Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm kinh doanh' bởi ngaoopxinh, 5/1/2012.

  1. ngaoopxinh

    ngaoopxinh Mẹ cún con

    Tham gia:
    12/5/2010
    Bài viết:
    2,471
    Đã được thích:
    747
    Điểm thành tích:
    823
    Hiện tại Apple có lẽ là công ty công nghệ thành công nhất thế giới với giá trị đã có lúc chạm ngưỡng 400 tỉ USD. Tất cả các sản phẩm của Apple như iPod, iPad, iPhone, Macbook Air đều nắm giữ thị phần rất lớn so với các đối thủ cạnh tranh và đem về lợi nhuận khổng lồ. Thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao Apple lại thành công đến vậy? Tại sao cho đến giờ mặc dù có rất nhiều công ty muốn đi theo mô hình kinh doanh của Apple (hợp nhất phần cứng phần mềm, định vị thương hiệu cao cấp...) nhưng chưa 1 công ty nào đạt được sự thành công giống như Táo Khuyết. Vậy Apple có "vũ khí bí mật" nào để tạo nên sự khác biệt ấy?

    Cũng giống như mọi vấn đề khác trong kinh doanh, thành công của Apple đến từ sự kết hợp của vô vàn yếu tố, từ quản lý đến nhân sự, công nghệ và thậm chí là cả đôi chút thời vận.Trong bài viết này tôi không có tham vọng đề cập đến tất cả những điều xây dựng nên sự thành công của Apple mà chỉ đơn giản muốn mổ xẻ tới 1 vài khía cạnh ít được đề cập trong cách vận hành của Táo Khuyết. Phần còn lại xin nhờ sự đóng góp của bạn đọc thông qua mục bình luận phía dưới bài viết này.

    Muốn làm người mở đường thì phải đi trước

    Một trong những lý do dẫn tới sự thành công của các iDevices là vì chúng ra đời rất sớm, thậm chí vào thời điểm mà thị trường còn chưa 1 ai nghĩ tới sẽ tồn tại 1 lớp thiết bị như thế. 1 ví dụ là iPod vào thời điểm ra mắt ở những năm 2000 thì thị trường âm nhạc còn đang xoay quanh cách phân phối nội dung qua đĩa CD. Khi iPod ra đời, ý tưởng về 1 chiếc máy nghe nhạc nhỏ gọn chứa hàng ngàn bài hát thay thế những chiếc CD Walkman là 1 ý tưởng bạo dạn. Sau sự thành công của iPod, hàng loạt hãng sản xuất khác chạy theo xu hướng máy nghe nhạc MP3 nhưng khi ấy iPod đã kịp nắm giữ một mảng rất lớn thị phần , "trói" người sử dụng vào kho nhạc iTunes và hệ quả là các iPod killer ra đời sau như Zune phải bám đuổi một cách rất vất vả. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Macbook Air, iPhone và gần đây nhất là iPad.

    Về cơ bản thì ý tưởng kinh doanh của Apple khá dễ hiểu: Để thống trị 1 dòng sản phẩm thì cách đơn giản nhất là trở thành người đầu tiên tạo ra nó. Vậy Apple đã làm thế nào để có thể sáng tạo ra những sản phẩm chưa từng có trước đó mà lại vẫn chắc chắn được rằng nó sẽ chiếm được cảm tình của người sử dụng khi tung ra thị trường?

    Có một quan niệm như thế này trong công việc kinh doanh mà có lẽ bạn đọc nào học kinh tế đều sẽ biết: "Nếu muốn tạo ra sản phẩm tốt thì hãy lắng nghe ý kiến khách hàng". Rất nhiều công ty đi theo trường phái này. Và biểu hiện rõ rệt nhất của trường phái tư duy kinh doanh này là việc điều tra thị trường. Chắc hẳn các bạn đã ít nhất 1 lần được phát phiếu điều tra thị trường, mục đích của việc điều tra thị trường là nhằm nắm được thị hiếu, nhu cầu của khách hàng nhằm cải thiện sản phẩm theo hướng phù hợp với mong muốn của khách hàng. Ngay cả ở GenK chúng tôi cũng thực hiện việc điều tra thị trường ít nhất vài lần thông qua dạng các bình chọn trên fanpage Facebook.

    Về cơ bản việc điều tra thị trường giúp 1 doanh nghiệp nắm được nhu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng nhằm có chiến lược "nhảy" vào vùng thu nhiều lợi nhuận nhất. Và nhìn chung đó cũng là 1 tư duy hợp lý vì nói cho cùng sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu của khách hàng thì mới có thể bán được. HTC, Samsung, Nokia... tất cả đều đi theo hướng tư duy này. Chẳng hạn nếu thông qua điều tra thị trường HTC thấy rằng khách hàng muốn màn hình lớn hơn 4,3 inch thì ngay lập tức hãng sẽ cho ra mắt các model smartphone với màn hình 4,7 inch hoặc lớn hơn nữa...

