'Bất lực' với ráy tai của trẻ

Thảo luận trong 'Các vấn đề chăm sóc khác' bởi meyeuconmai_2015, 31/3/2015.

  1. meyeuconmai_2015

    meyeuconmai_2015 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    27/3/2015
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Chuyện nhỏ khó chịu
    Bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Hải, Khoa Khám bệnh, BV Việt Đức (Hà Nội) khuyến cáo: ráy tai tưởng là chuyện nhỏ, nhưng đừng coi thường. Với bé chưa vận động nhiều, việc cha mẹ dùng bông ngoáy tai cho con rất đơn giản. Nhưng khi trẻ đã ở tuổi hiếu động, việc giữ yên trẻ để dùng bông hay vật dụng lấy ráy tai rất khó. Đã có trường hợp trẻ đến khám trong tình trạng viêm tai mà “thủ phạm” là ráy tai.

    Buổi tối, trước khi đi ngủ, bé Trần Hải Đăng, bốn tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội liên tục đưa ngón tay vào lỗ tai hoặc kéo vành tai. Bé Đăng không kêu đau nên người lớn nghĩ đó là một phản xạ tự nhiên. Lâu dần, tần suất ngoáy tai bằng tay của bé nhiều hơn. Lúc này, mẹ bé mới dùng đèn soi tai và thấy cả hai bên tai của Đăng kín đầy ráy. Bố mẹ dùng bông ngoáy nhưng Đăng giằng tay phản đối. Gia đình đành đưa con đến BV kiểm tra. Sau khi thăm khám, BS cho biết tai của bé có biểu hiện viêm, tấy đỏ trong tai và rỉ nước. Nếu bé không chịu hợp tác điều trị, sẽ buộc phải gây mê để lấy ráy tai. Rất may, khi BS nhỏ thuốc, sau đó bố mẹ phối hợp với BS để trấn an bệnh nhi, cục ráy màu vàng, bên trong có màu sẫm hơi hồng đã được lấy ra.

    BS cho biết, nếu kéo dài một thời gian nữa, với tình trạng viêm nặng, chảy nước nhiều, quá trình điều trị sẽ mất thời gian hơn. Thông thường, việc tiết ra ráy tai chính là cách tai tự vệ sinh, giữ da trong tai khỏe mạnh. Ráy tai được bài tiết từ các tuyến trong ống dẫn tai, sau đó những sợi lông nhỏ sẽ đưa chất thải ra ngoài. Quá trình đưa ráy tai ra ngoài cũng giúp lấy đi bụi bẩn trong tai. Do đó, ráy tai mà ta lấy ra là “hỗn hợp” của chất sáp trong tai, bụi bẩn và tế bào da. Tuy nhiên, với những trường hợp ráy tai quá nhiều, không tự đẩy được ra ngoài thì cần can thiệp để tránh tình trạng viêm nhiễm.

    http://**********/upload_images/images/2015/03/31/bat-luc-voi-ray-tai-cua-tre.jpg

    Lợi - hại việc ráy tai
    Cũng theo BS Hải, bản thân ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng. Ráy tai có ba dạng là ướt, khô và cứng. Với ráy ướt, việc vệ sinh đơn giản. Nhưng ráy khô và cứng sẽ khó hơn. Những chuyển động của hàm như ăn uống, nói chuyện, vận động là động tác tự đẩy ráy tai ra phía ngoài. Với trường hợp ráy không ra được, bị đóng cứng, trẻ thường có những biểu hiện như ngứa tai, ù tai, nghe kém, khó chịu và luôn có hành động kéo tai, ngoáy tai bằng tay.



    “Trong trường hợp ráy khô, cứng, người lớn thường dùng bông để ngoáy tai cho trẻ. Đây là cách vô tình đẩy cục ráy vào sâu hơn, lâu ngày ráy tai sẽ tích tụ nhiều, khiến trẻ khó chịu hơn. Khi thấy trẻ bị ráy tai che kín mà không lấy ra được, cộng thêm việc trẻ kêu đau, ngoáy tai bằng tay, cần đưa trẻ đi BS chuyên khoa kiểm tra. Tùy vào từng trường hợp, BS sẽ có hướng xử lý cụ thể”, BS Nguyễn Hoàng Hải nói.

    Vệ sinh nhiều không hẳn tốt
    Nhiều người nghĩ, để tránh bệnh cho tai, nên vệ sinh hàng ngày như ngoáy bằng tăm bông, ra tiệm cắt tóc lấy ráy tai, thậm chí tạo thói quen ngoáy tai để giảm những cơn ngứa. BS Hải khuyên, không phải cứ thọc sâu vào bên trong tai để lấy ráy là tốt, mà chỉ cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài bằng vật dụng vệ sinh, đảm bảo. Thường xuyên lấy ráy tai sẽ làm mất đi lớp bảo vệ niêm mạc ống tai, thậm chí làm tai ẩm ướt, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Đó là chưa kể việc nhiều người thích “cảm giác” mạnh, thậm chí đốt lửa cồn, lấy ráy tai ở tiệm, trong khi dụng cụ không được vệ sinh, dẫn đến viêm nhiễm.

    Với trẻ em, cách an toàn nhất khi xử lý ráy tai là dùng thuốc (do BS kê toa) nhỏ vài giọt vào mỗi bên tai. Khi ấy, ráy tai sẽ nở, mềm, rất dễ dàng cho việc lấy ra. Trường hợp ráy tai cứng, khó lấy, nên đưa trẻ đến BS để xử lý. Người lớn không nên cố lấy ráy tai bằng những vật sắc, nhọn vì dễ gây trầy xước tai, thậm chí còn đẩy ráy tai vào sâu hơn. Với trẻ nhỏ dưới 18 tháng, nên vệ sinh tai nhẹ nhàng bằng khăn mềm, nước ấm. Với trẻ trên 18 tháng, khi ráy tai đã khá nhiều, thì bên cạnh việc vệ sinh hàng ngày bằng khăn, bông mềm, nếu vẫn không xử lý được ráy cứng, khô, nên đưa trẻ đến BS chuyên khoa.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi meyeuconmai_2015
    Đang tải...


Chia sẻ trang này