Bí ẩn đất nước Myanmar

Thảo luận trong 'Học tập' bởi Ngoc Lan, 1/12/2007.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới (Kỳ 1): Taxi dù


    [​IMG]
    Tháp vàng chùa Shwe Dagon, biểu tượng của thành phố Yangon - Ảnh: Đỗ Hùng

    Sự kiện Chính phủ Myanmar dời thủ đô từ Yangon lên Nay Pyi Taw vào đầu năm 2006 là bước đi gây ngạc nhiên với toàn thế giới.

    Hơn một năm trôi qua, Nay Pyi Taw vẫn rất ít được biết tới. Phóng viên Thanh Niên vừa có chuyến đi thú vị tới thủ đô bí ẩn này.

    Giữa một thành phố khá tối vì ít đèn đường và nhiều cây xanh, tháp vàng chùa Shwe Dagon hiện lên sáng rực một góc trời Yangon.

    Cố đô

    Đến Yangon vào một buổi tối giữa tháng 11, dưới cánh máy bay, tôi dễ dàng nhận ra biểu tượng của thành phố, đó là ánh rực rỡ của tháp vàng chùa Shwe Dagon. Giữa một thành phố khá tối, ánh sáng từ cụm tháp chùa dường như rực rỡ thêm bội phần. Ngôi chùa có tuổi còn cao hơn cả thành phố Yangon với tháp làm bằng vàng này là trái tim của Phật giáo Myanmar.

    Yangon, vốn hình thành từ làng Dagon hồi thế kỷ thứ 6, vừa chính thức chia tay vai trò thủ đô của Liên bang Myanmar vào tháng 3.2006. Thủ đô mới của Myanmar là Nay Pyi Taw, cách đó khoảng 350 km về phía bắc. Đó là một thành phố được xây mới hoàn toàn cách đây vài năm, từ một ngôi làng heo hút trên vùng đồi lúp xúp thuộc phân khu Mandalay. Dù trái tim quyền lực đã được chuyển đến Nay Pyi Taw, Yangon hiện vẫn là thành phố lớn nhất Myanmar, là cửa ngõ chính của quốc gia nằm phía tây khu vực Đông Nam Á này.

    Hầu hết các chuyến bay đến và rời Myanmar đều thông qua Sân bay quốc tế Yangon, nằm cách trung tâm thành phố chừng 15 km. Đó là một sân bay rất nhỏ, không có gì thuyết phục người ta tin rằng nó từng có một quá khứ vàng son, từng được xếp vào nhóm sân bay quốc tế tốt nhất Đông Nam Á mấy chục năm về trước. Gần đây, Chính phủ Myanmar đã xây một nhà ga mới khá khang trang để đón khách thập phương. Trong hoàn cảnh ở Myanmar vừa có một số diễn biến căng thẳng, lượng khách nước ngoài đến quốc gia này vốn đã ít giờ lại càng thưa hơn. Thế nên, tiếng là sân bay quốc tế nhưng phi trường Yangon không có vẻ tấp nập như nhiều sân bay chính ở các quốc gia cùng khu vực. Sau này, khi đã thâm nhập vào đất nước Myanmar, tôi cũng dễ dàng nhận ra sự hiu quạnh tương tự ở nhiều khách sạn lớn và các khu du lịch nổi tiếng. Nhiều tòa nhà văn phòng cho thuê ngay trung tâm Yangon cũng chịu chung số phận. Đất nước Myanmar tuyệt đẹp, người dân Myanmar hiếu khách, nhưng một số khó khăn chủ quan và khách quan đã khiến nơi này không được nhiều du khách, nhà đầu tư quốc tế chọn làm điểm đến.

    Ấn tượng taxi dù

    [​IMG]
    Taxi dù trên đường phố Yangon.

    Sau những cảm nhận ban đầu, tôi bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống hôm nay ở Yangon. Buổi tối đầu tiên, cùng với những người bạn là doanh nhân bản xứ, tôi đã có một cuộc khám phá thú vị, qua nhiều quán bar, nhà hàng, tụ điểm vui chơi và những khu phố nghèo. Cuộc sống về đêm ở thành phố khá nhộn nhịp, với những quán bar đông đúc, những ban nhạc hát tiếng Anh rất ngọt và khu phố người Hoa với cảnh nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng cùng những xe hàng rong với tiếng rao bổng trầm như hát. Dưới màn đêm, sự lam lũ hiện lên cùng với một vẻ đẹp lãng mạn. Đảo qua một số khu mua sắm và vui chơi, tôi phát hiện ra rằng ở Myanmar không có thẻ ATM và các loại thẻ tín dụng. Đi đâu người ta cũng mang tiền mặt theo. Ngặt một nỗi là tiền "chạt" (kyat) có tỷ giá khá thấp so với USD (1 USD tương đương 1.300 kyat) mà tờ tiền có mệnh giá cao nhất của nước này là tờ 1.000 kyat. Thế nên mỗi lần ăn nhậu, mua sắm, người ta thường phải "vác" một cọc tiền to tướng theo, rất bất tiện. "Trước kia cũng có thẻ ATM, nhưng do một số khó khăn về kinh tế, nó không còn tồn tại nữa. Thẻ tín dụng cũng không", người bạn doanh nhân tên Aung Myin giải thích. Nhưng gây cho tôi nhiều ngạc nhiên nhất là chuyện xe cộ.

    Có thể nói Yangon là kinh đô của taxi dù. Những khái niệm như đồng hồ tính cước, máy lạnh trên taxi trở nên rất xa xỉ ở nơi đây. Với Yangon, khi muốn đi taxi, người ta chỉ cần vẫy tay để thương lượng giá, kiểu như xe ôm ở ta. Và ở Yangon, taxi là những chiếc xe hơi có "niên đại" không dưới 20 năm, có nghĩa là rất cũ kỹ, tồi tàn và khó nhận ra đó là xe của nhà sản xuất nào. Dường như đó là một cỗ máy hổ lốn, vá víu, miễn là có thể lăn bánh và chở được người. Giá cho một cuốc taxi từ sân bay về trung tâm Yangon khoảng 4.000 đến 5.000 kyat. Cũng không đắt lắm nhưng nói chung khách phải biết thương lượng và đôi khi phải chấp nhận đi chung với người khác như... đi xe buýt.

    [​IMG]
    Cảnh sinh hoạt trên đường phố Yangon (Myanmar)

    Ở Yangon nói riêng và Myanmar nói chung, phương tiện giao thông là cả một câu chuyện dài, lạ lùng đến mức khó hiểu. Tại thành phố lớn nhất Myanmar này, xe máy bị cấm. "Tại sao?", tôi thắc mắc với anh bạn Naing Soe, là một doanh nhân trẻ của Yangon. Anh ta cười: "Tôi không biết. Chính phủ có thể ban hành bất cứ chính sách nào. Không có giải thích. Người dân cứ phải tuân thủ". "Thế ở những thành phố khác thì sao, như Mandalay hoặc Sittwe chẳng hạn? Cũng cấm luôn?". "Không, chỉ ở Yangon thôi". "Tại sao?". "Tôi không biết!".

    Người dân Yangon nếu không có xe hơi riêng thì thường đi lại bằng xe buýt và các loại xe chở khách khác. Nói chung ở đây người ta có thể chở khách bằng bất cứ loại xe nào, từ xe buýt cho đến những chiếc xe tải cải biến. Tất cả đều cũ kỹ, có lẽ được sản xuất cách đây không dưới 20 năm và đã được lắp ghép, "mông má", chỉnh sửa vô số chi tiết. Tất cả đềìu chật cứng người, người ngồi bên trong, người đứng cheo leo bên ngoài thành xe. Dưới cái nắng chang chang của tháng 11, những chiếc xe nhét đầy khách trông thật ngột ngạt. Nhìn xe khách trên đường phố Yangon vào cuối năm 2007, tôi chợt liên tưởng tới những chuyến xe đò rệu rã, ì ạch thường chạy dọc Việt Nam hơn 20 năm về trước.

    [​IMG]
    Khoảng 85% số xe ô tô lưu thông đã quá cũ.

    Không có cảnh nhốn nháo của xe gắn máy như ở Việt Nam nên đường phố Yangon nhìn từ xa thì khá sang, nhưng lại gần mới thấy hết độ gồ ghề của nó. Khoảng 85% số xe ô tô lưu thông đã quá cũ. Số xe đời từ năm 2000 tới nay có lẽ chỉ chiếm khoảng 6-7%. Ước lượng này chỉ có tính tương đối, nhưng cũng có thể đưa ra một hình dung cơ bản về đường phố Yangon hiện tại. Có nhiều lý do khiến dân Myanmar "chuộng" xe cũ. Kinh tế là một. Dù đất nước đã có những chuyển biến đáng kể trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung dân chúng đại đa số vẫn còn nghèo, không đủ tiền sắm xế hộp, số người khấm khá cũng chỉ đủ khả năng mua xe cũ, rất cũ mà thôi. Nhưng đó không phải là lý do chính, quan trọng nhất vẫn là chính sách không khuyến khích dùng xe hơi của chính phủ. Chính sách này đã khiến xe ô tô ở đây, cùng với điện thoại di động và internet, trở thành những mặt hàng đắt ngoài sức tưởng tượng của hầu hết chúng ta. Ở Việt Nam, giá xe ô tô đã thuộc vào hàng "top" thế giới, nhưng giá xe ở Myanmar mới xứng đáng với "ngôi vị quán quân". Tôi đã bị sốc sau khi biết giá chiếc Toyota Camry 2.2 đời 1994 cũ kỹ với nội thất đơn sơ của doanh nhân Naing Soe...
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


  2. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới (Kỳ 2): Chuyện xe và xăng


    [​IMG]
    Đường phố Yangon tràn ngập xe cũ, với giá cực đắt - Ảnh: Đỗ Hùng

    Yangon không có cửa hàng bán ô tô mới và giá một chiếc Toyota Land Cruiser khoảng 300.000 USD.


    Xe 'vàng'

    Nghe tôi bình luận về sự tràn ngập của 'xe cổ' trên đường phố Yangon, anh bạn Naing Soe - doanh nhân trẻ Yangon, hỏi: 'Anh biết tại sao không?'. Tôi: 'Chịu'. 'Do xe đắt quá. Ở đây không có nhiều người mua được xe mới đâu', Soe nói, đoạn hỏi tiếp: 'Anh biết chiếc Camry của tôi giá bao nhiêu không?'. Tôi ngắm nghía rồi ước lượng: 'Chưa tới ba mươi ngàn đô'. Soe không giấu nổi sự thích thú: 'Sáu mươi ngàn đấy'. Tôi giật mình nhìn kỹ lại xem chiếc xe có gì đặc biệt. Hoàn toàn không. Đó là một chiếc Camry 2.2 đã luống tuổi, nội thất đơn sơ, tay lái nghịch (dù xe cộ ở Myanmar lưu thông bên phải như Việt Nam, nhưng ở đây xe có tay lái nghịch vẫn chiếm số lượng áp đảo), hình dáng bên ngoài cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí một số chi tiết dường như đã được độ lại, không phải là đồ gin. Nói chung, nếu pít-tông, xi-lanh không làm bằng vàng hoặc kim cương thì đây là một chiếc xe cũ bình thường. 'Sáu mươi ngàn đấy', anh ta nhấn mạnh trước sự hoang mang vô bờ bến của người nghe. Tôi choáng váng: 'Bằng một chiếc Camry mới ra lò ở Việt Nam!' (*). 'Tôi biết. Ở đây một chiếc Land Cruiser đời mới có giá khoảng ba trăm (300.000 USD). Nhưng không dễ mua xe mới. Chính phủ hạn chế mà'. Tôi định hỏi tại sao nhưng lại thôi vì biết chắc sẽ nhận được câu: 'Không biết'.

    Qua hai doanh nhân trẻ Naing Soe, Aung Myin và một số người khác mà tôi có dịp tiếp xúc cùng với quá trình tìm hiểu thực tế, một thế giới kỳ lạ trong lòng Yangon hiện lên. Tại đây, không hề có một cửa hàng bán xe hơi mới nào. Chính phủ có chính sách hạn chế dân mua xe, để tiết kiệm, để ngừa khủng hoảng thiếu xăng dầu và nhiều lý do khác. Vì thế khi muốn mua hoặc bán xe hơi, người ta tìm tới chợ đen. Chợ đen là một khu phố nhỏ, một xưởng độ xe hoặc khuôn viên nhà máy... Người cần bán gửi xe ở đây, người muốn mua dò tìm đến đây. Sau khi thương lượng, nếu thuận mua vừa bán thì tiền trao cháo múc. Xe chợ đen tất nhiên toàn xe cũ, xuất xứ bốn phương và đều đã qua các xưởng độ xe thủ công có mặt khắp

    Yangon. Xe cũ mèm nhưng giá thì chẳng 'cũ' chút nào. Một chiếc xe hơi 5 chỗ đời 80, dàn xe có thể là Toyota hoặc Nissan gì đó, nhưng máy móc, phụ tùng thì hổ lốn, với ngoại hình xác xơ, giá ngót nghét 30.000 USD. Những chiếc taxi cà tàng (loại này đã tuyệt chủng ở Việt Nam) mà tôi có dịp đi giá trên 20.000 USD.

    Một buổi tối, khi tôi đang ngồi uống cà phê bên lề đường ở trung tâm Yangon với Naing Soe, Aung Myin cùng vài người bạn mới thì có hai chiếc xe hơi trờ tới, thắng gấp. Tôi liếc nhìn, một chiếc BMW M3 màu bạc, mạnh mẽ, một chiếc Mercedes-Benz

    S-Class đen sì, sang trọng. Theo thói quen vừa hình thành, tôi nhẩm tính: 'Hai con này chắc cũng hòm hòm một triệu'. Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh bạn Aung Myin nói: 'Chiếc S-Class có thể trên một triệu đô, nhưng có thể chẳng một xu nào.

    Anh hãy nhìn kính xe. Tất cả đều đen sì'. Myin giải thích rằng ở Myanmar, xe hơi không được phép bọc kính đen, trừ xe của nhân vật 'có số má'. Những người này có thể bỏ ra hàng triệu USD để sắm xe và cũng có thể tặng nhau những chiếc xe sang trọng đó. Họ có thể là doanh nhân có nhiều mối quan hệ đặc biệt, là quan chức có cỡ... 'Vì thế, khi gặp xe kính đen, anh hãy cẩn thận', anh bạn Soe ngồi cạnh nhấn giọng. Tôi phì cười trước vẻ mặt trầm trọng của anh. Xứ này có nhiều chuyện lạ đáo để.

    Xăng 'đen'

    Câu chuyện về giá xe khiến tôi như lạc vào một thế giới khác. Còn câu chuyện xăng dầu ở Myanmar lại gợi cho tôi ký ức xưa cũ về một thời tem phiếu ở xứ ta. Thời tôi học vỡ lòng đã là hậu kỳ của chế độ tem phiếu, nhưng tôi vẫn còn loáng thoáng nhớ đôi chỗ. Khi đến Myanmar và tận mắt chứng kiến thị trường xăng dầu ở đây, tôi như trở về thời đó.

    Tại Myanmar, cơn khát xăng dầu hiện đang ngày một nghiêm trọng nên chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm làm... nản lòng người mua. Hồi giữa năm, nhà chức trách Myanmar đã quyết định nâng giá nhiên liệu, với giá khí đốt tăng khoảng 500%, giá xăng và diesel tăng khoảng 200%. Sự kiện này đã tác động tới mọi mặt cuộc sống của người dân, từ người sử dụng xe cho tới người đi xe buýt. Một chính sách quan trọng nữa là việc áp dụng 'hạn ngạch' xăng dầu. Theo đó, mỗi ô tô chỉ được phép 'uống' tối đa 6 gallon Anh (khoảng 27 lít) xăng hoặc dầu diesel trong 3 ngày. Xài hết khẩu phần này thì xe phải 'trùm mền'. Sở dĩ có thể áp dụng được chính sách 'hạn ngạch' là do tại Myanmar, chính phủ nắm toàn bộ hệ thống phân phối xăng dầu. Xe nào sử dụng bao nhiêu nhiên liệu đều được 'lưu vào sổ'.

    Nhưng nhà nước có chính sách thì dân cũng có cách lách. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của chợ đen. Tôi đã rất ngạc nhiên khi vào buổi tối đầu tiên đi chơi với Soe ở Yangon, sau khi cà phê cà pháo chán, anh ta lượn một vòng quanh bờ hồ Kandawgyi rồi dừng lại trước mặt hai người đàn ông đang ngồi bên đường. Ánh đèn pin lóe lên. Một cuộc trao đổi thì thầm diễn ra và sau đó mùi xăng dầu lan tỏa. Khi mọi chuyện xong xuôi, Soe mới giải thích rằng đây là một phi vụ chợ đen, rằng anh ta đã chạy hết 'khẩu phần xăng' của mình nên đành phải 'ăn đêm'. 'Thế mấy người này lấy xăng đâu mà bán?' 'À, để tôi giải thích cho anh. Ở đây có nhiều người sở hữu xe nhưng ít chạy, thế là xài không hết khẩu phần và bán lại'. 'Thế có chuyện dân chợ đen móc nối với quan chức nhà nước để mua xăng bán ra ngoài không?', sẵn nỗi ám ảnh từ Việt Nam, tôi hỏi. 'Ờ, không biết', Soe đáp, đậm chất Myanmar. 'Giá chợ đen thế nào?'. 'Khoảng gần gấp đôi giá nhà nước, tùy lúc và tùy khả năng thương lượng của anh'. 'Thế chính sách hạn ngạch này bao giờ mới chấm dứt?', tôi vẫn chưa buông tha. 'Ai mà biết được. Có thể ngay ngày mai, có thể vài năm nữa', Soe uể oải đáp. Trên đường trở về khách sạn, tôi quan sát hai bên đường và thấy rất nhiều 'cây xăng đen' khác. Nhiều bác tài dừng lại để thương lượng, ngã giá. Thị trường này có vẻ ngấm ngầm mà sôi động.

    Chuyện xe đắt như vàng và xăng chợ đen khiến tôi sửng sốt, nhưng sự kỳ lạ của Yangon và đất nước Myanmar chưa chấm dứt ở đó.
     
    architect thích bài này.
  3. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Thủ đô bí ẩn nhất thế giới (Kỳ 3): Thế giới người giàu, kẻ nghèo

    [​IMG]
    Vừa trò chuyện với công nhân ở ngoại thành Yangon, tôi vừa nhẩm tính: "Mỗi cô gái này phải làm sáu bảy năm liên tục, nhịn ăn nhịn mặc, mới đủ tiền sắm một chiếc điện thoại di động".

    » Kỳ 2: Chuyện xe và xăng
    » Kỳ 1: Taxi dù

    "Mô bai" và tiền lương

    Tôi từng nghe nói một chiếc điện thoại "tỉ phú" như Vertu, Gresso có giá từ vài ngàn tới vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn USD. Thế nhưng, khi nghe giá cả điện thoại di động ở Myanmar, tôi vẫn choáng.

    "Anh biết điện thoại của tôi giá bao nhiêu không?", sau khi "tra tấn" tôi về chuyện ô tô, xăng dầu, Soe bồi tiếp. Tôi ngắm nghía, đó là một chiếc Motorola RAZR V3i màu bạc, mỏng tang, cũng không đắt lắm, chắc ở Việt Nam khoảng 3-4 triệu đồng. Tôi ước lượng giá rồi nhân lên vài lần cho chắc ăn: "Một ngàn đô". "Anh đúng một nửa. Cái này hai ngàn". Gì cơ? Hơn ba chục triệu đồng? "Thế thì anh bay sang Việt Nam mua một cái tương tự về dùng vẫn còn rẻ hơn", tôi vặn vẹo. "Không, cái xác điện thoại thì không đắt hơn Việt Nam là bao. Nhưng cái sim ấy. Đó mới là xương sống, là trái tim, là vàng".

    Soe cho biết anh phải mua cái sim điện thoại di động giá khoảng 1.500 USD. Sau này giá có giảm xuống nhưng vẫn cao ngất ngưởng. Tại Myanmar, hiện chỉ có một công ty duy nhất của chính phủ, cung cấp mạng di động nên cái giá này nghiễm nhiên "được chấp nhận". Sóng thì chập chờn. Tôi so sánh: "Ở Việt Nam, tôi không giàu nhưng sắm điện thoại di động là chuyện nhỏ. Thậm chí chỉ cần hai mươi đô là có cái để alô". "Tôi từng đến Việt Nam mà. Ở đó học sinh phổ thông cũng có điện thoại", Soe chia sẻ. Còn tôi thì không thể chia sẻ được câu chuyện khó hiểu về cái "mô bai" ở xứ này. Nông dân quê tôi trồng lúa trên cát, nghèo thiệt là nghèo, nhưng nhiều người cũng sắm điện thoại di động để í ới nhau đi nhậu sau mỗi buổi làm đồng. Còn ở xứ này, "mô bai" là thế giới của người giàu.

    Nhưng "mô bai" chỉ là một trong vô số chuyện lạ đời, như giá xe hơi, "hạn ngạch xăng" và cả internet nữa. Ở Yangon, để kéo đường truyền internet ADSL về nhà, văn phòng..., người ta phải trả khoản tiền đăng ký khoảng 2.000 USD kèm theo một thời gian chờ xét duyệt không xác định, doanh nhân Aung Myin kể.

    Rất nhiều thứ đắt đỏ ở một quốc gia chưa giàu có như Myanmar. Tuy nhiên, cũng có thứ rất rẻ, chẳng hạn sức lao động. Tôi đã có dịp thăm nhiều nhà máy quanh Yangon. Đó là những xưởng sản xuất đồ nội thất, sửa chữa xe hơi, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ... Công việc lao động chân tay thật nặng nề, nhất là đối với phụ nữ.

    "Chị làm ở đây lâu chưa?", tôi bắt chuyện với một nữ công nhân trong xưởng thủ công mỹ nghệ. "Hai năm rồi", cô ta đáp, ngắn gọn. "Sống được chứ?". "Nghĩa là sao ạ?". "À, là lương cao không?". "Ờ, ở đây lương bình quân một đô mỗi ngày?". "Lương tháng ba mươi đô?". "Ừ, đó là nếu đi làm đủ ba mươi ngày". "Có đủ sống không?" Cô gái cười, thay cho lời đáp. Tôi cũng cười, còn trong đầu thì nhẩm tính: "Mỗi ngày một đô, mỗi năm 365 ngày, mười năm là 3.650 đô." Thầm liên tưởng mức lương này với số tiền mà Soe bỏ ra để mua điện thoại, tôi hoang mang. Công nhân ở quanh Yangon còn đỡ, ở khu vực nông thôn, mức lương nghe nói còn thấp hơn. Còn những người làm bồi bàn, tiếp tân khách sạn ở ngay Yangon thường nhận mức lương khoảng từ 30 đến 50 USD mỗi tháng. Đó là những người có thu nhập thấp và trung bình, họ chiếm đa số ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.

    Trong những tháng gần đây, việc chính phủ tăng giá nhiên liệu đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo. Xăng dầu tăng giá, vé tàu xe cũng tăng theo mà phần lớn công nhân đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thế nên mức lương 1 USD mỗi ngày càng trở nên nhỏ bé. Tại một số nhà máy quanh Yangon, công nhân phải bỏ việc, cuộc sống của họ và hoạt động kinh doanh của giới chủ vì thế đối mặt với nhiều nguy cơ.

    Chuyện người giàu

    Ở trung tâm Yangon có nhiều khu biệt thự cao cấp, đó là hình ảnh thu nhỏ của xã hội thượng lưu Myanmar. Trong gần 20 năm qua, khi Mỹ và một số nước phương Tây áp dụng biện pháp cấm vận, tình hình kinh tế Myanmar gặp nhiều trở ngại. Bạn có thể thấy bất cứ nơi đâu hình ảnh khó khăn của đất nước này, đó là dòng xe cũ kỹ trên đường, đó là những tòa nhà thưa vắng khách, đó là thành phố Yangon với nhiều lần cúp điện mỗi ngày. Nhưng đất nước đầy khó khăn đó vẫn có không ít người giàu, thậm chí nếu Tạp chí Forbes của Mỹ bỏ công đến đây thì cũng có thể kiếm được vài người đưa vào danh sách tỉ phú hằng năm. Có thể thấy điều đó qua những dãy biệt thự sang trọng, những chiếc xe Ferrari, Lamborghini, BMW, Mercedes-Benz... đắt tiền lượn lờ quanh hồ Kandawgyi vào mỗi chiều.

    [​IMG]
    Máy bay Hãng Air Bagan của ông U Tay Za, người giàu nổi tiếng Myanmar (ảnh: Đỗ Hùng)

    Người giàu nổi tiếng nhất Myanmar có lẽ là U Tay Za, chủ Tập đoàn Htoo Trading. Thế giới bên ngoài rất ít biết đến nhân vật này, nhưng khi bước chân tới Myanmar, bạn sẽ "gặp" Tay Za ở mọi nơi. Đầu tiên, ở Sân bay quốc tế Yangon, là hình ảnh đội máy bay của Hãng Air Bagan do ông ta làm chủ. Hãng hàng không này mới được thành lập vào năm 2004, hiện có đội bay gồm 9 chiếc, trong đó có 3 chiếc Airbus A-310 và A-330.

    Air Bagan có 15 đường bay nội địa và mới khai trương 2 đường bay quốc tế, tới Bangkok và Singapore. Hãng dự định sẽ mở thêm đường bay tới Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... Tuy nhiên, hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ đã gia tăng biện pháp trừng phạt đối với Myanmar và trong danh sách đen của Washington có tên Tay Za, nên kế hoạch vươn ra thế giới của ông ta gặp khó khăn. Sở dĩ Mỹ "đánh" Tay Za là bởi theo họ, nhân vật này có quan hệ thâm tình với chính quyền của Thống tướng Than Shwe. Phía Mỹ cáo buộc Tay Za sử dụng tiền bạc để mua vũ khí "tặng" Chính phủ Myanmar (vốn đang bị cấm vận), đổi lại, ông ta được ưu ái tuyệt đối trong kinh doanh. Tại Myanmar, người ta đồn rằng Tay Za là người duy nhất ngoài chính phủ được phép khai thác gỗ tếch (teak), loại gỗ cực quý. Theo Báo Myanmar Times, một tuần báo tư nhân ở Yangon, chỉ riêng từ năm 2006 đến giữa năm 2007, doanh nghiệp gỗ của Tay Za đã kiếm được 65 triệu USD. Ngoài ra, một số nguồn tin còn cho biết Tay Za đã thắng thầu hàng loạt công trình xây dựng tại thủ đô Nay Pyi Taw, một thành phố hoàn toàn mới được xây dựng cách đây vài năm. Thử tưởng tượng bạn là chủ một công ty xây dựng và bạn nhận được hợp đồng xây một thành phố mới để làm thủ đô cho đất nước. Tay Za cũng được cho là một trong số ít người được hưởng đặc quyền trong các lĩnh vực đặc biệt như khai khoáng, đá quý, du lịch...

    Khi lên thăm thủ đô Nay Pyi Taw và nghỉ ở khu khách sạn ngay cửa ngõ thành phố, tôi đã gặp một doanh nhân từ Yangon lên làm hồ sơ kinh doanh, anh Hla Han. Bằng một giọng nói pha trộn giữa sự e sợ và thán phục, anh ta kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Tay Za. Một con người tầm cỡ như Tay Za, thật đáng ngạc nhiên, lại mới chỉ 41 tuổi. "Cha ông ta làm lớn à?", tôi hỏi. "Không hẳn thế. Người cha là đại tá về hưu, cũng không lớn lắm. Nhưng Tay Za khá lên nhờ lấy con gái một nhà buôn gỗ. Sau đó thì tự ông ta đi lên đỉnh cao", người bạn mới quen trả lời và cho biết Tay Za cũng là chủ một số khu liên hợp khách sạn ở cửa ngõ thủ đô mới. Anh bạn còn nói rằng ở đây việc kinh doanh khó với người này nhưng dễ với người kia. Tôi định hỏi tại sao, nhưng lại thôi.
     
    architect thích bài này.
  4. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Thủ đô bí ẩn nhất thế giới (Kỳ 4): Đường lên Nay Pyi Taw xa lắc


    [​IMG]
    Chính phủ nói rằng Yangon đã trở nên quá chật chội

    Rời Yangon, chính quyền quân sự Myanmar chuyển lên đóng tại thành phố mới xây dựng Nay Pyi Taw. Đây có lẽ là thủ đô bí ẩn nhất thế giới hiện nay.

    Thành phố hoàng gia

    Nếu như Yangon đã có ngàn năm tuổi thì Nay Pyi Taw (báo chí phương Tây thường viết là Naypyidaw nhưng các tài liệu chính thức tại Myanmar phiên âm La-tinh là Nay Pyi Taw) mới ra đời từ cuối năm 2005. Thành phố được xây dựng tại ngôi làng nhỏ Kyatpyae, cách thị trấn Pyinmana khoảng 10 km. Theo một số tài liệu, Nay Pyi Taw có nghĩa là "Thành phố hoàng gia" hay "Nơi ở của các vị vua". Vào ngày 6.11.2005, một số cơ quan của chính phủ bắt đầu chuyển tới thành phố này. Cái tên Nay Pyi Taw được công bố vào tháng 3.2006, nhân ngày truyền thống các lực lượng vũ trang Myanmar. Đây cũng là lúc vai trò thủ đô của Yangon chính thức được chuyển giao cho Nay Pyi Taw.

    Nhìn trên bản đồ, Nay Pyi Taw ở ngay trung tâm đất nước Myanmar, khác với Yangon nằm chếch xuống phía nam. Giới chức Myanmar giải thích rằng sở dĩ họ chuyển thủ đô tới đây là do Yangon đã quá chật chội, rất khó quy hoạch, mở rộng về sau. Trong khi đó, ý kiến bên ngoài thì cho rằng thủ đô mới với núi cao bảo vệ xung quanh rất có lợi thế về mặt an ninh. Vị trí trung tâm của Nay Pyi Taw cũng cho phép chính phủ dễ dàng kiểm soát các khu vực xa xôi hẻo lánh ở miền bắc và miền đông. Còn tôi thì liên tưởng sự ra đời của Nay Pyi Taw với "truyền thống dời đô". Trong quá khứ, mỗi vị vua xứ sở này khi lên ngôi thường chọn thủ đô mới, như một cách để xác lập vai trò lịch sử của mình. Là thủ đô của một quốc gia nhưng Nay Pyi Taw gần như "không chào đón" người nước ngoài. Giới báo chí quốc tế khó tới được nơi đây nên thông tin về thành phố trên các phương tiện truyền thông quốc tế rất ít. Vì thế, khi đến Myanmar, tôi đặt mục tiêu là phải đến thăm Nay Pyi Taw.

    Thủ đô xa lắc

    [​IMG]
    ... Chính phủ Myanmar chuyển tới đóng tại Nay Pyi Taw

    Khi nghe tôi hỏi chuyện đi Nay Pyi Taw, anh bạn doanh nhân Naing Soe trố mắt: "Sao không tới Bagan, Mandalay hay một nơi nào khác?". Tôi nói rằng mình muốn biết "thủ đô của các bạn như thế nào và người ta đang làm gì ở đó ". Quả thực, đến thăm Nay Pyi Taw là một ý nghĩ lạ lẫm đối với ngay cả người Myanmar, chứ đừng nói tới dân ngoại quốc. Trong văn phòng của Soe, với hơn 30 nhân viên, chỉ một người từng đến Nay Pyi Taw. Người này đến thủ đô chẳng qua là do công việc xin giấy phép, làm hồ sơ buộc anh ta phải lên văn phòng bộ này bộ nọ.

    Dù thấy ý tưởng của tôi lạ lẫm, Soe cũng liên lạc hỏi thông tin. Có ba cách để đến Nay Pyi Taw: máy bay, tàu hỏa và xe đò. Máy bay thì vù một cái là xong, còn tàu và xe thì mất khoảng 8 tiếng đồng hồ. Tôi chọn tàu hỏa, vừa rẻ lại vừa có nhiều cơ hội cọ xát với dân bản xứ. Nhưng dò hỏi một hồi, Soe thông báo: "Người nước ngoài không thể đến Nay Pyi Taw. Anh chỉ có thể tới Pyinmana thôi". Thất vọng, nhưng tôi vẫn quyết định mua vé tàu để đi, tới Pyinmana cũng tốt rồi. Nói chung, đến gần Nay Pyi Taw chừng nào hay chừng đó.

    Tới nhà ga, tôi gặp phải một chuyện kỳ cục khác: khách nước ngoài phải mua vé bằng USD, không được trả bằng tiền "chạt". Nhưng vé thì chỉ 20 USD mà họ lại không có tiền để thối tờ 100 USD của tôi, thế là cuối cùng phải chuyển sang xe buýt. Lại một phen trả giá, đùn đẩy với mấy anh "cò" trước khu bán vé. "Nay Pyi Taw hai lăm ngàn", một người đàn ông gốc Ấn ra giá, sau khi nhìn từ đầu tới chân tôi. "Thế thì đắt bằng vé tàu rồi. Mười lăm thôi", tôi kỳ kèo, vận dụng ngay những kinh nghiệm trong các vụ "đàm phán" với mấy bác tài taxi dù. "Không có giá mười lăm ngàn. Hai mươi cũng được, nhưng là xe không có điều hòa". Câu nói của ông ta vô tình cung cấp cho tôi một thông tin quý giá, rằng ở đây có xe buýt máy lạnh. "Tôi chọn loại xe này và với giá hai mươi ngàn", tôi cương quyết. Sau một hồi cò cưa, cuối cùng chiến thắng thuộc về tôi. Giá vé 20.000 kyat (khoảng 16 USD) và xe buýt máy lạnh.

    Nhét vé vào túi, tôi ngồi chờ chuyến đi trong mơ. Tôi giết chết khoảng thời gian chờ đợi bằng tờ báo tiếng Anh The New Light of Myanmar (Ánh sáng mới của Myanmar). Đó là tờ báo nhà nước, do một đơn vị thuộc Bộ Thông tin phụ trách. Ngày nào cũng thế, ở đầu trang bìa, tờ báo đều đăng 4 mục tiêu chính trị, 4 mục tiêu kinh tế và 4 mục tiêu xã hội của Myanmar. Tôi liếc nhìn, thấy toàn vấn đề quan trọng như củng cố hòa bình, xây dựng đất nước hiện đại, phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị đạo đức... Ở trang bìa tôi còn thấy mục nhân sự mới, trong đó đưa tin Hội đồng Hòa bình và Phát triển Myanmar bổ nhiệm một vài vị tướng tá vào chức vụ thứ trưởng các bộ phụ trách năng lượng và lao động. Bên cạnh là bài xã luận nêu bật những thành tựu gần đây của Myanmar đồng thời tố cáo "các thế lực phá hoại trong và ngoài nước". Thêm vài hình ảnh nhân dân tuần hành ủng hộ chính phủ tại một khu làng hẻo lánh nào đó. Đáng chú ý là trang cuối của tờ báo, trang 16. Nơi đây người ta dành nguyên trang để đăng khẩu hiệu, hình thức tương tự quảng cáo nhưng mang nội dung chính trị. Những ngày ở Myanmar sau đó, tôi tiếp tục mua tờ báo này để xem "diễn biến" thế nào và thấy vẫn thế. Ý nghĩa của những câu chữ trang cuối cũng như nội dung chính xuyên suốt tờ báo được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu thái độ của Chính phủ Myanmar đối với một số báo đài nước ngoài. Đại diện báo giới nước ngoài tới Myanmar trong giai đoạn này là một vấn đề nhạy cảm, chưa nói đến chuyện tìm tới thủ đô Nay Pyi Taw.

    Tôi đã thấy phần nào sự nhạy cảm đó trong những ngày ở Yangon. Và giờ đây, tôi cũng nhận ra ánh mắt ái ngại của cô bán vé khi thấy tôi lỉnh kỉnh máy ảnh, máy tính xách tay. "Anh là nhà báo?", cô ta bắt chuyện. Tôi cười. "Anh tới bộ nào trên Nay Pyi Taw?". "À không, đi chơi thôi. Phải biết thủ đô như thế nào chứ", tôi nói. "Nhưng ở đó không có gì đâu. Đó là tôi nghe nói vậy". "Ờ, tôi không đi ngắm cảnh. Là đi cho biết ấy mà". "Nhưng anh không được chụp ảnh đâu. Ở thủ đô ấy...". "Người ta cấm à?". "Không được chụp ảnh nếu không thì gặp rắc rối". "Không sao, tôi sẽ không chụp. Nhưng đem máy ảnh theo được chứ?". "Tôi không biết, nhưng anh nên để ở nhà". Tôi nhún vai: "Lên đó tôi sẽ để ở khách sạn".

    Đọc báo và tán gẫu, cuối cùng cũng đến giờ xuất hành. Tôi leo lên một chiếc xe buýt chật chội, nóng nực, chẳng khác gì mấy chiếc xe khách Bắc - Nam vào mỗi dịp Tết ở ta trước đây. Trên đó toàn người Myanmar, nói chuyện với nhau véo von như chim hót. Tôi chột dạ: Rủi xe này nó tống mình xuống một thị trấn nào đó thì biết đường đâu mà lần, bèn nhoài ra cửa sổ, gọi cô bán vé ban nãy: "Nếu có rắc rối thì tôi gọi cho chị nhé. Chị phải giúp". "Rắc rối gì cơ?". "À, là chuyện xe cộ, chuyện vé ấy". "Ờ, những chuyện ấy thì được, nhưng liên quan tới chụp ảnh thì không". Thấy không hy vọng gì mấy, tôi rụt vào, vừa lúc xe lăn bánh. Tôi định ngủ một giấc cho đường bớt xa, nhưng cái không gian chật chội và lắc lư này không thích hợp cho việc ngủ. Thế là đành thức để "nghe" người ta trò chuyện bằng tiếng Myanmar. Chặng đường 8 tiếng đồng hồ tới Pyinmana vì thế dài như vô tận.

    Theo Thanh niên
     
    mai_la_bearchitect thích.
  5. mai_la_be

    mai_la_be Thành viên tập sự

    Tham gia:
    6/10/2009
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    Ðề: Bí ẩn đất nước Myanmar

    came ơn chị, em có một người bạn myanma, hiện đang học tại Việt Nam!
     
  6. otvang

    otvang Bắt đầu tích cực

    Tham gia:
    5/12/2009
    Bài viết:
    353
    Đã được thích:
    51
    Điểm thành tích:
    28
    Ðề: Bí ẩn đất nước Myanmar

    Cảm ơn bác vì những thông tin hữu ích ,mở ra thêm một nơi rõ ràng hơn để mọi ngừoi biết đến.
     
  7. daubepviet

    daubepviet Thành viên sắp chính thức

    Tham gia:
    4/12/2010
    Bài viết:
    116
    Đã được thích:
    13
    Điểm thành tích:
    18
    Ðề: Bí ẩn đất nước Myanmar

    Ko quá bí ẩn đâu các bác, Myanmar tính về đường chim bay của hàng ko Việt Nam (chuyến HN-Yangon) còn gần hơn tuyến nội địa (HN-TPHCM).
    Người dân hiếu khách và an ninh cũng ko quá đáng ngại. Vừa bầu cử xong nên đang tạm yên ắng, các chị muốn đi thì đi luôn nhé (chỉ cần tránh mùa hè nóng nực thôi ạ)
     

Chia sẻ trang này