Đằng sau nhận xét "Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero": Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh

Chấp nhận mọi phản ứng tiêu cực, chê bai, để tạo dựng dấu ấn cho mình, đó là hướng đi thông minh của Lệ Quyên, nhưng không phải ai cũng làm được.

Mới đây, trong một bài phỏng vấn, danh ca Phương Dung đã lên tiếng nhận xét thẳng thắn về ca sĩ Lệ Quyên và các trường hợp hát Bolero tại Việt Nam. Cô nói: "Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ca sĩ nào hát tốt dòng nhạc Bolero cả. Họ chỉ hát ở tầm trung bình thôi. Theo tôi, Lệ Quyên không phải là ca sĩ dòng nhạc Bolero.

Quyên thích thì Quyên hát dòng nhạc này thôi chứ không phù hợp với dòng nhạc Bolero".

Phát ngôn này của danh ca Phương Dung một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về Lệ Quyên và Bolero, kéo theo nhiều ý kiến trái chiều, cả ủng hộ lẫn phản đối.

Vậy, Lệ Quyên có xứng đáng được xem là ca sĩ Bolero hay không và cô đã có những cống hiến gì với Bolero Việt Nam?

Lệ Quyên xứng đáng được công nhận là ca sĩ Bolero

Trong nhận xét của mình, danh ca Phương Dung có nói, "Lệ Quyên không phải là ca sĩ dòng nhạc Bolero". Điều đó có nghĩa, với quan điểm của bản thân, danh ca Phương Dung xem Bolero là một dòng nhạc (thể loại nhạc).

Nhưng trên thực tế, Bolero không phải một dòng nhạc (thể loại nhạc) riêng biệt. Từ khi ra đời vào cuối thế kỉ 18 cho tới nay, nó vẫn được định nghĩa là một điệu nhạc, tồn tại ở nhiều dòng nhạc khác nhau.

Bolero xuất phát từ từng những điệu khiêu vũ tại Tây Ban Nha và nhạc slow tempo Latin. Sau đó, nó phát triển và sinh tồn trong nhiều thể loại nhạc khác nhau, bao gồm cả Opera, thính phòng, Folk, Pop… Bolero tồn tại ở cả dạng nhạc khí lẫn vocal.

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 1.

Sau này, Bolero được phổ biến mạnh mẽ khắp vùng châu Mỹ Latin trong thế kỉ 20 và du nhập sang nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chính ca sĩ Quang Lê từng lên tiếng về việc nhầm lẫn trong vấn đề định danh Bolero. Anh nói: "Bolero là một điệu nhạc, không phải một dòng nhạc, cho nên đừng áp chung vào nhạc sến.

Bolero đến Việt Nam mình chỉ gần 70 năm thôi nhưng có trên thế giới cả 200 năm rồi. Chứng tỏ bolero là giai điệu quá tuyệt vời và được mọi người trên thế giới yêu thích, tôn trọng".

  • Tại Việt Nam, Bolero xuất hiện từ thập niên 50. Thời gian này, phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nên nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống, và Bolero thích hợp hơn cả.

Những nhạc sĩ tiên phong trong việc tạo dựng diện mạo Bolero Việt Nam trong thời kỳ đầu là Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương.

Bolero Việt Nam chịu ảnh hưởng của các điệu nhạc trữ tình quê hương miền Nam, nên khác với Bolero của Tây Ban Nha hay Latin, nó chậm hơn, gần với Rumba.

Đặc biệt, khi hát, ca sĩ thường thêm những luyến láy, nỉ non, trễ nải của mình vào để tăng sự mùi mẫn, phù hợp với không khí thời đại.

Vì vậy, cho đến sau này, nhiều người mặc định rằng, hát Bolero là phải mùi mẫn, luyến láy mượt mà. Nhưng trên thực tế, không có quy chuẩn nào yêu cầu ca sĩ phải hát Bolero như vậy.

Trong thập niên 60, 70, Bolero và Slow Rock trở thành hai điệu nhạc chính của thể loại (dòng) nhạc Vàng. Bởi vậy, nhiều người bị nhầm lẫn giữa Bolero và nhạc Vàng, từ đó mặc định hát Bolero là phải giống nhạc Vàng, với kiểu hát mùi mẫn, sầu não.

