Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi PhuongLinhNguyen, 24/10/2011.

Tags:
  1. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Mẹ nó có thể mua sách thì đầy đủ và đọc dễ hơn
     
    Đang tải...


  2. hoa_anhdao2012

    hoa_anhdao2012 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    9/7/2012
    Bài viết:
    8
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Thế thì còn gì hơn nữa, thanks mẹ nó nhé
     
  3. Shophangkygui

    Shophangkygui Banned

    Tham gia:
    4/8/2012
    Bài viết:
    22
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Cần học hỏi để dậy bảo con được tốt hơn, mình lại có tận 2 cháu nhỏ nên rất lo không dậy được cháu thì buồn lắm.
    Chắc phải tìm mua những cuốn sách nội dung nhw này thôi "Cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” là một cuốn sổ tay về cách nuôi dạy con của nhà giáo, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi.
     
  4. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    "Không quản" là biện pháp "quản" tốt nhất


    Một hôm, một người bạn đến gặp tôi để hỏi tôi mấy vấn đề liên quan đến cô bạn đồng nghiệp của chị.
    Cô bạn đồng nghiệp này cũng là một người bạn rất thân của chị bạn tôi, gặp khó khăn trong chuyện giáo dục con, vô cùng khổ tâm. Đồng thời, bản thân chị bạn tôi cũng gặp những nỗi phiền muộn tương tự, muốn gặp tôi để nói chuyện về vấn đề giáo dục con. Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ cô bạn đồng nghiệp của chị bạn tôi.
    Cô bạn đồng nghiệp này của chị tốt nghiệp ở một trường đại học nổi tiếng, giỏi giang trong công việc, người cũng xinh đẹp, mọi việc đối nhân xử thế đều rất ổn, gần như là một người mười phân vẹn mười, chính vì thế cũng là người theo chủ nghĩa lý tưởng, trong tình yêu tôn thờ phương châm thà không có chứ không chịu xài tạm, mãi cho đến năm 36 tuổi mới lấy chồng. Sau khi kết hôn sinh được một cậu con trai, muộn mằn mới có con nên yêu con vô cùng. Những năm qua con của các bạn cùng học đã đi học hết cả rồi, thậm chí có cháu còn đã vào cấp hai, mọi người tụ họp thường than thở rằng tại sao dạy con lại khó như vậy. Lúc đó chị ngồi bên cạnh nghe nhưng thấy không tin, trẻ con giáo dục khó như vậy ư.
    Khi con chị còn đang nằm trong nôi, chị đã đọc thơ Đường cho bé. Chị tìm đọc rất nhiều sách về giáo dục gia đình, biết giáo dục vỡ lòng giai đoạn đầu vô cùng quan trọng. Con trẻ vừa mới học nói, hàng ngày chị đều nói chuyện với bé bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Con trai chị cũng tỏ rất rất thông minh lanh lợi, sau khi đi học trường mầm non, có một viện nghiên cứu tâm lý đến trường để thu thập số liệu, họ đã kiểm tra chỉ số IQ cho các bé, kết quả đương nhiên là phải giữ bí mật. Nhưng sau đó hiệu trưởng trường mầm non lén nói với chị rằng, con trai chị đứng đầu trường về chỉ số IQ. Chị cảm thấy mình là một bậc phụ huynh thành công, tin rằng chỉ cần mình tận tâm tận lực, chắc chắc sẽ giáo dục được một đứa con xuất sắc, thậm chí là thần đồng.
    Chị dồn hết mọi tâm huyết vào công việc giáo dục con, từ những việc lớn như phát âm thế nào mới chuẩn, đến những việc nhỏ như cầm đũa như thế nào, chơi đùa ra làm sao, đều chỉ bảo đến chốn, chỉ cần con trẻ có chỗ nào làm không đúng, chị lập tức chỉ ra ngay, đồng thời nói với con rằng nên phải làm thế nào mới đúng. Nếu một khuyết điểm con trẻ tái phạm ba lần, thì sẽ bị phê bình, phê bình ba lần trở lên, mỗi lần tái phạm sẽ đánh lên mu bàn tay con một cái. Hàng ngày con chị luôn phạm những lỗi phải đánh mu bàn tay, ví dụ làm vỡ bát, sữa uống chưa hết đã bỏ đi chơi, gặp người lớn không chào, từ mới tiếng Anh học hôm qua, hôm nay đã quên mất một nửa… Chị nói, tôi đánh mu bàn tay con một cái cũng không có gì là đau, chỉ mong thông qua sự nghiêm khắc này để con trẻ nhớ lâu, chị tự tin rằng dưới những yêu cầu như thế này con chị sẽ ngày càng hoàn hảo.
    Chị bạn tôi nói, chị đã mấy lần đến chơi nhà người bạn này, phát hiện thấy chị ấy thực sự hết lòng với con. Mặc dù đang ngồi nói chuyện với bạn, nhưng có cảm giác là đầu óc chị không rời cậu bé, liên tục nói với con một câu gì đó, ví dụ “đến giờ làm bài tập rồi”, “chưa lau sạch nước trên tay, lau lại đi”, “con đừng đi đôi giày đó, đôi này hợp với bộ quần áo của con hơn…”
    Chị bạn tôi than thở rằng, người mẹ đã hết lòng tới mức độ này rồi, nhưng không hiểu tại sao con chị càng ngày càng kém, hồi mới vào cấp một, là một trong ba học sinh đứng đầu lớp, đến khi hết lớp 6, tốt nghiệp cấp 1 , đứng đội sổ thứ ba từ dưới lên. Hiện giờ em này đã vào cấp hai, mọi phương diện vẫn không có gì khởi sắc, kể cả từ nhỏ đã học tiếng Anh, thành tích học tập cũng rất kém, tóm lại là không có dấu hiệu gì chứng tỏ chỉ số IQ cao. Hơn nữa cháu cũng sống rất nội tâm, vừa không chịu nghe lời, nhưng lại tỏ ra rất nhút nhát. Mẹ em thực sự không thể hiểu, mình đã dồn hết tâm huyết giáo dục con, tại sao hiện giờ lại ra nông nỗi này, chị cảm thấy số phận như đang đùa cợt với chị.
    Chị bạn hỏi tôi rằng: chị nghĩ vấn đề nằm ở đâu, phải làm gì với cậu bé này?
    Tôi nghĩ một lát rồi nói: Vấn đề vẫn nằm ở phần người mẹ. Phương pháp cải thiện rất đơn giản, nhưng tôi nghĩ rằng, chính vì đơn giản nên e rằng người mẹ này rất khó thực hiện, hoặc là chị ấy không hề muốn làm như vậy. Trước ánh mắt hồ nghi của chị bạn, tôi nói với chị rằng, vấn đề của người mẹ không chịu thua chị kém em này chính là quản con quản quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc. Phương pháp điều trị đương nhiên phải là ngược lại, tức là “không quản”.
    “Không quản?” Chị bạn tròn mắt.
    Tôi nói, có sẽ chúng ta thường xuyên sẽ phát hiện ra tình huống như thế này: những phụ huynh quản con quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc, phần lớn đều là những người rất chỉn chu trong công việc, trong cuộc sống, động cơ thành công của họ rất mạnh mẽ, khả năng tự quản của họ rất tốt, trong công việc hoặc sự nghiệp đều là những người đặt ở đâu cũng làm được tốt, đạt được những thành tựu nhất định. Cũng chính vì thế, trong việc giáo dục con trẻ, họ càng khát khao được thành công hơn, cũng rất tự tin, mang mô hình quản lý mình áp dụng vào con trẻ. Tuy nhiên, về cơ bản họ đều thất vọng.
    Chị bạn gật đầu, nói đúng vậy, đúng vậy, đúng là như vậy, nhưng tại sao lại như thế nhỉ?
    Tôi nói, ở đây có một vấn đề, trẻ em không phải là một tảng đá, những đường nét chạm khắc trên đó, không hoàn toàn là suy nghĩ của riêng người thợ. Giả dụ nếu nhất thiết phải ví cha mẹ như một nhà điêu khắc, thì những vết tích mà công việc điêu khắc, giáo dục này để lại được hình thành trên sự tác động qua lại giữa hai bên. Cha mẹ với vai trò là người thợ điêu khắc nếu không nhìn thấy sự tác động qua lại này, coi nhẹ cảm giác của con trẻ, cho rằng trong vấn đề chịu sự giáo dục, trẻ em là một tảng đá không có tính đàn hồi, điêu khắc như thế nào sẽ như thế đó, vậy thì hòn ngọc trong tay anh ta cũng sẽ biến thành một hòn đá, hoặc một đám vật liệu vụn – không nhìn thấy sự tác động qua lại này, sẽ không thể nói đến việc tôn trọng trẻ. Một biểu hiện điển hình nhất của sự không tôn trọng trẻ chính là quản thúc trẻ quá nhiều, hay cũng chính là chỉ đạo hoặc can thiệp quá nhiều, rất nhiều trình tự phát triển bình thường của trẻ bị đảo loạn.
    Chị bạn gật đầu như đang có suy nghĩ gì.
    Tôi nói tiếp, qua lời tường thuật của chị tôi có thể cảm nhận được rằng, vị phụ huynh này đúng là rất tậm tâm, nhưng thực tế là yếu tố giáo dục trong hành vi của chị ấy chiếm rất ít, mà phần lớn là “mệnh lệnh” và “giám sát”. Mệnh lệnh và giám sát là giáo dục ư? Không phải! Nếu giáo dục mà đơn giản như vậy, vị phụ huynh nào cũng có thể thỏa lòng ước nguyện, thế giới đã không còn những lời than thở rằng con không thành tài nữa. Thành phần chủ yếu của mệnh lệnh và giám sát là quản thúc, kiểm soát. Hiện nay về cơ bản mỗi gia đình chỉ có một đứa con, phụ huynh có rất nhiều thời gian và công sức để quản lý con trẻ. Và người ta càng ngày càng nhận thức được rằng sự khác biệt trong giáo dục trẻ em chủ yếu được thể hiện trong giáo dục gia đình, chính vì vậy mỗi bậc cha làm mẹ thời gian đầu đều tập trung hết mọi sức lực, muốn giáo dục tốt đứa con của mình. Tuy nhiên giáo dục trẻ em quan trọng nhất là vấn đề nghệ thuật, chứ không phải là vấn đề bỏ ra bao công sức, vất vả hay không vất vả. Chỉ có những người chú trọng nghệ thuật giáo dục mới có thể giáo dục tốt con trẻ. Nếu chăm chỉ một cách bừa bãi, áp dụng một cách không khoa học, sẽ chỉ khiến sự việc càng làm càng hỏng – điều này có thể giải thích tại sao cậu con của cô bạn đồng nghiệp của chị càng ngày càng đi xuống.
    Tiếp đó tôi phân tích rằng, thực ra trước mặt con trẻ, người mẹ này luôn đóng vai trò của một nhân vật quyền uy, vì chỉ có nhân vật quyền uy mới có đủ tư cách không ngừng mệnh lệnh và giám sát người khác. Trong khi xét về bản tính của con người, không ai thích suốt ngày có một nhân vật quyền uy đứng lừng lững trước mặt mình. Mọi sự phục tùng đối với quyền uy đều bao hàm sự ức chế và không vui, đều sẽ hình thành nên mối xung đột trong nội tâm – đương nhiên con trẻ sẽ không có sự nhận thức rõ ràng về vấn đề này, trẻ thường xuyên cảm thấy không thoải mái, cảm thấy làm việc gì cũng không được tự do, thường xuyên không thể làm cho người lớn hài lòng, điều này khiến trẻ cảm thấy rất bực bội. Và thế là chúng dần dần trở nên không nghe lời, không có khả năng tự kìm chế, không tự tin, ngờ nghệch và buồn khổ. Chính vì thế phụ huynh nhất thiết phải cảnh giác trước sự “thái quá bất cập” này, không nên đóng vai trò như một kẻ quyền uy trước mặt con trẻ (mặc dù xuất hiện dưới hình thức tình yêu ôn hòa). Một đứa trẻ bị kiểm soát quá nhiều, nó sẽ dần dần từ một “tay sai” nằm dưới bàn tay quyền uy của phụ huynh biến thành một “kẻ nô lệ” với nhiều thói xấu; Thói xấu của trẻ chính là xiềng xích trói buộc trẻ, khiến trẻ đau khổ. Không phải trong lòng trẻ không muốn thoát khỏi sự trói buộc này, mà là do trẻ không có đủ khả năng để thoát khỏi. Không phải người lớn chúng ta cũng thường xuyên có cảm giác này đó sao?
    Chị bạn nói, đúng vậy, nghe em phân tích như vậy, cảm thấy đúng là như thế. Xem ra từ sau phải quản con trẻ ít đi thôi.
    Tôi gật đầu nói đúng là phải như vậy, chính vì thế, chúng ta có thể tổng kết những suy nghĩ ở trên thành một câu nói: “không quản” là biện pháp “quản” tốt nhất.
    Chị bạn tôi cười, nói câu này tổng kết hay quá, đồng thời nói mình phải ghi nhớ câu này trong giáo dục con trẻ, và chị cũng sẽ nói để cô bạn đồng nghiệp đó ghi nhớ điều này. Tôi nói, chị có thể phân tích cho cô bạn nghe câu nói này, nhưng không nên kỳ vọng chắc chắn cô ấy sẽ tiếp nhận. Tôi đã từng nói với không ít phụ huynh, không hiểu tại sao, một số phụ huynh vừa nghe đến từ “không quản” liền tỏ ra phản cảm.
    Thấy chị bạn có vẻ kinh ngạc, tôi liền kể cho chị nghe câu chuyện dưới đây.
    Mấy hôm trước tôi gặp một ông bố giáo huấn cậu con trai của mình rằng, hồi nhỏ nhà ông bà nội đông con, ông bà lại bận, có ai quản ba đâu, ba được như ngày hôm nay, không phải dựa vào tính tự giác của mình đó sao. Ba và mẹ con quan tâm đến như vậy, hàng ngày bỏ ra bao nhiêu thời gian kèm con học hành, nhưng con lại không hề cố gắng, tại sao con lại thiếu tự giác như thế?
    Vì tôi và vị phụ huynh này biết nhau khá rõ, nên tôi nói thẳng với anh rằng: anh nói đúng, chính vì hồi nhỏ không có ai quản anh, nên anh mới học được tính tự giác; Con trai anh không tự giác, chính là do cháu bị quản một cách thái quá. Những việc mà đáng lẽ cháu phải nghĩ, thì đều có cha mẹ nghĩ thay rồi; Những điều mà cháu cần phải tự mình cảm nhận, thì đã có cha mẹ nhắc nhở cho rồi, việc gì cháu còn phải tự mình để ý những chuyện này nữa, cháu làm gì có cơ hội để học cách tự quản lý mình nữa? Người cha này không hài lòng với câu nói của tôi, bèn phản bác “nếu nói như chị, không quản con trẻ, là có thể làm tròn bổn phận của người làm cha làm mẹ ư, sự hết lòng của chúng tôi là sai ư?!” Vì chuyện này mà một thời gian dài anh không thèm chuyện trò gì với tôi.
    Phản ứng của người cha này không có gì là bất ngờ. Tôi đã gặp không ít bậc phụ huynh quản thúc con quá nhiều, luôn muốn thuyết phục họ cho con một ít không gian và thời gian tự do, để cho trẻ có cơ hội phạm một số sai lầm, liền đề nghị họ từ sau quản ít con trẻ thôi – đây là con đường ắt phải kinh qua để có thể giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên lời đề nghị của tôi phần lớn vấp phải những lời chất vấn của phụ huynh. Trong mắt họ, để phụ huynh “không quản” con trẻ đồng nghĩa với việc bắt họ từ bỏ quyền nuôi dưỡng con, họ cảm thấy rất chói tai và phản cảm. Thực tế là họ không muốn đi lý giải cái “không quản” mà tôi nói ở đây là gì – nó không phải là bỏ bớt trách nhiệm của cha mẹ, mà là một phương thức giải quyết vấn đề, là một phương thức tư duy tôn trọng con trẻ đòi hỏi phụ huynh phải tạo dựng trong lòng.
    Chị bạn tôi gật đầu, phụ huynh luôn yêu cầu con trẻ phải sửa khuyết điểm này khuyết điểm nọ; Nhưng đối với những khuyết điểm mà người khác chỉ ra cho họ, họ lại không chịu chấp nhận, trong lòng không chịu thừa nhận mình có khuyết điểm này. Tôi cũng gật đầu, đây chính là điều vì sao làm công tác tư tưởng cho phụ huynh vô cùng khó, cũng là nguyên nhân căn bản khiến rất nhiều vấn đề ở trẻ khó được giải quyết.
    Chúng tôi trầm ngâm trong giây lát, chị bạn nói, những điều em nói chị đã hiểu hết rồi. Tuy nhiên, chị có một vấn đề cụ thể. Giả dụ con trẻ chuẩn bị thi đến nơi rồi, ví dụ sắp thi vào cấp ba hoặc thi đại học, mà con vẫn không chịu học, hoặc là chuẩn bị phải thi hết học trình môn đàn piano rồi, mà con vẫn không chịu tập trung luyện đàn, thế thì phụ huynh nên làm thế nào, lẽ nào cũng không nói gì ư?
    Tôi nói, đối với một đứa trẻ, sắp có kỳ thi quan trọng đến nơi rồi mà vẫn không chăm chỉ học tập, đây thực sự là một vấn đề khá nghiêm trọng. Nhưng sự “không tự giác” này chỉ là hiện tượng bên ngoài, đằng sau phản ánh một loạt vấn đề, ví dụ không đủ lí trí, chán ghét, khả năng tự kiểm soát kém, giá trị quan không chín chắn, thiếu lòng tự trọng, tự ti… Nói thật là hàng loạt vấn đề này có mối quan hệ nhân quả nhất định với cách quản lý không phù hợp của phụ huynh từ lâu nay. Nếu cha mẹ muốn quản, thì nhất thiết phải thay đổi phương pháp, dùng phương pháp trước đây chắc chắn là không ổn, bởi tình trạng hiện nay của trẻ, chính là một kết quả của biện pháp “quản” mà bạn áp dụng từ lâu nay. Còn về chuyện dùng phương pháp gì để quản, tôi không thể đưa ra một biện pháp có hiệu quả ngay lập tức, chỉ có thể nói phải dựa vào tình hình cụ thể của từng đứa trẻ, bệnh nhẹ trị nhẹ, bệnh nặng trị nặng, vấn đề của trẻ càng nghiêm trọng, cha mẹ càng phải thay đổi phương pháp giáo dục một cách căn bản, càng phải có đủ độ kiên nhẫn, tìm cách bồi dưỡng ý thức tự giác của trẻ. Về điểm này, tôi vẫn muốn nêu ra kinh nghiệm của mình. Có thể sẽ là một sự gợi ý cho các bậc phụ huynh.
    Khi con gái Viên Viên của tôi vào lớp 10, nhân dịp lễ giáng sinh chúng tôi đã tặng cho cô bé một chiếc máy CD bỏ túi, ý định của chúng tôi là muốn để con nghe nhạc sau những giờ học căng thẳng. Nhưng cô bé thường xuyên vừa làm bài tập vừa nghe nhạc, cách vài ngày lại đi mua đĩa, thuộc như lòng bàn tay những ca sĩ, ca khúc nổi tiếng thời đó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, cách học như vậy chắc chắn sẽ bị phân tâm. Nếu còn đang ở giai đoạn tiểu học, cô bé làm như vậy chúng tôi cũng không sốt ruột. Nhưng giờ đã lên cấp ba, thời gian quý giá như vậy, cạnh tranh khốc liệt như vậy, chỉ cần lơ là một chút, người khác sẽ vượt lên trước mình ngay. Tôi và ông xã có phần sốt ruột, liền nhắc nhở con trong lúc học tốt nhất không nên nghe nhạc, giải thích cho con rằng, bài tập ở cấp ba và ở cấp một không giống nhau, không phải là để hoàn thành, mà là để suy nghĩ và lý giải vấn đề trong quá trình làm.
    Lần đầu chúng tôi nói, Viên Viên đáp rằng con biết rồi, đồng thời nói cô bé cảm thấy không ảnh hưởng đến việc học. Mấy ngày sau, chúng tôi nhìn thấy con gái ngày ngày vẫn vừa đeo tai nghe vừa làm bài tập, không kìm được, lại nhắc con. Lần này cô bé tỏ ra hơi bực, trách chúng tôi nói nhiều, nói cô tự biết như thế nào mới là tốt, bảo chúng tôi đừng quản cô bé nữa.
    Một thời gian rất dài sau đó, mặc dù miệng chúng tôi không nói gì, nhưng trong lòng vẫn vô cùng sốt ruột. Không chỉ mỗi chuyện nghe nhạc, chủ yếu là thái độ lơ là trong học tập mà cô bé thể hiện ra đã khiến chúng tôi lo lắng. Lúc này đây, rất nhiều lần chúng tôi cũng đã nảy ra ý định đi “quản”, nhưng cuối cùng vẫn kìm lại. Sau khi bàn bạc, tôi và ông xã quyết định, chuyện này không quản cô bé nữa, mặc kệ con.
    Chúng tôi có suy nghĩ như thế này: có lẽ là do cô bé chỉ cảm thấy mới lạ, hơn nữa hiện tại việc học chưa quá mức căn thẳng, lớp 11, 12 học hành sẽ căng thẳng hơn, đồng thời cảm giác mới lạ cũng sẽ hết, tự nhiên cô bé sẽ thấy lo lắng. Có lẽ là do cô bé bị ức chế về mặt tâm lý, muốn dùng phương pháp này để thả lỏng mình, sự lơ là mà cô bé đang thể hiện ra là một trạng thái mà cô bé buộc phải trải qua khi tự điều chỉnh mình. Có lẽ cô bé chỉ say mê âm nhạc, rất nhiều người trong độ tuổi thanh thiếu niên đều tỏ ra rất say mê một vấn đề gì đó ở một giai đoạn nào đó, nếu thô bạo ngăn chặn sẽ không tốt - với bao giả thuyết “có lẽ” này, chúng tôi phân tích rằng hành vi học tập của con người do hai hệ thống hợp thành, một hệ thống là cơ thể, một hệ thống là tâm lý. Dùng phương pháp ép buộc có thể khiến một đứa trẻ ngồi xuống trước bàn học, mắt nhìn vào sách vở, tay cầm bút – kể cả mọi bộ phận trên cơ thể em đó đã vào vị trí, nhưng không ai có thể khiến suy nghĩ của em cũng vào được vị trí. Nếu không xuất phát từ tính tự giác tự nguyện, kể cả chúng tôi có yêu cầu Viên Viên cất máy CD đi, cô bé cũng sẽ không vì thế mà chuyên tâm học hành hơn, ngược lại, đầu óc có thể càng cách xa việc học. Nếu Viên Viên nói không ảnh hưởng đến việc học đồng thời nói mình biết thế nào mới là tốt, chúng tôi phải nghe theo lời con.
    Chính vì thế, tôi và ông xã đã nhắc nhở nhau, quản chặt cái miệng của mình, không nói về chuyện này nữa. Trong quá trình này chúng tôi cảm nhận được rằng, “không nói” là một chuyện còn khó thực hiện hơn cả “nói”. Hành vi của con trẻ hàng ngày đều là sự thách thức về tâm lý đối với bạn, đây thực sự đòi hỏi phụ huynh phải có đủ lí trí và lòng nhẫn nại để giải quyết chuyện này. Đương nhiên, thời gian trôi qua, chúng tôi đã thực sự không để tâm đến nữa, quên hẳn việc quản cô bé. Không biết từ bao giờ, Viên Viên không còn nghe nhạc trong lúc học nữa, mãi cho đến khi chúng tôi phát hiện ra chiếc máy CD trên giá sách của cô bé có bám rất nhiều bụi.
    Sau khi vào đại học tôi đã hỏi Viên Viên chuyện này. Viên Viên nói vừa nghe nhạc vừa làm bài tập chắc chắn sẽ bị phân tâm, điểm này thực tế cô bé cũng rất biết, nhưng lúc đầu lại cứ thích nghe, không kiểm soát được mình. Đến năm lớp 12 học hành căng thẳng như vậy, trong lòng không muốn để việc gì ảnh hưởng đến việc học của mình nữa, khi làm bài tập đương nhiên cũng sẽ không nghe nữa. Xem ra trong lòng con trẻ cũng biết rất rõ mọi sự việc, chỉ cần trẻ có chí tiến thủ, có tinh thần trách nhiệm đối với mình, chắc chắn sẽ tự điều chỉnh mình.

    Chị bạn tôi nói: ừ, càng nghe chị càng hiểu rõ hơn rồi, đây chính là phương pháp “vô vi nhi trị” của Lão Tử.
    Tôi cười nói, cũng gần như là vậy. Thấy chị vẫn chưa tỏ ra chán, tôi liền say sưa nói tiếp, con người sinh ra không phải là để người khác đi “quản”, tự do là cái mà mỗi chúng ta ai cũng trân trọng nhất. Trẻ em càng nên phải để chúng thể hiện bản tính của mình, được trưởng thành một cách tự do, không có gì trói buộc. Trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành của chúng có một tiềm lực biểu đạt, tự mình tạo nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp, tự nhiên sẽ phát triển. Nếu phụ huynh có phương châm của người nông dân và sự quản lý phù hợp, con trẻ chắc chắn sẽ trưởng thành tốt hơn.
    Chị bạn than rằng, bình thường đến trường họp phụ huynh, hiệu trưởng hoặc các cô giáo vừa nhắc đến vấn đề của các con liền nhấn mạnh phụ huynh phải quan tâm nhiều đến con, phải bỏ ra nhiều thời gian gần gũi với con, quản lý con. Thông qua buổi nói chuyện ngày hôm nay tôi mới biết rằng, thực ra hiện nay, vấn đề của rất nhiều trẻ không phải là do cha mẹ quản ít, mà ngược lại là vì cha mẹ quản quá nhiều.
    Tôi cười nói, chị đã chạm đến điểm mấu chốt của vấn đề rồi. Phụ huynh phải nhận thức được sự bó hẹp của mình, biết rằng ở một giai đoạn phát triển và phương diện phát triển nào đó của trẻ, chị sẽ không thể làm được gì, hoặc giả nói là không cần phải làm gì cả - ở điểm này, nếu chị không sợ làm mất lòng người khác, thì chị nên về kiến nghị với người bạn đồng nghiệp của chị rằng, với tình hình như chị ấy hiện này, “không làm gì cả” mới là biện pháp tốt nhất, “không quản” chính là biện pháp quản tốt nhất.
     
    whitejar1984NMINHHCHAU thích.
  5. mehaanh0307

    mehaanh0307 Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/6/2011
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    77
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    mới đọc 1 ít mà thấy hay ghê, sách này mua ở đâu hả mẹ nó,
     
    cutyxinhxinh thích bài này.
  6. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Mẹ nó có thể mua online hoặc là đến hiệu sách mua nhé, cuốn này thực sự hay
    Mình sẽ tiếp tục post 1 số nội dung lên
     
    NMINHHCHAU thích bài này.
  7. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Tạo thói quen học tập tốt
    “Không kèm” mới rèn được thói quen tốt

    (Trích trong cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Doãn Kiến Lợi - sách do Quảng Văn phát hành)

    Thời gian cha mẹ kèm con học càng dài, vai diễn mà họ đóng càng giống với nhân viên giám sát. Và trẻ sẽ không bao giờ thích một người giám sát, cùng lắm bề ngoài chúng tỏ ra phục tùng, nhưng trong lòng lại tuyệt đối không chịu nghe lời anh ta. Chính vì thế, kèm con làm bài tập, không thể bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, mà là phá vỡ một thói quen tốt.
    Một người, trước hết phải là người tự do, mới có thể trở thành một con người tự giác.


