34 vấn đề khi cho trẻ bú

Thảo luận trong 'Dinh dưỡng' bởi cucthan, 16/1/2005.

  1. cucthan

    cucthan Thành viên sắp chính thức

    Tham gia:
    11/12/2004
    Bài viết:
    100
    Đã được thích:
    4
    Điểm thành tích:
    18
    Cho trẻ bú

    1. Trong thời kỳ có thai, các tuyến sữa đã thay đổi như thế nào?

    Các tuyến sữa gồm các tuyến thùy và mô mỡ sản xuất ra sữa. Các mô mỡ được coi là lớp bảo vệ các tuyến thùy này và tạo cho ngực có hình nhô cao lên. Trước khi có thai, cấu tạo chủ yếu của tuyến sữa là mô mỡ. Các tuyến thùy có khả năng tiết ra sữa chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ, mặc dù hằng tháng, trước thời kỳ kinh nguyệt, các tuyến thùy này có to phồng lên về mặt kích thước. Sự thay đổi của tuyến sữa thường là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của việc có thai. Khi phụ nữ bị tắt kinh thì cũng là lúc các tuyến sữa của họ trở nên rắn hơn và rất nhạy cảm.

    Trong quá trình mang thai, da trên vú bị căng ra, có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ màu xanh nhạt. Vùng da quanh núm vú có mầu sẫm. Chỉ khi người mẹ thôi không cho con bú nữa, vùng da ở đây mới có màu nhạt hơn, nhưng không bao giờ trở lại như trước được nữa. Các nhà khoa học cho rằng, sự thay đổi màu da quanh núm vú chính là một tín hiệu giúp cho đứa trẻ dễ nhận biết và tìm được núm vú của mẹ.

    Trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú, trên đầu núm vú có xuất hiện các hạt nhỏ li ti, đó là tuyến Montgomeri. Tuyến này tiết ra một loại dịch đặc biệt làm trơn đầu vú và có tác dụng như một chất sát trùng, đồng thời giúp cho các núm vú khỏi bị kích thích mạnh. Khi người mẹ thôi cho con bú, tuyến Montgogeri này sẽ tự mất đi.

    Trong thời gian mang thai, các đầu vú cũng to ra về kích thước và có màu sẫm. Ở đầu núm vú tập trung một số lượng lớn các đầu dây thần kinh và mạch máu. Vì thế, các núm vú rất nhạy cảm. Chỉ cần có sự va chạm nhỏ tới các mô bao phủ bên ngoài là các núm vú này phồng lên. Sự nhạy cảm này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cho trẻ bú.

    Khi thai ở tháng thứ 5, tất cả các tuyến thùy có nhiệm vụ tiết ra sữa đã được hình thành. Nhưng sữa chỉ được tiết ra sau khi đẻ. Trong thời gian này, rau thai (nơi truyền cho thai nhi các chất dinh dưỡng cần thiết) tiết ra một lượng lớn oestrogen và progesteron. Các hoóc môn này có tác dụng ngăn cản sự xuất hiện của sữa trong thời kỳ mang thai. Khi rau bị loại bỏ (sau khi đứa trẻ ra đời), lượng oestrogen và progesteron trong máu người mẹ giảm đi một cách đáng kể và toàn bộ cơ chế "sản xuất" sữa được đưa vào vận hành.

    2. Sữa được tạo ra như thế nào?

    Trong thời kỳ mang thai, trong cấu trúc nội tạng của tuyến sữa diễn ra các thay đổi mạnh mẽ. Các tuyến sữa và đường sữa to ra, phồng lên; lượng máu được dồn đến đây cũng tăng đáng kể để chuẩn bị mọi điều kiện cho việc tạo sữa. Tất cả những thay đổi đó được thực hiện nhờ có các hoóc môn do trứng, rau và tuyến yên tiết ra.

