói hồi đó không thi được vào khoa toán của trường Đại học Bắc Kinh anh rất ấm ức, hiện giờ nghĩ lại mới thấy, kể cả có thi đỗ, rỗng kiến thức môn văn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học chuyên ngành bởi vì nếu so sánh chiều rộng và độ sâu của tư duy của mình với những người đọc nhiều sách sẽ thấy rất hạn hẹp.

    Vì thế, cho dù con mình là một thiên tài toán học đặc biệt, bạn cũng nên quan tâm đến việc đọc sách của con. Ví dụ khuyến khích con đọc vài cuốn sách viết về các nhà toán học, so với việc bắt con giải thêm hai cuốn sách toán, có thể sẽ tốt hơn cho tài năng toán học của con bạn.

    Đương nhiên cũng có hiện tượng học lệch môn văn, bài tập làm văn làm rất hay, nhưng toán, lý, hóa lại học rất kém. Ví dụ nhà văn trẻ Hàn Hàn. Việc đọc sách dường như không giúp gì cho điểm thi của họ.

    Vấn đề này có thể lý giải như sau: Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người nào đó không thích các môn tự nhiên như toán, lý: Thầy cô giáo, gia đình, tài năng bẩm sinh, bạn học… đều có thể trở thành nhân tố ảnh hưởng. Đương nhiên là việc đọc sách không thể thần thông quảng đại đến mức có thể giải quyết được mọi vấn đề, cứu vãn được mọi nhược điểm. Nhưng một điều có thể khẳng định là, điểm toán của em đó kém, không phải là do đọc sách gây ra. Những đứa trẻ như vậy, may mắn là các em thích đọc sách, cho dù có học đại học hay không, các em đều là người thông minh, đều có thể gặt hái được những thành công tương ứng. Nhìn nhận như thế, việc đọc sách đối với các em vẫn là một điều may mắn.

    Còn những học sinh không bao giờ chịu đọc sách ngoài giờ học hoặc rất ít khi đọc sách ngoài giờ học, toán, lý, hóa học kém, những môn xã hội học khá hơn một chút, tình trạng này của các em không gọi là “học lệch”, thực tế là các môn xã hội các em học cũng không giỏi. Ai gặp được người nào gần như không đọc sách ngoài giờ học đạt được thành tích xuất sắc trong các kỳ thi dành cho nhóm ngành xã hội? Những đứa trẻ này lại có sự khác biệt rất lớn so với trường hợp như Hàn Hàn.

    Chính vì thế, cho dù nói trên góc độ nào, đọc sách đều rất quan trọng. Từ đó có thể thấy, muốn để một đứa trẻ trở nên thông minh hơn thật đơn giản biết bao, hãy để cho trẻ đọc nhiều sách! Sách vở chính là một cây gậy thần, sẽ đem lại cho trẻ một ma lực trong việc học tập, có thể giúp cho trí tuệ của trẻ được phát triển. Những đứa trẻ thích đọc sách, chính là những đứa trẻ được gậy thần chạm vào, chúng thật may mắn biết bao!



    Lưu ý đặc biệt

    Cây “gậy thần” là gì, chính là đọc sách ngoài giờ học. Nó có một ma lực, âm thầm phú cho con trẻ nguồn năng lượng khác nhau – tất cả những em từ nhỏ đã đọc nhiều sách, trạng thái trí tuệ và lực học của em sẽ tốt hơn; phàm là những em từ nhỏ ít đọc sách, lực học thường rất bình thường; kể cả là tốc độ làm bài tập, thông thường đều chậm hơn rất nhiều so với các em đọc nhiều sách.

    Phàm là những học sinh ngoài sách giáo khoa không đọc sách gì khác, những kiến thức mà chúng nắm bắt được trên lớp rất hời hợt, đồng thời dồn toàn bộ công sức cho việc làm bài tập ở nhà. Do gánh nặng bài tập ở nhà quá nặng, chúng không có thời gian đọc sách báo khoa học, điều này đã tạo nên một vòng tuần hoàn xấu.

    Trong giai đoạn học tiểu học, thậm chí những lớp dưới của cấp hai, chỉ dựa vào trí thông minh là có thể đạt được thành tích cao, nhưng nếu như không có việc đọc làm bước đệm, càng lên lớp cao càng tỏ ra lực bất tòng tâm.

    Chắc chắn chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển ở đại não của trẻ, nhưng cho dù ăn nhiều thứ tốt đến bao nhiêu, đều chỉ là một phép cộng. Ngoài một số rất ít trẻ em phi thường, tất cả những em sau khi sinh ra khoẻ mạnh, cuối cùng sự khác biệt về mặt trí tuệ giữa các em không nằm ở các nhân tố vật lý hay sinh lý này, mà nằm ở giáo dục vỡ lòng. Phương pháp quan trọng nhất của hoạt động khai sáng trí tuệ chính là đọc sách, đó là một phép nhân, có thể khiến trí tuệ của trẻ tăng theo cấp số nhân.



    ———————-

    Chú thích:

    (1), (2), (3): Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo

    (4)Jean Piaget (1896-1980): Nhà tâm lí học, giao dục học, triết học và loogic học người Thụy Sĩ. Một trong những người sáng lập ra môn tâm lí học phát triển, người đề xuất quan điểm thao tác về trí tuệ và trí học phát sinh. chuyên nghiên cứu về tâm lí học tư duy và tâm lí học trẻ em.

    (5)Jerome Seymour Bruner: Nhà tâm lí học, giáo dục học người Mỹ.

    (6)David Ausubel: Nhà tâm lí học, giáo dục học người Mỹ.
     
    Sửa lần cuối: 25/10/2011
  5. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Có được phê bình thầy cô giáo hay không?

    Chúng ta luôn luôn khuyến khích con trẻ có những chính kiến độc lập, trong bất kỳ chuyện gì cũng không nên thấy người khác nói gì liền nói như thế, điều này đồng nhất với thái độ làm người cần thực sự cầu thị mà chúng tôi dạy dỗ con gái, tức trong bất kỳ thời điểm nào, trường hợp nào, đều phải cố gắng đứng trên tầm cao nhìn nhận vấn đề một cách chân thành, chứ không phải chỉ dựa theo tư tưởng của người khác hoặc một tập tục nào đó. Trên thực tế đây chính là dạy con rèn luyện ý thức phê phán.


    Khi Viên Viên lên lớp năm, môn Đạo đức học đến phần tại sao phải tôn trọng người già, cô giáo chỉ đưa ra một đáp án: Vì khi còn trẻ, người già đã cống hiến cho đất nước. Về đến nhà Viên Viên nói đến chuyện này với tôi và tỏ ra không đồng tình lắm: “Có người già hồi trẻ còn là kẻ cắp nữa!”.
    Tôi hiểu được suy nghĩ Viên Viên, cô bé nghĩ rằng ngoài những người cống hiến cho xã hội cần phải được tôn trọng, có người già mặc dù hồi trẻ có những hành vi không tốt, nhưng khi họ đã già, là một người bình thường và một người có sức khoẻ yếu, ở một mức độ nào đó chúng ta cũng nên tôn trọng họ. Nhưng với độ tuổi khi đó của Viên Viên, cô bé không phân tích được quá nhiều, về mặt trực giác chỉ cho rằng, cô giáo giảng có phần thiên vị.
    Tôi rất tán đồng với cách suy nghĩ của con, trái tim nhỏ bé của cô bé đã vượt lên trên cả phương thức tư duy mang tính vụ lợi thường thấy ở mọi người nhiều năm nay, bắt đầu đứng trên góc độ tinh thần quan tâm và yêu thương nhân loại để suy nghĩ vấn đề, điều này thực sự đáng được khen ngợi.
    Và thế là tôi và Viên Viên đã nói chuyện với nhau một lúc về vấn đề này. Tôi đã khẳng định suy nghĩ của con, giúp con sắp xếp lại dòng suy nghĩ, để cô bé nhận thức được rõ hơn tôn trọng người khác là một thái độ làm người cơ bản nhất, chứ không phải là một hành vi trao đổi. Đồng thời tôn trọng cũng có nhiều cấp độ khác nhau – đối với những người có công đóng góp cho xã hội và đất nước, cần phải tôn trọng một cách tuyệt đối; đối với một phạm nhân, cũng phải tôn trọng một cách cơ bản nhất vì anh ta cũng là con người, thậm chí đối với động vật cũng phải tôn trọng.
    Chúng ta luôn luôn khuyến khích con trẻ có những chính kiến độc lập, trong bất kỳ chuyện gì cũng không nên thấy người khác nói gì liền nói như thế, điều này đồng nhất với thái độ làm người cần thực sự cầu thị mà chúng tôi dạy dỗ con gái, tức trong bất kỳ thời điểm nào, trường hợp nào, đều phải cố gắng đứng trên tầm cao nhìn nhận một vấn đề một cách chân thành, chứ không phải chỉ dựa theo tư tưởng của người khác hoặc một tập tục nào đó. Trên thực tế đây chính là dạy con rèn luyện ý thức phê phán.

    Có người nói, tinh thần phê phán là một trong những tiêu chí quan trọng của văn minh nhân loại, cho rằng sự phát triển của giới tự nhiên và xã hội nhân loại là một quá trình phê phán lớn lao. Từ thuyết tiến hóa của Darwin có thể thấy, quá trình phát triển của sinh vật chính là bắt nguồn từ sự phê phán không ngừng đối với bản thân. Giới giáo dục phương Tây ngày càng coi trọng việc bồi dưỡng khả năng tư duy mang tính phê phán của học sinh, cho rằng lối tư duy mang tính phê phán là một bộ phận không thể phân tách trong học tập, coi nó và “giải quyết vấn đề” là hai kỹ năng cơ bản nhất của lối tư duy(1). Phát triển ý thức phê phán ở trẻ em có lẽ là một nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục. Đối với học sinh tiểu học, cấp hai, cấp ba, đặc biệt là học sinh tiểu học, việc bồi dưỡng ý thức phê phán không nhất thiết phải là yêu cầu con trẻ đưa ra quan điểm mới gì đó, mà trước hết là để trẻ dám mạnh dạn phát biểu ra suy nghĩ của mình. Điển hình nhất là để trẻ mạnh dạn đưa ra những lời chất vấn đối với một số lời nói và hành động của giáo viên.
    Vì giáo viên là nhân vật “quyền uy” đầu tiên mà trẻ gặp trong cuộc đời, sự sùng bái và sợ hãi của trẻ đối với thầy cô giáo là rất tự nhiên. Trong cuộc sống thường nhật, bố mẹ nên thông qua thái độ đối với một số sự việc để nói với trẻ rằng, trong quá trình tiếp xúc với thầy cô giáo, vừa phải tôn trọng thầy cô giáo, vừa phải có ý thức bình đẳng, không nên sợ hãi hoặc sùng bái một cách mù quáng, khi thầy cô giáo có điểm gì sai, cần có đủ dũng khí để nói thầy cô sai rồi.

    Một người bạn học cũ của tôi đã kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này.
    Con trai của chị đang học lớp hai, lớp có một cô giáo dạy ngữ văn mới. Giáo viên dạy môn Ngữ văn hồi lớp một là một thầy giáo, lần này là cô giáo. Tiết học đầu tiên cô giảng bài cho trẻ, nói muốn “gợi mở khả năng quan sát của học sinh”, nói muốn trẻ nói ra điểm khác biệt giữa mình và thầy giáo dạy Ngữ văn năm ngoái.
    Các em liền mồm năm miệng mười tìm ra rất nhiều điểm khác biệt, cô giáo mới có mái tóc dài, thầy giáo thì tóc ngắn; cô giáo mới mắt hai mí, thầy giáo cũ mắt một mí; cô giáo mới đeo kính, thầy giáo cũ không đeo kính; thậm chí có học sinh còn phát hiện ra khoé miệng cô giáo mới có một nốt ruồi, thầy giáo cũ không có… Cậu con trai của chị bạn tôi ngay từ đầu đã giơ tay, cậu vốn phát hiện ra được rất nhiều điểm khác biệt giữa hai thầy cô giáo, tay giơ lên rất cao, nhưng cô giáo không gọi cậu phát biểu. Thấy những cái mình phát hiện ra đều bị các bạn khác nói hết rồi, cậu bé này vô cùng sốt ruột. Đến cuối cùng khi các bạn khác không còn gì để nói nữa, cậu bé này mới sực nhớ ra một điểm khác nữa, và thế là lại giơ tay lên rất cao. Cô giáo gọi cậu đứng lên nói, cậu bé liền nói: “Cô là con gái, không có chim, thầy giáo cũ có chim ạ”.
    Cả lớp liền cười ồ lên, cô giáo tỏ ra không vui. Sau khi tan học cô giáo liền gọi cậu bé đến văn phòng, nghiêm khắc phê bình một hồi, nói ý thức của cậu không tốt, tư tưởng không lành mạnh.
    Cậu bé cảm thấy rất ấm ức, về đến nhà hỏi mẹ thế nào là “ý thức không tốt”. Người mẹ nghe vậy, trong lòng cảm thấy con mình không có gì là sai, nhưng miệng lại nói: Cái thằng này, sao trong đầu toàn chứa những cái không trong sạch, con nói như vậy, làm sao cô giáo không bực cơ chứ, bị cô giáo phê bình cũng là đúng thôi, từ giờ không được vô lễ với cô giáo như vậy!
    Chị bạn của tôi chỉ kể câu chuyện này cho tôi nghe như một chuyện cười, tôi cũng bật cười vì câu nói của cậu bé, nhưng trong lòng cảm thấy tiếc cho cách làm của cô giáo và người mẹ, cảm thấy họ đã để lỡ một cơ hội phát triển lối tư duy mang tính sáng tạo và mạnh dạn bày tỏ quan điểm của trẻ, kéo trẻ lại gần lối tư duy tầm thường và giả dối.

    Từ lâu nay, giáo dục nhà trường hoặc giáo dục gia đình của chúng ta luôn bồi dưỡng “những đứa trẻ ngoan”.
    Trong gia đình, bố mẹ là người đại diện cho “cái đúng”, yêu cầu con trẻ phải “nghe lời”; đến trường, giáo viên là người đại diện cho sự “quyền uy”, không cho phép học sinh có bất kỳ “sự khác biệt gì so với mọi người”. Rất nhiều trẻ em sau khi lớn lên bị chỉ trích là không có tư tưởng, thiếu óc sáng tạo, nhưng trong quá trình trưởng thành, không phải trẻ luôn bị điều khiển như những con rối đó sao? Tính độc lập về mặt tư tưởng của chúng lấy được ở đâu ra?
    Trong ví dụ này, giáo viên không nên tức giận, kể cả lời nói của trẻ khiến cô hơi ngượng, nhưng cũng nên vui vẻ khẳng định. Suy nghĩ của trẻ rất trong sáng, chắc chắn những điều mà trẻ nghĩ không phức tạp như người giáo viên nghĩ. Nếu giáo viên xử lý tình huống không ổn, con trẻ phải về cầu cứu bố mẹ, ít nhất bố mẹ cũng nên bày tỏ sự thấu hiểu, nói với trẻ rằng suy nghĩ của trẻ không có gì là sai, trẻ phát hiện ra được điều mà người khác không phát hiện được, điều này rất đáng được biểu dương; đồng thời nói với trẻ rằng, đáng lẽ cô giáo không nên tỏ ra không vui; chỉ có điều nếu cô giáo đã không quen với việc người khác nói như vậy, thì từ sau trên lớp chúng ta không nên nói những lời như thế.
    Chỉ tiếc rằng khi người mẹ tiện đà nạt con trai một, hai câu, bản thân chị không nghĩ rằng những lời nói đó gây ảnh hưởng gì đến con trẻ, nhưng sự ảnh hưởng này chắc chắn là có, đồng thời là ảnh hưởng tiêu cực.

    Một người mẹ khác kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này.
    Có một hôm, cậu con trai đang học lớp bốn của chị quên mang một tờ giấy ghi bài tập toán do cô giáo phát về nhà, đó là bài tập về nhà của ngày hôm đó. Để có thể hoàn thành bài tập đúng ngày, cậu bé đã xuống nhà một cậu bạn cùng lớp ở gần nhà mình để mượn bài tập đó về, chép lại đề bài theo đúng mẫu của cô giáo và làm hết. Thực ra cậu bé làm như vậy là tăng thêm lượng bài phải làm, vì đối với một đứa trẻ, chép lại hẳn một đề bài không phải là chuyện nhẹ nhàng. Sau khi làm xong bài tập, cậu bé rất phấn khởi, cậu cho rằng mình không vì quên mang đề bài về nhà mà để lỡ việc làm bài tập, thậm chí cậu còn cảm thấy cô giáo sẽ biểu dương cậu vì điều đó.
    Ngày hôm sau khi tan học, vừa nhìn thấy mẹ là cậu bé liền khóc. Hóa ra, cô giáo nói cậu tự chép đề không tính, bắt phải làm lại một lần nữa trên đề bài mà cô đã giao. Con trẻ không muốn làm, cô giáo liền gọi cậu lên văn phòng, yêu cầu cậu buộc phải làm, nếu không sẽ không cho cậu về nhà. Cậu bé đành phải vừa khóc vừa làm, tâm trạng rất không vui. Thấy học sinh như vậy, cô giáo liền nói, xem ra em không tâm phục khẩu phục tôi, sau khi tan học, hãy bảo mẹ em đến gặp tôi.
    Người mẹ dắt con đến gặp cô giáo dạy toán ở văn phòng. Cô giáo liền nói với người mẹ này rằng, quên mang đề bài về nhà là không đúng, phạt cậu là để từ sau cậu không quên nữa, hơn nữa, bài tập viết thêm một lần học càng chắc hơn, không phải là tốt cho cậu hay sao.
    Mặc dù người mẹ này cảm thấy lời của cô giáo nói rất khiên cưỡng, nhưng chị không dám tranh luận với cô, liền vâng dạ cảm ơn cô rồi đưa con về nhà. Về đến nhà cậu con rất buồn, chị liền khuyên nhủ con nói, cô giáo nói cũng có lý, phạt con một lần, lần sau con sẽ không để quên bài ở lớp nữa, hơn nữa viết thêm một lần còn được học thêm một lần nữa, con nên nghe lời cô, cô giáo làm như vậy là tốt cho con.
    Mặc dù vị phụ huynh này dùng giọng điệu giống như cô giáo để giáo dục con, nhưng nói xong, thấy con rất buồn, trong lòng chị cũng không thoải mái, có phần nghi ngờ mình nói như thế không biết có đúng hay không. Sau đó chị liền hỏi tôi bằng giọng rất nghi hoặc, gặp trường hợp này, chị bảo tôi nên làm thế nào?
    Sự khó xử của vị phụ huynh này rất tiêu biểu, trong lòng chị thực tế là có hai giá trị quan, một giá trị quan trùng khớp với quan niệm thông thường, tức cô giáo hiểu về giáo dục, mọi việc mà cô giáo làm đều là muốn tốt cho con trẻ, không thể nghi ngờ hoặc phê bình lời của cô giáo; một giá trị quan khác là cái mà chị mong muốn, tức con trẻ cần phải được tôn trọng, không thể dùng cách làm bài tập như thế để phạt con trẻ. Khi hai giá trị quan này xảy ra xung đột, chị đã lựa chọn giá trị quan đầu tiên, đây có thể là do có liên quan với việc bình thường cá nhân thiếu tinh thần phê phán, trong thời khắc quan trọng không đủ năng lực phán đoán, lấy một cách vô thức những cái cố hữu trong quan niệm để xử lý vấn đề.
    Nhưng sự mâu thuẫn giữa những điều mình suy nghĩ và những điều mình nói ra không thể lường gạt được trái tim của mình, cũng không thể lường gạt được trái tim của người khác, chính vì thế cả chị và cậu con trai đều buồn.
    Tôi nói với vị phụ huynh này rằng, chị kìm chế mình trước mặt giáo viên là đúng. Nếu chúng ta không dám chắc rằng có thể làm thay đổi một suy nghĩ nào đó của giáo viên, thì không cần thiết phải nóng vội tranh luận ai đúng ai sai với họ, không nên làm phật lòng cô giáo của con mình. Nhưng sau khi về nhà thì không cần thiết phải nói với con như thế. Chị nên nói ra suy nghĩ thật của mình, đứng trên một lập trường khách quan để trao đổi chuyện này với con. Chị thử nghĩ mà xem, trong lúc này, con chị mong muốn được bố mẹ thấu hiểu biết bao.
    Ánh mắt vị phụ huynh này lộ rõ vẻ kinh ngạc, dường như muốn thông qua tôi để chứng thực, chị hỏi, chị cũng cho rằng cô giáo làm như vậy là không đúng có phải không?
    Tôi nói, trong chuyện này rõ ràng là cách xử lý của cô giáo không hợp lý. Con trẻ quên mang đề bài về nhà là không đúng, nhưng con trẻ đã tích cực nghĩ ra cách khác, mượn đề bài của bạn, viết lại đề một lần, nộp bài tập đúng giờ. Nếu giáo viên nhận thấy được mặt tích cực của trẻ trong chuyện này, nhìn trẻ bằng ánh mắt tán thưởng, thì người giáo viên nên biểu dương trẻ giống như những gì mà trẻ mong đợi. Ít nhất là không nói gì cả. Nhưng cô giáo chỉ nhìn vào cái lỗi của trẻ, đồng thời rất ngu xuẩn khi trừng phạt học sinh bằng cách bắt làm lại bài tập, lại còn tìm ra một lý do rất đường hoàng đĩnh đạc rằng làm thế là vì học sinh, điều này khiến học sinh cảm thấy cô giáo vừa hà khắc, lại vừa cả vú lấp miệng em.
    Có lẽ vị phụ huynh này cảm thấy tôi nói có lý, liền gật đầu, nhưng chị vẫn tỏ ra không biết phải làm thế nào, hỏi tôi, lẽ nào tôi lại nói với con trai rằng cô giáo làm sai ư? Nói như thế có được không? Tôi hiểu được nỗi bất an của chị, bèn nói, nói với trẻ rằng cô giáo làm một việc gì đó không đúng và nói xấu sau lưng cô giáo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, trong vấn đề này phải tỏ thái độ bình thản. Cô giáo cũng là người bình thường, là người bình thường thì đều có thể phạm một số sai lầm. Chính vì thế chị đương nhiên có thể nói một cách thẳng thắn với con rằng, cô giáo làm thế là không đúng.
    Tôi thấy vị phụ huynh này tỏ ra khó xử, liền nói với chị, bao năm nay chúng ta đã quen với việc không đi phê bình thầy cô giáo, dường như thầy cô giáo nói gì, làm gì với học sinh đều là đúng. Trên thực tế giáo viên tiểu học, cấp hai, cấp ba của Trung Quốc có đầu vào không cao, những người trở thành giáo viên không phải là người được sàng lọc về đạo đức và sát hạch về tố chất kỹ càng hơn các ngành nghề khác, thậm chí về học vị, so với những người trong ngành nghề khác, cũng không có thế mạnh gì nổi bật. Nếu cho rằng thầy cô giáo không có gì sai là không khách quan, và thực tế sự nhận thức này cũng là một sự kỳ vọng ảo, gây sức ép cho giáo viên, điều này không có lợi cho sự trưởng thành trong nghề nghiệp của họ. Trong tương lai, tố chất của đội ngũ giáo viên chắc sẽ cao hơn, tố chất mà họ cần phải có và đã có có thể sẽ tương đối khớp nhau; nhưng chúng ta vẫn không thể nói, vì anh ta là giáo viên, nên anh ta là một người không có khuyết điểm.