    Kèm con học bài, hiện giờ đã trở thành “bài tập” của rất nhiều bậc phụ huynh.
    Sau khi con trẻ vào cấp một, lối sống của cả gia đình đều sẽ bị thay đổi. Cuộc sống của trẻ bắt đầu có một cái gọi là “bài tập”, dường như nó là con cờ domino đầu tiên, có thể tạo ra hàng loạt sự thay đổi sau đó – bài tập liên quan đến thành tích học tập của con, thành tích học tập liên quan đến việc chọn trường chọn lớp sau này, chọn trường chọn lớp lại quyết định đến tiền đồ sự nghiệp… Mỗi bậc phụ huynh có tinh thần trách nhiệm với con, làm sao có thể không quan tâm đến chuyện này được. Và thế là có rất nhiều bậc cha mẹ đã từ phải bỏ một số công việc của mình, ngày ngày kèm con làm bài tập, họ mong muốn lấy cái đó để bồi dưỡng cho con thói quen tốt ham học, làm bài tập nghiêm túc.
    Cách kèm con học bài của cha mẹ có phần khác nhau, có người bê một chiếc ghế con ngồi bên cạnh khi con làm bài tập, một cách “kèm” rất hình tượng; Có người thì liên tục đến bên bàn ngó nghiêng, trước hết là tìm hiểu xem con phải làm gì, sau đó được một lúc lại đến theo dõi xem con làm như thế nào, cuối cùng còn kiểm tra cẩn thận; Dù là cách kèm nào, đều là sự tham dự từ đầu đến cuối của cha mẹ trong việc học của con, quan tâm từ đầu đến cuối.
    Con trẻ có cần phải “kèm” không? Tôi cho rằng không cần.

    Khi Viên Viên mới vào lớp 1, nhà trường tổ chức buổi họp phụ huynh dành cho những phụ huynh mới có con vào lớp 1, đưa ra yêu cầu phụ huynh cần thường xuyên kèm con làm bài tập. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chỉ trong mấy ngày đầu, khi con trẻ còn đang khá lạ lẫm với cuộc sống ở trường và chuyện làm bài tập, ngồi bên cạnh con để nhắc nhở và hướng dẫn một số điều cần thiết, giúp con nhanh chóng nắm được một số kỹ năng và cách làm cơ bản. Thời gian này chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, sau đó không quản con nữa – vừa không kèm con làm bài tập, cũng không kiểm tra sát sao bài tập con làm, cùng lắm chỉ nhắc một câu: đến giờ học bài rồi đó con. Đây không phải là cha mẹ không quản, mà là để cho con hình thành nên thói quen làm bài tập tốt.
    Thời gian đầu mới đi học, Viên Viên cảm thấy rất mới lạ trước việc làm bài tập, việc đầu tiên cô bé làm sau khi về nhà là làm bài tập, vẻ hào hứng đó giống như việc vừa được mua con búp bê đầu tiên trong đời. Thời gian trôi dần, cô bé đã không còn cảm thấy mới mẻ nữa. Về đến nhà đầu tiên là ăn cái gì đó, đùa nghịch, xem ti vi, lề mề không chịu đi làm bài tập. Khi phát hiện ra đã mấy ngày rồi, chỉ khi có lời nhắc nhở của chúng tôi, Viên Viên mới chịu đi làm bài tập, chúng tôi liền quyết định từ nay trở đi ngay cả lời nhắc này cũng sẽ không nói nữa. Tôi và ba cô bé ngầm hiểu với nhau rằng, chúng tôi giả vờ hoàn toàn quên chuyện làm bài tập, chỉ bận rộn với công việc của mình, hàng ngày để mặc cô bé chơi chán rồi mới đi làm bài tập.
    Chẳng mấy chốc, Viên Viên đã làm mọi chuyện rối bung cả lên. Một hôm sau khi về nhà, Viên Viên không đả động gì đến chuyện làm bài tập. Đầu tiên là xem phim hoạt hình, ăn cơm xong lại chơi đồ chơi một lúc, rồi lại đọc sách, xem ti vi một lúc. Đến khi đánh răng rửa mặt xong, lên giường nằm chuẩn bị ngủ, mới sực nhớ ra hôm nay quên làm bài tập rồi, quýnh lên bật khóc. Thực ra tôi và ba cô bé đã sốt ruột từ lâu, nhưng chúng tôi vẫn giả vờ không để ý đến chuyện làm bài tập của con. Lúc này đây chúng tôi mới tỏ ra sốt ruột như cô bé, nói: thật à, hôm nay con chưa làm bài tập à?
    Khi nói ra câu này, chúng tôi chỉ tỏ ra hơi ngạc nhiên, không hề tỏ ý trách móc – lúc này đây tuyệt đối không được trách móc, con khóc, chứng tỏ con biết mình đã sai. Nếu cha mẹ nói với giọng tỏ ý trách móc và phê bình rằng, “sao con lại quên làm bài tập, giờ thì cuống lên rồi chứ!” Con trẻ sẽ nghe được ra ý “con thật là tệ”, “đáng đời” ẩn trong câu nói của bạn, và quên đi sự tự trách, bắt đầu chống lại lời phê bình của phụ huynh. Chúng tôi thơm lên má cô bé, nói với giọng nhẹ nhàng rằng, con gái đừng khóc nữa, ai cũng có lúc quên làm một việc gì đó. Giờ thì chúng ta phải nghĩ xem nên làm thế nào. Nghe chúng tôi nói như vậy, Viên Viên liền không khóc nữa. Ba mẹ hiểu được con như vậy, có lẽ đã đem lại được niềm an ủi lớn cho con, chính vì thế cô bé đã bình tĩnh hơn rất nhiều.
    Ba Viên Viên đã sốt ruột từ lâu, lúc này đây buột miệng nói, thế thì ngủ muộn đi một lúc, tranh thủ làm ngay đi. Tôi nhận thấy lúc đó Viên Viên đã buồn ngủ rồi, nghe thấy ba nói như vậy, cô bé có vẻ không chịu, nét mặt tỏ ra rầu rĩ.
    Phụ huynh trong lúc sốt ruột thường hay quyết định thay con trẻ, đây là điều sai lầm. Bản tính của con người là muốn làm theo những suy nghĩ của mình, bài xích mệnh lệnh của người khác. Chính vì thế trong quá trình dạy dỗ trẻ, để giúp trẻ hình thành nên ý thức tự giác, cũng là để chúng thực hiện sự quyết định của mình một cách tốt hơn, cha mẹ nên cố gắng để trẻ tự mình suy nghĩ và lựa chọn. Cho dù cùng là một sự quyết định, nếu nó không phải là mệnh lệnh từ phía cha mẹ, mà là ý nguyện của chính con trẻ, trẻ sẽ sẵn lòng thực hiện hơn.
    Tôi vội nói với Viên Viên, con muốn hôm nay làm thì hôm nay đi ngủ muộn một chút để viết; Nếu muốn sáng mai viết thì mẹ sẽ gọi con trước một tiếng đồng hồ; Nếu sáng mai vẫn không muốn viết thì ngày mai đi học gặp cô giáo vài nói rằng hôm nay con quên làm bài tập, lần này sẽ không làm nữa.
    Lúc đó Viên Viên phải đối mặt với mấy sự lựa chọn này. Cô bé nghĩ một lát, biết sự lựa chọn cuối cùng không thích hợp, lập tức liền phủ định. Tôi dám khẳng định rằng, trẻ mới đi học, nếu trước đây trẻ chưa bao giờ gặp những rắc rối trong chuyện làm bài tập ở trường mầm non, nếu lòng tự trọng của trẻ chưa từng bị tổn thương, thì trẻ sẽ không đồng ý chuyện không làm bài tập. Trong đầu mỗi đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học đều có ý thức phải có trách nhiệm với bài tập; Rồi còn lòng tự trọng và sợ bị cô giáo phê bình, những điều này sẽ khiến trẻ không tùy tiện bỏ làm bài tập.
    Lúc đó mặc dù Viên Viên rất muốn đi ngủ, nhưng có lẽ cô bé cảm thấy chưa làm xong bài tập trong lòng sẽ không yên tâm, không thoải mái, liền nói, bây giờ con sẽ làm. Chúng tôi bảo ư, thế thì bây giờ con làm đi. Cô bé liền miễn cưỡng xuống giường, lấy sách vở ra khỏi cặp, nói không muốn làm bài tập trong phòng, muốn ra phòng khách làm, có lẽ là do cảm thấy ngồi trong phòng làm bài dễ gây buồn ngủ. Tôi và ông xã cũng không nói gì thêm, chỉ tìm một chiếc ghế con cho con, để cô bé viết trên tràng kỷ, chúng tôi ai nấy tự lo việc của mình.
    Một lát sau chúng tôi cũng thấy buồn ngủ rồi, đánh răng xong xuôi, tôi bước đến ngó Viên Viên một lát. Cô bé mới làm xong bài tập ngữ văn và tiếng Anh, bài tập toán chưa làm. Tôi nói, ba mẹ đi ngủ trước đây, làm xong con về phòng ngủ nhé.
    Bình thường Viên Viên ngủ rất sớm, đều là chúng tôi đưa bé vào phòng. Lúc này đây, Viên Viên ngẩng đầu lên, nói bằng giọng ghen tị, tại sao người lớn lại không có bài tập, chỉ có trẻ con mới phải làm bài tập! Chúng tôi liền bật cười, nói thực ra ba mẹ cũng có bài tập đấy, ba phải vẽ rất nhiều bản đồ, mẹ phải viết bao nhiêu bài, đây đều là bài tập của ba mẹ, cũng buộc phải hoàn thành đúng giờ. Đồng thời nói chúng tôi không muốn không có bài tập, không có bài tập thì sẽ bị mất việc. Thực ra bản thân con trẻ cũng hiểu tại sao phải làm bài tập, thế nên không cần thiết phải giảng giải cho chúng nghe. Chúng tôi lại thơm lên má Viên Viên, vui vẻ chúc cô bé ngủ ngon như mọi bận rồi quay về phòng mình, để lại một mình cô bé ở lại phòng khách làm bài tập.
    Chúng tôi giả vờ tắt đèn, lặng lẽ lắng nghe động tĩnh của con. Viên Viên lại viết thêm khoảng mười mấy phút nữa, tự mình thu gọn sách vở rồi đi ngủ, lúc này chúng tôi mới yên tâm. Sáng hôm sau không nhắc gì đến chuyện này nữa, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
    Ở đây tôi muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh, không nên tỏ ra sửng sốt trước những lỗi nhỏ mà trẻ thỉnh thoảng mắc phải, trong lòng buộc phải kiên định một suy nghĩ: nó chỉ là một “chuyện nhỏ”, không phải là một “lỗi sai”, quá trình trưởng thành của trẻ phải trải qua những “chuyện nhỏ” này, thậm chí chúng còn quan trọng hơn cả việc làm bài tập. Chính vì thế, chỉ cần khuyến khích con trẻ sửa sai là được, không nên trách móc, cũng không nên thường xuyên nhắc lại, không nên để trẻ cảm thấy ăn năn và có tội, nếu không nó sẽ có thể cố định và trở thành một khuyết điểm khó sửa ở trẻ.
    Mấy ngày sau đó, về đến nhà là Viên Viên đã hoàn thành sớm bài tập về nhà, trong lòng chúng tôi rất mừng, nhưng cũng không biểu dương cô bé, chỉ bình thản nói với con gái rằng, hàng ngày con đều làm như thế này là một thói quen tốt, cần duy trì, ánh mắt tỏ vẻ hài lòng đối với con.
    Bản thân Viên Viên cũng cảm nhận được sự tiện lợi và niềm vui do việc hoàn thành sớm bài tập về nhà mang lại, điều này ngay cả đối với con trẻ cũng không cần phải nói nhiều. Nhưng rốt cục Viên Viên mới chỉ là một đứa trẻ, thời gian trôi dần, cô bé lại bắt đầu tỏ ra lơi lỏng trong việc làm bài tập. Khoảng mười ngày sau lần đầu tiên quên làm bài tập, Viên Viên lại một lần nữa quên làm bài.
    Hôm đó thời gian chuẩn bị đi ngủ cũng muộn hơn bình thường, cô bé sực nhớ ra chưa làm bài tập, nói hôm nay cô cho nhiều bài tập, phải mất rất nhiều thời gian để làm, nói rồi rầu rĩ muốn phát khóc. Chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp như lần trước, an ủi vài câu, rồi để cô bé ngồi trước bàn học một mình và đi ngủ.
    Có lẽ rất nhiều bậc cha mẹ khi gặp tình huống như thế này đều không nỡ lòng, cảm thấy mình ngồi cùng con, con trẻ sẽ được an ủi hơn, làm sẽ nhanh hơn. Nhưng như thế sẽ có mấy điểm bất lợi sau, một là trước mặt cha mẹ trẻ sẽ cố tình tỏ ra đau khổ, để được cha mẹ rủ lòng thương, điều này vừa ảnh hưởng đến sự chuyên tâm của trẻ khi làm bài tập, lại ảnh hưởng đến tốc độ; Hai là cha mẹ ngồi kèm con làm, sẽ khiến trẻ cảm thấy không hoàn thành bài tập về nhà ít nhất không phải là chuyện cá nhân của chúng, là chuyện chung của trẻ và cha mẹ, thời gian trôi qua, dễ khiến trẻ hình thành lên tính ỷ lại vào cha mẹ, điều này đặc biệt không có lợi cho sự hình thành ý thức trách nhiệm ở trẻ; Ba là cha mẹ ngồi bên thường không kìm được mà càu nhàu vài câu tỏ vẻ không hài lòng, “mau viết đi, ai bảo con lại quên làm bài tập”, hoặc nhắc nhở với ý tốt “từ nay trở đi về đế nhà nhớ làm bài tập, đừng quên nữa nhé”, hoặc là nhìn thấy con bắt đầu tỏ ra lề mề, liền đốc thúc “làm mau lên đi, con có biết bây giờ là mấy giờ rồi không”. Tất cả những câu nói này đối với trẻ trong lúc đó đều không có ý nghĩa gì, mà còn khiến trẻ thêm bực mình. Chính vì thế kể cả khi bạn có thời gian, cũng không nên ngồi kèm con, kể cả lúc đó bạn chưa muốn đi ngủ, cũng vẫn phải giả vờ lên giường ngủ, thái độ bình thản như không có chuyện gì xảy ra, tuyệt đối không nên chỉ trích con trẻ.
    Có thể có bậc phụ huynh sẽ nói, tôi không bình tĩnh được như chị, vừa nhìn thấy con chưa làm bài tập, máu nóng đã bốc lên đầu. Vậy thì, tôi muốn nói rằng, nếu phụ huynh không suy nghĩ một cách chân thành trong vấn đề đối xử với con trẻ, không xử lý một cách lý trí, chỉ làm việc theo bản tính, vừa gặp chuyện gì đã sốt ruột, hễ sốt ruột lại nổi cáu, điều này chỉ có thể nói bạn là một bậc phụ huynh thích sao làm vậy. Một người cha, người mẹ thích sao làm vậy, làm sao có thể không đào tạo ra một đứa trẻ cũng thích sao làm vậy?
    Hôm đó quả thực là Viên Viên làm bài tập khá muộn, chúng tôi vẫn dỏng tai lắng nghe động tĩnh của cô bé, đến lúc cô bé lên giường đi ngủ đã là gần mười hai giờ. Trong lòng tôi rất xót con vì con ngủ muộn như vậy, sáng mai lại phải dậy sớm. Nhưng đây cũng là “bài tập” mà cô bé cần phải được trải nghiệm trong quá trình trưởng thành, chắc chắn qua đó cô bé cũng học được một số điều. Chúng tôi không cảm thấy rằng con gái quên làm bài tập là một chuyện xấu, mà lại cảm thấy nó là một cơ hội giáo dục, có thể thúc đẩy hình thành nên ý thức tự giác và bồi dưỡng thói quen học hành cho Viên Viên.
    Thực ra, theo như những gì chúng tôi nhớ, kể từ lần đó trở đi, Viên Viên không còn để xảy ra chuyện trước giờ đi ngủ mới nhớ ra quên làm bài tập nữa. Cô bé đã nhanh chóng học được cách sắp xếp thời gian, có lúc ở trường đã tranh thủ được thời gian hoàn thành được không ít bài tập, về nhà thông thường cũng làm rất nhanh.
    Cha mẹ cần ghi nhớ một điều: trong quá trình bồi dưỡng thói quen, nếu luôn tạo được tính chủ động cho trẻ và khiến trẻ cảm nhận được sự thành công, thì trẻ sẽ nhanh chóng hình thành được thói quen tốt trên phương diện này; Nếu thường xuyên khiến trẻ cảm thấy không tự do và áy náy, trẻ sẽ hình thành nên thói quen xấu.
    Con trẻ mới chỉ là trẻ con, chuyện gì làm chưa tốt, chỉ để trẻ cảm nhận được sự bất tiện do điều đó gây lên cũng đã là đủ rồi. Mỗi khi mắc lỗi, trẻ cảm nhận được sự bất tiện hoặc tổn thất do lỗi lầm này gây nên, sau đó mới nảy sinh nhu cầu điều chỉnh tương ứng, giống như khát nước sẽ uống nước vậy. Mỗi đứa trẻ bình thường đều có nhu cầu điều chỉnh này. Cha mẹ không nên tức giận, không nên chỉ đạo quá đà, con trẻ mới có cơ hội chủ động điều chỉnh. Nếu trẻ vừa làm sai, cha mẹ liền phê bình một thôi một hồi, yêu cầu trẻ phải hứa hẹn, hoặc cha mẹ trực tiếp đưa ra phương án giải quyết, thì trẻ sẽ mất đi cơ hội chủ động điều chỉnh, khả năng điều tiết này cũng sẽ dần dần mất đi. Có thể nói, “phương pháp hiệu quả nhất” khiến trẻ không thể hình thành được thói quen tốt chính là: mệnh lệnh, càu nhàu và chỉ trích. Chính vì thế khi cha mẹ trách cứ một thói quen xấu nào đó của con, trước hết cần phải kiểm điểm lại phương pháp giáo dục của mình.
    Mọi thói quen xấu khó sửa của trẻ gần như đều được hình thành do vấn đề nhỏ không được gợi ý, giải quyết hợp lý, xung đột hoặc va chạm lâu dài với phụ huynh hoặc giáo viên. Kèm con làm bài tập chính là cách làm đặc biệt dễ khiến trẻ hình thành nên một thói quen xấu.
    Mục đích kèm con làm bài tập là mong muốn hai điều – năng suất cao, chất lượng cao. Chính vì thế vừa nhìn thấy còn trẻ lề mề hoặc không nghiêm túc, liền nói với trẻ rằng phải tranh thủ thời gian, phải chăm chú làm. Ngày ngày kèm con học, những câu nói này gần như ngày nào cũng nói, vì gần như mọi đứa trẻ đều không thể ngồi yên một chỗ một hồi lầu, hầu hết cũng không thể làm bài tập thật trơn tru. Lúc đầu trẻ còn để ý đến lời của cha mẹ, thời gian dài sẽ không để tâm nữa, điều này khiến phụ huynh tỏ ra bực bội khi nói, trẻ liền bắt đầu tỏ ra chống lại cha mẹ, và thế là sự việc bắt đầu rơi vào vòng tuần hoàn xấu.
    Bản tính của con người là theo đuổi sự tự do, bất kỳ công việc nào mà trẻ thích làm, khi nó biến thành một công việc bị giám sát để hoàn thành, khiến người ta cảm thấy không tự do, niềm hứng thú ẩn chứa trong đó sẽ hoàn toàn không còn nữa. Thời gian cha mẹ kèm con học càng dài, vai diễn mà họ đóng càng giống với giám sát viên. Và trẻ sẽ không bao giờ thích một giám sát viên, cùng lắm bề ngoài chúng tỏ ra phục tùng, nhưng trong lòng lại tuyệt đối không chịu nghe lời anh ta. Chính vì thế, kèm con làm bài tập, không thể bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, mà là phá vỡ một thói quen tốt.
    Chúng ta nhất thiết phải hiểu thế nào là một thói quen tốt.
    Ngồi trước bàn học đúng giờ không đồng nghĩa với việc có được thói quen học đúng giờ. “Tầm quan trọng của thói quen không chỉ dừng lại ở phương diện chấp hành thói quen và động tác, thói quen còn chỉ khuynh hướng bồi dưỡng lý trí và tình cảm, cũng như tăng thêm sự thoải mái, kinh tế và năng suất cho động tác” . Thói quen mà việc “kèm” tạo ra, chỉ là về mặt động tác; “Không kèm” mới tạo ra không gian để thói quen lớn lên trong nội tâm của trẻ. “Kèm” không phải là giúp trẻ, mà là gây rắc rối cho trẻ.
    Rất nhiều tờ báo, giáo viên, hoặc “chuyên gia giáo dục” đều kiến nghị hàng ngày phụ huynh nên kèm con làm bài tập, không biết tại sao họ lại nghĩ ra cách nói này. Một người, trước hết phải là người tự do, mới có thể trở thành một con người tự giác.
    Tôi đã từng gặp rất nhiều đứa trẻ xem ra thực sự cần có người kèm học, không có người ngồi kèm không thể ngồi yên một chỗ, thậm chí là con trẻ tự mình đưa ra yêu cầu, mong cha mẹ kèm làm bài tập – nhưng sự việc này không thể nhìn nhận một cách cô lập. Cần có cha mẹ kèm học, đây chắc chắn không phải là một nhu cầu bẩm sinh của trẻ, cũng không phải là một nhu cầu bình thường, đây chỉ có thể nói là trẻ đã hình thành nên một thói quen xấu. Trong quá trình học tập, trưởng thành, trẻ đã gặp phải hàng loạt những vấp váp, trắc trở, đã khiến trẻ không thể quản lý mình, tạo nên sự bất lực và nỗi lẻ loi trong nội tâm trẻ. Trẻ không tự tin vào khả năng tự quản lý của mình, đành phải cầu cứu sự giúp đỡ từ phía ngoài để kiểm soát bản thân. Trên thực tế, trong nội tâm trẻ phản đối sự “kèm cặp” này, chính vì thế kể cả có cha mẹ ngồi bên, trẻ cũng không thể tập trung vào việc học.
    Trong tình huống này, cha mẹ có thể kèm trẻ một thời gian, nhưng nhất thiết phải nghĩ cách để rút lui. Không rút lui, tính độc lập của trẻ sẽ không thể tạo thành, vậy thì trẻ sẽ ngày càng đau khổ, ngày càng không tự giác, hiệu quả của việc “kèm” cũng càng ngày càng thấp. Đồng thời cha mẹ nhất thiết phải kiểm điểm lại xem trong thời gian qua có sai sót gì trong việc giáo dục trẻ, sự kiểm điểm này cũng sẽ quyết định đến việc bạn rút lui như thế nào, quyết định sự giúp đỡ của bạn có tạo được tác dụng tốt cho trẻ hay không.
    Nguyên tắc rút lui: Thứ nhất cần phải kiên nhẫn, không nên sốt ruột; Thứ hai trong cả quá trình cần cố gắng tạo dựng niềm vui và cảm giác thành công cho trẻ, cho dù lúc đầu trẻ làm không được tốt, tuyệt đối không nên để trẻ cảm thấy áy náy và thất bại. Trước khi bạn rút lui phải để cho trẻ học được cách tự mình đứng dậy, nếu không trẻ sẽ ngã xuống một lần nữa, đồng thời ngã sẽ thảm hại hơn.
    Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky cho rằng, nếu một người trong thời kỳ niên thiếu đã được trải nghiệm sự thoả mãn do khắc phục được những nhược điểm của mình thì anh ta sẽ biết nhìn nhận mình bằng thái độ phê phán. Chính từ điểm này, đã bắt đầu sự tự nhận thức của một con người. Không có sự tự nhận thức, vừa không thể có sự tự giáo dục, cũng không thể có sự tự giữ kỷ luật. Một người nhỏ tuổi, bất luận anh ta ghi nhớ được câu nói “lười biếng là không tốt” đến đâu, hiểu thấu đáo đến đâu, nhưng nếu tình cảm này không thúc ép anh ta kiểm soát được mình trong hành động thực tế, thì anh ta mãi mãi sẽ không thể trở thành một người có ý chí kiên cường . Nếu nhược điểm của trẻ nếu luôn phải thông qua sự thao túng của người lớn để khắc phục, thì cái gọi là “khắc phục” chính là cái hư ảo không tồn tại, chỉ có thể gọi là khuất phục. Khuất phục sẽ không trở thành một phần của sự tự chấp nhận mình, chỉ cần có cơ hội, trẻ sẽ không muốn khuất phục nữa, sẽ thoát ra khỏi sự trói buộc.