    Trong mỗi một tuyến sữa có khoảng từ 15 đến 20 cấu trúc tạo ra sữa. Các cấu trúc này giống như rễ, cành và lá trên một cái cây vậy. Sữa được tạo ra ở phần trên của tuyến sữa (các phế nang). Đó là các túi nhỏ chứa các chất dinh dưỡng trong máu và chuyển chúng thành sữa. Trước khi sữa chảy xuống phía dưới đến với đứa trẻ, nó phải được vắt ra từ các phế nang. Việc đó do các cơ nội mô thực hiện. Các cơ nội mô này tạo thành một vòng cứng xung quanh các phế nang, ép chặt lại tạo ra dòng sữa chảy vào các đường sữa và cuối cùng chảy xuống phía dưới để ra đầu núm vú. Sữa được đưa vào miệng trẻ qua ống sữa nằm trong núm vú. Ống sữa này thường có từ 15 đến 20 các lỗ nhỏ nữa, người ta gọi đó là các tia sữa.

    Khi trẻ mút núm vú, trong tuyến sữa diễn ra sự phối hợp hết sức phức tạp. Việc trẻ mút vú sẽ kích thích các đầu dây thần kinh nằm ở đầu núm vú, các dây thần kinh này sẽ truyền tín hiệu tới tuyến yên nằm ở vỏ não. Tuyến yên sẽ truyền tín hiệu để tiết ra hai loại hoóc môn, đầu tiên là prolactin, sau đó là oxytocin. Prolactin kích thích các phế nang và bắt chúng tiết ra nhiều sữa hơn, oxytocin bắt các cơ nội mô vắt ra sữa. Quá trình này được coi là phản xạ truyền sữa cho con bú.

    Thường thì đa số các bà mẹ nuôi con bằng sữa đều có đủ sữa cho con bú. Nhưng cũng có trường hợp gặp khó khăn khi cho trẻ bú, vì quá trình phản xạ truyền sữa tương đối nhạy cảm đối với tình trạng tâm lý và thể chất của người mẹ.

    Sự căng thẳng, lúng túng, mệt mỏi hay sợ hãi quá mức của người mẹ có thể làm cản trở quá trình tiết sữa, khiến cho trẻ không thể bú mẹ được và sẽ rất hay quấy khóc, khó chịu. Nếu quá trình truyền sữa bị trục trặc thì trẻ sẽ chỉ bú được khoảng 1/3 số sữa so với nhu cầu thực tế của trẻ. Thường số sữa đó lại loãng và có lượng đạm thấp. Trẻ thiếu ăn sẽ khóc và quấy, người mẹ lo lắng nghĩ rằng cô ta không đủ sữa cho con bú. Thực ra, chỉ cần nghỉ ngơi hoặc cho trẻ bú ở một nơi yên tĩnh thì quá trình truyền sữa sẽ được khôi phục và trở lại hoạt động bình thường. Những người thân cần phải giúp cho người mẹ thoải mái về mặt tư tưởng bằng những lời an ủi, động viên. Thường thì mẹ cảm nhận được sự làm việc của quá trình truyền sữa, đặc biệt trong những tuần đầu tiên cho con bú. Khi mới bắt đầu cho con bú, người mẹ có thể có cảm giác ấm ở ngực. Cảm giác đau khi cho con bú cũng là một dấu hiệu của việc sữa xuống bình thường. Cảm giác đau còn có thể xuất hiện ở vùng tử cung do hoóc môn oksitosin làm co tử cung.

    Phản xạ truyền sữa có thể diễn ra ngay lập tức, cũng có khi đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nào đó. Nhiều khi giữa các lần cho trẻ bú cũng có sữa chảy ra, nhưng dần dần phản xạ truyền sửa sẽ ổn định và phụ thuộc vào trạng thái tâm sinh lý của người mẹ. Nhiều khi sự gần gũi, giọng của đứa trẻ hoặc một ý nghĩ về việc cho trẻ bú cũng làm cho sữa chảy ra. Thường thì cũng phải mất một vài tuần để phản xạ truyền sữa làm việc trôi chảy.

    3. Các tuyến sữa tạo ra cái gì?

    Dịch sữa là chất lỏng đầu tiên do tuyến sữa tạo ra. Đó là chất lỏng có độ dính, màu vàng, đậm đặc hơn sữa. Dịch sữa có nồng độ đạm cao, không chứa mỡ, giúp cho cơ thể trẻ dễ hấp thụ. Ngoài ra, dịch còn có độ kháng thể khá cao, có tác dụng đẩy phân su đọng trong ruột trẻ sau khi sinh.

