Kinh nghiệm: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

Thảo luận trong 'Trường lớp, học hành' bởi nguyent15, 27/12/2014.

  1. nguyent15

    nguyent15 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    27/12/2014
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Mình có dạo qua forum thì nhận thấy rất nhiều phụ huynh đang dạy toán cho các bé ở nhà. Vì thế, mình viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm học cũng như dạy toán của bản thân. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho

    TOÁN HỌC VÀ CUỘC SỐNG

    Toán học và cuộc sống có rất nhiều điểm tương đồng. Tìm một lời giải bài toán giống như việc bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Học toán không đơn thuần chỉ là để có điểm cao hay biết giải một dạng hay bài toán nào đó. Học toán là để hiểu được quá trình giải toán, từ đó có thể hiểu được quá trình giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

    Có lẽ quá trình tìm lời giải cho một bài toán hay giải quyết một vấn đề là như nhau, chính vì thế mới có sự khác biệt giữa những bạn trẻ. Có bạn học 1 biết 10, có bạn học 1 biết 1, thậm chí biết 0. Những bạn hiểu được quá trình giải toán có thể đem kiến thức đó áp dụng cho mọi bài toán, sự khác biệt chỉ đến từ thông tin được đưa ra và kiến thức được áp dụng để giải. Còn những bạn không hiểu được, họ chỉ như những chú vẹt, cố gắng nhớ, học thuộc lòng lời giải. Chính vì thế, nhiều khi, đề bài chỉ thay đổi một chút số liệu, hay lắt léo hơn một tẹo, họ lại coi nó là một bài toán mới và bó tay trước đề bài.

    TOÁN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG.

    Vậy quá trình giải toán gồm những bước nào?

    1) Phân tích vấn đề:

    Mọi bài toán đều có 2 phần: thông tin được đưa ra và câu hỏi.

    Thông tin được đưa ra như là những tư liệu, những dữ kiện cần thiết để người giải toán có thể đưa ra lời giải. Không phải lúc nào những dữ kiện được đưa ra cũng đầy đủ và chi tiết. Người học phải có khả năng phân tích dữ kiện để hiểu rõ hơn những gì mình đang có. Chẳng hạn, bài toán nói cho hình thang cân, người học phải hiểu là mình đang nắm trong tay một hình tứ giác, 2 cạnh đối song song, 2 đường chéo bằng nhau, hai góc ở đáy bằng nhau… Khả năng phân tích càng chi tiết thì mình càng có tiềm năng tìm ra lời giải.

    Câu hỏi là những gì đề bài bắt mình đi tìm, giải quyết hoặc chứng minh. Phân tích câu hỏi là việc bóc tách câu hỏi để có thể trả lời từng phần một cách rõ ràng hay dự đoán những phương pháp có khả năng sử dụng để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn đề bài bắt chứng minh tam giác ABC vuông cân ở A. Bóc tách câu hỏi: (a) chứng minh 2 cạnh bên bằng nhau, (b) chứng minh góc A vuông. Liệt kê các phương pháp có khả năng để chứng minh góc A vuông: (a) định lý Pytago, (b) góc ở đỉnh = 90, (c) đường trung bình tại A bằng ½ BC… Việc bóc tách vấn đề giúp việc trả lời câu hỏi phụ dễ hơn, còn liệt kê các phương pháp giúp dự đoán cách giải dựa trên thông tin được đưa ra.

    2) Áp dụng kiến thức:

