Yêu khi tâm lý chưa phát triển ổn định cùng với môi trường sống dễ khiến trẻ em tuổi 13-14 bị rối loạn tâm trí. Liệu pháp điều trị hữu hiệu nhất là từ gia đình, trong khi nhiều cha mẹ chưa có kiến thức dẫn dắt con cái. Trao đổi với VnExpress.net tại hội nghị triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 27/11, bác sĩ - tiến sĩ Trần Tuấn, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), cho biết thực trạng trẻ em mắc rối loạn tâm trí do yêu sớm hiện khá phổ biến. "Yêu đương là quá trình phát triển tình cảm của trẻ, thể hiện mãnh liệt làm đổi thay tâm lý rõ rệt. Nếu đạt được mục đích trong tình yêu, trẻ phát triển theo hướng tốt. Thất bại sẽ khiến trẻ nghĩ đến tiêu cực. Nguyên nhân chính của bệnh là do trẻ yêu khi tâm lý chưa phát triển ổn định", bác sĩ Tuấn nói. Việc trẻ có tình cảm với người khác giới là điều bình thường. Quá trình yêu của trẻ phải được bố mẹ can thiệp theo hướng từ thấp đến cao, chứ không thể để nhu cầu bản năng dẫn dắt. "Bố mẹ phải khuyên trẻ không nên yêu sớm, cũng không nên ngăn cấm mà cần giáo dục để giúp cháu có khả năng kiểm soát", ông Tuấn phân tích. Theo chuyên gia này, sự quan tâm của cha mẹ đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ chưa đúng mức, nhiều trường hợp chính bố mẹ lại có cái nhìn lệch lạc. Ví dụ như khi trẻ có hành vi bất thường lại cho rằng cháu vi phạm đạo đức, dẫn đến xử lý bằng kỷ kuật chứ không nghĩ đến chuyện chữa trị khi con bị rối loạn tâm trí... "Trẻ còn đang phát triển tức là sẽ không theo ý mình muốn. Điều chúng cần lúc này là tình cảm. Do đó bố mẹ phải biết được những giai đoạn phát triển bình thường của con cái, đồng thời tạo môi trường sống để giúp con hòa nhập cộng đồng", ông Tuấn lý giải. Từng khám và điều trị cho trẻ vị thành niên rối loạn tâm trí do yêu sớm, bác sĩ Trần Văn Mau, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, cho biết trẻ nhập viện phổ biến ở lứa tuổi 13-14 với những biểu hiện lo âu, sợ hãi. Một số ít các em có biểu hiện trầm cảm. Theo bác sĩ Mau, việc trẻ rối loạn tâm trí do yêu dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc và có ý định tự tử. Những trường hợp nhẹ thì chính gia đình bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Bệnh tâm thần cũng bình thường như bao bệnh khác nên tuyệt đối không tạo khoảng cách, xa lánh mà phải phối hợp để giúp trẻ phục hồi chức năng. Những bệnh nhân nặng, có biểu hiện rõ rệt về hành vi mới nên nhập viện. Việc trẻ rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam khá phổ biến. Nguyên nhân chính được cho là việc chậm đưa giáo dục giới tính vào trường học. Trong khi nước ngoài đưa việc giảng dạy về giới tính cho các em từ cấp 2 thì ở Việt Nam hầu hết các em cấp 3 mới được học. "Tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam đang trẻ hóa, nhiều em dậy thì ngay từ cuối cấp 1. Vì vậy cần sớm đưa việc giáo dục giới tính, tâm lý tuổi dậy thì cho học sinh, tránh để tình trạng các em hổng kiến thức này dẫn đến rối loạn tâm trí", bác sĩ Mau nói. Bác sĩ Mau cũng nhận định tại Việt Nam, hầu hết bố mẹ e ngại nói chuyện với con cái về giới tính, chỉ số ít gia đình thực hiện được điều này. Hệ quả của việc chậm tiếp cận với những kiến thức về giới tính cộng với tác động từ phim ảnh không lành mạnh dễ dẫn trẻ đến có cái nhìn lệch lạc về tình cảm và tình dục. "Cách tốt nhất là khi con ở tuổi vị thành niên, gia đình cần có sự phân chia, bố nói chuyện với con trai, mẹ nói chuyện với con gái về giới tính. Điều nàu vừa giảm bớt sự e ngại từ cả hai bên và tạo hiệu quả tốt", bác sĩ này gợi ý. Các chuyên gia trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Đông Theo ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam: "Rối loạn tâm trí là một vấn đến sức khỏe cộng đồng. Rất nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các vấn đề này. Do đó, tăng cường hợp tác giữa các ngành, đặc biệt giữa hai ngành y tế và xã hội là cực kỳ cần thiết để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam". Số liệu của Bộ lao động Thương binh và Xã hội, có khoảng 10.000 người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 26 cơ sở bảo trợ xã hội ở 20 tỉnh, thành. Hiện nay Việt Nam chưa có đủ cơ sở phòng và trị liệu rối loạn tâm trí. Các cơ sở bảo trợ xã hội mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng của người tâm thần. Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 tập trung vào bốn nội dung. Đó là xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội; và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng; truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần. theo:vn
Ðề: Trẻ yêu sớm dễ rối loạn tâm trí "Tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam đang trẻ hóa, nhiều em dậy thì ngay từ cuối cấp 1. Vì vậy cần sớm đưa việc giáo dục giới tính, tâm lý tuổi dậy thì cho học sinh, tránh để tình trạng các em hổng kiến thức này dẫn đến rối loạn tâm trí" Mình nghĩ ngay cả bố mẹ cũng cần phải đi học lớp giáo dục giới tính để còn biết cách dậy con nữa