    Có lẽ những lời của tôi sẽ khiến chị phụ huynh có phần ngạc nhiên, nhưng xem ra chị cũng đã nhẹ lòng hơn rất nhiều, chị nghĩ một lát rồi nói với vẻ hơi băn khoăn, từ trước đến nay tôi luôn giáo dục con trẻ phải tôn trọng thầy cô giáo, làm như thế liệu có làm giảm uy tín của cô giáo hay không, sau này cô giáo sẽ không dễ quản lý con chị nữa?
    Tôi nói, đây thực tế cũng là một nguyên nhân quan trọng mà chị không dám nói với con rằng cô giáo đã làm sai. Nhưng sự lo lắng này là hơi thừa. Chúng ta nên tôn trọng thầy cô giáo, nhưng không nên tôn thờ thầy cô giáo như một đấng tối cao. Một sai lầm phổ biến của toàn xã hội hiện nay là coi giáo viên là bậc quyền uy trước học sinh, hiện tượng này đặc biệt nghiêm trọng ở bậc tiểu học. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh lộ rõ ý thức cực đoan giữa thế mạnh và thế yếu, quân chủ và thần dân, biết và không biết, đúng đắn và sai trái. Điều này là không đúng, điều đó mới khiến học sinh không tôn trọng thầy cô giáo, có ai tự đáy lòng tôn trọng một nhân vật quyền uy khiến mình không thoải mái? Nói với con trẻ thầy cô giáo làm không đúng, không có nghĩa là dạy chúng không tôn trọng thầy cô, mà là dạy cho trẻ biết cách dám đối chất với nhân vật quyền uy. Đừng coi thường con trẻ, chỉ cần quản đúng, không có đứa trẻ nào là khó quản cả, không có đứa trẻ nào không hiểu cách tôn trọng người khác. Thực ra con trẻ đều rất có thiện chí, bản chất là chúng rất sùng bái và tôn trọng thầy cô, chỉ cần chúng ta không định hướng cho trẻ vào con đường sai trái, dựa vào cảm giác trẻ cũng tìm được con đường đúng. Đứng trước một thầy cô giáo đáng được tôn trọng, sự sùng bái của chúng muốn ngăn cũng không ngăn được.
    Xem ra lời của tôi đã ảnh hưởng đến người mẹ này, chị hỏi tôi: “Cụ thể tôi nên làm như thế nào, nói chuyện này như thế nào với con?”.
    Tôi nói, chuyện này nếu để tôi làm, có thể tôi sẽ xử lý như sau. Trước hết, nếu cảm thấy có thể nói chuyện được với cô giáo, thì tâm sự một chút là tốt nhất, để cô giáo nhận thức được rằng “lòng tốt” như thế này không phải là điều tốt với con trẻ. Logic làm thêm một lần bài tập có thể giúp cho học sinh học vững hơn không thành lập, khi trong lòng con trẻ thấy phản cảm, làm thêm còn tệ hơn rất nhiều so với làm ít đi một lần. Thực ra có không ít thầy cô có tấm lòng nhân hậu rất sẵn lòng tiếp thu ý kiến của phụ huynh, là một người giáo viên, bản thân họ cũng có một quá trình trưởng thành trong học tập. Nếu chị cảm thấy không thể nói chuyện với cô giáo, thì không cần nói gì cả, tuyệt đối không để xảy ra chuyện không vui với cô giáo. Nhưng sau khi về nhà, cho dù thế nào cũng phải nói chuyện nghiêm túc với con trẻ.
    Những điều ở phía sau có lẽ là điều mà phụ huynh muốn biết nhất, ánh mắt chị lộ rõ vẻ chờ đợi.
    Tôi nói, khi chị định hướng cho trẻ nhận thức một sự việc hoặc làm rõ một tư tưởng, tốt nhất là áp dụng hình thức một hỏi một đáp. Trước sự định hướng của phụ huynh, để trẻ nói ra suy nghĩ của mình, điều này sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc để một mình phụ huynh giảng giải.
    Ví dụ trong chuyện này, trước hết chị có thể hỏi có phải con trẻ không vui hay không, cảm thấy oan ức hay không; đầu tiên phải an ủi trẻ, tỏ rõ sự thấu hiểu của chị. Sau đó hỏi con trẻ có phải cảm thấy cô giáo làm không đúng hay không, không đúng ở điểm nào, ý nghĩa của việc làm bài tập là gì, hành động của cô giáo có thực hiện được ý nghĩa này hay không, việc cô giáo coi trọng một đề bài không quan trọng lắm như vậy phản ánh nhận thức gì, điểm khác biệt giữa sự nhận thức này với nhận thức của trẻ là gì, nhận thức của ai tốt cho việc học hơn, cô giáo làm thế nào là đúng, nếu con là cô giáo con sẽ xử lý như thế nào… Trong quá trình hỏi đáp, nhất thiết phải chú ý đến sự khách quan công bằng, không nên vì bực mà nói những lời nóng nảy, mục tiêu phải chỉ vào bản chất vấn đề, không nên chỉ vào cô giáo. Thông qua hàng loạt câu hỏi, để trẻ hiểu rằng sai lầm căn bản của sự việc này là sự sai lầm về mặt quan niệm của giáo viên, chính vì thế mình có thể từ chối viết lại một lần đề bài, sau này khi gặp những sự việc tương tự cũng cần có đủ can đảm để nói không.
    Vị phụ huynh này liên tục gật đầu, xem ra chị đã dần dần nắm rõ được cách giải quyết, nhưng chị vẫn còn một điều băn khoăn lớn. Chị nói, hiện giờ nhà trường quản rất nghiêm, mặc dù giáo viên không đánh chửi học sinh, nhưng ngộ nhỡ làm như vậy để cô giáo giận, trù úm con mình thì sao?
    Tôi nói, thông thường, lúc đó cô giáo có thể rất giận, sau khi sự việc trôi qua sẽ không chấp vặt với trẻ nữa. Nếu không may gặp phải một người bụng dạ hẹp hòi, trù úm học sinh, phụ huynh cần phải nhanh chóng điều hòa mối quan hệ giữa con trẻ và giáo viên. Những người như thế mặc dù rất đáng ghét, nhưng cũng rất đơn giản, sau khi sự việc xảy ra phụ huynh có thể tìm mọi cách để nói chuyện với giáo viên, tạo quan hệ tốt với họ, đồng thời duy trì mối quan hệ này, cho đến khi nào người giáo viên này không dạy con mình nữa thì thôi. Tuyệt đối không để con trẻ tự mình phải gánh chịu sự trù dập này. Tôi nghĩ một lát, bổ sung thêm, trong tình huống không nghiêm trọng, tôi không tán thành việc phản ánh với lãnh đạo nhà trường. Nếu làm không cẩn thận, giáo viên sẽ cho rằng chị nhiều chuyện, và rất dị ứng với điều này. Dù gì thì cô ấy cũng là một người bình thường, không muốn để người khác nói gì sau lưng mình, đặc biệt là không muốn để người khác mách tội với lãnh đạo.
    Chị phụ huynh liên tục gật đầu. Trong lòng tôi cũng rất mong những lời này có ích cho chị.
    Giáo viên là nghề được người khác tôn trọng. Chúng ta luôn cần phải giáo dục con trẻ tôn trọng thầy cô giáo, nhưng trong việc này không nên cứng nhắc. Cần phải cho phép con trẻ đối chất về một hành vi nào đó của người giáo viên, cho phép con trẻ phê bình thầy cô giáo, cho phép con trẻ có những suy nghĩ và cách làm của mình trước mặt giáo viên. Nếu vì những chuyện như thế mà phụ huynh quát mắng hoặc chế giễu con trẻ, không những vùi dập tư tưởng phê phán của trẻ, đồng thời cũng dạy cho trẻ nói những lời không thật với lòng mình, để trẻ sau này biến thành người không thành thực.

    Trong quá trình trẻ phát triển tư tưởng độc lập của mình, có thể sẽ xuất hiện sự quá trớn. Cho dù là quá trớn, trước hết chúng ta cũng phải nhìn nhận bằng thái độ khẳng định, phân tích suy nghĩ của trẻ, sau đó định hướng một cách khách quan để trẻ hình thành nên một nhận thức đúng đắn, đây chính là nhiệm vụ của giáo dục.
    Ngoài ra, một người có tinh thần phê phán, chính là một người có cá tính; và tất cả những cái thuộc về cá tính, chắc chắn sẽ rất độc đáo, sự độc đáo luôn xảy ra xung đột với sự tầm thường. Song song với việc khuyến khích con trẻ phát triển cá tính, bố mẹ cần định hướng cho trẻ hiểu và tiếp nhận những con người và sự vật khác nhau, tinh thần phê phán lành mạnh cần phải có tầm nhìn rộng, có tầm cao, chính vì thế cần phải có lòng bao dung, độ lượng.

    Nhà giáo dục người Mỹ John Dewey nói “Sự tự do lý trí mới là duy nhất, mãi mãi là sự tự do có tầm quan trọng”. Câu nói này nhắc nhở chúng ta rằng, sự độc lập và tự do về mặt tư tưởng quan trọng như vậy, lý trí của con người không thể có gông cùm. Câu nói này đọc thì có vẻ trống rỗng, dường như cũng bình thường; thực ra nó nói rất thật, là một vấn đề hết sức quan trọng trong giáo dục trẻ em, đáng để phụ huynh và giáo viên thường xuyên phải quan tâm, suy nghĩ sâu sắc và đưa vào thực tiễn.

    Nguồn: tusachnguoimetot
     
    Sửa lần cuối: 25/10/2011
  6. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    “Cách đọc sách tốt” và “cách đọc sách xấu”





    Cần để trẻ cảm nhận được rằng, đọc sách là một công việc thú vị, ngoài sự thú vị ra không còn mục đích nào khác. Chính cái “không có mục đích nào khác” này, mới có thể khiến trẻ thích đọc sách.





    Trong ngôn ngữ của trẻ em, sự việc luôn được chia rạch ròi thành “tốt” và “xấu”. Bây giờ tôi xin mượn cách nói của trẻ, bàn một chút về cách làm nào tốt, đáng được phát huy; cách làm nào xấu, cần chú ý tránh trong quá trình đọc sách ngoài giờ học của trẻ em. Hãy cho phép tôi dùng giọng của trẻ, gọi cách làm tốt, đáng được phát huy là “cách đọc sách tốt”, còn cách làm nào xấu, cần chú ý tránh là “cách đọc sách xấu”.



    Cách đọc sách tốt nên cố gắng dùng văn viết, cách đọc sách xấu bỏ qua văn viết, sử dụng nhiều văn nói.



    Điểm này nhằm vào đối tượng trẻ em giai đoạn chưa biết chữ, người lớn kể chuyện cho trẻ.



    Khi bố mẹ kể chuyện cho con, sợ con nghe không hiểu, liền cố gắng dùng văn nói để kể. Làm như vậy không tốt lắm. Phương pháp đúng là, ngay từ lúc mới bắt đầu, nên cố gắng sử dụng ngôn ngữ chuẩn, từ vựng phong phú để kể chuyện cho trẻ nghe. Cố gắng để trẻ được tiếp xúc sớm với các loại sách có tình tiết, có chữ viết, kể từ ngày bạn mua cho trẻ cuốn sách có lời văn thuyết minh, bạn cần cố gắng “đọc” chuyện, không nên “kể” chuyện cho trẻ nghe. Điều này đã được trình bày kỹ trong bài viết Dạy con biết chữ không khó của cuốn sách này, ở đây tôi không đề cập nữa.



    Cách đọc sách tốt yêu cầu đọc nhanh, cách đọc sách xấu yêu cầu đọc chậm.



    Trong vấn đề đọc sách ngoài giờ học, một cái lỗi rất tệ mà một số bậc phụ huynh và giáo viên hay mắc phải là yêu cầu trẻ đọc chậm, đọc từng chữ từng câu một. Điều này không đúng.



    Có ba phương diện để đánh giá khả năng đọc của một người: Hiểu, nhớ, tốc độ. Ba phương diện này hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau phát triển.



    Tốc độ là một tiêu chí hết sức quan trọng để đánh giá khả năng đọc. Khả năng đọc của người đọc từng chữ một là kém nhất, đọc từng hàng từng hàng một, đạt được đến “nhìn một lúc mười dòng” là tốt nhất. Nhìn một lúc mười dòng là một cách ví von, chỉ hoạt động đọc sách của người đó đã đạt tới trình độ rất thành thạo, diện đọc rộng, phạm vi chú ý lớn, một lần nhìn bao quát được từ một dòng đến mấy dòng.



    Đọc sách buộc phải đạt đến trình độ bán tự động hóa, nội dung đọc mới có thể được nắm bắt và hấp thu, mới có lợi cho việc hiểu và nhớ. Cách đọc từng chữ một sẽ gây cản trở cho sự hình thành trạng thái bán tự động hóa này, tài liệu đọc mà mình cảm nhận được rời rạc, không hoàn chỉnh.



    Tốc độ đọc của con người vừa không phải từ lúc sinh ra đã có, cũng không phải là muốn nhanh sẽ được nhanh, đồng thời không thể dùng một phương pháp huấn luyện nào đó để dễ dàng đạt được. Tốc độ được quyết định bởi lượng đọc, được hình thành một cách tự nhiên trên cơ sở “lượng”. Sự tiến bộ của trẻ em trên phương diện này rất đáng ngạc nhiên, một học sinh tiểu học thích đọc sách, tốc độ đọc của em sẽ nhanh chóng được hình thành, đồng thời do suy nghĩ của trẻ trong quá trình đọc rất đơn thuần, nóng lòng muốn biết tình tiết câu chuyện ở phía sau, vì thế tốc độ đọc thường vượt cả những người lớn cũng thích đọc sách như thế. Những đứa trẻ có lượng đọc tương đương, tốc độ đọc của chúng về cơ bản là như nhau. Vì thế trong vấn đề nâng cao tốc độ đọc, cũng không cần người lớn phải can thiệp, chỉ cần đảm bảo cho trẻ có lượng đọc đủ là được.



    Con gái tôi Viên Viên khi học tiểu học đã đọc xong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, tất cả mười bốn bộ, khoảng ba mươi, bốn mươi cuốn. Tôi chỉ mua cho cô bé một bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký, còn lại là đi thuê về xem. Lúc đó tiền thuê là mỗi cuốn năm hào/ngày. Lúc đầu Viên Viên đọc rất chậm, chẳng mấy chốc càng đọc càng nhanh, mặc dù hàng ngày phải đi học, mỗi cuốn chỉ mất một đến một tệ rưỡi, tức hai, ba ngày là đã đọc xong; đến kỳ nghỉ hè thì mỗi ngày đọc một cuốn. Tôi tính sơ bộ, cô bé tám tuổi này đọc một cuốn tiểu thuyết hai trăm nghìn chữ, tổng thời gian đọc chỉ cần bốn đến năm tiếng đồng hồ. Tốc độ này của Viên Viên không có gì là ghê gớm, những em khác đọc nhiều sách, tốc độ cũng sẽ nhanh như vậy.



    Trong vấn đề nâng cao tốc độ đọc cho trẻ, cần chú ý một số điểm sau:



    Thứ nhất, không nên để trẻ đọc phát ra tiếng.



    Ở trường thường xuyên yêu cầu học sinh đọc nhẩm bài khóa, đó chỉ là đọc bài khóa, không nằm trong phạm trù đọc sau giờ học mà chúng ta nói đến ở đây. Đọc sách ngoài giờ học không nên đọc thành tiếng. Đọc phát ra tiếng, không những không thể hiểu rõ nội dung của tác phẩm, cũng không thể đẩy nhanh tốc độ, là một cách đọc không tốt.



    Thứ hai, không nên vừa gặp từ mới đã yêu cầu trẻ tra từ điển.



    Trong giai đoạn đầu đọc sách, chắc chắn trẻ sẽ gặp nhiều từ mới, việc tra từ điển liên tục sẽ ảnh hưởng đến việc đọc, sẽ làm trẻ mất hứng thú. Trẻ mới đọc những tác phẩm có nội dung dài, vốn đã không tin tưởng vào vốn từ mà mình đã biết, lo rằng không biết có hiểu hay không. Bố mẹ cần khích lệ trẻ, có những chữ không biết cũng không sao cả, chỉ cần hiểu được là được. Nếu có một số từ mới ảnh hưởng đến việc hiểu tác phẩm, hoặc là từ then chốt trong tác phẩm thì có thể hỏi bố mẹ. Như thế sẽ khiến cho trẻ cảm thấy rất nhanh, đọc rất nhẹ nhàng. Tôi từng gặp bậc phụ huynh rõ ràng là biết chữ đó, nhưng lại không nói cho con biết, bắt con phải đi tra từ điển, dường như cho rằng tra từ điển có thể giúp trẻ nhớ lâu hơn. Cách làm này là vô nghĩa, thực tế là hầu hết các em đều không thích bị gián đoạn trong quá trình đọc. Có em thích tra từ điển, đương nhiên cũng không nên ngăn cản, quan trọng là tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, để trẻ có thể đọc một cách vui vẻ, thuận lợi.



    Thứ ba, nếu có thể, cố gắng thuê sách hoặc mượn sách để đọc.



    Thuê sách hoặc mượn sách có thể thúc đẩy trẻ nhanh chóng đọc xong một cuốn sách. Bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung mà Viên Viên đọc về cơ bản đều là thuê về, để tiết kiệm tiền thuê, Viên Viên đã tranh thủ thời gian đọc xong sớm, mỗi cuốn cùng lắm thuê ba ngày, đến kỳ nghỉ mỗi ngày một cuốn. Mặc dù thuê trong vài ngày không tốn nhiều tiền, nhưng cảm giác chỉ mất một tệ mà được đọc một cuốn sách đã khiến Viên Viên rất phấn khởi, điều này vô hình trung cũng thúc đẩy Viên Viên đọc nhanh.





    Cách đọc sách tốt quan tâm đến việc đọc được bao nhiêu, cách đọc sách xấu quan tâm đến việc nhớ được bao nhiêu



    Rất nhiều phụ huynh sau khi con đọc xong một cuốn sách, thường xuyên kiểm tra em “đã nhớ được bao nhiêu”.



    Có một vị phụ huynh, cũng nghe theo lời gợi ý của người khác, đồng ý cho con đọc sách ngoài giờ học. Em này vừa đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên, bố mẹ liền nóng lòng muốn con kể lại câu chuyện này, học thuộc “những đoạn văn hay” trong đó, bắt con phải dùng một số từ trong tiểu thuyết vào bài văn của mình, thậm chí còn yêu cầu con trẻ phải viết cảm nghĩ sau khi đọc xong. Đến khi em này đọc sang cuốn tiểu thuyết thứ hai, chị liền trách con gần như quên hết các tình tiết câu chuyện và nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, cho rằng cuốn đầu tiên đọc mất công. Bố mẹ làm như vậy chẳng khác gì gây khó dễ cho con. Điều này phản ánh hai vấn đề của bố mẹ, một là không hiểu việc đọc sách, hai là quá nóng vội. Kết quả của việc làm này sẽ chỉ khiến trẻ ghét đọc sách mà thôi.



    Khi con trẻ đối mặt với một cuốn sách, nếu có người đưa ra yêu cầu với trẻ rằng phải ghi nhớ, trẻ sẽ tập trung sự chú ý vào việc nhớ, đồng thời đặt hứng thú đọc sách vào vị trí thứ yếu. Khi trẻ ý thức được rằng sau khi đọc xong một cuốn sách lại có nhiều nhiệm vụ phải làm như vậy, trẻ sẽ không còn muốn đọc nữa.



    Làm mất hứng thú chính là bóp chết việc đọc sách.



    Cần để trẻ cảm nhận được rằng, đọc sách là một việc làm thú vị, ngoài sự thú vị ra không còn mục đích nào khác. Chính cái “không có mục đích nào khác” này, mới có thể khiến trẻ thích đọc sách.



    Việc đọc sách giai đoạn thiếu nhi chủ yếu là đọc truyện cổ tích và tiểu thuyết, chỉ cần con trẻ thích đọc, chứng tỏ trẻ đã bị câu chuyện lôi cuốn, trẻ và các nhân vật trong truyện cùng nhau trải qua các sự kiện, và cuối cùng cùng nhau chào đón một kết cục, cuốn sách này đã để lại dấu ấn trong cuộc đời trẻ. Nội dung cụ thể không cần trẻ phải nhớ, kể cả khi trẻ quên cả tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đọc từ ba tháng trước, cũng không thể nói rằng trẻ đọc phí công.



    Còn về việc học thuộc một số “đoạn văn hay” trong tác phẩm, càng không có mối liên hệ tất yếu với việc học ngôn ngữ. Nếu đoạn văn hay khiến trẻ cảm động thật thì trẻ sẽ tự biết mô phỏng và nhớ; nếu “đoạn văn hay” là do bố mẹ chọn, chưa chắc trẻ đã thừa nhận nó hay, việc học thuộc như thế sẽ không còn có ý nghĩa nữa. Đọc sách là một sự ảnh hưởng âm thầm, về mặt ngôn ngữ cũng là như vậy. Học thuộc đoạn văn của người khác không đồng nghĩa với việc mình có thể viết ra được đoạn văn này, điều quan trọng nhất của việc học ngôn ngữ là hình thành khả năng tổ chức ngôn ngữ và phong cách của mình, thà để trẻ dành thời gian vào việc đọc cuốn sách khác còn hơn là bắt trẻ học thuộc đoạn văn mà mình không thích.



    Tục ngữ nói “sành sỏi xem bí quyết, ngờ nghệch xem cho vui”. Việc đọc sách ngoài giờ học của học sinh giai đoạn cấp một và cấp hai gần như đều là giai đoạn “ngờ nghệch”, trẻ “xem cho vui” cũng là tốt lắm rồi, không trải qua giai đoạn này, cũng khó có thể đạt đến giai đoạn sành sỏi. Tốt nhất bố mẹ và giáo viên không nên nóng lòng bắt trẻ phải nắm được ý nghĩa, phát biểu được cảm tưởng, nhớ được bao nhiêu điều sau khi đọc xong một cuốn sách. Thái độ của bạn đối với việc trẻ xem ti vi, chơi điện tử vô tư như thế nào thì đối với việc đọc sách của trẻ cũng nên vô tư như thế.



    Chức năng của đọc nằm ở sự “hun đúc” chứ không phải là “chuyên chở”. Có thể trước mắt không thấy được gì, nhưng chỉ cần trẻ đọc được một lượng sách cần thiết, nền tảng vững chắc sớm muộn sẽ hiện ra ở trẻ.



    Thực tế là, bố mẹ càng ít đặt ra những yêu cầu không thích đáng như ghi nhớ và học thuộc cho con trẻ thì vốn kiến thức mà trẻ nắm được trong quá trình đọc lại càng nhiều. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, ông phát hiện ra rằng: “Số lượng kiến thức mà con người nắm bắt cũng được quyết định bởi màu sắc tình cảm của hoạt động lao động trí óc: Nếu sự giao lưu tinh thần với sách vở là một niềm say mê, không đặt mục đích là phải ghi nhớ, thì rất nhiều sự vật, chân lý và quy luật sẽ dễ dàng ăn sâu vào ý thức của anh ta”.





    Cách đọc sách tốt đọc chữ, cách đọc sách xấu đọc tranh.



    Có vị phụ huynh nói rằng con mình đọc sách suốt ngày, tiền anh cho con, con hầu hết là mang đi mua sách, một bộ mấy chục cuốn, chỉ mấy ngày mà đã đọc xong, nhưng trình độ viết văn của cậu con lại rất kém, không hiểu tại sao lại như vậy.



    Tôi hỏi anh con trai anh thường đọc những sách gì, anh nói về cơ bản đều là truyện tranh - thảo nào!



    Tôi nói với vị phụ huynh này rằng, đọc truyện tranh không gọi là đọc sách, truyện tranh không phải là sách, truyện tranh chỉ là ti vi xuất hiện dưới hình thức cuốn sách. Anh nói con anh thường xuyên “đọc sách”, thực ra là em thường xuyên “xem ti vi”.



    Hiện nay xã hội đang ở trong thời đại “đọc tranh”. Cái gọi là “đọc tranh” chính là xem phim hoạt hình, tranh biếm họa, ti vi hoặc máy tính, là phương thức tiếp nhận thông tin lấy hình ảnh làm chủ. Sự xuất hiện của thời đại đọc tranh đã gây sức ép cho hình thức đọc sách truyền thống. Một đứa trẻ sinh ra trong thập kỷ 1960, từ nhỏ sống trong môi trường thiếu thốn thông tin, sau khi lên cấp hai thỉnh thoảng được đọc một cuốn sách, anh ta liền đọc ngấu nghiến như tìm được của quý, niềm say mê đọc sách của anh ta có thể đã hình thành như vậy. Nhưng một đứa trẻ sinh vào thập kỷ 1990, ngay từ lúc sinh ra đã bị các loại thông tin kích thích, bao vây, nếu hầu hết thời gian trong độ tuổi thiếu nhi của em trôi qua trước màn hình ti vi, em sẽ có hứng thú với hình ảnh hơn, hình ảnh đã chiếm vị trí quan trọng trong đầu óc em, thời điểm tốt nhất để tạo hứng thú đọc chữ đã bị bỏ lỡ, sau này rất khó có thể tạo hứng thú đối với việc đọc sách.