    Mình phân chia bài toán theo các cấp độ khác nhau dựa trên số lần phải áp dụng kiến thức đã học.
    Cấp độ 1: áp dụng kiến thức 1 lần và tìm ra lời giải. Ví dụ, xe máy chạy với vận tốc 30km/h, đi 1h. Tìm quãng đường? Bước 1: quãng đường = 30 * 1 = 30km.
    Cấp độ 2: áp dụng kiến thức 2 lần và tìm ra lời giải. Ví dụ, 2 xe máy chạy ngược chiều với vận tốc 20km/h và 30km/h. Quãng đường 100km. Sau bao lâu 2 xe gặp nhau?
    Bước 1: tổng vận tốc = 20+30 = 50 km/h
    Bước 2: thời gian = 100/50 = 2h.
    Cấp độ 4: áp dụng kiến thức 4 lần và tìm ra lời giải. Ví dụ, xe máy chạy từ A lúc 8h, vận tốc 30km/h. Ô tô chạy từ B lúc 8h30, vận tốc 50km/h. Quãng đường 95km. Hỏi 2 xe gặp nhau lúc mấy giờ?
    Bước 1: quãng đường xe máy chạy cho đến thời điểm 8h30: 30*0.5 = 15km
    Bước 2: tổng vận tốc = 30+ 50 = 80 km/h
    Bước 3: Thời gian 2 xe sẽ gặp nhau kể từ khi ô tô khởi hành: (95-15)/80 = 1h
    Bước 4: Thời điểm 2 xe gặp nhau: 8h30 + 1h = 9h30.

    Cấp độ càng cao thì bài toán sẽ trở lên càng khó. Những ai càng giải được cấp độ càng cao thì càng giỏi toán, bởi sự tưởng tượng và liên kết thông tin sẽ tăng dần theo cấp độ. Một ví dụ tương tự: một cờ thủ bình thường có thể nghĩ trước 2 bước tiếp theo còn những cờ thủ hàng đầu thế giới tưởng tượng ra 8 bước tiếp theo trong ván cờ. Ai càng giỏi tưởng tượng hay dự đoán trước, sẽ càng có khả năng chiến thắng.

    Nếu để ý các 3 ví dụ trên, mọi người sẽ thấy một số khó khăn khi giải toán: (1) áp dụng những kiến thức nào, (2) thứ tự áp dụng kiến thức. Nếu như không giải đáp được 2 câu hỏi đó cho các em, thì việc học toán biến thành học thuộc. Các em biết giải bài đó, nhưng không thể đem đi áp dụng ở nơi khác.

    Làm thế nào để học giỏi toán?

    1. Làm thật nhiều. Luyện tập nhiều tăng tăng phản xạ. Kiến thức sẽ bị lãng quên nếu không có sự luyện tập. Nếu không làm nhiều, nhiều em cũng chẳng còn nhớ là hình thang cân có 2 đường chéo bằng nhau. Khi mình không có khả năng khai thác hết thông tin, sẽ rất khó để giải toán. Không luyện tập nhiều, các em quên mất kiến thức, chẳng hạn các em sẽ không nhớ “Quãng đường = vận tốc * thời gian”. Kiến thức mà không nhớ thì lấy gì để giải. Hơn thế nữa, điều quan trọng nhất, làm nhiều sẽ giúp giảm các bước xử lý trong não bộ. Khi các em làm bài toán cấp độ 2 nói trên quá nhiều, bài toán đó sẽ biến thành cấp độ 1 (hay gọi là làm tắt – 100/(20+30)=2h). Khi gặp bài toán khó hơn như cấp độ 4, sự nhuần nhuyễn bài toán cấp độ 2 sẽ biến bài toán cấp độ 4 thành cấp độ 3 (bước 2, 3 được hợp nhất). Não bộ có khả năng xử lý thông tin nhanh và linh hoạt, giúp giải các bài toán khó hơn.

    2. Đi ngược từ cuối lên (phân tích câu hỏi). Mục đích của phân tích câu hỏi cũng là để làm giảm cấp độ bài toán. Chẳng hạn bài toán cấp độ 4 hỏi là 2 xe gặp nhau lúc mấy giờ? Để biết 2 xe gặp nhau lúc mấy giờ thì phải biết sau bao lâu 2 xe gặp nhau? Như vậy, bài toán cấp độ 4 đã biến thành bài toán cấp độ 3.

    3. Phân tích hết các hướng đi từ đề bài. Nếu gặp một bài toán mà ta đi từ trên xuống, đi ngược từ dưới lên mà vẫn không thể liên kết 2 đầu lại với nhau thì ta phải làm như thế nào? Liệt kê hết tất cả các hướng đi và khả năng. Phân tích và tìm hiểu từng hướng đi một cho tới khi tìm ra lời giải. Mình tâm đắc với một câu: Khi giải toán, chúng ta không nên cố tìm ra lời giải đúng mà hay loại hết đi những lời giải sai. Bạn có thể tìm ra lời giải đúng ngay lần đầu tiên, nếu như bạn gặp những dạng toán mà bạn đã học rồi. Nếu như đề bài trở lên lắt léo và nâng cấp bậc, việc áp dụng y nguyên con đường giải bài trước để giải bài toán mới gần như là không thể. Nếu như không có ai hướng dẫn và không có kĩ năng loại bỏ những lời giải sai, bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào thì bạn sẽ đến đích. Nhưng nếu biết loại bỏ những lời giải sai, bạn có thể đánh dấu con đường đi của mình. Khi mà bạn đã đi hết tất cả các con đường mà không tìm ra lời giải, đó là lúc bạn biết bạn phải dừng lại, đó là lúc bạn cần tiếp nhận kiến thức mới. Edison đã 10000 thử nghiệm mà không thành công trong việc sáng chế ra bóng đèn điện, và ông đã nói: Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm ra các những lần thử nghiệm không thành công mà thôi. Một người chỉ thất bại khi họ thử tất cả các hướng đi mà không tìm ra lời giải.

    TOÁN HỌC TRONG CUỘC SỐNG.

    Có rất nhiều điểm tương đồng giữa tư duy toán học trong nhà trường và tư duy toán học trong cuộc sống. Để hiểu hơn, hãy cùng xem xét một ví dụ: Bạn muốn thành lập một công ty bán sách. Làm thế nào để công ty phát triển có lợi nhuận? (Phân tích ví dụ này chỉ mang tính chất tương đối, đơn giản hóa để mọi người cùng hiểu)

    1) Phân tích ví dụ:
    (a) thông tin hiện có: tình hình HIỆN TẠI của công ty như thế nào? Vốn: 100 triêu, nhân lực: 4 người, thời gian làm việc mỗi người: 2 người full time, 2 người 4h/ngày...
    (b) phân tích câu hỏi? Để công ty có lợi nhuận, doanh thu phải lớn hơn chi phí. Chi phí cần thiết là bao nhiêu? Doanh thu ước tính là bao nhiêu? Để công ty thành công thì chiến lược, cấu trúc nhân sự, quảng cáo… của công ty như thế nào?
    2) Áp dụng kiến thức:
    Để có thể làm giảm sự phức tạp, hãy giải quyết 1 ý nhỏ của phân tích câu hỏi: chiến lược cạnh tranh của công ty như thế nào.

    Áp dụng kiến thức đã học:
    Cấp độ 1: Có 2 phương thức cạnh tranh là cạnh tranh về giá và cạnh tranh về chất lượng. Cạnh tranh về giá yêu cầu sự đầu tư về công nghệ và lượng người mua lớn để giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành để chiếm lĩnh thị phần. Với vốn đầu tư công ty là 100 triệu, điều này gần như không khả thi. Vì thế cạnh tranh về chất lượng khả thi hơn.
    Cấp độ 2: Nếu cạnh tranh về chất lượng thì cạnh tranh về mặt nào? Độ bền, thẩm mĩ, dịch vụ bán hàng hay cái nào khác??
    Cấp độ 3: Chẳng hạn, ta chọn cạnh tranh về dịch vụ bán hàng. Với nhân lực gồm có 4 người, toàn người ít giao tiếp thì việc làm hài lòng tất cả các khách hàng rất là khó. Vì thế, cạnh tranh về dich vụ bán hàng không khả thi. Ta quay lại bước 2, chọn yếu tố khác.
    Sau cấp độ 3, còn cấp độ 4, 5…
    Ngoài ra, việc xét chiến lược cạnh tranh phải phù hợp với kế hoạch quảng cáo, thành phẩm…
    Nói chung, vấn đề được đưa ra rất phức tạp. Cuộc sống là một “bài toán” vô cùng khó.

    Giải một vấn đề trong cuộc sống khó hơn giải một bài toán rất nhiều. Không có ai nói cho bạn thông tin cần thiết đề giải quyết vấn đề là thông tin nào. Có hàng ti tỉ thông tin bao quanh chúng ta hàng ngày, thông tin nào là cần thiết, thông tin nào dư thừa, đó là việc chúng ta phải làm. Điều này khác với giải một bài toán, khi những thông tin cần thiết đã được gói gọn trong vài dòng. Ngoài ra, kiến thức nào cần thiết cũng là một dấu hỏi lớn. Trong sách giáo khoa toán, bài tập áp dụng thường được đưa ra ngay trong bài dạy về kiến thức. Mọi học sinh đều biết phải dùng kiến thức vừa mới học để giải quyết bài tập của chương đó. Còn vấn đề của cuộc sống thì phức tạp hơn nhiều. Toàn bộ những kiến thức bạn tích lũy được đều có khả năng giải quyết vấn đề hoặc không. Chọn kiến thức nào để áp dụng là một câu hỏi nhức đầu. Cuối cùng, mức độ phức tạp của vấn đề trong cuộc sống thường cao hơn nhiều so với một bài toán trong trường. Các thông tin trong cuộc sống thường có sự đan xen, chồng chéo, và không phải lúc nào ta cũng lường hết được tất cả các tình huống các trường hợp có thể xảy ra.

    Ít nhất, toán học trong nhà trường cũng dễ hơn toán học trong cuộc sống. Hãy dạy cho trẻ cách suy nghĩ giải toán và cách vận dụng kiến thức linh hoạt. Đừng có chỉ cho trẻ con đường thành công, hãy chỉ cho chúng tại sao bạn tìm ra con đường ấy. Hy vọng một ngày nào đó, tư duy toán học sẽ giúp các em giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

    ---NDT---
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi nguyent15
    Đang tải...


  2. shopbong68

    shopbong68 Thời trang trẻ em

    Tham gia:
    24/5/2014
    Bài viết:
    5,253
    Đã được thích:
    585
    Điểm thành tích:
    823
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    Cám ơn chủ top bài viêt hữu ích, con nhà mình mới chỉ học cấp 1 thôi mà nhiều khi có những bài mình k thể giải nổi. Năm nay lớp 4 là kiến thức quan trọng nhất của cấp tiểu học. Là con trai lại mải chơi, hiếu động, học thì ko tập trung. Mình ko biết làm cách nào cho con tập trung vào học đây.
     
  3. nguyent15

    nguyent15 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    27/12/2014
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    Câu hỏi của bạn có 2 phần:
    (1) bạn không giải được toán lớp 4? Trước hết bạn hãy xem là thầy cô ở trên lớp có giải bài này không đã. Nếu có, sau khi thầy cô giải xong hãy hỏi lại con xem con có hiểu bài không. Bạn hãy đọc lại lời giải, cố gắng giải thích lại khi con bạn không hiểu. Nếu thầy cô không giải, bạn có 3 cách là (1) tự học gia tăng kiến thức cho chính mình -mua sách nâng cao hoặc đọc thêm ấy, trong những cuốn ấy có phần lời giải, bạn có thể xem giải khi không biết, (2) đăng lên các diễn đàn hoặc group trên fb nhờ giải giùm, (3) là kiếm gia sư.

    (2) Làm thế nào để con tập trung vào học? Toán học gồm toàn những con số nên khá khô khan và nhàm chán. Nếu bạn có thể, bạn hãy chuyển thể nó sang những ví dụ sinh động gắn liền với thực tế cuộc sống hơn và nếu lời giải như những câu đố vui, thay vì bắt trẻ ngồi một chỗ và giải bài. Chẳng hạn, bạn muốn con học tính cộng hay nhân, có thể mua một bộ bài về rồi cùng chơi với trẻ. Hoặc khi gặp bài toán chuyển động, bạn có thể hỏi trẻ: giờ từ nhà mình về quê ngoại xa 20km, bố đi với vận tốc 40km/h thì trong bao lâu sẽ về tới quê? Một phương pháp khác để khuyến khích việc học sáng chế việc học như một trò chơi. Chẳng hạn: hiện nay bạn cho con bạn 5 điểm, và nói với con rằng, mỗi bài con làm đúng con được cộng 1 điểm, làm sai trừ 2 điểm. Khi nào con đến 10 điểm thì không phải học nữa. Nếu trong vòng 1h mà đến được 10 điểm sẽ được thưởng gì đó, nhưng nếu xuống 1 điểm, phải ngồi ôn lại kiến thức từ đầu và chơi lại trò chơi khi nào thắng thì thôi. Bạn đừng cố gắng ra bài khó quá, làm con dễ nản. Ra bài từ dễ đến khó dần. Cảm giác chiến thắng sau khi vượt qua khó khăn sẽ giúp con bạn thích thú trong việc học hơn.

    Chúc bạn thành công :D.
     
    shopbong68 thích bài này.
  4. Cờ Thông Minh

    Cờ Thông Minh Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    15/11/2013
    Bài viết:
    1,801
    Đã được thích:
    247
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    Toán học là môn học giúp trẻ rền luyện tư duy rất tốt. Theo kinh nghiệm của mình thì để trẻ học toán tốt, tránh nhàm chán thì cần hướng cho trẻ làm bài tập từ dễ đến khó. Làm bài nào so đấp số lời giải ngay bài đó, trẻ làm được nhiều bài sẽ hứng khởi hơn.
    Mặt khác, cha mẹ cũng có thể treo thưởng cho con nếu giải hết những bài tập này, kia. Cũng có thể tạo môi trường sinh động cho trẻ học đỡ nhàm chán như bạn nguyent15 nói ở trên
     
  5. Hoa Đào Anh

    Hoa Đào Anh Thành viên chính thức

    Tham gia:
    14/12/2014
    Bài viết:
    192
    Đã được thích:
    20
    Điểm thành tích:
    18
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    Toán học với trẻ em rất khó dậy mà cũng dễ dậy
     
  6. Monalisa Miky

    Monalisa Miky Hotline: 0906242868

    Tham gia:
    30/6/2009
    Bài viết:
    6,044
    Đã được thích:
    1,201
    Điểm thành tích:
    913
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    Theo mình thì để tránh cho trẻ nhàm chán thì nên gắn toán học với cuộc sống. Khi toán học chỉ là những con ssoos thông thường nó sẽ rất khô khan khó hiểu nhưng khi ta minh họa toán bằng những thứ cụ thể, những thứ trẻ có thể gặp ngoài cuộc sống thì trẻ sẽ dễ dàng nhận biết và cảm giác thích thú trong việc học hơn
     
  7. moonchip153

    moonchip153 Thành viên đạt chuẩn

    Tham gia:
    19/12/2014
    Bài viết:
    52
    Đã được thích:
    11
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    học đi đôi vs hành, vừa học vừa chơi. Nhất là ở độ tuổi còn bé như các bé
     
  8. thanvandang

    thanvandang Thành viên đạt chuẩn

    Tham gia:
    2/12/2014
    Bài viết:
    62
    Đã được thích:
    4
    Điểm thành tích:
    8
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    cảm ơn bài viết của bạn nó rất hay và bổ ích
     
  9. giatri3011

    giatri3011 Thành viên tập sự

    Tham gia:
    29/7/2014
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    3
    Điểm thành tích:
    3
    Ðề: Chia sẻ kinh nghiệm dạy toán cho trẻ

    Thời gian đầu không nên cho con học nhiều, nếu học nhiều cháu chưa quen nên sẽ không thích lắm. bạn nên từ từ cho cháu quen dần với việc học, sau đó tăng giờ học lên. Nên cho con nghỉ giải lao giữa giờ không nên cho con học liên tục.
     
  10. APABEE

    APABEE Thành viên chính thức

    Tham gia:
    24/3/2021
    Bài viết:
    271
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    18
    Bài viết hữu ích
    ======
    iGEM LEARNING tổ chức rất nhiều buổi học toán miễn phí.
    Cha mẹ nào có nhu cầu cho con học đăng ký và tham khảo tại đây nhé
    https://igemlearning.vn/
    ======
    Các mạng xã hội của APABEE
     

Chia sẻ trang này