    Kèm trẻ làm bài tập còn có một cái xấu là, một số cha mẹ vì kèm con học mà phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức, liền nảy sinh tâm lý đòi nợ, khi thành tích học tập của trẻ không tốt hoặc trẻ có thói quen không tốt, họ sẽ nói: mẹ phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để kèm con học, thế mà con lại học hành như vậy! Những câu nói như vậy càng khiến trẻ mất đi lòng tin tự quản lý mình, đồng thời cũng cảm thấy có tội, điều này không có lợi gì cho sự phát triển đạo đức ở trẻ.

    Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là, đối với việc “kèm” hay “không kèm” không nên lý giải một cách đơn giản hóa và tuyệt đối hóa. Ở đây chủ yếu muốn nhấn mạnh rằng, cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ hình thành nên ý thức tự giác, độc lập trong việc học tập và một số chuyện khác, tránh hình thành nên thói xấu ỷ lại vào cha mẹ, không tự giác. Chính vì thế “kèm” và “không kèm” thà nói là một phương châm giáo dục, còn hơn nói là phương thức hành vi, không thể định nghĩa một cách đơn giản về mặt hình thức. Ví dụ có bậc cha mẹ suốt ngày bận rộn với việc uống rượu chơi cờ, thực sự không có thời gian cũng không có tâm trạng nào để kèm con, con trẻ làm gì anh ta cũng không quan tâm, sự “không kèm” này với cái “không kèm” mà chúng ta nói ở đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
     
    whitejar1984NMINHHCHAU thích.
  8. seowinpro001

    seowinpro001 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    7/8/2012
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    vote cho các mẹ nào
    vote cho các mẹ nàovote cho các mẹ nàovote cho các mẹ nàovote cho các mẹ nào
     
  9. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Hiệp sĩ nhỏ độc hành


    Mấy năm trước tôi có đọc được một bài báo trên mạng, nói một cô bé tên là Mã Vũ Ca, trong thời gian học cấp một và cấp hai đã một mình đi khắp các tỉnh trong cả nước. Cha cô bé là một bậc phụ huynh có ý thức giáo dục rất tốt, khuyến khích con tự đi xa một mình. Trong các chuyến đi xa đó, Mã Vũ Ca không những đã tăng thêm được vốn kiến thức, mà còn rèn luyện được khả năng, trở thành một em vừa học giỏi, vừa có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực hơn người. Câu chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
    Thực ra con trẻ rất có ý thức tự bảo vệ mình, không phải chúng lúc nào cũng lơ ngơ, gặp chuyện gì cũng không biết đúng sai. Cho trẻ nhiều cơ hội rèn luyện hơn, chúng sẽ trưởng thành nhanh hơn, tốt hơn.

    Lần đầu tiên Viên Viên đi xa một mình là năm cô bé 9 tuổi. Lúc đó ba cô bé đã về Bắc Kinh làm việc, dịp nghỉ lễ 1.5, cô bé tự ngồi tàu 17 tiếng đồng hồ, từ Diêm Đài về Bắc Kinh để thăm ba.
    Bà ngoại Viên Viên gọi điện thoại, thấy bảo tôi cho con một mình đi tàu, vô cùng lo lắng. Nói thật là tôi và ông xã cũng rất lo, để cô bé đi một mình, chắc chắn không yên tâm bằng để tôi đưa con đi. Trong quá trình nuôi Viên Viên, điều chúng tôi lo ngại nhất là sự an toàn của con. Đặc biệt là khi Viên Viên 4 tuổi, chúng tôi đã để lạc mất con một lần, sự lo lắng này đã biến thành một căn bệnh chung luôn ám ảnh vợ chồng tôi.
    Lần đó chúng tôi đưa cô bé đến nhà một người bạn để chơi, nhà người bạn ở tầng một, ba, bốn đứa trẻ được cha mẹ đưa đến chơi với nhau ở ngoài sân, qua cửa sổ có thể nhìn thấy chúng, chúng tôi ngồi trong phòng yên tâm uống bia. Nhưng đến khi chuẩn bị ăn xong, tôi ra ngó không thấy Viên Viên đâu, hỏi mấy bạn nhỏ kia, chúng đều không để ý. Mọi người lập tức cuống hết lên, tỉnh cả rượu, chia nhau đi tìm, hơn một tiếng đồng hồ sau mới tìm được Viên Viên về. Hóa ra cô bé đi ra cổng khu dân cư để nhổ cỏ, vì không thuộc đường, lúc quay về đã đi nhầm, không tìm được đường về nữa. Cô bé vừa khóc vừa chạy, càng chạy càng xa, may mà được một người hảo tâm bán hàng tạp hóa ở bên đường giữ lại, cho cô bé đồ ăn, đợi cha mẹ đến tìm.
    Chuyện này thực sự ám ảnh lớn đến chúng tôi, hơn 10 năm sau đó, tôi và ông xã lúc nào cũng phải sống trong nỗi nơm nớp lo sợ, hơi một tí là mơ thấy để lạc mất Viên Viên, mỗi lần mơ xong giật mình tỉnh dậy, toát hết mồ hôi. Dường như mãi đến khi Viên Viên lên cấp ba, những giấc mơ như thế mới chấm dứt. Cô bé vào cấp một, bao gồm cả cấp hai, chỉ cần có một lúc nào đó không xác định được con ở đâu, chúng tôi luôn vô cùng lo lắng. Mặc dù tự đáy lòng, chúng tôi chỉ mong ngoài việc đến trường, là có thể cột chặt con ở bên mình, nhưng lại biết không thể hạn chế sự tự do của cô bé khi một mình làm một việc gì đó, chính vì thế đành phải xúi giục cô bé tự mình làm một số việc dù trong lòng không hề muốn như vậy.
    Lần này một mình đi tàu, là do tôi nói với Viên Viên rằng, mẹ bận công việc, không có thời gian đi thăm ba cùng con trong đợt nghỉ, nếu con muốn thì con có thể tự ngồi tàu đi. Nghe xong lời gợi ý này của tôi, lúc đầu Viên Viên cũng hơi ngần ngừ, nhưng không kìm chế được trước sự xúi giục đó, cô bé lại tỏ ra muốn thử xem sao.
    Trước khi con gái đi, thực ra trong lòng tôi cũng rất lo lắng. Tôi đặt hết giả thiết này đến giả thiết khác, không những nói với con rằng gặp chuyện này thì phải làm thế nào, gặp chuyện khác thì nên giải quyết ra sao. Có lẽ là do tôi đặt ra quá nhiều giả thiết, đột nhiên Viên Viên nói: “mẹ nói sợ như vậy, con không dám đi đâu”. Lúc này đây tôi mới ý thức được rằng mình lo xa quá, tuyên truyền hơi quá các mối nguy hiểm, làm con trẻ sợ.
    Sau đó tôi nghĩ lại rằng, cha mẹ cần phải khuyến khích trẻ tự đi làm một việc, trước hết mình không nên tỏ ra rầu rĩ và không yên tâm. Cần phải nghiêm túc đánh giá khả năng của con trẻ và tính khả thi của sự việc, nếu cảm thấy khả thi, thì nên tỏ ra tin tưởng con trẻ, tỏ ra vui vẻ thoải mái; Giấu sự căng thẳng và nỗi lo lắng ở trong lòng.
    Trên thực tế, cả lượt đi và lượt về Viên Viên đều rất thuận lợi, mặc dù cả hai đầu đều có người đưa đón, nhưng chuyến đi xa một mình này vẫn khiến cô bé cảm thấy tự hào, có lòng tin đối với mình.
    Năm sau khi cô bé 10 tuổi, chúng tôi đã chuyển nhà đến Bắc Kinh, nghỉ hè cô bé lại muốn từ Bắc Kinh đi Thanh Đảo để thăm một người bạn chơi thân từ nhỏ tên là Tiểu Triết, cũng là tự đi tự về một mình. Khi chúng tôi đưa con ra ga Bắc Kinh, cô bé nói lượt về ba mẹ không cần phải ra ga đón con đâu, cô bé muốn tự mình đi từ ga về nhà. Lúc đó tôi đã hứa miệng, nhưng vẫn có phần không yên tâm. Từ ga Bắc Kinh về nhà đầu tiên phải ngồi tàu điện ngầm, sau đó lại phải đổi xe buýt, lên xuống xe buýt đều phải đi một đoạn khá xa, quãng đường này thực ra còn phức tạp hơn so với đoạn từ Bắc Kinh đi Thanh Đảo. Chính vì thế hôm cô bé từ Thanh Đảo về, tôi vẫn ra ga đón. Ngoài việc không yên tâm, còn có một nguyên nhân khác nữa là mấy ngày không được gặp tôi cũng rất nhớ con, muốn được gặp ngay, tưởng rằng như thế cũng sẽ tạo cho con một niềm vui bất ngờ.
    Kết quả, từ trên tàu xuống nhìn thấy tôi, Viên Viên tỏ ra rất bất ngờ, mặc dù có vẻ vui, nhưng nhiều hơn là vẻ trách móc. Trách tôi tại sao lại ra ga đón cô bé. Trên đường về nhà, tôi phát hiện ra con đã nắm bắt được hết vấn đề nên đi xe về nhà như thế nào, và cũng rất chú ý đến vấn đề an toàn. Ví dụ khi xuống tàu điện ngầm, người đông, cô bé sẽ lập tức men theo tường để đi, lại còn nhắc tôi đi vào trong. Chính vì thế hoàn toàn sẽ không có vấn đề gì nếu cô bé tự đi một mình.
    Tôi rất hối hận vì chuyện này, sự “nhiệt tình” của tôi đã phá vỡ cảm giác trọn vẹn của con khi cô bé muốn một mình hoàn thành một chuyến du lịch. Tôi chỉ quan tâm đến tâm trạng của mình, mà không xem xét đến nguyện vọng của con gái. Tôi nghĩ, nếu thực sự lo lắng cho sự an toàn của con, tôi đến ga rồi nấp ở phía sau cô bé, không để cô bé nhìn thấy, rồi bám đuôi về nhà, như thế có thể sẽ tốt hơn.
    Năm họ cấp hai, Viên Viên còn cùng bạn đi mua sắm mấy lần, toàn là 7, 8 giờ sáng đi, chơi đến 5, 6 giờ chiều mới về. Nói thực lòng là tôi không muốn cho con đi, đường phố loạn như vậy, mấy cô bé 11, 12 tuổi đi với nhau có lo được cho mình không? Nhưng sau khi cân nhắc tình hình, nói hết các vấn đề về an toàn với Viên Viên, cảm thấy ý thức an toàn của con cũng khá ổn, liền vui vẻ đồng ý. Thực ra mỗi lần con đi chơi một ngày, tôi cảm thấy mình như ngồi trên lửa cả ngày. Đặc biệt là có lúc cô bé còn quên gọi điện thoại về nhà, tôi vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên, gần như không thể làm bất cứ việc gì, điều mà tôi có thể làm chỉ là thầm cầu nguyện. Đồng thời cũng sẽ tức giận, chuẩn bị đợi con về sẽ mắng cho con một trận. Nhưng mỗi lần vừa nghe thấy tiếng chuông ngoài cửa, nhìn thấy cô bé chơi đùa thoải mái một ngày lại bình an trở về, trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng biết ơn và vui vẻ, cơn giận bay biến đi đâu mất. Lần sau cô bé muốn đi chơi, tôi lại vui vẻ đồng ý.

