Mình là bác sỹ chuyên khoa mắt và có phòng khám mắt trên phố Hoàng Văn Thái. Mình lập tạm topic này để tư vấn cho các mẹ các bệnh về mắt, đặc biệt là tật khúc xạ của trẻ em, chứ tình hình cận thị học đường bây giờ ghê gớm quá (60% trẻ bị cận thị - các mẹ thấy ghê không ). Mình sẽ đưa topic này về chuyên mục sức khỏe nhưng tạm thời cứ để đây đã. Có mẹ nào cần tư vấn thì hỏi nhé.
Theo khảo sát của Bệnh viện Mắt (Hà Nội), tỷ lệ học sinh ở Hà Nội bị tật khúc xạ chiếm đến 24% và tỷ lệ này ngày càng tăng dần theo từng cấp đặc biệt tăng đáng kể ở những lớp cuối cấp. Nếu tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học chỉ là 17,6% thì con số này tăng lên 32% ở các em THCS... Thậm chí, số học sinh bị cận thị còn lên đến 80% ở một số trường chuyên... Hơn nữa, phần lớn học sinh biết mình bị cận thị nhưng lại không chịu đeo kính hoặc đeo kính không phù hợp, không đúng số, dẫn đến độ cận tăng. Bên cạnh đó, nhiều học sinh có tật khúc xạ một mắt nhưng không biết dẫn đến bị nhược thị, khi tổ chức khám mới phát hiện ra. Tỷ lệ tật khúc xạ tăng cao như vậy do các em bị học sinh bị cận thị ngày càng sớm do những tác động của nhiều yếu tố như cường độ học tập, thói quen vui chơi thay đổi, thời gian nhìn gần của mắt ngày càng nhiều. Trong khi trên thực tế hiện nay, chỉ có 20% cửa hàng kính thuốc có nhân sự đủ điều kiện. Các mẹ chú ý nhé, tỉ lệ cận thị hiện nay khá cao và cần phải phòng ngừa cho trẻ. Trong những bài tiếp theo mình sẽ nói cụ thể hơn. Chúc các mẹ vui vẻ.
Cận thị là một hiện tượng mà người nhìn được rõ đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa nếu mắt không điều tiết. Nguyên nhân của hiện tượng này là do trục trước sau của nhãn cầu quá dài trong khi công suất các thấu kính (giác mạc, thủy tinh thể) là bình thường hoặc công suất thấu kính quá cao trong khi độ dài trục nhãn cầu là bình thường làm cho hình ảnh rơi vào trước võng mạc. Cận thị thường xuất hiện ở lứa tuổi học đường, học sinh thường phải kê sách sát mắt để đọc và không nhìn rõ bảng hoặc phải chạy đến gần ti vi để xem. Trẻ hay nheo mắt hoặc than nhức đầu, mỏi mắt. Ở trẻ em, khả năng điều tiết rất cao và độ cận thị có thể thay đổi tới 14D, tức là có thể trẻ không cận nhưng khi đo có thể cận tới 14D. Do vậy, khám khúc xạ cho trẻ cần thực hiện phương pháp khám khúc xạ khách quan, tức là nhỏ thuốc liệt điều tiết cho trẻ sau đó mới đo mắt. Hướng điều trị: đeo kính phân kỳ thích hợp để đưa ảnh từ trước võng mạc về đúng trên võng mạc. Viễn thị Viễn thị là một hiện tượng người nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa, song không nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần.Nguyên nhân của hiện tượng này là do trục nhãn cầu quá ngắn hoặc công suất hội tụ của mắt không đủ để ảnh rơi trên võng mạc, do đo ảnh 1 vật ở vô cực sẽ rơi sau võng mạc. Viễn thị thường xuất hiện ở trẻ em, hiện tượng này có thể giảm hoặc mất hẳn do quá trình chính thị hóa của mắt (nhãn cầu dài ra). Tuỳ theo mức độ viễn thị so với khả năng điều tiết của mắt mà mắt có thể nhìn xa và nhìn gần đều rõ hoặc nhìn xa rõ, nhìn gần mờ hoặc cả nhìn xa và nhìn gần đều mờ. Viễn thị nhẹ ở người còn trẻ hoặc trẻ em thường không có triệu chứng. Ở người già do sức điều tiết giảm sút hoặc người trẻ có viễn thị từ trung bình đến nặng sẽ cảm thấy mệt mỏi mắt, nhức mắt hoặc nhức đầu hoặc nhìn gần mờ nếu tập trung làm công việc gần kéo dài. Hướng điều trị: Đeo kính hội tụ thích hợp để đưa ảnh từ sau võng mạc về đúng vị trí trên võng mạc. Loạn thị Loạn thị là một hiện tượng ánh sáng sau khi qua các vùng khúc xạ hội tụ lại ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ. Nguyên nhân của hiện tượng này thường do giác mạc có độ cong không đều nhau ở các hướng kinh tuyến (có một kinh tuyến cong nhất và một ít cong nhất và thường là hai kinh tuyến này vuông góc nhau. Giác mạc mắt không loạn thị được ví như một nửa trái bóng đá cắt ra còn giác mạc mắt loạn thị được ví như một nửa trai bóng bầu dục cắt ra. Loạn thị thường do bẩm sinh và thường chỉ được phát hiện ra khi trẻ bắt đầu đi học hoặc loạn thị nặng và thường đi kèm với tật cận thị hoặc viễn thị. Loạn thị thường được cho là do di truyền, nhưng cũng có những nguyên nhân khác như chấn thương, sẹo giác mạc, do phẫu thuật hoặc do giác mạc hình chóp. Triệu chứng của loạn thị : - Đối với loạn thị nhẹ bệnh nhân thường mỏi mắt, nhức đầu hoặc nhìn mờ ở khoảng cách nào đó. - Loạn thị nặng thường gây hiện tượng nhìn hình ảnh biến dạng và nhìn mờ ở mọi khoảng cách. Hướng điều trị: Thường dùng thấu kính trụ là thấu kính có tác dụng quang học ở một hướng nhất định để chỉnh lại sự bất đồng về công suất giữa các kinh tuyến gây ra bởi sự cong không đều giữa các kinh tuyến trên giác mạc. Tầm quan trọng của việc đeo kính Đeo kính là phương pháp đơn giản nhất để duy trì thị lực của trẻ. Những trường hợp tật khúc xạ nặng cần được phát hiện sớm và đeo kính đúng để tránh nhược thị cho trẻ. Trường hợp trẻ mắc các tật khúc xạ nặng được đeo kính đúng, thường xuyên và sớm còn giúp cho thị giác của trẻ phát triển và phát triển bình thường về hoạt động trí não do đến 80 % lượng thông tin mà não thu nhận được là thông qua bộ máy thị giác. Đối với loạn thị, đeo kính thường xuyên giúp cho mắt nhìn thấy rõ và đỡ mệt mỏi (vì mắt loạn thị luôn luôn điều tiết chống lại tình trạng này nên gây mệt mỏi và nhức đầu) nhất là những công việc cần nhìn gần.
Mình sẽ post thêm 1 số cách chăm sóc mắt nhé. Những phương pháp này có thể áp dụng cho cả người lớn và trẻ em nữa. Hôm nay là phương pháp đầu tiên: Để cho mắt được nghỉ ngơi từng lúc - Là động tác đơn giản nhưng rất hữu hiệu để làm giảm căng thẳng do nhìn gần quá lâu. Theo cách 20 - 20: cứ mỗi 20 phút làm việc gần ta lại nhìn xa 1 khoảng cách 6m. - Nếu máy tính đang xử lý thông tin hoặc download chúng ta không nhìn chăm chăm vào màn hình mà nhìn ra xa xung quanh. - Nếu hình ảnh xung quanh bị mờ chúng ta phải cho mắt nghỉ lâu hơn. - Không làm bất cứ việc gì phải huy động thị giác gần quá 45, việc nghỉ định kì giữa quãng mỗi 45 giúp đầu óc chúng ta thư thái hơn, làm giảm sự căng thẳng sau đó chúng ta làm việc sẽ hiệu quả hơn. - Khi đọc sách nên làm dấu cách đó 3-4 trang, đọc đến chỗ làm dấu chúng ta lại đi 1 vòng khoảng 1 phút.
bạn cho mình hỏi, con mình bị bệnh mắt đỏ , kèm theo viêm họng, sổ mũi, cứ tái đi tái lại hoài, mỗi lần mắt bé đỏ là hôm sau bị viêm họng liền, mình đi khám có BS bảo : viêm kết mạc dị ứng, có BS nói : bị nhiễm virut, mình choáng quá, bạn tư vấn dùm mình nhé , thanks
Mình muốn hỏi bạn 1 số thông tin để nắm được bệnh của bé rõ hơn nhé: cháu bé đỏ mắt có kèm thêm rỉ mắt không, sáng ngủ dậy có ra rỉ nhiều không, có chảy nước mắt ko? Bé mấy tuổi? nếu lớn rồi thì bạn hỏi bé giúp mình xem có bị chói mắt không? Khi bé đi khám bs có kê thuốc gì uống hay tra mắt ko?
Mình tiếp tục up bài hướng dẫn chăm sóc mắt nhé Điều kiện chiếu sáng - Ánh sáng khi làm việc cần phải có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Cường độ ánh sáng tối thiểu để làm việc gần là 200 lux, nhưng tối đa không quá 500 lux. Không nên chỉ dùng 1 ngọn đèn để đọc sách trong phòng tối. - Cần tránh sự phản xạ bề mặt (đó là các phản xạ từ mặt giấy hoặc màn hình máy tính ) khi chúng ta làm việc gần. - Chúng ta nên sử dụng kết hợp đèn bóng tròn và đèn tube. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau và trên xuống. - Chúng ta cũng có thể kết hợp ánh sáng nhân tạo và ánh sáng mặt trời. Cả phòng nên được chiếu sáng đầy đủ.
bé bị đỏ mắt kèm theo rỉ mắt, không chảy nước mắt, mà rỉ mắt cũng bình thường không nhiều, bé không bị chói mắt , BS cho thuốc uống chống dị ứng và thuốc nhỏ có thành phần coiticoid ( hổng biết viết có đúng hông nữa ), nói chung mắt bé thường bị đỏ và ngứa, mỗi lần vậy mình cho nhỏ thuốc và uống thuốc thì hết liền, vài hôm lại tái diễn
Xin lỗi bạn mình đi công tác mấy hôm nên không trả lời bạn ngay được. Bạn cho mình hỏi thêm khi bị đỏ mắt thể trạng bé thế nào?có mệt mỏi không. Ngoài ra bé thường bị đỏ mắt vào mùa nào hay quanh năm? Còn về việc dùng thuốc thì thực ra nếu viêm kết mạc dị ứng hay viêm kết mạc do virus thì uống thuốc như bạn kể đều có thể hết được. Nếu do virus thì không cần uống thuốc cũng khỏi được. Hình như bạn ở trong SG nên mình không khám được cho bạn để biết chính xác. Bạn cứ trả lời câu hỏi để mình xem tiếp nhé.
Mình up tiếp thông tin chăm sóc mắt cho bé nhé: Khoảng cách làm việc gần - Khoảng cách lý tưởng để đọc sách gần là khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái và ngón trỏ cong lại đến cùi trỏ. Khoảng cách trung bình để đọc sách đối với người lớn là 35 - 40cm, với học sinh cấp III khoảng 35cm, cấp II : 30cm, cấp I : 25cm. - Việc đọc sách quá gần sẽ dẫn đến nỗ lực về thị giác quá lớn do việc gia tăng sức điều tiết và cũng có thể làm xuất hiện và gia tăng độ cận thị. Tư thế - Ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà: Đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ, không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách, vở một khoảng cách thích hợp. - Nếu ngồi không đúng tư thế quá gần sách vở hoặc gần máy tính sẽ mau mỏi cổ, mỏi lưng và làm giảm hiệu suất công việc. - Không nên đọc sách khi nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Khi xem TV, không nên xem ở tư thế nằm mà nên ngồi ngay ngắn. - Khi cầm bút, nên cầm cách đầu bút khoảng 2,5cm để tránh phải nghiêng đầu để xem những gì đang viết. - Nên xoay vở nghiêng theo 1 góc đồng phương với góc nghiêng của tay cầm bút. - Để sách nghiêng trên bàn 1 góc khoảng 200 (khoảng 10cm) như vậy khoảng cách từ mắt đến các dòng chữ của trang sách là như nhau.
Chào các mẹ, Hôm nay bên mình vừa hoàn thành việc in cuốn tài liệu Hướng dẫn chăm sóc mắt cho trẻ em. Nội dung thì cũng gần như mình đã post lên nhưng đầy đủ hơn thêm hướng dẫn về nhiều bệnh mắt thường gặp ở trẻ em nữa. Phòng khám mình dự định tặng 500 cuốn cho các mẹ có trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học. Nếu mẹ nào có nhu cầu thì pm cho mình nhé hoặc viết email gửi về eyesclinic@namhungoptical.com Cảm ơn các mẹ đã đọc tin. (Mình vẫn sẽ tiếp tục post bài lên)
Bác sĩ cho mình hỏi: mí mắt trên mình có cục thịt dư ( cái này mới mọc chưa đc 1 năm, và hình như càng ngày nó càng lớn)nó thỉnh thoảng hơi ngứa, có lớp da mỏng bên ngoài. Mình muốn cắt nó mà ko biết nó còn mọc ra nữa ko? Có ng quen mình đã cắt mà vẫn mọc laị. Mình mong bsĩ tư vấn giúp. Àh hiện mình đang có thai nên có lẽ chưa cắt đc, nhưng mình cũng mong bsĩ tư vấn hương điều trị. Cám ơn bsĩ.
gần Tết mắt mình lại đỏ ..hôm trước về bị bụi quá thế là sáng hôm sau mắt 2 mí dính nhèm lau mới hết, thấy hơi nặng nặng ko ngứa nhỏ thuốc 0.4 /ko đỡ ,buổi sáng đỏ hơn buổi chiều chẳng biết là bị viêm kết mạc hay giác mạc .29 tết rồi bận chẳng đi đến bệnh viện ,phòng tư thì có lẽ nghỉ hết rồi ! phòng khám bạn đchỉ nào thế??
Xin lỗi bạn vì lâu không lên được diễn đàn để trả lời. Mình không biết là phần thịt dư như bạn nói ở trên như thế nào, có lớn hay không, tốc độ phát triển của nó ra sao. Nếu nó phát triển nhanh và ảnh hưởng đến thị giác cũng như cuộc sống của bạn thì nên cắt bỏ đi. Ngoài ra cắt đi còn có thể cải thiện được vấn đề thẩm mỹ nữa bạn ạ. Hiện nay kỹ thuật của các bsỹ nước mình hoàn toàn có thể làm tốt mà không bị lại nữa bạn ạ. Tuy nhiên bạn đang có thai thì cũng chưa nên can thiệp gì vì nếu làm thì phải uống kháng sinh và 1 số loại thuốc khác nữa. Nếu bạn có vấn đề gì băn khoăn cứ hỏi nhé.
Xin lỗi bạn vì chậm trả lời. Chắc bây giờ bạn cũng đã khỏi rồi tuy nhiên có bất kỳ vấn đề gì về mắt bạn cứ nhắn cho mình nhé.
Cách chăm sóc mắt (tiếp) Chữ viết trên bảng và trong sách, vở Chữ viết phải to và rõ nét, chiều cao tối thiểu của chữ viết phải bằng 1/200 khoảng cách từ mắt tới chữ. Ví dụ : - Bàn học xa nhất là 8m, chiều cao chữ viết trên bảng phải nhỏ nhất là 4cm. - Chữ trong tập có chiều cao tối thiểu là 1,5 cm cho khoảng cách từ mắt tới tập là 30cm. Xem truyền hình - Xem TV ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình TV (2,5 - 3m) - Ngồi thẳng khi xem và nên có chiếu sáng trong phòng nhưng tránh ánh đèn phản xạ trực tiếp lên màn hình. - Xem TV giúp trẻ phát triển ít các kĩ năng về thị giác do đó đối với trẻ em nên giới hạn việc xem TV xuống khoảng 1- 3 giờ/ngày. - Nếu có tật khúc xạ (cận, viễn và loạn thị) nên đeo kính khi xem TV nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời - Chơi thể thao và các hoạt động ngoài trời là rất tốt vì các hoạt động này thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần. - Khi đi dạo ngoài trời nên giữ đầu ở tư thế thẳng mắt mở to và nhìn thẳng về phía trước, nhìn lướt qua sự vật xung quanh chứ không nhìn chăm chú. Khi tham gia các phương tiện giao thông Khi đi tàu xe, máy bay hay xe lửa không nên đọc sách vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm ta phải thay đổi điều tiết liên tục dẫn đến mệt mỏi về thị giác. Ta nên nhìn cảnh vật xung quanh để thư giãn thị giác.
cho mình hỏi thức khuya có hại cho mắt kg bác ?vì mình thường thức khuya và nhìn vi tính.. và cho mình 1 số thông tin về thuốc bổ mắt cho bé 4 và 6 tuổi nha!cám ơn bác sĩ nhiều lắm!
Bác sĩ làm ơn cho hỏi mắt cận thị nặng trên 7 độ thì có thể mổ cận được để 10/10 mắt sáng như ko cận ko? Nếu còn có dự định mang thai, sinh con thì có nên mổ cận ko hay nên làm sau khi sinh?