    Hiện giờ có quá nhiều trẻ em mắc “chứng nghiện ti vi”, điều này có liên quan đến một số quan niệm của phụ huynh. Một số bậc phụ huynh mặc dù cũng muốn con mình lớn lên trở thành người ham đọc sách, nhưng lại không để tâm đến việc đọc sách khi trẻ còn nhỏ, coi việc đọc sách có cũng được mà không có cũng xong. Có người cho rằng trong ti vi cũng có kiến thức, để con trẻ xem nhiều ti vi cũng tăng thêm được vốn kiến thức. Có người cho rằng con trẻ chưa biết nhiều chữ, xem ti vi trước, đợi đến khi biết nhiều chữ rồi sẽ đọc sách. Còn có người cho rằng trẻ phải được sống một cuộc sống tự do tự tại, chỉ cần làm xong bài tập, trẻ thích làm gì thì để trẻ làm. Họ không biết mình đang bỏ lỡ thời cơ, những suy nghĩ này đã khiến trẻ mất đi một thói quen tốt. Sự tổn thất này phần lớn sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời.



    “Đọc tranh” không thay thế được vai trò của “đọc chữ”. Sở dĩ “đọc chữ” tốt hơn “đọc tranh” là do các nguyên nhân sau:



    Chữ viết là một loại ký hiệu ngôn ngữ trừu tượng, có thể kích thích trung khu ngôn ngữ của trẻ phát triển, đồng thời ký hiệu này chính là ký hiệu mà trẻ sẽ sử dụng trong quá trình học tập trong tương lai, trong quá trình đọc sách trẻ được tiếp xúc nhiều, đến khi học trên lớp sẽ sử dụng được nhuần nhuyễn loại ký hiệu này, đây chính là cách trần thuật đơn giản “đọc chữ” có thể khiến một đứa trẻ trở nên thông minh hơn.



    Còn truyện tranh, ti vi và máy tính đều dùng hình ảnh để lôi cuốn người khác, đặc biệt là ti vi, tín hiệu kích thích này không cần bất kỳ sự hoán chuyển nào, chỉ cần trẻ ngồi trước màn hình ti vi tiếp nhận một cách bị động là được. Đương nhiên xem ti vi cũng có thể giúp trẻ hiểu thêm một số điều, nhưng so với việc đọc sách, trong vấn đề mở mang trí tuệ, tác dụng của phương thức “đọc tranh” gần như là rất ít. Nếu các em trước độ tuổi đi học dành nhiều thời gian cho việc xem ti vi, trí tuệ của các em sẽ không được mở mang. Bắt đầu từ khi vào cấp một, lực học của em sẽ kém hơn những em thường xuyên đọc sách.



    Hơn nữa, những đứa trẻ quen với việc “đọc tranh” đã quen với cách tiếp nhận bị động, không quen với cách tiếp thu chủ động, trong học tập thường tỏ ra thiếu ý chí. Nhà văn hóa nổi tiếng của Đài Loan Lý Ngao đã chỉ trích rất gay gắt rằng: “Ti vi là cỗ máy sinh ra hàng loạt kẻ ngốc”.



    Thời gian “đọc chữ” của trẻ nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Giữa việc đọc sách và số mặt chữ trẻ đã biết không có mối quan hệ tất yếu, càng không có mối liên hệ với cấp học của trẻ, lúc nào cũng có thể bắt đầu. Cách đọc sách sớm nhất của trẻ em là nghe bố mẹ kể chuyện, từ giai đoạn trẻ nghe bố mẹ kể, dần dần quá độ sang giai đoạn trẻ tự đọc, từ chỗ đọc truyện tranh đơn giản dần dần quá độ sang tác phẩm văn học, từ những câu chuyện cổ tích có nội dung đơn giản dần dần quá độ sang các tác phẩm nổi tiếng. Chỉ cần trẻ chịu đọc, sự quá độ này sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên.



    Bản tính của trẻ em đều thích đọc sách, phàm là những em tỏ ra không thích đọc sách đều là do bố mẹ không tạo cho em môi trường đọc sách thích hợp trong thời điểm thích hợp. Hoặc là trong nhà rất ít khi mua sách; hoặc là mua sách về ngại kể cho con nghe; hoặc là cả ngày dùng ti vi để dỗ dành con trẻ, tóm lại, ngay từ nhỏ trẻ đã bị cách ly khỏi sách.



    Thực ra “đọc chữ” không hoàn toàn phủ định “đọc tranh”, hai phương thức đọc này hoàn toàn có thể cùng tồn tại trong cuộc sống của trẻ. Con gái tôi Viên Viên cũng rất thích các hoạt động “đọc tranh”, từ nhỏ tới lớn cô bé đều thích xem phim hoạt hình, vào đại học vẫn thường xuyên xem, trên giá sách có rất nhiều truyện tranh, nhưng điều này không ảnh hưởng đến hoạt động “đọc chữ” của cô bé. Niềm say mê “đọc chữ” của cô bé đã được hình thành một cách ổn định từ khi còn rất nhỏ, cô bé tự biết dựa vào nhu cầu của mình để phân bổ thời gian đọc và nội dung đọc.



    Những đứa trẻ từ nhỏ đến lớn, dành hầu hết thời gian rỗi cho việc “đọc tranh” chứ không phải là “đọc chữ”, thực ra việc đọc của những em đó vẫn dừng lại ở giai đoạn đầu tiên, sự trưởng thành về mặt trí tuệ do đọc sách đem lại cũng không thể thực hiện. Sự tổn thất này bắt nguồn từ việc hoạt động “đọc chữ” không kịp thời xuất hiện trong cuộc sống thuở ấu thơ của các em - đây là một điều rất đáng tiếc. Điều đáng tiếc này, lẽ nào không phải là do bố mẹ, giáo viên, và toàn xã hội coi nhẹ việc đọc sách của trẻ em hay sao?






    Ngoài ra cần phải nhắc các bậc phụ huynh nên chú ý rằng, để trẻ đọc nguyên tác, không nên đọc “bản lược trích” hoặc “bản thu nhỏ”.



    “Bản lược trích” chỉ những bản in đã được cắt gọt, biến thành bản có số chữ ít, nội dung, ngôn ngữ đều khá đơn giản. Tôi cho rằng đây là hành vi biến một quả tươi thành mứt hoa quả, ít nhất là những cuốn sách “dành cho thiếu nhi” như Tam quốc diễn nghĩa mà tôi nhìn thấy trong cửa hàng sách đã gây ấn tượng cho tôi như vậy. Kiến nghị nên chọn cho trẻ những nhà xuất bản có tiếng tăm và tác phẩm gốc.



    “Bản thu nhỏ” chỉ những cuốn sách giữ nguyên tổng số chữ, nhưng thu nhỏ cỡ chữ, trang nào cũng dày đặc chữ. Loại sách này có thể là do một số nhà xuất bản nhỏ không có tiếng tăm hoặc các tay in lậu sách sản xuất. Ví dụ in bộ Hồng lâu mộng thành một cuốn sách. Những cuốn sách như thế này chỉ tiện mang theo bên người, nhưng đọc sẽ rất mệt, dễ làm trẻ chán; ngoài ra cũng có thể có nhiều chữ viết sai. Chính vì vậy cũng không nên cho trẻ đọc bản thu nhỏ.





    Mỗi chúng ta đều thích “cái tốt”, không thích “cái xấu”, con trẻ lại càng phân chia rạch ròi thành tốt và xấu, trên trang giấy cuộc đời thuần khiết như tờ giấy trắng của các em sẽ để lại dấu ấn gì, đều có mối liên hệ tất yếu với sự tốt xấu của hàng trăm hàng triệu chi tiết trong cuộc đời các em. Giáo dục nằm trong tất cả mọi chi tiết, mỗi chi tiết “tốt” nhìn có vẻ rất nhỏ bé, đều có thể có ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ. Việc đọc sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, bố mẹ và thầy cô giáo phải cố gắng tạo cho trẻ “cách đọc sách tốt”, tránh “cách đọc sách xấu”, đây cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình bạn đem lại cho trẻ những phương pháp giáo dục tốt.
     
  7. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Để cây bút nở hoa

    “Không để con thua trên vạch xuất phát” là câu nói cửa miệng của giáo dục gia đình hiện nay, mỗi bậc phụ huynh đều nghĩ như vậy, mỗi bậc phụ huynh đều nói như vậy, nhưng tại sao trẻ càng chạy càng tụt hậu, tại sao số phụ huynh thất vọng lại chiếm đa số? Đó là do trong quá trình giáo dục trẻ em rất nhiều khái niệm thắng thua đã bị hiểu sai. Làm việc dựa theo khái niệm sai, đương nhiên là sẽ khiến sự việc hỏng bét.

    Có một câu chuyện liên quan đến thành ngữ “bút pháp kỳ diệu nở hoa”, kể về một tú tài mơ thấy đầu bút lông của mình nở ra một đóa hoa sen, sau khi tỉnh giấc, văn chương của vị tú tài này trở nên dạt dào, múa bút như có phép thần.

    Câu thành ngữ đã phản ánh một nguyện vọng của con người từ xưa đến nay, cũng là một vấn đề khó mà rất nhiều người đang tìm cách giải quyết: Làm thế nào để viết văn hay. Đặc biệt là rất nhiều học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba hiện nay, làm văn là chuyện các em đau đầu nhất. Giá như có biện pháp gì giải quyết được vấn đề này, thì biện pháp này chắc chắn phải là “niềm mơ ước lớn” của các em.

    Cá nhân tôi đã từng dạy môn Ngữ văn hơn mười năm, tôi cũng thích viết lách. Con gái Viên Viên của tôi làm văn cũng rất khá, theo như tôi nhớ thì kể từ khi bước vào trường tiểu học, các bài viết của cô bé gần như không xuất hiện lỗi câu, cũng rất ít chữ viết sai, điểm văn rất cao. Đặc biệt sau khi lên cấp ba, các bài văn của Viên Viên thường được cô giáo lấy làm bài văn mẫu, giới thiệu cho bạn cùng lớp đọc. Kỳ thi đại học năm 2007, Viên Viên đạt một trăm bốn mươi điểm môn ngữ văn – một số điểm rất cao. Theo nguồn tin của báo chí, năm đó trong số gần 120.000 thí sinh thuộc nhóm ngành tự nhiên(1) và xã hội của Bắc Kinh, tổng cộng chỉ có mười hai em đạt một trăm bốn mươi điểm trở lên. Chắc chắn việc bài văn của Viên Viên đạt điểm cao có thể có nhân tố may mắn, nhưng cũng nói lên được rằng trình độ làm văn của cô bé thực sự rất khá.

    Vì những nguyên nhân này, thường xuyên có người hỏi tôi, làm thế nào để bồi dưỡng khả năng viết văn cho con. Và kinh nghiệm mà tôi đúc kết được qua nhiều năm chỉ có hai chữ: Đọc sách.

    Tôi không thích giảng những cái gọi là “kỹ xảo viết văn” cho các em – những người có vốn đọc còn ít. Tôi từng dự giờ “tập làm văn” của một số giáo viên, và tôi có cảm giác rằng những giờ học như thế chỉ là bài biểu diễn của giáo viên mà thôi, không có tác dụng gì đối với học sinh. Người ta đã quá phức tạp hóa kỹ xảo viết văn, tổng kết ra nhiều phương pháp như thế, một số giáo viên hoàn toàn không biết làm văn, lại cũng có thể giảng một cách rất hùng hồn “kỹ xảo làm văn” – điều này cũng có thể chứng minh được rằng những “kỹ xảo làm văn” này không có tác dụng gì đối với học sinh.

    “Hay” và “đơn giản” thường đồng nghĩa với nhau. Học viết văn cũng như vậy, kỹ xảo tốt nhất có lẽ là kỹ xảo đơn giản nhất. Đối với việc viết văn, đọc là “kỹ xảo lớn” căn bản nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất; và nếu gạt vấn đề đọc sang một bên, các kỹ xảo còn lại cùng lắm chỉ có thể gọi là “kỹ xảo nhỏ”. Có được kỹ xảo lớn, kỹ xảo nhỏ sẽ tự đến; không có kỹ xảo lớn, mọi kỹ xảo nhỏ đều không có điều kiện thực hiện.

    Tôi rất coi trọng vấn đề đọc sách của Viên Viên. Kể từ khi bé một tuổi tôi bắt đầu kể chuyện cho bé nghe, có thể lúc đầu bé không hiểu, nhưng bé thích nghe, đôi mắt sáng nhìn chằm chằm vào miệng tôi hoặc sách, không khóc không nghịch. Đến khi bé lớn hơn một chút, đã hiểu, liền thường xuyên đòi tôi kể chuyện cho bé nghe, mỗi câu chuyện đều phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Bất kể bé yêu cầu kể bao nhiêu lần, tôi gần như không bao giờ từ chối.

    Mỗi em bé đều thích nghe kể chuyện, đều thích đọc sách. Nếu nói có những em tỏ ra không thích đọc sách, không thích nghe kể chuyện, chắc chắn là do bố mẹ không kịp thời để em tiếp xúc với việc đọc, để lỡ thời cơ tốt nhất. Hứng thú đọc sách của trẻ đã bị cái khác (hiện nay chủ yếu là ti vi) thay thế – rất nhiều phụ huynh xem thường việc này như việc con trẻ không cẩn thận làm vãi cơm, đây thực sự là một tổn thất lớn.

    “Không để con thua trên vạch xuất phát” là câu nói cửa miệng của giáo dục gia đình hiện nay, mỗi bậc phụ huynh đều nghĩ như vậy, mỗi bậc phụ huynh đều nói như vậy, nhưng tại sao trẻ càng chạy càng tụt hậu, tại sao số phụ huynh thất vọng lại chiếm đa số? Đó là do trong quá trình giáo dục trẻ em rất nhiều khái niệm thắng thua đã bị hiểu sai. Làm việc dựa theo khái niệm sai, đương nhiên là sẽ khiến sự việc hỏng bét.

    Trong quá trình giáo dục trẻ em giai đoạn đầu, bố mẹ thường muốn nhìn thấy hiệu quả rõ rệt ngay lập tức. Người ta thích đưa con vào các lớp học thêm trước khi vào lớp một để học phiên âm, học ngoại ngữ, mong con kỳ thi nào cũng đạt điểm cao, nhiệt tình đăng ký cho con nhiều lớp học phụ đạo, bồi dưỡng tài năng, họ cho rằng đây chính là dẫn trước một bước ở vạch xuất phát.

    Và trong giai đoạn trẻ còn đang nhỏ, trẻ đọc nhiều sách hay không tạm thời chưa thấy được sự khác biệt gì. Từ lúc trước khi đi học đến khi tốt nghiệp tiểu học, thậm chí lên cấp hai, những em học sinh ít đọc sách ngoài giờ học nếu chỉ nhằm vào việc học để đối phó với các môn thi, thường sẽ đạt nhiều thành tích cao. Điều này đã gây ảo giác cho các bậc phụ huynh, cho rằng việc đọc sách ngoài giờ học có cũng được không có cũng được, thậm chí cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học, vì thế bố mẹ thường không chú ý.

    Trên thực tế, việc không coi trọng vấn đề đọc sách của trẻ trong giáo dục vỡ lòng là một trong những hành vi tồi tệ nhất, sự khác biệt trong vấn đề đọc sách khi còn nhỏ mới là sự khác biệt “thắng thua” quan trọng. Những đứa trẻ rất ít khi đọc sách, mặc dù khi còn nhỏ chúng tỏ ra thông minh, lanh lợi, thành tích học tập tốt; nhưng do những em này chỉ dự trữ rất ít nguồn năng lượng trí tuệ, thường đến khi vào cấp hai, tố chất tổng hợp của các em sẽ càng ngày càng kém, ngày càng tỏ ra lực bất tòng tâm trong việc học. Sự khó khăn và nỗi thắc mắc trong vấn đề này có thể sẽ theo các em suốt cuộc đời. Còn những em đọc nhiều sách, thông thường không những ngay từ nhỏ các em đã tỏ ra thông minh, mà trong học tập cũng có sức bộc phát rất lớn. Đối với sự phát triển của cá nhân trong suốt cuộc đời, ngay từ nhỏ các em đã đặt được nền móng đọc và hứng thú đọc vững chắc, là những người chiến thắng thực sự trên vạch xuất phát .

    Cụ thể như vấn đề bồi dưỡng khả năng viết văn lại càng có mối quan hệ trực tiếp với việc đọc sách. Không đọc sách sẽ không thể viết văn.

    Đọc sách không những nên bắt đầu từ khi còn nhỏ, mà phải đọc đủ số lượng.

    Hiện nay theo tiêu chuẩn môn Ngữ văn được Bộ giáo dục Trung Quốc quy định, tổng số chữ mà một học sinh tiểu học phải đọc ngoài giờ học không dưới 1,45 triệu chữ, học sinh cấp hai không dưới 2,6 triệu chữ, học sinh cấp ba không dưới 1,5 triệu chữ. Tức là đến khi tốt nghiệp cấp ba, lượng đọc của một học sinh bình thường rơi vào khoảng năm triệu đến sáu triệu chữ. Tôi cảm thấy đây là một tiêu chuẩn rất thấp mà Bộ giáo dục đưa ra dựa vào tình hình thực tế của Trung Quốc – kể cả là như vậy, nó cũng cao hơn rất nhiều so với lượng đọc thực tế của đại đa số học sinh hiện nay.

    Một số cuộc điều tra cho thấy, theo đánh giá sơ bộ hiện nay lượng đọc trung bình của học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba của Trung Quốc chỉ bằng 20% tiêu chuẩn mà Bộ giáo dục đưa ra.

    Tại sao lại thấp như vậy? Một số bài báo phân tích rằng, đó là do sức ép rất lớn mà kỳ thi đại học gây ra, “không có động lực đọc”. Hiện giờ, thi đại học đã trở thành kẻ chịu tội thay. Tôi cho rằng nguyên nhân căn bản là vấn đề hứng thú của trẻ. Tại sao thi đại học không gây sức ép lớn cho những trẻ vùi đầu vào trò chơi điện tử, từ đó “không có động lực” chơi trò chơi điện tử?

    Học sinh cấp hai, cấp ba không thích đọc sách, đây là vấn đề được hình thành từ khi còn học tiểu học, học sinh tiểu học không thích đọc sách, là do trước khi đi học và sau khi vào lớp một, bố mẹ và nhà trường không tạo niềm say mê đọc sách cho trẻ.

    Ví dụ nếu bố mẹ kịp thời bồi dưỡng được niềm hứng thú đọc sách cho trẻ, để việc đọc sách giống như ăn cơm, trở thành một phần tồn tại rất tự nhiên trong cuộc sống của trẻ, đến khi vào cấp ba đọc mấy triệu chữ là một việc rất tự nhiên. Một đứa trẻ thích đọc sách, việc đọc đối với em không có cái gọi là “sức ép”, qua quá trình đọc sách, em sẽ cảm nhận được sự đơn giản và tận hưởng như ăn cơm hoặc chơi trò chơi điện tử, bạn không muốn cho con đọc sách con cũng không chịu.

    Từ khi lên lớp hai Viên Viên bắt đầu đọc tiểu thuyết dài, sau đó không hề gián đoạn. Trong kỳ nghỉ đông cách thi đại học chỉ còn ba, bốn tháng, mặc dù học hành rất bận nhưng cô bé vẫn tranh thủ thời gian đọc tác phẩm văn học khoảng 400.000 chữ, đối với cô bé đây không phải là gánh nặng, mà là một sự thả lỏng và bổ sung.

    Tổng kết sơ bộ lượng sách mà Viên Viên đọc, đến khi tốt nghiệp cấp ba, vào khoảng 15 triệu đến 20 triệu chữ. Đối với một đứa trẻ thích đọc sách, như vậy không phải là nhiều, lượng đọc của rất nhiều em thích đọc sách thậm chí còn gấp nhiều lần con số này.

    Học ngôn ngữ quan trọng nhất là bồi dưỡng được ngữ cảm. Tại sao các bài tập làm văn của Viên Viên không xuất hiện câu sai, là do cô bé đã đọc hàng nghìn, hàng triệu câu văn hay, tạo được ngữ cảm tốt, tích lũy được vốn từ phong phú, ngữ cảm tốt, từ vựng phong phú, câu cú viết ra tự nhiên sẽ không có lỗi.

    Việc đọc sách nhiều không chỉ đem lại cho trẻ khả năng trình bày chính xác, mà còn cả tài năng sáng tác. Bài văn của Viên Viên còn thường xuyên xuất hiện những câu văn khiến người ta phải thán phục, thậm chí tôi có cảm giác mình còn không bằng. Tiểu thuyết mà cô bé viết lén khi học lớp mười đã bị tôi vô tình đọc được, lời văn lưu loát và chững chạc khiến tôi rất ngạc nhiên. Bởi vì từ trước đến giờ tôi đều đọc những bài văn mà cô bé viết trong vở, đó chỉ là những bài tập làm văn chứ không thể được gọi là sáng tác. Lúc đó tôi cảm thấy, nếu sau này Viên Viên muốn sống bằng nghề viết lách cũng là điều có thể thực hiện. Không phải Viên Viên có tài cán gì đặc biệt, những đứa trẻ khác có khối lượng đọc như cô bé cũng sẽ viết văn rất tốt.

    Đã từ lâu nay, giáo dục Ngữ văn của Trung Quốc rất buồn cười.

    Dạy học không bao giờ dám vượt ra khỏi khuôn khổ của sách ngữ văn, giáo viên và học sinh đều dồn rất nhiều thời gian, công sức để “phân tách” bài văn và câu cú. Phương pháp dạy học cũ kỹ dạy đại ý của cả đoạn, tư tưởng chủ đạo mặc dù đã bị phê bình nhiều, nhưng cho đến nay vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phương pháp dạy học sinh tiểu học và cấp hai, cấp ba. Mỗi cuốn sách ngữ văn mỏng đều chiếm cả một học kỳ của học sinh, đây thực sự là một sự lãng phí vô cùng lớn. Giáo viên ngữ văn không coi trọng việc đọc sách của học sinh, biến một môn học đáng lẽ là có hứng thú nhất thành môn học khô khan, vô vị nhất, tôi không chỉ một lần nghe thấy trẻ nói rằng chúng ghét học giờ văn, càng ghét giờ tập làm văn.

    Các bậc tiền bối của chúng ta, những văn nhân mặc khách thời Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, những cái tên và tác phẩm lấp lánh rạng ngời của họ đã tạo nên nền văn hóa huy hoàng như thế nào trong lịch sử nhân loại, nhưng trong số họ có ai đã phải bỏ rất nhiều thời gian để phân tích đại ý của đoạn văn, tư tưởng chủ đạo, học ngữ pháp, sửa câu sai trong bài viết của người khác sau đó mới sáng tác? Sau khi truyền thống được bỏ đi, rốt cục chúng ta đã và đang tôn thờ cái gì, đồng thời còn để nó thống trị việc học môn ngữ văn của hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác?

    Thực ra, thực tế của mấy chục năm đã chứng minh được rằng, coi nhẹ việc đọc sách ngoài giờ học, muốn hướng dẫn học sinh cấp một, cấp hai và cấp ba chưa chín chắn thông qua việc học ngữ pháp để viết ra những câu có cấu trúc đúng, thông qua việc phân tích từ ngữ của người khác để viết ra những câu văn hay là cách đi đường vòng. Có thể khẳng định là, dưới tiền đề ít đọc sách ngoài giờ học, sách ngữ văn không thể giúp học sinh nâng cao được trình độ làm văn, môn ngữ văn cũng không thể dạy được học sinh làm văn.

