HÀ THỦ Ô: thần dược dành cho phụ nữ Hà thủ ô đỏ là một vị thuốc quý được dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền, có tác dụng bổ dưỡng cao, lợi khí huyết, tóc bạc hoá đen, sức khoẻ dồi dào, kéo dài tuổi thọ. Thuốc rất tốt cho người cao tuổi và phụ nữ. Bộ phận dùng chủ yếu của hà thủ ô đỏ là rễ, thu hái vào mùa thu, đào về, rửa sạch, cắt bỏ rễ con và góc thân, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hay bổ tư, phơi hoặc sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi thì tốt hơn. Sau đó, rễ được chế biến theo cách sau: Ngâm dược liệu vào nước vo gạo một ngày đêm, rửa sạch. Đổ nước và đậu đen vào cho ngập với tỷ lệ 1 kg hà thủ ô với 100g đậu đen trong 2 lít nước. Đun đến khi đậu đen nhừ nát và nước gần cạn, năng đảo cho thuốc chín đều. Lấy dược liệu ra thái mỏng, phơi khô. Lại cho nước, đậu đen vào, đun tiếp cho hết. Phơi khô lần cuối cùng. Ngày dùng 12-20g dược liệu đã chế biến, dưới dạng thuốc sắc, tán bột làm viên, nấu cao hoặc ngâm rượu. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: – Hà thủ ô đỏ (5g), vỏ cây sữa (5g), mã tiền chế (0,2g), ngâm với 500ml cồn. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 chén nhỏ. (Thuốc bổ máu). – Hà thủ ô đỏ (40g), hương phụ tử chế (40g), ích mẫu (30g), ngải cứu (20g), củ gai (20g), lá sung (40g), sâm Bố Chính (20g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống hai lần trong ngày. (Thuốc bổ huyết, điều kinh). – Hà thủ ô đỏ (50g), sâm Bố Chính (30g), hạt sen (30g), cam thảo (10g), đại hồi (10g), thảo quả (10g). Ba vị hà thủ ô, sâm, hạt sen đem đồ chính; cam thảo nướng vàng; thảo quả bỏ vỏ, lấy nhân. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đậu đen. Ngày uống hai lần với nước ấm. Mỗi lần 20 viên đối với người lớn, 6-15 viên cho trẻ em tùy tuổi. (Viên bổ hà thủ ô) – Hà thủ ô (20g), tầm gửi cây dâu (16g), kỷ tử (16g), ngưu tất (16g), sắc uống ngày một thang (Chữa xơ cứng mạch máu ở người cao tuổi tăng huyết áp, nam giới chậm có con). Nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại nấu hà thủ ô đỏ với lá cây kỷ và thịt chuột đồng làm một món ăn đặc sản với tác dụng bổ dưỡng, làm tăng tuổi thọ. Chú ý – Người có huyết áp thấp và đường huyết thấp không dùng hà thủ ô đỏ. Không dùng hà thủ ô đỏ uống hằng ngày thay nước chè vì dễ bị táo bón. DS HỮU BẢO Theo Theo Đại đoàn kết
Tác dụng chữa bệnh của sắn dây Để chữa thiếu sữa ở sản phụ, có thể lấy dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, mỗi lần uống 6 g cùng với rượu, sữa sẽ về nhiều. Còn để chữa say rượu bất tỉnh, nên lấy củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 1 lít nước cốt, cho uống dần đến khi tỉnh lại. Sắn dây là một trong những dược liệu được sử dụng nhiều trong Đông y. Để chữa thiếu sữa ở sản phụ, có thể lấy dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, mỗi lần uống 6 g cùng với rượu, sữa sẽ về nhiều. Còn để chữa say rượu bất tỉnh, nên lấy củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 1 lít nước cốt, cho uống dần đến khi tỉnh lại. Hầu hết các bộ phận của cây sắn dây đều đã được sử dụng làm thuốc trong Đông y như: - Củ (cát căn): Vị ngọt cay, tính mát; có tác dụng chữa sốt, làm ra mồ hôi, chữa sởi không mọc được, phiền táo, khát nước, nhức đầu, kiết lỵ... - Bột (cát phấn): Vị ngọt, tính rất lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền; dùng chữa phiền nhiệt, miệng khát, ban nhiệt. - Hoa (cát hoa): Vị ngọt hơi đắng, tính mát; có tác dụng giải độc rượu, chữa sốt, chán ăn, nôn mửa ra chất chua, thổ huyết... Sau đây là một số ứng dụng cụ thể: - Chảy máu mũi suốt ngày không ngừng, tâm thần phiền muộn: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần một chén con. - Rắn cắn: Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn. - Vết thương chảy nhiều máu: Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương. - Viêm ruột, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe do uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30 g, rau má 20 g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày. - Trẻ sơ sinh miệng mím chặt, sùi bọt mép, không bú được: Lấy một đoạn dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, dùng khoảng 3-5 g bột hòa với sữa mẹ, nhỏ vào miệng trẻ. Làm như vậy vài lần trẻ sẽ mở miệng và bú được. - Ngực nóng, thổ huyết không ngừng: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 500 ml uống. Sắn dây có thể sử dụng kết hợp với một số vị thuốc khác - Chống ngứa do mồ hôi: Bột sắn dây 5 g, thiên hoa phấn 5 g, hoạt thạch 20 g, trộn đều, rắc lên những nơi ẩm ngứa. - Cảm mạo, sốt, cổ gáy cứng đơ, sợ gió, không mồ hôi: cát căn 8 g, ma hoàng 5 g, quế chi 4 g, đại táo 5 g, thược dược 4 g, sinh khương 5 g, cam thảo 4 g; cho 600 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày. - Trẻ nhỏ cảm phong nhiệt, nôn mửa, đau đầu, kinh sợ khóc thét: Cát căn 30 g giã nát, gạo tẻ 50 g. Cát căn sắc với 2 bát nước lớn, đun cạn còn 1 bát, chắt lấy nước nấu cháo với gạo, thêm chút gừng sống và mật ong, cho trẻ ăn trong ngày. - Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn ọe: Bột sắn dây 12 g hòa đường uống; hoặc dùng cát căn 20 g, đậu ván (sao)12 g, giã giập, sắc nước uống trong ngày. - Cảm sốt nóng, nôn ọe, khát nước, nhức đầu: Cát căn, sài hồ, chi tử, mỗi thứ 15-20 g, sắc nước uống trong ngày. - Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120 g, gạo tẻ 15 g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày. - Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nóng, độc: Củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500 ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần. - Ngộ độc rượu (uống quá nhiều rượu khiến tỳ vị thương tổn, khạc hoặc nôn ra máu, người phát sốt, tiểu tiện đỏ): Hoa sắn dây 30 g, hoàng liên 4 g, hoạt thạch 30 g (thủy phi), bột cam thảo 15 g; tán thành bột mịn, trộn với nước, hoàn thành viên, mỗi lần uống 3 g, chiêu thuốc bằng nước mát. Thủy phi là thêm nước vào vị thuốc cùng tán, hoặc tán xong cho vào nước khuấy lên để bột thuốc lắng xuống; thường áp dụng khi bào chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại. Lương y Huyên Thảo, Sức Khoẻ & Đời Sống
CÂY HY THIÊM * * * Tên khác: Cỏ đĩ, Chó đẻ hoa vàng, hy thiêm thảo. * * * Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis (Thuộc họ cúc) * * * Mô tả cây thuốc : - Cây có chiều cao thấp: chỉ từ 30cm đến 40cm - Thân và cành có lông - Lá mọc đối, hình tam giác có răng cưa - Hoa màu vàng - Quả hình trứng 4-5 cạnh màu đen * * * Khu vực phân bố: Hy thiêm là cây thuốc sống hàng năm. Cây phân bố ở khắp các tỉnh miền núi nước ta. Cây mọc nhiều ở cá tỉnh miền núi phía Bắc, như: Tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu …. * * * Bộ phận dùng: Thân và lá cây được sử dụng làm thuốc. Người dân thường loại bỏ gốc và rễ, không dùng gốc và rễ của cây hy thiêm để làm thuốc. * * * Cách chế biến và thu hái: Hy thiêm mọc vào mùa xuân bắt đầu ra hoa vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Thời gian cây chuẩn bị ra hoa của cây thuốc cũng chính là thời vụ thu hái thuốc (Thường vào tháng 4 hàng năm). Cây thu hái về sẽ được loại bỏ phần lá héo, sâu, sau đó cắt ngắn và phơi khô ở độ ẩm thích hợp (khoảng 12% là tốt nhất) và được sử dụng để làm thuốc. * * * Thành phần hóa học: Hy thiêm có chứa các chất đắng daturosid, orientin * * * Tính vị: Cây có Vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, trừ thấp, giảm đau, rất tốt cho xương khớp, đặc biệt là người cao tuổi. * * * Công dụng chữa bệnh: - Tác dụng tốt cho người phong tê thấp, đau nhức xương khớp. - Rất tốt cho bệnh nhân mắc viêm đa khớp dạng thấp - Hỗ trợ điều trị chứng tê bại nửa người - Tác dụng giảm đau lưng mỏi gối - Trị kinh nguyệt không đều * * * Đối tượng sử dụng: - Bệnh nhân phong tê thấp - Bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp - Người già bị đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối do thoái hóa xương khớp - Bệnh nhân bị tê bại, liệt nửa người (Do tai biến) - Phụ nữ kinh nguyệt không đều. * Cách dùng, liều dùng - Liều lượng: Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc - Chữa phong thấp, chân tê bại, lưng gối đau mỏi: Hy thiêm 50g, Ngưa tất 20g, Thổ phục linh 20g, Lá lốt 10g sắc uống hoặc tán bộ sử dụng ngày 3 lần ( Mỗi lần 10gram). - Chữa phong thấp: Hy thiêm thảo: 30gram, thiên niên kiện: 20gram sắc uống - Chữa viêm đa khớp dạng thấp: Hy thiêm thảo: 20gram sắc uống trong ngày
Chẳng biết các mẹ cơ địa thế nào, mình sử dụng rất nhiều bài thuốc đông y hay thuốc nam từ thảo dược mà những bệnh dù là bệnh vặt cũng chẳng thể khỏi được, toàn phải dựa vào thuốc tây ý bệnh tình mới khỏi