Hết mùa quả trứng cá rồi các anh chị ạ! Buồn buồn là. Cái cây trứng cá ấy, nó nằm ngay trên đường em đi học. Mỗi lần đi qua, em lại giơ bàn tay tí xíu lên, chỉ cho mẹ thấy những quả trứng cá chín đỏ. Mẹ dừng xe, hái cho em một, hai quả nhỏ xíu, cho vào lòng bàn tay cũng nhỏ xíu của em. Em giữ khư khư quả trứng cá, không ăn, không cho ai. Giữ đồ là thói quen của em. Thường thì người có thể xin được đồ trong tay em, chỉ có thể là mẹ. Mẹ dạy các chị: Không được cướp của em như thế. Em không biết nói nhưng em hiểu hết đấy. Các con phải xin em đàng hoàng. Các chị cũng xin xỏ như thật ấy, nhưng nom giả giả thế nào ấy. Mắt các chị cứ hấp ha hấp háy, chỉ chờ em xiêu lòng là giật trên tay em luôn. Còn lâu nhá. Em chỉ thích mẹ xin thôi. Mẹ "ạ" cái là em cho mẹ ngay. Mẹ xin vậy thôi chứ mẹ trả em luôn ấy mà. Vì vậy, em rất thích cho mẹ tất cả những thứ em có. Lại nói về cây trứng cá. Mấy hôm nay nó chẳng buồn cho hoa thơm trái ngọt. Con đường đi học như xa hơn một đoạn. Này nhá, để đến được trường, trước tiên là em đi xuống cầu thang, gặp bác bảo vệ ngồi ở sảnh. Bác ngồi rất ngay ngắn, thường nhắm mắt ngủ. Có hôm mẹ đi qua, đi rất khẽ cho bác ngủ, thế mà lúc sau đã thấy bác lật đà lật đật chạy theo mẹ để xem có phải kẻ gian hay không. Bác gái em sợ bác bảo vệ chết khiếp. Cứ mỗi lần gửi đồ cho em là bác phải lên tận nhà, chứ không dám gửi bác bảo vệ, mặc dù mẹ đã dặn đi dặn lại: "Chị cứ gửi ở bác bảo vệ cho đỡ phải lên. Bác là bạn thân của Nồ đấy". Bác gái em bảo bác bảo vệ nom hình sự bỏ xừ. Cau cau có có. Em lại không nghĩ thế. Đối với em, màu xanh trên áo của bác bảo vệ là một dấu hiệu của sự thân thiện. Không chỉ bác ngồi ở sảnh mà tất các bác các chú mặc áo màu xanh đều là "đối tượng" để em giơ tay chào. Các cụ bảo cấm có sai. Lời chào cao hơn mâm cỗ. Em không biết nói, nhưng mỗi lần em giơ cánh tay nhỏ xíu lên vẫy vẫy, đến cả những người cả ngày không thấy nói nửa lời cũng phải mỉm cười hỏi han em. Hôm nào đang mải buộc dây giày mà gặp bác bảo vệ, em tiện thể chào bác bằng cả hai chân luôn. Mẹ sướng lắm. Đời mẹ chưa bao giờ được ai hỏi han niềm nở như thế, bởi vì mẹ có bộ mặt không chơi được. Ngày xưa, khi đi làm, mẹ toàn bị bác trông xe bắt ne bắt nẹt chuyện để xe không thẳng hàng đúng lối. Mãi sau này, khi chịu mở mồm hỏi thăm hỏi nom bác ấy, tình hình của mẹ mới được cải thiện đáng kể. Các bác bảo vệ ấy mà, nói chung là, phải hỏi han nhiệt tình vào. Ngày xưa cô đi tắm cho em, xinh ơi là xinh, mặt lành ơi là lành, chả gian xảo tí nào, mà suýt khóc vì bác bảo vệ không cho lên nhà đấy. Mẹ xuống hỏi nguyên nhân thì bác bảo: "Nhà nào cũng có chủ, cô ấy đi qua mà chả thèm hỏi tôi lấy một lời". Các anh chị nhớ nhé! Đi đâu cũng nhớ chào hỏi mọi người cho đàng hoàng. Như em đây này, chỉ cần một cái vẫy tay thôi mà con đường đi học rất hanh thông. Thỉnh thoảng khu chung cư thay một chú bảo vệ lạ lạ, em vô cùng hẫng hụt, vì giơ tay ra chào cái áo màu xanh mà người mặc áo chẳng xúc động đậy gì. Những lúc bị chào hụt như vậy, tay em cứ để lưng chừng mãi, không muốn hạ xuống. Mẹ cúi xuống thơm em, thì thầm: "Chú không nhìn thấy Nồ chào chú, mắt chú kém thật, nhỉ". Đi qua các bác bảo vệ, đi qua cây trứng cá, con đường đi học còn rất dài. Còn một luống rau người ta trồng ven đường, mùa nào thức nấy. Chỗ nhà em có nhiều ông bà cuồng đất lắm. Vỉa hè hở ra tí đất nào họ tận dụng tí đất ấy. Ấn tượng nhất là cây chùm ngây như cây rau ngót, cao ơi là cao. Cây này mọi người ca ngợi công dụng ghê gớm, mà em ăn không có hạp, ăn vào nhè ra. Bạn mẹ em thỉnh thoảng mới dám mua cây này về ăn, vì nó không rẻ. Một hôm nghe đồn ở quê người ta toàn cho vịt cho gà vì người chê, cố ấy rú lên, như trời sắp sập. Cô ấy bảo họ đúng là nhà quê, chả hiểu gì về chùm ngây thần thánh cả. Chắc em cũng nhà quê thật, em chẳng thích ngây nghiếc tí nào. Đi qua luống rau là đến cái biệt thự đầu tiên, nơi có hai con gâu gâu rất hung dữ. Mỗi lần qua đây, các chị em lại đổi vị trí cho mẹ, sao cho cách xa con chó càng nhiều càng tốt. Các chị luôn thế, cứ nhìn thấy chó là người rúm ró hết cả lại. Thà để chó cắn mẹ chứ không thể để chó cắn mình. Em ấy à. Em cứ nhìn thấy gâu gâu là em gọi. Chúng nó bị nhốt trong nhà, tức tối nhìn em tung tăng ngoài đường, rú ầm ĩ lên, hay hay là. Đi qua hai con gâu gâu to xù là rất nhiều biệt thự. Có ông cụ ngày nào cũng vác vòi ra tưới cây. Có mỗi chậu hoa giấy đặt tít trên cổng thôi mà ông tưới 30 phút không xong. Nước sạch ở Đại Thanh thiếu trầm trọng, chắc vì những ông cụ tưới hoa giấy như này đấy. Các biệt thự ấy à, hôm nào nước cũng tràn lênh láng ra đường. Họ rửa sân cứ như đang kinh doanh nghề rửa ô tô xe máy vậy. Đi qua ông cụ tưới hoa giấy là đến chỗ cây hoa ngọc lan. Có vẻ như ngọc lan không nở theo mùa. Hầu như lúc nào em cũng nhìn thấy hoa. Mùa này hoa nở chíu chít như bỏng ngô. Mỗi chị cả mắt kém và mũi điếc là không cảm nhận thấy vẻ đẹp hoang dại của nó thôi. Chứ em và mẹ ưng nó lắm. Em và mẹ còn bị hấp dẫn bởi những vấn đề xung quanh cây ngọc lan này nữa. Ví dụ như một hôm, có cụ ông trèo lên cây, hái cho bằng được mấy cành ngọc lan mới chịu xuống. Mẹ em tặc lưỡi bảo: "Đời người đàn ông, chết đến đít vẫn còn yêu". Ví dụ như nhiều hôm, biển số xe ô tô để xung quanh cây ngọc lan bị cái túi ni lông màu đen che hết đi. Mẹ em khẳng định, đó là ô tô của những ông chồng trốn vợ đi với bồ. Sáng trốn. Trưa trốn. Tối trốn. Đời người đàn ông, yêu không có giờ. Mẹ em nhìn cảnh này nhiều đến nỗi nảy sinh ham muốn... kinh doanh. Giờ mà thiết kế ra được cái tấm chắn biển số xe, ấn một cái là dính tịt vào, hẳn sẽ rất đắt khách. Nom cái túi ni lông che che che giấu giấu bẩn bẩn là. Sau cây ngọc lan là một cái ngã ba to. Trường của em to to, nằm ở ngay đó. Các cô giáo em tre trẻ, gọi tên em cũng rất to. Mắt cô nào cũng tốt. Các cô phát hiện ra em và mẹ rất nhanh, từ lúc mẹ còn chưa kịp nhìn thấy cô nào ra cô nào. "Nồ đến, Nồ đến". Cô nọ truyền thông tin cho cô kia. Đấy là một thông điệp thật quan trọng. Rằng, có một đứa trẻ cứng đầu cứng cổ sắp bước vào lớp học. Không biết hôm nay nó sẽ cắn ai.
Yêu Nồ, yêu luôn cả mẹ của Nồ.... Mẹ Nồ chuyển nghề sang mảng mài bút đi, best-seller list đang chờ, hì!
Đáng ra câu chuyện về con đường đi học đã kết thúc rồi. Nhưng em chưa thể chấm hết được, chỉ vì chú lái xe. Hình ảnh chú đứng đợi sếp bên cạnh cái xe biển xanh quen thuộc đến mức em nghĩ chú là một cái cây biết động đậy. Chú không ngồi trong xe đọc báo, hay gếch chân lên vô lăng vừa nghe nhạc vừa ngủ như các chú taxi. Chú cứ đi đi lại lại, hết ngửa cổ ngoáy mũi lại cúi cổ ngắm cây. Em sợ rằng chú còn thuộc cả từng ngọn cỏ quanh đấy, hơn là sếp của chú thuộc. Em cũng sợ rằng chú coi mẹ con em là hai cái cây di động, bởi vì mắt chú nhìn mẹ con em chả khác gì lúc chú nhìn bồn cảnh cả. Em càng sợ rằng khi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, chú sẽ rồ ga phóng xe đi. Để mặc ông chủ lúc nào cũng bắt chú phải đứng ngắm trời ngắm đất ngắm mẹ con em. Điều em sợ không giống như điều mẹ sợ. Mẹ nói, chẳng bao giờ mẹ quen được cảnh chú đứng mở cửa sẵn để mời sếp bước vào xe. Chú đóng cửa cho sếp xong rồi mới tự mở cửa cho mình, ngồi vào vị trí của mình. Vấn đề là ở chỗ, mẹ nói, chưa bao giờ mẹ thấy chú mở cửa cho vợ sếp. Quý phu nhân trong căn biệt thự sang trọng, mặc những chiếc đầm sang trọng, ngẩng cao đầu rất sang trọng, vẫn không đáng để chú mở cửa phục vụ. Nguyên tắc của chú, có lẽ là: sếp của ai người đó phục vụ. Nguyên tắc của mẹ em là: Lady first. Mẹ nói, nếu mẹ là chú, và nếu chỉ có quyền lựa chọn mở cửa phục vụ một người, mẹ sẽ phục vụ vợ sếp. Mẹ nói, nếu mẹ là sếp của chú, mẹ sẽ bảo chú mở cửa cho vợ, thay vì mở cửa cho mình. Mẹ cứ nếu thế chứ nếu mãi thì mọi chuyện vẫn không thay đổi. Ngày lại ngày, mẹ vẫn phải chứng kiến cảnh một người đàn ông vì mải cúi mình phục vụ một người đàn ông khác nên bất cần biết nguyên tắc Lady first của mẹ. Chán với cái Nếu, mẹ cúi xuống sửa tư thế ngồi cho em. Mẹ dặn: sau này Nồ phải chọn một người đàn ông biết mở cửa xe cho mình nhá.
Thích nhất cách mẹ Nồ tư duy và đánh giá hiện tượng! Thích cả cái giọng văn trơn tru, dí dủm của mẹ nó! Nồ ơi, có mẹ như mẹ của Nồ thì đúng là năm bờ oăn đó.........
Có những độc giả như thế này, mẹ của Nồ mới có thêm hứng thú để viết nhật ký cho Nồ. Thỉnh thoảng mệt mỏi, bế tắc, mẹ cháu vào đây thư giãn. Các cô cũng học cười giống mẹ cháu đi.
Ặc, thú thật với mẹ Nồ là mẹ Chip thấy hiện giờ khó nhất là 2 việc: kiên nhẫn trong việc dạy con và học cách CƯỜI trong cuộc sống. Với tớ, dạy con đúng là một cuộc chiến, nàng ạ! Nhiều lúc tự hỏi: con mình bướng bỉnh, lỳ lợm là do bản tính nó thế hay do chữ NHẪN mình còn quá bé, khả năng kiềm chế của mình thấp nên con mình mới vậy????? Sẽ vào đây đều đặn để học hỏi thêm từ mẹ Nồ!
công nhận, ai bảo mẹ nó ngay từ đầu ko dạy con đi, bọn trẻ con giờ khôn, không dạy từ đầu, nó quen bế ẵm là cứ gào lên nếu không bế, chị của mình theo phương trâm con khóc mặc kệ, giờ con ngoan lắm.
"Đồ giả dối!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!". Các bà chị của em hét ỏm lên. Dạo này các chị ý bị làm sao vậy nhỉ. Việc gì cũng có thể nâng quan điểm lên tầm vĩ mô được. Em giật đồ của các chị. Các chị cướp lại trên tay em. Em chổng mông chổng tĩ gào lên, đến khi nào mẹ phải nhảy vào can thiệp mới thôi. Mẹ nói: "Đừng cướp trên tay em như thế. Các con chỉ cần bảo nhẹ nhàng với em, là em sẽ nghe lời. Đừng tạo thói quen xấu cho em". Mẹ chìa tay ra, giọng mơn trớn: "Nồ cho mẹ xin nào. Nồ đừng làm hỏng con búp bê của các chị nhé". Em đưa cho mẹ ngay. Mắt em hấp ha hấp háy rõ là hiền. Mẹ quay ra các chị: "Các con thấy chưa, em cũng hiểu tiếng người đấy!". "Đồ giả dối!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!". Các chị không thấy được cái gì khác ngoài 3 tiếng kết tội kinh khủng đó. Lý do: Dù các chị có nhẹ nhàng đến mấy, kể cả vòng tay xin xỏ, thì em vẫn không đời nào trả món đồ vừa cướp được. Chỉ có bố hoặc mẹ mới khiến cho em ngoan ngoãn nghe lời vô điều kiện mà thôi. Tại sao em lại "hai mặt trong một con người như vậy"? Em cũng ứ hiểu, ka ka ka