MÁI ẤM VÀ NHỮNG BỮA CƠM ...

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi THỦY NGUYÊN, 3/10/2004.

  1. THỦY NGUYÊN

    THỦY NGUYÊN Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    30/9/2004
    Bài viết:
    344
    Đã được thích:
    292
    Điểm thành tích:
    63
    Hạnh phúc gia đình không bao giờ “tự nhiên” mà có. Ngược lại, nó cần được ươm trồng, chăm bón, nuôi dưỡng… như người ta trồng cây vậy. Những say đắm của thời mới yêu nhau sẽ nhanh chóng trôi đi theo thời gian và, khi đã quyết định về chung sống với nhau, hai người sẽ đối diện với hàng loạt những chuyện của thực tế (chứ không còn là những mộng tưởng như thuở ban đầu nữa). Để tồn tại, hai vợ chồng phải giải hàng loạt những bài toán về tinh thần và vật chất. Tinh thần – là tính cách, thói quen, tâm tư, tình cảm, ước mơ… Còn vật chất – là nhà cửa, phương tiện sinh hoạt, việc làm, thu nhập, chi dùng, mua sắm… Khó có một tình yêu và hạnh phúc lâu bền, nếu một trong hai vấn đề trên không có những bước cải thiện đúng mực, hoặc những lỗ hổng không được san lấp (không ít thì nhiều đều có ở tất cả những cặp vợ chồng). Cả hai đều phải nổ lực nhằm từng bước xóa dần những khoảng cách, làm cho họ ngày càng tiến đến gần với nhau hơn, để cuối cùng là… tuy hai mà một, tuy một mà hai.

    Đã từng có người nói: “Dạ dày là con đường ngắn nhất dẫn đến… trái tim” – một câu đúc kết khá ngắn gọn, nhưng lại bao hàm một ý nghĩa lớn. Ăn – một nhu cầu không thể thiếu của con người, và chính nó cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hạnh phúc của gia đình. Bởi ăn không chỉ mang ý nghĩa thuần vật chất, mà còn là một yếu tố của tinh thần, tình cảm. Xưa nay, không phân biệt bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào… người phụ nữ thường gắn liền với trách nhiệm lo cho bữa ăn của gia đình. Thông qua những bữa cơm đó, người chồng sẽ cảm nhận được tình yêu của vợ dành cho mình, cảm nhận được sự lo toan của vợ dành cho con cái. Và cũng thông qua bữa cơm, người vợ cũng không thể nào giấu được sự lợt lạt tình cảm của mình đối với chồng, nếu có.

    Dĩ nhiên, trong thời đại ngày nay, khi phụ nữ cũng tham gia công việc của xã hội, người chồng thường không quá khắt khe trong việc đòi hỏi nơi người vợ ở việc “tề gia nội trợ”, nhưng điều đó không có nghĩa là… thế nào cũng được, sao cũng xong. Nếu trong những ngày đi làm, cả gia đình có thể ăn những bữa cơm đạm bạc (với nồi canh ăn cả ngày, với niêu cá kho ăn ba bốn bữa…) nhưng những ngày cuối tuần, rãnh rỗi mà người vợ cũng chẳng có ý thức trong việc cải thiện bữa cơm gia đình, thì cái mái ấm đó có nguy cơ chuyển thành… mái lạnh (chứ không phải máy lạnh đâu).

    Có những người vợ tỏ ra quá hời hợt hoặc kém tế nhị trong việc “chìu chồng”. Trong hàng loạt các món ăn, người vợ chỉ thích những món A, món B, món C… nhưng họ quên rằng, có khả năng người chồng sẽ không thích những món ấy, mà chỉ thích các món D, E, F… Thế nên, bất kể chồng mình thích gì, họ chỉ đi chợ và mua những thức ăn mà mình thích. Những người chồng tế nhị (muốn chìu vợ) hoặc nói ra sợ vợ cho rằng “đàn ông gì mà cứ chõ mũi vào chuyện bếp núc” nên đành làm thinh, bấm bụng mà ăn hết ngày này qua tháng nọ những món mà mình chẳng hề thích, hoặc ngấy đến tận cổ. Liệu điều gì sẽ xảy ra, nếu tình cờ một dịp nào đó, người chồng ấy đến nhà một cô bạn gái chơi và được hỏi: “Anh thích ăn những món gì, em sẽ nấu cho anh ăn…” (?!). Cứ cho rằng, mối quan hệ giữa người chồng ấy và cô bạn gái, lúc ban đầu rất trong sáng, chẳng có tình ý gì; nhưng một đàng là người vợ chỉ nấu ăn theo ý thích của cô ấy, còn cô bạn lại muốn nấu theo ý thích của… mình. Vậy thì, nếu có một “biến cố” nào đó giữa ba người ấy, phải chẳng chỉ là do lỗi của người đàn-ông-trăng-hoa và cô-gái-thứ-ba kia thôi sao ?

    Có những cặp vợ chồng tổ chức đời sống gia đình khá hay. Ngoài một số những quy ước thuộc về tính cách, thói quen được thỏa thuận (ví dụ: người chồng thích không gian thật tĩnh lặng lúc ngủ; không thích bất kỳ ai lục xét giỏ xách, đọc sổ tay…; người vợ không thích xem phim hình sự, đấm đá mà chỉ thích xem phim tình cảm; không thích chồng tặng nữ trang trong ngày sinh nhật mà chỉ thích tặng hoa…) họ còn kê ra những món ăn mà mỗi người thích. Từ bản kê đó họ thống nhất: sẽ luân phiên nấu những món ăn mà hai người thích. Bạn nhận xét thế nào, khi người chồng hỏi: “Sao tuần này anh toàn thấy em nấu những món mà anh thích vậy ?”, và tiếng người vợ đáp lại: “Em chìu anh mà. Với lại, dần dần em lại cảm thấy những món anh thích cũng rất ngon đối với em” – đó chính là hạnh phúc, và chắc chắn rằng, hạnh phúc nơi họ sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

    Những vấn đề trên tưởng chừng rất phức tạp, nhưng thật ra không đến độ rối rắm, chỉ cần cả hai cùng hiểu, quan tâm, cùng ra sức vun xới, thì “cây hạnh phúc” sẽ đơm hoa kết trái. Người ta vẫn thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – xây tổ ấm chính là những việc rất nhỏ như vậy. Nhỏ – nhưng thật đáng tiếc, bởi chẳng phải người vợ nào cũng ý thức và thực hiện được điều ấy một cách hoàn hảo, toàn tâm.

    :wink:
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi THỦY NGUYÊN
    Đang tải...


Chia sẻ trang này