Những bài viết của TSGD Nguyễn Thụy Anh (tạp chí Mẹ và Bé)

Thảo luận trong 'Cư xử với con' bởi bach_duong, 26/3/2010.

  1. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Chào các mẹ! Mình có bà chị học ở Nga về, là tiến sĩ giáo dục học, hay cộng tác với tạp chí Mẹ và Bé ở mục Tâm lý lứa tuổi và Mục "Bố ơi, vì sao...?". Mấy hôm vừa rồi mới để ý đọc bài của bác thấy cũng hay hay, dễ hiểu, nên post lên đây để các mẹ cùng đọc cho vui nhé. Khoe chị một chút .
    Nói thêm, chị tớ khi viết các bài về giáo dục thường dùng bút danh Nguyễn Thụy Anh, Thụy Anh, Hữu Phúc, bố Tấn. Trên Tuổi trẻ cuối tuần, chị ấy hay viết Câu chuyện giáo dục, nick là Song Anh. Hầu như toàn là những câu chuyện có thật của chị ấy thôi đấy
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi bach_duong
    Đang tải...


  2. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Yêu cho roi cho vọt…?

    Gần đây, rộ lên câu chuyện «Thày đánh trò» ở khắp các mặt báo. Có báo còn đăng hẳn diễn đàn «Có nên dạy trẻ bằng roi vọt ?». Lạ thay, có đến 67% người giơ tay ủng hộ việc yêu bằng roi thương bằng vọt này. Nhân ngày 20-11 sắp đến, tôi cũng muốn mạn phép bàn đôi chút về chuyện này với bạn đọc Mẹ và Bé, hy vọng tìm được người đồng cảm.

    Có ba câu chuyện tôi được chứng kiến như thế này, đều là câu chuyện những cái roi...

    Câu chuyện thứ nhất:


    - Nam, con nằm xuống đây... Con có biết hôm nay con có lỗi gì chưa ?
    - Rồi ạ. Con hiểu rồi bố ạ. Con để em trong nhà mà bỏ đi chơi, như thế là rất nguy hiểm, không có trách nhiệm khi bố mẹ giao cho trông em…
    - Con đã hiểu. Vậy bố đánh con ba roi để con nhớ. Việc này, bố mong con không lặp lại nữa. Cứ nghĩ đến lúc có thể có chuyện xảy ra với em, là bố mẹ đã run cả lên rồi!

    Ba roi. Một chút nước mắt. Và gương mặt hối lỗi của cậu con trai.

    Câu chuyện thứ hai:


    Lãm, 6 tuổi, gào lên, khóc váng cả khu nhà. Mẹ Lãm dùng thước thợ may, quật túi bụi vào Lãm. Cậu bé nhảy như choi choi để tránh đòn, gào: “Con sợ rồi… Con xin lỗi mẹ!”. Mẹ cậu vừa đánh vừa thở hổn hển: “Lần sau còn như thế nữa, tao đánh chết, hiểu chưa?”. Hỏi ra mới biết, cậu bé lấy cọc tiền của mẹ để trên bàn chưa kịp cất, mang xuống nhà… cho các bạn! Sau trận đòn, Lãm ngơ ngác, như chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

    Câu chuyện thứ ba:

    Theo Tuổi trẻ online, ngày 22-10, tại phiên họp hội đồng giáo viên, ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Hiền (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) công bố quyết định kỷ luật giáo viên Võ Hồng Tân với mức độ "cảnh cáo toàn trường" thời gian một năm vì đánh học sinh, trong đó có một học sinh bị thủng màng nhĩ. Ông này đã dùng nhánh cây và tay đánh gần 20 học sinh của trường, trong đó em Nguyễn Cảnh Phúc (học sinh lớp 7/1) đã bị thủng nhĩ tai trái.

    Một phương pháp giáo dục hay sự bất lực của người lớn?


    Với câu chuyện đầu tiên, đương nhiên, đó là một phương pháp dạy con của người cha – một trong hàng trăm kiểu phương pháp giáo dục con người khác nhau. Lấy roi vọt và sự trừng phạt trực tiếp vào cơ thể con để tạo ấn tượng mạnh, khiến con phải nhớ để không còn tái phạm, nhưng đồng thời, không quên một điều quan trọng, đó là quyền “được tham gia” của trẻ. Trẻ được biết lý do bị đánh, được phát biểu ý kiến trước khi nhận hình phạt. Ngọn roi có thể đau, có thể vừa phải, nhưng không nặng về số lượng, và không phải là cách bố mẹ hay thày cô dùng để “đánh cho hả giận”.

    Với câu chuyện thứ hai, đó hoàn toàn không phải là một phương pháp giáo dục. Tiếc thay, những trường hợp như thế này quá nhiều trong cuộc sống hôm nay, giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là giữa thày cô giáo và học trò. Cha mẹ nói, con không nghe, thế là nổi điên lên, cầm thước vụt cho thật lực, vụt đến nỗi gãy cả thước vẫn chưa dừng. Cô hỏi, trò không trả lời, hay tỏ ra bướng bỉnh, thế là cứ nhè tai mà véo, thước quật vào chân vào tay, cho thỏa cơn bực mình. Với câu chuyện này, người lớn nhận được hai cái lợi. Thứ nhất là xả được stress: những cơn giận không cần phải kìm nén, cứ trút ra, và nhanh chóng hạ hỏa, lại vui vẻ như thường! Thứ hai là, thằng con hay đứa học trò sợ mất mật, sau này nói gì cũng cum cúp mà nghe – ít nhất thì người lớn cũng nghĩ vậy.

    Với trò, có thể có hai cảm giác. Hoặc là phát hoảng lên vì “cơn điên” của người lớn, rút được kinh nghiệm đau đớn về thể xác, sau này tránh không còn tái phạm. Hoặc là ban đầu thì hoảng, nhưng rồi quên cũng nhanh, vẫn tái phạm, cho dù cũng sợ đòn. Lúc bị đánh thì van xin tha lỗi “con chừa rồi, từ nay con sẽ không thế nữa…” ầm ĩ, nhưng sau, đâu lại vào đấy. Người ta gọi dạng trẻ này là dạng “lì đòn”, và xếp vào loại trẻ hư!

    Bất luận thế nào, trẻ cũng vẫn nhận được những bài học,, nhưng là bài học dựa trên tâm lý tiêu cực. Chúng có thể sẽ rất sợ thày cô, song xa lánh người thày và không tìm thấy ở thày cô mình một người bạn lớn. Hoặc ngược lại, tiêu cực hơn, chúng sẽ thầm coi thường thày cô, người không có cách nào khác tốt hơn để tiếp cận với chúng mà phải dùng đến roi vọt, người đã không biết kiềm chế cảm xúc và chế ngự cơn giận của mình trước học trò. Kết quả thế nào ở kiểu giáo dục ấy, hẳn mỗi người đều hiểu.

    Người ta, khi bất lực, thì thường nổi điên. Thày cô, người lớn, khi không biết giải quyết việc trò lười, trò bướng thế nào, thì nhờ đến đòn roi. Đó phải chăng là cách giáo dục tốt? Một cái véo tay, cái dúi đầu khi trò viết chưa đẹp. Một cái tát khi em bé tuổi mẫu giáo ăn chưa nhanh, đánh đổ canh ra nhà. Một cái véo nhẹ vào mạng sườn, một cái đá vào mông… Thậm chí, có trường hợp, cô giáo còn cho phép Tổ trưởng, lớp trưởng hay học sinh lớn hơn đánh bạn bằng thước kẻ, phạt bạn bằng một hình thức nào đó để “dằn mặt”! Tất cả những điều đó đều được liệt vào hình thức bạo lực học đường, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ.

    Câu chuyện thứ ba – đó là một tội ác! Riêng việc thày cô giáo “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mạnh đến mức trẻ mang thương tật, không thể dùng chiêu bài “giáo dục” để che giấu cho một tội danh “xâm phạm thân thể người khác”, và không thể dùng mức độ “cảnh cáo” thay cho việc chịu trách nhiệm trước pháp luật.


    Thời của roi vọt đã qua


    Nếu bạn chọn cách dạy con dạy trò bằng roi, bạn lấy uy trước mắt trẻ bằng hình ảnh một ông bố, bà mẹ hoặc một ông thày dữ đòn – đó là lựa chọn của bạn. Nhưng có những nguyên tắc cần nhớ:
    - Vị trí “ra đòn” không gây nguy hiểm cho trẻ, hãy chọn phần mềm – mông.
    - Hãy tránh tát má trẻ! Đối với một người bình thường, tát má là xúc phạm danh dự, mang lại tổn thương về mặt tinh thần rất lớn
    - Trước khi đánh trẻ, phải nói chuyện một cách bình tĩnh về sai phạm của trẻ, để trẻ thấy rằng, hình phạt này có lý.



    Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, thời đại mới của thế kỷ 21 không còn là thời của roi vọt, bất kể bạn là người Á Đông hay Âu, Mỹ… Thế hệ trẻ ngày nay, với những cập nhật đầy đủ về tri thức, thông tin… ngày càng ý thức rõ hơn về sự bình đẳng, sự công bằng và đòi hỏi được tôn trọng. Phương pháp giáo dục tốt nhất vẫn là, tìm con đường tiếp cận trẻ bằng trái tim, bằng sự chia sẻ và chấp nhận một đứa trẻ như một cá thể độc lập và đặc biệt trong vũ trụ.

    Đặt câu hỏi ngược lại, vậy khi trẻ (bị coi là) hư, hỗn, láo… thì giải quyết thế nào đây nếu không chọn cái roi?


    Đương nhiên, không thể trả lời câu hỏi này ngay lập tức, bằng vài ba đề xuất. Đáp án của câu hỏi cũng là điều mà cả một hệ thống giáo dục và khoa học về con người hướng tới. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, trong tâm hồn mỗi một đứa trẻ đều có một con đường tiếp cận riêng, và tìm ra con đường ấy là việc mỗi nhà sư phạm cần đặt ra khi đã quyết tâm chọn nghề này.

    Để kết luận, tôi xin kể câu chuyện của riêng tôi.

    Ngày tôi còn nhỏ, bố tôi, một quân nhân, cũng rất hay phải dùng đến roi vọt. Đặc biệt, những lần nào tôi cho là ông đánh oan tôi, thì tôi nhớ rất kỹ, nhớ đến tận khi lớn lên, đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ, mình đã gắng chịu đau để nở một nụ cười bướng bỉnh ra sao, khiến ông càng nổi nóng. Và chỉ sau khi xong việc, tôi mới trốn vào nhà tắm ngồi khóc một mình.

    Từ khi tôi lên 10 tuổi, bố tôi quyết định không dùng đến cái roi nữa. Ông đã dùng một phương cách khác để uốn nắn tôi – đó là cái bút. Mỗi lần tôi có lỗi, ông viết vào một tờ giấy, trong đó ghi rõ, vì sao bố mẹ giận, và theo bố, con phải làm gì. Đi học về, tôi nhặt được tờ giấy trong ngăn bàn. Có thể tôi sẽ tự ái, sẽ bực mình. Nhưng những điều đó nhanh chóng qua đi. Một vài tiếng sau, tôi đã có thời gian để hiểu, bố có lý ở đâu, mình sai chỗ nào. Nếu không phục, tôi … cầm bút, và viết lại một tờ “tường trình” để trên mặt bàn cho bố.

    Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, nhưng đó quả là một con đường tuyệt vời mà bố tôi đã tìm ra, để tiếp cận với suy nghĩ, tâm hồn của đứa trẻ bướng bỉnh của người.

    Đương nhiên, tôi không cho rằng đó là phương kế hay cho cả những người khác. Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn phương cách để tác động vào tâm tư của một đứa bé – là con của bạn, hay là học trò của bạn cũng vậy.

    Riêng với các thày cô giáo, tôi tin rằng, nếu đứng ở vị trí một người cha, người mẹ đối với đứa học trò nhỏ, sẽ không nỡ gây cho trò sự đau đớn về thể xác như những trường hợp chúng ta đã biết gần đây.

    Thụy Anh
    Tạp chí MẸ&BÉ
     
    Sửa lần cuối: 26/3/2010
  3. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Khi bé con nhút nhát…
    Không ít lần, tôi thấy bạn bè xung quanh kêu ca về một hiện tượng phổ biến đối với các bé tuổi mẫu giáo (từ 3 tuổi trở lên), là con quá nhút nhát ! Ở nhà chả sao, cứ động ra khỏi nhà là rúm lại, bám chặt lưng mẹ. Ai hỏi thì trả lời lí nhí. Bảo hát chả hát, mà ở nhà thì hát hết bài nọ đến bài kia. Chán ghê cơ! Bạn Tùng nhà hàng xóm đi đâu cũng đàng hoàng, bỏ đấy một mình với các chú các bác cũng chả thèm nhìn xem mẹ đâu, chả sợ gì! Sướng thật!

    Thực ra, có cần phải lo lắng đến thế không?

    Nếu đó là bản tính của đứa trẻ?

    «Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính»... Ai mà biết được, có thể hơi nhút nhát e dè, dễ đỏ mặt, hay thẹn thùng khi ở đám đông, là bản tính của bé con nhà bạn. Bản tính ấy cũng từng có ở những thiên tài về nghệ thuật, như Franz Schubert chẳng hạn. Và không nhất thiết cứ phải là một người dũng cảm xông xáo, có tài hùng biện… mới có giá trị ở cuộc đời này!

    Bạn hãy nhìn nhận điểm mạnh của con, bên cạnh cái gọi là điểm yếu khiến bạn buồn lòng, là sự nhút nhát ! Chẳng hạn, bé cẩn thận, chu đáo, giao việc gì cũng im lặng làm bằng hết, không ai phải nhắc. Ngược lại, bé X có tính cách của một leader, ở đâu cũng chỉ đạo các bạn đâu ra đấy, hay giành quyền chỉ huy trong cuộc chơi, thì chơi xong, đồ chơi vứt bừa bãi, bảo làm gì chỉ làm nửa chừng rồi chán, vứt đó… Bạn thấy đấy, mỗi đứa trẻ đều có những tính cách đáng yêu riêng của mình. Vậy hãy biết chấp nhận con mình đúng như bản chất của nó!

    Ngược lại, nếu đó không phải là bản tính của bé, mà nhất thời có những nguyên nhân tác động kìm hãm sự tự tin của trẻ ?


    Nhận ra điều này chẳng khó khăn gì.
    - Khi ở nhà, ở môi trường quen thuộc, bé con rất vui vẻ tự tin. Lúc ấy, có người lạ bé con cũng chẳng sợ, giao tiếp thoải mái, đọc thơ, cười nói vui vẻ. Cứ đến nơi lạ là sợ hãi, im bặt.
    - Trong đám đông bạn bè mới quen, bé con trốn vào một góc, chưa hòa đồng ngay. Ngồi im như không muốn giao tiếp. Nhưng nếu gặp lần thứ hai với « cộng đồng » ấy, bé đã khác hẳn, tỏ ra hoạt bát và bắt đầu chơi với bạn. Lần thứ ba, đã có thể trêu chọc một bạn khác…
    - Có sự thay đổi đột ngột do thay đổi môi trường sống, chuyển nhà từ nơi nọ đến nơi kia, bố mẹ chia tay nhau, hoặc thậm chí chỉ là thay đổi người giúp việc. Tất cả những yếu tố « thay đổi đột ngột » ấy cũng khiến đứa trẻ cảm thấy không an toàn về tâm lý, khiến bé có xu hướng co cụm lại, không cởi mở với môi trường bên ngoài.
    - Bố mẹ hoặc người thân có người nóng tính, hay mắng, thậm chí đã từng đánh trẻ. Đứa trẻ cũng sẽ có xu hướng trở nên nhút nhát, rụt rè. Đến lớp muốn xin đi vệ sinh cũng không dám gọi cô, chịu đựng đến nỗi tè ra quần…
    - Người lớn ít tỏ tình cảm âu yếm với trẻ, khiến trẻ trở nên nghiêm trang và e dè…
    - Một lần bé có một « kinh nghiệm không vui » khi tiếp cận một người lạ, hoặc một đám đông – Chẳng hạn, bé nói một điều khiến mọi người buồn cười, và bé tưởng họ cười nhạo bé. Bé đến gần làm quen với một bạn, bị bạn ấy cáu kỉnh bực bội, đập đồ chơi vào đầu. Bé hát một bài hát và bị một người chê là hát sai nhạc hay sai lời.v..v…
    Và có hàng trăm tình huống tâm lý khác nữa có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin của bé trong cuộc sống.

