Trẻ nhỏ cũng đục thủy tinh thể

Thảo luận trong 'Các vấn đề chăm sóc khác' bởi support2, 29/8/2014.

  1. support2

    support2 Guest

    Do được phát hiện chủ yếu ở người già nên nhiều cha mẹ rất bàng hoàng khi biết con mình cũng bị đục thủy tinh thể. Và hầu hết các em đều được điều trị muộn, nguy cơ mù lòa cao.

    [​IMG]

    Dễ nhầm với cận thị

    Bé Nguyễn Hoàng Hải (4 tuổi) con trai chị Liên, Thanh Hóa đưa con ra Hà Nội khám mắt thì được bác sỹ kết luận “đục thủy tinh thể”. Giật mình sửng sốt, chị tỏ ra hoài nghi kết luận của bác sỹ: “Con tôi mới 4 tuổi thôi”. Hiện nay mắt Hải không nhìn rõ và tốc độ mờ nhanh.

    Kể về bệnh của con, chị Liên rơm rớm nước mắt: “Gần đây, tôi quan sát thấy cháu chơi đồ chơi mà tay cứ quờ quạng, nhặt đồ chơi không chính xác. Khi đưa tay khua trước mặt thấy cháu phản ứng rất chậm, mắt đờ đẫn trông dại hẳn đi. Tôi đã rất lo lắng nghĩ cháu bị cận thị bẩm sinh? Quan sát kỹ hơn tôi còn phát hiện trong mắt cháu có lòng trắng nhiều hơn bình thường. Ra tới đây, kiểm tra xong, bác sĩ kết luận bị đục thủy tinh thể giai đoạn nặng, rất nguy hiểm, nếu không phẫu thuật ngay nguy cơ mắt bị nhược thị và có thể dẫn đến mù lòa”.

    BS. Đỗ Hoàng Hà, Khoa Glocom, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, hầu hết những phụ huynh khi được biết con mình bị đục thủy tinh thể thì đều tỏ ra kinh ngạc. Đó là vì từ trước tới nay, nhiều người luôn quan niệm đây là bệnh của người già, là bệnh do hệ lụy của thời gian. Thực chất có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đục thủy tinh thể ngay từ những năm đầu đời như: di truyền, nhiễm khuẩn trong quá trình mang thai, bong võng mạc, viêm màng bồ đào hoặc do chấn thương ở mắt trẻ em… nó có thể xảy ra một cách tự nhiên mà không kèm với một bệnh nào khác.

    Nhưng chính vì nghĩ rằng đục thủy tinh thể chỉ ở người già nên cha mẹ dễ mắc sai lầm nguy hiểm là: Khi thấy trẻ mắt mờ dần, nhìn kém, đặc biệt là nhìn lên bảng không rõ thì cho trẻ đeo kính cận thị. Đến khi mắt mờ đi quá nhiều thì trẻ mới được phát hiện đúng bệnh đục thủy tinh thể, đa số các trường hợp đã ở giai đoạn nặng. Không phẫu thuật kịp thời, trẻ dễ bị nhược thị, lác, rung giật nhãn cầu.

    Phẫu thuật thành công, mắt vẫn mờ

    Thị lực của trẻ được hình thành trong quá trình tập nhìn ở những năm đầu đời. Do vậy, nếu trẻ bị đục thủy tinh thể sẽ không được tập nhìn, mất phản xạ nhìn và có thể dẫn đến thị giác không được hoạt động, bị teo nhỏ, khả năng nhìn kém. Vì vậy, bác sĩ Hà cho hay những trường hợp bị đục thủy tinh thể như con chị Liên cần phải tiến hành phẫu thuật ngay để giữ thị lực cho bé.

    Nhưng có một sự thực đáng buồn là: Những trường hợp phát hiện muộn thì ngay cả khi phẫu thuật thành công thì thị lực của bé vẫn kém, nhiều trường hợp được phẫu thuật sớm, mức thành công cao hơn, song thị lực cũng không thể phục hồi hoàn toàn nếu cha mẹ không chăm sóc tốt.

    Quá trình điều trị đục thủy tinh thể cho trẻ em cũng rắc rối hơn người lớn. Bác sĩ Hà nhấn mạnh: Điều trị đục thủy tinh thể ở trẻ em không chỉ đơn thuần là phẫu thuật (thay thể tinh thủy nhân tạo – pv) mà còn phải quan tâm chọn đúng thời điểm phẫu thuật, cách thức điều chỉnh quang học và luyện tập để phục hồi thị giác sau mổ. Mặc dù phẫu thuật thành công nhưng rất có thể xảy ra biến chứng như bong võng mạc, xuất huyết, nhiễm khuẩn, glôcôm.

    Vì thế cần có sự theo dõi chặt chẽ theo chỉ định của bác sỹ sau khi đã có kết luận về bệnh. Sau khi phẫu thuật, trẻ cần đeo kính hội tụ công suất khoảng +9 đến +12 đi-ốp để điều chỉnh quang học cho mắt. Nếu bác sĩ yêu cầu phải đeo kính thường xuyên thì cha mẹ tránh suy nghĩ: “Đeo kính nhiều gây phụ thuộc kính”. Sau đúng thời gian hẹn, trẻ em cần được đưa tái khám để thay kính. Đây là thời gian cha mẹ phải thường xuyên chú ý, nếu phát hiện thấy bất thường cần báo ngay với bác sĩ điều trị.

    Cần tạo thói quen kiểm tra mắt sơ sinh

    Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, ngay từ khi mới ra đời bé luôn hướng ánh mắt nhìn mọi thứ quanh mình, vì tất cả đều rất lạ lẫm không giống như không gian khi trong bụng mẹ. Vì thế nếu kiểm tra mắt sơ sinh thì phát hiện đục thủy tinh thể (cũng như các bệnh mắt khác) rất sớm, điều trị ngay giai đoạn này sẽ tăng thị lực cho trẻ. Bác sĩ Hà cho hay ở nước ngoài, hầu hết trẻ sơ sinh đều được kiểm tra mắt trước khi xuất viện. Nhưng ở Việt Nam, việc này hầu như không có, dẫn tới đa phần trẻ em bị đục thủy tinh thể đều được phát hiện do tình cờ và thường bị muộn.

    Cha mẹ nên chủ động cho con khám mắt sau sinh tại chuyên khoa mắt hoặc thường xuyên quan sát để phát hiện sớm bệnh ở trẻ. Nếu mắt trẻ nhiều lòng trắng, mắt không nhìn theo hướng di chuyển của đồ vật (đặc biệt khi trẻ đã được 2-3 tháng tuổi trở lên) thì nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao. Hiện tượng đục thủy tinh thể bẩm sinh có liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe của mẹ khi mang thai. Nếu trong thai kỳ, người mẹ đã từng bị ốm, sốt, nhiễm virus, vi khuẩn… cần cho bé kiểm tra mắt ngay sau sinh để loại trừ nguy cơ tổn thương bẩm sinh.

    Nguồn: Sức khỏe gia đình
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi support2
    Đang tải...


Chia sẻ trang này