Nếu có một ai đó hỏi rằng: công trình vĩ đại nhất trong cuộc đời của bạn là gì?; mẹ sẽ trả lời rằng đó chính là việc mẹ sinh ra con. Thất bại ở lần mang thai đầu tiên khiến mẹ vừa mừng vui khôn xiết, vừa lo lắng hồi hộp khi biết tin con đang tượng hình trong bụng mẹ. Dẹp bỏ hết mọi công việc, mẹ xin nghỉ ở nhà dưỡng thai vì mẹ hiểu rằng con là món quà quý giá nhất mà ông trời đã ban cho ba mẹ. Khám thai thường xuyên, ăn uống đầy đủ, giữ cho tinh thần thoải mái là những gì mẹ đã làm để mong cho con được khỏe mạnh. Nhưng ông trời thật biết cách thử thách lòng người khi cho mẹ con ta gặp nhau quá sớm. Mặc dù mẹ đã rất cẩn thận, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, mong cho con sinh ra đủ 9 tháng 10 ngày, nhưng mới bước qua tuần thứ 32, con không đủ kiên nhẫn nằm thêm 2 tháng nữa, đã đòi ra gặp mẹ rồi. Ba ngày nằm cấp cứu trong bệnh viện, tiêm đủ thứ thuốc đắt tiền nhất, truyền hàng chục chai dịch, hy vọng giữ con thêm được ngày nào tốt ngày ấy. Bất chấp mọi nỗ lực của bác sỹ, con vẫn cứ đòi ra. Khi biết rằng mẹ không thể giữ con lâu hơn được nữa, mẹ tự an ủi mình phải can đảm hơn, cố gắng không khóc, không kêu la cho dù rất đau, cố hít thở thật sâu, làm theo hướng dẫn của bác sỹ. Nghe thấy tiếng khóc, mẹ không tin vào tai mình nữa. Con trai của mẹ đây rồi, nặng 1kg 9, dài 44cm, nhỏ xíu như chú mèo con cuộn mình trong lớp khăn ấm. "Bé chuyển lên phòng dưỡng nhi, 3 ngày nữa chị lên cho con bú nhé", cô y tá chỉ cho mẹ nhìn con chốc lát rồi vội bế con đi. Mẹ đếm từng giờ, từng phút để được gặp con. Nhìn con từ xa, trong lồng kính, dây dợ gắn đầy mình, chân tay như những que củi đạp đạp liên hồi, mẹ không kìm được nước mắt. Lần đầu tiên được ôm con vào lòng, sao mà thương con đến vậy. Người con phủ đầy một lớp lông tơ, đôi mắt he hé nhìn mẹ, cái miệng thì nhỏ xíu thế kia làm sao nuốt trọn được bầu vú đang căng sữa của mẹ. Thế rồi con cũng được về phòng với mẹ. Lo lắng cho đứa con bé bỏng, mẹ phải học rất nhiều thứ, từ việc pha sữa cho con đến việc thay tã, bỉm. Nhớ lần đầu tiên mang tã giấy cho con, mẹ phải đọc đi đọc lại từng bước hưỡng dẫn trên bao bì nhưng cuối cùng cũng phải nhờ đến cô y tá làm mẫu. Vì con quá nhỏ nên tã giấy size S dường như cũng quá rộng với con. Mẹ phải gấp một khúc cho ngắn lại, canh đều hai bên rồi dán chặt hai đầu cho vừa vặn, giữ cho nó không bị tuột xuống khi con đạp hay vặn mình. Những ngày vất vả đã qua, con được về nhà với bố mẹ sau 20 ngày nằm viện chiếu đèn vì bị vàng da nặng. Sáng sáng, sau khi tắm nắng, mẹ lau mồ hôi cho con bằng khăn khô, tiếp theo là mát xa toàn thân cho con thêm cứng cáp. Sau đó, khoảng 10 giờ sáng mới tắm cho con bằng nước ấm, sử dụng dầu gội và sữa tắm dành cho baby. Hôm nào nắng nóng thì mẹ lau rửa con thêm một lần nữa vào lúc 5h chiều. Ban đêm thì mẹ hoàn toàn yên tâm sử dụng tã giấy để cho con có giấc ngủ sâu hơn. Trộm vía, con của mẹ ăn ngoan, ngủ ngon nên ngày càng lớn nhanh, đuổi kịp các bạn sinh đủ ngày đủ tháng. Hiện nay, con đã được 5 tháng 20 ngày, nặng 8,5 kg, tuy chiều cao chỉ đạt có 65cm, biết lẫy từ lúc 4,5 tháng và đang tập ăn dặm. Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng từ ngày có con, mẹ hiểu rằng được làm mẹ và chăm sóc con là điều vô cùng thiêng liêng và hạnh phúc. Mẹ luôn đồng hành cùng con, con trai yêu quý của mẹ! [video=youtube;1xNRCTkvvtQ]http://www.youtube.com/watch?v=1xNRCTkvvtQ[/video]
Ðề: Con là công trình của mẹ Mình rất đồng quan điểm với tác giả - Sự thành đạt của con cái chính là tài sản vô giá của cha mẹ!
Ðề: Con là công trình của mẹ mẹ nó viết bài thật xúc động , cha mẹ nào cũng coi con là quan trọng nhất