    Đứng trên góc độ của phụ huynh, buông tay để con tự mình làm việc, nếu nói là để rèn luyện trẻ, không chính xác bằng thử thách chính mình. Cha mẹ nên dũng cảm hơn một chút, có đủ can đảm để tiếp nhận sự thử thách này.
    Tôi có một người bạn, con chị đã học lớp 8 rồi, kỳ nghỉ đông nhà trường tổ chức một trại đông, do cô giáo dẫn học sinh đi Cáp Nhĩ Tân ngắm băng đăng, trượt tuyết. Con chị muốn đăng ký tham gia, người mẹ vì chưa bao giờ xa con, cho rằng khả năng tự chăm sóc mình của cậu con trai còn kém, không yên tâm nên không cho cậu đi, nói là đợi mẹ xin nghỉ phép, mẹ sẽ đích thân đưa con đi, vì thế mà cậu con trai rất không vui. Người mẹ cho rằng đằng nào cũng là đi Cáp Nhĩ Tân, đều là đi ngắm băng đăng, trượt tuyết, thời gian khoảng một tuần, mẹ đưa con đi còn có thể chăm sóc con, có gì là không tốt.
    Sự lo lắng của người mẹ này dĩ nhiên là có lý, vị phụ huynh nào khi phải đối mặt với vấn đề này, đều sẽ nghĩ đến các vấn đề như con trẻ đi xa có biết chăm sóc mình hay không, có an toàn không. Nhưng sự sắp đặt này có mấy sai lầm sau:
    Một là cha mẹ không nghĩ rằng con trẻ có nhu cầu xã giao, muốn đi cùng với các bạn cùng trang lứa. Xem băng đăng, trượt tuyết chỉ là mấy điểm trong cả đợt tổ chức trại đông, trong khi niềm vui của con trẻ lại nằm trong cả quá trình đi xa cùng bạn bè này. Hai là đã bỏ lỡ cơ hội rèn luyện của con trẻ. “Khả năng tự chăm sóc mình của con kém”, không phải là do trẻ thiếu các cơ hội rèn luyện như thế này đó ư; Khó khăn lắm mới có được cơ hội bồi dưỡng khả năng tự chăm sóc mình của con trai, cha mẹ lại cướp đi mất; Ba là vì chuyện này mà cha mẹ với con xung đột với nhau, đồng thời cuối cùng bắt trẻ phải phục tùng trước sự sắp đặt của cha mẹ, điều này khiến trẻ cảm thấy ý kiến của mình luôn không được tôn trọng; Điều này sẽ khiến cho trẻ hoặc là có tâm lý phản nghịch, hoặc là không hề có chính kiến, hơn nữa cũng rất dễ hình thành nên lối tư duy chỉ quan tâm đến mình, không chú ý đến cảm nhận của người khác.
    Bởi vì một sự lo lắng nào đó, liền kiên quyết ngăn cản hành động của con trẻ, cha mẹ làm như vậy thực ra là khá ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự lo lắng của mình, căn cứ để đưa ra quyết sách là để mình yên tâm, chứ không phải là để trẻ vui và có được cơ hội rèn luyện.
    Buông tay không phải là mạo hiểm, mà là để trẻ thông qua các cơ hội thực tiễn, rèn luyện lòng can đảm và khả năng, từ đó cũng học được cách phòng tránh nguy hiểm. Nếu cha mẹ luôn sợ rằng có chuyện gì đó ngoài ý muốn xảy ra đối với trẻ, luôn bảo vệ con chặt chẽ, tương lai nếu quả thật là trẻ gặp chuyện gì đó, có thể vẫn chưa có đủ khả năng và dũng khí để đối phó. Đây giống như việc sợ con trẻ vấp ngã, nên không cho phép trẻ học đi, kết quả là sau này trẻ sẽ bước đi càng khó khăn hơn. Xét về ý nghĩa này, sự bao bọc một cách quá độ cũng để lại tai họa ngầm cho sự an toàn của trẻ.
    Về vấn đề an toàn, cha mẹ nên thảo luận cùng với nhà trường, nghiên cứu cẩn thận phương án đi xa, cân nhắc từng chi tiết, đảm bảo cho hoạt động được diễn ra thuận lợi; Ngoài ra bình thường cha mẹ cũng nên giáo dục an toàn cho trẻ, để trẻ học được cách tự chăm sóc mình, bảo vệ mình. Trên cơ sở này, cần cố gắng để trẻ sớm được độc lập thực hiện các hoạt động. Môt khi cảm thấy khả thi, thì hãy nên vui vẻ để trẻ làm.

    Tôi có quen một đôi vợ chồng, họ đều rất thành đạt trong sự nghiệp, cậu con trai của họ cũng rất giỏi giang. Từ nhỏ đến lớn thành tích học tập của con rất xuất sắc, năng lực công tác tốt, luôn đảm nhận các chức vụ quan trọng như lớp trưởng… Trong giai đoạn học cấp ba, mặc dù việc học rất bận rộn, nhưng cậu bé này không những gánh vác rất nhiều công việc của trường và lớp, mà còn đến các công ty để xin tài trợ, tổ chức cho lớp mình xuất bản tờ nội san. Tôi đã tìm một cơ hội để nói chuyện với mẹ cậu bé, qua lời của chị đã phát hiện ra sự trí tuệ của người làm cha làm mẹ. Nếu khái quát cách làm của họ, cơ bản nhất chính là “để cho trẻ tự làm”, họ thao tác chuyện này rất đơn giản, giống như một kỳ tích vậy, nói ra nhiều người sẽ không tin. Ngay từ khi con còn đang học mẫu giáo, từ trường mầm non đến nhà chị phải ngồi xe buýt qua 3 trạm. Đến khi con trai 5 tuổi vào lớp mẫu giáo lớn, họ cảm thấy con mình đã hoàn toàn biết cách đi xe buýt từ nhà đến trường như thế nào, hơn nữa lên xe và xuống xe đều không phải qua đường, cách bến không xa là trường mầm non, các vấn đề cần chú ý trên đường cũng đã nói nhiều lần, và thế là cha mẹ liền đề nghị buổi sáng con trẻ tự mình đi học. Buổi tối về cần phải qua đường bắt xe, ba mẹ chỉ đến đón cậu vào buổi tối. Mấy ngày đầu họ không yên tâm, lén đi theo sau con để theo dõi, xác định không có vấn đề gì, từ đó liền không quản nữa. Cậu bé đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Con trai họ chín chắn hơn rất nhiều so với bạn bè cùng tuổi. Đến kỳ nghỉ hè năm cậu 7 tuổi, họ liền cho con ngồi tàu 10 tiếng đồng hồ để đến thăm ông bà nội. Từ đó trở đi, kỳ nghỉ nào cậu bé cũng tự mình đi xa, về nhà ông bà nội hoặc đến một nơi nào đó để du lịch. Những nơi cậu bé đi du lịch đều có họ hàng hoặc những người bạn tin cậy, họ đón cậu về nhà một cách an toàn, đồng thời đưa được cậu đi chơi mấy ngày, sau đó lại đưa cậu lên tàu một cách an toàn. Cậu bé này cũng giống như Mã Vũ Ca, khi học cấp 1, cấp 2 đã đi du lịch được rất nhiều nơi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cho cậu làm rất nhiều việc trong nhà, phàm là những việc con trẻ có thể tự làm, cha mẹ đều không giúp đỡ; Ngược lại do cha mẹ công việc rất bận, thường xuyên nhờ con trẻ làm việc nhà. Ví dụ, cuối tuần hoặc nghỉ hè, nghỉ đông bảo con đi chợ, nấu cơm, cha mẹ hết giờ làm việc về nhà, bữa tối đã chuẩn bị tạm ổn rồi. Thực ra cha mẹ của cậu bé này không phải là mẫu người vì bận rộn với sự nghiệp của mình mà lơ là trong chuyện chăm sóc con. Nhìn từ bề ngoài, họ có vẻ không làm gì ở nhà, thực ra đây chính là điểm tận tâm của họ. Họ không chỉ đạo trong những việc đơn giản, mà bỏ nhiều thời gian và công sức vào việc nghiên cứu những vấn đề như làm thế nào để con trẻ làm việc một cách an toàn, độc lập. Người mẹ này nói, người lớn làm việc thay cho con trẻ, đó là điều rất dễ dàng, người lớn nào cũng có thể làm được điều này; cái khó là không làm thay cho trẻ. Chị nói, ví dụ trong chuyện để con tự mình đi học mẫu giáo, trước đó họ đã nghiên cứu rất kỹ, cân nhắc kỹ càng từng chi tiết một, chắc chắn rằng con trẻ đã nắm bắt được những kiến thức thông thường về sự an toàn, khi đã cảm thấy yên tâm về vấn đề an toàn của con, mới mạnh dạn buông tay ra. Để con tự về thăm ông bà nội và đi du lịch xa cũng là như vậy. Và quá trình này thực tế là khó khăn hơn rất nhiều so với việc tự mình đưa con đi. Tôi hiểu được những gì chị nói, sự “không làm gì cả” này, nhìn từ bề ngoài thì tưởng rằng cha mẹ được giải phóng, nhưng thực tế những thách thức về mặt tâm lý mà họ phải chịu đựng lại mạnh mẽ hơn. Ngược lại, phàm là những bậc cha mẹ nghĩ thay làm thay cho con trong tất cả mọi việc, thậm chí ngay cả về mặt suy nghĩ cũng không cho trẻ được độc lập, bề ngoài thì tưởng là họ phải hy sinh rất nhiều, nhưng thực ra phương thức tư duy của họ lại luôn coi mình là trung tâm, cái đầu tiên mà họ muốn thỏa mãn là suy nghĩ của mình, không nghiêm túc xem xét đến nhu cầu tâm lý của con trẻ, không ý thức được tính độc lập của trẻ cần phải phát triển; Mà là dùng sự “bao bọc” và “chỉ đạo” kín như bưng, để lấp đầy mọi không gian trưởng thành của trẻ, cướp đi hết lần này đến lần khác cơ hội tự giáo dục và tự trưởng thành của con. Đợi đến khi con lớn, sau khi rất nhiều khả năng tiềm ẩn của con trẻ bị thoái hóa nghiêm trọng, cha mẹ lại kêu ca con trẻ “không hiểu biết”, “vô tích sự”, “lười biếng”…
    Ví dụ mà tôi nói đến ở đây, chỉ là muốn nhấn mạnh phương châm giáo dục “cho trẻ cơ hội, để trẻ được độc lập làm việc”. Chúng ta không thể nhìn nhận một cách cô lập chuyện để trẻ tự đi mẫu giáo một mình, càng không thể bắt chước tùy tiện. Vì ở đây có rất nhiều nhân tố hạn chế, các yếu tố như khả năng của trẻ, độ an toàn của khu dân cư, độ tiện lợi của phương tiện giao thông, điều kiện khí hậu… đều phải xem xét.
    Cho dù muốn để trẻ làm việc gì, nhất thiết phải cân nhắc, xem xét mọi tình huống, lựa chọn những sự việc có hệ số an toàn cao cho trẻ làm. Là người giám hộ, trước hết cha mẹ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của trẻ.
    Về hình thức có phải để trẻ tự đi một mình hay không không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là thường xuyên để trẻ có cơ hội tự mình làm việc, tự mình gánh vác trách nhiệm, tự mình giải quyết vấn đề. Kể cả là trẻ có cùng đi du lịch, cùng làm việc với cha mẹ, phàm là những việc có thể để trẻ tự làm một mình, cha mẹ không nên làm thay, phàm là những việc có thể để con trẻ tự suy nghĩ, cha mẹ không nên vội vàng gợi ý cách giải quyết cho trẻ. Trước mặt con trẻ, cha mẹ cần giả vờ ngờ nghệch đi một chút, vô tâm đi một chút, nhường lại các cơ hội cho con.
    Ví dụ, ra ga tàu, nếu chỉ đem theo một chiếc ba lô và con và cha mẹ đều có thể mang được, thì để cho con đeo, cha mẹ có thể hai tay để không lên tàu một cách thoải mái. Đến nhà nghỉ, có thể để cha mẹ ngồi trông hành lý nghỉ ở sảnh lớn, để trẻ tự đi làm thủ tục nhập phòng. Khi đọc các tài liệu giới thiệu về các điểm du lịch, để trẻ tìm những tài liệu cần thiết và đưa cho cha mẹ.
    “Độc lập” là từ đồng nghĩa với tự lập, nó là điều kiện mà một người buộc phải có trong quá trình trưởng thành. Hiện nay có một quan điểm cho rằng, thanh niên đều chuẩn bị lập gia đình, lập nghiệp rồi, về tâm lý vẫn chưa rời xa được núm vú. Rất nhiều người chỉ coi hiện tượng này là một chủ đề vui để nói, thực ra những điều ẩn chứa sau đó, là nỗi bi ai của một con người thậm chí là cả một dân tộc. Nỗi bi ai này nhìn thì tạm thời chưa có vẻ gì là nghiêm trọng, nhưng tương lai e rằng sẽ ngày càng khiến người ta phải lo lắng. Nhà triết học Erich Fromm cho rằng, để kiểm tra tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con có phải là tình yêu chất lượng hay không, có một hòn đá thử vàng , đó là người mẹ có chịu buông tay một cách thoải mái ra với con hay không, có chịu thúc đẩy sự tự chủ và độc lập ở con hay không .
    Yêu con, hãy dũng cảm buông tay ra, để hiệp sĩ nhỏ tuổi này “một mình tung hoành khắp thiên hạ”!
     
