Tranh luận: Kinh Tế Vn Qua Các Góc Nhìn

Thảo luận trong 'Tài chính gia đình' bởi gaume2011, 2/12/2014.

  1. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Bài viết không phải đả kích, cũng không kêu gọi tẩy chay bất cứ ai, chỉ là một góc nhìn nhỏ giống như thầy bói xem voi cũng được hoặc là gì đó, vui vẻ cũng được, nghiêm túc cũng được. Nhưng nếu là một người quan tâm đến nền kinh tế đất nước và sự liêm chính trong sự nghiệp và cộng đồng, nên đọc hết bài viết này !
    Tác giả: Nguyễn Văn Thạnh (gởi cho GNA) – 10 April 2013

    Hiện nay, trên diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào thập kỷ mất mát . Vậy thập kỷ mất mát là gì? Nếu điều đó xảy ra thì ai lợi, ai thiệt? Xin chia sẻ góc nhìn cá nhân tôi, một người tự nghiên cứu về kinh tế.

    Tiền và hàng hóa:
    Trong nền kinh tế thị trường, tiền và hàng hóa như hai mặt của một đồng xu, có tiền bạn mua được hàng và có hàng thì bán được tiền. Mọi cá nhân tham gia hoạt động kinh tế cũng nhằm mục đích là có nhiều tiền. Tiền và hàng hóa liên kết với nhau qua hệ thống giá, khi hệ thống giá ổn định thì ta có mặt bằng giá. Dựa trên hệ thống giá này các chủ thể kinh tế có thể cung ứng cho thị trường sản phẩm và tính được hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế làm cho tiền và hàng hóa giữ được tỷ lệ, tức là giữ được giá. Ví dụ tôi vay ngân hàng 100 triệu đi chăn nuôi gà, tôi làm ăn hiệu quả tức là tạo ra số gà tương ứng với số tiền (cả tiền lãi), và đồng tiền giữ giá.

    Phá sản và lạm phát:
    Khi một chủ thể làm ăn ngoài vốn tự có, họ thường huy động tiền từ các chủ nợ (bank, hoặc chứng khoán), nếu làm ăn hiệu quả thì họ có tiền và chủ nợ cũng có đồng lãi. Nếu họ làm ăn không hiệu quả dẫn đến không thu đủ tiền để trả nợ thì họ buộc phải tuyên bố phá sản, lúc bấy giờ chủ thể kinh tế và chủ nợ chia nhau khoảng lỗ. Ví dụ vì một lý do nào đó-dịch bệnh chẳng hạn-gà chết sạch, tôi không bán được gà để thu tiền trả nợ, tôi phải tuyên bố phá sản. Lúc bấy giờ tôi và chủ nợ cùng mất vốn cho phi vụ làm ăn này. Lúc này hàng không có, tiền cũng không thêm nên tiền vẫn giữ giá. Kinh tế thị trường là lời ăn lỗ chịu, chủ nợ cũng phải chấp nhận cuộc chơi này. Chính điều này làm cho bên cho vay rất cẩn trọng trong việc cho người khác vay tiền làm ăn.

    Trong trường hợp tôi là con quan chức cỡ bự-cậu ấm Vinashine chẳng hạn-tôi đến Bank vay 100 tỷ để nuôi gà. Tiền rút ra, tôi lại quả cho các vị ở đây 20 tỷ, ăn chơi xả láng 50 tỷ. Còn 30 tỷ tôi mua vài cái chuồng gà ộp ẹp của anh hàng xóm và vài trăm con gà rù về nuôi, cho ăn thất bát cho có việc để báo cáo. Đến hạn trả nợ tôi tuyên bố phá sản, bank tiếp quản, bán phát mãi chuồng gà tôi được 1 tỷ, mất vốn 99 tỷ. Lẽ ra theo nguyên lý thị thường những khách hàng cho tôi vay phải mất đứt khoản tiền này nhưng vì tôi là cậu ấm và chủ nợ không chấp nhận mất vốn nên được ông bố quyết định tái cơ cấu 99 tỷ đó thành trái phiếu trả dần trong 12 năm với lãi suất a%. Đây có thể gọi là cách khoanh nợ và đẩy nợ cho thế hệ tương lai trả dần. Xem cách làm đó tại đây.

    Đó là khoản nợ bank tư nhân hoặc bank quốc tế, nếu tôi vay bank quốc doanh thì khỏe nữa. Ông bố tôi chỉ việc ký cái rẹt xóa nợ và lệnh cho NHNN tái cấp vốn cho khoản bị mất trên. Chẳng ai thiệt trong vụ này nên chắc chắn không ai lên tiếng phản đối, có thiệt là thiệt thằng dân nhưng dân là thằng rất mông lung. Nếu ai theo dõi kinh tế VN thì sẽ biết vở diễn khoanh nợ và xóa nợ xảy ra rất nhiều lần cho các cậu ấm giống tôi-doanh nghiệp quốc doanh. Trong trường hợp này một lượng tiền mới đưa vào lưu thông mà không có vật chất làm ra trong xã hội nên đồng tiền mất giá (đây là lí do vì sao vàng từ 500k/chỉ lên 4,5 triệu/chỉ, thịt từ 30k/ký lên 100k/ký). Lạm phát là thuế đánh trên toàn dân, mọi người chịu một ít. Ai có tiền nhiều mất nhiều, ai có ít mất ít. Công nhân viên chức thì tô cơm bị vơi mất đi một phần (vì sức mua giảm).

    Bong bóng và suy thoái:
    Hiện nay loại cậu ấm như tôi hoặc họ hàng của tôi rất nhiều, chúng tôi ùn ùn đến bank ký giấy vay, rút tiền ra ăn chia như trên (Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã chỉ ra chiêu này), lúc này món đầu tư không phải gà mà là nhà đất. Vài năm trước đây chúng tôi tạo ra vui vẻ cho cả xã hội, ai ai cũng có nhiều tiền. Một số lớn đã nhanh chóng chuyển đồng bạc VNĐ sang khoảng có giá trị thực hơn là vàng và đola để gửi ra nước ngoài. Bằng cách mua bán, thế chấp, vay mượn quay vòng như vậy chúng tôi đã cùng nhau đẩy giá nhà đất lên vài lần so với giá thực của nó nếu hoạt động đúng với hệ thống giá. Đây là tình trạng bong bóng giá tài sản. Cuộc vui nào cùng đến lúc tàn, và hiện giờ cuộc vui đã tàn. Kết quả của cuộc vui là khoảng nợ tầm 2 triệu tỷ trong đó khoảng 500.000 tỷ là khoản mất đứt như 99 tỷ trong phi vụ nuôi gà trên.

    Đúng theo nguyên lý thị trường chúng tôi phải giao lại cả vốn lẫn lãi cho bank như trường hợp những gì ông già Alan đã làm bên Mỹ năm 1987 khi thị trường bể bóng bất động sản, nhưng Việt Nam mình nó khác. Ở đất nước Việt Nam này, không ai khác, chỉ có chúng tôi là có súng (một đảng nắm quyền) và tất nhiên chúng tôi không thể tự bắn vào chân mình được. Hiện tại không một ai có đủ sức để buộc chúng tôi phải làm cái việc đau đớn đó.

    Xin lỗi các bạn là chơi không fairplay “lời ăn lỗ chịu” nhưng vì tương lai mình và con cháu, chúng tôi buộc phải tiến hành theo hai cách trên, đó là đẩy nợ vào tương lai để mọi người cùng trả hoặc xóa nợ, bơm tiền tạo lạm phát để mọi người đưa vai vào gánh giúp chúng tôi.

    Khi nền kinh tế tạo bong bóng, những đối tượng hưởng lợi đã rút tiền đi mua sắm vàng, ngoại tệ. Nền kinh tế không chấp nhận phá sản để chủ nợ mất vốn thì sẽ tạo ra suy thoái.

    Thập kỷ mất mát:
    Tiến trình như phân tích trên, Việt Nam chắc chắn sẽ đi vào thập kỷ mất mát. Thập kỷ là thời gian cần có để làm cho bong bóng bất động sản xì hơi xẹp vừa phải, đủ để cả đất nước lao động tạo ra thặng dư của cải để trả món nợ hiện nay thay vì phải phá sản.

    Trong 10 năm tới hàng triệu người Việt Nam lao động quần quật nhưng gần như chỉ đủ ăn, dù đồng lương danh nghĩa có thể tăng. Thặng dư thực chất của sức lao động đã bị bòn rút qua lạm phát hoặc qua thuế để trả các khoản nợ khổng lồ hiện nay. Đây là trường hợp may mắn kinh tế tăng trưởng để mọi người có cơ hội nai lưng ra cày trả khoản nợ chung.

    Trường hợp như vậy là rất hiếm vì quá trình xử lý bong bóng không qua phá sản, thường dưới sức mạnh của lợi ích phe nhóm sẽ làm cho nguồn tiền tiếp tục chảy vào nuôi các Zombie như Vinaline, Vinashine,….làm cho nền kinh tế suy thoái sâu hơn, làm thời gian trả nợ dài hơn có thể đến vài ba thập kỷ. Những nước lâm vào cảnh này được gọi là bẫy thu nhập trung bình tức là làm hoài mà không khá.

    Hiện nay tôi (tác giả) hơn 30 tuổi, nếu không gì xảy ra, trong 20 năm tiếp theo, tôi và hàng triệu người khác làm ra của cải để trả cho các món nợ khổng lồ mà các đại gia mới nổi vài năm gần đây có được nhà lầu xe hơi-gây ra. Lẽ ra, đúng nguyên tắc của trời đất (nguyên tắc thị trường) họ phải nghèo đi nhưng không, họ đã khôn khéo dựa vào quyền lực chính trị để chuyển các bill thanh toán cho chúng tôi trả trong 20 năm tới. Cuộc đời mình xem như phấn đấu làm lụng để trả nợ cho người khác. Cốc mò cò xơi!

    Còn gì bất công hơn điều này không?
    Nguồn : Fb góc nhìn Alan
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi gaume2011
    Đang tải...


  2. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Người Việt và gánh nặng thuế - phí :

    Người Việt chịu gánh nặng thuế, phí


    Theo Vietnamnet – 3 Dec 2014 – Tran Thuy

    Báo cáo “Tổng quan môi trường thuế Việt Nam 2014″ của Công ty Vietnam Report cho biết mức thu thuế, phí của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

    hu nhập trung bình, nộp thuế cao

    Cụ thể vào năm 2007, tỷ lệ thu thuế, phí của Việt Nam nằm ở mức 26,2% cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan 16,1%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaisia 14,3%…

    Từ năm 2009, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho DN, tiến hành giảm thuế GTGT và một số loại phí, giúp cho tỷ lệ thu thuế, phí nói chung giảm khoảng 1%.

    Tuy nhiên sau đó thuế phí lại tăng cao vào năm 2010.

    Đến giai đoạn 2011-2013, khi hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường của Chính phủ được đưa ra, trong đó có chính sách thuế, tỷ lệ thuế mới có sự giảm đáng kể, còn 21,4% vào năm 2013.

    Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực vẫn cao bởi huy động từ thuế, phí của các nước gần như ổn định, mức từ 10%-16%.

    Với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với khu vực, nhưng tỷ lệ thu thuế phí cao hơn hẳn, rõ ràng người dân đang phải chịu gánh nặng thuế phí rất cao.

    Không những thế, với chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế, đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước trong khu vực.

    Với các DN, qua khảo sát, lấy ý kiến khoảng 300 DN về thuế thu nhập DN, có đến 70% cho biết vẫn còn cao. Mặc dù thuế TNDN đã được giảm từ 25% xuống còn 22% và được đánh giá là thay đổi tích cực nhất về thuế trong thời gian qua, nhưng các DN cho biết thuế thu nhập DN cao vẫn là quan ngại lớn nhất với họ. Đây dường như chưa phải là mức thuế suất hài lòng với các DN, đặc biệt trong tình hình kinh tế “đi ngang” như hiện nay.

    Thay vì giảm nhỏ giọt, một số ý kiến đề xuất thuế TNDN cần giảm ngay xuống 20% để hỗ trợ DN. Trong lúc khó khăn vẫn còn rất lớn thì việc giảm thuế suất, thuế thu nhập DN sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, đẩy mạnh đầu tư phát triển. Đây sẽ là một bước tiến có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng DN. Thuế giảm mạnh hơn, DN sẽ có thêm niềm tin và thu giữ lại một khoản thu nhập để tái đầu tư, phát triển.

    Một siêu thị tại Hà Nội, diện tích kinh doanh chỉ 750m2, nhưng mỗi năm tổng số thuế phải đóng lên tới 12 tỷ đồng. Trong khi mức chiết khấu trong DN phân phối bán lẻ không cao, cộng thêm tới 70% DN phải đi vay vốn ngân hàng để hoạt động, thuế cao thì DN nào trụ nổi.

    Bản báo cáo cũng cho biết, có hơn 86% số DN được hỏi kỳ vọng các mức thuế suất sẽ được tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của DN. Theo các DN, thuế suất thấp, sẽ dẫn đến thúc đẩy sản xuất tăng lên. Cắt giảm thuế sẽ tạo động cơ cho các DN sản xuất nhiều hơn, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn và thu ngân sách cũng tăng lên.

    Thủ tục còn phiền phức

    Khi được hỏi về tác động của cải cách thủ tục hành chính thuế tới DN trong thời gian qua, hơn 67% DN nhận định, các thủ tục hành chính thuế đang được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế.

    Tuy nhiên, vẫn còn gần 1/3 số DN chưa thực sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, thậm chí 11,6% số DN còn cho rằng, những cải cách này đang khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên khó khăn hơn, bản Báo cáo viết.

    Bản báo cáo thống kê, có đến 14,5% DN cho rằng “cản trở rất nhiều” là việc Thông tư, văn bản hướng dẫn chưa chi tiết và 81,1% mong muốn các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hơn nữa.

    Theo các chuyên gia, con số trên chỉ ra rằng, công cuộc cải cách hành chính thuế sẽ còn cả một chặng dài phía trước, đòi hỏi cơ quan thuế triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, tránh tình trạng cán bộ thuế gây nhũng nhiễu, hách dịch với người nộp thuế…

    Năm nay, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xếp mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 149/189 nền kinh tế trên thế giới, tụt 4 bậc so với năm 2013 và “đội sổ” so với các nước trong khu vực. WB tính toán, năm 2014, bình quân một DN tại Việt Nam mất tới 537 giờ để làm thủ tục hành chính thuế. Xếp hạng này được coi là ở mức “quá tệ” so với thời gian nộp thuế trung bình của các nước trong khu vực như Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ.

    Trên thực tế, hệ thống chính sách và quy trình quản lý thuế vẫn gây ra những khó khăn cho DN. Đó là việc ban hành chính sách còn thiếu sự thống nhất, rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế. Một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế ban hành chậm, dẫn đến khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện.

    Cùng với đó là sự hạch sách của cán bộ thuế cũng khiến DN bị ách tắc trong sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, đã có nhiều DN còn hồ nghi về việc nhiều chính sách được ban hành, nhưng có khi thực thi không đầy đủ, thậm chí vi phạm quyền lợi DN.

    Câu chuyện về một “xác chết” ở Việt Nam

    Chuyện của doanh gia JB gởi cho GNA on 11 Oct 2014

    “Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ ở đó” (Where there is a dead body, there the vultures will gather) – Tin mừng theo thánh Matthew.

    Đó là dẫn lời thánh trong kinh Tân Ước. Người Việt Nam cũng có một câu nói có thể tạm hiểu tương tự như trên “Mật ngọt thì ruồi bâu”. Về ý nghĩa thì không quá khác biệt, ở đâu có thức ăn, ở đó có kẻ săn mồi. Ấy vậy nhưng tôi vẫn đặc biệt thích cách nói trần trụi trong Kinh thánh hơn, nó phản ánh đúng bản chất hoang dã, tự nhiên và hơn hết nó phản ánh đúng những gì mà tôi đang cảm thấy trong nền kinh tế tại “thiên đường” này.

    Trong cuộc sống, khoảng khắc chào đời là một trong những khoảng khắc đáng nhớ nhất. Nhưng theo phong tục nhiều nơi trên thế giới, khoảng khắc cuối của cuộc đời mới là khoảng khắc có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Vì lẽ đó mà đám tang thường được tổ chức một cách long trọng, với nhiều nghi lễ tùy thuộc tôn giáo, phong tục tập quá và đương nhiên là đa số tốn kém hơn so với nghi lễ chào đón một hài nhi. Tuy nhiên, việc tốn kém hay không còn tùy thuộc vào điều kiện của người qua đời hoặc những người thân của họ, nếu không có tiền, thậm chí những người thân quen có thể giúp đỡ một phần làm một đám tang thật giản dị và tiết kiệm. Nếu coi doanh nghiệp giống như một cơ thể, doanh nhân luôn ghi nhớ khoảng khắc đăng ký xong doanh nghiệp và đau buồn nếu doanh nghiệp đó phá sản. Bản thân tôi nhớ rất rõ ngày đăng ký doanh nghiệp của mình thậm chí thời gian và bối cảnh đi nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

    Bây giờ, công ty của chúng tôi, là một xác chết điển hình, một thứ xác chết đã bất động nhưng vẫn trở thành một con mồi béo bở cho bầy diều hâu. Nếu trên thực tế, nếu không phải quyền năng của Thượng đế giúp đỡ mà là một xác chết bình thường chắc 1 năm là đã phân hủy tương đối sạch sẽ hoặc là ròi bọ xơi sạch rồi, chả còn phần cho diều hâu. Ấy vậy nhưng Công ty của chúng tôi nằm phơi ra đó hơn 1 năm rồi mà xem chừng vẫn còn là cái xác mũm mĩm đang phơi phới mời gọi những top diều hâu tới liên tục cắn xé. Cho tới thời điểm này, để “xin được chết nhanh, chết chuẩn” chúng tôi cũng mất tương đối nhiều “thịt” cỡ hơn chục triệu đồng cho ông này, bà kia để họ giúp cho xin cái dấu chẩn “cho chết” và miễn truy cứu những sai phạm lúc sống.

    Tôi xin thề là cái xác này, lúc sống chẳng làm gì sai, chúng tôi chỉ kinh doanh bình thường, lúc giải thể có ít hàng hóa tồn kho, số liệu không chênh là bao nhiêu so với con số chúng tôi nộp nhưng chẳng hiểu làm sao các ông, các bà ấy cứ làm toáng lên là sai phạm này sai phạm kia, rồi còn cái Giấy xác nhận nộp thuế Môn bài lúc mới thành lập công ty, họ chưa nhận được và nói rằng nộp phạt lũy kế theo cấp số nhân thì con số ấy bây giờ phải lên tới vài chục triệu. Ôi tôi chết mất thôi. Sao hồi ấy tôi không hoàn thành nghĩa vụ mà các thầy không đưa cái giấy phạt hoặc thậm chí đình chỉ hoạt động doanh nghiệp luôn đi cho xong, mà giờ đến lúc tôi xin được chết vì Kinh doanh thua lỗ (thua lỗ thật) thì lại có vụ này. Các cụ nói quả không sai “họa vô đơn chí”. Tôi ngán ngẩm vì mình là người đứng danh chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn những người làm cùng với tôi thì không có trách nhiệm đó, nhưng họ cũng đóng góp trách nhiệm tài chính với tôi để giải quyết cái xác chết này một cách “nhanh, chuẩn”.

    Với những người trẻ như chúng tôi, mặc dù luôn cố gắng không mắc lỗi nhưng chúng tôi không bao giờ sợ mắc lỗi. Chỉ sợ không nhìn ra lỗi của mình để mà sửa. Và hạnh phúc nhất là có những người thẳng thắn chỉ ra lỗi càng sớm càng tốt để sửa cho đúng. Nhưng tôi thấy, kinh doanh ở Việt Nam khó quá đi, tính cách tôi thẳng thắn và bộc trực, những lời lẽ sáo rỗng và vòi vĩnh chỉ làm cho tôi thêm bực tức và bất hợp tác. Tôi rất sỏng phẳng, anh làm cho tôi, tôi trả anh. Ngay cả trong giao dịch với các ông các bà ăn trên ngồi chốc cũng vậy, phải làm được việc tôi mới trả tiền. Mặc dù biết rằng mình làm vậy là tiếp tay cho cái sai cứ sai mãi nhưng tôi muốn được làm việc, tôi muốn được kinh doanh được gục ngã để rồi vươn dậy mạnh mẽ hơn và hơn hết tôi muốn được góp phần đưa lĩnh vực mà tôi tham gia của Việt Nam ra thế giới. Vậy mà bây giờ, tôi đang cảm thấy bất lực ngay trước một cái xác chết doanh nghiệp của chính mình. Tôi không biết cái xác này đáng giá bao nhiêu mà nó được cân đo đong đếm lâu đến như vậy. Đến mức tôi chả còn bận tâm tới nó nữa, cho tới khi “họ” lại gọi lên và đề nghị được giúp đỡ thủ tiêu cái xác, hơn 1 năm, tôi chả còn bận tâm nhưng vẫn phải làm cho đúng luật, để tên của tôi tạm thời được tách ra khỏi cái xác chết này, khi nào tôi đủ khả năng và cơ hội tới, tôi lại tham gia khởi nghiệp.

    Hôm trước khi đi nộp thêm tang phí cho đứa con tinh thần của chúng tôi, tôi thấy anh bạn nói rằng công ty người quen của anh ấy cũng từng ở trong tình trạng tương tự và chi phí để được chết đúng hơn 100 triệu thế là họ cũng chẳng cần chết luôn, cứ lật lờ vậy rồi họ đánh dấu “doanh nghiệp bỏ trốn” và họ lại trở về với công việc làm ăn bình thường, tay chân thôi nhưng được an phận. Tôi đoán là hiện tại, số lượng xác chết doanh nghiệp ở Việt Nam như của chúng tôi nhiều lắm, thương họ lắm, nhất là những người trẻ, cần phải được nâng đỡ và khuyến khích làm, làm lại và làm lại nữa…

    Có một điều tôi chắc chắn rằng, tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ trở lại với tinh thần còn cao hơn trước để được làm những gì mà tôi khao khát, nhưng chắc chắn tôi sẽ làm theo cách khác trước đây.

    Những lúc thế này lại nhớ tới câu nói của anh Chí “ai cho ta lương thiện”!
     
    Sửa lần cuối: 4/12/2014
  3. me yeu nghe

    me yeu nghe Guest

    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    he he Bài viết này quá hay luôn^^
     
  4. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Bài 3 : Taxi UBER và thách thức


    Tôi chỉ thực sự để ý đến Uber trong một ngày tắc nghẽn giao thông trầm trọng ở London tháng sáu vừa qua. Lần đó, các tài xế taxi ở thủ đô nước Anh chặn hết các trục đường chính ở trung tâm để biểu tình, ép chính quyền ban lệnh cấm Uber.
    Các tài xế ở khắp châu Âu cũng đồng loạt ra đường cùng yêu sách tương tự, với nỗi sợ lơ lửng trên đầu là ứng dụng này có thể xóa sổ cần câu cơm của họ. Hiện Uber có mặt trên 200 thành phố lớn của gần 50 nước khác nhau, dù mới ra đời năm 2009.

    Uber là gì mà chỉ vài năm đã có thể đe dọa đến sự sinh tồn của ngành dịch vụ đã tồn tại cả trăm năm?

    Hiểu một cách đơn giản, đây là một dịch vụ “đi nhờ” xe, kết nối khách hàng có nhu cầu và tài xế thông qua ứng dụng trên smartphone. Họ không nhất thiết phải sở hữu bất kỳ chiếc xe nào, nhưng cần ký hợp đồng với các hãng xe hoặc xe cá nhân để thực hiện dịch vụ. Đây là sáng tạo rất đặc trưng của kỷ nguyên số, nơi tất cả mọi thứ đều được tối ưu hóa dựa trên nền tảng công nghệ mới và xã hội mạng lưới (network society).

    Sự ra đời của Uber hay các ứng dụng khác như dịch vụ thuê nhà Airbnb là điều tất yếu. Nhưng cái mới ra đời cũng đồng nghĩa với sự đi xuống, thậm chí lụi tàn, của những cái cũ. Như việc chúng ta có đèn điện thay thế đèn dầu, ôtô thay thế xe ngựa, hay điện thoại di động thay thế bồ câu đưa thư. Chúng ta sẽ như thế nào nếu người Đức cấm dùng máy in của Gutenberg bởi vì nó khiến những người chép tay Kinh thánh thất nghiệp? Hay cấm báo điện tử hoạt động vì sợ không còn ai đọc báo giấy?

    Nhà kinh tế học gốc Áo Joseph Schumpeter gọi đó là “sự phá hủy mang tính sáng tạo” (creative destruction): vòng xoáy sáng tạo liên tục hình thành các phát kiến mới và nghiền nát những trở lực cũ trên đường đi của nó.

    Tôi không ngạc nhiên khi Uber vấp phải phản ứng từ nhiều phía khi thâm nhập vào Việt Nam, dù ứng dụng này đã có hơn 5 triệu lượt tải, chỉ tính riêng trên Android. Vừa qua, TP HCM đã bắt đầu ra quân lập biên bản, xử phạt các xe ôtô thực hiện dịch vụ này trên địa bàn. Hành động này không phải là cá biệt: nhiều thành phố trên thế giới như Brussels, Berlin, hay Vancouver cũng đã cấm Uber.

    Việc cư xử với những thứ mới mẻ như Uber hẳn nhiên là rất khó khăn, bởi quản lý nhà nước thường có độ trễ lớn so với sáng tạo công nghệ. Tuy nhiên, tôi chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, không thể giữ tư tưởng “không quản được thì cấm”. Bởi theo tinh thần của luật pháp Việt Nam, công dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

    Hơn nữa, trong một nền kinh tế thị trường, điều mà chúng đang tìm kiếm sự thừa nhận, thì sự thành bại của kinh doanh phải dựa trên nguyên tắc cung-cầu. Việc lựa chọn giữa taxi truyền thống hay Uber, hay những ứng dụng như Easy Taxi và GrabTaxi, nên thuộc về người dùng. Những sự can thiệp, nếu có, chỉ nên nhằm mục đích tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

    Tôi không cổ súy cho việc kinh doanh không có giấy phép hay trốn thuế, những vấn đề mà chính quyền nhiều thành phố lo ngại với Uber. Tuy thế, tôi nghĩ đó là việc mà các bên có thể ngồi lại cùng nhau để đối thoại. Đến khi mọi thứ đã rõ ràng, thì quyết định cấm hay cho phép dịch vụ này hoạt động mới thực sự thấu tình đạt lý.

    Quay trở lại với cuộc biểu tình của tài xế taxi tại London mà tôi chứng kiến. Trớ trêu thay, chính vì sự cố này mà số khách sử dụng Uber đã tăng đến 850% ở thủ đô nước Anh ngay sau đó. Suy cho cùng, khách hàng vẫn luôn biết đâu là lựa chọn tốt nhất cho mình.

    Theo Nguyễn Khắc Giang - vex
     
    Sửa lần cuối: 4/12/2014
    skbgvn thích bài này.
  5. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Văn Hoá Việt Nam: Cách Làm Tỷ Đô Biến Mất?…

    Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam biến thành khu đất hoang




    Được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 32.000 tỉ đồng nhưng Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đang trở thành một khu đất hoang vu khi cả ngày không một bóng khách du lịch viếng thăm…

    Ngày 10.10.2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tưng bừng tổ chức lễ khai trương, mở cổng Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam để đón du khách mọi miền đến thăm quan nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ hơn 4 năm sau, nơi đây đã chẳng khác nào một khu đất bị bỏ hoang.

    Từ ngoài đường lớn dẫn vào cổng làng văn hóa, 2 làn đường trải nhựa thẳng tắp với 6 làn xe chạy nhưng không có bóng dáng của người qua lại. Nhiều đoạn đường bị cây xanh phủ kín không thể đi lại. Những nhà chờ xe buýt, lan can ven đường lâu ngày đã hoen ố, han rỉ và xiêu vẹo.

    Đi sâu vào bên trong, khung cảnh hiện ra càng heo hút và cô quạnh hơn. Những ngôi nhà sàn, nhà tranh vách đất, vách nứa…của các đồng bào dân tộc đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Kèo, cột, cầu thang…các ngôi nhà đều đã bị mối mọt đục gần hết. Mái nhà lợp bằng rơm, rạ lâu ngày mục ruỗng rơi xuống từng mảng. Đứng ở trong nhà nhưng nhìn thấy cả khoảng trời mênh mông.

    Nhiều ngôi nhà được làm kiên cố hơn bằng gỗ “xịn” thì đều trong tình trạng “kín cổng cao tường”. Du khách có muốn đến tham quan thì chỉ có cách ghé mắt qua những kẽ hở mà nhìn. Nhưng cũng chả có gì là đáng nhìn trong những ngôi nhà ấy ngoài những vật dụng đã cũ nát có lẫn đất đá, rác rưởi bốc mùi xú uế.

    Tan hoang hơn cả là 2 ngôi nhà của dân tộc Chứt và dân tộc Cống bị cháy trơ trụi từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục và xây dựng lại. Phía ban quản lý làng văn hóa đã cho dùng bạt xanh để che lại những ngôi nhà bị cháy này nhưng đến nay, những chiếc bạt ấy cũng đã tả tơi, rơi rụng khiến ngôi nhà càng thêm phần bi đát hơn.

    Những con đường, lối đi, bảng chỉ dẫn…bị cỏ dại phủ kín do lâu ngày không được dọn dẹp. Nhiều đoạn đường đi dành cho ô tô chạy vào tham quan làng văn hóa nhưng cũng bị cành cây chặn lại.

    Những khu nhà vệ sinh công cộng nhìn bên ngoài thì có vẻ khang trang, sạch sẽ nhưng khi bước vào bên trong thì thật khiến con người ta phải rùng mình vì mùi xuế uế bốc lên nồng nặc. Sàn nhà thì bẩn thỉu, nhớp nhúa. Nước rửa tay hay giấy vệ sinh phục vụ cho du khách cũng không có.

    Chúng tôi gặp một vài người sinh sống bên trong ngôi nhà của dân tộc Chu ru. Hỏi ra mới biết, họ không phải là người Chu ru mà là người Kinh đang làm công nhân xây dựng ở đây. Theo những người này, họ làm việc ở đây đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy có đoàn du lịch nào đến thăm quan nơi đây vào những ngày thường. Thi thoảng, họ chỉ thấy những cặp đôi cô dâu, chú rể lên đây chụp ảnh cưới.

    Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, ông Lâm Văn Khang, Phó ban quản lý Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam cho hay, Làng văn hóa được xây dựng bằng 100% vốn của Nhà nước, tuy nhiên đến nay, vốn mới chỉ được cấp khoảng 30% khiến các công trình bị chậm tiến độ và ảnh hưởng đến nhiều hạng mục.

    Việc thiếu kinh phí cũng ảnh hưởng đến việc đưa đại diện của 54 dân tộc anh em đến sống tại làng vì thế, ban quan lý chỉ đón các đại diện dân tộc về làng khi có những sự kiện trọng đại còn sau đó, bà con dân tộc lại về nơi ở cũ.

    Lý giải cho việc xuống cấp của những ngôi nhà, ông Khang cũng cho biết, những nguyên liệu làm nhà như tre, gỗ, nứa, lá…đều là những vật dụng dễ hư hại nên theo thời gian hỏng là chuyện bình thường. Ban quan lý cũng thành lập một đội duy tu, bảo dưỡng thường xuyên những công trình xuống cấp nhưng việc này mất nhiều thời gian cộng với việc mỗi lần sửa phải có quá trình thẩm định, lựa chọn đơn vị thi công nên nhiều khi sửa xong chỗ này thì lại hỏng chỗ kia.
     
    Sửa lần cuối: 5/12/2014
    _SummerGirl_ thích bài này.
  6. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Bài viết đăng trên tờ Letras Libres (Mehico), được Le Courrier International dịch ra tiếng Pháp.

    Tại đại lý du lịch ở Queens, khi mua vé để đáp chuyến bay trực tiếp duy nhất nối liền New York – La Habana, tôi được trao bản danh sách các sản phẩm được phép mang đến Cuba : 10 ký lô dược phẩm và 20 ký thực phẩm miễn thuế hải quan. Cuba hiện vẫn đang bị Mỹ cấm vận thương mại, chính những người Cuba sống ở hải ngoại đảm trách việc duy trì cuộc sống bình thường cho đất nước.

    Hôm khởi hành, tại sân bay tôi trông thấy các hành khách tay xách nách mang. Không chỉ những gói hành lý lớn – theo tôi hình dung thì bên trong là thuốc men và thực phẩm được phép – mà cả ti-vi màn hình phẳng còn trong bao bì, các dàn máy nghe nhạc hi-fi và dụng cụ điện gia dụng. Tờ La Jornada cho biết, năm 2009, trong số 324.000 khách du lịch đến bằng các chuyến bay trực tiếp từ Mỹ, có tới 95% là người gốc Cuba. Theo tính toán của nhiều nhà kinh tế khác nhau, kiều hối của người Cuba hải ngoại gởi về mỗi năm hơn một tỉ đô la, chiếm 35% ngoại tệ thu về của cả nước.

    Món viện trợ này tuy vậy vẫn chưa thấm vào đâu. Tôi đã đến với một La Habana gần như chìm sâu hoàn toàn trong bóng tối. Ngã tư nổi tiếng giữa đường 23 và L, có thể được xem là một Times Square của Cuba, vắng như chùa bà Đanh vào lúc 22 giờ đêm. Điều này mang lại một ấn tượng buồn thảm, cứ như là đất nước vừa bị một thiên tai ụp xuống. Cảm giác bị bỏ rơi và khủng hoảng sâu sắc bao trùm. Cuba đang thoi thóp.

    Vài ngày sau khi tôi đến nơi, ngày 18/04/2011, đương kim Chủ tịch Cuba là Raul Castro cũng gần như có cùng một chẩn đoán. Phát biểu trước Quốc hội, nêu lên thời điểm khó khăn mà đảo quốc đang phải trải qua, ông cảnh báo : « Hoặc là chúng ta sửa đổi, hoặc như thế là hết. Chúng ta không còn có thể đi men theo bờ vực thẳm, chúng ta sẽ chìm đắm, và cùng chìm theo ta là nỗ lực của bao nhiêu thế hệ ».

    Chắc hẳn là những triệu chứng của cuộc khủng hoảng sâu sắc này đã hiện diện từ ít nhất hai chục năm qua. Nhưng những gì đập vào mắt hôm nay, là khủng hoảng không phải nhất thời mà chính từ cấu trúc. Không còn có thể tiếp tục đổ tội cho « blocus » (cấm vận) của Mỹ, và sự sụp đổ của Liên Xô, mà là do hệ thống tệ hại.

    Tháng 8/2010 chính Fidel Castro đã nhìn nhận trong một cuộc đối thoại lạ lùng với Jeffrey Goldberg, phóng viên báo The Atlantic, và chuyên gia Mỹ Julia Sweig : mô hình này không ổn. Cụ thể hơn, ông nói : « Mô hình Cuba không còn tác dụng nữa, ngay cả với chúng tôi ». Cần nhấn mạnh ở đây là Fidel không còn tố cáo sự dối trá của đế quốc Mỹ, mà nêu ra một nguyên nhân nội tại. Bản thân điều này đã là một sự kiện, xứng đáng được phân tích sâu hơn. Fidel muốn nói về mô hình nào ? Đó là mô hình xô-viết công hữu hóa bắt buộc.

    Kể từ cách mạng Cuba 1959, Nhà nước đảm trách tất cả những gì mà các lãnh đạo trước đó làm không tốt. Liên Xô với những thành công vang dội (như việc phóng hỏa tiễn Spoutnik đầu tiên vào năm 1957) cho thấy chủ nghĩa xã hội là một con đường đầy hứa hẹn. Một con đường mang lại những lợi ích lớn lao khi hoạt động trên nguyên tắc chính phủ độc đảng, hoàn toàn không có đối lập, với một xã hội công dân chỉ là con số không.

    Nay với chuyến trở về Cuba đầu tiên từ mười năm qua, tôi có thể nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của một tiến trình ngược lại – những giai đoạn đầu của việc tháo dỡ cái nhà nước với những chiếc vòi bạch tuộc này. Tôi quan sát sự thu nhỏ lại của nó. Đó là một hiện tượng có thể nhìn thấy bằng mắt thường, một hiện tượng vật lý, như nước triều khi đột ngột rút đi đã để lại những tàn tích phía sau.

    Đó là thảm họa của một nền kinh tế bị phá hủy, đất nước đắm chìm trong một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc, trầm trọng thêm bởi hệ thống phân lập hai loại tiền tệ. Đồng peso chuyển đổi được (chavito) được xem là đồng tiền chính thức từ năm 2004, nhưng tiền lương được trả bằng đồng peso nội địa hoàn toàn không có giá trị nào đối với bên ngoài. Tất cả nằm trong bối cảnh dân chúng ngày càng bất mãn, và phái ly khai ngày càng mạnh hơn.

    Thích ứng với thay đổi

    Tôi mua tất cả các báo chí có trên quầy bán báo gần « casa particular » (nhà trọ tư nhân) nơi tôi ở nhất. Sự quan tâm bất thường của tôi dành cho các tờ báo và tạp chí mà hầu như không ai thèm đọc, đã tố cáo tôi ngay lập tức : tôi là kiều dân ở nước ngoài. Tôi hỏi mua tài liệu mới nhất « Đề án các đường hướng chủ đạo về chính sách kinh tế xã hội », nhưng đã hết. Ông già bán báo nói với tôi : « Cả La Habana đang đọc cuốn đó ! ». Cuối cùng tôi cũng có được nhờ một ông già khác nghe qua câu chuyện, đã nhượng lại cho tôi với giá gấp mười.

    Tập brochure 29 trang nêu chi tiết 291 điểm sẽ được « cập nhật » trong mô hình kinh tế Cuba. Nhật báo chính thức Granma khẳng định, đây là kết quả của cuộc thăm dò dân ý do Raul Castro đưa ra ngày 26/07/2007, qua đó « trên 4 triệu người Cuba đã đưa ra trên 1 triệu đề xuất ». Về cơ bản, cụ thể là làm giảm béo cái nhà nước nặng nề này, giúp cho nó gọn gàng hơn, và giảm bớt chi phí hoạt động.

    Cuối cùng tôi đã hiểu được đằng sau các ngôn từ văn vẻ của các Lineamientos – mà cả nước Cuba đều đọc và tranh luận như là một tác phẩm best-seller, cơ bản là xác định cho được vai trò mới của Nhà nước (được cho là sẽ giữ vai trọng tài thay vì cầu thủ ngôi sao) trong khi vẫn không để mất vị trí chi phối chính trị. Đảng hiện tại của chính phủ vẫn tiếp tục nắm quyền nhằm « bảo vệ thành quả cách mạng ».

    Từ đó tôi kết luận rằng, thực ra các nhà lãnh đạo đang tìm cách thích ứng với một sự thay đổi đã được khởi đầu mà không có sự tham gia của chính phủ, nhưng là từ sáng kiến của nhân dân Cuba. Giống như là một dòng sông quay về với cội nguồn. Hoặc có thể nói, giống như trước cảnh tháo chạy tán loạn ở mặt trận tiền phương, bộ tham mưu đành tuyên bố « rút lui có tổ chức ». Các Lineamientos chỉ có nhiệm vụ duy nhất là cứu vãn thể diện, kiểm soát tiến trình.

    Cuộc sống dưới chủ nghĩa xã hội là một trò mèo vờn chuột muôn thuở. Một bên là Nhà nước, bảo vệ một cách ích kỷ vai trò nhân tố độc tôn của mình. Bên kia là trận du kích chiến không mệt mỏi của các sáng kiến tư nhân và chợ đen – dòng sông mạnh mẽ này cuộn chảy dưới bề mặt có vẻ liền lạc của đất nước, và bảo đảm phần lớn cho sự bình ổn. Nhà nước bèn ấn định mục đích khoan các giếng phun để chạm được vào dòng chảy ngầm ấy, giúp nó phun trào ra ngoài ánh sáng, dưới một dạng thức ít nhiều được điều khiển.

    Không phải xếp hàng

    Tôi vô cùng kinh ngạc, chẳng hạn, trước số lượng thực phẩm được bán trên đường phố, so với nạn đói từng hoành hành trong thời kỳ được gọi là « giai đoạn đặc biệt » (sau khi Liên Xô tan rã, giai đoạn này đánh dấu các khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho Cuba vì không còn viện trợ). Trên đường San Rafael ở ngay trung tâm thủ đô, tại khu phố cổ, tôi đếm được ít nhất mười điểm bán thức ăn, đa số nhận tiền peso Cuba. Và hầu như không có ai phải xếp hàng, có lẽ là do giá cả khá cao. Các quầy hàng được cung ứng dồi dào (ở Cuba thì mọi thứ đều phải hiểu theo nghĩa tương đối), và dù giá bán đắt đỏ so với đại đa số người dân, các món hàng vẫn có người mua.

    Dù sao đi nữa nguồn hàng tư nhân bổ sung cho nguồn nhà nước đã giúp cho nhiệm vụ tìm kiếm cái ăn bớt khó khăn hơn. Cuba phải nhập khẩu đến 80% lượng thực phẩm tiêu thụ, tương đương khoảng 2 tỉ đô la mỗi năm. Việc phân bố đất canh tác (khoảng 3 triệu hecta, tức phân nửa diện tích đất trồng trọt) đã bắt đầu từ năm 2007. Trả lời phỏng vấn tạp chí Espacio Laical, nhà kinh tế trẻ tuổi Cuba, Pavel Vidal Alejandro nhấn mạnh, còn phải hoàn tất việc « tách rời độc quyền nhà nước và tập trung cho việc thương mại hóa nông sản ». Bởi vì chính tình trạng này chứ không phải chứng thiểu năng hay trận bão nào đó luôn kìm hãm nhà nông Cuba chất đầy vựa lúa.

    Sự biến mất của các cuốn sổ mua hàng tem phiếu – giấc mơ vĩnh cửu của người dân Cuba – đã được loan báo. Ngày nay giấc mơ ấy đã ở trong tầm tay. Không phải nhờ đã đạt được sự thịnh vượng kinh tế của « chủ nghĩa xã hội phát triển » (như ở Liên Xô, theo như người ta nói là không cần đến tem phiếu nữa), nhưng chỉ đơn giản là Nhà nước chẳng còn gì để mà phân phối! Bodega (cửa hàng mậu dịch bán thực phẩm theo số mua hàng) mà mỗi sáng tôi đều đi qua – có cái điện thoại công cộng trong tình trạng hoạt động, nhờ tôi có thể gọi vài cuộc điện thoại – vẫn trống rỗng như hồi tôi còn bé. Hồi đó mẹ tôi phải chiến đấu cật lực mới mua được tiêu chuẩn bánh mì, mà chẳng bao giờ đủ để chia cả.
     
    Sửa lần cuối: 23/12/2014
  7. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    “Việt Nam có thể tạo nhiều ưu đãi như đã làm với Samsung về các dự án điện thoại di động và để mặc nhà đầu tư FDI lo toan mọi rủi ro hoặc hỗ trợ tài chính và công nghệ tối đa cho các doanh nghiệp nội cạnh tranh”, chuyên gia kinh tế, TS.Alan Phan đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

    Ô tô ASEAN tràn vào Việt Nam

    Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Tuy nhiên, không cần chờ đến thời điểm 2018, ô tô từ các nước trong ASEAN đã tràn vào Việt Nam.

    Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng năm 2014, cả nước nhập về gần 61,6 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá 1,34 tỷ USD, tăng mạnh 95,5% về lượng và tăng 108,6% trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

    Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 11/2014 tiếp tục tăng cao và đạt 9,86 nghìn chiếc, trị giá hơn 200 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 16,4% trị giá so với tháng 10/2014.

    Trong đó, Thái Lan hiện đang dẫn đầu khối ASEAN trong việc cung cấp ô tô cho Việt Nam với gần 13 nghìn chiếc, tăng 78%, tiếp sau là các nước như Indonesia, Malaysia.

    Bên cạnh việc xe nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng mạnh, thời gian qua, xu hướng chuyển dịch các nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài FDI từ Việt Nam sang các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng diễn ra mạnh mẽ hơn.

    Hầu hết các hãng xe như Toyota, Ford, Honda, Kia, Mazda… đều đang có nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan, Indonesia với quy mô lớn hơn và thậm chí gấp nhiều lần so với các nhà máy đặt ở Việt Nam. Chưa dừng ở đó, nhiều hãng xe đang lên kế hoạch mở rộng quy mô tại Thái Lan, Indonesia.

    Nguyên nhân được đại diện các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển dẫn đến nhiều chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác trong khu vực.

    Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như dung lượng thị trường ô tô nhỏ bé, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước ở mức thấp, chưa thể hấp dẫn kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ.

    Nước cờ nào cho Việt Nam?

    Trao đổi với BizLIVE, TS. Alan Phan cho rằng, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… được ví như “những con khủng long” là điều không tưởng.

    Các nhà nhà đầu tư FDI biết rất rõ các điểm yếu của Việt Nam như công nghiệp phụ trợ kém phát triển, cơ sở hạ tầng ở mức thấp… nên việc dời cơ sở khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc xe xuống bằng 0 là không có gì lạ.

    “Do đó, biện pháp đối với Việt Nam, có thể tạo nhiều ưu đãi như đã làm với Samsung về các dự án điện thoại di động và để mặc nhà đầu tư FDI lo toan mọi rủi ro. Hoặc hỗ trợ tài chính và công nghệ tối đa cho các doanh nghiệp nội địa để họ có thể cạnh tranh”, TS. Alan Phan đề xuất.

    Song, TS. Alan Phan lưu ý rằng, giải pháp thứ 2 rất tốn kém và trong bối cảnh thiếu hụt ngân sách hiện nay không nên đổ tiền vào một ngành nghề phức tạp như ô tô.

    Cũng theo TS. Alan Phan, một nhà đầu tư thực sự sẽ cẩn trọng trong việc hoạch định mục tiêu vì các yếu tố thị trường, công nghệ, chi phí sản xuất, nguồn cung cấp vật liệu hỗ trợ cho ô tô Việt Nam gần như không hiện hữu và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa hay nước ngoài.

    Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp trong nước chỉ nên là đại lý, lắp ráp, gia công cho các doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên doanh liên kết. Sau đó chuyển gia công sang sản xuất có giấy phép với tư cách công ty con.
     
    Sửa lần cuối: 25/12/2014
  8. thanhthanh2015

    thanhthanh2015

    Tham gia:
    11/9/2014
    Bài viết:
    13,332
    Đã được thích:
    2,489
    Điểm thành tích:
    863
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    đọc xong thấy nhiều cái thấm thía quá
     
    gaume2011 thích bài này.
  9. nhimyeu2009

    nhimyeu2009 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    23/3/2012
    Bài viết:
    266
    Đã được thích:
    21
    Điểm thành tích:
    18
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Bài viết hay quá...chỉ có người dân là khổ thui...làm thế nào để tránh đc đại nạn này nhỉ...
     
    gaume2011 thích bài này.
  10. longtit1812

    longtit1812 VÌ SỨC KHỎE NGƯỜI VIỆT !

    Tham gia:
    10/5/2013
    Bài viết:
    11,335
    Đã được thích:
    2,634
    Điểm thành tích:
    913
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    một góc nhìn thú vị, cảm ơn chủ top
     
    gaume2011 thích bài này.
  11. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    đúng rồi ạ, chắc phải đợi thế hệ sau trả nợ hết rồi mới tính đc mn ạ
    Em sẽ up thêm vài bài cực hay nữa nếu các mẹ quan tâm ạ :D cám ơn mn nhìu
     
  12. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    lấy một chỗ nữa ạ :D .
     
  13. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Đã có bài 3 rồi các anh các chị nhé :D
     
  14. thuychau201

    thuychau201 Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    28/6/2012
    Bài viết:
    1,535
    Đã được thích:
    257
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Cần có một người anh hùng bạn ạ không thì không phá tan được lũ "cậu ấm" có nhiều nanh vuốt kia đâu.
     
  15. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    chính xác hơn là người anh hùng đó phải có khả năng gì đó cực lớn mới đc chị ạ :D
     
  16. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    bài mới vừa update trang đầu nhé các mẹ :D
     
  17. thuychau201

    thuychau201 Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    28/6/2012
    Bài viết:
    1,535
    Đã được thích:
    257
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Đó là tài năng và đạo đức.......................!
     
    gaume2011 thích bài này.
  18. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    hơi hiếm có trong tình hình hiện nay mn ạ :D .
     
  19. _SummerGirl_

    _SummerGirl_ Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    31/10/2008
    Bài viết:
    1,878
    Đã được thích:
    315
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    Bài viết hay quá, hy vọng sớm đọc dc nhiều bài nữa từ mẹ chủ thớt. Nhiều đoạn đọc mà buồn cười, kiểu cười ra...nước mắt
     
  20. gaume2011

    gaume2011 Bắt đầu nổi tiếng

    Tham gia:
    9/10/2011
    Bài viết:
    2,493
    Đã được thích:
    434
    Điểm thành tích:
    173
    Ðề: Kinh Tế Nhìn Từ Góc Nhìn Một Thường Dân [ Cực Hay ]

    em liên tục update ở trang 1 mẹ nó nhé :D cảm ơn mẹ nó và mọi người ủng hộ ạ, nút thanks ở bên dưới bài viết của em ấy ạ :D
     

Chia sẻ trang này