Văn hóa ứng xử của người Việt qua ca dao tục ngữ

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm sống' bởi mebebu000, 12/8/2015.

  1. mebebu000

    mebebu000 Thành viên chính thức

    Tham gia:
    20/10/2014
    Bài viết:
    179
    Đã được thích:
    24
    Điểm thành tích:
    18
    Hôn nhân là một trong những việc quan trọng của cuộc đời mỗi con người. Hôn nhân tốt đẹp sẽ đem lại hạnh phúc bền vững, cuộc sống gia đình hòa thuận, êm ấm. Tục ngữ khuyên đàn ông: Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam. Nhiều người cho rằng khái niệm đàn bà thật khó xác định cụ thể. Tục ngữ gợi ý những nét chính sau đây:

    - Những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con (Gọn gàng, khéo léo).
    - Những người con mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền (Xinh đẹp, tình tứ).
    - Đàn bà không biết nuôi heo đàn bà nhác (biết chăn nuôi).
    - Xem bếp biết đàn bà (Giỏi nội trợ).
    - Đàn ông cười hoa, đàn bà cười nụ (tế nhị, kín đáo).
    - Đàn ông như giỏ, đàn bà như hom (giỏi quản lý gia đình).

    Như thế theo quan niệm truyền thống của người Việt, người phụ nữ lý tưởng phải là người gọn gàng, khéo léo, xinh đẹp tình tứ, giỏi quản lý gia đình, giỏi chăn nuôi, nội trợ và tế nhị kín đáo.

    Cũng như đàn ông, đàn bà có quyền lựa chọn người bạn đời của mình. Họ có những tiêu chuẩn khá cụ thể. Thí dụ:

    - Tậu ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng.
    - Lấy chồng khó giữa làng, hơn lấy chồng sang thiên hạ.

    Tiêu chuẩn hàng đầu để người phụ nữ kén chồng đó là lấy người đàn ông cùng làng. Tiêu chuẩn này mang rõ tâm lý của những người nông dân, sống gắn bó đời này qua đời khác trong lũy tre làng với nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc. Họ rất sợ phải chịu thân phận của người ngụ cư, sợ cảnh bơ vơ nơi "thiên hạ", cho dù "thiên hạ" chỉ là một làng khác cách có vài quãng đồng.

    Tiêu chuẩn tiếp theo có thể kể đến là: người đàn ông phải giỏi việc làng, việc nước: Ăn đua cho đáng ăn đua, lấy chồng cho đáng việc vua, việc làng; phải là người thạo nhiều việc:Đàn ông như con dao pha; phải là người không cờ bạc: Lấy chồng cờ bạc là duyên nợ nần; phải là người chưa vợ: Đói lòng ăn nắm lá sung, chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng; phải biết lo kinh tế gia đình: Đàn ông như giỏ, đàn bà như hom, v.v.

    Đó là hình mẫu lý tưởng của người đàn ông và đàn bà cho những chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê chọn lựa. Tuy nhiên cuộc đời đâu phải khi nào cũng chiều theo lòng người. Không phải ai, khi nào, cũng có thể tìm được người lý tưởng. Hơn nữa lý tưởng của mỗi người cũng khác nhau. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm được người tương hợp. Trong khía cạnh ứng xử này, tục ngữ cho ta những phương châm rất quý giá, khuyên ta phải biết mình, biết người để chọn lựa đúng đối tượng:

    - Nồi nào vung ấy.
    - Ngoàm nào đố ấỵ


    Nếu bỏ qua phương châm ứng xử khôn khéo trên đây, rất có thể ta sẽ bị rơi vào hoàn cảnh: Già kén kẹn hom, hoặc Lắm mối tối nằm không.

    Hình mẫu lý tưởng, tiêu chuẩn cụ thể đôi khi cũng chưa đủ căn cứ để người ta lựa chọn đối tượng hôn nhân. Một cơ sở quan trọng khác là xuất phát điểm của hôn nhân hay quan niệm về hôn nhân. Lịch sử nhân loại từng có hai hình thức cơ bản của hôn nhân là hôn nhân vị tình cảmhôn nhân vị mưu sinh. Mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có cách lựa chọn hôn nhân khác nhau, song tựu trung lại chỉ quy vào hai quan điểm chính trên. Vậy người Việt chọn quan điểm hôn nhân nào?

    Trong hệ thống tục ngữ ta thấy khá nhiều câu liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn:

    - Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy (a).
    - Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên (b).
    - Trái duyên khôn ép (c).
    - Phải duyên thì dính như keo, trái duyên chổng chểnh như kèo đục vênh (d).
    - Giàu trong làng trái duyên khôn ép, khó thiên hạ phải kiếp cũng theo (đ).


    Từ những câu tục ngữ trên ta thấy một số điều sau:

    Trong xã hội người Việt cổ truyền khá phổ biến hiện tượng ép duyên, xuất phát từ quan điểm hôn nhân vị mưu sinh. Bằng chứng của hiện tượng này là câu tục ngữ (a) và các câu phải đối việc ép duyên (b, c, d, đ). Mặt khác, cũng có hàng loạt những câu tục ngữ khuyên con người lựa chọn tình yêu theo quan điểm hôn nhân vị tình cảm. Có lẽ đây mới là quan điểm chủ đạo, phù hợp với truyền thống trọng tình của người Việt. Vì vậy, ép duyên là cách ứng xử có tồn tại trong xã hội song không được coi như một giá trị văn hóa, mà là một hiện tượng cần phê phán. Từ những nhận xét trên ta thấy cách ứng xử bị ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo với những quan điểm "Môn đăng hộ đối", "Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống" tuy có tồn tại trong xã hội Việt Nam, song nó không bắt rễ sâu chắc như quan niệm bản địa vốn trọng tình. Có thể dẫn ra hàng loạt những câu tục ngữ cổ vũ hôn nhân vị tình cảm như:

    - Yêu nhau bốc bải giần sàng.
    - Cũng là nhà ngói bức bàn,
    chẳng yêu coi bẵng như gian chuồng bò.
    - v.v...


    Đó là việc chọn lựa đối tượng hôn nhân. Còn cuộc sống gia đình thì sao? Ứng xử trong gia đình người Việt được dựa trên nền tảng tình cảm hết sức vững chắc, tốt đẹp: Vợ chồng đầu gối tay ấp; Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương. Mối quan hệ đó thật bền chặt, gắn bó, thiêng liêng và sâu sắc. Quan hệ vợ chồng là quan hệ gắn bó từ hai phía, phụ thuộc từ hai phía, vì nhau và luôn cậy nhờ lẫn nhau. Trong tục ngữ có hai câu thú vị sau đây:

    - Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con (Nói về người đàn ông).
    - Bé nhờ cha, lớn nhờ chồng, già nhờ con (Nói về người đàn bà).


    Xuất phát từ quan điểm gắn bó và bình đẳng này, người phụ nữ trong gia đình truyền thống người Việt có vai trò rất đặc biệt. Của cải trong gia đình là của chung: Của chồng, công vợ. Mọi việc trong gia đình phải: Thuận vợ, thuận chồng. Người đàn bà là tay hòm chìa khóa:Đàn ông như giỏ, đàn bà như hom, và đôi khi còn: Lệnh ông không bằng cồng bà. Người vợ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của chồng: Giàu vì bạn, sang vì vợ ... Tóm lại, người vợ trong gia đình có vị trí được tôn trọng, bình đẳng với người chồng. Mặt khác, trong cuộc sống gia đình, phương châm ứng xử của người vợ cũng lại rất khéo léo theo kiểu: Lạt mềm buộc chặt; Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê; Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười tủm tỉm hỏi anh giận gì...

    Xét trong cùng hệ thống những câu tục ngữ có liên quan như trên, ta thấy đây thực sự là một phương châm ứng xử tuyệt vời của những người vợ Việt Nam, xuất phát từ đặc trưng trọng hòa hiếu, trọng cuộc sống cộng đồng (cho dù chỉ là cộng đồng nhỏ - gia đình của người phương Đông). Theo truyền thống này, con người luôn muốn hòa hợp, thích nghi với nhau để cùng chung sống. Tục ngữ cũng đã dạy: Trong có ấm thì ngoài mới êm. Nếu không có cách ứng xử mềm mại, hợp lý những khi: Chồng bát cũng có lúc xô thì làm sao có được gia đình êm ấm và hạnh phúc được? Sự nhún nhường trong ứng xử của người vợ không phải là sự hạ thấp phẩm giá của người phụ nữ, mà là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Có con phải lụy vì con, có chồng phải gánh giang san nhà chồng; Chồng tôi áo rách tôi thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người.