  10. trangngoclinh

    trangngoclinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    17/9/2011
    Bài viết:
    1,123
    Đã được thích:
    243
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Mẹ cutyxinhxinh ơi, sao nhọc công đánh nội dung sách lên nhiều thê, hihi nhỡ Quảng Văn họ kiện bản quyền là toi đấy.
    hihi. Nhưng đúng là sách hay thật, các mẹ mua đi.
    Sáng nay mình vừa lẩn thẩn bảo chồng: em dạo này mê kinh doanh quá, chẳng có thời gian cho con, nghĩ mà áy náy. Chồng bào: em đừng làm nữa, chăm con đi, mình anh làm thôi.
    hic. Đọc xong người mẹ tốt...rồi mà nhiều điều chưa làm được
     
    NMINHHCHAUcutyxinhxinh thích.
  11. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Hi hi, mẹ nó ơi, mình phải xin phép Quảng Văn mới post lên chứ. Sách hay thì chỉ cần đọc vài chương là các mẹ biết thôi. Bỏ ra hơn trăm nghìn mua được cuốn cẩm nang nuôi dạy con bổ ích thì không có gì đáng phải phàn nàn cả mẹ nó nhỉ.
     
  12. trangngoclinh

    trangngoclinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    17/9/2011
    Bài viết:
    1,123
    Đã được thích:
    243
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Có nhiều mẹ hỏi bộ Phương Án 0 tuổi lắm. sao mẹ nó không bán luôn đi.
     
  13. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Hi mình chỉ bán cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt và các sách của NXB phụ nữ mẹ nó ạ :)
     
  14. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Chỉ lập “sổ ghi công”, không lập “sổ ghi tội”



    Kể từ khi Viên Viên 4 tuổi, tôi mua cho cô bé một cuốn sổ nhỏ, chuyên ghi lại những việc tốt mà cô bé đã làm. Cuốn sổ không lớn lắm, mỗi trang chỉ ghi một chuyện, những việc được ghi rất đơn giản, về cơ bản chỉ có mấy chữ, ví dụ “thu dọn đồ chơi”, “vứt rác”, “tự kể chuyện”, “tối một mình vào bếp bật đèn lấy tăm”, “học được cách xem đồng hồ”..., mỗi trang đều dùng bút đỏ vẽ một bông hoa xinh xắn - đây chính là phần thưởng dành cho cô bé. Chúng tôi gọi cuốn sổ này là “sổ ghi công”. Tôi phát hiện ra mỗi lần “ghi công” cho Viên Viên, cô bé đều rất phấn khởi. Cách một thời gian lại đi đếm xem mình đã có được bao nhiêu bông hoa.
    Phương pháp này rất có ích cho quá trình trưởng thành của trẻ. Một là trẻ được biểu dương, cảm thấy rất vinh dự; Hai là những việc được ghi trong sổ có tác dụng nhắc nhở bé, giúp bé từ sau không quên làm những việc tốt này; Ba là tất cả những chữ ghi trên cuốn sổ nhỏ này, Viên Viên đều nhớ được, cô bé thường xuyên đọc lại những thành tích của mình khi đếm số bông hoa, cũng biết thêm được không ít mặt chữ.
    Đến khi Viên Viên vào cấp một, cô giáo trong trường thường xuyên thưởng hoa đỏ, tức là đóng một cái dấu in hình bông hoa đỏ lên tờ giấy nhỏ, tích đủ mười bông hoa đỏ là có thể đổi được một “mặt cười”. Phía cuối lớp có một bảng khen thưởng, dưới tên của ai có dán nhiều “mặt cười” nhất thì chứng tỏ người đó thực hiện tốt nhất. Trong cả thời gian học cấp một, Viên Viên luôn có tên trong bảng vàng, và tổng số “mặt cười” đứng vị trí số một số hai của hớp. Trong lòng chắc chắn chúng tôi rất mừng, nhưng không bao giờ chúng tôi đi rêu rao về chuyện này, chỉ tỏ ra đây là điều bình thường, không có gì đáng nói. Làm như vậy là vì sợ cô bé sẽ cảm thấy mình hơn các bạn, sợ cô bé sẽ quá chú trọng vào vấn đề kiếm “mặt cười”, từ đó mất đi sự tự nhiên và hài hòa trong hành động.
    Song song với đó, “sổ ghi công” trong nhà vẫn được bổ sung thêm một số nội dung, nhưng không có lần nào ghi cô bé đạt điểm cao. Chúng tôi luôn cho rằng giai đoạn tiểu học quan trọng nhất là bảo vệ niềm hứng thú đối với việc học tập của con trẻ. Nếu quá quan tâm đến vấn đề điểm số, so sánh chuyện xếp thứ, thực ra đều là phá vỡ niềm hứng thú đối với việc học của trẻ. Khi con trẻ được người lớn định hướng sang quan tâm đến điểm số, xếp thứ, trẻ sẽ không còn hứng thú đối với việc học nữa. Phía nhà trường đã quá chú trọng vào vấn đề thành tích, nếu phụ huynh lại tiếp tục hùa vào, không những không thúc đẩy cho việc học của trẻ trong tương lai, mà còn gây phản tác dụng.
    Chính vì thế trong thời gian Viên Viên học cấp một, những nội dung được ghi trong cuốn sổ vẫn chỉ là những chuyện nhỏ vặt, ví dụ “giúp mẹ rửa bát, rửa rất sạch”, “chơi đàn nhị hay”, “học được cách thái khoai tây”... Đến cuối kỳ, cũng ghi lại cô bé đạt được những giải gì trong học kỳ này, đây chủ yếu là để lưu giữ con số. Ngoài ra còn ghi lại một số bài “thơ” do cô bé viết, rất ngây ngô.
    Năm 10 tuổi Viên Viên vào lớp 7, nội trú ở trường, cuối tuần về nhà một lần, lúc đầu không quen, nhớ nhà đến phát khóc. Tuần thứ hai về nhà cô bé nói tuần này không khóc, tôi vội ghi lại “tuần thứ hai ở trường không khóc nữa”. Trong thời gian này, “thành tích” về cơ bản đều là những cái có liên quan đến cuộc sống ở trường của cô bé: “gấp chăn gọn gàng, được cô giáo khen”, “tự mình giặt quần áo, giặt sạch”... Đây là một số sự tiến bộ bên ngoài trong quá trình trưởng thành của cô bé, đồng thời cũng ghi lại sự trưởng thành và tiến bộ bên trong của con. Một lần tôi và Viên Viên xảy ra tranh cãi, trong quá trình tranh luận chúng tôi đều tỏ ra không vui. Nhưng cô bé không bảo vệ quan điểm của mình một cách quá khích, mà biết vừa tranh luận vừa suy nghĩ, đến khi nhận thức được mẹ nói có lý liền ngừng tranh luận, sau đó cùng mẹ sắp xếp lại tư duy. Đây là sự chín chắn của cô bé, cũng là một vẻ đẹp. Chính vì thế tôi cũng ghi lại chuyện này vào cuốn sổ, đồng thời thưởng cho một bông hoa đỏ. Điều này khiến Viên Viên hiểu thêm được rằng, tranh luận là để làm rõ đúng sai, chứ không phải là phản bác hạ gục đối phương.
    Rồi cô bé bước vào tuổi dậy thì, con trẻ ngày càng có chính kiến, cá tính hơn và nhanh chóng trở nên chín chắn, phần thưởng vẽ hoa đỏ giờ đã quá con nít rồi. Điều chủ yếu nhất là các phương diện như cá tính, suy nghĩ, học tập... Viên Viên đều thể hiện trạng thái rất ổn định, chúng tôi chú trọng hơn đến việc chuyện trò, tâm sự với con. Chính vì thế sau khi Viên Viên lên lớp 8, cuốn sổ gần như không ghi thêm gì nữa mà dừng lại rất tự nhiên.
    Hiện giờ Viên Viên vào đại học rồi, “sổ ghi công” đã trở thành một món “đồ quý” của gia đình tôi, trở thành minh chứng cho quá trình trưởng thành hạnh phúc của cô bé. Chúng tôi có cảm giác rằng, lập “sổ ghi công” là một cách tương đối tốt, chúng tôi chưa bao giờ dùng tiền để thưởng cho Viên Viên, phần thưởng của cha mẹ chính là những bông hoa đỏ trong cuốn sổ này, nó không thể dùng tiền để tính toán giá trị, nhưng lại vô cùng quý giá, hỗ trợ cho chúng tôi bồi dưỡng rất nhiều phẩm chất tốt ở con trẻ.
    Trẻ em cũng như người lớn, đều thích được khẳng định, được khích lệ. Trong môi trường khẳng định và khích lệ, chúng mới dễ tự tin hơn, dễ tiến bộ hơn. Sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh là ở chỗ luôn thích dùng vật chất để thưởng cho con trẻ, điều này chứng tỏ họ không hiểu con trẻ - đối với những đứa trẻ ngày nay không phải trải qua sự thiếu thốn về mặt vật chất, tác dụng khích lệ không lớn, có thể sẽ đem lại sự thỏa mãn nhất thời, nhưng cũng sẽ kéo dài không lâu; Chỉ có niềm vui về tinh thần và sự thỏa mãn rằng mình đã thành công, mới có thể đem lại niềm hạnh phúc và động lực thực sự.

    Tôi nói cho một số bậc phụ huynh nghe về phương pháp này, có người thậm chí nói: đó là do con chị từ nhỏ đã có những biểu hiện tốt. Con tôi ngày nào cũng khiến tôi đau hết cả đầu, làm gì có việc tốt nào đáng để ghi lại.
    Cách suy nghĩ này thật là sai lầm.
    Thực ra ưu điểm của mỗi đứa trẻ đều nhiều như nhau, đặc điểm của chúng thường chính là ưu điểm của chúng. Những ưu điểm này là những hạt giống ẩn giấu trong lòng con trẻ, cần phải được vun tưới một cách thích đáng trong thời điểm thích hợp với có thể nảy mầm, bén rễ, đơm hoa, kết trái. Một điều đáng tiếc là không ít phụ huynh chỉ giỏi phát hiện khuyết điểm của trẻ, trong khi lại rất thờ ơ với ưu điểm của chúng, suốt ngày chỉ phê bình và ra lệnh con trẻ. Hạt giống vốn có thể phát triển trong lòng con trẻ, luôn bị băng giá, sương gió vùi dập, không thể lớn lên, mãi cho đến khi héo khô hoặc chết đi – đây chính là tại sao rất nhiều đứa trẻ đến cuối cùng thật sự lại khuyết điểm đầy mình, rất khó tìm ra ưu điểm.
    Có câu danh ngôn nói rằng, thế gian không thiếu cái đẹp, chỉ thiếu đôi mắt phát hiện ra cái đẹp. Cho dù cha mẹ không có thời gian ghi chép lại cụ thể, nhưng ít nhất trong lòng cũng phải lập một cuốn “sổ ghi công” như vậy. Trong lòng có cuốn sổ như thế, ánh mắt và lời nói của bạn sẽ bộc lộ ra, con trẻ sẽ hoàn toàn cảm nhận được. “Thành tích” mà bạn ghi cho trẻ càng nhiều, bạn sẽ đem lại càng nhiều niềm vui và sự tự tin cho trẻ, điều này sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên tốt hơn.