    Thường thì sữa xuống tuyến sữa trong vòng 2-5 ngày sau khi sinh. Mẹ càng cho trẻ bú sớm bao nhiêu, sữa sẽ càng xuống nhanh bấy nhiêu. Sữa mẹ là chất lỏng hơi ngọt, có màu đục. Trong sữa mẹ có ít đạm, nhiều mỡ và đường (có nghĩa là lượng calo của sữa cao hơn dịch sữa).

    Sữa mẹ dần dần thay cho dịch sữa. Sữa xuống nhiều sẽ làm cho tuyến sữa to ra và căng lên. Sữa có thể tự chảy ra khỏi núm vú. Ở những bà mẹ từng nuôi con bằng sữa mẹ, sữa thường xuống nhanh hơn. Phản xạ truyền sữa diễn ra khá nhanh và mạnh. Họ thường ít khi bị sưng các tuyến sữa khi bắt đầu cho con bú.

    4. Làm thế nào để giữ cho lượng sữa ra đều?

    Bí quyết để giữ cho lượng sữa ra đều cũng rất đơn giản: Hãy cho con bú thường xuyên hơn. Các tuyến sữa tạo ra sữa theo nhu cầu. Bạn càng cho con bú nhiều thì sữa càng ra nhiều.

    Nhiều người mẹ lo lắng sợ nếu họ cho bú nhiều nhỡ hết mất sữa thì sao. Nhưng thực ra không cần phải lo lắng như vậy vì tuyến sữa làm việc liên tục. Khoảng 1 giờ sau khi cho con bú, lượng sữa đã đạt mức 40%, sau 2 giờ lượng sữa sẽ đạt mức 75% của lượng sữa đã cho con bú. Nếu sau khi cho con bú mà sữa trong bầu vẫn còn, cần phải dùng tay hoặc cái vắt sữa vắt hết sữa ra. Nếu khoảng cách những lần cho con bú quá lớn, các tuyến sữa sẽ bị thừa sữa. Điều đó làm cho áp lực của sữa tăng lên, quá trình tạo sữa sẽ bị chậm lại. Vì thế, không nên để các lần bú quá cách xa nhau.

    Một điều quan trọng nữa cần phải lưu ý là để cho con bú được tốt, cần có thời gian và sự kiên trì. Nếu việc cho con bú chưa đạt được như mong muốn của bạn cũng không sao vì phía trước còn rất nhiều thời gian, mỗi lần cho con bú sẽ làm cho phản xạ truyền sữa diễn ra mạnh hơn và lượng sữa cũng sẽ tăng dần lên.

    5. Có nên duy trì giờ cho trẻ bú cố định hay không? Nếu có thì khoảng cách giữa các lần cho trẻ bú là bao nhiêu?

    Thường người ta cho trẻ mới sinh bú khoảng 6-7 lần trong 1 ngày đêm với khoảng cách giữa các lần cho bú là từ 3-3,5 tiếng. Về đêm, khoảng cách là 6,5 tiếng. Trong vài tuần đầu tiên, số lần cho trẻ bú có thể sẽ nhiều hơn, điều đó có tác dụng kích thích quá trình tạo sữa của mẹ.

    Ngay từ những ngày đầu tiên, người mẹ cần phải theo dõi hành vi, sự quấy khóc của trẻ để cho trẻ bú, từ đó nhằm xây dựng một chế độ cho trẻ bú tùy vào từng đứa trẻ. Một trong những biểu hiện của việc trẻ đòi ăn là phản ứng của trẻ đối với mùi sữa của mẹ, chạm má vào các vật mềm (bầu vú của mẹ), quay đầu tìm mùi sữa, há mồm ra để tìm và ngậm núm vú.

