Đói/no là trách nhiệm của con! – Kinh nghiệm cực “gắt” của bà mẹ trị con biếng ăn

Một bà mẹ đã chia sẻ toàn bộ những kinh nghiệm “xương máu” của mình trong cuộc chiến chống lại thói biếng ăn của cậu con trai nhỏ.

Nhiều bà mẹ cứ nghĩ đến việc cho con ăn là cảm thấy ngao ngán, phiền muộn nhất là khi trẻ không chịu ăn đủ lượng, có vẻ thiếu cân hay thấp hơn so với các bảng tiêu chuẩn thông thường hoặc bạn bè cùng trang lứa. Việc mẹ cố gắng ép con ăn hay bù đắp cho trẻ bằng nhiều thực phẩm bồi bổ càng khiến bé coi đồ ăn, thức uống là một điều gì đó khủng khiếp, thay vì trân trọng và yêu thích.

Đói/no là trách nhiệm của con! – Kinh nghiệm cực “gắt” của bà mẹ chống con kén ăn - Ảnh 1.

Con kén ăn, mỗi bữa đều như một cuộc chiến của sự ép uổng, nhăn nhó và nước mắt (Ảnh minh họa)

Bản năng của mẹ là chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Khi bản thân người mẹ cảm thấy dường như con ăn ít sẽ lo lắng và sợ hãi cho rằng con lớn lên yếu ớt, không phát triển hết tiềm năng của mình. Tuy nhiên, những miếng cơm "chan đầy nước mắt" đó có thực sự tốt cho trẻ?

Một bà mẹ trẻ Philippines đã chia sẻ vốn kinh nghiệm quý giá của chính bản thân mình trong cuộc chiến chống kén ăn của con. Nhờ kiến thức có được từ cuốn Division of Responsibility Feeding (Tạm dịch: Trách nhiệm từng cá nhân trong ăn uống) của tác giả Ellyn Satter, người mẹ này đã đúc rút và áp dụng thực tiễn với chính cậu con trai nhỏ đang trong giai đoạn biếng ăn của mình. Theo đó, mẹ sẽ chịu trách nhiệm về những loại thực phẩm sẽ cho con ăn, ăn khi nào và ăn ở đâu. Trách nhiệm của con là liệu con sẽ ăn thức ăn mẹ nấu hay không, nếu ăn thì sẽ ăn bao nhiêu.

Đói/no là trách nhiệm của con! – Kinh nghiệm cực “gắt” của bà mẹ chống con kén ăn - Ảnh 2.
 

Cụ thể, mẹ sẽ sắp xếp bữa ăn vào một thời gian và địa điểm nhất định, sau đó là chuẩn bị cho con các thực đơn khoa học, những món ăn ngon và hấp dẫn cả về nội dung lẫn hình thức. Nhiệm vụ của mẹ sẽ kết thúc tại đây. Nhiệm vụ của con sẽ là tự mình quyết định sẽ ăn bao nhiêu, đói hay no sẽ thuộc trách nhiệm của con. Nếu con đề nghị cho con thêm thời gian để ăn, mẹ hãy đồng ý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bé cũng sẽ không ăn bất cứ món nào mẹ nấu. Lúc này, mẹ hãy thử 7 giải pháp tích cực giúp con thoải mái và bắt đầu một bữa ăn thật ngon miệng sau đây:

1. Cho phép con ngồi trên một chiếc ghế cao và thoải mái. Không gian cho bữa ăn là nơi mà trẻ có thể ăn uống tùy thích, được thỏa sức khám phá và thử nghiệm các món ăn đa dạng khác nhau.

2. Sắp xếp thời gian bữa chính-bữa phụ hợp lý. Thông thường, khoảng cách phù hợp cho 2 bữa ăn này sẽ là 2-2,5 giờ.

3. Mẹ chú ý chuẩn bị 3 nhóm thực phẩm khác nhau trong bữa ăn, và luôn luôn có nhóm thực phẩm yêu thích dành riêng cho con, tức là món mà chắc chắn bé sẽ ăn được. Điều này nhằm đảm bảo bé sẽ vẫn ăn được ít nhất 1 món đó cho dù sẽ bỏ, không ăn các nhóm thức ăn còn lại. Nếu bé vẫn không ăn món yêu thích đó, cũng có thể do con không đói.

Đói/no là trách nhiệm của con! – Kinh nghiệm cực “gắt” của bà mẹ trị con biếng ăn - Ảnh 4.

Không cho con uống bất cứ loại đồ uống nào trong bữa ăn (Ảnh minh họa).

4. Nếu bé đòi ăn món khác, mẹ chỉ cần giải thích đơn giản là món đó không có trong thực đơn, nếu con muốn ăn thì phải chờ bữa khác.

5. Trong bữa ăn, mẹ không nên cho con uống sữa hay thức uống nào khác, trừ nước lọc. Đồ ăn vặt hay các đồ ăn không cần thiết khác cũng cần loại ra khỏi bữa ăn để bé có thể tập trung vào các món chính.

6. Mẹ hãy cứ chuẩn bị thức ăn đa dạng cho dù bé có thể không động đến. Hãy cứ ăn các món ăn một cách bình thường mà không cần quá hy vọng bé sẽ ăn cùng. Nhưng rất có thể bé sẽ thử món mới vào một ngày nào đó đấy mẹ nhé.

7. Dạy con các câu nói xin phép, hành động thể hiện con đã ăn xong khi con muốn kết thúc bữa ăn của mình.

Đói/no là trách nhiệm của con! – Kinh nghiệm cực “gắt” của bà mẹ chống con kén ăn - Ảnh 3.

Con trở nên cởi mở và ham ăn hơn (Ảnh minh họa)

Bà mẹ trẻ cho hay: "Khi bắt đầu áp dụng những chiến lược này và trao quyền cho con trai có trách nhiệm hơn với việc ăn uống của chính mình, thì tôi cũng phải từ bỏ quyền kiểm soát bữa ăn của con. Tôi không bón hay ép con ăn nữa, tôi phải tự nghĩ là con đã ăn đủ no rồi. Tôi chỉ làm hết trách nhiệm của mình, còn việc ăn đói hay no thuộc phần trách nhiệm của con. Chính điều này cho phép con cảm thấy đói, đó là một chất xúc tác tuyệt vời kích thích cơn thèm ăn của con."

Kết quả khả quan sau khi bà mẹ áp dụng phương pháp mới này, thay vì ép con ăn các món ăn mà mẹ cho là ngon và bổ dưỡng, thì nay con được quyền tự lựa chọn, con trở nên cởi mở hơn khi muốn thử món mới. Chắc chắn các bà mẹ khi áp dụng phương pháp này sẽ phải rất kiên định và dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đồ ăn cho con, nhưng kết quả là con bớt kén ăn, bữa ăn của con không còn nước mắt và sự giận dữ thì cũng rất đáng để thử, phải không các mẹ.

Nguồn: Parent

 

Link bài gốc: http://ttvn.toquoc.vn/nuoi-day-con/doi-no-la-trach-nhiem-cua-con-kinh-nghiem-cuc-gat-cua-ba-me-tri-con-bieng-an-2220201127828525.htm

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang