Khác: Nhau tiền đạo

Thảo luận trong 'Mang thai' bởi Ngựa Con Của Mẹ, 30/9/2015.

  1. Ngựa Con Của Mẹ

    Ngựa Con Của Mẹ Thành viên tích cực

    Tham gia:
    6/10/2014
    Bài viết:
    528
    Đã được thích:
    87
    Điểm thành tích:
    28
    Nhau tiền đạo là tình trạng xảy ra khi một phần hoặc tất cả bánh nhau nằm vắt ngang qua cổ tử cung thay vì bám cao hơn trên thành tử cung của người mẹ. Trong bệnh lý nhau tiền đạo, hoàn toàn đúng theo nghĩa đen là nhau thai nằm “ngay phía trước” đầu em bé, hay nói khác hơn là nằm chặn ngay cổ tử cung người mẹ, làm cản đường ra của em bé. Nhau tiền đạo xảy ra trên thực tế với tỉ lệ một trên khoảng 200 ca mang thai.

    Dấu hiệu đầu tiên cho biết người mẹ có khả năng bị nhau tiền đạo là chảy máu âm đạo không gây đau đớn, phổ biến nhất là vào khoảng tuần 30 của thai kỳ, đôi khi có thể sớm hơn. Nhau tiền đạo thường được chẩn đoán qua các lần siêu âm, có khi ngay cả trước khi người mẹ có bất kỳ triệu chứng nào.

    Mặc dù thông thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ, nhau thai có thể bám khá thấp trong tử cung, nhưng khi thai kỳ tiến triển và tử cung mở rộng lên thì nhau thai cũng có xu hướng di chuyển lên trên. Nói chung, ngay cả khi người mẹ đã được chẩn đoán là có nhau tiền đạo, thường thì cũng không có vấn đề xảy ra cho đến ba tháng cuối của thai kỳ.

    Phần dưới của tử cung mỏng ra và kéo dãn để chứa em bé đang phát triển. Nhưng khi điều này diễn ra thì nó có thể xén mất đi một phần của nhau thai. Đây là lý do vì sao đôi khi có thể khó xác định người mẹ có nhau tiền đạo hoặc nhau thai thực sự đã bị bong ra khỏi thành tử cung.

    Có phải là nhau tiền đạo luôn nghiêm trọng?
    Có hai trường hợp nhau tiền đạo: một phần hoặc hoàn toàn. Nếu là nhau tiền đạo một phần, nghĩa là chỉ có phần cạnh dưới choàng qua cổ tử cung, thì đôi khi vẫn còn chỗ để đầu em bé đi ra. Điều này có nghĩa là vẫn có thể sinh bằng ngã âm đạo. Nếu nhau thai che toàn bộ cổ tử cung thì lựa chọn duy nhất là mổ lấy thai.

    Khi có tình trạng nhau tiền đạo hoàn toàn, có khả năng đáng kể người mẹ sẽ bị xuất huyết nghiêm trọng trước hoặc sau khi chuyển dạ. Về cơ bản, nhau nằm càng gần cổ tử cung người mẹ thì nguy cơ chảy máu càng nhiều. Nhau thai là một cơ quan khá lớn được cung cấp máu và các mạch máu lớn. Nếu không được gắn chặt vào thành tử cung để việc truyền máu được hoàn toàn niêm kín, chắc chắn sẽ có hiện tượng rò rỉ hoặc chảy máu ở khu vực bị bong tróc.

    Vì sao nhau tiền đạo xảy ra?
    Không rõ lý do chính xác là gì. Từ giai đoạn rất sớm của thai kỳ, nhau thai đã gắn vào thành tử cung để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé. Ở đa số phụ nữ, nhau thai bám đúng ở vị trí bình thường của nó và không có vấn đề gì xảy ra.

    Những trường hợp có nguy cơ bị nhau tiền đạo:
    • Phụ nữ đã từng có thai trước đó
    • Phụ nữ đã từng phẫu thuật tử cung, như nạo thai hay sinh mổ
    • Phụ nữ trên 30 tuổi
    • Mang thai đôi hoặc đa thai
    • Hút thuốc lá
    • Cấy trứng đã thụ tinh vào phía dưới thấp của tử cung người mẹ
    • Do các bất thường của chính bản thân nhau thai[​IMG]
    Làm thế nào để biết mình có nhau tiền đạo?
    Bạn sẽ không thể biết được trừ khi bạn được thông báo từ kết quả siêu âm thai. Một trong những mục đích của việc siêu âm thai là để xác định vị trí và kích thước của nhau thai. Nếu được thông báo có nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo, bạn sẽ được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Bạn sẽ được đề nghị siêu âm thường xuyên để xem nhau thai có di chuyển lên trên khi tử cung mở rộng ra hay không.

    • Thông thường, bạn có thể bị chảy máu đỏ tươi từ âm đạo. Nó thường không gây đau đớn và máu thì trông rất tươi.
    • Bạn có thể nghi ngờ nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
    • Nếu đã từng có nhau tiền đạo trước đó, bạn sẽ có thêm cảnh báo.
    • Khi bác sĩ sản khoa kiểm tra vùng bụng của bạn, họ sẽ lưu ý tư thế của em bé. Nếu bé nằm ở ngôi ngược (mông xuống dưới thay vì là đầu), hoặc ngôi ngang (nằm ngang trong tử cung) thì đó có thể là dấu hiệu của nhau tiền đạo. Lý do là phần không gian trong tử cung nơi em bé cần nằm như bình thường đã bị chiếm bởi nhau thai.
    Những rủi ro của nhau tiền đạo
    Đối với Mẹ:

    • Chảy máu nhiều và khó kiểm soát.
    • Phải thay đổi kế hoạch sinh vì mổ lấy thai giờ đây trở thành lựa chọn duy nhất.
    • Sinh non và những rủi ro liên quan.
    • Trong trường hợp nặng, có thể cần phải cắt bỏ tử cung nếu nhau thai không chịu tách ra khỏi lớp niêm mạc tử cung.
    • Sốc do mất máu.
    Đối với em bé:

    • Sinh non và những rủi ro liên quan.
    • Thiếu oxy với khả năng tổn thương não và tử vong.
    • Mất máu.
    Điều trị như thế nào?
    Không có biện pháp điều trị cụ thể nào hơn là theo dõi và chờ đợi. Nếu người mẹ không bị chảy máu thì không cần phải theo dõi đặc biệt. Ngược lại, nếu chảy máu, cần phải nằm nghỉ trên giường và được giám sát chặt chẽ. Khuyến cáo chung là tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn xuất huyết. Tốt nhất là tránh bất kỳ tổn thương nào ở cổ tử cung. Tương tự, bất kỳ hoạt động nào có thể dẫn đến co thắt tử cung, chẳng hạn như kích thích đầu vú hoặc tình trạng cực khoái hay kích động cực điểm đều cần phải tránh.

    Tôi có thể sinh thường được không?
    Một số bà bầu bị chảy máu rất ít, hoặc không bị chút nào cả cho dù có nhau tiền đạo. Tuy nhiên, họ có thể vẫn cần phải sinh mổ. Lý do là vì nhau thai có thể nằm sai vị trí, hoặc ngăn không cho đầu và cơ thể em bé xuống dần trong tử cung. Nếu sinh thường, điều này rất có khả năng gây ra các vấn đề làm cho quá trình chuyển dạ gặp khó khăn hay thất bại.

    Trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng:

    • Người mẹ sẽ cần phải nhập viện để được theo dõi chặt chẽ.
    • Người mẹ có thể cần được truyền máu để tăng lưu lượng máu trong cơ thể.
    • Có thể cần phải kiểm tra thành phần máu để đảm bảo người mẹ không có bất kỳ vấn đề gì về thời gian đông máu.
    • Có thể cần phải tiêm Anti-D nếu người mẹ có nhóm máu âm
    • Em bé sẽ cần được kiểm soát bằng cách sử dụng máy theo dõi tim thai (điện cực gắn vào da đầu) trong suốt quá trình chuyển dạ, hoặc bằng thiết bị đo CTG-Cardiotocograph.
    Các phương pháp điều trị được thiết kế nhằm tối đa hóa thời gian em bé có thể tiếp tục ở trong tử cung, trong khi không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của cả mẹ và bé. Nói chung, khi người mẹ có nhau tiền đạo thì việc mổ lấy thai thường được lên kế hoạch cho khoảng tuần thứ 37 của thai kỳ. Khi đó em bé sẽ đủ trưởng thành để có thể tự thở, bằng không, nếu sinh non, sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe.

    Hãy nhớ rằng:

    Bất kỳ hiện tượng ra máu nào trong quá trình mang thai đều cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Ngay cả khi bạn đã được chẩn đoán nhau tiền đạo, cũng không nên tự cho rằng đây là lý do bạn bị chảy máu. Cần đến bác sĩ hay bệnh viện để được kiểm tra chi tiết.

    Nguồn: Huggies
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngựa Con Của Mẹ
    Đang tải...


Chia sẻ trang này