    Giúp bé thế nào?


    * Việc đầu tiên và quan trọng nhất, là luôn khẳng định giá trị của bé trong mắt bạn. Có người bảo rằng, bé con nhút nhát là do cha mẹ quá bảo bọc, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, lúc nào cũng âu yếm, ra đời thấy người lớn khác nghiêm hơn là « sốc ». Tôi không nghĩ như vậy. Bố mẹ lúc nào cũng cho con cảm nhận tình yêu, sự dịu dàng, cho bé thấy trong mắt bố mẹ, bé là đứa trẻ đáng yêu và đáng tin – điều ấy là chỗ dựa lớn nhất và duy nhất để bé bám vào khi bắt đầu những bước đi chập chững đến với cộng đồng. Bé sẽ muốn hát, vì ở nhà mẹ khen bé hát hay. Bé muốn vẽ cho các bạn xem vì bé biết chắc, tác phẩm của mình được mọi người khen ngợi… Một đứa trẻ có cảm giác hạnh phúc sẽ dễ hòa đồng hơn với mọi người, biết cách chia sẻ với các bạn cảm xúc của mình, biết cách cả chia sẻ đồ chơi với bạn.

    * Ít nhất hai tuần một lần, cho bé đi chơi, đến những môi trường mới lạ và vui vẻ. Đó có thể là một buổi đi dã ngoại, cho bé thấy thiên nhiên đẹp đẽ. Hoặc là một buổi đi sinh nhật con của người bạn của bạn, nơi có nhiều các anh chị, các em bé, và những bạn cùng tuổi. Sau mỗi chuyến đi « thực tế » như thế, liên tục mấy ngày sau, bạn hãy nhắc lại những kỷ niệm. Cùng con xem những tấm ảnh. Nhắc tên những người có trong ảnh. Nhớ lại những cảnh đẹp con đã thấy, hay đơn giản chỉ là con bọ ngựa xanh lét mà bình thường, chưa bao giờ con biết đến..v..v.. Những cảm xúc tích cực sẽ kéo theo việc sinh ra hooc-môn phấn chấn ở bé. Đó là gốc của sự tự tin.

    * Làm những bài tập quan trọng :

    - Cùng con chơi trò đồ hàng, đóng kịch theo tình huống. Các bé, bé nào cũng thích trò này. Tôi là bác sĩ, bạn là bệnh nhân. Tôi là chú công an, bạn đi đường bị lạc, hỏi đường chú công an nhé..v…v… Qua trò chơi này, bạn tạo cho con cách nói năng lưu loát hơn khi gặp những tình huống tương tự.
    - Hỏi chuyện, tâm sự với con về tất cả mọi chuyện, hỏi về những người bé gặp. Cho bé tự do phát biểu ý kiến của mình về người ấy, sự vật ấy. Trong khi làm « bài tập » này, hãy dằn lòng đừng bao giờ ngắt lời bé. Đặc biệt, không dùng những câu « Con nói thế không đúng » « Con sai rồi » « Không, con phải…. ». Đây là bài tập dành cho việc phát biểu cảm tưởng, bạn chỉ có quyền can thiệp nhẹ nhàng bằng cách, nếu thấy bé loay hoay tìm từ để biểu đạt thái độ, thì thử nhắc bé từ ấy xem bé có chịu không. Nhưng cũng nhắc nhẹ nhàng và chậm rãi, không được tỏ ra sốt ruột (Gớm, nói có một câu mà mãi không xong !), không được nhắc dồn dập khiến bé mất tinh thần.
    - Hãy đặt một chiếc ghế hoặc làm một cái bục ở giữa nhà. Cả nhà chơi trò xem ca sĩ biểu diễn. Ca sĩ, đương nhiên là bé rồi. Một vài tuần một lần, cả nhà cùng nhau biểu diễn như vậy. Bé chắc chắn sẽ quen và dạn hơn nếu sau này có khi nào cần đến sự « xuất hiện trước công chúng » mà hát hay múa một điệu quen thuộc nào đó.
    - Giao trọng trách cho bé tự xử lý một công việc nào đó : chẳng hạn, « hôm nay Cún sẽ sắp bát ăn cơm nhé. Cún chia bát cho bà, cho bố mẹ và cô chú đi… » - khi bé đặt bát cơm trước mặt mọi người, cả nhà ai cũng cảm ơn bé. Điều này khiến bé thấy mình lớn lên, thấy mình quan trọng trong mắt mọi người – như thế sẽ hình thành sự tự tin.
    - Bài tập nói to. Bạn có thể buồn cười, nhưng có những đứa trẻ nói năng lí nhí trong miệng, có thể vì thói quen, hay vì ngại ngần điều gì… - cũng thể hiện sự nhút nhát. Ở nhà, bố mẹ và con có thể mở cuộc thi hát to, đọc to (mà không ảnh hưởng đến người xung quanh), hoặc đưa bé ra những nơi có khoảng không rộng lớn, cùng thi … hét !
    - Bài tập bày tỏ tình cảm. Chỉ cho con thấy một con bướm bị gãy cánh, một người ăn xin cụt chân… gợi cho bé lòng trắc ẩn và hỏi han để bé nói ra điều ấy. Kể những câu chuyện vui để bé cười to sảng khoái, không ngại ngùng gì. Kể cho bé câu chuyện về một chú ong hư, mải chơi không về tổ khiến bố mẹ lo lắng. Hãy đề nghị con bày tỏ sự không hài lòng với nhân vật này… Biết cách bày tỏ cảm xúc cũng là một trong những điều kiện quan trọng của sự tự tin.
    v..v..

    * Một chi tiết nho nhỏ cần quan tâm, là vẻ bề ngoài, trang phục của bé ở nơi công cộng, đến chỗ đông người, tóm lại là « ngoài xã hội » : hãy luôn cho bé ăn mặc gọn gàng xinh xắn, mặt lau sạch sẽ không có vết bẩn, móng tay móng chân cắt gọn. Một đứa trẻ như thế chắc chắn người ta sẽ tỏ ra cảm tình hơn là với một bé con thò lò mũi xanh, quần ống thấp ống cao… Sự cảm tình của đám đông, của người lạ, bé cũng cảm nhận được, và điều này tạo nên sự tự tin cho bé.
    * Đừng quá kỳ vọng, không gây áp lực cho con. Bây giờ có một số nơi mở trường «đào tạo lãnh đạo tương lai». Tôi cho rằng đó chỉ là một mục đích vui vẻ, một cách nói khác về việc truyền đạt kiến thức cuộc sống cho trẻ. Kể cả khi bạn cho con theo học những khóa học như thế, cũng chớ kỳ vọng quá nhiều. Nếu ai cũng là lãnh đạo, thì lấy đâu ra nhân viên! Một lãnh đạo tốt cũng cần, một nhân viên tốt còn cần hơn nữa! Và dù tương lai, con bạn là lãnh đạo hay chỉ là một nhân viên quèn, thì những bài học để chiến thắng sự nhút nhát, làm tăng sự tự tin của bản thân cũng đều cần thiết cho chúng như nhau.

    * Không so sánh, không kêu ca một cách lộ liễu. Điều này cha mẹ thường mắc phải. Việc so sánh bé với bạn khác khiến bé dễ tổn thương, tự ái, lại càng khó mà tỏ ra đỡ nhút nhát hơn được. Còn kêu ca quá nhiều, vô hình trung bạn đã khắc vào đầu con hai chữ « nhút nhát» - nó sẽ tự đánh giá mình như thế, và điều này là barie ngăn cản mọi nỗ lực của bạn để thay đổi tính này ở con.

    * Cuối cùng, đừng bao giờ tiếc lời khen khi bé thực sự làm được điều gì tốt, vẽ được bức tranh đẹp, hát được một bài hát hay, tự mặc quần áo giỏi...

    Chúc bé con của bạn, trong sự yêu thương của bố mẹ như thế, sẽ dần có được sự tự tin trong mọi hoàn cảnh, không còn nhút nhát như bạn nghĩ về bé trước đây nữa.

    Thụy Anh
    Tạp chí MẸ&BÉ
     
  4. Rosas

    Rosas Thành viên tích cực

    Tham gia:
    23/6/2009
    Bài viết:
    832
    Đã được thích:
    176
    Điểm thành tích:
    83
    Đánh dấu..................................................................
     
  5. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Mình sẽ thường xuyên up các bài của chị mình. Các mẹ theo dõi nhé
     
    MebeThuan thích bài này.
  6. MebeThuan

    MebeThuan

    Tham gia:
    22/10/2009
    Bài viết:
    10,671
    Đã được thích:
    3,381
    Điểm thành tích:
    2,063
    Thỉnh thoảng mình cũng đọc các bài viết của tác giả THuỵ anh, mình rất thích. Chị này còn làm nhiều bài thơ cho bé rất hay, ví dụ bài "Cái Bếp: Ở trong nhà ta - Bếp là vui nhát: Có một lọ mật, BIết nói ngọt ngào, Mẹ cất trên cao, Kiến k ăn vụng - Có một cái thúng, Nói cười xôn xao, Bởi vì ở trong, Rất nhiều hạt gạo - Có một cái chảo, đen nhẻm đen nhèm, Ngọn lửa bùng lên, Chảo kêu "Nóng! Nóng.........". Bé nhà mình 18 tháng, rất thích mẹ đọc cho nghe những bài vui vui thế này, bé còn đọc theo được mẹ những từ cuối cùng nữa.
     
  7. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Cám ơn mẹ nó, mình sẽ báo lại với chị mình để chị mình mừng là được các mẹ trên lamchame biết
     
  8. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    ANH CHUỘT TRŨI

    Các bạn nhỏ
    Chạy trên sân
    Hãy nhẹ chân
    Đi cẩn thận:

    Ở dưới đất
    Có hang sâu
    Là ngôi nhà
    Anh Chuột trũi

    Anh dũi đất
    Anh đào hào
    Khéo làm sao
    Thành nơi ở

    Có bếp nhỏ
    Để nấu cơm
    Có chiếc giường
    Anh nằm ngủ

    Có chiếc tủ
    Đựng đồ chơi
    Chuột trũi ơi
    Anh giỏi quá!

    Thụy Anh
     
  9. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    ANH NHÍM

    Nhim nhỉm nhìm nhim
    Người thì đầy kim
    Mà không may áo

    Lúc cần đi dạo
    Khoác áo kim vào
    Đi chậm làm sao
    Vì người nặng quá

    Nhim nhỉm nhìm nhim
    Người thì đầy kim...
    Thụy Anh
     
  10. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    CHUỘT TÚI

    Lũ chuột con kêu:
    "Mẹ ơi, bế, bế!"
    Nhưng nhiều đứa thế
    Chuột mẹ tay đâu!

