Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc - Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không ?

Thảo luận trong 'Tâm sự về các vấn đề khác' bởi hoangconghieu, 11/1/2009.

Tags:
  1. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ (Tiếp)
    Hồ Trường An
    (Kịch Thơ)
    Bà Tám Ðịnh bảo ba:
    - Cô Ba qua đời từ lâu, sao thầy Ba không chịu kiếm cô nào còn son trẻ để chấp nối? Thôi để tui trổ tài làm mai cho. Ở xứ tui có cô Năm Mỹ Châu, cô Sáu Mỹ Ngọc con ông Hội đồng Bá đẹp như tiên sa phụng lộn, làm bánh xuất sắc, may vá thêu thùa khéo nhứt trần đời. Lạì còn có cô Hai Lài con ông Hương cả Huỡn cũng đẹp, cũng nết na gia giáo. Thầy Ba mà ừ một tiếng là vợ chồng tui đưa thầy đi Tam Bình liền.
    Và bà liếc qua Hạnh:
    - Còn cậu Hạnh nầy mai sau sẽ bảnh trai còn hơn kép Năm Châu đóng vai Lữ Bố, sẽ khôi ngô nào kém kép Bảy Nhiêu đóng vai vua Tống Nhơn Tôn. Cậu mà ăn học thành tài thì cưới tiểu thơ, quận chúa dễ ợt…
    Ba và Hạnh từ hồi nào tới giờ không quen nghe lời cợt nhả ồn ào, chưa từng nghe tiếng cười suồng sã huyên náo dưới mái nhà nầy, huống hồ là phải nghe những câu có tính cách xâm phạm vô đời tư của mình. Mặt ba lúc đó cứng như đóng một lớp nước đá, còn Hạnh thì bàng hoàng nhìn bà Tám Ðịnh như nhìn một quái vật.
    Chồng bà Tám Ðịnh ăn nói chừng mực hơn. Ông ta giỏi làm vườn nên thường lúc thúc ngoài vườn. Bà Tám Ðịnh từ hôm chạm phải phản ứng cứng rắn và lạt lẽo của cha con Hạnh thì đâm ra nhột. Cái hứng của bà tắt tức tưởi. Tuy nhiên bà vẫn siêng năng làm lụng việc nhà. Tài làm bếp của bà được hai cha con Hạnh chiếu cố tận tình. Ba cho dọn căn chái bên mặt rất rộng để làm buồng ngủ cho hai vợ chồng bà. Ba mua cho họ một cái radio, cho luôn họ chồng dĩa hát và giàn máy từ lâu không xài để họ giải trí.
    Bà Tám Ðịnh vốn không con, nay gặp Hạnh, tình mẫu tử tràn ngập lòng bà. Nhưng giữa đôi bên chỉ là sự liên hệ chủ tớ, bà đâu dám xem Hạnh như con mình. Tuy nhiên đó là sự nhắc nhở của lý trí. Trong tiềm thức bà, mỗi khi đứng trước mặt Hạnh, tình thương mến không những chỉ bộc lộ ở cách săn sóc miếng ăn manh áo mà còn ở những cử chỉ vồn vã quá đáng, những câu thăm hỏi vào chỗ ngoắt ngoéo riêng tư của Hạnh khiến Hạnh bực mình. Từ bao lâu quen với sự ít nói của ba, thái độ lầm lì của ông Bảy Liệu, Hạnh đâm ra có dị ứng với cử chỉ và thái độ quá thân mật của một người đờn bà quê mùa mà khi vừa đặt chân vào ngưỡng cửa nhà nầy, Hạnh đã nghe tiếng vọng trong đầu óc: “Ðây là đầy tớ! Ðây là mụ già coi sóc việc nhà!” Bởi thành kiến đó, Hạnh không cho phép bà Tám Ðịnh đi xa hơn cái vị trí tôi tớ trong nhà.
    Mỗi tối nếu không có việc gì làm, bà Tám Ðịnh thường quanh quẩn ở trung đường để xem Hạnh học bài , lóng nghe Hạnh đọc từng câu. Có những đêm Hạnh thức khuya, thấy bà còn quanh quẩn ở trung đường, Hạnh phải nhắc nhở:
    - Kìa bà Tám, khuya quá rồi, sao bà chưa trở về chái lá?
    Bà cười hề hề:
    - Ðược mà, tui thức coi cậu học cũng vui vậy! Cậu muốn ăn chè đậu hay cháo cá để tui múc?
    Thực tình Hạnh cảm động lắm, nhưng trong cái xúc động do tấm lòng biết ơn đó, Hạnh vẫn bực tức ngấm ngầm. Từ bao lâu, Hạnh quen với sự hờ hững gần như bỏ rơi của ba và ông Bảy Liệu. Nay bà Tám cứ chàng ràng bên cạnh làm Hạnh hơi ngượng và phải cáu vì cảm thấy mình bị dò xét. Bà Tám dò xét để làm gì? Hạnh không nhận thức rõ, nhưng thấy có người Hạnh không yêu mến chú ý đến nhứt cử nhứt động của Hạnh thì Hạnh nhột nhạt khó chịu quá đi thôi! Có lần Hạnh nói như gắt:
    - Khi tui học mà bà chàng ràng làm sao tui học được?
    Nói xong câu đó, Hạnh hối hận lắm, nhưng không có can đảm đến xin lổi bà. Hạnh đã thấy mặt bà tái đi, không phải giận dữ vì tự ái tổn thương mà là vì áy náy, ân hận.
    Tuy không còn chàng ràng ở trung đường để xem Hạnh học bài, nhưng bà Tám Ðịnh vẫn tìm cách lắng nghe Hạnh đọc bài. Có nhiều câu bà hiểu được để đem khoe với chồng:
    - Trái đất quay chung quanh mặt trời, mặt trăng quay chung quanh trái đất. Ngộ thiệt! Dân thông thái thấy mọi chuyện trặc trẹo nên họ tìm được đủ thứ trặc trẹo như đèn điện không có lửa mà vẫn sáng.
    Trong khi thuật với chồng, bà vuốt ve hơi lâu và hơi kỹ chiếc áo của Hạnh mà bà vừa ủi xon, chưa kịp xếp lại.
    Hạnh từ nhỏ có tánh cẩn thận. Những đồ chơi cũ, Hạnh không vứt đi mà bỏ vào chiếc rương cây khóa lại. Ðó là những đồng xu lá bài, những viên bi thủy tinh, chiếc xe hơi bằng thiếc, những con gà bằng đất khoét đít có đệm lưỡi gà bằng thiếc thổi toe toe, con rùa, con chim, con thỏ bằng sành tráng men, nạng giàn thun bắn chim…Bà Tám Ðịnh sành soạn những món đồ chơi đó, lau chùi bụi bặm, những con gà bằng đất được chồng bà Tám sơn phết màu tươi mới để xếp vô hai chiếc khay lớn, đem chưng trong tủ kiếng ở nhà kho, lâu lâu bà lau chùi từng món, ấp ủ nó trong lòng bàn tay khá lâu trước khi đặt trở lại vào khay. Bà không săn sóc nhiều những món ngoạn khí mà ông Bảy đã mua sắm cho Hạnh lúc Hạnh mới lớn. Chỉ có đồ chơi của Hạnh lúc còn ấu thơ mới làm mắt bà âu yếm mơ màng trong lúc vuốt ve vừa nhìn ngắm tấm hình Hạnh hồi lên bốn lên năm.
    Từ khi bà Tám Ðịnh không xà quần theo Hạnh, Hạnh mới tìm được một khoảng cách dễ chịu, và khi nghĩ tới bà, Hạnh mới cảm thấy niềm thương mến dịu dàng, thân mật. Bà không phải là mẫu người để Hạnh quấn quít như cô Lucie hay dì Khánh. Ðồng thời Hạnh chưa tìm thấy ở bà Tám Ðịnh vai trò nào trong cuộc sống tình cảm của mình, chưa gợi cho Hạnh hình ảnh một người mẹ.
     
    Đang tải...