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 3.

Tuy nhiên, trên thực tế, Bolero hoàn toàn có thể hát hoặc hòa khí với nhiều phong cách, cách hát khác nhau. Nó có thể nhanh hoặc chậm, sôi động hoặc buồn rầu, có thể là Ballad, trữ tình, nhưng cũng có thể là Chachacha, giao hưởng…

 

Như vậy, rất có thể danh ca Phương Dung đang lấy Bolero Việt Nam trong thập niên 60, 70 làm chuẩn mực để đánh giá chung về các ca sĩ hát Bolero. Nhưng thực chất, Bolero Việt Nam nguyên thủy chỉ là một nhánh của Bolero đương đại.

Có thể Lệ Quyên không hát được Bolero theo đúng chuẩn mực của các danh ca Bolero thập niên 60, 70, nhưng rõ ràng cô đang hát và theo đuổi những ca khúc có điệu Bolero, lấy điệu Bolero làm chủ đạo.

Bản thân Lệ Quyên vẫn hát được điệu Bolero theo đúng nghĩa của nó (chỉ tính về giai điệu), nên vẫn phải công nhận cô là một ca sĩ Bolero, tương tự như Đàm Vĩnh Hưng.

Nói cách khác, một dòng nhạc hay điệu nhạc bao giờ cũng có nhiều phân nhánh. Chẳng hạn, trong Rock có đến cả trăm loại Rock khác nhau. Một ca sĩ hát Ballad Rock không thể gào, gằn giọng điên đảo như ca sĩ Metal Rock, nhưng họ vẫn được xem là một ca sĩ Rock.

Hay, Adele không thể hát Soul man dại, máu lửa như Aretha Frankin, nhưng cô vẫn được công nhận là ca sĩ tài năng của dòng nhạc Soul.

Bởi vậy, Lệ Quyên dù không hát Bolero theo đúng chuẩn của các danh ca Bolero Việt Nam thập niên 60, 70, nhưng với những cống hiến, đóng góp của mình, cô vẫn xứng đáng được công nhận là một ca sĩ Bolero, như lời Đàm Vĩnh Hưng từng nói:

"Tôi nghĩ Lệ Quyên đã cảm nhận rõ nhất về mình ở thời điểm này khi cô ấy nói đây là thời điểm chín muồi để cô ấy hát Bolero.

Giống như Lệ Quyên, ngày xưa khi tôi chuyển sang con đường hát Bolero, nhạc xưa, tôi gặp phải rất nhiều sự nghi ngờ, hoài nghi của khán giả.

Cuối cùng thì thời gian cũng trả lời tất cả. Cho đến giờ phút này, Lệ Quyên là ca sĩ Bolero rất hot và có trường phái riêng của cô ấy về Bolero, từ cách luyến láy riêng tới cách nhả chữ, chọn bài.

Với một người tài năng, có tầm ảnh hưởng và sự đi tiếp về dòng nhạc như Lệ Quyên là điều đáng mừng".

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 5.

Bolero của Lệ Quyên không phải "Bolero nguyên bản", "Bolero thực thụ" theo định kiến của một nhóm người, nhưng xét cho cùng, nó vẫn là Bolero – một thứ Bolero hiện đại, kiểu mới, phù hợp với khán giả đại chúng.

Vượt qua định kiến để hát Bolero kiểu mới và những đóng góp với nền Bolero Việt Nam

Lệ Quyên xuất thân từ một ca sĩ nhạc trẻ, không được học hành bài bản trường lớp, cũng không sinh trưởng trong môi trường Bolero truyền thống.

Bởi vậy, điều hiển nhiên là Lệ Quyên không thể hát Bolero Việt theo những cách hát truyền thống của các danh ca đi trước, cũng không thể hát với tâm hồn của thế hệ thập niên 60, 70, 80 hay 90.

