5 cách dạy trẻ lòng biết ơn

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi Hải Phạm, 9/12/2010.

  1. Hải Phạm

    Hải Phạm Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    24/11/2010
    Bài viết:
    1,025
    Đã được thích:
    1,555
    Điểm thành tích:
    1,013
    [​IMG]
    Cuộc sống không bao giờ tặng cho trẻ đúng những gì mà chúng muốn. Nhưng bằng nhiều cách bạn có thể dạy cho trẻ biết trân trọng những gì mà chúng có.

    Năm lên 7 tuổi, tôi nhận được một món quà giáng sinh bé tí – kích thước bằng cục tẩy - được gói vụng về và dán bằng băng keo. Bạn trai chị tôi, Jeff, đến chơi và đã chu đáo mang quà đến cho cả ba đứa em nhỏ của chị. Tuy nhiên, món quà của tôi là bé nhất. Tôi nhớ lại, khi chỉ thấy một chú chó bằng sứ bé tí, lạnh và cứng nằm gọn trong lòng bàn tay, tôi đã nghĩ rằng mình thật là xui xẻo. Và tôi đã lạnh nhạt với Jeff suốt cả ngày hôm ấy.

    Sau đó, tôi cảm thấy mình thật là có lỗi. Một phần bởi vì, trong muộn màng, tôi mới nhận ra món quà của Jeff có ý nghĩa làm sao: tôi rất yêu quý ngôi nhà búp bê của mình, và anh ấy đã xoay xở để tìm cho được thứ mà ngôi nhà của tôi còn thiếu - một con thú cưng. Vì vậy, tôi không thể lấy kích thước món quà để đo lường lòng biết ơn của tôi đối với những gì mà Jeff đã gửi gắm trong đó.

    Về điều này, các chuyên gia nhận định, tôi không phải là một trường hợp cá biệt: Đối với những đứa trẻ đang tuổi lớn và hay sao nhãng (gần như tất cả trẻ) thì lòng biết ơn thường ít có. Rất nhiều trẻ được dạy để nói "Xin vui lòng" và "Cảm ơn" từ 18 tháng tuổi nhưng lòng biết ơn và sự khoan dung thật sự cần phải có thời gian để ươm mầm và đơm hoa kết trái.

    Clair Lerner, một chuyên gia về trẻ em của Zero to Three, một tổ chức phi lợi nhuận về sức khoẻ trẻ em và gia đình, nói: "Có một khoảng cách giữa việc khuyến khích lòng biết ơn và thật sự trông đợi nó, dạy trẻ lòng biết ơn là một quá trình liên tục".

    Vicki Hoefle, giám đốc của Parenting on Track, một chương trình giáo dục cha mẹ ở East Middlebury, VT, USA (và là mẹ của 5 thanh thiếu niên) cũng đồng tình: "Về lý thuyết, nếu cho rằng dạy được một đứa trẻ 5 tuổi hiểu và biểu lộ được lòng biết ơn đối với mọi thứ là thành công thì trong thực tế, cha mẹ có quyền cảm thấy thành công nếu nuôi dạy được một người con 35 tuổi trở thành hiện thân của lòng biết ơn ấy".

    Vì vậy, đối với Jeff Galvin, tôi luôn gửi đến anh lời cảm ơn muộn màng. Còn đối với những người khác, đây là gợi ý để tránh năm tình huống gặp phải "khoảnh khắc không biết ơn" của trẻ, từ bây giờ trở về sau:

    1. Trẻ 9 tuổi của bạn đưa ra yêu sách liên tục về các món đồ chơi bé cần có. Lúc này danh sách đã lên tới 23 món.

    Trước mắt: Robert Brooks, một chuyên gia tâm lý của trường Havard Medical School, đồng tác giả cuốn "Raising a Self-Discipline Child" (tạm dịch "Dạy trẻ biết kiềm chế"), nói rằng "Hãy nhấn mạnh rằng bạn hiểu trẻ muốn nhiều thứ, nhưng cho trẻ biết rằng chúng chỉ có thể có một vài thứ mà thôi". Bằng cách đó, bạn sẽ không làm cho trẻ ngốc nghếch và tham lam ngồi liệt kê cả một danh sách dài ngoằng, mà sẽ dạy cho trẻ biết chờ đợi. Một ý kiến khác: Maureen Healy, tác giả cuốn "365 Perfect Things to Say to Your Kids" (tạm dịch "365 điều tuyệt vời để nói với con yêu"), gợi ý: Yêu cầu trẻ lập một danh sách những đồ đạc hoặc công việc mà trẻ muốn đem cho, đúng bằng danh sách trẻ muốn có. Ví dụ: 1) Dọn dẹp phòng trẻ 2) Giúp bạn tìm một hội từ thiện mà gia đình sẽ tặng 3) Sẵn sàng giúp đỡ khi cha bắt đầu gói quà 4) Lập chương trình đi nghỉ lễ. Cuối cùng, nếu bạn đang cắt giảm chi tiêu trong năm nay thì hãy cho trẻ biết điều ấy. Hãy thành thật, nhưng đơn giản và đừng bi kịch hoá để không làm trẻ sợ. Lerner khuyên: Thay vì nói "Bố có thể mất việc, nên chúng ta phải giảm chi tiêu" (có thể làm cho trẻ tưởng rằng sắp mất nhà đến nơi), bạn nên nói "Không có gì thay đổi nhiều, nhưng chúng ta sẽ phải đợi đến năm tới mới đi nghỉ được, và chiếc xe đạp mà con muốn cũng phải hoãn lại đã". Có thể con bạn sẽ nghĩ thầm "Được thôi, mình có thể đợi".

    Chiến lược lâu dài: Lerner nói: Hãy giúp trẻ hiểu rằng những món quà là hành động bày tỏ thiện ý được suy xét cẩn thận, chứ không chỉ đơn thuần là trao một món vật chất. Bất kỳ lúc nào trẻ nhận được một món quà, hãy lưu ý trẻ đến những gì mà người tặng đã gửi gắm trong đó. Ví dụ, nếu một bạn học tặng trẻ một chiếc vòng tay, bạn hãy nói rằng "Ôi, gì thế này? Lucy nhớ là con không thích những chiếc vòng cũ đơn điệu nên bây giờ bạn ấy đã cố chọn những màu mà con thích, việc ấy có thể mất đến cả giờ đồng hồ ấy chứ! Ôi, nó mới dễ thương làm sao". Hãy lặp lại vài lần và trẻ sẽ hình thành ý tưởng "chất lượng quan trọng hơn số lượng" trước khi bạn kịp nhận ra.

    2. Khi được dì bé tặng đồ chơi Elmo nhồi bông, con gái 5 tuổi của bạn nhăn mặt rồi kêu lên "Nhưng con thích búp bê Barbie cơ!"

    Trước mắt: Lerner nói "Khái niệm che giấu cảm xúc tiêu cực để khỏi làm tổn thương người khác quá khó đối với trẻ dưới 5 tuổi". (Những đứa trẻ càng lớn thì khả năng này càng tốt hơn nhưng chúng vẫn thường mắc sai lầm). Vì vậy hãy chấp nhận cảm xúc của con bạn và đừng chỉ trích, Brooks nói. Hãy nói với con rằng "Cha/mẹ biết con thích búp bê Barbie, nhưng chúng ta hãy cùng xem xem có thể chơi gì với Elmo nào!". Bạn cũng có thể tạo một mẫu câu nói phù hợp để làm dịu tình huống bất tiện trên, ví dụ như bạn có thể kêu lên "Ôi, món quà thật ý nghĩa, phải không Alli? Dì Karen vẫn nhớ là con cần găng tay mà!" Cách này hiệu quả đối với mọi lứa tuổi: Ví dụ, đối với bé trai lớn hơn khi nhận được một món quà mà bé đã có rồi, bạn có thể nói "Ồ, hay thật! Đúng là đồ chơi yêu thích của con còn gì!".

    Chiến lược lâu dài: Trước một dịp nhận quà, hãy chuẩn bị tinh thần cho con bạn về khả năng bé có thể sẽ không thích món quà ấy, nhưng đồng thời, hãy cho bé biết rằng điều quan trọng là vẫn phải thể hiện lòng biết ơn. Hãy nhắc nhở con rằng, người tặng đã rất cố gắng để mang lại cho bé điều tốt nhất. Rồi thoả thuận một tín hiệu để nhắc nhở con bạn nói lời cảm ơn, Lerner gợi ý. Khi nhìn thấy khoé miệng bé bắt đầu trễ xuống, bạn có thể vỗ tay và nói "Món quà tuyệt thật!" để nhắc nhở bé cư xử cho phải phép.

    3. Bạn không thể đưa con bạn đi mua đồ mà không bị nài nỉ mua gì đó cho bé (mà dường như là bất cứ thứ gì).

    Trước mắt: Trước khi bắt đầu đi mua đồ, hãy thông báo cho con bạn biết rằng bạn sắp đi mua quà cho em họ của cháu. "Hãy cho con bạn tham gia", Lerner nói "Hãy hỏi cháu xem em họ Jane thích gì và bạn có thể tặng cô bé ấy đồ chơi gì. Hãy làm cho trẻ hứng thú với việc mua quà cho người khác". Đồng thời, làm rõ với con bạn rằng bạn sẽ không mua gì cho cháu cả. Sau đó, nếu con bạn gây sự ở cửa hàng, bạn có thể nhắc lại lời nói lúc trước, và nói với trẻ "Cha/mẹ biết thật là khó khi đến đây mà lại không được mua cho cái gì, nhưng đây là quy tắc. Bây giờ, cha/mẹ thật sự cần con giúp tìm quà cho Jane." Chúng ta thừa nhận: điều đó có thể không làm cho trẻ hết rền rĩ. Nhưng hãy cứng rắn và kiên định. Việc nhượng bộ sẽ chỉ dạy cho trẻ rằng cuối cùng trẻ sẽ đạt được mong muốn nếu rền rĩ đủ lớn và dai dẳng.

    Chiến lược lâu dài: Ngày nghỉ cuối tuần có thể là cơ hội để làm các việc vặt, nhưng nên tránh việc đi mua sắm thường xuyên. Bằng cách đó, con bạn sẽ không nghĩ rằng việc mua sắm là thông lệ khi rảnh rỗi. (Tất nhiên, chúng tôi biết rằng những chiếc quần áo đẹp đẽ kia đôi khi là nhu cầu có thực). Berth Korin, một người mẹ ở Denver nói rằng cô ấy và hai con trai, 7 và 9 tuổi, thường đến thư viện, bể bơi hoặc leo núi thay vì đi mua sắm. "Chúng tôi cố gắng nghĩ ra những việc có thể làm mà không phải lang thang trong siêu thị". Hãy chuẩn bị tinh thần cho con bạn giống như cách chuẩn bị trước khi nhận quà ("Chúng ta sẽ ăn các món mà các con thích ở ngoài trời, rồi chơi các trò chơi!"). Chúng tôi nghĩ rằng trải qua những giờ phút thư giãn cũng thú vị như mua sắm (nếu không nói là thú vị hơn).

    4. Con trai bạn ăn lấy ăn để bánh gấu mà một phụ huynh khác cho. Nhưng khi bạn gợi ý cảm ơn thì trẻ không làm theo.

    Trước mắt: Thật dễ dàng nếu muốn biến "giây phút dạy con" thành một trận chiến của những cảm xúc - một bên là bạn nhắc đi nhắc lại "Mẹ chưa nghe con cảm ơn!" với đứa trẻ đang dần dần nổi giận, trong khi người mà bạn muốn trẻ cảm ơn thì lùi lại trong khó xử. Nhưng, Lerner giải thích, sự thật là con trai bạn không thường nói những câu phù hợp với tình huống chỉ vì chưa hình thành được thói quen, và "Việc dùng ý chí và sức mạnh chỉ làm cản trở quá trình này mà thôi". Vì vậy, khi bạn nghiêm túc nhắc nhở trẻ nói cảm ơn, thì cũng đừng quá nghiêm trọng nếu mọi việc không theo ý muốn.

    Chiến lược lâu dài: Hãy nhắc nhở mình làm hình mẫu của cách cư xử lịch sự trước. Khi con trai bạn ngừng việc nhai chóp chép, bạn nên bước đến và nói câu cần thiết "Cảm ơn con!". (Ít nhất là cho đến khi trẻ lớn hơn và có thể làm theo những tín hiệu của bạn). Trong những tiếp xúc hàng ngày, hãy luôn nói lời cảm ơn chân thành và khen ngợi đối với nhân viên hàng thực phẩm, người phục vụ trạm gas, người bồi phòng, thầy cô giáo - tất cả những ai giúp bạn và con trai. Có thể bạn nghĩ là con bạn không để ý đến những chi tiết này, nhưng thật sự là có đấy.

    5. Khi bạn từ chối một món đồ chơi mà theo con gái bạn thì "mọi người ở trường đều có", con bạn sẽ phàn nàn rằng các bạn đều có được đồ chơi đẹp hơn của cháu.

    Trước mắt:
    Nên thông cảm với tâm trạng thất vọng của trẻ, nhưng hãy nhắc trẻ biết rằng, trong cuộc sống, còn có rất nhiều bạn có ít đồ chơi hơn cháu. Làm điều này như thế nào? Hãy làm từ thiện và hiến tặng. Hãy bắt đầu một cách đơn giản: Khi lên 3, trẻ có thể được động viên để xem xét lại những vật dụng của mình rồi chọn ra vài thứ để hiến tặng, Lerner nói. Những năm sau đó, nên để trẻ tham gia nhiều hơn. Năm trước, Gabrielle Melchionda, một người mẹ ở Yarmouth, ME (USA) và hai con trai, 5 và 9 tuổi, đã tình nguyện đến trang hoàng nhà nhân dịp Giáng sinh cho người có thu nhập thấp. Cô ấy nói rằng "Thật đáng yêu khi nhìn lũ trẻ - con tôi và các trẻ sống ở đó - nằm tô màu cùng nhau. Trong nhiều tháng tiếp theo, con trai tôi thường hỏi những câu như "Như thế mà gọi là nhà sao?". Đó là những trải nghiệm mà không ai trong chúng tôi có thể quên."

    Chiến lược lâu dài: Hãy cho con gái bạn tiếp xúc với nhiều mặt của cuộc sống. Dale McGowan – cha của 3 đứa trẻ ở Atlanta và là đồng tác giả cuốn "Parenting Beyond Belief" (tạm dịch "Làm cha mẹ - những điều khó tin") – nói "Chúng ta thường cố ngăn cản con cái tiếp xúc với những người bất hạnh. Nhưng điều quan trọng là chỉ cho trẻ thấy chúng đã may mắn như thế nào". Vì vậy lần tới – ông gợi ý – khi nhìn thấy một người cơ nhỡ, vô gia cư, hoặc đọc tin tức về một gia đình nghèo túng, hãy hỏi trẻ những câu đại loại như "Con nghĩ là ông ấy sẽ ngủ ở đâu?" hoặc "Con có thể tưởng tượng không có nhà thì sẽ như thế nào không?" để làm cho trẻ biết đặt mình vào địa vị người khác. (Đồng thời, hãy bảo đảm với trẻ rằng gia đình bạn sẽ luôn có một nơi tươm tất để gọi là nhà). Bạn sẽ ngạc nhiên, và hài lòng khi thấy con bạn càng ngày càng thường xuyên muốn giúp đỡ người khác.

    Biên dịch: Mehu

    Nguồn: Dự án mở chia sẻ bài dịch giáo dục trẻ em - Diễn đàn LÀM CHA MẸ
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Hải Phạm
    Đang tải...


Chia sẻ trang này