    Những phân tích trên đây cho thấy một điều khá thú vị, mặc dù đã từng là tư tưởng của người Việt trong nhiều thế kỷ, song Nho giáo dường như không bắt rễ sâu vào tầng lớp bình dân, ít nhất cũng trong quan hệ hôn nhân. Mối quan hệ bình đẳng dựa trên cơ sở tình cảm gắn bó, quan tâm lẫn nhau như ta thấy ở trên thật khác xa với gia đình gia trưởng của Nho giáo, trong đó vai trò của người vợ hoàn toàn là phụ thuộc và thụ động. Hiện tượng này có thể lý giải được nếu như xem xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam.

    Thứ nhất, Nho giáo thâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện xã hội Việt Nam có nhiều nét khác biệt với xã hội Trung Quốc.

    Thứ hai, với nền sản xuất tiểu nông: Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa , vai trò của người vợ bình đẳng với người chồng là hoàn toàn dễ hiểu. Mặt khác, người vợ còn là người quản lý gia đình, chăm sóc con cái, gia súc, trong khi người chồng làm các công việc đồng áng khác. Đây là cách phân công lao động phù hợp và hiệu quả đối với nền sản xuất tiểu nông, là cơ sở để phát sinh truyền thống trọng phụ nữ của người Việt. Truyền thống này lại được bảo lưu trong môi trường khép kín của làng quê với lối ứng xử theo kiểu: Phép vua thua lệ làng. Do đó, Nho giáo có thể thâm nhập vào bề nổi của cuộc sống thông qua các cấp quản lý hành chính, chứ không bắt rễ sâu vào tâm thức dân gian.

    Tóm lại, xem xét một cách hệ thống kho tàng tục ngữ có liên quan đến ứng xử trong hôn nhân của người Việt, ta thấy rất rõ những nét bản sắc trong văn hóa. Đó là cách lựa chọn đối tượng hôn nhân tương hợp dựa trên nhân cách và tình cảm, là mối quan hệ gia đình bình đẳng, gắn bó giữa chồng và vợ, là vai trò của người phụ nữ được tôn trọng với những cách ứng xử nhằm bảo đảm sự hòa thuận êm ấm trong gia đình... Đó chính là tinh hoa trong đạo lý sống của người Việt được tục ngữ bảo lưu qua nhiều thế hệ như những giá trị trường tồn và mang đậm bản sắc của dân tộc Việt.

    Sưu tầm.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi mebebu000
    Đang tải...


  2. ngocminh1992

    ngocminh1992 Thành viên mới

    Tham gia:
    3/8/2015
    Bài viết:
    28
    Đã được thích:
    14
    Điểm thành tích:
    3
    Trong XHPK Trung quốc, đàn bà thường không có tiếng nói trong nhà thì tại Việt nam, nhất là tại cac làng quê, người vợ luôn bình đẳng với chồng, thậm chí còn nhỉnh hơn, bởi bà vợ luôn là ng quán xuyến mọi việc, là người giữ lửa, là "tay hòm chìa khóa trong gia đình". Điều này không phải chỉ có tầng lớp nông dân mà còn ngay trong tầng lớp nho sĩ, nếu đã từng đọc các tác phẩm hay xem phim của thời xưa, chẳng hạn như " lều chõng" của Ngô Tất Tố thì sẽ rõ
     
    lanphuong93 thích bài này.
  3. lanphuong93

    lanphuong93 Thành viên mới

    Tham gia:
    3/8/2015
    Bài viết:
    26
    Đã được thích:
    13
    Điểm thành tích:
    3
    Các bạn nói chí phải, các cụ nhà ta chả có câu " thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn" đó sao. ở nông thôn, sự bình đẳng giữa vợ và chồng là điều đương nhiên, không có vợ thì làm gì có gì, vs cả trước đây, VN ta cũng một thời theo chế độ mẫu hệ mà
     
    ngocminh1992 thích bài này.

Chia sẻ trang này