Xét về nhược điểm, Lệ Quyên không có legato tốt, không chuyển giọng mượt mà hay có được những kĩ thuật về giữ hơi, ém hơi, nhả chữ, luyến láy theo đúng chuẩn của những danh ca Bolero như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Phương Dung, Giao Linh, Hương Lan…

Tuy nhiên, Lệ Quyên vẫn có những nét riêng của mình khi hát Bolero. Và cô đã phát huy được nó để tạo nên chất Bolero, sức lôi cuốn riêng có. Không phải ngẫu nhiên hay ăn may mà Lệ Quyên trở thành cái tên bán vé ăn khách cho các đêm nhạc Bolero ở cả trong nước lẫn hải ngoại.

Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung từng nói: "Khi Lệ Quyên sang Mỹ, cô ấy trình diễn cùng tôi trên một sân khấu. Tôi và Lệ Quyên là hai tên tuổi để bán vé".

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 7.

Lệ Quyên là một nữ trung (mezzo soprano) sở hữu chất giọng có âm sắc khá đặc biệt, hơi khàn theo kiểu rapsy và có độ khào nhẹ, hơi vỡ theo một chút xu hướng giọng hỏa.

  • Những chất giọng kiểu này thường bị chê là không đẹp, không sạch. Tuy nhiên, nó lại rất nổi bật, có màu riêng, chất riêng, chỉ cần nghe qua cũng nhận ra và dễ dàng nổi bật hơn nhiều ca sĩ khác.

Với âm nhạc đại chúng, khán giả cần những giọng hát như vậy hơn kiểu giọng bay bổng, đẹp không tỳ vết nhưng cũng trôi tuột, không mang chút dấu ấn nào.

Nếu xét theo chuẩn mực truyền thống, chất giọng khàn là một bất lợi với Lệ Quyên khi hát Bolero, vì nó sẽ khiến cô không thể hát mượt mà, trong trẻo được.

Tuy nhiên, Lệ Quyên đã khôn khéo biến bất lợi này thành lợi thế của mình, tạo nên phong cách riêng khi hát Bolero. Tất cả đều nằm trong tư duy, chiến lược của Lệ Quyên, chứ không phải ăn may một cách phù phiếm.

Lệ Quyên không sử dụng nhiều kĩ thuật khi hát, đặc biệt về giả thanh, chuyển giọng. Cô hát chủ yếu bằng giọng thật của mình, với đậm đặc chest voice (lối hát chesty), để phát huy tối đa âm sắc tự nhiên vốn có.

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 9.

Điều này giúp cô trở nên khác biệt hoàn toàn với vô số giọng Bolero bay bổng, ngọt ngào, nữ tính kiểu truyền thống.

Biết legato của mình không đẹp, Lệ Quyên chuyển sang hát nhiều hơn với break vocal, tạo độ vỡ, đứt gãy cho giọng hát ở những đoạn ngắt, chuyển nhịp, biến ca khúc trở nên nức nở, cảm xúc theo một cách rất riêng.

Không những vậy, kiểu hát này còn vô tình hợp như in với chất giọng khàn của cô, giúp "đập vỡ" giọng hát thành nhiều mảnh để trải vào lòng khán giả. Trên thế giới, có khá nhiều ca sĩ sử dụng break vocal khi hát, để phát huy được chất riêng trong màu giọng hơi khàn của họ, như Mariah Carey (giai đoạn sau), Kim Burrell…

Nhờ đó, Lệ Quyên tạo được độ "trải", độ "phủi" cho những ca khúc Bolero của mình, giúp nó gần hơn với tai nghe của khán giả bình dân. Đó là lí do vì sao Bolero của Lệ Quyên có độ phủ sóng rất lớn, len lỏi từ không gian nhà hát tới quán xá, xe khách, đường phố…

Lệ Quyên không xử lí quá nhiều kĩ thuật khi hát Bolero. Thay vào đó, cô chú trọng tới việc hát sao cho thật giọng, tự nhiên nhất. Đến vibrato, cô cũng rung ở cổ và tự làm nó đứt gãy, tạo độ run rẩy cho câu hát.

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 10.