    Mẹ bèn ngồi khâu
    Một chiếc túi lớn
    cả lũ chuột con
    Cuộn tròn trong ổ

    Mẹ đi những đâu
    Con đều theo đó
    Mẹ, con đều có
    Chung một cái tên:
    "Cả nhà chuột túi!"

    Thụy Anh
     
    Monpeo81 thích bài này.
  11. aloloa

    aloloa Thành viên tích cực

    Tham gia:
    25/2/2010
    Bài viết:
    647
    Đã được thích:
    84
    Điểm thành tích:
    28
    hay quá.Thanks bác nhiều!!!!!!!!!!!!!!!!!
     
  12. let it be

    let it be Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    30/11/2009
    Bài viết:
    1,892
    Đã được thích:
    463
    Điểm thành tích:
    123
    em đánh dấu...........................................
     
  13. let it be

    let it be Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    30/11/2009
    Bài viết:
    1,892
    Đã được thích:
    463
    Điểm thành tích:
    123
    em đánh dấu...........................................
     
  14. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Cám ơn các mẹ đã ủng hộ, mình sẽ nói lại với chị mình để chị ý mừng
     
  15. Trang_MẹChípxinh

    Trang_MẹChípxinh mechipxinh.com-0908130366

    Tham gia:
    6/1/2010
    Bài viết:
    5,232
    Đã được thích:
    585
    Điểm thành tích:
    823
    đánh dấu để đọc báo nào.....................
     
  16. bonbon08

    bonbon08 Em Bon Lịch Tịch Bịchhhhh

    Tham gia:
    6/12/2008
    Bài viết:
    2,782
    Đã được thích:
    456
    Điểm thành tích:
    173
    Bé nhà mình 20 tháng rất thích bài này keke, học thuộc lòng luôn rồi :p
     
  17. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Hi hi, cám ơn các mẹ đã ủng hộ chị tớ nhé.
    Có 1 số mẹ PM hỏi bài Cái bếp, tớ vừa xin chị tớ được bài đó, gửi tặng các mẹ và bé nhé.

    BẾP

    Ở trong nhà ta
    Bếp là vui nhất:

    Có một lọ mật
    Biết nói ngọt ngào
    Mẹ cất trên cao
    Ki ến không ăn vụng!

    Có một cái thúng
    Nói cười xôn xao
    Bởi vì ở trong
    Rất nhiều hạt gạo!

    Có một cái chảo
    Đen nhẻm đen nhèm
    Ngọn lửa bùng lên
    Chảo kêu: "Nóng! Nóng!"

    Cái nồi nhôm bóng
    Có thể soi gương
    Hát khúc thân thương:
    "Bùng boong" vui nhộn

    "Cốp, cốp" bận rộn
    Là cái dao phay
    Băm thịt mỏi tay
    Thái rau loẹt xoẹt

    Cái thớt nằm bẹp
    Giúp việc cho dao
    Ngoan ngoãn làm sao
    Không lời than thở!

    Trên bếp có lửa
    Trên lửa có nồi
    Bé đã thấy rồi
    Bếp là vui nhất!

    Thụy Anh
     
  18. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    MUỖI

    - Đừng chạy theo tớ nhé
    Tớ chẳng phải mồi đâu!
    Cậu chớ cắn tớ đau
    Vì mẹ tớ sẽ đánh!

    Mẹ tớ trông hiền lắm
    Nhưng yêu tớ quá mà
    Tớ mà chảy máu ra
    Cậu biết tay mẹ tớ!

    Thụy Anh
     
    Me_cu_Zyndaspaar thích.
  19. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Những điều không nên nói trước mặt trẻ

    Ngày còn nhỏ, tôi nhớ, bố mẹ tôi đôi khi nói… tiếng Nga với nhau. Tôi hiểu, đó là những điều bí ẩn nào đó bố mẹ không muốn cho tôi biết. Đó là những chuyện gì vậy? Hóa ra, cũng chẳng có gì bí ẩn hết, chỉ là những điều nếu nói thoải mái trước mặt trẻ sẽ gây tác dụng “phụ” không có lợi cho sự tiếp nhận thế giới và con người ở trẻ! Đó là:

    Nhận xét về một người trong gia đình, trong họ, một người mà trẻ cũng biết và hay tiếp xúc

    Đôi khi không kiềm chế được, người lớn có những nhận xét tiêu cực về người khác trước mặt trẻ. Kể cả khi bạn đã hạ giọng, thì trẻ, dù tỏ ra thờ ơ, vẫn chú ý lắng nghe. Những nhận xét chủ quan của bạn, nhất là trong lúc nóng giận chẳng hạn, sẽ ăn sâu vào tư duy của trẻ, ảnh hưởng đến hành vi đối xử của bé đối với người ấy, hoặc mọi người xung quanh. Ở trẻ, ý thức về sự việc còn non nớt, nhân cách đang hình thành, rất không nên sớm tiếp xúc với những lời chỉ trích, phê phán, dè bỉu mà trẻ không hiểu được hết bối cảnh xuất phát những lời chỉ trích ấy. Đấy là chưa nói đến việc, trẻ có thể đem những lời người lớn nói với nhau trước mặt chúng để nhận xét vô tư với những người khác, thậm chí là với chính nhân vật bị chỉ trích.

    Nhận xét, chỉ trích cô giáo của bé

    Bất luận cô giáo có gì chưa phải, cô quá nghiêm khắc hoặc chuyên môn của cô, theo như bạn đánh giá, chưa cao, thì cũng không bao giờ được phê phán cô trước mặt trẻ. Điều này làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực ở bé: hoặc là nghi ngờ cô giáo, hoặc là không hài lòng với bố mẹ nếu bé yêu quý cô giáo ấy.

    “Buôn” chuyện về gia đình người khác
    “Ôi, cái nhà ấy giàu nứt đố đổ vách, có đến mấy cái nhà!” “Ồi cái thằng X lấy được con Y là quá chuột sa chĩnh gạo! Khôn thật, người tỉnh ngoài, không có ông bố vợ làm to trên bộ Z thì làm sao có được chỗ làm ngon thế!” – Những câu chuyện tương tự xin các phụ huynh tránh bàn trước mặt con, vô hình trung sẽ làm méo mó cách nhìn nhận thế giới của trẻ.

    Những lo ngại của người lớn về trẻ, về sức khỏe thể chất cũng như tính cách, cuộc sống tinh thần của trẻ.

    Những lo lắng của các bậc phụ huynh về con mình thì có rất nhiều, nhưng trao đổi với nhau về điều này nên đợi khi nào chỉ có bố mẹ với nhau, không có con ở đó. Bạn sẽ gây cho con cảm giác bất an không đáng có, hoặc sự bất bình ngấm ngầm. Đôi khi, bé có thể phản ứng ngay lập tức với bố mẹ khi nghe những “nhận xét, kết luận” về mình.

    Những bất đồng ý kiến, tranh cãi “bất phân thắng bại”, hoặc thậm chí căng thẳng đến mức nặng lời với nhau
    Nói cách khác, là khi người lớn “cãi nhau”, chớ để trẻ nghe được. Không khí của sự tranh luận gay gắt sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Những lời nói không hay, những sự mỉa mai, đay nghiến, xin đừng để trẻ phải nghe nếu bạn không muốn con mình hoặc là sợ hãi, thu mình trong một cái vỏ tự vệ, hoặc là sẽ lớn dần lên với tâm thế khắt khe đối với mọi người, cũng học cách mỉa mai cay độc như thế trong đối nhân xử thế!

    Tranh cãi về cách dạy trẻ

    Trong gia đình, nhiều khi có sự bất đồng trong việc nuôi dạy trẻ. Bà muốn cháu học nhạc, mẹ lại thích cho học vẽ. Bố cho phép con chơi điện tử, mẹ lại cấm. Bà nấu ăn thích cho mì chính, trong khi mẹ cho rằng mì chính hại thần kinh của bé..v..v.. Tất cả những cuộc tranh luận xung quanh việc ăn, ngủ, học hành, giáo dục bé, đương nhiên nên đợi nhân vật chính đi ngủ hoặc vắng mặt hãy bắt đầu. Bằng không, trẻ sẽ có thái độ đối phó với những thành viên trong gia đình vì ỷ lại vào sự bất đồng của mọi người trong việc ‘xử lý” các hành vi chưa “đúng mực” của mình.

    Những tính toán, dự định về công việc, cân nhắc lợi hại, thắng thua trong làm ăn, những “mánh lới” bạn dự định dùng có lợi cho công việc…
    Đó là những dự tính hoàn toàn của người lớn, chớ để bé sớm nghe được. Có người nói, cần cho trẻ biết hết để sau này nó khôn ngoan hơn người. Đúng là, một con người cần phải biết rất nhiều điều, cần có đầy đủ các kiến thức để ra đời đối diện với các vấn đề lớn bé của cuộc sống và chuyện mưu sinh. Song cái gì cũng phải có thời điểm của nó. Chớ bắt trẻ phải sớm già trước tuổi!
    Những sự thật… phũ phàng
    “Mấy hôm nữa Noel rồi, bố nhớ thuê ông già Noel ở chỗ… nhé! Năm ngoái thuê có 500 nghìn, năm nay lại những một triệu. Đắt quá. Hay là nhờ chú Vinh đóng giả ông già Noel cho xong?” – những sự bàn luận kiểu như thế, bạn hãy cố gắng nói với nhau vào lúc khác, chứ không phải trước sự chứng kiến của bé. Trẻ con rất cần nuôi dưỡng trí tưởng tượng và cần tin vào những điều kỳ diệu trong truyện cổ. Bạn chớ sớm làm tâm hồn bé sớm khô cằn vì những sự thật “trần trụi” của mình.

    Không nói, nhưng không tỏ ra giấu diếm
    Như trường hợp bố mẹ tôi xưa, vì không muốn con biết những điều chưa có lợi cho tuổi con mà dùng một thứ tiếng khác, hay những “ám hiệu” riêng để nói chuyện với nhau trước mặt con cho thoải mái, cũng là điều không nên. Trẻ rất nhạy cảm, hiểu ngay “vấn đề”: người lớn đang có chuyện giấu chúng! Cảm giác của bé cũng sẽ như cảm giác của người lớn khi ngồi cùng bạn bè mà họ thì thào nói gì đó sau lưng mình. Bé sẽ nghĩ, bố mẹ không tin mình, không coi trọng mình… Mà điều này chắc hẳn bạn không muốn?

    Tuy nhiên, có những điều lại không nên… không nói!
    Trong số những điều bố mẹ thường tránh nói trước mặt con, có những đề tài, ngược lại, theo tôi, rất nên nói. Chẳng hạn, về cái chết, về một bất hạnh nào đó ập đến cho một người hàng xóm, về sự tiếc, buồn của mẹ khi đánh mất ví, không mua thức ăn cho cả nhà được, về việc bố được lên lương, về chuyện tiền điện, tiền xăng tăng… Nghĩa là, bạn hãy cho bé được đồng hành cùng bạn trong những câu chuyện thường nhật, chia sẻ với bé vui buồn trong cuộc sống. Trẻ con có khả năng thông cảm, và đôi khi, những hành động tỏ ra thấu hiểu từ phía bé, dù rất vụng về, lại khiến bạn lấy lại được cân bằng tinh thần khi bạn đang bối rối. Còn bé, bé sẽ cảm thấy vui vì được tin tưởng. Những chia sẻ của bạn với con cũng là tiền đề cho những hành vi đúng đắn của bé sau này. Ví dụ, bé biết giá xăng tăng mà lương mẹ chưa tăng, bé sẽ hiểu, không nên vòi vĩnh mẹ mua đồ chơi, hay chí ít, trước khi muốn một món đồ mới, bé sẽ ngần ngừ nghĩ đến khó khăn của mẹ!

    Thụy Anh
    Tạp chí MẸ&BÉ
     
  20. bach_duong

    bach_duong Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    16/12/2009
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    102
    Điểm thành tích:
    43
    Đi học có cần đến sự dũng cảm?

    TTCT - Sáng nay, khi bắt đầu ra khỏi nhà với chiếc cặp nặng trịch trên tay, con quay ra nói với bà, nguyên văn thế này:


    - Bà ơi, cháu đi học đây, cháu đã dũng cảm rồi, bà ạ!

    Mẹ nghe mà muốn khóc.

    Bây giờ con đang ở lớp học rồi thì mẹ khóc thật. Mặc dù mẹ cũng là người dũng cảm. Thật sự thì bây giờ làm gì cũng cần sự dũng cảm. Nhưng để một đứa bé 6 tuổi phải gắng lấy can đảm đến trường, nơi mới đây ngày khai giảng nó còn hớn hở cầm một lá cờ và một quả bóng bay, hãnh diện ưỡn ngực ra khoe “Con là học sinh lớp 1”, thì quả là... quả là đáng khóc lắm!

    Hôm qua mẹ gặp cô giáo. Cô rất nghiêm. Đó là câu nhận xét của con, và mẹ thấy cũng đúng thật. Cô lạnh lùng bảo mẹ: “Con đi học thì sắp vở cho con cho đủ, có thời khóa biểu đấy”.

    Mẹ hỏi lại, phân vân không biết xưng hô ra sao, nhưng thưa gửi rất lễ phép: “Thưa cô, tôi có sắp theo thời khóa biểu, thiếu cuốn nào vậy ạ?”. “Cuốn Tự nhiên và xã hội”... Mẹ mở cặp lôi cuốn tập ra: “Có phải cuốn này không ạ?”. “Đúng rồi. Thế mà bảo đưa ra, nó không tìm thấy”. Quay ra nói chuyện với các phụ huynh thì thấy có rất nhiều bạn cũng bị thiếu vở Tự nhiên và xã hội, chỉ vì các bạn bé đều... chưa biết đọc chữ.

    Lỗi này không phải của ai! Mẹ an ủi, lần sau trước khi đi học mẹ sẽ chỉ từng quyển vở cho con biết nhé, lần đầu chưa chuẩn, không sao đâu.

    Nhưng con không thấy là không sao, vì ngoài vụ đó ra cô còn bảo: “Kém lắm! Viết xấu lắm”. “Vâng, về nhà tôi sẽ cho cháu tập viết thêm cho quen”. Mẹ hứa. Hứa thì hứa vậy chứ trong lòng không thông lắm vai trò của thầy cô giáo ở nhà trường. Chẳng lẽ bố mẹ là người phải lo làm sao cho con học tốt, viết đẹp và đánh vần giỏi khi đến trường, còn thầy cô là người đánh giá cái sự ấy?

    Tối, con bảo: “Con học dốt mẹ ạ”. Sao con lại nghĩ thế? Con không trả lời.

    Đêm, con mãi không ngủ được. Khóc, nước mắt ướt cả gối. Sáng dậy rõ sớm, khóc nức nở: “Mẹ ơi, con nghỉ học có được không?”.

    Mẹ bắt đầu phải làm công tác tư tưởng cho con. Rằng ngày xưa chữ mẹ rất xấu, nhưng tập viết chăm thì rồi cũng đẹp lên. Mẹ bảo rằng cô có mắng là vì cô lo lắng cho con thôi, cũng như mẹ, đôi khi mẹ cũng phải mắng con đấy chứ - Nhưng con buồn - Không sao, mẹ biết con buồn, mẹ bị mắng mẹ cũng buồn. Nhưng nếu mình cố gắng thì rồi sẽ đến lúc cô hết mắng mà khen con. Con phải dũng cảm chịu đựng và chịu khó học để được khen nhé!... Con yên dạ ngồi ăn.

    Bà bảo mẹ cho con đi học thêm nhưng mẹ gạt đi. Mẹ không muốn lấy mất của con khoảng thời gian ít ỏi dành cho việc thơ thẩn ngoài bancông ngắm đàn kiến bé đang vội vàng đi lại. Mẹ cũng tin rằng cô giáo con có đủ nhẫn nại để dạy con làm chủ được các con chữ trong những ngày đầu tiên đầy bỡ ngỡ này.

    Bây giờ mẹ phải nhẫn nại và hi vọng vào sự dũng cảm của con.

    SONG ANH (trích nhật ký một người mẹ)
     

Chia sẻ trang này