    Nếu đã hiểu được một định lý toán học thì nó sẽ trở thành kiến thức của bạn, có thể ứng dụng ngay lập tức, đạt được hiệu quả rõ rệt. Làm văn là một hoạt động có tính mở, thiên biến vạn hóa, kiến thức bên ngoài chuyển hóa thành năng lực của mình cần phải đi một đoạn đường rất dài. Bất kỳ một “kỹ xảo” làm văn nào về mặt lý giải đều không khó, đều là dễ, nhưng hấp thu là khó, ứng dụng sẽ càng khó hơn. Mặc dù hiện nay môn tập làm văn của học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba được giảng theo rất nhiều phương pháp, rất nhiều giáo viên đã dốc công sức vào bài giảng, bản thân học đường không có vấn đề gì, thậm chí có thể nói có những bài giảng rất hay, giáo viên cũng đã bỏ rất nhiều thời gian để sửa các bài viết của học sinh. Nhưng nếu không có hoạt động đọc sách nhiều của học sinh làm nền tảng, những hoạt động này giống như việc gieo thóc giống vào sa mạc, không có ý nghĩa gì cả.

    Đối với những người có kỹ năng làm văn còn khá non nớt, đặc biệt là đối với những học sinh lớp thấp, học làm văn trước hết nhất thiết phải quay về với việc đọc sách. Những tác phẩm hay bản thân đã bao hàm các kỹ xảo viết cao siêu, quá trình đọc chính là quá trình học kỹ xảo làm văn. Đọc nhiều sách, kỹ năng viết tự nhiên sẽ hình thành – người xưa đã tổng kết ra từ lâu, “Đọc sách vỡ muôn quyển, hạ bút như có thần” (Đỗ Phủ).

    Thông qua việc đọc sách để nâng cao khả năng viết văn, nhìn bề ngoài thì có vẻ là một quá trình dài dằng dặc, trên thực tế nó là biện pháp kinh tế nhất, hữu hiệu nhất, nhẹ nhàng nhất, là “con đường tắt” đích thực.

    Nhưng việc đơn giản nhất thường lại khó thực hiện nhất, những suy nghĩ nóng vội muốn mau chóng thu được kết quả tốt đã khiến rất nhiều người mất đi khả năng phán đoán. Rất nhiều bậc phụ huynh không coi trọng việc đọc sách của con, nhưng lại muốn con học được cách làm văn trong thời gian ngắn – nhu cầu thị trường đã hình thành như vậy.

    Hiện nay trên báo chí người ta thường xuyên thấy những đoạn quảng cáo có thể giúp trẻ làm văn hay trong thời gian ngắn. Tôi đã từng gặp một số “người toàn năng” có thể giúp trẻ học được cách làm văn tại lớp, họ áp dụng một số kỹ xảo, hướng dẫn học sinh thiết lập một số khuôn mẫu, bằng các thủ đoạn mang tính ép buộc thường dùng trong hoạt động dạy học thông thường để thúc học sinh điền từ đặt câu, xem ra hiệu quả không tồi, đúng là học sinh đã làm ra được bài văn ngay tại chỗ. Nhưng sau đó, không có giáo viên đứng bên cạnh hướng dẫn, học sinh không biết phải làm gì cả, vừa không có từ vừa không có câu, sau khi lớp bồi dưỡng này kết thúc, trình độ của học sinh vẫn giậm chân tại chỗ.

    Làm văn cũng như làm người, là một quá trình luyện tập trường kỳ. Áp dụng một số kỹ xảo, lợi dụng vài ngày, chắc chắn không thể dạy được học sinh cách làm văn.

    Mấy ngày trước còn có một người “ba ngày học được cách làm văn” gọi điện thoại cho tôi, tôi không biết họ biết được tình hình của tôi qua ai. Họ biết con gái tôi Viên Viên có điểm thi đại học môn văn cao, và bản thân tôi đã từng là giáo viên dạy văn nhiều năm, đồng thời lại biết viết lách, muốn mời tôi đi trao đổi kinh nghiệm. Tôi trả lời, xin lỗi, ba ngày con gái tôi không học được cách làm văn, cô bé phải dùng mười mấy năm để học. Tôi đã dạy học hơn mười năm, cũng không rèn được bản lĩnh ba ngày dạy được học sinh biết cách làm văn.

    Ở đây tôi còn rất muốn nói rằng, làm văn không chỉ đơn thuần là chuyện chữ nghĩa, nó còn là chuyện liên quan đến tư tưởng nhận thức. Cái mà chữ nghĩa đề cập chính là suy nghĩ của một con người. Ý nghĩa của việc đọc sách không chỉ nằm ở chỗ giúp trẻ có được khả năng ngôn ngữ tốt, mà còn nằm ở chỗ nó có thể làm phong phú thế giới tâm hồn cho trẻ, nâng cao trình độ nhận thức cho chúng.

    Một đứa trẻ thông qua việc đọc sách, trải nghiệm được nhiều cuộc sống xã hội ở Trung Quốc và nước ngoài từ cổ tới kim, trải qua quá trình phát triển lịch sử lâu dài, lắng nghe nhiều ngôn ngữ trí tuệ, chia sẻ vô số những thành quả suy nghĩ, không những giúp trẻ chín chắn hơn trong tư tưởng, giá trị quan cũng hoàn thiện hơn – đây là gốc rễ của việc làm người, cũng là điều kiện làm văn.

    Những người có tâm hồn trống trải, tư tưởng rỗng tuếch, không có giá trị quan chín chắn, kể cả trong đầu có vô số những từ hay ý đẹp, anh ta cũng không có đủ khả năng viết ra một tác phẩm có hồn. Rất nhiều giáo viên và bậc phụ huynh đều phê bình bài văn của con trẻ “không sâu sắc”, nhưng sự “sâu sắc” trong bài văn là thước đo trình độ nhận thức và tư tưởng của một con người, nếu trẻ không bao giờ hoặc rất ít khi được trải nghiệm những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội, thành quả tư tưởng của những người đi trước qua sách vở, với độ tuổi nhỏ như trẻ, làm sao có thể “sâu sắc” được?

    Mỗi bộ sách đều có thể giúp trẻ trải nghiệm được một số điều, học được một số điều. Các nhà giáo dục vĩ đại như John Dewey, Đào Hành Tri… đều đặc biệt nhấn mạnh việc học từ cuộc sống. Và cuộc sống của mỗi con người đều là hữu hạn, người ta không thể đích thân tham gia vào tất cả mọi sự việc, thực chất của việc đọc sách là giúp trẻ được tham gia vào cuộc sống, góp phần tạo nên những trải nghiệm phong phú cho chúng.

    Phàm là những tác phẩm kinh điển từ cổ chí kim của Trung Quốc và nước ngoài, bất luận nội dung của nó là gì, trong đó chắc chắn đều bao hàm những cái chân thiện mỹ. Những cái chân thiện mỹ này ảnh hưởng đến quan niệm giá trị và phương thức tư duy của một con người, đương nhiên cũng ảnh hưởng đến cách viết của một người. Bạn là người như thế nào bạn sẽ nói ra những lời như thế, bạn có tư tưởng ý thức như thế nào, bạn sẽ viết ra những lời như thế.

    Người không đọc sách là người mông muội, một gia đình không đọc sách là một gia đình vô vị, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc nông cạn. Chính phủ Trung Quốc đề xướng giáo dục tố chất, nhưng hiện giờ vừa nhắc đến giáo dục tố chất, người ta thường nghĩ đến các “kỹ xảo nhỏ” như cầm kỳ thư họa, tồi tệ nhất là dùng việc chơi golf để bồi dưỡng “phong độ lịch lãm”, dùng trò nhảy tập thể trong trường để bồi dưỡng “tố chất nghệ thuật”.

    Tại sao không có người nghĩ đến việc mở rộng phổ cập đọc sách, có lẽ là việc đọc sách không dễ tạo thanh thế, không dễ tạo nên những “thành quả” mà người ta có thể nhìn thấy một cách nhanh chóng. Bộ giáo dục Trung Quốc đã quy định ba mươi cuốn sách của Trung Quốc và nước ngoài mà học sinh cấp hai và cấp ba buộc phải đọc, đã có trường nào coi trọng việc này chưa? Có bậc phụ huynh nào biết chuyện này chưa?

    Dù là từ kết quả điều tra hay từ vốn kiến thức của chúng ta đều có thể thấy, hiện nay trên chín mươi phần trăm thư viện của các trường cấp một, cấp hai, cấp ba đều là “đắp chiếu để đấy”. Cũng có nghĩa là gần như các em không thể mượn những cuốn sách mà mình muốn đọc từ trường học.

    Đối với chúng ta con trẻ là duy nhất, sự trưởng thành của trẻ không thể chờ đợi, vì thế lỗ hổng này buộc phải để gia đình nhanh chóng bù đắp. Bố mẹ thà vui vẻ đưa con vào cửa hàng sách hơn là đưa con đi ăn đồ ăn nhanh Mc Donald; thà thường xuyên đặt lên bàn học của con mấy cuốn sách hay, còn hơn là trang bị cho trẻ điện thoại di động, máy nghe nhạc. Đặc biệt là những phụ huynh đang rầu rĩ vì con mình không biết làm văn, muốn bỏ nhiều tiền để đăng ký cho con vào lớp học thêm cấp tốc, hãy dùng số tiền đó để mua sách cho con! Xin hãy bỏ công sức và thời gian, định hướng cho trẻ phát hiện được niềm vui của việc đọc sách, để trẻ coi đọc sách là chuyện thú vị như xem ti vi, chơi trò chơi điện tử!

    Quá trình đọc sách của trẻ chính là quá trình rèn luyện tốt nhất, âm thầm bồi dưỡng tiềm năng cho trẻ, đến một ngày nào đó, bạn sẽ rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng, cây bút trong tay con trẻ không biết đã nảy mầm từ bao giờ, nở ra một đóa hoa thơm ngát.
     
  8. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Học “ngữ văn” không phải là học “sách giáo khoa ngữ văn”​


    Nếu không quan tâm đến việc đọc sách, chỉ ôm sách giáo khoa ngữ văn thì sau khi bước vào giai đoạn trung học, học sinh càng tỏ ra lực bất tòng tâm, cuối cùng, trong kỳ thi đại học quan trọng nhất, e rằng cũng khó có thể đạt được thành tích cao.

    Mấy năm trước có một cô bé tên là Lý Lộ Kha một thời gian được mọi người chú ý. Cô bé hai lần học nhảy cóc, mười lăm tuổi đã thi đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa, hai mươi tuổi học tiến sĩ khoa kiến trúc trường Đại học Thanh Hoa. Khi mọi người đều nhìn cô bé như nhìn thiên tài, bố cô bé lại nói rằng, con gái mình không có trí tuệ phi thường, sự khác biệt giữa cô bé và bạn bè là: Khi những đứa trẻ khác đang ra sức bỏ thời gian và công sức ra học thuộc một số sách không có gì quan trọng, cùng lắm chỉ có thể lật ra xem (chủ yếu chỉ sách ngữ văn) thì tôi đã khuyên con đi đọc những tác phẩm kinh điển như Luận ngữ, Mạnh Tử, Cổ văn quan chỉ…

    Bố của Lý Lộ Kha kiên trì yêu cầu con gái đọc rất nhiều sách ngoài giờ học, cho rằng thời niên thiếu quý giá nhất nên tập trung vào việc đọc các tác phẩm kinh điển. Ông tỏ ra không hài lòng với chương trình giáo dục ngữ văn trong nhà trường hiện nay, cho rằng “Lải nhải những câu chữ không cần thiết, lãng phí quá nhiều thời gian chỉ hủy hoại cuộc đời của một con người”. Do suy nghĩ này của ông xung đột với chương trình giáo dục trong nhà trường, ông đã cho con gái nghỉ học ba lần để cô bé có thể đọc sách một cách tự do, không có gì cản trở. Lượng sách đọc khổng lồ đã đem lại cho Lý Lộ Kha một bước nhảy vọt về trí tuệ và trong học tập, khiến cô bé trưởng thành một cách rất nhẹ nhàng.

    Cách làm của bố Lý Lộ Kha có thể gọi là làm trái với xu thế chung, tạo nên sự đối nghịch với việc rất nhiều giáo viên và phụ huynh coi sách ngữ văn là thánh kinh học ngữ văn. Ở đây không thể không thán phục dũng khí và sự hiểu biết của ông.

    Tôi đã từng đọc một cuốn sách có tên là Chúng ta nên học ngữ văn như thế nào, trong đó có hơn bảy mươi nhà khoa học, học giả văn hóa, nhà văn đương đại viết về kinh nghiệm học ngữ văn của mình ngày xưa, dựa vào năm sinh hoặc năm đi học của các tác giả, từ thập kỷ 1920, 1930 đến thập kỷ 1960, 1970, cuốn sách được chia thành bốn phần. Qua cuốn sách này tôi đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị.

    Tất cả những học giả nổi tiếng trước thập kỷ 1950 đều dành những tình cảm đẹp để nhớ lại những năm tháng học ngữ văn của mình ngày xưa. Nội dung học môn ngữ văn của họ, về cơ bản đều là những tác phẩm kinh điển được lưu truyền từ hàng trăm hàng nghìn năm nay của văn hóa Trung Hoa; gần như họ đều được gặp một hoặc một số giáo viên ngữ văn có vốn kiến thức sâu rộng, ngôn ngữ của họ được hoàn thiện, tâm hồn họ được nuôi dưỡng nhờ những năm tháng học ngữ văn đầu đời. Họ đều khẳng định rằng việc học ngữ văn trong những năm tháng đầu đời đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp và cách học làm người trong suốt cuộc đời của họ. Ví dụ, có người hỏi Viện sĩ Viện khoa học xã hội Trung Quốc Dương Thúc Tử rằng, tại sao ông lại có thể trở thành viện sĩ, có nhân tố cá nhân gì không. Viện sĩ Dương Thúc Tử đã trả lời rằng: “Một trong những nhân tố quan trọng nhất là văn hóa nhân văn, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa, ngữ văn Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng, trực tiếp hoặc gián tiếp”.

    Trái ngược với đó là một số học giả được tiếp nhận quá trình giáo dục môn ngữ văn cấp một, cấp hai, cấp ba thập kỷ 1970, 1980, họ luôn phê phán phương pháp giáo dục ngữ văn mà mình đã trải qua, cho rằng chất lượng biên soạn của sách không cao, phương pháp dạy học cũ kỹ, thiếu sự gợi mở về mặt tư tưởng. Và sở dĩ sau này họ “thành tài” là do may mắn được đọc một số cuốn sách ngoài sách giáo khoa, chính những cuốn sách này đã giúp họ.

    Nhà văn đương đại nổi tiếng Tất Phi Vũ là người sinh ra trong thập kỷ 1960, thời gian ông học cấp một, cấp hai, cấp ba rơi vào khoảng thập kỷ 1970, 1980. Trong bài viết Giáo dục ngữ văn mà tôi được học ông nói rằng, “Nếu để tôi chấm điểm cho hoạt động giáo dục ngữ văn mà thế hệ chúng tôi đã được học, tôi sẽ không cho “điểm 0”, vì nó không được “điểm 0”, mà là điểm âm. Sở dĩ tôi nói như vậy, không hề có ý gì là cố tình gây sự chú ý. Sau khi được tiếp nhận giáo dục ngữ văn cấp một, cấp hai, cấp ba chúng tôi buộc phải bỏ ra rất nhiều công sức để giáo dục mình một lần nữa, khai sáng cho mình một lần nữa”.

    Đối tượng mà ông phê phán là giáo dục ngữ văn hồi đó. Nhưng thời gian đã trôi qua, bao nhiêu năm rồi, giáo dục ngữ văn của Trung Quốc vẫn giữ nguyên nếp cũ. Trạng thái tồi tệ này đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.

    Xét về vấn đề sắp xếp, trình bày, hiện nay môn ngữ văn cấp một vẫn áp dụng khuôn khổ logic là học phiên âm, chữ mới trước, sau đó sẽ học từ vựng, câu.
    Phiên âm có cần phải đặt lên đầu tiên trong việc học ngữ văn hay không? Chữ mới có cần phải học một cách biệt lập hay không?
    Ở đây có một sự suy lý logic tưởng chừng là hợp lý: Muốn đọc được bài phải nhận biết mặt chữ trước, muốn nhận biết mặt chữ thì phải học phiên âm trước – trên thực tế, logic nhìn từ bề ngoài có vẻ rất hợp lý này không phù hợp với trình tự nhận thức của trẻ em, làm ngược với thói quen học ngôn ngữ chữ viết của nhân loại. Làm đảo lộn trật tự của việc học ngôn ngữ.

    Bản thân ngôn ngữ chữ viết chính là một loại công cụ, phiên âm càng chỉ là “công cụ của công cụ” – nó tương đương với cục nhựa thông mà diễn viên chơi đàn nhị hồ thỉnh thoảng sử dụng đến, nhựa thông dùng để làm mượt cung vĩ, nhưng không cần thiết phải để mỗi đứa trẻ khi mới học đàn nhị trước hết phải bỏ ra rất nhiều công sức để đi học kiến thức về nhựa thông – nhưng cái “công cụ của công cụ” này hiện giờ lại biến thành bản thân công cụ và bản thân mục đích, đến nỗi có người lại đưa ra ý kiến rằng, về sau chữ viết của Trung Quốc cần dùng “phiên âm” để thay thế toàn bộ “chữ Hán”. Cách nghĩ hoang đường này không những được ngang nhiên đưa ra mà còn gây tranh luận, thật không thể tưởng tượng nổi!

    Đồng thời chúng ta còn quên rằng việc học của trẻ em cần có những đặc điểm như hình tượng, thú vị, cảm nhận tổng quát, vừa vào học là kéo chúng vào với những chữ cái, chữ mới khô khan và trừu tượng, vì thế mà trẻ phải bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng lại không tìm được niềm vui trong học tập, chúng đã bỏ ra rất nhiều thời gian nhưng chỉ học được rất ít kiến thức.

    Có một lần tôi nghe thấy học giả Vương Đông Hoa của trường Đại học Giao thông Hoa Đông đã nói một câu như thế này, tôi cảm thấy rất hay. Ông nói: Vấn đề lớn nhất của giáo dục ngữ văn của chúng ta là gì, là dùng phương pháp dạy chữ phiên âm của phương Tây để dạy chữ tượng hình của Trung Quốc. Trước đây, một năm dạy trẻ hơn hai nghìn chữ, hiện giờ đã vứt bỏ cách dạy nhận biết mặt chữ tiêu biểu của Trung Quốc trong hai nghìn năm qua, đến năm lớp ba học sinh vẫn chưa đọc hiểu được.

    Đối với vấn đề lựa chọn văn bản cho sách ngữ văn, có rất nhiều tác phẩm tầm thường, không ít tác phẩm có tính tư tưởng, tính thú vị không cao nhưng lại được đưa vào sách. Hơn bảy mươi năm trước học giả Đào Hành Tri đã từng phê phán rằng: “Sách giáo khoa của Trung Quốc, không những không đưa vào những chữ hay nhất, mà còn dùng những đoạn văn đơn lẻ làm trọng tâm, mỗi bài dạy mấy chữ, truyền đạt một số kiến thức vụn vặt. Khi chúng ta đọc những cuốn tiểu thuyết như Thủy hử, Hồng lâu mộng, Những cuộc phiêu lưu của Robinson, đọc chương thứ nhất lại muốn đọc chương thứ hai, thậm chí đọc từ sáng đến tối, đọc từ đêm đến sáng, phải đọc hết một lèo mới cảm thấy đã. Sách giáo khoa lấy những đoạn văn đơn lẻ làm trọng tâm không có trình độ này”. Ông ví loại sách giáo khoa này là “loại rau” và “gạo trắng hảo hạng”, không có vitamin, “ăn vào khiến người ta mắc bệnh tê phù, đi lại khó khăn”.

    Học giả Đào Hành Tri còn nói: “Có người nói, văn nhân Trung Quốc là con mọt sách. Nhưng ngay cả sức mạnh bồi dưỡng con mọt sách, sách giáo khoa cũng không có. Tại sao con mọt sách lại gặm sách, bởi vì trong sách có nhiều cái ngon, khiến nó ăn rồi lại muốn ăn tiếp. Gặm sách giáo khoa như là gặm nến, ăn lần đầu không muốn ăn lần thứ hai nữa”. Hiện tượng mà học giả Đào Hành Tri phê phán từ mấy chục năm về trước vẫn không được cải thiện mà còn mỗi ngày một nặng thêm.

    Nhà văn đương đại nổi tiếng Tôn Uất đã từng làm giáo viên cấp hai một thời gian, ông đã thực sự thất vọng về giáo dục ngữ văn của Trung Quốc thập kỷ 1970. Nhưng khi con gái ông đến tuổi đi học, một lần ông giở sách của con gái ra xem và vô cùng sửng sốt, những bài văn mà ông đã từng dạy và khiến ông cảm thấy thất vọng vẫn xuất hiện rất nhiều trong sách giáo khoa của con gái.

    Học giả nổi tiếng, giáo sư khoa Trung văn trường Đại học Bắc Kinh Tiền Lý Quần đánh giá rằng, việc biên soạn sách giáo khoa ngữ văn của Trung Quốc cơ bản là dừng lại ở trình độ thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX. Đây thực sự là lời đánh giá rất sắc bén.

    Xét trên vấn đề dạy học, phương pháp dạy học trên lớp ở các trường phổ thông của Trung Quốc vẫn áp dụng theo lối giáo điều, máy móc như chữ mới, giải thích từ ngữ, phân tích ý nghĩa, cảm nhận tư tưởng và học thuộc rất nhiều đoạn văn hiện đại.

    Những chữ nào là chữ mới, những từ nào là từ mới, đều là do sách quy định, học sinh buộc phải đi đọc, đi viết và đi nhớ những “chữ mới” và cách “giải thích từ” hết lần này đến lần khác, kể cả học sinh đã quen thuộc với những chữ này và từ này từ lâu.

    Cuốn sách Tham khảo dạy học môn ngữ văn phát cho giáo viên đồng bộ với sách ngữ văn đã quy định nên phân tích từng bài như thế nào từ trước. Nhà giáo dục đương đại nổi tiếng, nhà giáo nhân dân, tiến sĩ Lý Trấn Tây đã phê phán rằng, giờ học ngữ văn hiện nay đã trở thành trường sở của chuyên chế tư tưởng, “Học Khổng Ất Kỷ chỉ có thể lý giải là lời phê phán đối với chế độ khoa cử phong kiến; học Ánh trăng hồ sen chỉ có thể hiểu đây là lời kháng nghị của Chu Tự Thanh đối với cuộc tàn sát lớn… Tâm hồn của học sinh bị xiềng xích tinh thần trói chặt, lấy đâu ra chút không gian sáng tạo nào?”.

    Tôi biết một số học sinh vì muốn trả lời đúng câu hỏi của giáo viên trên lớp nên đã tìm cách để có được cuốn sách tham khảo, như thế trong giờ ngữ văn trên lớp có thể trả lời “chính xác” rất nhiều câu hỏi.

    Trong sách ngữ văn thường xuyên có yêu cầu học thuộc đoạn văn hiện đại. Do văn hiện đại là những thứ khẩu ngữ hóa, về câu chữ mang tính mở, không chặt chẽ như câu từ trong văn học cổ điển. Và những đoạn học sinh phải học thuộc phần lớn là những đoạn rất bình thường, không thể đạt được ngưỡng “thêm một chữ thì nhiều, bớt một chữ thì ít”, nhưng khi kiểm tra học sinh lại yêu cầu một chữ, một dấu câu cũng không được sai. Ví dụ “đánh anh ta một cái rất mạnh” không được học thuộc thành “đánh mạnh anh ta một cái” – chỉ là thay đổi vị trí cũng không được. Mỗi dấu câu đều phải nhớ thật kỹ… Mục đích của việc học thuộc chỉ là để “đúng”, chứ không phải là để cảm nhận, không phải là để khắc ghi những cái kinh điển vào trí óc và tư tưởng, chỉ là để không bị mất điểm trong bài kiểm tra. Ở đây phương pháp và mục đích đã bị đảo lộn hoàn toàn.

    Xét về tố chất của người giáo viên dạy môn ngữ văn, phương pháp dạy học cứng nhắc và đơn nhất từ nhiều năm qua đã khiến cho tố chất của đội ngũ giáo viên ngữ văn tụt lùi. Tôi đã từng đích thân được nghe một vị hiệu trưởng khi bàn về vấn đề sắp xếp công việc cho một giáo viên đã nói rằng “Không dạy được cái khác, lại còn không dạy được ngữ văn ư?”.

    Khi Viên Viên học cấp một, cô giáo thường xuyên nhấn mạnh, “Học ngữ văn thì phải học thuộc bài khoá, tất cả những học sinh học thuộc bài khoá, điểm thi sẽ cao”. Sau khi lên cấp hai, gặp cô giáo ngữ văn còn bất ngờ hơn. Cô giáo đó rất “tận tâm với nghề nghiệp”, thường giao cho học sinh rất nhiều bài tập về nhà, trong đó có rất nhiều bài tập vô bổ. Ví dụ coi thành ngữ “uể oải chán chường” là “chữ mới”, bắt học sinh phải tra từ điển ghi ra phiên âm của từng chữ một – đối với học sinh đã lên lớp bảy, bốn chữ này có chữ nào còn là chữ mới nữa? Một ví dụ khác là giải thích thế nào là “ho”, thế nào là “sức”, thế nào là “kiêu ngạo”, và những từ này phần lớn là không tìm được cách giải thích trong từ điển Hán ngữ, học sinh đành phải dùng các chữ phức tạp hơn để “giải thích” những từ mới này, những bài tập như thế thực sự khiến người ta phải tức đến nổ đom đóm mắt.

    Tôi còn nhớ có một lần Viên Viên tỏ ra rất bực bội khi phải làm kiểu bài tập như thế, nói xem ra “ăn cơm”, “uống nước” cũng phải giải thích, và thế là chúng tôi đã đưa ra một trò chơi, cùng giải thích từ “ăn cơm” như sau: “Là quá trình dùng các dụng cụ chuyên biệt như thìa, đũa để đưa thức ăn vào miệng, dùng răng để nghiền nát, qua cổ họng rồi vào dạ dày”, sau khi giải thích, phát hiện ra càng có nhiều từ phải giải thích, ví dụ “thìa”, “thức ăn”, “dạ dày” – thực sự là “biển học vô bờ”! Chúng tôi cười đến vỡ bụng.

    Xét về lượng đọc, lấy sách giáo khoa của học sinh lớp bốn, lớp năm ở Bắc Kinh làm ví dụ, một cuốn sách giáo khoa có khoảng 20.000-30.000 chữ, và lượng đọc thông thường của một học sinh lớp bốn đáng lẽ mỗi học kỳ phải đạt 800.000 đến một triệu chữ – không phải 20.000 chữ trong sách giáo khoa là những “tinh hoa được chắt lọc”, có thể đọ được với 200.000 chữ hoặc hai triệu chữ trong các cuốn sách bình thường, nó đúng là 20.000 chữ, không nhiều hơn cũng không ít hơn – Điều này cũng có nghĩa rằng, xét về lượng chữ mà học sinh cần phải đọc, lượng đọc mà sách cung cấp cho học sinh thiếu rất nhiều!

    Vài năm gần đây giới giáo dục ngữ văn bắt đầu nhấn mạnh việc đọc sách ngoài giờ học của học sinh, đồng thời liệt kê ra rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài. Nhưng hầu hết các trường và giáo viên đều coi trọng thành tích thi cử trước mắt, không coi trọng vấn đề đọc sách ngoài giờ học, về cơ bản học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba học ngữ văn đều bó hẹp trong sách giáo khoa ngữ văn. Đặc biệt là cấp một, hoạt động dạy học gần như đều xoay quanh sách giáo khoa, cái gọi là “đọc sách ngoài giờ học” chỉ là một làn gió thoảng bên tai.

    Hai năm trước, trong xã hội nổi lên cuộc tranh luận về chương trình giáo dục ngữ văn cho học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba, rất nhiều người tỏ ra không hài lòng với chương trình giáo dục ngữ văn trong nhà trường hiện nay, thậm chí có nhiều lời phê bình gay gắt. Gần như mọi người đã đạt được nhận thức chung rằng, môn ngữ văn của học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba khó có thể đảm nhận được trọng trách “học ngữ văn”. Nhưng tranh luận xong, tình hình vẫn không có gì thay đổi, có một chút điều chỉnh, nhưng chỉ là thay nước không thay thuốc, gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng.

    Đây là một thực tế khiến người ta cảm thấy đau lòng, đất nước cổ đại với nền văn minh mấy nghìn năm, sáng tạo ra kho tàng văn hóa ngôn ngữ mà thế giới khó có thể sánh kịp. Bước vào xã hội hiện đại, khoa học giáo dục của Trung Quốc đã tiến bộ, nhưng lại càng ngày càng không biết cách học tiếng mẹ đẻ của mình.

    Chương trình giáo dục ngữ văn của Trung Quốc càng ngày càng theo lối tư duy công nghiệp hóa. Chương trình dạy học và sát hạch ký hiệu hóa, kỹ thuật hóa, tiêu chuẩn hóa đã làm mất đi sức hấp dẫn thiên biến vạn hóa vốn có của bộ môn ngữ văn và tính phong phú của nó. Việc học tiếng mẹ đẻ vốn là một chuyện rất nhẹ nhàng vui vẻ, hiện giờ lại bị dị hóa, biến thành một công việc khô khan và biến dạng. Giờ học ngữ văn càng ngày càng biến thành một hoạt động gần như giày vò học sinh, thảo nào học sinh ngày càng không thích học môn ngữ văn.

    Học ngữ văn rốt cục là phải học cái gì, học như thế nào mới có thể học giỏi môn ngữ văn?
    Cải cách chương trình dạy học môn ngữ văn là một đề tài lớn, cần phải nghiên cứu sâu, bất kỳ cá thể nào đều không thể đưa ra câu trả lời chính xác và uy tín. Nhưng chúng ta cũng có một số kinh nghiệm hiệu quả, có thể vận dụng vào đời sống học tập hiện nay, đạt được hiệu quả rõ rệt.

    Từ kinh nghiệm của rất nhiều người và qua các tài liệu có thể tổng kết, có rất nhiều yếu tố để có thể học tốt môn ngữ văn, nhưng phương thức quan trọng nhất, căn bản nhất là đọc sách, trong quá trình học ngữ văn, không có vốn kiến thức được tích lũy từ việc đọc sách là không thể được.

    Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã từng thử áp dụng nhiều phương pháp để thúc đẩy hoạt động lao động trí óc của học sinh, ông đã rút ra kết luận rằng: Phương pháp hiệu quả nhất chính là mở rộng phạm vi đọc của trẻ.

    Người có vốn đọc nghèo, chắc chắn là người có vốn ngôn ngữ nghèo, đồng thời cũng là người có lối tư duy nghèo. Nếu chúng ta muốn con học giỏi môn văn, nhưng lại coi nhẹ việc đọc sách ngoài giờ học của con, điều này giống như việc đưa cho con một chiếc thìa để bắt con uống sữa bằng thìa thay vì uống bằng cốc, hoặc thả một người vào bồn tắm để học bơi.

    Hiện giờ rất nhiều trường cấp một, cấp hai, cấp ba dạy “môn đọc hiểu”, nhưng các môn này về cơ bản không phải là học sinh cầm một cuốn sách trong tay và đọc, mà là giáo viên giảng “phương pháp đọc”, học sinh “trả lời câu hỏi”. Điều này giống như việc khi một người muốn uống nước, người ngồi bên cạnh liền thao thao bất tuyệt giảng cho anh ta một đống kiến thức liên quan đến uống nước, đồng thời bắt anh ta trả lời một số vấn đề về uống nước; còn chiếc cốc đựng đầy nước lại không chịu đưa cho anh ta.

    Hàng năm chính phủ Trung Quốc đều cấp nguồn kinh phí lớn để xây dựng thư viện cho các trường cấp một, cấp hai, cấp ba, nhưng thư viện của rất nhiều trường chỉ là một hộp giấy bám đầy bụi bặm đặt trên nóc trường – chỉ là có tồn tại cái đó, nhưng thực tế lại không có gì liên quan đến hoạt động dạy học của nhà trường. Học sinh luôn ở trong tình trạng “nghèo vốn đọc”, chủ đề thảo luận trong các cuộc họp của giáo viên dạy ngữ văn trong trường thường xuyên là “Làm thế nào để giảng tốt môn đọc hiểu”.

    Nếu trong chương trình giáo dục của nhà trường không tạo được đủ điều kiện đọc sách cho học sinh, việc đọc sách ngoài giờ học nhất thiết phải được bù đắp ở gia đình.
    Trong quá trình tiếp xúc với nhiều phụ huynh, tôi gặp không ít người có nhận thức không đầy đủ về mối quan hệ giữa việc đọc sách và học môn ngữ văn, có bậc phụ huynh thậm chí còn ngăn cản không cho con đọc sách ngoài giờ học. Họ rất quan tâm đến thành tích học tập của con, nghe có người nói đọc sách ngoài giờ học rất tốt cho việc học, liền để cho con đọc mấy ngày, nhưng đến khi con có hứng thú với việc đọc sách, bắt đầu tỏ ra say mê, thì phụ huynh lại lo ngại ảnh hưởng đến việc học hành, rồi vội kéo con về với bài vở. Những bậc phụ huynh này luôn cho rằng đọc sách ngoài giờ học không phải là học, học sách giáo khoa mới là học.

    Trong trường tiểu học đúng là có hiện tượng này, một số em không bao giờ chịu đọc sách ngoài giờ học, điểm thi thường rất cao, và một số học sinh thường đọc sách ngoài giờ học thì không có thế mạnh gì nhiều trong thi cử.

    Đó là do đề thi môn ngữ văn của tiểu học thông thường đều xoay quanh sách giáo khoa, trước khi thi ôn đi ôn lại nhiều lần, đúng là sẽ giúp học sinh đạt được thành tích tốt trong bài thi. Trên thực tế, thành tích của không ít em chỉ là một hiện tượng giả. Không phải các em quay bài, mà là những bài thi như thế không thể kiểm tra được “trình độ ngữ văn” đích thực của học sinh, nó chỉ kiểm tra được “trình độ học sách giáo khoa” của các em mà thôi.

    Thông thường hiện tượng giả về điểm thi môn ngữ văn chỉ có thể duy trì ở giai đoạn tiểu học, sau khi bước vào giai đoạn trung học, đặc biệt là cấp ba, mối liên hệ giữa đề thi môn ngữ văn và sách giáo khoa càng ngày càng yếu, mối tương quan giữa thành tích và lượng sách đọc sẽ hiện ra.

    Đề thi đại học môn ngữ văn, ngoài một số bài thơ, bài văn cổ, hầu hết nội dung không có liên quan với sách giáo khoa, về cơ bản đề thi này kiểm tra trình độ ngữ văn đích thực của học sinh – tôi không nói cách ra đề của kỳ thi đại học là hợp lý nhất, ở đây tôi không có ý định đánh giá vấn đề này, mà chỉ muốn nói rằng, nếu không quan tâm đến việc đọc sách, chỉ ôm sách giáo khoa ngữ văn thì sau khi bước vào giai đoạn trung học, học sinh càng tỏ ra lực bất tòng tâm, cuối cùng, tại kỳ thi đại học quan trọng nhất, e rằng cũng khó có thể đạt được thành tích cao. Và một học sinh có trình độ ngữ văn tốt có thể ung dung đối phó với đề thi dưới bất kỳ hình thức và ở bất kỳ trình độ nào, chắc chắn thành tích của học sinh này cũng không tồi.

    Nhà giáo nhân dân nổi tiếng Nguỵ Thư Sinh khi dạy môn ngữ văn cấp ba, mặc dù trên vai phải chịu sức ép của việc thi cử, lên lớp của học sinh, nhưng ông luôn dạy hết các bài trong sách giáo khoa trong tháng đầu tiên, thời gian còn lại là tổ chức các hoạt động đọc sách và nhiều chương trình có liên quan. Ông cũng là một người rất khinh thường sách giáo khoa, nhưng lại có thể dạy cho một “lớp yếu” ở một trường bình thường đạt được thành tích vượt cả “lớp thực nghiệm” của trường điểm. Ông đã nắm bắt được vấn đề then chốt của việc học ngữ văn, việc đạt được thành tích cao cũng là lẽ đương nhiên.

    Hầu hết các bậc phụ huynh và giáo viên không thể làm được như bố của cô bé Lý Lộ Kha hoặc nhà giáo nhân dân Nguỵ Thư Sinh, có đủ dũng khí và đủ khả năng để con trẻ gạt sách giáo khoa ngữ văn sang một bên để học, nhưng ít nhất chúng ta cũng không nên coi sách giáo khoa là trên hết. Trước hết phải nhận thức được rằng, học ngữ văn không phải là học sách giáo khoa ngữ văn, sau đó mới có thể mạnh dạn đưa việc đọc sách ngoài giờ học vào chương trình học của trẻ.
     
  9. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Không đọc sách “có ích”





    Không nên đọc sách “có ích”, không phải là nói không nên chọn sách hay cho trẻ, mà là trong quá trình lựa chọn phải lấy niềm hứng thú của trẻ làm yếu tố then chốt, không lấy “có ích” làm tiêu chuẩn lựa chọn.






    Có vị phụ huynh của một em học sinh lớp bảy phiền muộn vì con mình không biết làm văn, hỏi tôi làm thế nào có thể giúp con học được cách viết văn.



    Sau khi tìm hiểu và nắm được tình hình con chị rất ít đọc sách ngoài giờ học, tôi kiến nghị chị nên chú trọng vào vấn đề này, đồng thời giới thiệu cho chị hai cuốn tiểu thuyết. Chị đã mua cho con hai cuốn tiểu thuyết này, con chị đã đọc, rất thích, đọc xong còn đòi mua tiểu thuyết khác về đọc. Vì chuyện này mà chị đã gọi điện thoại cho tôi, tỏ ra rất vui mừng. Nhưng một thời gian trôi qua, khi tôi gặp lại chị và nhắc đến chuyện đọc sách của con, chị lại rầu rĩ nói hiện giờ con chị lại không thích đọc sách ngoài giờ học nữa, không biết phải làm thế nào.

    Hóa ra sau khi con chị đọc xong hai cuốn tiểu thuyết này, chị liền vội mua một cuốn tuyển tập các bài văn mẫu của học sinh cấp hai. Cách lý giải của người mẹ này là, đọc sách ngoài giờ học là để nâng cao trình độ viết văn, chỉ đọc mỗi tiểu thuyết không có tác dụng gì, đọc sách tuyển tập các bài văn mẫu, học xem người ta viết như thế nào, mới học được cách làm văn. Nhưng con chị không chịu đọc tuyển tập các bài văn mẫu. Chị liền đặt ra điều kiện với con: Con đọc xong cuốn tuyển tập những bài văn mẫu mới được mua sách khác. Mặc dù lúc đó cậu con đồng ý, nhưng vẫn không chịu đọc tuyển tập những bài văn mẫu, kết quả là cuốn sách này vẫn vứt ở đó, hiện giờ cậu con cũng không nhắc tới việc mua sách ngoài nữa, niềm say mê đọc sách vừa gây dựng được đã bị phá vỡ như vậy.



    Cách làm của vị phụ huynh này khiến người ta phải thốt lên rằng, chị không hiểu được giá trị dinh dưỡng của tiểu thuyết, cũng không ý thức được rằng đọc sách phải gắn liền với niềm say mê. Chị cho rằng đọc tiểu thuyết không “có lợi” như đọc tuyển tập những bài văn mẫu. Cách nghĩ này giống như việc muốn bổ sung vitamin cho trẻ, nhưng lại lấy một hộp mứt hoa quả đã qua chế biến để thay thế một giỏ táo tươi, thật là sai lầm.



    Từ trước đến nay tôi không tán thành việc học sinh đọc sách tuyển chọn những bài văn mẫu, chính vì thế cũng không bao giờ để Viên Viên đọc. Hầu hết sách mà Viên Viên đọc ngoài giờ học là tiểu thuyết, ngoài ra còn có truyện ký, lịch sử, tuỳ bút… Chỉ có điều lên lớp mười hai, để nắm bắt được những vấn đề then chốt trong bài văn thi đại học, Viên Viên mới đọc một cuốn Tuyển tập những bài văn thi đại học đạt điểm tối đa. Viên Viên đã đạt điểm rất cao trong môn văn thi đại học, có lẽ cũng có quan hệ nhất định với những bài văn đạt điểm tối đa mà cô bé đã nghiên cứu đó. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không có sự kiên trì đọc sách trong mười mấy năm qua và phong cách viết văn đã hình thành, thì trước khi thi đại học dù có đọc bao nhiêu cuốn Tuyển tập những bài văn đạt điểm tối đa cũng không ăn thua.



    Hiện nay, không ít bậc phụ huynh không quan tâm đến việc đọc sách ngoài giờ học của con, chỉ thích mua sách tuyển chọn những bài văn mẫu cho con trẻ, đặt tạp chí làm văn dành cho học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba. Đây là một sự ngộ nhận lớn.



    Tôi đã từng đọc một số bài văn mẫu của học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba cũng như những bài văn đăng trên tạp chí làm văn, những bài viết đăng tải trên đó đương nhiên là lời văn trôi chảy, đối với một đứa trẻ, viết ra được những câu văn như thế cũng là khá lắm rồi. Nhưng dù viết hay đến đâu, những bài văn đó cũng chỉ là bài tập làm văn của các em, không phải là sáng tác, ngoài giáo viên hoặc biên tập viên, có ai muốn đọc những bài văn đó.



    Hơn nữa có rất nhiều bài văn thể hiện rõ vết tích được người lớn hướng dẫn, nói những lời không thật lòng, thậm chí mang văn phong thời Cách mạng văn hóa. Những bài văn này vừa không thể làm phong phú thêm kiến thức cho trẻ trong vấn đề ngôn ngữ, từ vựng, vừa không thể định hướng cho trẻ tiến bộ về mặt tư tưởng, mà còn dạy cho trẻ viết những điều văn hoa giả dối. Mang những thứ này đưa cho trẻ đọc, làm sao trẻ thích được.



    Có không ít cuốn những bài văn mẫu của cấp một và cấp hai, cấp ba được ra đời rất buồn cười.



    Hai, ba người tập trung nhau lại, kiếm một giấy phép xuất bản, thuê một cơ sở, sau đó lấy danh nghĩa ban tổ chức một cuộc thi viết văn nào đó, gửi thư cho tất cả các địa phương trong cả nước để thông báo cho các học sinh gửi bài dự thi. Về cơ bản những người nộp bài văn dự thi đều được chọn, sau đó nói rằng bài văn của bạn đã đạt được giải mấy, những tác phẩm đạt giải sẽ được xuất bản thành sách, mỗi cuốn bao nhiêu tiền, ít nhất phải mua bao nhiêu cuốn. Sau khi phụ huynh gửi tiền đi, hầu hết cũng đều nhận được sách có đăng bài văn của con mình, chỉ có điều sách rất dày, chữ in trong đó vừa nhỏ vừa dày, nhìn vào mục lục thấy rất nhiều người đạt giải, tìm một hồi lâu mới tìm thấy tên con mình. Chất lượng của loại sách tuyển chọn những bài văn mẫu này không cần phải nói cũng đã biết.





    Nếu nói hình thức bỏ tiền ra mua sách có đăng bài của mình vừa nói ở trên, sau một thời gian nổi lên đã có phần đi xuống thì một hình thức bỏ tiền ra để đăng bài mới xuất hiện dưới đây lại rất cao tay, dễ khiến phụ huynh và giáo viên mủi lòng.



    Tôi được nghe một giáo viên tiểu học kể một chuyện như thế này. Một viện nghiên cứu khoa học giáo dục cấp quốc gia nào đó gửi giấy mời đến trường tiểu học sở tại của họ và mời trường cùng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học. Nội dung của cái gọi là “đề tài” chính là trường tiểu học phải đặt mua ít nhất năm trăm cuốn tạp chí do Viện nghiên cứu này xuất bản. Tạp chí này chuyên đăng các bài văn của học sinh tiểu học, cả năm có mười hai kỳ, mỗi cuốn sáu tệ. “Thù lao” mà Viện nghiên cứu khoa học giáo dục này trả cho trường hợp tác là mỗi năm mỗi trường tiểu học được đăng tải hai đến ba bài văn của học sinh trên tạp chí, hoặc in một bìa in màu về trường mình. Trong thời gian hợp tác, trường tiểu học có thể mời chuyên gia của Viện nghiên cứu khoa học giáo dục đến trường giảng bài, chi phí sẽ được tính riêng. Một số giáo viên tương lai còn có cơ hội được ghi tên vào “đề tài” của Viện nghiên cứu khoa học giáo dục. Tạp chí sẽ không đăng tải những bài văn của trường không hợp tác, cũng không phát hành công khai (vì không có giấy phép phát hành ra ngoài).



    Tạm thời chưa bàn đến việc đây có được gọi là “đề tài” hay không, chúng ta chỉ đứng trên góc độ của học sinh để xem các em thu hoạch được những gì.



    Mỗi học sinh bỏ ra bảy mươi hai tệ mỗi năm để mua cuốn tuyển chọn những bài văn mẫu tiểu học này, mỗi trường ít nhất phải có năm trăm em đặt mua, vậy thì mỗi năm một trường học phải đóng góp cho tạp chí này ít nhất ba mươi sáu nghìn tệ. Sau đó chỉ có hai đến ba học sinh có cơ hội đăng tải bài viết trên cuốn tạp chí không công khai phát hành này – đây chưa phải là cái không đáng giá nhất, cái không đáng giá nhất là, học sinh sẽ không có hứng thú đọc loại tạp chí này, bỏ ra bảy mươi hai để mua, về cơ bản là một đống giấy vụn.



    Cô giáo này phải thốt lên rằng, nếu mỗi học sinh dùng số tiền này để mua hai cuốn tiểu thuyết, sau đó gộp tất cả các sách lại, mỗi lớp làm thành một góc đọc sách, như thế sẽ có giá trị biết bao. Theo tìm hiểu của cô giáo này, “đề tài” này của Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục không chỉ hợp tác với các trường tiểu học, mà còn hợp tác với các trường cấp hai, cấp ba số đơn vị tham gia không hề ít.



    Tôi thắc mắc với cô giáo này rằng, hiện nay không phải là nghiêm cấm tình trạng bắt học sinh mua tài liệu phụ đạo ngoài giờ học theo chỉ định hay sao, tại sao nhà trường lại có thể tổ chức cho học sinh đặt tạp chí?



    Cô giáo này nói, đúng là nhà trường không bắt ép, luôn nhấn mạnh “tự nguyện”. Nhưng các giáo viên không thể không thực hiện trước sự động viên của nhà trường, học sinh không thể không làm trước sự động viên của giáo viên, phụ huynh không thể không đáp ứng nguyện vọng của con em mình. Cộng với những chiêu bài như “đề tài”, “Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục”, một trường với hơn nghìn học sinh rất dễ dàng tìm được năm trăm học sinh đặt tạp chí.



    Tôi hiểu được sự lo lắng của người giáo viên có lương tâm này. Dùng việc đọc tuyển tập những bài văn mẫu hoặc tạp chí viết văn để thay thế việc đọc sách thường nhật là một sự ngộ nhận trong vấn đề đọc sách, phản ánh được nhận thức nông cạn của mọi người đối với vấn đề làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng làm văn cho học sinh. Không phải người thao tác không nhận thức được về vấn đề này, mà các bên trong xã hội đều tính toán lợi ích cho mình, sự nóng vội muốn đạt hiệu quả ngay có thể khiến người ta trở nên vừa thờ ơ vừa mù quáng. Chỉ có trẻ em là đáng thương, chúng không những lãng phí tiền bạc mà quan trọng hơn là lãng phí cơ hội học tập.



    Cô giáo này than thở rằng, không chỉ mỗi người lớn, hiện nay trẻ em cũng trở nên vụ lợi. Rất nhiều em không thích đọc sách ngoài giờ học, nhưng lại muốn tìm được một con đường tắt để làm văn, cũng nghĩ rằng đọc tạp chí làm văn là có thể nâng cao trình độ viết văn, chính vì thế rất nhiệt tình đặt tạp chí do “Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục cấp quốc gia” này xuất bản. Trên thực tế, qua sự quan sát của cô giáo này, mỗi lần những cuốn tạp chí này đến tay trẻ, chúng chỉ giở đọc lướt qua, xem xem có cái gì của trường mình hay không, còn về nội dung, gần như không có người nào đọc một cách nghiêm túc.



    Trẻ không có khả năng lựa chọn, điều này có thể lý giải, chúng ta cũng không thể quản lý được hành vi của “Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục cấp quốc gia”, nhưng bố mẹ và giáo viên phải có trách nhiệm giới thiệu cho con trẻ một số cuốn sách hay. Trong việc lựa chọn sách để đọc, ít nhất phải “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Một cuốn tiểu thuyết hay và một cuốn tuyển chọn những bài văn mẫu được đặt trước mặt, hỏi xem mình thích đọc cuốn nào hơn, câu trả lời đã hiện ra.



    Chính vì vậy ở đây điều đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh là, với vai trò là tài liệu đọc theo quy định thông thường, sách tuyển chọn những bài văn mẫu không có ý nghĩa gì.





    Lại còn có một trường hợp khác. Có bậc phụ huynh mặc dù không mua tuyển chọn những bài văn mẫu, nhưng lại chỉ mua cho con sách tuyển chọn những bài tản văn hay, tuyển chọn những tiểu thuyết ngắn… Họ cho rằng con còn nhỏ, bài tập nhiều, nên đọc những thứ có nội dung ngắn. Mỗi khi nhìn thấy phụ huynh lựa chọn những cuốn sách như tuyển chọn những bài tản văn của các tác giả đạt giải Nobel, trong lòng tôi luôn tự hỏi rằng, con trẻ có đọc không, đặc biệt là trẻ còn đang ở giai đoạn tiểu học?



    Tôi cho rằng việc đọc sách của học sinh tiểu học và cấp hai, cấp ba nên đặt trọng tâm vào đọc tiểu thuyết dài. Trước hết là tiểu thuyết khá lôi cuốn người đọc, có thể giúp trẻ đọc một cách hứng thú; thứ hai là một cuốn tiểu thuyết dài nói về một câu chuyện lớn, có thể thu hút trẻ một lúc đọc liền mấy trăm nghìn chữ. Học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba phần lớn không có hứng thú với tản văn, đặc biệt là các bài tản văn được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Trung; còn tiểu thuyết ngắn dù viết rất hay, đọc xong nhiều nhất cũng chỉ có mười nghìn chữ. Con trẻ có thể đọc liền một mạch cho hết một câu chuyện lớn, nhưng rất ít trẻ có thể đọc liên tục hai mươi câu chuyện nhỏ. Thường xuyên đọc tiểu thuyết dài sẽ dễ dàng giúp trẻ rèn được thói quen đọc sách với số lượng lớn. Có thể giới thiệu một số tiểu thuyết ngắn, nhưng không nên trở thành loại sách chính để trẻ đọc.



    Trong vấn đề đọc cái gì bố mẹ vừa phải định hướng cho trẻ, đồng thời cũng phải tôn trọng sở thích của trẻ, với mục đích chính là cố gắng gợi hứng thú đọc sách của trẻ, trước hết phải xem xét đến yếu tố thú vị, sau đó mới xem xét đến yếu tố có ích.





    Bộ tiểu thuyết dài đầu tiên mà con gái Viên Viên của tôi đọc là tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Sở dĩ hồi đó tôi gợi ý cho cháu đọc sách của Kim Dung là vì tiểu thuyết của Kim Dung rất hồi hộp, gay cấn, tình tiết thú vị, có thể thu hút người khác; hơn nữa lời văn của ông rất quy phạm, bút pháp lão luyện, đọc cảm thấy trôi chảy, dễ hiểu; bên trong chứa đầy những tình cảm yêu hận rõ ràng, phù hợp với tâm lý thẩm mỹ của trẻ em; có một số chi tiết miêu tả tình yêu, nhưng đều là tình yêu trong sáng không nhuốm bụi trần. Chính vì thế sau này tôi cũng gợi ý cho rất nhiều người, để trẻ đọc tiểu thuyết của Kim Dung.



    Thực ra tôi không phải là người thích đọc tiểu thuyết của Kim Dung, giá như thời học sinh được đọc tác phẩm của ông, có lẽ sẽ rất thích, nhưng khi đọc tiểu thuyết của ông tôi đã công tác nhiều năm, sở thích đọc không còn nằm ở đây nữa. Sau đó tôi có đọc hai bộ, cũng chỉ là vì muốn thôi thúc Viên Viên đọc.



    Vừa tiếp xúc với những bộ sách này, quả nhiên Viên Viên đã bị lôi cuốn, chưa đầy nửa năm đã đọc một lèo hết mười bốn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Tôi tưởng rằng sau khi đọc xong những tác phẩm này Viên Viên sẽ đọc loại sách hay hơn, tôi liền giới thiệu mấy cuốn nổi tiếng nhưng phát hiện thấy cô bé không hào hứng lắm.



    Một hôm chúng tôi nhìn thấy bộ sách Hoàn Châu cách cách bán trong cửa hàng sách, lúc đó Viên Viên đang xem bộ phim này, nhìn thấy có sách bán, mắt liền sáng lên giở ra xem, phát hiện thấy các tình tiết trong truyện về cơ bản là giống trong phim, nên rất hào hứng và mua một bộ, như thế cô bé có thể biết được các tình tiết của câu chuyện trước khi ti vi chiếu. Tôi còn nhớ bộ sách đó có rất nhiều cuốn, chẳng mấy chốc mà Viên Viên đã đọc xong, vì cô bé quá có hứng thú với câu chuyện này. Đến lễ Noel, tôi lại mua một bộ Hoàn Châu cách cách II hoàn chỉnh làm quà tặng cho con gái, Viên Viên vô cùng thích thú, lại đọc hết bộ sách, và không chỉ đọc một lần. Cô bé thường giở sang một trang bất kỳ và đọc một lúc rất hào hứng.



    Rất nhiều người phê phán tiểu thuyết của Quỳnh Dao nhạt nhẽo, phê phán Hoàn Châu cách cách không có “chiều sâu”, dường như để cho trẻ đọc những cuốn sách này chính là vẽ đường cho hươu chạy. Tôi lại có suy nghĩ rằng, không có chiều sâu ở đây là với đối tượng nào. Đúng là tiểu thuyết của Quỳnh Dao không phải là những tác phẩm cao siêu, nhưng giọng văn của Quỳnh Dao cũng rất quy phạm, chín chắn, gọn gàng, đối với một cô bé tám tuổi, cô thích Tiểu Yến Tử dễ thương, thích những tình tiết thú vị trong đó, thì bộ sách này rất thích hợp với cô bé. Còn về kinh điển, tôi tin rằng chỉ cần Viên Viên có nền tảng đọc tốt, một ngày nào đó sẽ có hứng thú với một số tác phẩm kinh điển.





    Tôi đã từng gặp một vị phụ huynh, chị rất chú ý đến việc đọc sách của con, kể từ khi con học mẫu giáo đã kể truyện cổ Andersen cho con nghe, sau khi con chị vào lớp một và biết mặt chữ, chị chủ yếu vẫn để con đọc truyện cổ Andersen có tranh minh họa, sau khi con lên cấp hai, chị lại mua một cuốn truyện cổ Andersen toàn tập chỉ có chữ và tuyển tập các bài tản văn của những tác giả đạt giải Nobel. Kết quả có thể đoán được, con trẻ “không chịu đọc sách ngoài giờ học nữa”.



    Còn có một vị phụ huynh, khi nghĩ đến việc con trẻ cần phải đọc một số cuốn sách, liền mua ngay về tác phẩm Anna Karenina và Thép đã tôi thế đấy, kết quả là anh cũng đã làm cho con sợ hãi.



    Những bậc phụ huynh này đưa cho con trẻ những tác phẩm “kinh điển”, người ngoài có thể sẽ không thể phê phán sự lựa chọn của họ. Mặc dù trẻ không biết mình cần những cuốn sách nào, nhưng chúng biết mình không cần cuốn sách nào, đối với những thứ không có hứng thú, chúng chỉ có một thái độ: Từ chối.



    Chính vì thế, khi chọn sách cho trẻ, bố mẹ cần phải hiểu con mình, sau đó đưa ra kiến nghị. Không nên hoàn toàn dùng con mắt của người lớn để lựa chọn, càng không nên lấy cái “có ích hay không có ích” để phán đoán giá trị, điều bố mẹ cần phải suy nghĩ là trình độ tiếp nhận và sở thích của trẻ.



    Tôi còn gặp một vị phụ huynh, chị phát hiện ra đứa con đang học cấp hai của mình thích đọc tác phẩm của các nhà văn như Hàn Hàn, Quách Kính Minh – những người nổi tiếng khi còn rất trẻ liền giật mình. Thực ra chị cũng chưa bao giờ đọc những tác phẩm của các nhà văn này, không biết tại sao, lại nhận định một cách chủ quan rằng những tác phẩm này không lành mạnh, không có gì thú vị, nên luôn không cho con đọc. Kết quả vì chuyện này mà hai mẹ con thường tranh cãi với nhau, tất cả những cuốn sách mà chị giới thiệu, con đều không chịu đọc, tất cả những cuốn sách chị không cho đọc, con trẻ lại đọc trộm.



    Kiến nghị của tôi là, nếu bản thân bố mẹ thường xuyên đọc sách, trong lòng biết rõ cuốn sách nào hay, có thể giới thiệu cho con; nếu bố mẹ giới thiệu cho trẻ một số cuốn sách mà trẻ cũng cảm thấy có hứng thú thì thực ra trẻ cũng rất sẵn lòng nghe theo lời gợi ý của bố mẹ. Nhưng nếu bố mẹ rất ít khi đọc sách thì không nên tuỳ tiện chỉ đạo việc đọc sách của trẻ, nên giao quyền chủ động lựa chọn cho trẻ.



    Đại cương dạy học môn ngữ văn được Bộ giáo dục Trung Quốc ban hành năm 2000 đã quy định ba mươi tác phẩm văn học, mười lăm tác phẩm của Trung Quốc, mười lăm tác phẩm của nước ngoài mà học sinh cấp hai, cấp ba cần phải đọc. Tôi không biết vài năm gần đây đã có sửa đổi hay chưa. Ba mươi bộ sách đều là những tác phẩm kinh điển, có thể lựa chọn làm sách tham khảo. Nhưng nó có thích hợp để giới thiệu cho học sinh cấp hai, cấp ba hay không, e rằng cũng phải cân nhắc, dù sao thì có một số tác phẩm đã cách cuộc sống hiện nay của học sinh quá xa rồi, hơn nữa nội dung cũng không có gì rõ ràng, có lẽ nó chỉ thích hợp với trẻ sau khi đã trưởng thành.



    Chắc chắn trẻ sẽ không từ chối những thứ thực sự thích hợp với mình, cái mà trẻ từ chối, hoặc đó là do bản thân tác phẩm không hay, hoặc là do không tương xứng với khả năng đọc của trẻ.



    Ở đây điều mà tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh là, nhất thiết phải đưa trẻ đến các cửa hàng sách chính quy để mua sách, không nên mua sách ở những sạp hàng bên đường hoặc các quầy sách tạp, để tránh việc mua phải những cuốn sách có nội dung rẻ tiền. Phàm là những cuốn sách mua ở cửa hàng sách chính quy, đồng thời trẻ có hứng thú đọc, thì đều thích hợp đối với trẻ.





    Kể cả đối với người lớn, niềm say mê đọc sách lâu dài cũng là bắt nguồn từ sự “thú vị” của sách chứ không phải sự “có ích”.



    Không nên đọc sách “có ích”, không phải là nói không nên chọn sách hay cho trẻ, mà là trong quá trình lựa chọn phải lấy sự hứng thú của trẻ làm yếu tố then chốt, không lấy “có ích” làm tiêu chuẩn lựa chọn.



    Trên thực tế “thú vị” và “có ích” không đối lập với nhau, những sách thú vị thường cũng là những sách có ích. Sự ảnh hưởng của một cuốn tiểu thuyết hay đối với khả năng viết văn của trẻ không hề kém một cuốn tuyển chọn những bài văn mẫu, thậm chí còn hơn. Học giả Đào Hành Tri đã từng kiến nghị coi Hồng lâu mộng là giáo trình dạy ngữ văn để sử dụng. Chính vì thế, ở đây tôi nói “không đọc sách có ích” là một cách nói hơi quá đà, mục đích là nhấn mạnh sự “thú vị”. Chỉ có sự thú vị mới có thể giúp trẻ thực hiện được hoạt động đọc sách; chỉ khi thực hiện được hoạt động đọc sách mới có thể thực hiện cái “có ích”.
     
  10. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Đọc sách cần phải dụ dỗ




    Trong quá trình giáo dục, muốn con trẻ tiếp nhận cái gì, thì phải dụ dỗ trẻ; muốn trẻ bài xích cái gì, thì phải ép buộc chúng – đây là một chiêu rất có hiệu quả. Tất cả những bậc phụ huynh không đạt được mục đích, nguyện vọng và kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, chắc chắn là do đã áp dụng ngược phương pháp.





    Khi Viên Viên vừa lên lớp hai, tôi cảm thấy lượng chữ và trình độ đọc của cô bé đã có đủ điều kiện để bước lên một nấc thang mới, liền gợi ý cô bé đọc tiểu thuyết dài. Phản ứng đầu tiên của Viên Viên khi nghe thấy lời đề nghị này của tôi là không thể tin được.

    Viên Viên thường xuyên nhìn thấy tôi đọc tiểu thuyết, một cuốn sách dày như thế, nhiều chữ như thế, gần như không có tranh minh họa. Theo bản năng, cô bé cảm thấy tiểu thuyết dài rất khó đọc, cũng không thú vị, chỉ có thể để cho người lớn đọc. Trong khi trước đó những cuốn sách mà Viên Viên đọc đều là sách thiếu nhi có nhiều tranh. Tôi hiểu được cái khó của con gái nên không nói gì nữa.



    Xem xét thấy trong những cuốn tiểu thuyết trên giá sách của tôi không có cuốn nào hợp với Viên Viên nên tôi đã đi mua cuốn Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung. Trước đó tôi chưa bao giờ đọc tiểu thuyết của Kim Dung mà chỉ xem các bộ phim truyền hình được cải biên từ tiểu thuyết của ông. Qua phim truyền hình tôi đoán chắc tiểu thuyết cũng sẽ thú vị, chắc sẽ được trẻ em thích. Tôi không nói với Viên Viên rằng mình mua sách là vì cô bé, mà giống như mọi lần đọc tiểu thuyết khác, làm xong mọi việc liền mang ra đọc.



    Đúng là cuốn sách đó rất hay, rất nhiều tình tiết hồi hộp, mỗi ngày sau khi đọc xong tôi đều tiện thể khen một câu rằng cuốn sách này rất hay, sau đó kể cho Viên Viên nghe một số tình tiết một cách vô tình hay hữu ý, kể đến đoạn gay cấn nhất liền nói mẹ đang đọc đến đây, đằng sau chưa biết sẽ thế nào, đợi đọc xong mẹ sẽ kể cho con nghe.



    Mấy lần như vậy, trong lòng Viên Viên rất bứt rứt, thấy cô bé sốt ruột, tôi liền tranh thủ cơ hội nói, hay là con tự đọc đi, mẹ không có nhiều thời gian đọc một lúc nhiều như vậy, xem hiểu một cách khái quát là được, những chữ nào khó hiểu thì con cứ hỏi mẹ. Thấy tôi nói như vậy, cô bé liền bắt đầu đọc thử.



    Đọc sách là một quá trình không khó bước vào, điều quan trọng là để cho con trẻ cầm một cuốn sách lên mà không ngại ngần gì hết và bắt đầu đọc. Đợi đến khi Viên Viên đọc qua phần tôi đã đọc, tôi thường giả vờ không có thời gian đọc, đồng thời lại nóng lòng muốn biết một nhân vật nào đó sau đó thế nào, để con gái kể cho tôi nghe những tình tiết cô bé đã đọc được, đồng thời cùng con thảo luận một số nhân vật và câu chuyện thú vị trong đó. Điều này khiến cho Viên Viên càng đọc càng có hứng thú, đến khi đọc xong bộ sách này, cô bé đã bắt đầu tự tin về khả năng đọc của mình.



    Đọc xong cuốn sách này, tôi và Viên Viên cùng đọc lời nói đầu của bộ sách này, biết Kim Dung viết tổng cộng mười bốn bộ tiểu thuyết võ hiệp, lấy chữ đầu tiên của mỗi bộ ghép thành một câu đối: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc. Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”. Câu đối hay này cũng gây sự tò mò cho Viên Viên, cô bé nói vẫn muốn đọc tiểu thuyết của Kim Dung nữa. Tôi liền nói bao nhiêu sách như vậy nếu mua cũng tốn tiền đấy, chi bằng thuê về đọc. Và thế là tôi liền đưa con gái đi thuê sách.



    Từ đó trở đi, Viên Viên ngày càng đọc nhiều, ngày càng đọc nhanh, niềm say mê và khả năng đọc sách của cô bé nhanh chóng đạt trạng thái ổn định. Đọc một lèo hết toàn bộ các cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, từ đó phát hiện ra niềm hứng thú của việc đọc tiểu thuyết dài, từ đó đọc tiểu thuyết dài đã trở thành một công việc hết sức đơn giản.







    Một cô bạn đồng nghiệp của tôi hồi đó nói con trai chị không thích đọc bất kỳ cuốn sách gì, ngay cả truyện tranh cũng không đọc, dường như rất sợ đọc chữ, làm văn rất kém. Vì chuyện này mà người mẹ rất rầu rĩ. Chị biết Viên Viên đã đọc rất nhiều sách nên rất mong con trai chị được làm quen với Viên Viên, để cậu bé được ảnh hưởng, cũng thích đọc sách.



    Một ngày tôi dẫn Viên Viên đến nhà chị chơi, con trai chị học trên Viên Viên một lớp, lúc đó đang học lớp năm, thấy chúng tôi đến, hai mẹ con rất mừng.



    Chúng tôi vừa ngồi xuống, chị bạn liền nói ngay với cậu con rằng, con xem Viên Viên kém con hai tuổi mà đã đọc được rất nhiều sách rồi, từ nay trở đi con cũng nên đọc nhiều sách, không thể suốt ngày chơi được nữa.



    Sự so sánh này khiến cậu bé tỏ ra ngại ngùng.



    Tôi vội bảo hai đứa trẻ sang phòng khác chơi, sau đó nhắc chị bạn không nên nói con như vậy trước mặt mọi người, nói như thế sẽ khiến trẻ càng không tự tin vào khả năng đọc sách của mình, hơn nữa lại cảm thấy rất mất thể diện. Thực ra con trẻ cũng có lòng sĩ diện, nếu chị muốn cậu bé làm việc gì thì chị nên bày tỏ sự khen ngợi trước người khác về khả năng của cậu trong lĩnh vực này.



    Tôi còn nhắc nhở chị rằng, nếu chị muốn con mình thích đọc sách ngoài giờ học, thì đừng bao giờ trực tiếp yêu cầu con trẻ “đọc sách đi”, cũng không nên lấy chuyện con trẻ có thích đọc sách hay không làm chủ đề để nói chuyện, càng không nên lấy chuyện đọc sách để giáo huấn con trẻ.



    Tiếp sau đó tôi đã kể cho chị nghe quá trình tôi đã “dụ dỗ” Viên Viên đọc tiểu thuyết như thế nào, nghĩ rằng chắc chị cũng sẽ lĩnh hội được một số điều.



    Lúc chúng tôi ra về, cậu bé cũng ra tiễn khách. Có lẽ là do khách sáo, chị bạn lại nói với con trai rằng, con xem xem Viên Viên đã đọc hết tiểu thuyết của Kim Dung rồi, mẹ cũng sẽ thuê mấy cuốn về cho con xem. Cậu bé gật đầu với vẻ ngần ngừ.



    Tôi có cảm giác chị nói như thế vẫn chưa ổn. Thực ra chị vẫn đang dùng điểm mạnh của một đứa trẻ để so sánh với điểm yếu của một đứa trẻ khác, hơn nữa lời nói của chị quá thẳng thừng, để lộ rõ mục đích, không có gì gọi là “dụ dỗ” cả.



    Sau đó chị bạn đồng nghiệp lại thở ngắn than dài với tôi rằng, chị thuê sách của Kim Dung về, nhưng cậu con trai chị vẫn không chịu đọc, một cuốn sách ba ngày xem được ba trang, sau đó không chịu đọc tiếp nữa.



    Tôi nói thẳng với chị, chị đã tìm một tấm gương, nhưng lại không tìm thấy điểm đột phá để khích lệ con trẻ, chỉ dùng điểm mạnh của một đứa trẻ khác để so sánh với điểm yếu của con mình, vì thế chị không thuyết phục được con. Trẻ em đọc sách là vì có hứng thú với sách, một đứa trẻ làm sao có thể vì không muốn tụt hậu so với người khác và vì sự yêu cầu của bố mẹ mà đi đọc sách được!



    Chị hỏi tôi phải làm thế nào, tôi nghĩ rằng tiểu thuyết của Kim Dung đã gây sức ép cho cậu bé, liền nói, tạm thời chị không nên nhắc đến chuyện đọc tiểu thuyết nữa, cậu bé sợ chữ nghĩa như vậy, trước hết chỉ có thể bắt đầu từ việc đọc những thứ đơn giản nhất. Thế này nhé, chị đặt một tờ báo buổi tối, trên đó ngày nào cũng có một số tin bài về xã hội rất thú vị, cái này ai cũng thích đọc, là thứ tiêu khiển tốt nhất. Hàng ngày chị đọc được tin nào thú vị, thì giới thiệu cho con đọc, đừng đọc nhiều, mỗi ngày một hai tin là được rồi. Đầu tiên dụ dỗ cậu bé đọc báo, nếu cậu có thể thường xuyên đọc được báo, dần dần sẽ thấy việc đọc sách không có gì là đáng sợ nữa, sau đó lại tìm cách kéo con vào tiểu thuyết.



    Mấy ngày sau, chị bạn đồng nghiệp của tôi gặp tôi vẫn lắc đầu, nói ngay cả báo con cũng không chịu đọc. Tôi thấy lạ tại sao cậu bé này lại sợ chữ nghĩa như vậy. Sau khi tìm hiểu kỹ càng quá trình, phát hiện thấy cách làm của chị bạn không ổn lắm. Với tình hình này, nếu con chịu đọc mới là lạ.



    Hóa ra, mấy ngày đó mỗi lần đi làm về chị bạn tôi đều mua một tờ báo buổi tối, về đến nhà liền đưa báo cho con. Chị cũng muốn dùng cách “dụ dỗ”, liền nói với con rằng đọc báo rất tốt, tờ báo này rất hay, ít nhất con phải đọc được một đến hai bài; thích đọc bài nào thì đọc. Để kiểm tra con trai đã đọc hay chưa, ngày nào trước khi đi ngủ chị cũng đều bắt con kể cho mình nghe nội dung mà cậu bé đã đọc. Cậu con chỉ đọc được vài ngày, lại bắt đầu vì chuyện đọc báo mà cãi lại mẹ.



    Mặc dù người mẹ này dường như lần nào cũng làm hết mọi việc cần phải làm, nhưng lại không đạt được mục đích, chị nói chị thực sự tuyệt vọng về việc đọc sách của con rồi.



    Tôi buộc phải nói thẳng với chị, hành động của chị có một chút “dụ dỗ”, nhưng về thực chất vẫn là đang “ra lệnh”. Chị quy định cho con mỗi ngày ít nhất phải đọc được một đến hai bài, lại còn đi kiểm tra xem con đã đọc hay chưa, như thế việc đọc báo đã biến thành “nhiệm vụ” rồi. Chị thử đặt mình vào địa vị của con và nghĩ xem, cảm nhận xem thế nào gọi là dụ dỗ; nếu chị chỉ đứng trên góc độ của bố mẹ để xem xét vấn đề, thì rất dễ biến dụ dỗ thành ra lệnh, dễ để mất đi hiệu quả.





    Không phải là tất cả các bậc bố mẹ đều thẳng thừng như vậy, rất nhiều người sau khi hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, cũng có thể đồng thời hiểu được tầm quan trọng của việc dụ dỗ, đồng thời biết tạo ra một số biện pháp dụ dỗ. Nhưng trong đó có không ít biện pháp cũng không hiệu quả, bởi sự dụ dỗ mà những biện pháp này tạo ra không thắng nổi một sự dụ dỗ khác: ti vi.



    Nếu một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã tạo được hứng thú đọc sách, thì chúng thường không để ti vi cướp đi thời gian đọc sách của mình; nhưng nếu từ lâu con trẻ rất ít tiếp xúc với sách vở, lớn lên trước màn hình ti vi, bạn muốn bắt trẻ giữa chừng phải chuyển sang đọc sách thì là điều tương đối khó, cần phải áp dụng nhiều biện pháp hơn.



    Bố mẹ tuyệt đối không nên dùng biện pháp mạnh tắt ti vi để bắt con đọc sách. Kể cả có tắt ti vi, cũng không thể giúp trẻ cam tâm tình nguyện cầm sách lên; kể cả trẻ đã cầm sách lên, nhưng cũng không thể chuyên tâm đọc. Một số bậc phụ huynh hỏi tôi rằng tình hình này phải làm như thế nào, tôi đã gợi ý cho họ một chiêu “độc”, một số phụ huynh đã áp dụng và kết quả rất tốt.



    Tôi gợi ý cho họ rút một sợi dây nào đó của ti vi ra, hoặc lấy một linh kiện nào đó ra, khiến ti vi không xem được nữa. Bố mẹ giả vờ nói ti vi hỏng rồi, sau đó tìm ra các lý do để kéo dài thời gian sửa ti vi. Ít là một hai tháng, nhiều là nửa năm một năm. Trong thời gian này, bố mẹ bắt đầu đọc sách, sau đó lựa thời gian thích hợp giới thiệu cho con trẻ một cuốn sách thú vị, để con trẻ phát hiện được niềm vui của đọc sách trong lúc nhàn rỗi không có việc gì để làm. Đợi đến khi con trẻ bắt đầu đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, bố mẹ mới đi “sửa” ti vi.



    Để đề phòng sau khi ti vi “được sửa”, con trẻ lại quay về trạng thái suốt ngày vùi đầu vào ti vi, bố mẹ có thể lợi dụng cơ hội này đưa ra quy định xem ti vi. Đồng thời bản thân mình cũng phải thực hiện nghiêm túc.



    Về quy định xem ti vi, tôi cho rằng không nên quy định thời gian, chỉ quy định xem chương trình nào thì tốt, như thế sẽ dễ kiểm soát. Quy định được đưa ra là phải thực hiện, trước hết bố mẹ không được vi phạm quy định, cũng phải ít xem ti vi, bỏ thời gian ra đọc sách, đây là cách giáo dục không lời đối với con trẻ. Vấn đề then chốt ở đây cũng là sự dụ dỗ âm thầm, không nên có xung đột.



    Có lẽ một số phụ huynh sẽ nói chiêu này “chuối”, thao tác quá rườm rà, không bằng trực tiếp tắt ti vi đi. Còn có nhiều bậc phụ huynh, họ không muốn con trẻ xem ti vi, nhưng mình lại xem một cách thoải mái.



    Đã có một số người mẹ sau khi nghe lời đề nghị của tôi liền ra sức lắc đầu, nói mình buổi tối không có việc gì để làm, không xem ti vi thì xem cái gì; hoặc là người chồng sẽ không đồng ý làm như vậy, bởi vì công việc của chồng rất mệt, hàng ngày về đến nhà muốn được giải trí. Những lúc như thế này tôi cũng cảm thấy mình bó tay hết cách.



    Nếu bố mẹ cứ thích làm theo ý mình thì có cách nào để không bồi dưỡng ra một đứa con ngang ngạnh? Bạn không muốn dụ dỗ con trẻ đọc sách, thì đành phải để ti vi dụ dỗ con trẻ ngày ngày đốt thời gian trước màn hình mà thôi.



    Điều khiến con người khó kháng cự nhất là sự “dụ dỗ”, khiến con người căm ghét nhất là sự “ép buộc”, người lớn và con trẻ đều giống nhau. Trong quá trình giáo dục, muốn con trẻ tiếp nhận cái gì, thì phải dụ dỗ trẻ; muốn trẻ từ chối cái gì, thì phải ép buộc chúng – đây là một chiêu rất có hiệu quả. Tất cả những bậc phụ huynh không đạt được mục đích, nguyện vọng và kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, chắc chắn là do đã áp dụng ngược phương pháp.


    nguồn: tusachnguoimetot
     
  11. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    “Cách đọc sách tốt” và “cách đọc sách xấu”





    Cần để trẻ cảm nhận được rằng, đọc sách là một công việc thú vị, ngoài sự thú vị ra không còn mục đích nào khác. Chính cái “không có mục đích nào khác” này, mới có thể khiến trẻ thích đọc sách.





    Trong ngôn ngữ của trẻ em, sự việc luôn được chia rạch ròi thành “tốt” và “xấu”. Bây giờ tôi xin mượn cách nói của trẻ, bàn một chút về cách làm nào tốt, đáng được phát huy; cách làm nào xấu, cần chú ý tránh trong quá trình đọc sách ngoài giờ học của trẻ em. Hãy cho phép tôi dùng giọng của trẻ, gọi cách làm tốt, đáng được phát huy là “cách đọc sách tốt”, còn cách làm nào xấu, cần chú ý tránh là “cách đọc sách xấu”.



    Cách đọc sách tốt nên cố gắng dùng văn viết, cách đọc sách xấu bỏ qua văn viết, sử dụng nhiều văn nói.



    Điểm này nhằm vào đối tượng trẻ em giai đoạn chưa biết chữ, người lớn kể chuyện cho trẻ.



    Khi bố mẹ kể chuyện cho con, sợ con nghe không hiểu, liền cố gắng dùng văn nói để kể. Làm như vậy không tốt lắm. Phương pháp đúng là, ngay từ lúc mới bắt đầu, nên cố gắng sử dụng ngôn ngữ chuẩn, từ vựng phong phú để kể chuyện cho trẻ nghe. Cố gắng để trẻ được tiếp xúc sớm với các loại sách có tình tiết, có chữ viết, kể từ ngày bạn mua cho trẻ cuốn sách có lời văn thuyết minh, bạn cần cố gắng “đọc” chuyện, không nên “kể” chuyện cho trẻ nghe. Điều này đã được trình bày kỹ trong bài viết Dạy con biết chữ không khó của cuốn sách này, ở đây tôi không đề cập nữa.



    Cách đọc sách tốt yêu cầu đọc nhanh, cách đọc sách xấu yêu cầu đọc chậm.



    Trong vấn đề đọc sách ngoài giờ học, một cái lỗi rất tệ mà một số bậc phụ huynh và giáo viên hay mắc phải là yêu cầu trẻ đọc chậm, đọc từng chữ từng câu một. Điều này không đúng.



    Có ba phương diện để đánh giá khả năng đọc của một người: Hiểu, nhớ, tốc độ. Ba phương diện này hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau phát triển.



    Tốc độ là một tiêu chí hết sức quan trọng để đánh giá khả năng đọc. Khả năng đọc của người đọc từng chữ một là kém nhất, đọc từng hàng từng hàng một, đạt được đến “nhìn một lúc mười dòng” là tốt nhất. Nhìn một lúc mười dòng là một cách ví von, chỉ hoạt động đọc sách của người đó đã đạt tới trình độ rất thành thạo, diện đọc rộng, phạm vi chú ý lớn, một lần nhìn bao quát được từ một dòng đến mấy dòng.



    Đọc sách buộc phải đạt đến trình độ bán tự động hóa, nội dung đọc mới có thể được nắm bắt và hấp thu, mới có lợi cho việc hiểu và nhớ. Cách đọc từng chữ một sẽ gây cản trở cho sự hình thành trạng thái bán tự động hóa này, tài liệu đọc mà mình cảm nhận được rời rạc, không hoàn chỉnh.



    Tốc độ đọc của con người vừa không phải từ lúc sinh ra đã có, cũng không phải là muốn nhanh sẽ được nhanh, đồng thời không thể dùng một phương pháp huấn luyện nào đó để dễ dàng đạt được. Tốc độ được quyết định bởi lượng đọc, được hình thành một cách tự nhiên trên cơ sở “lượng”. Sự tiến bộ của trẻ em trên phương diện này rất đáng ngạc nhiên, một học sinh tiểu học thích đọc sách, tốc độ đọc của em sẽ nhanh chóng được hình thành, đồng thời do suy nghĩ của trẻ trong quá trình đọc rất đơn thuần, nóng lòng muốn biết tình tiết câu chuyện ở phía sau, vì thế tốc độ đọc thường vượt cả những người lớn cũng thích đọc sách như thế. Những đứa trẻ có lượng đọc tương đương, tốc độ đọc của chúng về cơ bản là như nhau. Vì thế trong vấn đề nâng cao tốc độ đọc, cũng không cần người lớn phải can thiệp, chỉ cần đảm bảo cho trẻ có lượng đọc đủ là được.



    Con gái tôi Viên Viên khi học tiểu học đã đọc xong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, tất cả mười bốn bộ, khoảng ba mươi, bốn mươi cuốn. Tôi chỉ mua cho cô bé một bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký, còn lại là đi thuê về xem. Lúc đó tiền thuê là mỗi cuốn năm hào/ngày. Lúc đầu Viên Viên đọc rất chậm, chẳng mấy chốc càng đọc càng nhanh, mặc dù hàng ngày phải đi học, mỗi cuốn chỉ mất một đến một tệ rưỡi, tức hai, ba ngày là đã đọc xong; đến kỳ nghỉ hè thì mỗi ngày đọc một cuốn. Tôi tính sơ bộ, cô bé tám tuổi này đọc một cuốn tiểu thuyết hai trăm nghìn chữ, tổng thời gian đọc chỉ cần bốn đến năm tiếng đồng hồ. Tốc độ này của Viên Viên không có gì là ghê gớm, những em khác đọc nhiều sách, tốc độ cũng sẽ nhanh như vậy.



    Trong vấn đề nâng cao tốc độ đọc cho trẻ, cần chú ý một số điểm sau:



    Thứ nhất, không nên để trẻ đọc phát ra tiếng.



    Ở trường thường xuyên yêu cầu học sinh đọc nhẩm bài khóa, đó chỉ là đọc bài khóa, không nằm trong phạm trù đọc sau giờ học mà chúng ta nói đến ở đây. Đọc sách ngoài giờ học không nên đọc thành tiếng. Đọc phát ra tiếng, không những không thể hiểu rõ nội dung của tác phẩm, cũng không thể đẩy nhanh tốc độ, là một cách đọc không tốt.



    Thứ hai, không nên vừa gặp từ mới đã yêu cầu trẻ tra từ điển.



    Trong giai đoạn đầu đọc sách, chắc chắn trẻ sẽ gặp nhiều từ mới, việc tra từ điển liên tục sẽ ảnh hưởng đến việc đọc, sẽ làm trẻ mất hứng thú. Trẻ mới đọc những tác phẩm có nội dung dài, vốn đã không tin tưởng vào vốn từ mà mình đã biết, lo rằng không biết có hiểu hay không. Bố mẹ cần khích lệ trẻ, có những chữ không biết cũng không sao cả, chỉ cần hiểu được là được. Nếu có một số từ mới ảnh hưởng đến việc hiểu tác phẩm, hoặc là từ then chốt trong tác phẩm thì có thể hỏi bố mẹ. Như thế sẽ khiến cho trẻ cảm thấy rất nhanh, đọc rất nhẹ nhàng. Tôi từng gặp bậc phụ huynh rõ ràng là biết chữ đó, nhưng lại không nói cho con biết, bắt con phải đi tra từ điển, dường như cho rằng tra từ điển có thể giúp trẻ nhớ lâu hơn. Cách làm này là vô nghĩa, thực tế là hầu hết các em đều không thích bị gián đoạn trong quá trình đọc. Có em thích tra từ điển, đương nhiên cũng không nên ngăn cản, quan trọng là tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, để trẻ có thể đọc một cách vui vẻ, thuận lợi.



    Thứ ba, nếu có thể, cố gắng thuê sách hoặc mượn sách để đọc.



    Thuê sách hoặc mượn sách có thể thúc đẩy trẻ nhanh chóng đọc xong một cuốn sách. Bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung mà Viên Viên đọc về cơ bản đều là thuê về, để tiết kiệm tiền thuê, Viên Viên đã tranh thủ thời gian đọc xong sớm, mỗi cuốn cùng lắm thuê ba ngày, đến kỳ nghỉ mỗi ngày một cuốn. Mặc dù thuê trong vài ngày không tốn nhiều tiền, nhưng cảm giác chỉ mất một tệ mà được đọc một cuốn sách đã khiến Viên Viên rất phấn khởi, điều này vô hình trung cũng thúc đẩy Viên Viên đọc nhanh.





    Cách đọc sách tốt quan tâm đến việc đọc được bao nhiêu, cách đọc sách xấu quan tâm đến việc nhớ được bao nhiêu



    Rất nhiều phụ huynh sau khi con đọc xong một cuốn sách, thường xuyên kiểm tra em “đã nhớ được bao nhiêu”.



    Có một vị phụ huynh, cũng nghe theo lời gợi ý của người khác, đồng ý cho con đọc sách ngoài giờ học. Em này vừa đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên, bố mẹ liền nóng lòng muốn con kể lại câu chuyện này, học thuộc “những đoạn văn hay” trong đó, bắt con phải dùng một số từ trong tiểu thuyết vào bài văn của mình, thậm chí còn yêu cầu con trẻ phải viết cảm nghĩ sau khi đọc xong. Đến khi em này đọc sang cuốn tiểu thuyết thứ hai, chị liền trách con gần như quên hết các tình tiết câu chuyện và nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, cho rằng cuốn đầu tiên đọc mất công. Bố mẹ làm như vậy chẳng khác gì gây khó dễ cho con. Điều này phản ánh hai vấn đề của bố mẹ, một là không hiểu việc đọc sách, hai là quá nóng vội. Kết quả của việc làm này sẽ chỉ khiến trẻ ghét đọc sách mà thôi.



    Khi con trẻ đối mặt với một cuốn sách, nếu có người đưa ra yêu cầu với trẻ rằng phải ghi nhớ, trẻ sẽ tập trung sự chú ý vào việc nhớ, đồng thời đặt hứng thú đọc sách vào vị trí thứ yếu. Khi trẻ ý thức được rằng sau khi đọc xong một cuốn sách lại có nhiều nhiệm vụ phải làm như vậy, trẻ sẽ không còn muốn đọc nữa.



    Làm mất hứng thú chính là bóp chết việc đọc sách.



    Cần để trẻ cảm nhận được rằng, đọc sách là một việc làm thú vị, ngoài sự thú vị ra không còn mục đích nào khác. Chính cái “không có mục đích nào khác” này, mới có thể khiến trẻ thích đọc sách.



    Việc đọc sách giai đoạn thiếu nhi chủ yếu là đọc truyện cổ tích và tiểu thuyết, chỉ cần con trẻ thích đọc, chứng tỏ trẻ đã bị câu chuyện lôi cuốn, trẻ và các nhân vật trong truyện cùng nhau trải qua các sự kiện, và cuối cùng cùng nhau chào đón một kết cục, cuốn sách này đã để lại dấu ấn trong cuộc đời trẻ. Nội dung cụ thể không cần trẻ phải nhớ, kể cả khi trẻ quên cả tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đọc từ ba tháng trước, cũng không thể nói rằng trẻ đọc phí công.



    Còn về việc học thuộc một số “đoạn văn hay” trong tác phẩm, càng không có mối liên hệ tất yếu với việc học ngôn ngữ. Nếu đoạn văn hay khiến trẻ cảm động thật thì trẻ sẽ tự biết mô phỏng và nhớ; nếu “đoạn văn hay” là do bố mẹ chọn, chưa chắc trẻ đã thừa nhận nó hay, việc học thuộc như thế sẽ không còn có ý nghĩa nữa. Đọc sách là một sự ảnh hưởng âm thầm, về mặt ngôn ngữ cũng là như vậy. Học thuộc đoạn văn của người khác không đồng nghĩa với việc mình có thể viết ra được đoạn văn này, điều quan trọng nhất của việc học ngôn ngữ là hình thành khả năng tổ chức ngôn ngữ và phong cách của mình, thà để trẻ dành thời gian vào việc đọc cuốn sách khác còn hơn là bắt trẻ học thuộc đoạn văn mà mình không thích.



    Tục ngữ nói “sành sỏi xem bí quyết, ngờ nghệch xem cho vui”. Việc đọc sách ngoài giờ học của học sinh giai đoạn cấp một và cấp hai gần như đều là giai đoạn “ngờ nghệch”, trẻ “xem cho vui” cũng là tốt lắm rồi, không trải qua giai đoạn này, cũng khó có thể đạt đến giai đoạn sành sỏi. Tốt nhất bố mẹ và giáo viên không nên nóng lòng bắt trẻ phải nắm được ý nghĩa, phát biểu được cảm tưởng, nhớ được bao nhiêu điều sau khi đọc xong một cuốn sách. Thái độ của bạn đối với việc trẻ xem ti vi, chơi điện tử vô tư như thế nào thì đối với việc đọc sách của trẻ cũng nên vô tư như thế.



    Chức năng của đọc nằm ở sự “hun đúc” chứ không phải là “chuyên chở”. Có thể trước mắt không thấy được gì, nhưng chỉ cần trẻ đọc được một lượng sách cần thiết, nền tảng vững chắc sớm muộn sẽ hiện ra ở trẻ.



    Thực tế là, bố mẹ càng ít đặt ra những yêu cầu không thích đáng như ghi nhớ và học thuộc cho con trẻ thì vốn kiến thức mà trẻ nắm được trong quá trình đọc lại càng nhiều. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, ông phát hiện ra rằng: “Số lượng kiến thức mà con người nắm bắt cũng được quyết định bởi màu sắc tình cảm của hoạt động lao động trí óc: Nếu sự giao lưu tinh thần với sách vở là một niềm say mê, không đặt mục đích là phải ghi nhớ, thì rất nhiều sự vật, chân lý và quy luật sẽ dễ dàng ăn sâu vào ý thức của anh ta”(1).





    Cách đọc sách tốt đọc chữ, cách đọc sách xấu đọc tranh.



    Có vị phụ huynh nói rằng con mình đọc sách suốt ngày, tiền anh cho con, con hầu hết là mang đi mua sách, một bộ mấy chục cuốn, chỉ mấy ngày mà đã đọc xong, nhưng trình độ viết văn của cậu con lại rất kém, không hiểu tại sao lại như vậy.



    Tôi hỏi anh con trai anh thường đọc những sách gì, anh nói về cơ bản đều là truyện tranh - thảo nào!



    Tôi nói với vị phụ huynh này rằng, đọc truyện tranh không gọi là đọc sách, truyện tranh không phải là sách, truyện tranh chỉ là ti vi xuất hiện dưới hình thức cuốn sách. Anh nói con anh thường xuyên “đọc sách”, thực ra là em thường xuyên “xem ti vi”.



    Hiện nay xã hội đang ở trong thời đại “đọc tranh”. Cái gọi là “đọc tranh” chính là xem phim hoạt hình, tranh biếm họa, ti vi hoặc máy tính, là phương thức tiếp nhận thông tin lấy hình ảnh làm chủ. Sự xuất hiện của thời đại đọc tranh đã gây sức ép cho hình thức đọc sách truyền thống. Một đứa trẻ sinh ra trong thập kỷ 1960, từ nhỏ sống trong môi trường thiếu thốn thông tin, sau khi lên cấp hai thỉnh thoảng được đọc một cuốn sách, anh ta liền đọc ngấu nghiến như tìm được của quý, niềm say mê đọc sách của anh ta có thể đã hình thành như vậy. Nhưng một đứa trẻ sinh vào thập kỷ 1990, ngay từ lúc sinh ra đã bị các loại thông tin kích thích, bao vây, nếu hầu hết thời gian trong độ tuổi thiếu nhi của em trôi qua trước màn hình ti vi, em sẽ có hứng thú với hình ảnh hơn, hình ảnh đã chiếm vị trí quan trọng trong đầu óc em, thời điểm tốt nhất để tạo hứng thú đọc chữ đã bị bỏ lỡ, sau này rất khó có thể tạo hứng thú đối với việc đọc sách.



    Hiện giờ có quá nhiều trẻ em mắc “chứng nghiện ti vi”, điều này có liên quan đến một số quan niệm của phụ huynh. Một số bậc phụ huynh mặc dù cũng muốn con mình lớn lên trở thành người ham đọc sách, nhưng lại không để tâm đến việc đọc sách khi trẻ còn nhỏ, coi việc đọc sách có cũng được mà không có cũng xong. Có người cho rằng trong ti vi cũng có kiến thức, để con trẻ xem nhiều ti vi cũng tăng thêm được vốn kiến thức. Có người cho rằng con trẻ chưa biết nhiều chữ, xem ti vi trước, đợi đến khi biết nhiều chữ rồi sẽ đọc sách. Còn có người cho rằng trẻ phải được sống một cuộc sống tự do tự tại, chỉ cần làm xong bài tập, trẻ thích làm gì thì để trẻ làm. Họ không biết mình đang bỏ lỡ thời cơ, những suy nghĩ này đã khiến trẻ mất đi một thói quen tốt. Sự tổn thất này phần lớn sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời.



    “Đọc tranh” không thay thế được vai trò của “đọc chữ”. Sở dĩ “đọc chữ” tốt hơn “đọc tranh” là do các nguyên nhân sau:



    Chữ viết là một loại ký hiệu ngôn ngữ trừu tượng, có thể kích thích trung khu ngôn ngữ của trẻ phát triển, đồng thời ký hiệu này chính là ký hiệu mà trẻ sẽ sử dụng trong quá trình học tập trong tương lai, trong quá trình đọc sách trẻ được tiếp xúc nhiều, đến khi học trên lớp sẽ sử dụng được nhuần nhuyễn loại ký hiệu này, đây chính là cách trần thuật đơn giản “đọc chữ” có thể khiến một đứa trẻ trở nên thông minh hơn.



    Còn truyện tranh, ti vi và máy tính đều dùng hình ảnh để lôi cuốn người khác, đặc biệt là ti vi, tín hiệu kích thích này không cần bất kỳ sự hoán chuyển nào, chỉ cần trẻ ngồi trước màn hình ti vi tiếp nhận một cách bị động là được. Đương nhiên xem ti vi cũng có thể giúp trẻ hiểu thêm một số điều, nhưng so với việc đọc sách, trong vấn đề mở mang trí tuệ, tác dụng của phương thức “đọc tranh” gần như là rất ít. Nếu các em trước độ tuổi đi học dành nhiều thời gian cho việc xem ti vi, trí tuệ của các em sẽ không được mở mang. Bắt đầu từ khi vào cấp một, lực học của em sẽ kém hơn những em thường xuyên đọc sách.



    Hơn nữa, những đứa trẻ quen với việc “đọc tranh” đã quen với cách tiếp nhận bị động, không quen với cách tiếp thu chủ động, trong học tập thường tỏ ra thiếu ý chí. Nhà văn hóa nổi tiếng của Đài Loan Lý Ngao đã chỉ trích rất gay gắt rằng: “Ti vi là cỗ máy sinh ra hàng loạt kẻ ngốc”.



    Thời gian “đọc chữ” của trẻ nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Giữa việc đọc sách và số mặt chữ trẻ đã biết không có mối quan hệ tất yếu, càng không có mối liên hệ với cấp học của trẻ, lúc nào cũng có thể bắt đầu. Cách đọc sách sớm nhất của trẻ em là nghe bố mẹ kể chuyện, từ giai đoạn trẻ nghe bố mẹ kể, dần dần quá độ sang giai đoạn trẻ tự đọc, từ chỗ đọc truyện tranh đơn giản dần dần quá độ sang tác phẩm văn học, từ những câu chuyện cổ tích có nội dung đơn giản dần dần quá độ sang các tác phẩm nổi tiếng. Chỉ cần trẻ chịu đọc, sự quá độ này sẽ diễn ra một cách rất tự nhiên.



