Khi trẻ la cà chơi nhà hàng xóm, ra sân hoặc đi công viên với bạn bè, cha mẹ thường không an tâm. Nhưng bạn không thể lúc nào cũng giữ chặt con bên mình. Chuyên gia tâm lý Gavin Becker đưa ra 8 giải pháp bảo vệ con trong đó có nhiều quan điểm mới. 1. Thiết lập môi trường an toàn: Môi trường an toàn cho trẻ là bạn bè và hàng xóm. Khi đi chơi, phải đảm bảo có hai bạn của con cùng đi. Thường xuyên mang con sang chơi nhà hàng xóm, chính họ sẽ giúp con bạn nếu trẻ gặp phải rắc rối. Dạy trẻ luôn nhớ số điện thoại nhà và số điện thoại cấp cứu. 2 Dạy trẻ không được la cà: Hoạch định cho trẻ thói quen về giờ giấc. Mỗi khi trẻ ra khỏi nhà, chúng cần biết rõ mình sẽ đi bao lâu, muốn vậy cần giúp trẻ hạn định thời gian. Thói quen đúng giờ của trẻ sẽ giúp bạn bớt lo lắng khi con ra khỏi nhà. 3. Dạy trẻ cách diễn tập: Trước khi cho phép trẻ đi chơi một mình, hãy tập cho trẻ cách đối phó với những nguy hiểm dọc đường có thể xảy ra, cả những tình huống xấu nhất. Giải thích cho trẻ vì sao những nguy hiểm sẽ xảy ra và khi đó chúng phải làm gì. 4. Khuyến khích trẻ nói chuyện với người lạ: Nhiều bậc phụ huynh thường dạy cho con mình dè dặt với người lạ. Điều này sai vì có hàng triệu người lạ sẽ là người tốt giúp con bạn khỏi đi lạc hoặc trẻ gặp rắc rối. Dạy trẻ biết tự tin khi đến gần người lạ để tìm sự giúp đỡ, khi bị lạc đường, bởi người lạ khác người xấu. Trẻ có tâm lý không nói chuyện với người lạ sẽ không có cơ hội phát triển sự đánh giá, kinh nghiệm hoặc khả năng phân biệt hay bảo vệ mình khỏi sự dụ dỗ của kẻ xấu. Thay vì dặn con ''đừng nói chuyện với người lạ'', hãy dặn có thể nói chuyện với ngưòi lạ nhưng không được đi cùng khi họ rủ rê. 5. Những chọn lựa an toàn để tạo sự tự tin: Cha mẹ cần cho trẻ nhiều lựa chọn. Trẻ có thể quyết định tự sắp xếp thế nào trong từng trường hợp. Bằng việc làm như thế, trẻ dần dần trở nên tự tin và có những khả năng giải quyết vấn đề, biết ứng phó với những trường hợp không có cha mẹ bên cạnh. 6. Lắng nghe trực giác của bạn: Nếu bạn bất chợt có cảm giác không an toàn, đừng cố gạt điều đó đi. Khi cảm nhận được điều bất ổn, đừng cuống lên, hãy gọi về nhà, liên hệ nơi con bạn đang có mặt. Nếu đã nói chuyện với trẻ, không cho chúng biết bạn đang bất an. 7. Đề nghị giúp đỡ: Nếu bạn thấy một người nào đó đang gặp rắc rối, hãy đưa ra lời đề nghị: Tôi có thể giúp gì không? Từ những hành động tốt bụng, đơn giản này của bạn trẻ sẽ biết rằng mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh. 8. Khi trẻ trưởng thành: Khi phân biệt được sự an toàn và không an toàn, trẻ có khả năng nhận biết khi nào cần sự giúp đỡ. Chúng đủ tự tin để đi khỏi nơi không an toàn và nói không với những người chúng cảm nhận sự nguy hiểm. Khi ấy bạn đã thành công. Nhưng đừng quên, trẻ trưởng thành sẽ gặp những cám dỗ lớn hơn, và bạn vẫn phải dạy con nhiều hơn về cách tự bảo vệ mình khỏi điều xấu. (Theo Thanh Niên)