Vì hám lợi, người chăn nuôi đã sử dụng hóa chất không chỉ để “thổi” trọng lượng mà còn phù phép cho heo nở mông, vai, tạo nạc bắt mắt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Từ thông tin người chăn nuôi sử dụng hóa chất độc hại để tăng trưởng và tạo nạc cho heo, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương đã lấy mẫu thịt ngẫu nhiên bày bán ở chợ đi kiểm nghiệm và cảnh báo đến người tiêu dùng vì loại hóa chất này gây nguy hiểm cho người sử dụng. ''Tôi thường mua cám ăn thẳng rồi trộn thuốc theo công thức 1 kg cho 1 tấn cám, hằng ngày công nhân của tôi chỉ việc bê đổ vào máng tự động, heo đói thì lết ra máng ăn. Giờ mấy anh không thu sớm, heo khuỵu chân thì khổ'' - Ông H., một chủ trại heo ở Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) Chẳng biết sau những thông tin cảnh báo đó, cơ quan chức năng chuyên môn vào cuộc như thế nào, ngăn chặn được đến đâu, nhưng thông tin ấy vô hình trung đã “dọn đường” để người nuôi heo sử dụng loại hóa chất đó một cách bí mật hơn, còn người bán bắt đầu cảnh giác và nếu không quen, không có người giới thiệu thì bất cứ ai hỏi cũng nhận được câu trả lời “không biết, không dùng và không bán”. PV Thanh Niên đã có nhiều ngày thâm nhập giới nuôi heo ở các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom…(tỉnh Đồng Nai) - nơi được xem là nguồn cung cấp heo lớn ra thị trường và là nguồn cung cấp chủ yếu cho những lò mổ ở TP.HCM. Ngay ngày đầu tiên trong vai “người nuôi heo”, đâu đâu chúng tôi cũng đều ghi nhận từ lái heo đến người nuôi heo những lời đồn đại về loại hóa chất siêu tạo nạc, trữ nước cho heo như một loại “thần dược”. Khi heo nuôi bằng cám ăn thẳng được khoảng 80 kg đến 100 kg là đến lúc họ bắt đầu sử dụng “thần dược” siêu nạc. Loại hóa chất này không hề có nhãn mác, dạng bột màu trắng được các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở địa phương bán lẻ với giá 500.000 đồng/kg. Hóa chất này có tác dụng “biến” một con heo đang gầy gò thành một con heo mông vai căng tròn. Đặc biệt, "thần dược" còn có tác dụng “đánh tan” mỡ heo ở mông vai, biến mỡ thành những thớ thịt nạc dày đến tận da làm các lái heo không thể chê vào đâu được, hớp hồn người tiêu dùng ngay ở quầy thịt heo, tạo sức hút vô hình những tay thợ làm giò chả chuyên nghiệp. Nuôi heo để ăn dần Chứng kiến đồng nghiệp nuôi heo bằng hóa chất, ông K. - một người chăn nuôi ở H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, ông không dám làm chuyện thất đức đó, dù được nhiều người chăn nuôi khác và cả lái heo rủ rê. Trong vườn ông luôn nuôi vài con heo để dành cho gia đình ăn dần, không dám ra chợ mua thịt ăn vì sợ mua nhầm heo “dính” hóa chất. Việc sử dụng hóa chất (người nuôi heo gọi bằng thuốc tạo nạc, trữ nước) cho heo ăn rất đơn giản, theo công thức truyền tai nhau bằng 3 cách: Nếu cho heo ăn bằng cách hòa loãng với cám ăn thẳng thì mỗi thùng loại 20 lít bỏ vào 1 thìa cà phê. Còn pha với thức ăn khô để cho heo ăn bằng máng tự động thì 1 kg pha với 1 tấn cám. Riêng cách hòa với nước cho heo uống thì 1 thìa cà phê hóa chất pha với 15 lít nước, hoặc 1 kg thuốc pha với 2.000 lít nước. Những người chăn nuôi “trời ơi” này cũng phải tính toán thật kỹ, bởi từ khi bắt đầu sử dụng “thần dược” cho đến khi heo xuất chuồng sẽ không quá nửa tháng. “Nếu quá nửa tháng heo sẽ tự khuỵu chân vì loại thuốc đó sẽ làm cho xương giòn, quá trình di chuyển heo sẽ tự gãy chân, bán sẽ mất giá nên bằng mọi giá khi đã sử dụng thuốc thì sau nửa tháng buộc phải xuất chuồng. Chưa hết, nếu không xuất chuồng nhanh, không chỉ làm heo tự gãy chân mà khắp người con heo sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước…”, T. - người từng nuôi heo bằng loại hóa chất trên, nay chuyển sang làm lái heo, tiết lộ với chúng tôi. Mỗi ngày tăng 2 kg! T. ngụ ở huyện Trảng Bom, chuyên đi thu mua heo trang trại và những hộ dân ở một số huyện, như: Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và Trảng Bom, rồi vận chuyển về TP.HCM giao cho những lái buôn, sau đó vào các lò mổ. Tiếp xúc với chúng tôi, anh ta không ngần ngại khẳng định: “Tất cả những người nuôi heo nhỏ lẻ và ở những trang trại lớn đều sử dụng loại hóa chất siêu tạo nạc cho heo nở mông, vai vì sẽ bán được giá gấp nhiều lần so với heo không dùng loại hóa chất đó. Ngoài ra, loại hóa chất này còn trữ nước làm cho heo tăng trọng lượng. Nhưng từ khi có thông tin loại hóa chất này gây hại cho người thì họ sử dụng kín đáo hơn. Người trong nghề chỉ cần nhìn heo là biết có dùng thuốc hay không. Đặc điểm rõ nhất nếu dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là heo bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 heo bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao. Đặc biệt, không chỉ nở mông vai và siêu tạo nạc, trữ nước, trong khoảng 15 ngày cho heo ăn loại hóa chất đó trọng lượng sẽ tăng vọt trung bình mỗi ngày lên 1,5 đến 2 kg....”. T. đưa chúng tôi đến một trại heo tư nhân ở Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nơi có hàng trăm con heo lớn nhỏ và có 30 con chuẩn bị đến ngày xuất chuồng. Trại heo khá rộng, hai công nhân đang tất bật với công việc tắm heo và bê những thùng cám ăn thẳng cho heo đổ vào máng tự động. Trại heo được chia ra nhiều chuồng nhỏ. Mỗi chuồng có khoảng 30 con, lớn nhất khoảng 1 tạ, nhỏ khoảng 20 kg. Ông chủ nuôi heo tên H. dẫn chúng tôi ra xem bầy heo 30 con. Bầy heo nhìn khá bắt mắt, con nào con nấy mông vai căng tròn, mũm mĩm đang nằm ngủ li bì dưới nền chuồng còn vương vãi những hạt cám heo ăn thẳng. Trước khi lên xe đi xem bầy heo nhà kế bên, ông H. đòi tăng giá bán, nhưng T. không đồng ý vì cho rằng giá heo đang rớt từ sau tết đến nay. Tâm sự với chúng tôi, ông H. than: “Tôi thường mua cám ăn thẳng rồi trộn thuốc theo công thức 1 kg cho 1 tấn cám, hằng ngày công nhân của tôi chỉ việc bê đổ vào máng tự động, heo đói thì lết ra máng ăn. Giờ mấy anh không thu sớm, heo khuỵu chân thì khổ”. Giống như bầy heo trong trang trại nhà ông H., trang trại của ông S. ở Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) cũng chuẩn bị xuất chuồng với khoảng 40 con; con nào mông, vai cũng căng tròn, nằm la liệt. Khi chúng tôi có mặt thì đến giờ cho heo ăn chiều. S. lấy muỗng múc một thìa bột màu trắng ngà đổ vào chiếc thùng đang ngâm cám, rồi lấy cây quậy đều, sau đó đổ vào máng cho cả bầy heo tranh nhau ăn ngon lành. “Bầy này em mới cho ăn thuốc được 7 ngày, đang tính tuần sau bán mà giá xuống thấp quá…”, S. than thở. Biết là thuốc cấm, nhưng chỉ cần có người giới thiệu là các cửa hàng thuốc thú y bán công khai với giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg. “Nguy hiểm lắm đấy!” Bà chủ cửa hàng Gấu nhận tiền bán thuốc từ PV - ảnh: Hoài Nam Sau khi đưa đi xem những bầy heo đang trong giai đoạn ăn hóa chất, T. chỉ dẫn cho tôi nơi bán loại “thần dược” này. Đó là 2 cửa hàng bán thuốc thú y: Duy Hào và Gấu ở khu vực Trảng Bom. Hai cửa hàng này được xem là nguồn cung cấp loại thuốc “siêu tạo nạc” cho người nuôi heo ở khu vực huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai). Trong vai người nuôi heo lần đầu tìm đến hóa chất, tôi ghé vào cửa hàng Duy Hào nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Thấy chúng tôi hỏi mua thuốc tạo nạc, trữ nước, bà chủ khoảng trên 40 tuổi đon đả mời chào và giới thiệu những công dụng của thuốc. Mới đầu nghe bà này nói thì cứ tưởng cửa hàng không bán thuốc cấm vì bà ta liên tục khuyên: “Ở đây không xài hàng cấm 100%. Tôi nói thật, anh không nên xài hàng cấm vì thuốc đó rất nguy hiểm cho con người… Mình là người có lương tâm thì không nên dùng, tôi khuyên thật đấy…”. Thế nhưng, sau một hồi vòng vo, bà ta chỉ dẫn cách sử dụng khá tỉ mỉ: “Lúc cho heo ăn hóa chất này, anh nên đeo bao tay kín để không ảnh hưởng đến da tay và cẩn thận khi mở lấy thuốc, hơi sẽ bay lên, nếu anh hít phải thì nguy hiểm lắm đấy”. Chúng tôi hỏi: “Vậy dùng thuốc nào thay thế loại thuốc cấm đó?”. Lúc này bà chủ cửa hàng mới giới thiệu: “Cửa hàng tôi bán một loại thuốc giá 500.000 đồng/kg, khi cho ăn đảm bảo heo sẽ nở mông vai, không lái nào chê được hết. Thuốc này là hàng ngoại 100%, hàng cao cấp họ giao cho nhà máy cám cả bao 50 kg…”. Tôi hỏi bao bì có nhãn mác không, thì bà chủ nói cửa hàng bà lấy từ công ty cả bao 50 kg rồi về phân ra bán lẻ nên không có nhãn mác. Sau khi nghe quảng cáo loại thuốc này, tôi đồng ý mua nửa kg đem về “xài thử”, lúc này bà chủ hồ hởi bảo tôi đứng ở quầy hàng đợi một lát. Bà này vội vã đi ra phía sau nhà, khoảng 5 phút sau tay xách một túi bột màu trắng ngà không nhãn mác đưa cho tôi và nói: “Của anh hết 250.000 đồng, hàng ngoại 100% đấy, anh mà cho heo ăn thì mông vai sẽ tuyệt!”. Trong lúc tôi trả tiền, có 2 người cũng tới và hỏi mua mỗi người 1 kg thuốc tạo nạc như của tôi và bà chủ cũng phải đi vào sau nhà lấy ra. Rời cửa hàng Duy Hào, tôi ghé qua cửa hàng Gấu nằm trên quốc lộ 1A sát với chợ Đông Hòa. Khi nghe tôi hỏi mua thuốc tạo nạc cho heo, lập tức người đàn ông đứng ở quầy nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét và nói ngay: “Ở đây không bán loại thuốc cấm đó”. Nhưng khi tôi nói có lái heo tên N. ở Gia Kiệm giới thiệu ra đây mua vì N. thường lấy heo của tôi, lúc bấy giờ bà chủ cửa hàng đang ở bên trong nói vọng ra: “Chờ lát, nhưng ở đây không bán lẻ, chỉ bán cả ký thôi”. Có lẽ nhận được mệnh lệnh của bà chủ, một nhân viên tự động đi vào trong nhà lấy ra một bịch đã đóng gói sẵn bằng bao nylon màu trắng nhưng không hề có nhãn mác nhanh tay bỏ vào bịch nylon màu đen đưa cho tôi. Khi tôi lấy hàng ra xem thì bà chủ khoát tay ra hiệu: “Không được lấy ra ngoài”. Vừa cầm 500.000 đồng tôi đưa, bà chủ luôn miệng chỉ dẫn các công dụng của thuốc như nở mông vai cho heo và cách pha chế theo liều lượng... Trước khi ra về, tôi hỏi muốn mua sỉ để bán lại cho người khác kiếm lời, bà chủ trả lời ngay: “Muốn mua bao nhiêu cửa hàng cũng đáp ứng đủ”. Một kg lời 15 triệu đồng Lúc cho heo ăn hóa chất này, anh nên đeo bao tay kín để không ảnh hưởng đến da tay và cẩn thận khi mở lấy thuốc, hơi sẽ bay lên, nếu anh hít phải thì nguy hiểm lắm đấy Chủ cửa hàng Duy Hào (quốc lộ 1A, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) Theo một lái heo tên A. ở Gia Kiệm, loại thuốc mà các cửa hàng bán lẻ cho người nuôi heo giá 500.000 đồng/kg không phải là thuốc nguyên chất, thuốc này các trang trại heo lớn đã pha trộn trước khi giao sỉ cho cửa hàng bán lẻ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng. Theo A., thuốc nguyên chất có giá 10 triệu đồng/kg được nhập lậu từ Trung Quốc, khi về các trang trại lớn họ sẽ pha trộn theo tỷ lệ 1 kg thuốc nguyên chất với 50 kg bột thức ăn gia súc rồi giao sỉ đến các cửa hàng bán lẻ cho người nuôi heo. Cũng theo lời A., 1 kg thuốc nguyên chất sau khi pha trộn rồi mang bán lẻ với giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg (trung bình 500.000 đồng) thì người bán kiếm lời đến 15 triệu đồng/kg. Lái heo A. cũng khẳng định thuốc tạo nạc bắt đầu được không ít trang trại heo lớn sử dụng. Do công dụng vượt bậc của thuốc, heo lúc nào cũng bán được với giá cao nên các cửa hàng bán thuốc thú y tới mua lại của trang trại (hay công ty) về phổ biến để bán lẻ cho người dân nuôi heo. Thậm chí, có lái heo còn giao thuốc tận nhà cho những hộ gia đình nuôi heo nhỏ lẻ. A. khẳng định với tôi, hiện nay đa số trang trại dù lớn hay nhỏ đều sử dụng loại thuốc này bởi đây là cách làm siêu lợi nhuận của người nuôi heo. Có thể khẳng định không chỉ ở Đồng Nai, mà nhiều trang trại nuôi heo ở các tỉnh, thành khác cũng sử dụng loại hóa chất tạo nạc, trữ nước, bởi theo lời anh K. ở Q.12 (TP.HCM), trong một lần đến thăm người bà con là chủ một trang trại heo ở Đắk Lắk, anh thấy người bà con này kể về công dụng của loại thuốc siêu nạc cho heo mà người bà con của anh xuống tận TP.HCM mua với giá 700.000 đồng/kg về sử dụng. Công dụng của thuốc mà anh K. kể với tôi giống y thông tin từ người dân nuôi heo ở Đồng Nai, cũng như tính toán kỹ làm sao sau 15 ngày cho heo ăn thuốc là phải bán hết. Anh B. ở Bình Long (Bình Phước), là chủ một trại heo lớn cũng nói với tôi: “Bây giờ người nuôi heo toàn sử dụng thuốc tạo nạc, nở mông vai cho heo, nếu không sử dụng sẽ không bán được heo cho lái, hoặc liên tục bị ép giá vì heo không có mông vai, nhiều mỡ ra chợ khó bán…”. Còn theo lái heo tên T., trước kia anh có nuôi heo nhưng vì không biết tác hại của thuốc, chỉ nghe bạn hàng phổ biến nên khi mua về cho heo ăn thử thì quả thật, ngay ngày thứ hai heo đã khác, tiếp đến là mông vai nở căng tròn. Nhưng bầy heo đầu tiên, do không biết nên T. nuôi tới 20 đến 25 ngày thì tự dưng heo lở loét, chân heo cứ như bị sụm dần… “Cứ tưởng heo ăn nhiều mập quá không đi được. Đến khi bắt heo bán thì số heo bán bị gãy chân hơn nửa, không hiểu vì sao, cứ tưởng rằng mấy thợ heo của lái “chơi đểu” để ép giá”, T. nói. Rút kinh nghiệm, ở những bầy heo sau, T. tìm hiểu và học kinh nghiệm của những người đi trước là nuôi đúng 15 ngày nếu có rẻ một vài giá vẫn lời gấp nhiều lần so với lúc không dùng thuốc. T. tâm sự: “Sau khi thấy báo chí nói về tác hại của loại thuốc mà mình đang dùng, thấy mất đạo đức quá nên tui đã bỏ luôn nghề nuôi heo, quay sang đi mua heo sống mang lên TP.HCM bán kiếm lời. Sau khi mua lại của người nuôi, tui cũng phải tìm mối bán ngay, chứ để heo này lâu quá cũng không được, vì lúc đó heo đã ngấm thuốc rồi Điều tra của Hoài Nam theo báo thanh niên
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Tin này mình đọc rùi!ghê rợn luôn,thật đáng sợ vì lợi trước mắt mà .... Bây giờ cái gì cũng hóa chất,rùi ung thư...
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Dân mình thật đúng là mù quáng,vì cái lợi trước mắt mà làm liều,chỉ tổn để bọn "chóa" nó ngồi cười và chờ dân mình sập bẫy
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Riết rồi chẳng biết ăn j Ăn đồ biển là an toàn nhất
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có >> Kinh hoàng heo siêu nạc Một tuần sau loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc, PV Thanh Niên thâm nhập một số lò mổ trên địa bàn Đồng Nai và dễ dàng nhận ra những con heo “mông, vai căng tròn” siêu nạc quen thuộc. Từ đây, heo siêu nạc được “hóa thân” thành những miếng thịt ngon lành, tỏa về các chợ lớn nhỏ. Ngay sau khi Thanh Niên phản ánh tình trạng người nuôi heo ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ sử dụng “thần dược” làm cho heo tăng trưởng “mông, vai căng tròn”, tăng nạc giảm mỡ đánh lừa người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã lấy mẫu thịt ở các chợ để kiểm tra. Kết quả 6/6 mẫu đều có nhiễm chất Salbutamol và Clenbutarol gây nguy hại tới sức khỏe con người. Thực tế đó đã cho thấy còn “nhiều vấn đề” đang nằm ở khâu kiểm dịch. Heo bẩn từ lò mổ Trong 3 đêm (bắt đầu từ 1 giờ cho tới 5 giờ sáng), tại trạm kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm của Công ty TNHH thực phẩm Rạng Đông (nằm gần ngã tư sát với đường tàu lửa bắc - nam, TP.Biên Hòa), PV Thanh Niên chứng kiến những chú heo mông, vai căng tròn bị kẹp điện vào ngang lưng để giết, sau đó được quẳng vào bể nước sôi rồi chuyển qua công đoạn cạo lông, mổ bụng, moi lòng... Đến công đoạn của mình, các “thợ pha” pha thành từng mảng đùi, mông, vai… trên nền gạch xám xịt, nước nhơm nhớp. Và cứ thế, từng mảng thịt nằm la liệt trên nền xi măng chờ những lái buôn đến lấy mang đi bằng đủ các phương tiện: xe gắn máy, ba gác, ô tô... đưa về các chợ giao cho những người buôn bán lẻ. Nếu chỉ nhìn dấu thú y màu xanh còn chưa ráo mực trên những tảng thịt nóng hổi, hẳn người tiêu dùng sẽ rất yên tâm bởi luôn tin rằng đã có cán bộ kiểm dịch xem qua trước. Nhưng nếu có mặt và tận mắt chứng kiến cách “kiểm dịch” tại lò mổ thì thật đáng sợ. Cụ thể, mặc dù có sự hiện diện của một cán bộ thú y ngay tại lò mổ (cán bộ này thỉnh thoảng đi qua đi lại trong lò mổ), ngay sau khi chú heo đến công đoạn cạo lông, tay thợ cạo lông xong tự động lấy ca mực, trong đó có một con lăn (con lăn thay dấu kiểm dịch của thú y), rồi thản nhiên lăn hai đường mực ở hai bên sườn con heo, vậy là xong quy trình kiểm dịch. Ngay sau đó, những con heo này được pha thành từng mảng và lái buôn quẳng lên xe chở đi ngay. Cứ vậy, hết con heo này đến con heo khác được “kiểm dịch” theo quy trình như thế. Sau hai đêm 3 và 4.3 chứng kiến, PV Thanh Niên hỏi tay thợ “kiêm kiểm dịch viên” thì được trả lời: “Tụi tôi là thợ kiêm kiểm dịch luôn cho nhanh chứ mấy ổng (ý nói cán bộ thú y - PV) tới cho có mặt, chứ kiểm dịch làm gì cho mất công…”. Lò mổ chui và những “lái thịt luộc” Sáng sớm 4.3, PV Thanh Niên thâm nhập một lò mổ không có bảng hiệu nằm sâu trong khu dân cư thuộc KP.3, P.Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Sau khi qua cánh cổng sắt lớn, bên trong là một lò mổ khá rộng. Theo các lái buôn, lò mổ này có tên H.M, chuyên mua những con heo bệnh, heo bị chết trên đường vận chuyển và heo nái để mổ bán cho những lái buôn ham rẻ. Mặc dù quy mô lớn, nhưng không phải ngày nào lò H.M cũng hoạt động, bởi còn phụ thuộc việc có mua heo được hay không. Ngày nào lò hoạt động thì cứ khoảng 3 giờ cho tới sáng là cảnh lái heo đến lấy thịt bằng xe gắn máy rất tấp nập. Có những hôm tới chiều vẫn còn khách. Không chỉ lái buôn ở Biên Hòa mà cả ở TP.HCM cũng thường xuống lò mổ H.M lấy hàng về bán ở chợ chiều cho công nhân. Vì là lò mổ “chui” nên suốt hai buổi tiếp cận, chúng tôi không hề thấy bóng dáng cán bộ thú y. Những giỏ thịt heo được các lái buôn chở đi hoàn toàn không có dấu kiểm dịch. Anh S., lái heo 15 năm nay ở lò mổ H.M, tiết lộ thịt heo mà S. lấy về từ lò mổ này anh đều luộc lên rồi mới mang bán cho công nhân ở chợ “cóc” khu công nghiệp Biên Hòa 2. Theo lời S., 15 năm nay chưa bao giờ thấy lò mổ H.M mổ heo “sạch”.
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Sợ quá. Thế này thì biết phải mua thịt heo ở đâu đây
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có không ăn thì chết ngay--------->ăn thì chết từ từ.hichic
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Những Bệnh Mắc Phải Khi Sử Dụng Thịt Lợn Không Đảm Bảo Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm “VSATTP” -Bệnh Liên Cầu Khuẩn Lợn : Liên cầu khuẩn là một loại bệnh gây hại cho người và lợn, Bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt heo thiếu an toàn, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây lan bệnh liên cầu khuẩn. - Bệnh viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết : Đây là 2 căn bệnh dễ lây nhiễm từ sử dụng thịt lợn không an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người bị viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus suis từ lợn lây sang người do ăn tiết canh sống, lòng lợn, thịt lợn không đảm bảo vệ sinh. Dấu hiệu của người bị viêm màng não mủ là sốt, nhức đầu, buồn nôn, lạnh run: Do màng não bị tổn thương, các bệnh nhân đều có dấu hiệu rối loạn tri giác, có thể dẫn tới hôn mê, ù hoặc điếc tai, một vài người còn bị liệt tay chân. - Bệnh lở mồm long móng : Bệnh lở mồm long móng ở Lợn có thể lây qua người qua đường tiếp xúc ăn uống,virus khi lây nhiễm gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng,lở môi,lở miệng,hơi thở có mùi vị rất khó chịu...cho người. Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ heo mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất vẫn là phải chọn mua loại thịt đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do bộ Y tế kiểm dịch và đóng dấu. - Bệnh nhiễm giun xoắn : Đây là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Giun nhiễm từ lợn sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do thịt lợn không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm bày bán ở chợ,đường phố không có màng che là tác nhân cho ruồi nhặng đậu bán và người bán hàng không đeo găng tay khi cầm vào miếng thịt. Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, mức độ bệnh phụ thuộc mức độ nhiễm ấu trùng, độ toan dịch vị và tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nếu bệnh nhân có đi lỏng nhiều thì tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn nhiều. Sau khoảng 15 ngày kể từ khi ấu trùng từ máu vào cơ vân và tạo thành kén, có các biểu hiện chủ yếu sau: Sốt, đau cơ phù nề …Nếu không điều trị kịp thời có thể có nhiều biến chứng xảy ra như suy hô hấp, suy gan, suy tim, suy kiệt, bội nhiễm, đau đầu, mê sảng… - Bệnh Do Sử Dụng Thuốc Tăng Trọng : Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: xuất hiện các chất cấm, thuốc tăng trọng, kháng sinh… vượt dư lượng cho phép trên thịt. Vừa qua Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản phát hiện cả chất cấm thuộc nhóm beta agonist, là chất kích thích tăng trọng “bung đùi nở mông”, gây nguy hại không chỉ cho gia súc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người ăn loại thịt gia súc này. Nhóm beta agonist gồm có salbutamol, clenbuterol, terbutalin… đều là loại thuốc dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Các chất tăng trưởng sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư da… Đặc biệt đối với bệnh tim mạch, mỡ máu… thì thuốc tăng trọng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh này. Ở một số nghiên cứu của Trường ĐH Cornell, Mỹ còn cho thấy, ăn nhiều thực phẩm có chất tăng trọng sẽ làm cho trẻ dậy thì sớm, thậm chí chuyển đổi giới tính. Ngay cảnh báo này cũng được các nhà khoa học trong nước khuyến cáo: “Người ăn nhiều thịt heo được nuôi bằng thuốc tăng trọng sẽ làm giãn nở bàng quang liên tục dẫn đến hay tiểu tiện. Một số dẫn xuất từ hormol làm cho gia súc ăn vào giống như bị thiến. Nếu chất này tích tụ lâu ngày trong cơ thể, người cũng có thể bị chuyển đổi giới tính”.
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có đúng đấy có cả cám siêu nạc mà, lợn mà ko mỡ hiếm lắm, nhà em cả 1 năm may ra bắt được 4-5 con là cùng, còn hầu như là lợn có mỡ, hi, nhưng nhiều người ko tin em nói, cứ đòi lợn nạc cơ, hic hic, chính ra lợn có mỡ, mỡ trắng và thơm lắm,các cụ hay có câu : lợn nở- bò teo mới là ngon, rang miếng thịt ko tang trọng nó nở thịt và thịt thơm ngon,heeeeeeeeeeeee
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Mình nhớ trước đây đi chợ phải có nhiều tiền mới mua được thịt nạc, vì con lợn mổ ra toàn mỡ thôi nhưng giờ thì cả 10 phản thịt thì 10 phản toàn thịt nạc giờ kiếm ra 1kg mỡ phần cũng hiếm ý chứ, mình thích cả chả cả mỡ chứ không thích thị nạc không
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có đúng đấy và khi đun phải thơm ngon, ko có mùi tanh tanh, vì cám lợn có tăng trọng thì lợn tanh mùi ghê lắm, 1 kg thịt ra ều ều nước, nhiều mẹ so sánh là biết ngay thôi
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có cùng mua thịt lợn sạch đạt chuẩn VSATTP nào...mại....zô....mại......zô... Đã có mặt tại Hà Nội! Nếu bạn muốn bảo vệ sức khoẻ của mình và gia đình thì hãy lựa chọn cho mình loại thực phẩm sạch và tươi mỗi ngày. THỊT HEO BAO CẤP "tất cả vì sức khỏe cộng đồng" được nuôi theo quy trình chuẩn của cục VSATTP Việt Nam. Thịt đảm bảo tươi ngon mỗi ngày, thịt có vị thơm ngon, không chưa chất tăng trọng do vậy xào nấu không ra nước. Thịt ăn có vị ngọt chứ không chua, độ dai tự nhiên, Thịt hàng ngày được đóng dấu kiểm định của cục VSATTP Thành phố Hà Nội. Chúng tôi thực hiện chương trình của Chính Phủ hướng đến tiêu dùng an toàn và tốt cho sức khoẻ của gia đình bạn. Giá niêm yết tại cửa hàng: Nạc vai: 110.000 đ/ 1 kg Thăn nõn: 110.000đ/ 1 kg Ba chỉ : 114.000 đ/ 1kg Sườn non: 126.000đ/ 1kg Thịt chân giò: 90.000đ/ 1kg Móng giò: 75.000đ/ 1kg Chân giò cả cải: 96.000 đ/ 1kg Mông sấn: 90.000 đ/ 1kg Nạc mông: 99.000 đ/ 1 kg Nhận đặt hàng online: Mr Quyền : 04.62941452, 0917048110, Email: tonybachquyen@gmail.com Hoặc đến hệ thống cửa hàng: Địa chỉ cửa hàng 1 : 101 B20 Kim Liên,Đống Đa,HN Địa chỉ cửa hàng 2 : 109 A Phương Mai,Đống Đa,HN Giao hàng tại nhà miễn phí trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội! Mua ngay để được hưởng ưu đãi nhé
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Ôi càng ngày càng sợ với những thứ thuốc gọi là thần dược...
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Thật buồn là hiện giờ, nhiều người chỉ vì cái lợi bản thân mà làm hại đồng loại của mình. Mà nó chỉ đâu hại 1 , 2 người mà hại tới vài thế hệ. Nghe mà đau xót thế.
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có sau vụ bơm nước vào cho heo tặng trọng, giờ đến vụ heo siêu nạc tẩm thuốc gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. riết rồi không biết mua thịt heo sạch ở đâu luôn
Ðề: Kinh hoàng heo siêu nạc.....và “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có Sợ thật Mình vẫn hay trêu các bạn đồng nghiệp ở cơ quan là: Không ăn cũng chết, mà ăn cũng chết )