    Bản tính của trẻ em đều thích đọc sách, phàm là những em tỏ ra không thích đọc sách đều là do bố mẹ không tạo cho em môi trường đọc sách thích hợp trong thời điểm thích hợp. Hoặc là trong nhà rất ít khi mua sách; hoặc là mua sách về ngại kể cho con nghe; hoặc là cả ngày dùng ti vi để dỗ dành con trẻ, tóm lại, ngay từ nhỏ trẻ đã bị cách ly khỏi sách.



    Thực ra “đọc chữ” không hoàn toàn phủ định “đọc tranh”, hai phương thức đọc này hoàn toàn có thể cùng tồn tại trong cuộc sống của trẻ. Con gái tôi Viên Viên cũng rất thích các hoạt động “đọc tranh”, từ nhỏ tới lớn cô bé đều thích xem phim hoạt hình, vào đại học vẫn thường xuyên xem, trên giá sách có rất nhiều truyện tranh, nhưng điều này không ảnh hưởng đến hoạt động “đọc chữ” của cô bé. Niềm say mê “đọc chữ” của cô bé đã được hình thành một cách ổn định từ khi còn rất nhỏ, cô bé tự biết dựa vào nhu cầu của mình để phân bổ thời gian đọc và nội dung đọc.



    Những đứa trẻ từ nhỏ đến lớn, dành hầu hết thời gian rỗi cho việc “đọc tranh” chứ không phải là “đọc chữ”, thực ra việc đọc của những em đó vẫn dừng lại ở giai đoạn đầu tiên, sự trưởng thành về mặt trí tuệ do đọc sách đem lại cũng không thể thực hiện. Sự tổn thất này bắt nguồn từ việc hoạt động “đọc chữ” không kịp thời xuất hiện trong cuộc sống thuở ấu thơ của các em - đây là một điều rất đáng tiếc. Điều đáng tiếc này, lẽ nào không phải là do bố mẹ, giáo viên, và toàn xã hội coi nhẹ việc đọc sách của trẻ em hay sao?






    Ngoài ra cần phải nhắc các bậc phụ huynh nên chú ý rằng, để trẻ đọc nguyên tác, không nên đọc “bản lược trích” hoặc “bản thu nhỏ”.



    “Bản lược trích” chỉ những bản in đã được cắt gọt, biến thành bản có số chữ ít, nội dung, ngôn ngữ đều khá đơn giản. Tôi cho rằng đây là hành vi biến một quả tươi thành mứt hoa quả, ít nhất là những cuốn sách “dành cho thiếu nhi” như Tam quốc diễn nghĩa mà tôi nhìn thấy trong cửa hàng sách đã gây ấn tượng cho tôi như vậy. Kiến nghị nên chọn cho trẻ những nhà xuất bản có tiếng tăm và tác phẩm gốc.



    “Bản thu nhỏ” chỉ những cuốn sách giữ nguyên tổng số chữ, nhưng thu nhỏ cỡ chữ, trang nào cũng dày đặc chữ. Loại sách này có thể là do một số nhà xuất bản nhỏ không có tiếng tăm hoặc các tay in lậu sách sản xuất. Ví dụ in bộ Hồng lâu mộng thành một cuốn sách. Những cuốn sách như thế này chỉ tiện mang theo bên người, nhưng đọc sẽ rất mệt, dễ làm trẻ chán; ngoài ra cũng có thể có nhiều chữ viết sai. Chính vì vậy cũng không nên cho trẻ đọc bản thu nhỏ.





    Mỗi chúng ta đều thích “cái tốt”, không thích “cái xấu”, con trẻ lại càng phân chia rạch ròi thành tốt và xấu, trên trang giấy cuộc đời thuần khiết như tờ giấy trắng của các em sẽ để lại dấu ấn gì, đều có mối liên hệ tất yếu với sự tốt xấu của hàng trăm hàng triệu chi tiết trong cuộc đời các em. Giáo dục nằm trong tất cả mọi chi tiết, mỗi chi tiết “tốt” nhìn có vẻ rất nhỏ bé, đều có thể có ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ. Việc đọc sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, bố mẹ và thầy cô giáo phải cố gắng tạo cho trẻ “cách đọc sách tốt”, tránh “cách đọc sách xấu”, đây cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình bạn đem lại cho trẻ những phương pháp giáo dục tốt.
     
  12. Nhimcao

    Nhimcao Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    21/8/2011
    Bài viết:
    3,456
    Đã được thích:
    517
    Điểm thành tích:
    773
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Cảm ơn chị vì 1 topic quá hữu ích. Em đã được nghe giới thiệu về cuốn sách này nhưng chưa có cơ hội mua và đọc.

    Chúc chị luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. !
     
  13. phuongmaithi

    phuongmaithi Thành viên nổi tiếng

    Tham gia:
    14/4/2011
    Bài viết:
    4,204
    Đã được thích:
    829
    Điểm thành tích:
    773
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Topic rất hay và ý nghĩa, cảm ơn chủ top. Đánh dấu có thời gian vào đọc lại
     
  14. PhuongLinhNguyen

    PhuongLinhNguyen Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/9/2011
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    132
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Gặp một “cậu bé hư”





    Yêu con, thì phải giúp con tạo dựng một cục diện hài hòa, đừng gây rắc rối cho con.





    Sau khi Viên Viên nhảy cóc lên lớp bốn, việc học tập không có gì khó khăn, chẳng mấy đã quen thân được với các bạn trong lớp mới, có thêm mấy người bạn thân. Xét về tổng thể, mọi việc đều tốt. Chỉ có một chuyện khiến cô bé cảm thấy rầu rĩ, là thường xuyên bị một bạn trai trong lớp bắt nạt.



    Cậu bạn này là người được gọi là “học sinh cá biệt”, ở đây tôi gọi cậu bé ấy là Tôn Tiểu Lực. Tôn Tiểu Lực ngồi bàn sau Viên Viên. Nghe nói trước đây cậu cũng bắt nạt các bạn nữ khác trong lớp, kể từ khi Viên Viên chuyển đến, liền chuyển hướng sang bắt nạt Viên Viên.



    Trong giờ học Tôn Tiểu Lực thường xuyên kéo bím tóc của Viên Viên. Giờ giải lao, ném sách vở của cô bé lên một chiếc bàn khá xa của các bạn khác, thấy cô vội chạy một vòng tìm sách vở, lúc gần đến nơi, cậu ta lại chạy trước cướp mất, đặt lên một chiếc bàn khác. Thường xuyên là chuẩn bị vào học rồi, Viên Viên vẫn phải chạy như cờ lông công trong lớp để đòi sách. Có lúc giờ giải lao, Viên Viên đang chơi cùng các bạn khác, bất thình lình bị cậu ta đẩy một cái, suýt thì ngã nhào.



    Viên Viên thường xuyên về nhà kêu ca với tôi, xem ra cậu bạn này khiến cô bé hơi bực mình. Bạn cùng lớp với Viên Viên nhìn thấy liền mách tội với tôi, cô ơi, bạn Tôn Tiểu Lực lớp chúng cháu hay bắt nạt Viên Viên lắm, cô đi mách cô giáo đi.



    Tôi không đi gặp cô giáo, một là cảm thấy con trai vốn nghịch ngợm, không phải là chuyện gì to tát lắm, chỉ bảo Viên Viên mặc kệ bạn ấy. Hai là cảm thấy Viên Viên đã nói chuyện này với cô giáo, tôi đi nói thêm nữa, cô giáo phê bình cậu ta thêm trận nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tôi mong Viên Viên tự giải quyết được những chuyện như thế này, theo cảm nhận của tôi, cậu bạn này chỉ khiến Viên Viên hơi bực, về đến nhà kể với mẹ một hồi cũng không còn chuyện gì nữa, không gây tổn thương về mặt tâm lý cho con gái, chính vì thế tôi cũng không sốt sắng xuất đầu lộ diện.



    Cách bắt nạt hồi lớp bốn còn không nghiêm trọng lắm, lên đến lớp năm lại có phần quá đà. Ngoài những trò xấu ngày trước, lại còn xuất hiện hành vi “quấy rối”. Có một lần Tôn Tiểu Lực gọi điện thoại đến nhà tôi, đúng lúc Viên Viên nhấc máy, cậu ta liền hét lớn một câu “Anh yêu em” trong điện thoại. Viên Viên sợ quá vội cúp máy, hậm hực ra nói với tôi, sao Tôn Tiểu Lực lại biết số điện thoại nhà mình nhỉ? Mình phải thay số điện thoại ngay thôi mẹ ạ!



    Tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ về cậu bé Tôn Tiểu Lực này, cảm thấy cậu bé mới mười tuổi này có lẽ thực sự có một số vấn đề, một chốc một lát chưa nghĩ ra được cách phải làm như thế nào. Nhưng sau đó xảy ra một chuyện khiến tôi phải nhanh chóng hành động.



    Hôm đó Viên Viên đi học về, cô bé tỏ ra rất không vui, vừa về đến nhà liền thay quần áo, gội đầu. Tôi hỏi tại sao, cô bé ậm ờ một hồi rồi mới nói với tôi một cách miễn cưỡng rằng, chiều nay chơi với các bạn ở ngoài lớp, Tôn Tiểu Lực liền đứng sau ôm chặt cô, lại còn hôn lên tóc. Đúng lúc cô giáo nhìn thấy, phê bình cậu ta một trận, và bắt đứng phạt. Xem ra chuyện này thực sự khiến Viên Viên không vui, cô bé cố gắng nhịn mới không khóc, hỏi tôi có đến gặp thầy hiệu trưởng đuổi học Tôn Tiểu Lực được hay không.



    Bố Viên Viên đã không ưa cậu bé này từ lâu, lúc này mới nổi cáu nói phải đi gặp bố mẹ của cậu bé hư hỏng này, để bố mẹ đánh cho một trận. Theo trực giác của tôi, đi tìm phụ huynh của cậu bé cũng không ăn thua, bố mẹ đánh cậu ta một trận, có khi sau này cậu ta lại giở trò khác. Tôi cũng không kỳ vọng cô giáo có cách nào để giải quyết, tôi muốn tìm ra một biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề.



    Tôi bảo Viên Viên, ngày mai sau khi tan học, mẹ sẽ đợi con ở cổng trường để nói chuyện với Tôn Tiểu Lực.



    Ngày hôm sau tôi mua một cuốn truyện thiếu nhi Pipilu của nhà văn Trịnh Uyên Khiết, đây là cuốn sách thiếu nhi mà cả tôi và Viên Viên đều thích đọc. Đây một mặt được coi như là một món quà “hối lộ”, mặt khác là tôi muốn cậu bé đọc một chút sách. Đọc sách có tác dụng thúc đẩy phẩm chất đạo đức tốt phát triển, nhà giáo dục người Liên Xô cũ Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói: “Tôi tin tưởng rằng, sự tự giáo dục của thiếu niên được bắt đầu từ một cuốn sách hay”.



    Tôi đến cổng trường Viên Viên đợi cô bé. Viên Viên ra rất sớm, cùng tôi đợi Tôn Tiểu Lực đi ra. Một lát sau, Viên Viên chỉ cho tôi một cậu bé ăn mặc bệ rạc, có phần lếch thếch và gọi cậu lại.



    Tôi nói với cậu bé rằng tôi là mẹ của Viên Viên, muốn nói chuyện với cậu. Có thể cậu bé tưởng tôi đến để tính sổ với cậu, ánh mắt có phần sợ hãi, nhưng lập tức lại lộ vẻ thách thức, bất cần.



    “Đừng sợ, cô chỉ muốn nói chuyện bình thường với cháu thôi, chúng ta nói chuyện có được không?”. Tôi ngồi xổm xuống. Nét mặt Tôn Tiểu Lực có phần kinh ngạc, nhưng thái độ đã dịu đi được một chút. Lúc này có mấy người bạn của Viên Viên kéo đến, tôi không muốn để chúng vây quanh, liền kéo Tôn Tiểu Lực đi ra phía xa, nhưng mấy em đó vẫn đi theo. Đành phải mặc kệ chúng.



    Tôi nhẹ nhàng hỏi Tôn Tiểu Lực: “Cháu bảo Viên Viên là một bạn gái tốt hay bạn gái xấu?”.



    Tôn Tiểu Lực trả lời: “Bạn tốt ạ”. Có phần ngượng ngùng.



    Tôi hỏi: “Tốt ở điểm nào, cháu thử nói xem”.



    Cậu buột miệng: “Học giỏi ạ”. Nghĩ một lát lại nói: “Không nghịch ngợm”. Rồi im lặng.



    Tôi hỏi: “Còn gì nữa không?”.



    Cậu ta lại nghĩ một lát, nói: “Không chửi người khác, không bắt nạt người khác”.



    Tôi lại hỏi tiếp: “Thế khuyết điểm của bạn ấy là gì?”.



    Tôn Tiểu Lực có vẻ ngài ngại, lí nhí nói: “Không có khuyết điểm”.



    Tôi nói: “Viên Viên là bạn gái tốt, nếu như có người bắt nạt bạn ấy, thì cháu bảo như thế có đúng không?”.



    Cậu ta lắc đầu.



    “Thế cháu có bắt nạt bạn ấy không?”.



    Tôn Tiểu Lực lại ngần ngừ một lát, lắc đầu.



    Tôi mỉm cười vỗ vào tay cậu: “Đúng là một cậu bé ngoan”.



    Lúc này mấy cậu bé bên cạnh tỏ ra không đồng ý, thi nhau nói, cô đừng tin bạn ấy, bạn ấy thường xuyên bắt nạt Viên Viên, bạn ấy đã hứa với cô giáo rất nhiều lần rồi, hứa xong lại tái phạm. Tôn Tiểu Lực tỏ ra không đồng ý và hơi xấu hổ.



    Tôi liền nói với mấy cậu bé đó: “Trước đây Tôn Tiểu Lực đúng là như vậy, nhưng từ sau sẽ không thế nữa”. Tôi hỏi Tôn Tiểu Lực bằng giọng rất tin tưởng: “Cháu nói có đúng thế không?”. Ánh mắt Tôn Tiểu Lực liền sáng lên, rồi cậu gật gật đầu.



    Trong giây phút này tôi cũng nhìn thấy được vẻ tốt bụng của cậu bé, và có cảm nhận rằng cậu bé như thế này, chắc chắn có liên quan tới phương pháp giáo dục của bố mẹ cậu, liền muốn tìm bố mẹ cậu để nói chuyện, mong có thể giải quyết triệt để vấn đề của Tôn Tiểu Lực. Thế là tôi liền hỏi: “Bố mẹ cháu công tác ở đâu, cô có thể tìm họ để nói chuyện được không? Cháu yên tâm, cô cam đoan là không mách tội đâu”. Lập tức cậu bé này liền tỏ ra rất khó xử, tinh thần vô cùng hẫng hụt.



    Lúc này một em đứng bên cạnh liền nói nhỏ với tôi, cô ơi cô đừng hỏi nữa. Tôi lập tức hiểu ra có thể gia đình của Tôn Tiểu Lực có vấn đề gì đó, vội kìm lời lại, tỏ ý xin lỗi cậu, à, cô xin lỗi, không nói chuyện này nữa nhé. Tôi lấy ra cuốn Pipilu rồi nói, cuốn sách này rất hay, Viên Viên rất thích cuốn sách này, cháu có muốn đọc không?



    Tôn Tiểu Lực liền gật đầu. Nhìn cuốn sách một lát, mắt lại cụp xuống.



    Tôi đặt sách vào tay cậu nói, cuốn sách này cô tặng cháu, cháu mang về nhà mà đọc nhé. Ngoài ra, ở nhà Viên Viên còn rất nhiều sách hay, nếu cháu muốn đọc, có thể bảo bạn ấy mang đến cho mượn, cháu đọc hết một cuốn rồi trả lại cho bạn, sau đó lại mượn cuốn khác. Thế có được không?



    Hai tay Tôn Tiểu Lực nắm chặt cuốn Pipilu, ánh mắt lấp lánh. Rồi lại gật gật đầu.



    Số em học sinh vây quanh mỗi lúc một đông, tôi sợ Tôn Tiểu Lực có áp lực về tâm lý, liền nói, hôm nay chúng ta nói chuyện đến đây đã nhé? Tôn Tiểu Lực vẫn gật đầu. Dáng vẻ tỏ ra rất ngoan ngoãn, chắc chắn cậu không nghĩ rằng tôi lại giải quyết vấn đề như thế này với cậu.



    Tôi dẫn Viên Viên về nhà, cậu bé vừa nãy không cho tôi hỏi cơ quan của bố mẹ Tôn Tiểu Lực ghé sát tới, nói với tôi bằng giọng bí hiểm, bố của Tôn Tiểu Lực đang ở trong tù. Tôi hơi sửng sốt, sau đó nói với cậu bé đó, bố bạn ấy ở trong tù, chắc chắn trong lòng bạn ấy rất buồn, không muốn để người khác biết. Chuyện này chúng ta biết thế là được, sau này đừng nói với người khác nữa có được không? Cậu bé liền hiểu ý gật gật đầu.



    Từ đó trở đi, quả nhiên Tôn Tiểu Lực không còn bắt nạt Viên Viên nữa. Một thời gian sau, tôi lại bảo Viên Viên mang cho cậu ta một cuốn truyện thiếu nhi của Trịnh Uyên Khiết. Tôi hỏi Viên Viên, Tôn Tiểu Lực có đọc hai cuốn truyện này không, cô bé nói không biết, cũng không muốn đi hỏi bạn ấy. Có lẽ là cô bé vẫn cố gắng tránh Tôn Tiểu Lực, không muốn gây chuyện với cậu bạn. Nhưng nghe Viên Viên nói hiện giờ Tôn Tiểu Lực không dám bắt nạt các bạn gái nữa, nhưng vẫn liên tục bị cô giáo phê bình vì các lý do khác. Có một lần Viên Viên vào phòng của cô giáo để nộp vở bài tập, cô giáo cho gọi mẹ của Tôn Tiểu Lực đến, mẹ cậu xem ra rất tức giận, bất ngờ đứng dậy đá con trai mấy cái.



    Lúc kể chuyện này, giọng Viên Viên tỏ ra rất sợ hãi, cảnh tượng đó đối với cô thực sự là không thể tưởng tượng.



    Tôi nói với Viên Viên rằng, mẹ bạn ấy làm như thế là không đúng, thực sự làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con. Những gia đình như thế, con cái biết làm thế nào. Cái sai của bạn ấy thực ra không phải là cái sai của bạn ấy, mà là cái sai của bố mẹ bạn ấy. Chính vì thế con không nên kỳ thị bạn ấy, nếu thấy các bạn khác nói những lời kỳ thị, sỉ nhục Tôn Tiểu Lực, con cũng phải ngăn lại. Đừng coi bạn ấy là đứa trẻ hư, bạn ấy chỉ là một học sinh bình thường, hiện giờ mọi người đối xử với bạn ấy như các bạn khác, lớn lên bạn ấy mới có thể làm một người bình thường.



    Sau đó tôi nghe được một câu nói trong một chương trình truyền hình về động vật, đó là những chú voi con bị tổn thương trong tâm hồn sẽ phát dục sớm, và dễ tấn công người. Điều đó có lẽ có thể giải thích tại sao đứa trẻ này lại xuất hiện những đặc điểm đó.



    Tôi thấy thương cậu bé Tôn Tiểu Lực này, rất muốn giúp cậu, muốn tìm mẹ cậu nói chuyện, để thay đổi một chút phương pháp giáo dục. Nhưng mẹ cậu là người như vậy, tôi thấy hơi sợ chị ấy, không dám chắc là có thể nói chuyện được với chị ấy. Hơn nữa hồi đó công việc của tôi cũng rất bận, thường xuyên phải làm thêm giờ. Sau đó không thấy Viên Viên nhắc đến Tôn Tiểu Lực nữa, tôi cũng không nghĩ đến vấn đề này nữa. Hiện giờ nghĩ lại thấy hơi hối hận, có lẽ lúc đó tôi nên tìm mẹ cậu để nói chuyện thì tốt hơn. Hy vọng cậu bé này hiện giờ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Sau khi học hết lớp năm, Viên Viên cùng chúng tôi rời Diêm Đài, sau đó cũng không có tin gì về cậu bé này nữa. Mong rằng cậu trưởng thành thuận lợi.





    Năm 2006 tôi đọc được một chuyện thông qua một tờ báo, bố mẹ của một em gái theo học tại một trường tiểu học nọ ở Bắc Kinh, vì con gái họ có mối xung đột nhỏ với một cậu bạn trong trường, về nhà khóc kể với bố mẹ, ngày hôm sau hai vợ chồng liền đến trường tìm cậu bé này để tính sổ. Hai vợ chồng trực tiếp tìm đến chỗ cậu bé, đánh cho cậu một trận nhừ tử, khiến cậu bé thiệt mạng. Sự kiện bi thảm này khiến cả hai gia đình tan vỡ. Hai vợ chồng này, không những chôn vùi tương lai của mình, cũng khiến cô con gái mà họ hết lòng yêu thương chỉ có thể trưởng thành trong sự cô độc, không có bố mẹ làm bạn.



    Lùi một bước nói, kể cả cậu bé này không chết, cách làm này của phụ huynh vẫn thật đáng trách. Đứng từ xa nói, hành vi này của họ làm sao có thể dạy con cách đối nhân xử thế? Đứng ở phạm vi gần mà nói, đến trường như thế thật mất mặt, sau này con gái họ làm sao có thể ngẩng đầu lên nhìn mọi người trong trường? Họ vừa cướp đi niềm vui của con gái trong cuộc sống trường học, vừa dạy con làm một người thích trả thù, cướp đi hạnh phúc tương lai của con gái họ.



    Mỗi đứa trẻ đều có thể gặp “người bạn xấu” trong trường học, nếu phụ huynh cần phải lộ diện, mục đích có lẽ là giúp con giải quyết vấn đề, hóa giải mâu thuẫn, chứ không phải đi trả thù. Tùy theo từng đối tượng khác nhau có thể có cách xử lý khác nhau, có một giới hạn, đó là về mặt sinh lý và tâm lý đều không được làm tổn thương “kẻ địch” đó, mà phải tôn trọng đứa trẻ đó như tôn trọng con em mình. Đồng thời phải xem xét đến những biện pháp mà mình áp dụng có ảnh hưởng gì đến hành vi nhân cách của con em mình, ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ xã giao sau này của chúng. Yêu con, thì phải giúp con tạo dựng một cục diện hài hòa, đừng gây rắc rối cho con.
     
  15. La_nguyen_bach_linh

    La_nguyen_bach_linh Bông " đẹp zai "

    Tham gia:
    16/7/2009
    Bài viết:
    3,063
    Đã được thích:
    1,006
    Điểm thành tích:
    773
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Mình muốn mua quyển này mà ở đây họ ko có bán, ai có bản ebook ko cho mình xin với
     
  16. Hipbobo

    Hipbobo Thành viên chính thức

    Tham gia:
    5/3/2012
    Bài viết:
    274
    Đã được thích:
    50
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    trời ơi dài quá ...mình đang đọc thấy hay nhưng đánh dấu tí đọc tiếp...:D
     
  17. ninh1088

    ninh1088 Banned

    Tham gia:
    25/5/2011
    Bài viết:
    37
    Đã được thích:
    8
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Ôi trời, dài thật....chắc phải đọc làm 2 lần thôi
     
  18. ninh1088

    ninh1088 Banned

    Tham gia:
    25/5/2011
    Bài viết:
    37
    Đã được thích:
    8
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Đã đọc xong, thấy bổ ích lắm nhưng hoa mắt quá :(
     
  19. cá cơm ngần

    cá cơm ngần Thành viên tập sự

    Tham gia:
    19/4/2012
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Dài thật đấy, đọc miệt mài luôn.
     
  20. kumma

    kumma KÍNH F21 300K AU 100%-VỊT QUAY LS-ĐHỒ ĐỊNH VỊ 300K

    Tham gia:
    14/7/2010
    Bài viết:
    3,012
    Đã được thích:
    643
    Điểm thành tích:
    873
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Mình phải tìm mua sách này về ngâm cứu mới đc
    Tặng chủ top này (u) (u) (u)
     
    Sửa lần cuối: 20/4/2012

Chia sẻ trang này