    Có bậc phụ huynh trong vấn đề ưu khuyết điểm của con, cái nào tốt sẽ biểu dương, mặt nào xấu cũng sẽ kịp thời chỉ ra. Xét về lý không có gì là sai, nhưng nếu phương pháp thao tác không đúng cách, cũng có thể sẽ xuất hiện một số vấn đề.
    Dưới đây là một ví dụ mà tôi gặp, khá điển hình.
    Chuyện này cần phải bắt đầt từ Viên Viên. Hồi cô bé học cấp hai, một lần tôi kể cho cô bé nghe chuyện của chúng tôi hồi nhỏ, nhắc đến quê của tôi, mọi người khi chế giễu những người tưởng rằng mình đạt được thành tựu ghê gớm lắm sẽ nói, “ghi một thành tích vào đáy bô cho anh”. Viên Viên cảm thấy câu nói này rất hay, tưởng tượng ra hình ảnh đó rất thú vị, chúng tôi liền bàn nhau rằng “sổ ghi công” đã không còn dùng nữa, từ nay ghi hết công lao lên đáy bô. Tôi tìm một tờ giấy, Viên Viên vẽ hình một cái bô rất to lên trên, lại viết thêm ba chữ “sổ ghi công”; Tôi viết lên đó mấy “việc tốt” mà gần đây cô bé làm. Chuyện này chỉ là một trò đùa của chúng tôi chứ không phải là để khích lệ. Bởi Viên Viên không thiếu những lời khen, cô bé cũng đã khá chín chắn rồi. Chính vì thế, tôi cũng không “ghi công” nhiều cho cô bé lên “chiếc bô” này, sau đó lại ghi thêm hai chuyện nữa, tổng cộng cũng chỉ có năm, sáu việc, sau đó lười nên cũng không ghi nữa.
    Tờ giấy này dán trên tường một thời gian rất dài, bị một người bạn thân của tôi nhìn thấy, lúc đó chị đang rầu rĩ vì vấn đề quản lý cô con gái. Tiện thể tôi liền kể cho chị nghe mặt tốt của việc lập sổ ghi công. Chị cảm thấy phương pháp này rất mới lạ, rất tốt, nói cũng sẽ về nhà kiếm một tờ giấy dán lên tường, khích lệ cô con gái 10 tuổi của chị. Sau đó một hôm tôi đến nhà chị, thấy quả nhiên chị đã làm, nhưng trong khâu thao tác lại có một số vấn đề.
    Tờ giấy này được chia thành hai cột, một bên viết ưu điểm, một bên viết khuyết điểm. Đúng là chị cũng rất có dụng ý, vừa muốn để con biết ưu điểm của mình, đồng thời cũng muốn để con ghi nhớ những khuyết điểm của mình. Nhưng làm như thế này rõ ràng là không phù hợp.
    Bởi vì lập “sổ ghi công” là để nhằm đạt tới tác dụng xúc tác, khiến con trẻ có được niềm vui và sự tự tin sau khi thỉnh thoảng có những biểu hiện tốt, khiến những hành vi thỉnh thoảng mới có này cuối cùng trở thành một hành vi ổn định của chúng. Cũng với cái lý như vậy, đem những khuyết điểm của trẻ viết ra bằng giấy trắng mực đen rồi dán lên tường, không ngừng nhắc nhở rằng, cũng có thể khiến những hành vi này ổn định lại – vốn là những cái xấu muốn vứt bỏ, dưới sự kích thích này rất dễ khiến con trẻ tự ám thị với mình, tưởng rằng những thói quen xấu đó là hành vi tất yếu của mình. Kết quả cuối cùng là, ưu điểm sẽ củng cố thành ưu điểm thật sự; khuyết điểm cũng sẽ được củng cố, trở thành khuyết điểm không thể sửa được.
    Giáo dục nằm trong các chi tiết, thật là sai một ly, đi một dặm.
    Ý thức tự kiểm điểm và khả năng tự kiểm soát của trẻ em chưa được hình thành, chúng dễ bị chi phối bởi sự ám thị và niềm hứng thú. Người lớn tưởng rằng viết ra những khuyết điểm của trẻ, dán ở trước mặt, con sẽ thường xuyên tự nhắc nhở mình, uốn nắn những sai sót của mình. Suy nghĩ này thực sự không hiểu đặc điểm của con trẻ. Hơn nữa, tất cả các vị khác đến chơi nhà chị đều nhìn thấy tờ giấy này, bao nhiêu khuyết điểm ghi trên đó, cũng sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
    Chính vì thế tôi nhắc nhở người bạn này rằng, hà tất gì phải ghi những cái trẻ không muốn để lộ ra lên tường. Trên giấy chỉ ghi ưu điểm, không ghi khuyết điểm, chỉ ghi “công” không ghi “tội”, hiệu quả sẽ tốt hơn.
    Chị hỏi tôi với vẻ lo lắng rằng, con chị có rất nhiều tật xấu mà chị muốn con phải sửa, thế thì làm thế nào, lẽ nào viết ra như thế để nhắc nhở cô bé không tốt hay sao? Tôi nói, dĩ nhiên là có thể nhắc nhở, nhưng phải thay bằng một cách nói khác, biến hết mọi cái “tội” của trẻ thành “công” để nói, tức trước hết phụ huynh phải ý thức được rằng “chỉ lập sổ ghi công, không lập sổ ghi tội”.
    Ví dụ một đứa trẻ không chịu chăm chỉ luyện đàn, toàn là phải cha mẹ nhắc nhở mới chịu luyện, bạn không nên ghi “không tự giác luyện đàn”, mà phải nhìn thấy rằng ít nhất là con trẻ ngày nào cũng luyện, liền ghi “kiên trì luyện đàn hàng ngày”; Tiếp sau đó cô bé vẫn lười biếng, không muốn luyện đủ một tiếng đồng hồ, bạn không nên viết “không chơi đủ một tiếng đồng hồ”, mà ghi “mặc dù chỉ luyện được 40 phút, nhưng chơi rất tiến bộ”; Cô bé phát hiện ra rằng chơi 40 phút bạn cũng có thể chấp nhận được, thời gian sau đó chỉ luyện 40 phút. Và thế là trước hết bạn hãy tránh vấn đề về thời gian, ghi “luyện đàn rất chuyên tâm, trình độ đang dần dần được nâng cao” – Cũng có nghĩa là, trong những mặt không tốt của con trẻ, luôn tìm ra được điểm đáng để biểu dương, luôn tạo sự ám thị và kích thích tốt cho trẻ. Cứ như thế, con trẻ sẽ dần dần cảm thấy mình cũng không tồi, thay đổi cách luyện cho đủ thời gian thành cách luyện cho đúng kỹ năng. Khi trẻ không còn chống đối lại cha mẹ, trong lòng thực sự muốn luyện tốt một bản nhạc, trẻ sẽ không để tâm đến việc chơi lâu một chút hay chơi ít một chút nữa; Hơn nữa nếu chơi nửa tiếng đồng hồ mà chuyên tâm, nghiêm túc sẽ tốt hơn là chơi lấy lệ một tiếng đồng hồ.
    Người bạn của tôi vẫn còn đôi chút lo lắng, hỏi tôi, không nên vạch ra khuyết điểm của trẻ ư? Không chỉ ra thì trẻ sẽ không thể sửa được, tình hình sẽ càng ngày càng nghiêm trọng, như thế thì làm sao?
    Tôi nói, một số bậc phụ huynh sở dĩ thường xuyên phê bình giáo dục con trẻ, chính là do có một giả thiết sai lầm ăn sâu vào máu rằng, nếu mình không nói, không thường xuyên nhắc nhở, con trẻ sẽ không biết sửa khuyết điểm, càng ngày càng sa đọa. Thực tế là, mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng, chí tiến thủ là bản tính của trẻ, chỉ cần không bị bóp méo, chắc chắn sẽ phát triển bình thường. Đối với một khuyết điểm nào đó ở trẻ, có thể nhắc nhở một cách thích đáng, khi đã phát hiện ra khuyết điểm này lặp đi lặp lại nhiều lần, thì phải suy nghĩ đến việc áp dụng phương pháp khích lệ, bình thản, lặng lẽ giúp trẻ khắc phục, chứ không nên phê bình một cách trực tiếp và nhiều lần, đừng nói những câu như “mẹ đã nhắc con bao nhiêu lần rồi mà con không chịu sửa”. Phê bình lặp lại nhiều lần giống như cuốn “sổ ghi tội” dán trên tường, sẽ cố định khuyết điểm của trẻ. Khiến trẻ khó có thể tách rời khỏi khuyết điểm đó.
    Để cho người bạn thân này của tôi hiểu hơn, tôi lại đưa ra một số kiến nghị cho chị.
    Ví dụ con buổi sáng ngủ dậy chuẩn bị đi học nhưng luôn lề mề chậm chạp, luôn phải có chị thúc giục mặc quần áo ăn cơm cầm cặp xách, phải để chị kéo chạy ra ngoài mới không bị muộn giờ. Vậy thì cho dù hàng ngày chị nói câu “mau lên, đừng lề mề nữa” hàng nghìn lần, phê bình con trẻ hàng vạn lần, cũng không thể giải quyết vấn đề; Lời nhắc nhở đều đặn hàng ngày của chị chỉ khiến con trẻ hình thành một cách ổn định thói xấu này. Nếu chị thay bằng một cách khác, có thể sẽ cải thiện được vấn đề một cách căn bản. Bạn có thể nói chuyện với trẻ một lần một cách nghiêm túc, thân thiện, bảo với trẻ rằng bắt đầu từ ngày mai, buổi sáng tự mình phải sắp xếp thời gian đi học. Sau đó từ ngày hôm sau, bạn sẽ không thúc giục nữa. Bạn chỉ hoàn thành những việc mà bạn cần phải làm, như chuẩn bị đồ ăn sáng, thu dọn tươm tất cho mình, chuẩn bị đưa con đi học. Còn về phần con, thời gian của con con tự sắp xếp, bạn cứ bình thản đợi cho cô bé lề mề.
    Ngày đầu tiên con trẻ không quen, có thể để muộn một tiếng đồng hồ, trên đường lo phát khóc, nổi cáu với bạn, trách bạn không nhắc nhở bé. Lúc này đây, bạn liền biểu dương con rằng: “Mẹ phát hiện ra con là một em bé ngoan, có chí tiến thủ, không muốn đi học muộn. Hôm nay là ngày đầu tiên con tự mình sắp xếp thời gian, vẫn chưa quen lắm; Từ sau chắc chắn sẽ sắp xếp ổn thỏa hơn”. Chú ý, khi nói câu này, bạn phải tỏ rõ thành ý, không nên nói trái với lòng mình. Chỉ cần phụ huynh kiên trì, nhẫn nại, trong quá trình này không nổi cáu, không chỉ trích, không làm thay, kiên trì để trẻ tự quản lý mình, thường xuyên “ghi công” cho con trẻ; Khi con trẻ lại lặp lại lỗi cũ, bạn vẫn có thể tìm ra được điểm tích cực trong những biểu hiện tiêu cực của trẻ, chân thành biểu dương trẻ. Như thế, ý thức quản lý tự giác của trẻ nhất định sẽ hình thành, thói xấu thích lề mề nhất định sẽ sửa được.
    Cho dù bằng hình thức thật hay ở trong lòng mình, cha mẹ cũng đều nên lập cho con một cuốn sổ nhỏ. Chỉ lập “sổ ghi công”, không lập “sổ ghi tội”. Trân trọng cảm giác tự hào vì mình đạt được thành tích của trẻ, tránh ghi lại những điều mang tính trừng phạt. Con trẻ không có cái sai, chỉ có không chín chắn; Và không chín chắn sẽ đồng nghĩa với việc có không gian và khả năng phát triển. Cha mẹ nên tán thưởng sự không chín chắn của con trẻ một cách thực sự tự đáy lòng, nhìn thấy cái đẹp trong cái không chín chắn. Như thế bạn mới dễ dàng mở ra “sổ ghi công”, chứ không phải vừa nhìn thấy lỗi lầm của trẻ, liền tự động lật ra “sổ ghi tội”.
    Mỗi khi bạn chuẩn bị áp dụng biện pháp gì để giáo dục con trẻ, bạn đều phải suy nghĩ một chút về biện pháp mà bạn áp dụng: cái bạn muốn nhấn mạnh rốt cục là cái gì, phương pháp mà bạn áp dụng là điều mà trẻ thích hay phản cảm, sự ảnh hưởng của nó tới trẻ là chính diện hay phụ diện, mang tính khích lệ hay làm nhụt chí, là trước mắt hay lâu dài, là cao thượng hay dung tục? Không suy nghĩ những điều này, chỉ dựa vào tinh thần và thói quen để làm việc, không những không đạt được mục đích, mà có thể còn phá hoại mục đích một cách căn bản.
     
  15. papamuga

    papamuga QAXK - 0163 5711 999

    Tham gia:
    22/6/2011
    Bài viết:
    1,403
    Đã được thích:
    329
    Điểm thành tích:
    123
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Quá hay, em sẽ học tập làm 1 cuốn sổ ghi chép việc tốt cho con, giờ con 3 tuổi mà nghe bm khen tiến bộ là cứ thích mê
     
  16. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Quá trình dạy con rất cần những lời khen, nhiều người chỉ cưng nựng, khen ngợi con khi con còn nhỏ. Đến khi con đi học lớp 1 rồi, mải chơi, cẩu thả, chữ xấu... Bố mẹ vẫn phải thường xuyên tìm ra điểm tốt để con tự tin, luôn vươn lên và hoàn thiện mình.
     
  17. anhvan_hv

    anhvan_hv Thành viên chính thức

    Tham gia:
    2/7/2012
    Bài viết:
    153
    Đã được thích:
    29
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Cám ơn mẹ nó nhiều nhé. Em đang copy để in ra xem cho tiện. hihi
     
  18. cutyxinhxinh

    cutyxinhxinh Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    19/7/2008
    Bài viết:
    3,470
    Đã được thích:
    740
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Cảm ơn mẹ nó đã quan tâm. Những kiến thức này quả thực rất cần thiết, mẹ đọc và áp dụng để dạy con khá nhàn ạ.
     
  19. gauiulam

    gauiulam Thành viên tập sự

    Tham gia:
    11/8/2012
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    Cái này hay quá nhưng con em bây giờ lên lớp 3 rồi
    Cháu nghịch và mải chơi lắm ấy nên nhiều khi muốn phát điên lên
    Hôm trước đi học cùng cháu ở lớp làm bóng bay nghệ thuật ở chỗ Mondo được làm cùng với cháu em mới biết từ xưa tới nay chỉ chăm chăm dạy cháu thôi chứ chả bao giờ chịu làm bạn với con cả
    Mà hay là hôm ấy đi cháu còn làm nhanh hơn em còn dạy lại em nữa chứ!
    Từ hôm tìm được mục này của mẹ, em cũng làm theo, giờ thấy cháu cũng tiến bộ nhiều chứ không hay cãi bố mẹ như trước
    Chắc em sẽ rủ ông xã mua 1 quyển về làm cẩm nang gối đầu đây
    Cảm ơn mẹ vì bài viết hữu ích nhé!
     
  20. me_thuyduong

    me_thuyduong Thành viên tập sự

    Tham gia:
    3/2/2012
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    9
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

    con em còn bé, n em cũng phải học hỏi mới đc
    cám ơn mẹ nó đã chia sẻ
     

Chia sẻ trang này