    Ưu điểm chính của chế độ cho con bú là giúp cho người mẹ tổ chức tốt sinh hoạt trong ngày của mình. Một số trẻ rất dễ quen với chế độ cho con bú theo giờ, một số trẻ khác lại rất khó quen. Chế độ cho trẻ bú phải mềm dẻo nhưng cũng cần có chừng mực. Hãy chuẩn bị sẵn sàng đối với những thay đổi về tâm trạng của trẻ để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ban ngày, không nên cho trẻ ngủ quá nhiều và ăn ít bữa. Nếu trẻ ngủ nhiều hơn 5 tiếng thì cần đánh thức trẻ dậy và kiểm tra xem trẻ có bị đói hay không? Còn ban đêm không cần phải đánh thức trẻ. Nếu đói, trẻ sẽ tự tỉnh giấc.

    6. Tôi không có đủ sữa cho con bú. Vậy tôi phải cho con ăn như thế nào?

    Những bà mẹ khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ thường có đủ sữa cho con bú trong vòng khoảng 6 tháng đầu. Nếu đứa trẻ chưa được 6 tháng và nó vẫn phát triển bình thường thì có nghĩa là con bạn vẫn có đủ sữa để ăn. Việc cho trẻ ăn sữa bột quá sớm sẽ làm cho trẻ chóng bỏ bú sữa mẹ hơn. Lượng sữa bột cho trẻ ăn thêm phải phù hợp với tuổi của đứa trẻ, đồng thời phải theo dõi xem trẻ có bị đói sau khi bú sữa mẹ không đã.

    7. Có thể đổ sữa mẹ vào chai để dành được không? Nếu giữ sữa mẹ trong tủ lạnh thì được bao lâu?

    Sữa mẹ sau khi vắt ra chai có thể để trong tủ lạnh không quá 1 ngày. Nếu không có tủ lạnh, cần phải sử dụng ngay sau khi vắt ra, nếu để lâu, sữa mẹ rất dễ bị vi trùng xâm nhập và gây ra các bệnh đường ruột ở trẻ.

    8. Con tôi thường bị trớ ngay sau khi ăn. Có phải nó bị dị ứng với sữa mẹ không?

    Trớ không phải là biểu hiện của việc trẻ bị dị ứng với sữa mẹ. Trong một chứng mực nào đó, trớ là hiện tượng bình thường, rất hay gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trong nhiều trường hợp, trớ là do không khí bị trẻ nuốt vào khi ăn đẩy lên.

    9. Tôi uống kháng sinh. Điều đó có làm cho đứa con 1 tháng tuổi của tôi bị đi ngoài không?

    Việc mẹ uống kháng sinh có thể gây ỉa chảy ở con đang bú mẹ vì kháng sinh qua sữa mẹ sẽ ngấm vào đường tiêu hóa của trẻ, hạn chế mức phát triển của các loại vi khuẩn có ích, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát sinh, gây ra ỉa chảy. Tốt nhất mẹ nên hạn chế uống kháng sinh. Nếu cần phải uống kháng sinh, nên tạm ngừng cho con bú, nên vắt sữa trong bầu vú ra và thay sữa mẹ bằng sữa bột.

    10. Tôi hút thuốc. Liệu chất nicotin có truyền cho con tôi qua sữa mẹ không?

    Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, tuyệt đối không nên hút thuốc. Khi mẹ hút thuốc, không chỉ nicotin mà cả các chất độc hại khác cũng truyền cho con qua sữa mẹ, có thể gây ra những rối loạn hoặc các khối u ác tính. Cần phải nhớ rằng việc mẹ hút thuốc sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con cả những năm sau này.

    11. Những loại thức ăn nào cần tránh trong thời kỳ cho con bú?

    Người mẹ đang cho con bú cần phải được ăn uống đủ chất, chỉ cần tránh các loại thức ăn có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, gây táo bón, dị ứng cho trẻ. Nên tránh dùng nhiều chất cay, các loại gia vị như tỏi, hạt tiêu, tương ớt vì chúng sẽ làm cho sữa có mùi khó chịu.

    12. Những loại thuốc gì có thể uống được trong thời kỳ đang cho con bú?

    Tốt nhất là các bà mẹ đang cho con bú không uống thuốc vì đa số các thuốc sẽ ngấm vào sữa và có thể gây ảnh hưởng xấu đối với đứa trẻ.

    13. Mỗi lần cho trẻ bú, có cần cho bú cả hai bên không?

    Trong 2 tuần đầu tiên, nên cho trẻ bú cả hai bên vú để kích thích sữa tiết ra đều. Sau đó, khi lượng sữa tiết ra tạm đủ (không dưới 200 ml mỗi bầu vú), phải cho trẻ bú lần lượt thay đổi nhau hai bên vú. Nếu sữa còn đọng lại trong bầu vú, cần phải vắt hết ra để kích thích việc tiết sữa.

    14. Cai sữa cho trẻ và cho trẻ ăn sữa bột vào lúc nào là tốt nhất?

    Khi trẻ được 4,5-5 tháng tuổi, cần phải cho trẻ ăn thêm sữa bột. Ăn bao nhiêu thì cần hỏi bác sĩ nhi khoa. Đến 9 tháng tuổi, chỉ nên cho trẻ bú 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, cho trẻ ăn thêm 3 lần. Từ tháng thứ 10-11, cần cai sữa dần dần cho trẻ và cai sữa mẹ hẳn vào tháng 12. Lúc đầu, vào bữa sáng nên cho trẻ bú mẹ, sau đó ăn thêm sữa bột hoặc sữa tươi. Dần dần cho trẻ ăn toàn sữa bột và sữa bò. Trước khi cai hẳn sữa mẹ, nên cho trẻ bú trước khi ngủ, sau đó thay bằng sữa bột, sữa bò. Cố gắng để đến lúc cai sữa, trẻ có thể uống bằng cốc. Điều đó sẽ làm cho việc cai sữa dễ hơn. Muốn cho sữa không tiết ra nữa, nên dùng các dây vải buộc chặt tuyến sữa lại.

    15. Có thể uống rượu trong thời kỳ đang cho con bú không?

    Trong lúc đang cho con bú, người mẹ không được uống bất kỳ loại rượu nào, kể cả bia. Rượu chính là một thứ thuốc độc đối với trẻ! Nó rất dễ dàng hòa lẫn vào sữa mẹ, làm giảm sức đề kháng của trẻ, khiến cơ thể trẻ bị yếu đi, gây rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan nội tạng của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh của trẻ.

    16. Nếu tôi bị đầy bụng thì đứa con đang bú của tôi có bị đầy bụng không?

    Các thức ăn mà người mẹ đang cho con bú ăn vào sẽ ngấm vào sữa với một lượng nhỏ. Vì vậy, các loại thực phẩm rau quả như: hành, tỏi, củ cải, chocolate, đậu, bắp cải, mận, mơ... đôi khi có thể gây ra đầy hơi hoặc đi lỏng ở đứa trẻ đang bú mẹ. Nhưng nhiều đứa trẻ không bị các bệnh đó ngay cả khi mẹ chúng có ăn các loại thực phẩm, rau quả nói trên. Nếu bạn cho rằng nguyên nhân đầy hơi là do các thực phẩm gây ra thì nên tránh các loại thực phẩm, rau quả bạn nghi ngờ.

    17. Tôi đang cho con bú và tôi có uống nhiều nước hoa quả ép. Liệu điều đó có thể làm cho con tôi bị hăm không?

    Việc mẹ uống quá nhiều nước quả ép có thể làm cho đứa trẻ bị hăm dù nó được chăm sóc cẩn thận. Vì vậy, khi cho con bú, nên ăn uống vừa phải và đa dạng.

    18. Con tôi cứ 2-3 tiếng lại đòi bú một lần. Điều đó có bình thường không?

    Cho trẻ mới đẻ bú khoảng 2-3 tiếng một lần là hoàn toàn bình thường. Khi đứa trẻ lớn lên, khoảng cách giữa các lần cho bú sẽ dài hơn ra.

    19. Đứa con đầu của tôi hay bị đau bụng khi bú sữa. Liệu đứa thứ hai có bị như vậy không?

    Bệnh đau bụng không phải là bệnh mang tính di truyền. Trẻ dưới 3 tuổi hay bị đau bụng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, đứa con thứ hai của bạn có thể không bị đau bụng khi bú sữa.

    20. Việc cho con bú có làm ảnh hưởng tới bệnh vàng da của trẻ không?

    Trẻ bú sữa mẹ có thể kéo dài thời gian da bị vàng. Bệnh này xuất hiện ngay sau khi trẻ ra đời do sự khác biệt thành phần máu của mẹ với con.

    21. Việc đứa trẻ nuốt không khí vào sau khi bú có hại gì không?

    Không phải lúc nào đứa trẻ cũng nuốt không khí vào khi ăn. Nếu lượng không khí lọt vào dạ dày trẻ không nhiều cũng chẳng gây ra tác hại gì. Nhiều người cho rằng nếu không khí lọt vào đường ruột thì trẻ có thể sẽ đau bụng. Vì vậy, sau khi cho trẻ ăn xong, nên bế đứng trẻ lên để đẩy không khí ra ngoài.

    22. Tôi đang cho con bú. Làm thế nào để biết được con tôi có đủ sức để bú hay không?

    Lượng sữa cho trẻ ăn được coi là vừa đủ nếu sau khi ăn, trẻ ngủ trong khoảng 2 đến 4 tiếng.

    23. Nếu tôi cho trẻ ăn sữa bột, liệu nó có bỏ bú mẹ không?

    Đáng tiếc là việc cho trẻ ăn thêm thường làm cho trẻ bỏ bú mẹ. Ngoài ra, việc bỏ bú còn do rất nhiều nguyên nhân khác. Khi cho trẻ ăn thêm, cần tuân theo các quy định về lượng sữa, đồng thời tiến hành kích thích cho sữa tiết ra đủ để khỏi phải cho trẻ phải ăn thêm sau khi bú mẹ.

    24. Tôi bị viêm vú. Vậy tôi có phải ngừng việc cho con bú không?

    Tốt nhất nên cho trẻ tiếp tục bú nếu đầu vú không bị mưng mủ. Nếu được, có thể tăng số lần cho trẻ bú ở bên bú bị viêm vì điều đó sẽ giúp cho viêm vú chóng khỏi hơn.

    25. Tôi đang cho con bú. Vậy có nên uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc đi ngoài không?

    Nếu được, người mẹ đang cho con bú không nên dùng các loại thuốc. Nếu bị táo bón hoặc đi ngoài, tốt nhất nên áp dụng chế độ ăn kiêng để chữa trị.

    26. Sau khi ăn, con tôi kêu rất to và đập chân. Cháu có bị làm sao không?

    Có lẽ là cháu bị các cơn đau bụng. Nếu không có các triệu chứng khác thì không nên quá lo lắng. Người ta cho rằng hành động kêu và đập chân của trẻ là do hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện trong vòng 1-2 tháng. Nếu đau bụng kéo dài, cần cho trẻ tới bác sĩ khám.

    27. Có thể tiếp tục cho con bú nếu tôi bắt đầu có lại kinh nguyệt không?

    Khi có lại kinh nguyệt, không nên ngừng cho con bú. Có điều, trong những ngày mẹ có kinh nguyệt, sữa sẽ có mùi khác, do đó một số trẻ bú ít hơn bình thường hoặc bỏ bú. Ở trường hợp đó, trong vài ngày liền, bạn phải vắt hết sữa trong bầu vú ra và cho con ăn bằng sữa bột. Cần cho trẻ ăn bằng thìa để trẻ không quên vú mẹ.

    Nếu đứa trẻ vẫn tiếp tục bú mẹ khi mẹ có kinh nguyệt, nó có thể đi ngoài ra phân lỏng hoặc sẽ quấy hơn. Nhưng không nên vì thế mà ngừng cho trẻ bú.

    28. Có nên ngừng cho con bú nếu tôi có thai hay không?

    Để cùng một lúc vừa bảo đảm đủ sữa cho con bú vừa nuôi bào thai, người mẹ cần có một chế độ ăn uống đặc biệt. Nếu bạn có khả năng và điều kiện ăn uống đầy đủ thì vẫn có thể tiếp tục cho con bú được.

    29. Có thể cho trẻ uống sữa bột trong lúc đang bú mẹ không?

    Chỉ nên cho trẻ ăn thêm sữa bột trong trường hợp thiếu sữa mẹ. Nhưng nếu cho trẻ ăn sữa bột thì cần phải vắt sữa trong bầu vú ra để sữa tiếp tục ra đều. Nếu cho trẻ ăn thêm sữa bột không đúng cách, trẻ có thể bỏ bú mẹ.

    30. Liệu trẻ có bị nhiễm trùng qua sữa mẹ không?

    Việc nhiễm trùng qua đường sữa rất ít xảy ra, trừ trường hợp tuyến sữa bị viêm nhiễm. Đứa trẻ cũng có thể bị viêm nhiễm qua tiếp xúc với mẹ nếu không được bảo đảm các điều kiện về vệ sinh.

    31. Tôi phải cho con đi bú chực. Liệu thành phần sữa của tôi và những phụ nữ kia có khác nhau lắm không?

    Theo các tiêu chí cơ bản thì sữa của mọi phụ nữ đều giống nhau. Nhưng sữa của mỗi người có thể có các đặc điểm riêng do ảnh hưởng của chế độ ăn uống hoặc sinh hoạt. Ngay ở một phụ nữ, thành phần của sữa cũng thay đổi vào các thời gian khác nhau, thậm chí ngay cả lúc đầu và lúc cuối của cùng một lần cho con bú.

    Đối với trẻ không có sữa mẹ, được đi bú chực là một điều đáng quý. Nhưng nếu người cho bú chực dùng một loại thuốc nào đó thì sẽ rất có hại. Sữa của những phụ nữ hút thuốc hay uống rượu cũng có thể nguy hiểm đối với trẻ.

    32. Chế độ dinh dưỡng của người mẹ đang cho con bú thế nào là thích hợp?

    Chế độ ăn uống của mẹ phải đa dạng và đủ Vitamin. Thức ăn đơn điệu, thiếu chất sẽ gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng của sữa mẹ cũng như sự phát triển của trẻ. Việc mẹ ăn nhiều quá cũng làm ảnh hưởng tới sự tiết sữa. Người mẹ đang cho con bú cần ăn nhiều đạm (30-40 g), mỡ (không dưới 20 g), chất khoáng. Phải uống gần 3 lít nước một ngày. Hạn chế ăn hành, tỏi, các loại gia vị, cà phê, chocolate.

    33. Tôi không đủ sữa. Làm thế nào để tăng lượng sữa?

    Trước hết, cần phải chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, chế độ cho con bú và cách vắt sữa đúng. Có thể ăn thêm các loại cháo gạo nếp, móng chân giò hoặc thực hiện xoa bóp bầu vú.

    Nếu sữa không ra đủ, cần chuẩn bị các loại sữa bột cho trẻ ăn thêm. Có thể dùng sữa Pillti, Similak, Fuji, Guigoz... Chỉ nên dùng một trong các loại sữa bột kể trên. Lúc đầu, nên cho trẻ ăn khoảng 10-15 ml một, hòa lẫn với một ít sữa mẹ.

    34. Cần phải làm gì để các đầu núm vú không bị nứt?

    Để phòng tránh việc rạn nứt đầu vú, cần thường xuyên lau rửa đầu vú. Không nên rửa đầu vú bằng xà phòng (vì điều này sẽ làm xuất hiện các vết rạn) mà dùng khăn xô ướt rửa đầu núm vú. Không nên cho con bú quá 15 phút vì việc để trẻ bú lâu cũng rất dễ gây nứt đầu vú. Khi vết nứt ở đầu vú gây đau đớn, cần tới bác sĩ khám.

    (Sưu tầm)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi cucthan
    Đang tải...


  2. Haiauinc

    Haiauinc Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    11/10/2014
    Bài viết:
    2,538
    Đã được thích:
    58
    Điểm thành tích:
    98
    Thông tin chia sẻ rất hữu ích các mẹ có con nhỏ cần tham khảo để biết thêm kinh nghiệm.
     

Chia sẻ trang này