Các note cao của Lệ Quyên thường không mở mà đóng lại, đẩy lên nasal voice. Cô cũng thường ngắt hơi một cách bất thường giữa các câu nhạc. Những điều này đi lệch khỏi chuẩn mực thanh nhạc, nhưng tạo hiệu ứng riêng cho người nghe, nâng cao hiệu quả cảm xúc theo cách mới mẻ hơn.

Đôi khi, Lệ Quyên chuyển giọng, nhưng ngắt nhanh và dứt câu chớp nhoáng, không thực hiện các lối hát ngâm nga, kéo dài. Điều này tạo nên một chất Bolero khá mạnh mẽ, dứt khoát và "đời", nhưng vẫn thật "đàn bà", đam mê, chứ không hời hợt, vì luôn có điểm nhấn rõ ràng.

Lệ Quyên từng nói: "Nghệ thuật cần sự sáng tạo nhưng sáng tạo không đúng sẽ ảnh hưởng đến chính hình ảnh và sự nghiệp của các bạn.

Với Bolero, không phải là bạn hát hay hay hát dở mà quan trọng là phải có Bolero trong huyết quản của mình. Tôi đã nhắc đi nhắc lại điều đó rất nhiều lần rồi".

Người ta có thể khen Lệ Quyên hát Bolero hay, chê Lệ Quyên hát Bolero dở, nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, Lệ Quyên hát Bolero rất riêng, không đụng hàng và không dẫm lên chân người đi trước.

Và bằng chính cái riêng có của mình, Lệ Quyên đã tạo nên một diện mạo mới cho Bolero Việt trong thời kì mới (từ 2010 trở lại), khác với Bolero từ thập niên 90 đổ về trước.

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 11.

Bolero của Lệ Quyên không phải kiểu Bolero mang âm hưởng trữ tình quê hương hay tiền chiến, mà là Bolero thuần Pop, nhẹ nhàng, hiện đại, trẻ trung, đắm say yêu đương. Nó không quá sầu não, mà nhiều sức sống hơn.

Nhiều người tỏ ra khó chịu khi nghe Lệ Quyên hát Bolero bằng giọng Bắc, nhưng cũng chính cái giọng Bắc ấy lại tạo nên điểm nhấn riêng cho cô, khác biệt với những thế hệ danh ca Bolero khác.

Không thể phủ nhận, Lệ Quyên là ca sĩ miền Bắc hát Bolero bằng giọng Bắc thành công nhất tính đến thời điểm này. Đây là một đóng góp khá lớn của cô với Bolero Việt.

Lệ Quyên không cần phải bẻ cong giọng hát hay cố gắng bắt chước người khác để tự bôi mờ mình đi. Dù biết sẽ bị chê trách, nhưng cô vẫn phát huy cái riêng của chính mình, lấy nó để chinh phục khán giả.

Cái giá Lệ Quyên nhận được cho sự mạo hiểm của mình là thành công. Ít ra, trong 10 người nghe, có 4 người ghét thì cũng tới 6 người thích Lệ Quyên, còn hơn là cả 10 người đều không ghét, cũng không thích.

Đằng sau nhận xét Lệ Quyên không phù hợp với nhạc Bolero: Nỗi đau và cái giá của một kẻ bản lĩnh - Ảnh 12.

Chấp nhận mọi định kiến, phản ứng tiêu cực, chê bai, để tạo dựng dấu ấn cho mình, đó là hướng đi thông minh của Lệ Quyên, nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu không đủ bản lĩnh, ca sĩ sẽ coi đó là nỗi đau, dễ dàng gục ngã để rồi trở nên nhạt nhòa như số đông.

Nhờ đó, Lệ Quyên đã là một trong số ít ca sĩ của thế hệ mới đem Bolero sốt trở lại với công chúng sau nhiều năm bình lặng, chinh phục từ Nam ra Bắc, từ khán giả có tuổi tới khán giả trẻ, từ trí thức tới bình dân, lao động, để gây nhiều sóng gió, tranh cãi.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phải thừa nhận, Lệ Quyên xứng đáng là một mắt xích trong tiến trình Bolero Việt Nam.

 

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang