Báo động về thị lực học đường

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi bacsihoasung, 25/11/2009.

  1. bacsihoasung

    bacsihoasung Thành viên chính thức

    Tham gia:
    6/10/2008
    Bài viết:
    252
    Đã được thích:
    46
    Điểm thành tích:
    28
    ND-Theo kết quả một cuộc điều tra mới nhất tại ba tỉnh thành phố Ðà Nẵng, Hà Tĩnh và Hải Phòng do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành với sự giúp đỡ về kỹ thuật của tổ chức ORBIS, có tới 26,14% mắc các tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị) trong tổng số học sinh được điều tra. Ðây cũng là một trong ba bệnh học đường hiện nay đang gia tăng mạnh: bệnh cong vẹo cột sống, cận thị và răng miệng trong nhóm tuổi học đường.

    Các nguyên nhân bị "bỏ qua"

    Khoa nhi, Bệnh viện Mắt trung ương lúc nào cũng đông trẻ em đến khám. Trong số các bệnh về mắt trẻ em, có nhiều trường hợp bị tật khúc xạ. Em Nguyễn Vũ Nam, tám tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẻ mặt lúc nào cũng ngơ ngác vì... thị lực kém. Bác sĩ cho biết, em bị bệnh nhược thị khá nặng từ lâu mà gia đình không "để ý" và may mắn em được chữa trị kịp thời, nếu chậm trễ thì đôi mắt của em sẽ mang tật suốt đời.

    Cận thị nói riêng và tật khúc xạ nói chung gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và học tập của học sinh. Tật khúc xạ mới đây đã được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là một trong những nguyên nhân gây mù chính. Theo điều tra, tỷ lệ cận thị chiếm 79,53%, trong số đó số nữ sinh mắc tật khúc xạ chiếm 29,07%, cao hơn tỷ lệ ở nam học sinh là 23,03%; học sinh ở khu vực thành phố bị tật khúc xạ chiếm 26,94%, cao hơn vùng nông thôn với tỷ lệ 14,44%. Học sinh tiểu học mắc tật khúc xạ, ít hơn học sinh THCS và THPT, với các tỷ lệ là 18,67%, 23,47% và 32,68% trên tổng số các nhóm học sinh tiểu học, THCS và THPT tham gia vào cuộc điều tra. Ðiều đáng quan tâm là những người bị mù hoặc giảm thị lực do tật khúc xạ có thể khỏi mù hoặc có ngay thị lực bình thường nếu được phát hiện và đeo kính đúng cách.

    Ông Nguyễn Ðức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam giải thích, một trong những nguyên nhân gây tật khúc xạ ở học sinh là môi trường học tập chưa hợp vệ sinh, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế chưa đúng kích cỡ và đặc biệt là thời gian học tập trong ngày quá dài, cả ở trường và ở nhà. Còn TS Nguyễn Chí Dũng, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng này là do chính các em học sinh, như "nghiện" xem hoạt hình, chơi trò chơi điện tử và sử dụng in-tơ-nét, đọc sách quá nhiều, ăn uống không đủ chất, và cả do nguyên nhân di truyền...". Phần lớn học sinh chưa được khám mắt định kỳ. Mới có khoảng hai phần ba số học sinh được khám mắt và chỉ có khoảng một nửa số học sinh được khám mắt 1-2 lần/năm. Trong khi đó, kiến thức về chăm sóc, bảo vệ mắt của phụ huynh học sinh còn rất hạn chế, nhất là tại vùng nông thôn. Hầu hết học sinh cũng chưa được học về chăm sóc, bảo vệ mắt.

    Y tế trường học... thiếu và yếu

    Trên thực tế, từ năm 2006, Bộ Y tế đã có ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện việc phòng, chống các bệnh tật học đường, nhưng việc thực hiện lại không "theo kịp" với diễn biến phức tạp của bệnh tật và các "vấn đề" của học tập như số học sinh tăng và giờ học tăng. TS Trần Ðắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường phải khẳng định, các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện, mạng lưới cán bộ làm công tác y tế trường học còn thiếu nhiều về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Một số trung tâm y tế dự phòng tuy đã thành lập được bộ phận y tế trường học nhưng số cán bộ thuộc biên chế rất thiếu, năng lực chuyên môn y tế trường còn kém. Hầu như trong tất cả các trường học chưa có cán bộ y tế chuyên trách và chưa có các phương tiện, tài liệu phục vụ cho việc phát hiện sớm, tuyên truyền phòng, chống các bệnh về mắt của học sinh.

    Hiện nay, cả nước có khoảng tám triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, chiếm khoảng 44% so với học sinh, sinh viên trong cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Ðặc biệt là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì số học sinh tham gia bảo hiểm y tế là rất thấp. Vì vậy, nguồn kinh phí do bảo hiểm y tế để lại đối với các trường này hầu như không đáng kể.

    "Gỡ khó" từ Chương trình mục tiêu quốc gia

    Các chuyên gia y tế kiến nghị về chăm sóc mắt học đường nói chung và phòng, chống tật khúc xạ nói riêng nhằm tiến tới xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phù hợp. Ðể giảm những khó khăn trong điều trị bệnh học đường, ngành y tế và giáo dục cần phối hợp để phát hiện, theo dõi, chăm sóc những đối tượng mắc bệnh mới, không để diễn biến nặng hơn. Các biện pháp phòng, chống các bệnh học đường không chỉ được can thiệp ở trường mà còn ở nhà. Ngay cả các bậc cha mẹ cũng cần có chế độ học, cân đối hợp lý giữa chơi và học trong tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn.

    Bộ Y tế giao cho Cục Y tế dự phòng và Môi trường phối hợp với các ban, ngành liên quan để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh, tật học đường giai đoạn 2010-2015 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðể thực hiện chủ trương này, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã hợp tác với tổ chức ORBIS quốc tế để xây dựng chương trình mục tiêu, thu thập các ý kiến đóng góp cho bản dự thảo của Chương trình quốc gia, quá trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009 để trình lên Bộ Y tế và Chính phủ.

    Dự kiến sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chương trình này sẽ được triển khai rộng khắp và lâu dài trong cả nước nhằm củng cố và nâng cao năng lực của mạng lưới các cán bộ chuyên trách làm công tác y tế trường học. Chương trình này sẽ huy động sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành và tổ chức xã hội để tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, sinh viên tại các trường, đặc biệt nhằm giảm tỷ lệ mắc của một số bệnh, tật liên quan đến trường học phổ biến hiện nay như tật khúc xạ, bệnh cong vẹo cột sống và bệnh răng miệng.

    HIỆP ĐỨC
    http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=41&sub=74&article=162043
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi bacsihoasung
    Đang tải...


Chia sẻ trang này