  2. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ (Tiếp)
    Hồ Trường An
    (Kịch Thơ)
    Từ khi ông Bảy Liệu chết đi, lúc Hạnh đau ốm đến độ mê sảng thì chính ba túc trực bên giường Hạnh . Tuy chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng Hạnh đã biết nhột nhạt mắc cỡ khi có sự đụng chạm với người khác phái.
    Dịp bãi trường năm đó, Hạnh trèo lên cây táo tàu hái trái lỡ xẩy chân té, bể xương chậu và lọi chân trái. Chở lên bịnh viện Nguyễn văn Học Sài gòn thì Hạnh đã mê man, thừa chết thiếu sống. Bọng đái Hạnh bị rách, phải nằm nhà thương suốt hai tháng. Mông và đùi trái băng bột. Về nhà Hạnh nằm dưỡng thương thêm sáu tháng nữa. Dĩ nhiên cơm nưóc, quần áo cho Hạnh là do bà Tám Ðịnh đảm nhiệm, nhưng tắm rửa, lo việc tiêu tiểu cho Hạnh thì ông Tám và ba nhận lãnh. Ông Tám vụng về, thường làm Hạnh đau nên ba phải lo hết. Ban ngày ba lo việc mưu sinh, chiều về ba săn sóc cho Hạnh. Hai bàn tay ba cứng cáp gân guốc là vậy nhưng khi cởi quần áo tắm rửa cho Hạnh, hai bàn tay đó gượng nhẹ, thận trọng âu yếm biết bao! Lúc đó ánh mắt ba tràn ngập thương xót, nhưng miệng ba tươi cười. Ba kể chuyện này chuyện nọ cho Hạnh nghe. Cái chết của ông Bảy Liệu và tai nạn xảy đến cho Hạnh đã đưa ba lại gần Hạnh. Ba không hề rước người đờn bà nào về buồng mình và đem dẹp hệ thống gương treo trên vách tường. Nhiều đêm thức giấc, Hạnh nghĩ ngợi và khóc vì sung sướng. Ở ba, Hạnh đã tìm được một phần hình ảnh dịu dàng tận tụy của người mẹ.
    Bà Tám Ðịnh là mẫu người yêu chồng, chiều chuộng chồng. Bà thường than thở với ba hoặc lối xóm:
    - Chồng tui thương tui lắm. Ðáng lẻ gặp con vợ sượng ngắt, không chửa đẻ như tui, ảnh bỏ từ lâu rồi. Ảnh cũng không hề chịu cưới vợ bé để kiếm chút con. Ảnh nói với tui rằng dòng dõi ảnh là dòng kẻ thì đi ở đợ, người làm ruộng mướn, có vẻ vang chi đó để ảnh kiếm con nối dõi tông đường.
    Thỉnh thoảng bà Tám Ðịnh sắm sửa mâm rượu cho chồng. Nói là mâm rượu cho oai chớ chỉ có một dĩa cốc, khế bổ từng miếng, một dĩa mắm ruốc giã tỏi ớt, một dĩa tép muỗi xào với mỡ xắt hột lựu. Ðôi khi bà dọn thêm dĩa mít luộc xé tơi trộn rau răm, đậu phọng. Không bao giờ bà lấy cá, thịt trong thức ăn hàng ngày của cha con Hạnh làm món nhậu cho chồng. Nhưng mâm rượu đối với ông chồng cũng sang trọng lắm rồi. Bà thường ngồi coi chồng nhậu nhẹt, lâu lâu vì nể chồng bà uống một ngụm rượu đế, cắn một miếng khế xắt mỏng quệt mắm ruốc. Cả hai thường nhắc chuyện dưới quê, nhứt là nhắc tới mấy đứa nhỏ trong xóm cũ của họ. Giọng nhắc có vẻ âu yếm ngậm ngùi làm lòng Hạnh mềm đi khi Hạnh nghe lóm câu chuyện kể lể của cặp vợ chồng đó. Và Hạnh không ngờ lòng thèm khát đứa con, tình mẫu tử không có đối tượng để vung vãi của bà Tám dần dà đã làm cho Hạnh yêu mến bà.
    Trong đời Hạnh có hai việc khiến Hạnh ân hận: một là không có dịp bày tỏ lòng thương mến và biết ơn của mình với bà Tám Ðịnh khi Hạnh đã trưởng thành, đã đậu tú tài. Hai là Hạnh chưa kịp đền ơn nuôi dưỡng cho ba. Cả hai qua đời sớm quá.
    Hạnh còn nhớ sau khi xem kết quả kỳ thi vấn đáp ở Sài gòn, biết mình đậu hạng bình, Hạnh không đánh điện tín cho ba vội. Hạnh đi xe đò về Vĩnh Long. Lúc đó bà Tám Ðịnh đau dây dưa nhưng vẫn rán săn sóc việc nhà. Ðược tin mừng, bà chắp tay lại ngước đầu lên cao:
    - Tạ ơn Trời Phật. Trời Phật không phụ lòng thầy Ba nên cậu Hạnh có ngày làm vẻ vang cho thầy như ngày hôm nay đây.
    Hôm đó bà Tám cạo đầu. Ba rủ vợ chồng bà cùng Hạnh đi Bông-ga-lô ăn cơm Tây. Bà lắc đầu:
    - Tui đã vái hễ cậu Hạnh thi đậu tú tài là tui cạo đầu, ăn chay một tháng.
    Khi về, ba mua một chục cam Cái Bè cho bà. Nhưng bà Tám không có dịp ăn chay. Hôm sau bà nửa tỉnh nửa mê, nằm thiêm thiếp trên giường bịnh, chỉ húp nước cháo. Ba đích thân đưa bà đi bác sĩ, mời các thầy đông y đến chẩn mạch và hốt thuốc. Hạnh không còn lòng dạ nào ra khỏi nhà. Hạnh cạo gió, giác ống thông hơi và đích thân sắc thuốc cho bà Tám. Ba không thể ngăn cản.. Một hôm thấy Hạnh giặt một mớ khăn lông để ông chồng lau mình cho bà, ba Hạnh chỉ bảo nhỏ:
    - Con phải trả ơn bà Tám ngay từ bây giờ. Bả không qua khỏi con trăng nầy đâu!
    Ba quay lên nhà trên, không nhận thấy nước mắt Hạnh đã ướt đẫm má.
    Một hôm, trời xế chiều. Bên ngoài cơn dông thổi qua. Dưới mái chái lá, bà Tám Ðịnh bắt đầu mê sảng nó láp dáp:
     
  3. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ (Tiếp và Hết)
    Hồ Trường An
    (Kịch Thơ)
    Tại ông ráo trọi! Ông không nghe lời tui cưới vợ bé hoặc xin con nuôi. Con vợ bé ông thì cũng là con tui. Giờ đây tui chết, ai lắt nút áo cho tui, ai phò giá triện, ai rinh quan tài tui đây? Tui nghĩ tới cảnh ông bơ vơ trên chốn dương trần thì tui nhắm mắt sao đành!
    Ông chồng khóc tối tăm mặt mũi. Ðầu canh hai, bà Tám Ðịnh chợt tỉnh. Ông chồng kê tô thuốc gần miệng bà:
    - Bà uống thuốc đi. Chiều nào cậu Hạnh cũng sắc thuốc cho bà đó. Bà rán mạnh giỏi để thầy Ba và cậu Hạnh vui lòng.
    Hạnh muốn nói với bà những lời thân thiết, nhưng vì nhút nhát và vì nghẹn ngào nên Hạnh chỉ lấy quạt phe phẩy cho bà, dùng khăn lông chậm mồ hôi cho bà. Bà Tám Ðịnh uống thuốc xong, bảo chồng:
    - Thầy Ba và cậu Hạnh tử tế lắm. Khi tôi chết rồi, ông nên săn sóc thầy và cậu. Ðược vậy vong linh anh Bảy tui cũng thoả mãn.
    Bà lại mê đi. Ba và Hạnh không còn lòng dạ nào rời mái bếp. Ðến cuối canh ba, bà Tám Ðịnh hấp hối. Trước khi chết, bà mở mắt ngước nhìn Hạnh, cặp mắt dại hẳn đi. Bà kêu lớn:
    - Con ơi!
    Khi chôn cất xong bà Tám Ðịnh, chính ba và Hạnh phải săn sóc chồng bà. Ông thờ thẫn như kẻ mất hồn, ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Ông thường nhìn vào khoảng không khóc thầm lặng hoặc cười vu vơ. Hạnh có linh cảm ông ta sẽ chết theo vợ vào một ngày không xa. Quả vậy, ông chồng bà Tám Ðịnh không đau bịnh chi hết. Người ông khô riết rồi chừng ba tháng sau ông nằm liệt, thỏm mỏm dần như ngọn đèn cạn dầu.
    Từ khi bà Tám Ðịnh chết, Hạnh ở luôn tại Vĩnh Long để hủ hỉ với ba vì Hạnh yếu phổi cần phải tịnh dưỡng. Hạnh săn sóc chồng bà Tám, dọn dẹp quét tước chái lá cho ông. Lúc đó ba mướn hai mẹ con cô Hai Thời coi sóc việc nhà. Cô Hai là cháu gọi ông Bảy Liệu bằng cậu, gọi bà Tám Ðịnh bằng dì. Cô Hai Thời trạc tuổi tứ tuần, dáng người thon mảnh, nhặm lẹ, lúc nào cũng sạch sẽ, chải chuốt. Khuôn mặt cô trẻ hơn số tuổi cô đang mang nhờ những nét cong mềm. Con gái cô tên là Kim Quế, tuổi hai mươi, vóc cao lớn, mặt vuông, cằm cương quyết, trán cao. Bù lại, Kim Quế có nụ cười rộng và tươi, mắt ướt, nét mày thanh. Mỗi khi nàng cười thì nụ cười chẳng những tươi rạng mà còn bát ngát tình ý, sóng mắt nàng thêm ướt, thêm tình tứ.
    Cô Hai Thời hồi mười bảy tuổi ở đợ cho ông dược sĩ Huỳnh Thanh Cảnh. Ông ta dụ dỗ cô, bơm cho cô một cái bầu. Bà vợ lớn biết được, đánh đập cô. Và cô phải bồng con về Tam Bình nương náu. Tuy nhiên ông Cảnh vẫn lén lút cấp dưỡng cô. Cô không lấy chồng nhưng tằng tịu với nhiều nhân vật thuộc giai cấp trung lưu. Kim Quế được mẹ cho học tới bực trung học, ghi đậu bằng Brevet. Khi hai mẹ con cô Hai Thời về ở với cha con Hạnh thì Kim Quế xin đi dạy trường Tân Giai cách nhà hai cây số, ăn lương công nhựt.
    Má con cô Hai Thời đã cùng Hạnh săn sóc ông chồng bà Tám Ðịnh rất chu đáo trong những ngày cuối cùng của đời ông. Ông cũng được an táng trong miếng đất hương hoả của gia đình Hạnh, nằm song song với mộ bà Tám Ðịnh và mộ ông Bảy Liệu giữa vùng trồng trắc bách diệp.
    Năm sau Hạnh thi đậu vào đại học Sư Phạm ban Hán Việt. Chàng phải rời nhà lên Sài gòn lưu học. Trong hai tháng sau cùng còn ở tại quê nhà, Hạnh đã thấy cô Hai Thời thường vào buồng ba ngủ đêm. Kim Quế như đã ngấm ngầm thoả thuận sự dan díu đó nên tỏ ra thân mật với ba hơn.
    Ngày Hạnh lên Sài gòn tiếp tục việc học thì ba bận việc không thể tiễn đưa Hạnh tại bến xe đò. Chỉ có hai má con cô Hai Thời. Trong tiệm nước, cả ba ngồi ăn hủ tiếu uống cà phê chờ giờ xe khởi hành. Hạnh bảo cô Hai Thời:
    - Ba cháu hi sinh cho cháu quá nhiều. Cháu không có dịp săn sóc ba, nhưng cháu rất mừng đã có cô. Xin cô thương yêu ba cháu, săn sóc ba nhiều hơn lúc cháu có mặt ở nhà thì cháu đội ơn cô lắm.
    Cô Hai Thời gật đầu, mặt và vành tai đỏ rần vì ngượng nhưng nụ cười cô thiệt rạng rỡ.
    ° ° °
    Bảy năm sau, Hạnh được thuyên chuyển về dạy học ở Vĩnh Long. Ba đã qua đời truớc đó hơn một năm. Chàng đã cưới Kim Quế trước khi ra trường.
    Cuộc hôn nhơn của Hạnh do ba sắp đặt. Bên nội lẫn bên ngoại chàng ồn ào phản đối. Dưới mắt mọi người, rõ ràng cô Hai Thời, một thứ đờn bà hư hỏng, nhào vô gia đình chàng để chiếm đoạt gia tài.
    Hạnh rất thông cảm và biết ơn ba. Ba đã lựa Kim Quế cho chàng trước khi mời hai mẹ con cô Hai Thời về sống chung. Ba đã biết sở thích, ẩn tình của cậu con trai mình, đa cảm đa sầu, mong mỏi tìm một điểm tựa tinh thần và khao khát tìm một người đàn bà phảng phất hình ảnh người mẹ. Trước đó, ngoài mái nhà của hai cha con, ba đã gặp cô Hai Thời, đã tằng tịu với cô, đã có dịp tìm hiểu Kim Quế. Do đó ba tìm cách mời hai mẹ con về nhà.
    Cuộc hôn nhơn giũa Hạnh và Kim Quế do ba và cô Hai Thời sắp đặt. Về phần Kim Quế, nàng đã yêu Hạnh từ lúc đặt chơn về nhà chàng. Riêng Hạnh, phải sau một năm chung sống với vợ, chàng mới lần hồi tìm được ở vợ những điểm mà chàng khao khát. Tình yêu dù đến với chàng sau cuộc hôn nhơn, nhưng thắm thiết dần, vững chãi dần. Khi tạm thời lìa Vĩnh Long lên Sài gòn theo chồng, Kim Quế may thuê rồi xin làm thơ ký cho một hãng xuất nhập cảng để có thêm tiền cung phụng cho chàng. Nàng ham hoạt động như cái chong chóng và vững vàng như cái nền lót đá hoa cương. Khi Hạnh lao vào lãnh vực viết văn viết báo thì nàng tìm cách giao thiệp với văn giới và sưu tầm những bài vở nói tới văn tài của chàng. Chàng ham đánh quần vợt thì nàng hăng hái cầm vợt. Nàng đóng đủ vai trò khi làm vợ Hạnh: người mẹ, người vú em, người nữ y tá, người vợ, người tình…Sự vững vàng, tình yêu thương của Kim Quế khiến Hạnh dần dần gột rửa được vẻ lầm lì, nhút nhát. Chàng lạc quan hơn, tin yêu cuộc đòi hơn.
    Cái chết của ba làm cô Hai Thời ngơ ngẩn, mất hồn suốt một thời gian dài. Chính Kim Quế tận tình săn sóc mẹ. Hạnh nhận thấy vợ mình thật tràn trề sinh lực, dồi dào cảm hứng. Cái sinh lực đó thúc đẩy nàng giúp đở chăm nom kẻ yếu đuối, bất hạnh. Nàng yêu Hạnh cũng chính ở tính tình đa cảm, yếu đuối của chàng. Nhờ có Kim Quế, Hạnh mới chợt nhận ra: không phải chỉ có kẻ yếu đuối mới cần nhờ tới kẻ mạnh, mà chính nhờ những kẻ yếư đuối, người mạnh mới có cơ hội chứng tỏ tiềm năng quí báu của mình.
    Hạnh làm sao quên được lời trối trăn của ba trong lúc lâm chung:
    - Khi con đã cưới vợ rồi ba mới nhẹ gánh lo nhứt đời ba. Ba đã gạt thành kiến của người đời, đạp nhầu dư luận để cưới Kim Quế cho con. Mười cô con gái xuất thân chốn nhà lành hoặc quyền môn nhập lại chưa chắc đã hơn vợ con. Nó là hình ảnh mẹ con thuở trước đó.

    Hết
     
  4. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Bông Hồng Cài Áo
    (ST)

    Nhất Hạnh

    Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.

    Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962,
    Nhất Hạnh

    Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

    Năm xưa tôi còn nhỏ
    Mẹ tôi đã qua đời !
    Lần đầu tiên tôi hiểu
    Thân phận trẻ mồ côi.
    Quanh tôi ai cũng khóc
    Im lặng tôi sầu thôi
    Ðể dòng nước mắt chảy
    Là bớt khổ đi rồi...
    Hoàng hôn phủ trên mộ
    Chuông chùa nhẹ rơi rơi
    Tôi thấy tôi mất mẹ
    Mất cả một bầu trời.

    Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

    Mẹ già như chuối ba hương
    Như xôi nếp một, như đường mía lau.

    Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

    Công cha như núi Thái sơn
    nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra

    Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.
    Ðạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Ðạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

    Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
    Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

    (Còn nữa)
     
    Sửa lần cuối: 31/1/2009
  5. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Bông Hồng Cài Áo (ST) - Tiếp theo

    Nhất Hạnh

    Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.

    Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Ðòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Ðể mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Ðể khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"
    Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
    Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.
    Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Ðó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!
    Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Ðể mai này anh chị đừng có than thở rằng: Ðời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
    Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Ðáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.
    Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
    Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Ðể chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.
    Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.
    Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi./-
    Nhất Hạnh (1962)
     
  6. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    CHUYỆN VỀ MẸ NHỮNG NGÀY KHỐN KHÓ (ST.Blog)

    Tôi không nhớ mình cảm nhận được tình yêu dành cho mẹ từ khi nào. Có thể từ hôm có một bà sang đánh ghen, gào ầm ĩ trong khi mẹ đi chợ. Tôi hèn nhát loanh quanh trong nhà rồi lại len lén ra sân trong khi cả khu tập thể chạy ra dòm ngó.
    Người đầu tiên bao giờ cũng là Mẹ, người có thể cho tôi tất cả các cảm xúc mà một người có thể có được: vui, buồn, giận hờn, chán nản, hạnh phúc... nhưng lớn hơn cả vẫn là tình yêu thương. Với hầu hết mọi người, tôi chỉ có thể thực sự cảm thấy sự yêu thương khi đã lớn, nhưng với Mẹ thì từ lâu lắm rồi. Từ khi nào đó, tôi không còn nhớ nữa, tôi đã cảm nhận được sự yêu thương trong lòng mình dành cho Mẹ.
    Có thể là từ ngày tôi lên 5, mẹ dẫn tôi về Bắc. Trên chuyến tàu chợ từ Nha Trang về Vinh cực kỳ đông, người ta xếp chồng biết bao nhiêu hàng hóa gạo thóc mang ra Bắc để bán. Hành trang của mẹ là mấy bao gạo và tôi. Đến ga Diêu Trì, tàu nặng quá không chạy được, thế là xuất hiện mấy ông đại loại như quản lý thị trường ấy, trèo lên tàu và không cần biết hàng hóa của ai, cứ thế vứt xuống. Mẹ con tôi cũng bị vứt xuống 2 bao gạo. Mẹ dặn tôi ngồi trông bao gạo còn lại để mẹ chạy xuống xin xỏ người ta.
    Tôi ngồi trên tàu, nhìn xuống sân ga sáng rực lửa đuốc đầy những đàn ông trần trùng trục khuân gạo chạy ngang chạy dọc, đầy những đàn bà hò hét gào thét để giữ hàng, mà lo cho mẹ. Không biết mẹ làm gì mà lâu ơi là lâu, mãi không thấy lên. Tôi sợ mất mẹ lắm. Tôi không sợ cho tôi, chỉ sợ nhỡ mẹ không lên kịp, tàu chạy thì làm thế nào mà về được nhà. Hồi đó đâu biết người lớn giỏi thế nào đâu.
    Cứ như thế mãi, cuối cùng thì mẹ cũng lên tàu, áo mẹ mặc ướt sũng mồ hôi. Có hai ông bê hai bao gạo lên vứt vào chỗ chúng tôi ngồi, vừa khuân vừa càu nhàu bảo cái bà bộ đội này rách việc thế. Mẹ thì đứng sững, nhìn tôi một lúc và ôm tôi vào lòng, bật khóc. Sau này mẹ kể, lúc đó nhìn thấy mặt tôi tái xanh, hai mắt tròn xoe hoảng hốt ngồi trên bao gạo, hai chân hai tay ôm chặt lấy bao gạo sợ người ta lấy mất. He he, thần giữ của từ nhỏ, nhỉ? Hôm đó mẹ con tôi lãi to, vì hai bao gạo mà người ta trả lại to hơn hai bao bị vứt xuống ban đầu...
    Có thể là từ hôm nhà tôi bị mất trộm, trời mưa gió, mẹ đạp xe lên trường đón tôi về, mẹ khóc. Hôm đó nhà tôi mất hết, từ cái bật lửa. Mẹ biết ai là kẻ trộm, nhưng không nói gì. Đó là lúc tôi bắt đầu biết tức giận và thương mẹ vô cùng. Lúc về nhà mẹ đi nằm luôn, các cô chú trong khu tập thể sang thăm và động viên, còn mẹ thì cứ khóc. Tôi nhìn thấy trên bàn có cái gì đó giống như bánh quy Hương Thảo, loại bánh tròn tròn cứng cứng mà mỗi khi ăn tôi thường phải nhúng vào nước cho mềm ra. Thoạt tiên tôi thấy thèm lắm, và có tí tủi thân khi nghĩ mẹ có bánh mà không cho mình. Nhưng sau đó tình thương nổi lên thì phải, tôi nghĩ mẹ đang buồn và mệt lắm, phải nhường cho mẹ ăn. Thế là tôi đến gần, cầm cái bánh lên định đưa cho mẹ. Té ra không phải, đó chỉ là miếng mút đánh phấn của cô nào đó sang chơi để quên. Tôi thấy ân hận vì trót ghen tị với mẹ. Cảm giác đó đến bây giờ vẫn còn.
    Cũng có thể là từ hôm có một bà nào đó sang tận khu tập thể đánh ghen, gào ầm ĩ trong khi mẹ đi chợ. Tôi hèn nhát loanh quanh trong nhà rồi lại len lén ra sân trong khi cả khu tập thể chạy ra dòm ngó. Từ xa, nhìn thấy mẹ xách mớ rau về nhà, tôi hoảng sợ chỉ muốn chạy ra bảo với mẹ hãy tránh đi, mà không dám. Tôi sợ gì không biết nữa. Quá bé để có thể hiểu hết những việc mà người lớn đang làm, nhưng tôi có thể tưởng tượng ra hậu quả của nó. Hic, trái với sự hèn nhát của tôi, mẹ bình tĩnh không ngờ và đã xử lý mọi chuyện đâu ra đấy. Té ra bà kia ghen nhầm, và xin lỗi mẹ tôi sao sao đó (tôi không biết vì bận trốn vào một góc ngồi khóc vì hổ thẹn cho mình và thương cho thân người phụ nữ nuôi con một mình như mẹ).
    Có thể là từ hôm trời bão to, cả khu tập thể đã sơ tán lên nhà bảo tàng hết, chỉ còn nhà tôi chưa lên vì tôi sốt cao quá không đi được. Nửa đêm bỗng dưng nghe tiếng ầm ầm và thấy trời sáng hẳn. Té ra tường mấy nhà đầu hồi đã sập hết, gió đang đà lùa đến nhà tôi. May mắn làm sao, đến lượt nhà tôi thì tường lại đổ trở ra chứ không đổ vào nhà nên mẹ con tôi thoát nạn.
    Mẹ quấn chăn chiên vào người tôi, ôm tôi lần theo bờ tường để đi lên khu nhà trưng bày. Gió mạnh làm hai mẹ con ngã xiêu vẹo, cứ đứng lên lại ngã xuống. Khi lên đến nhà trưng bày, mọi người đã ngủ hết nên không nghe thấy tiếng mẹ gọi. Mẹ đưa tôi chui vào góc đằng sau tượng Bác Hồ để đứng đợi và đi tìm cây gỗ để đập vào cửa. Tượng Bác Hồ bây giờ không còn như xưa nữa, cái góc mà tôi chui vào bây giờ cũng không còn nữa. Nhưng cái đêm bão bùng đó thì không bao giờ quên được, nhất là khi giở lại những cuốn sách rách nát sau trận bão mà mẹ tôi còn thu lại được và giao cho tôi ngồi phơi mất mấy ngày trời..
    Có thể là từ những đêm giao thừa tôi ở nhờ nhà cậu, còn mẹ một mình đốt pháo và cúng sang canh trong căn nhà tập thể bảo tàng...
    Mẹ lấy chồng, sinh con và chia ly khi bằng tuổi tôi bây giờ. Từ khi về Vinh, cuộc sống của mẹ gắn với cái bảo tàng, biết bao buồn vui, bao thất vọng và cả vinh quang đến với mẹ từ nơi đó. Bây giờ mẹ đã già, nhiều lúc nhìn mặt mẹ mệt mỏi và già nua thấy thương quặn trong lòng. Thế nhưng tính nết ương bướng giống nhau nên nhiều khi khắc khẩu.
    Tôi hay cãi mẹ, vừa cãi vừa thấy mình quá đáng. Thế mà mãi không sửa được. Những đứa bạn biết cả tôi và mẹ đều yêu quý mẹ, và bảo với tôi rằng mẹ có một tình thương kỳ lạ dành cho tôi, vừa yêu thương vừa sợ. Có lẽ mẹ sợ mất tôi, cũng như tôi luôn sợ mất mẹ. Hic! Mẹ ơi, có phải tại mẹ thương con nhiều quá không?
    Dạo này mẹ già và hay đau ốm. Tôi thì lại chẳng thể ở gần.
    Hen's blog
     
  7. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    CON YÊU MẸ
    Xuân Quỳnh

    Con yêu mẹ bằng ông trời
    Rộng lắm không bao giờ hết

    Thế thì làm sao con biết
    Là trời ở những đâu đâu
    Trời rất rộng lại rất cao
    Mẹ mong bao giờ con tới!

    Con yêu mẹ bằng Hà Nội
    Để nhớ mẹ con tìm đi
    Từ phố này đến phố kia
    Là con gặp ngay được mẹ.

    Hà Nội còn là rộng quá
    Các đường như nhện giăng tơ
    Nào những phố này phố kia
    Gặp mẹ làm sao con gặp hết!

    Con yêu mẹ bằng trường học
    Suốt ngày con ở đấy thôi
    Lúc con học, lúc con chơi
    Là con cũng đều có mẹ

    Nhưng tối con về nhà ngủ
    Thế là con lại xa trường
    Còn mẹ ở lại một mình
    Thì mẹ nhớ con lắm đấy

    Tình mẹ cứ là hay nhớ
    Lúc nào cũng muốn bên con
    Giá có cái gì gần hơn
    Con yêu mẹ bằng cái đó

    À mẹ ơi có con dế
    Luôn trong bao diêm con đây
    Mở ra là con thấy ngay
    Con yêu mẹ bằng con dế
     
  8. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    MẸ VỀ (ST)


    Khuya mơ màng thấy mẹ
    Ngồi bật dậy, giật mình!
    Mẹ gọi con rất khẽ
    Mở cửa, trời buồn tênh

    Thẩn thờ sau cánh cửa
    Vẳng tiếng mẹ gọi con
    Đèn bàn thờ không tỏ
    Bạch lạp rơi nỗi buồn

    Đêm ngoài kia tối lắm
    Xòe tay chẳng thấy tay
    Mưa rơi đầy hạt nặng
    Đội mưa mẹ về đây

    Mẹ khuất trong đêm đen
    Làm sao mà thấy được
    Chỉ cách con vài bước
    Mà xa đến muôn trùng

    Khuya này mơ thấy mẹ
    Lòng mừng! Đâu? Mẹ đâu?
    Tiếng gọi con rất khẽ
    Vọng về từ thiên thu...
     
  9. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    MẸ VÀ CON

    Viết cho Tuấn Anh - Thơ Xuân Quỳnh​

    Mẹ ơi, bông hoa kia
    Là của ai hở mẹ?
    Cái màu xanh trên cửa
    Kia nữa là của ai ?

    Của con đấy con ơi
    Đều của con tất cả
    Cái màu xanh trên cửa
    Cái bông hoa cuối vườn
    Ông mặt trời chiều hôm
    Tiếng chim kêu buổi sáng
    Cái mặt ao lẳng lặng
    Có con cá đang bơi
    Cái dòng sông trôi trôi
    Có con thuyền mới đỗ...
    Là của con cả đó
    Cả mẹ cũng của con.

    Con ôm mẹ con hôn
    Của Con sao nhiều thế ?
    Ừ của con nhiều quá
    Nhưng mẹ lại nhiều hơn
    Vì tất cả của con
    Mà con là của mẹ
     
  10. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    LỜI RU CỦA MẸ

    Xuân Quỳnh​

    Lời ru ẩn nơi nào
    Giữa mênh mang trời đất
    Khi con vừa ra đời
    Lời ru về mẹ hát

    Lúc con nằm ấm áp
    Lời ru là tấm chǎn
    Trong giấc ngủ êm đềm
    Lời ru thành giấc mộng

    Khi con vừa tỉnh giấc
    Thì lời ru đi chơi
    Lời ru xuống ruộng khoai
    Ra bờ ao rau muống

    Và khi con đến lớp
    Lời ru ở công trường
    Lời ru thành ngọn cỏ
    Đón bước bàn chân con

    Mai rồi con lớn khôn
    Trên đường xa nắng gắt
    Lời ru là bóng mát
    Lúc con lên núi thẳm
    Lời ru cũng gập ghềnh
    Khi con ra biển rộng
    Lời ru thành mênh mông...
     
  11. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    MÙA TRĂNG VU LAN VẪN BIỀN BIỆT MẸ


    Thượng tuần tháng giêng trăng dẫn mẹ ra đi
    Đóa hồng đỏ trên ngực con hóa thành hoa trắng
    Vu Lan nầy trăng về trong mưa xám
    Trăng trở lại một mình, hoa vẫn trắng màu tang
    Con tìm mãi không nguôi bóng mẹ ngoài sân
    Trong đêm mưa đầy, trăng buồn đi mất
    Mẹ không trăng mà lòng trăng vằng vặc
    Mẹ không nguồn mà biển cả bao dung
    Mẹ không mây mà tóc trắng như bông
    Mẹ không hoa mà hương hoa thơm ngát
    Trăng có về ngang, xin ghé vào một giây một phút
    Xin gởi lại đây màu đỏ sắc hoa hồng
    Xin mang về biển lòng mẹ bao dung
    Xin mang lại màu tóc mây mẹ bạc
    Xin mang theo tình mẹ thơm ngan ngát
    Cảm ơn bóng trăng nhân hậu trên cao
    Vu Lan nầy không về, mẹ ở tận nơi đâu?
     
  12. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    CÒN HOÀI MỘT DẤU HỎI

    Tuổi thơ con có một thời hạnh phúc
    Gọi “Mẹ ơi!” khi đói khát, chán chường
    Lòng vui lên thấy mẹ cười trước mặt
    Được vỗ về, được âu yếm yêu thương

    Nhà mình nghèo, mẹ sợ thân con lạnh
    Nên thức hoài, canh giấc ngủ thâu đêm
    Con trở giấc, mẹ vội vàng lính quýnh
    Ấp ủ con mặc gió bấc ngoài hiên

    Lớn lên rồi lại rời xa tay mẹ
    Mẹ vẫn cười nghiêng theo bóng đời con
    Khi vấp ngã, gọi “Mẹ ơi!” rất khẽ
    Đỡ con lên, Mẹ hỏi “Có đau không” ?

    Từ ngàn xưa nước mắt luôn rơi xuống
    Hạt mưa sa đâu chảy ngược lên nguồn?
    Trên đường đời mẹ bao lần vấp ngã
    Có bao giờ con hỏi “Mẹ đau không?”​
     
  13. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Câu chuyện về Mẹ
    (ST.Blog)

    Cuộc sống là những mãnh đời khác nhau, câu chuyện về những người mẹ, nuôi con khôn lớn, không là xa lạ trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng điều đồng cảm trong cách nghĩ, cách diễn tả là điều đáng nói.

    Những con người trong câu chuyện này, ít ra, cũng là kết thúc có hậu cho người mẹ... các con thành đạt và quay quần bên mẹ... còn nhiều lắm những gia đình cùng cảnh ngộ, nhưng không được hạnh phúc, vì nhiều lý do khác nhau... con cái không thành công, không có hiếu,... và thiết nghĩ, đây là hạnh phúc của cuộc sống, những gì mình gầy công vun đắp, gieo trồng, nay đã cho kết quả như mong muốn... đó là hạnh phúc của người mẹ...

    Có ai đã cùng qua thời gian gắn bó cùng nỗi đau với người mẹ, mới cảm nhận được hết những gì xãy ra trong câu truyện. Trước hết, là sự giúp đỡ của người thân. Người mẹ, lúc đó, đã bỏ qua hạnh phúc riêng tư của mình, mặc cảm vì sự thua kém của mình vời mọi người để toàn tâm lo cho những người con. Nếu mẹ có ba, có gia đình êm ấm, chắc gì mẹ đã thua người ta. Và đáng quý hơn, mẹ đã nhận được sự giúp đỡ của những người thành công ấy, một căn nhà lá...

    Cuộc sống và những nỗi đau, người mẹ chắc hẵn đã từng khóc thầm nhiều lần, vì những người con, đôi khi lại vô tâm lắm, chưa hiểu nỗi những nổi khổ của người lớn và mẹ không có ba bên cạnh...

    Về những người con, khi thành công dù ít, quay về và cùng chia sẽ những tháng ngày đã qua với mẹ, đó là món qua lớn nhất cho mẹ... người mẹ nào không hạnh phúc khi có được những người con như vậy. tình cảm mẹ con luôn chân thành và mộc mạc, có khi không cần nói nhiều, nhưng tình cảm sâu sắc... và cho dù, người mẹ đã chưa từng hy sinh gì, phận làm con phải làm cho mẹ vui, như chia sẽ những tháng năm về già của người đã sinh ra mình.

    Câu truyện đã làm tôi nghĩ lại quá khứ của bãn thân, khi cuộc sống lúc đó cũng cơ cực, chỉ tìm được bữa cơm qua ngày, sống ngày nào hay ngày ấy... và nghĩ gì những gì sẽ làm, sẽ phấn đấu, ít nhất là cho mẹ... sự thành công nào của người con, cũng là một món qua to lớn cho mẹ...
     
  14. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Vết sẹo
    (st)

    Mẹ ruột chúng tôi mất sau khi sinh em trai út của tôi. Chị Như, chị hai tôi, lúc đó mới lên mười. Tôi, đứa con gái thứ hai, lên tám ốm quặt quẹo. Sau nữa, thằng Thành, năm tuổi, tròn như củ khoai ngơ ngác đi tìm mẹ suốt ngày.

    Hai năm sau cha tôi tục huyền với người phụ nữ con nhà gia thế, một phụ nữ đẹp mới 27 tuổi. Chúng tôi gọi người này là “má”. Cha đi làm từ sáng đến tối, giao phó toàn bộ việc chăm nom con cái cho má tôi. Má làm trăm thứ việc không mấy khi ngơi tay. Chị em tôi no đủ, sạch sẽ, nhà cửa chúng tôi gọn gàng, bữa cơm dọn lên lúc nào cũng nóng sốt.

    Cha tôi chung sống với má sau được ba năm thì đau nặng rồi mất. Lúc sắp ra đi, cha không còn nói được chỉ nhìn má tôi rồi khóc. Má lúc đó trẻ quá, đẹp quá lại chẳng phải má ruột của chúng tôi...

    Cha vừa nằm xuống được mươi ngày đã có người đến đòi xiết nhà, xiết đồ. Gia đình nhà má khăng khăng bắt má về gả chồng. Rồi một ngày kia má kêu bán nhà, trả hết nợ rồi lặng lẽ dắt díu chúng tôi đi. Đó là năm 1978. Chúng tôi ở đậu nhà người chị họ xa của má, gọi là dì tư Tím. Dì làm nghề ướp cá, bán cá, dì góa bụa và nghèo khó. Căn nhà của dì không khác hơn cái chòi canh dưa là mấy, vậy mà còn chứa thêm má và bốn đứa chúng tôi. Dì tư Tím đem biếu ba con gà mái dầu cho một người quen để xin cho má một chân hộ lý trong bệnh viện đa khoa.

    Hằng ngày, má dậy từ 3g30 sáng, vào bệnh viện nấu nước, châm nước cho những bệnh nhân dậy sớm rửa mặt, pha sữa, pha trà để kiếm thêm chút tiền còm mua sách vở cho chị em tôi đi học. Sáu giờ má tất tả về nhà lo cho chúng tôi ăn sáng và đến trường. Bảy giờ má trở lại bệnh viện lau cầu thang, lau sàn, cọ rửa nhà vệ sinh, thay trải giường cho người bệnh, gom rác đem đi đốt… Sau năm giờ chiều, má còn nhận giặt thuê quần áo cho những bệnh nhân khá giả. Đến tám giờ tối má mới về đến nhà, mệt rã rời.

    Hôm nào mưa gió má về sớm hơn. Má mua về cho chị em tôi mỗi đứa một trái bắp nướng hay một túi đậu nành rang thơm giòn. Mấy chị em nằm bên má trên một manh chiếu rách, nghe má kể chuyện đời xưa. Thằng út Tài sợ lạnh cứ ôm chặt má mà khen sao má ấm quá. Thằng Thành nhõng nhẽo đòi má gãi lưng. Cũng có khi má dạy chúng tôi những bài hò, bài vè để cả nhà thành một “dàn đồng ca” rất ăn ý, rất vui nhộn, mặc ngoài kia gió thổi mưa tuôn…

    Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ tôi, má làm một mâm cơm tươm tất. Rồi má thắp mấy nén nhang thơm, gọi hết bốn chị em tôi lại bên bàn thờ mà nói: “Đây là mẹ ruột của các con, người đã sinh ra và nuôi nấng các con. Tuy mẹ các con mất rồi nhưng ở trên trời mẹ các con vẫn luôn phù hộ cho các con mạnh khỏe”. Vào ngày giỗ ba, má cũng làm như vậy. Ngày ấy cũng như mãi tới bây giờ cũng vậy, tôi vẫn tin ba mẹ tôi ở trên trời nhìn thấy chúng tôi.

    Có một sáng người ta đưa má về. Chân má bị phỏng nước sôi do một bệnh nhân chạy vấp vào má. Vết phỏng rất lớn. Do ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu nên chỗ phỏng trên chân má rất lâu không lành, cứ sưng lên đau nhức. Má mất ngủ nhiều, ốm rạc như con cò. Chị hai khóc, năn nỉ má cho đi đổ nước thay má mà má không cho đi. Rồi má nén đau, cố lê chân đi làm trở lại. Về sau vết bỏng ở chân má làm sẹo, một sẹo lồi nhăn nhúm chạy từ cổ chân đến hết mu bàn chân trái. Dáng má đi không còn tự nhiên nữa.

    Dì tư Tím mua được một căn nhà ở gần chợ, bán rẻ căn nhà lá cho má con tôi. Năm đó chị hai tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Thương má cực nhọc, chị định bỏ học đi làm thuê. Má cương quyết không cho. Chưa bao giờ má cương quyết như vậy. Thắp nén nhang trên bàn thờ ba, má khấn (cốt cho chị hai nghe): “Con gái lớn của mình định bỏ học. Khi về nơi chín suối, em biết nhìn anh sao đây…”.

    Chị hai khóc, xin lỗi má rồi chấp nhận đi học. Hai năm sau tôi cũng vào đại học và cũng được má sắp soạn vali quần áo cho tôi rồi đưa đi. Mở cái vali ra nhìn mà thương má đứt ruột: ngoài quần áo, má còn bỏ vào kim chỉ, dầu gió, tem thư, bông băng thuốc đỏ, thuốc cảm… Dường như má có thể gói trọn sự thương yêu của má vào trong từng thứ một. Bốn năm, chị em tôi ra trường lênh đênh tìm việc thì cũng là lúc thằng Thành vào Đại học Luật TP.HCM và năm sau nữa là thằng Tài vào Đại học Y Cần Thơ. Làm sao đong được sự vất vả, cực nhọc của má lúc ấy. Lưng má còng đi, tóc đã lốm đốm bạc, da tay chai sần.

    Nhiều năm trôi qua má lần lượt dựng vợ gả chồng cho ba đứa con lớn. Thằng Tài vẫn ở với má và chưa có gia đình riêng. Giờ nó là bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện mà xưa má làm hộ lý. Nó tâm sự rằng hễ đi trực đêm mà nghe tiếng rao “nước sôi đây” là giật mình thảng thốt tưởng như tiếng má, nghẹn thắt cả lồng ngực. Những ngày rảnh rỗi, chị em tôi dẫn lũ con về với má cho má vui. Đám trẻ quấn quít với má không rời nửa bước. Đứa nhổ tóc sâu, đứa bóp tay, đứa bóp chân cho bà. Một lần bé Du con tôi xoa vào vết sẹo trên chân má mà nói: “Bà ngoại ơi, con bị phỏng tay có một chút đã đau ghê. Ngoại phỏng nhiều vậy chắc là khiếp lắm…” Má tôi cười: “Lâu quá, ngoại quên mất rồi”.

    Một chiều mưa tôi về thăm má, nằm bên má tâm sự chuyện chồng con. Mưa ầm ào, mưa tầm tã, tôi kêu lạnh má liền kéo mềm đắp cho tôi, tôi thì lại đắp cho má y như lúc tôi còn nhỏ ngủ chung với má vậy. Chân tôi lạnh tôi tìm hơi ấm nơi chân má. Tôi chạm vào vết sẹo trên cổ chân má, cái vết sẹo đã thành thân thuộc với tôi vậy mà tự nhiên tôi rơi nước mắt. Nghĩ lại, tôi có chồng có con, vợ chồng tôi luôn quấn quít đầm ấm… Còn má, má chỉ được hạnh phúc làm vợ trong ba năm lẻ. Trong những năm tháng dằng dặc sau này, chắc cũng có lúc má khát khao một hạnh phúc riêng tư, cũng có lúc má cô đơn, mệt mỏi mà không có ai chia sẻ. Má ơi, sự lựa chọn của má sao nghiệt ngã quá vậy!

    Đã bao lần má kể cho các con tôi nghe những câu chuyện cổ tích về công chúa, về hoàng tử, về các cô tiên xinh đẹp… Một ngày kia con tôi lớn lên, tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về “Bà Tiên” của chị em tôi, bà tiên tóc bạc, dáng đi hơi khập khiễng vì một vết sẹo dài… Truyện cổ tích má viết cho chúng tôi bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của má.
     
  15. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Tình Mẹ

    Mùa thu buồn. Trời thu lạnh. Gió thu hắt hiu thì thầm như trao gởi, nhắn nhủ những kỷ niệm ân tình giữa hai miền sống, chết. Phải chăng mùa thu về nhắc nhở ta những ân tình chưa thỏa, những mộng đời chưa tan trong cái xoay vần của nhân duyên sanh diệt.

    Nếu nơi đây, mặt trời đã không ngừng chứng kiến những cảnh dâu bể tang thương, những cảnh tương tàn tương sát, thì nơi kia, bóng đêm cũng không ngừng vây phủ những oan hồn ủy mỵ vừa kêu gào bi thương vừa lang thang thất thểu. Trong hai cõi sống và chết, sinh linh cũng chỉ là những đứa con lạc lõng giữa bụi đời tham vọng huyễn hư, hoặc cũng chỉ là những bóng ma vật vờ trong trường dạ u linh, tìm nước tĩnh bình để giải oan thoát khổ.

    Mùa thu cũng là mùa tiêu biểu cho nỗi nhớ niềm thương: ngoài trời nào cảnh sụt sùi mưa dầm tháng bảy, nào cảnh xương khô lạnh ngắt heo may, nào cảnh lá vàng lìa cành xa cội, nào cảnh mưa sa lác đác mộ phần, tất cả ngoại cảnh nầy đều khiến nội tâm nhói đau nỗi niềm hoài cảm, nhất là những u hồn bên kia thế giới. Và mùa thu về cũng báo hiệu mùa Vu Lan báo hiếu: mùa của mẹ, mùa của cha, mùa của Tổ tiên gia tộc, mùa mà những đóa hoa hồng đỏ thắm nở trên áo của những ai may mắn còn mẹ, và những đóa hoa hồng trắng nhạt sẽ nở trên áo của những ai bất hạnh sớm mất mẹ hiền.

    Nói đến tình mẹ thì quả thật trên quả đất nầy không có thứ tình nào đậm đà lai láng, thiêng liêng và bất diệt như tình mẹ.

    Tình mẹ không chỉ ngọt ngào như dòng suối mà là những dòng máu đỏ khởi nguồn từ tim và reo chảy về tim; không chỉ là bầu trời trong sáng chiếu ánh trăng sao, mà là những tế bào mạch huyệt đang lưu lộ căng đầy và vận hành trong toàn thân; không chỉ là một kho tàng vô tận để cung cấp cho sự sinh tồn vạn loại.

    Trên thế gian nầy có nhiều kỳ quan nhưng trái tim của mẹ mới thật là đệ nhất kỳ quan. Vì trái tim của mẹ là một thứ kỳ quan sống động linh hoạt. Trong khi các kỳ quan khác đều chết đứng bất động. Đối với kỳ quan nầy chúng ta không cần phải phí công tốn của để tìm kiếm quan chiêm, vì chính kỳ quan tuyệt bích ấy đã ở trong ta từ lúc mới tượng hình, và theo năm tháng kỳ quan nầy lại càng trở nên kỳ ảo, vĩ đại, vô tiền khoáng hậu.
     
  16. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Chuyện về mẹ
    (ST)

    Người mẹ trẻ bước chân trên con đường đời. “Đường có dài không? – người tự hỏi. Thiên chức của người mách bảo rằng: "Phải, và đường cũng sẽ khó khăn. Và bạn sẽ già nua trước khi đi đến cùng. Nhưng cuối con đường sẽ luôn tốt đẹp hơn điểm khởi đầu gian nan”

    Nhưng người mẹ trẻ đang rất hạnh phúc. Đến nỗi không tin là có gì còn tốt hơn thế trong những năm tháng tới. Người chơi với con trẻ, đem cho con hoa và quà, tắm cho con trong dòng suối mát trong, và mặt trời chiếu sáng lên chúng, và người mẹ trẻ muốn hét lên rằng, “Không có gì đáng yêu hơn thế!”.
    Và đêm xuống, và bão đến, đường tối tăm, con cái của người run lên bần bật vì sợ và lạnh, và người mẹ kéo chúng đến gần mình hơn, ôm lấy chúng và đắp cho chúng những gì Người có được, và con cái của người nói: “mẹ à, con không sợ nữa, có mẹ ở đây thì không điều gì xấu có thể đến gần”.
    Và buổi sáng đến, thấy rõ ngọn đồi trước mặt. Đám con của người leo lên đó và thấm mệt. người mẹ cũng thấm mệt. Nhưng lúc nào người mẹ cũng nói: “Thêm chút kiên nhẫn nữa đi con, mình sắp đến rồi”. Vậy là đám trẻ tiếp tục leo, và khi lên đến đỉnh, chúng nói: “Mẹ, chúng con đã không thể làm được nếu không có mẹ” . Còn người mẹ, khi nằm trong đêm, nhìn lên những vì sao và nói: “Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, con cái ta học được chịu đựng khi đương đầu với gian khổ. Hôm qua ta cho con sự can đảm. Hôm nay ta cho chúng sức mạnh”.

    Và ngày đi qua, tuần đi qua và tháng và năm, và người mẹ trở nên già nua...Người nhỏ lại và lưng còng. Nhưng con cái của Người thì cao to, khoẻ mạnh và đi vững vàng đầy dũng khí. Và khi đường đời chông gai, chúng tìm đến người, xem người sáng như lông vũ của loài chim quý, và sau cùng, chúng có thể lên đến ngoại đồi, trên đỉnh đồi nhìn ra trước mặt là một con đường sáng chói với những cổng vàng rộng mở.

    Và người mẹ nói: “Ta đã đi đến cuối cuộc hành trình. Và bây giờ ta mới biết tại sao ở cuối đường luôn luôn đẹp hơn lúc khởi hành, vì con cái ta đã có thể tự đi một mình, và con cái chúng theo sau”. Và đám trẻ thì nói: “Mẹ sẽ luôn đi cạnh chúng con, mẹ ạ, ngay cả khi mẹ đã đi đến thiên đàng!”.

    Và chúng đứng dậy tiễn người mẹ đi một mình, những cánh cửa đóng lại sau lưng. Và chúng nói: “Chúng ta không còn nhìn thấy người được nữa, nhưng người vẫn sẽ luôn quanh đây. Người có ý nghĩa nhiều hơn ký ức. Người là quà tặng của cuộc đời”.

    THỤY KHANH (dịch theo new-life.net)
     
  17. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    CANH RAU MỒNG TƠI

    Tác giả: Đoàn Xuân

    Có lẽ với ai đó khi nghĩ về mẹ, về những món ăn mẹ nấu sẽ nhớ nhiều đến thứ ngon vật lạ, còn tôi đơn giản chỉ là món canh rau mồng tơi thuở ấy.

    Ngày đó bố mất, mẹ một mình nuôi ba anh em ăn học, bữa cơm của mấy mẹ con chẳng bao giờ có đủ thịt cá. Cơm dọn ra chỉ bát nước mắm, vài quả cà với nồi canh rau mồng tơi, gần như là ngày nào cũng vậy. Rau mẹ hái ở ngoài vườn rửa sạch, nước đổ vào nồi nổi lửa, đợi sôi lên thì thả rau, thêm ít muối trắng, bắc xuống thế là thành canh.

    Bữa nào mẹ đi chợ mua ít thịt bỏ vào nồi canh trở nên ngọt lạ, hôm đó tôi ăn nhiều hơn, đưa bát liên tục. Mẹ bảo: “Nấu canh có thịt dễ ăn hơn phải không con?”. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Thế là từ bữa đó nồi canh rau mồng tơi thay vì chỉ có nước lã đã có thêm thịt. Tôi lớn dần bên mẹ cùng với món sở trường là canh rau mồng tơi, ăn hoài thành nghiền. Mà lạ một nỗi vườn nhà tôi trồng rau gì cũng không thể phát triển được trừ rau này.

    Ngày tôi vào đại học mẹ cũng ăn mừng bằng nồi canh rau mồng tơi, nhưng lần này là nấu bằng nước luộc gà. Trước hôm tôi đi mẹ dặn đủ điều sợ con điều gì cũng không biết. Lúc mẹ tiễn ra xe, tôi chẳng dám ngoái lại nhìn nhưng qua gương chiếu hậu tôi thấy mẹ khóc. Hình ảnh mẹ gầy ốm, đứng lẻ loi cuối con đường cứ bám riết lấy tôi suốt chặng đường dài...

    Vào Sài Gòn chỉ có một mình, lạ lẫm và cô đơn tôi nhớ mẹ vô cùng. Bữa cơm đầu ăn ở quán theo thói quen gọi canh rau mồng tơi, nhưng người ta không bán, thế là tôi nhịn đói luôn. Lúc ấy tôi ước gì mình có đôi cánh bay về với mẹ để lại được ăn với mẹ bữa cơm chiều, được húp bát canh rau mồng tơi, được ngủ chung với mẹ và để lại được rúc mặt vào bộ ngực không còn căng đầy của mẹ mà say nồng tới sáng.

    Thời gian trôi nhanh quá! Giờ ngồi nhớ lại tất cả tôi không nghĩ gia đình mình đã trải qua những tháng ngày vất vả như thế. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi lúc này là hằng ngày đi làm về nhìn thấy mẹ, cất tiếng gọi "mẹ ơi" và để tôi có thời gian bù đắp vào khoảng thời gian trước đó - khoảng thời gian mà tôi biết mẹ đã thắt lưng buộc bụng nuôi các con thành người.
     
  18. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    BÓNG MẸ​

    Con nhổ thêm cho mẹ mấy sợi tóc bạc nữa thôi vì nó ngứa quá”! “Con mới nhổ cho mẹ tuần trước mà, sao tóc mẹ nhanh bạc thế, con nhổ mỏi hết cả tay rồi”... Bọn con càng lớn lên mẹ càng gầy yếu, tóc càng thêm sợi bạc, vậy mà hồi đó, mỗi lần mẹ nhờ nhổ mấy sợi tóc bạc con lại than mỏi.

    Chiều nay cơn mưa lại rả rích, Sài Gòn nhộn nhịp là thế nhưng mỗi lần mưa con lại cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Chắc giờ này ở quê một mình mẹ thui thủi trong căn nhà gỗ. Mỗi lần mưa nước tràn vào nhà, mẹ lại nhẫn nại lấy thau tát nước. Mấy lần anh hai bảo mẹ nâng nền nhà lên cho nước khỏi tràn vào nhưng mẹ nói chờ con Út ra trường rồi tính .

    Con vào Sài Gòn học. Mẹ vẫn cặm cụi phơi bắp dưới cái nắng khắc nghiệt của miền Trung, nhưng chưa một lần than thở khi con gọi điện bảo mẹ gửi tiền cho con.

    Đã hai mùa phượng nở mà con vẫn chưa về thăm mẹ, chị hai đi lấy chồng, anh hai đi tàu ngoài biển không biết khi nào mới về.

    Giờ này lại một mình mẹ bên mâm cơm chiều. Bạn con gọi điện nói mỗi lần nó đến chơi, nhìn mẹ một mình bên mâm cơm vẫn để bốn cái chén như thuở tụi con còn ở nhà mà nó rơi nước mắt.

    Sáng nay con nghe bài hát Mừng tuổi mẹ con đã khóc, con thấy sợ! Một nỗi sợ mơ hồ mà con không thể gọi thành tên. Và con ước giờ này có mẹ bên cạnh để sà vào lòng mẹ như ngày còn bé.

    Hè này, con đã đặt vé tàu về quê. Con sẽ nhổ tóc sâu cho mẹ thật nhiều và con chỉ muốn nói “con yêu mẹ”. Chỉ có ba từ thôi mà sao khó thốt lên lời, nhưng lần này con sẽ không đánh mất thời gian để sau này chỉ còn tiếc nuối… Đợi con về mẹ nhé!
     
    Sửa lần cuối: 31/1/2009
  19. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    ĐƠN GIẢN "HÃY GỌI NGƯỜI LÀ MẸ"
    (st)​

    Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:

    - Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?

    Thượng Đế đáp:

    - Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.

    Đứa bé lại nài nì:

    - Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?

    Thượng Đế đáp:

    - Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

    Đứa bé lại hỏi:

    - Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

    Thượng Đế trả lời:

    - Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

    - Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?

    - Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.

    - Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.

    - Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.

    Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

    - Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

    - Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".
     
  20. hoangconghieu

    hoangconghieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    27/12/2008
    Bài viết:
    1,314
    Đã được thích:
    1,131
    Điểm thành tích:
    773
    Cuộc đời và tô hủ tiếu
    (st)​

    Mẹ đã đau lòng đến thế nào khi sinh ra gã, mẹ cũng đã khóc quá trời khi từng ngày nhìn gã phải lớn khôn. Thật tâm mẹ muốn gã bé thơ mãi mãi, muốn ở mãi trong vòng tay mẹ. Mà mẹ cũng biết, ừ thì gã có lớn lên đó nhưng tâm hồn gã mãi mãi chẳng lớn lên được tí teo nào đâu.

    Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mà cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghiã sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã "giới hạn" sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!

    Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, đành hỏi mẹ chứ ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, vì hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.

    Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen.

    Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.

    Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc "hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo...". gã nghe sao hiểu vậy thôi! Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.

    Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống moị người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.

    Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:

    "Mẹ già như chuối chín cây
    Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
    Mồ côi khổ lắm ai ơi..." ​

    Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có "sự kích thích" nào đó thì ăn mới ngon. Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, "cung" và "cầu" thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.

    Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình. Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: "Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?". À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên "Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!" nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng: "Hủ tiếu là cuộc đời!".

    Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.

    o O o​

    Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.

    Được hết mình chạy tới ngày mai là sung sướng biết bao nhiêu vậy mà mấy ai trong chúng ta có thể làm được…
     

Chia sẻ trang này