    [​IMG]

    Tuy nhiên Apple lại đi theo 1 triết lý khác. Steve Jobs, trong 1 buổi phỏng vấn đã tuyên bố thẳng thừng "Apple không hề nghiên cứu thị trường". Về cơ bản thì các sản phẩm của Apple đều ra đời từ ý tưởng độc lập của Steve Jobs và các cộng sự của ông. Việc không dựa vào ý kiến của khách hàng để phát triển sản phẩm khiến Apple không bị bó buộc trong cách tư duy hạn hẹp của người tiêu dùng. Trong khi các hãng khác tin rằng người tiêu dùng biết bản thân họ muốn gì, cần gì thì Apple lại tin rằng người tiêu dùng không biết cái gì là hay, là dở và công việc quyết định những gì nên và không nên đưa vào sản phẩm cần phải được dồn lên vai những nhà thiết kế. Cách làm này tỏ ra đặc biệt hiệu quả vì sự thực là người sử dụng không thể biết được mình sẽ phải mong chờ gì ở 1 sản phẩm mà thậm chí trước đó họ còn chưa có chút khái niệm nào. Khi iPad ra đời rất nhiều người chế giễu nó là chiếc iPod Touch phóng lớn hoặc iPhone, Macbook Air đều nhận được những chỉ trích về việc thiếu tính năng. Nhưng thành công của iPad, iPhone, Macbook Air là không cần bàn cãi và nó là 1 minh chứng rất hùng hồn rằng nhiều người không biết mình muốn gì, cần gì ở 1 sản phẩm mới.

    Việc điều tra thị trường, đẽo gọt sản phẩm theo ý kiến khách hàng rất hiệu quả trong việc cải tạo 1 dòng sản phẩm sẵn có. Nhưng nếu cần tạo ra 1 dòng sản phẩm mới hoàn toàn thì người ta sẽ phải học hỏi cách làm của Apple. Có thể tưởng tượng đơn giản HTC, Samsung đang hỏi khách hàng "bạn muốn chiếc smartphone sắp tới trông như thế nào?" trong khi Apple âm thầm sản xuất sản phẩm của mình rồi bình thản nói "Tôi vừa mới làm ra 1 iDevice mới, bạn có muốn mua nó không?". Một khi Apple đã đi trước, các hãng còn lại bị đặt vào vị trí bám đuổi và không bao giờ có thể xếp ngang hàng với Táo Khuyết về mặt sáng tạo.

    Cũng giống như các sản phẩm nghệ thuật, những thiết bị của Apple ra đời và mang hoàn toàn dấu ấn cá nhân của những người thiết kế ra nó thay vì là sự tập hợp ý kiến của cộng đồng khách hàng. iPhone, iPod, iPad ra đời chỉ đơn thuần là vì Steve Job, Jony Ive... nghĩ rằng chúng là những sản phẩm tốt và sẽ bán được.

    Tất nhiên việc không điều tra thị trường sẽ tồn tại rất nhiều rủi ro vì không thể chắc chắn rằng sản phẩm đó sẽ thành công, và với mô hình kinh doanh tập trung vào 1 vài sản phẩm như Apple thì việc 1 sản phẩm thất bại sẽ là cú đánh rất mạnh vào cả công ty. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy thời gian gần đây cho thấy tất cả các iDevice của Apple đều thành công. Và để có được thành tích "trăm trận trăm thắng" ấy, Apple cần 1 yếu tố khác.

    Nhân tài là rường cột

    Có nhiều người hiểu lầm một cách rất tai hại rằng Apple = Steve Jobs. Sự thực thì Steve Jobs rất quan trọng với Apple, nhưng bên cạnh ông còn có Tim Cook, Phil Schiller, Jony Ive... và rất nhiều người nữa nắm giữ những vị trí chủ chốt bên trong Apple. Thậm chí trong sách về Steve Jobs gần đây của Issacson, Jony Ive còn hé lộ rằng hầu hết các ý tưởng về sản phẩm của Apple không phải là từ Steve Jobs mà ra. Chúng ta thường cứ muốn xây dựng 1 hình tượng Steve Jobs thật đẹp, thật tài ba, thật vĩ đại nhưng tôi cho rằng Steve Jobs chỉ đơn giản là 1 doanh nhân rất biết cách dùng người và có tư duy kinh doanh độc đáo. Hãy chấp nhận rằng có thể Steve Jobs không giống như bạn nghĩ, không phải là 1 nghệ nhân "tạc" ra iPhone, iPad hoặc không phải là thầy phù thủy đứng sau mọi chiến lược kinh doanh của Apple. Steve Jobs là người điều hành chung, là người nhìn thấy trước nhu cầu ở những chỗ mà chưa ai thấy và biết trọng dụng những tài năng mà không ai khác trọng dụng.

    [​IMG]

    Bản thân Steve Jobs cũng nhiều lần nhấn mạnh cho chúng ta biết rằng lý do các sản phẩm của Apple luôn sở hữu 1 thiết kế đẹp và hữu dụng như vậy là vì đội ngũ thiết kế của Táo Khuyết hầu hết đều không phải là dân kỹ thuật mà có xuất thân từ các ngành nghệ thuật, lịch sử, sinh vật học... Chính những nhân sự như thế đã khiến sản phẩm của Apple trở nên khác biệt và gần gũi với con người.

    Có thể nói nếu Apple có 1 thứ vũ khí bí mật nào giúp hãng có được những thành tựu như ngày hôm nay thì đó chính là những người làm việc thầm lặng dưới cái bóng của Steve Jobs.

    Khao khát hoàn hảo

    Về mặt tính cách, Steve Jobs gây rất nhiều ấn tượng xấu với những người lần đầu gặp mặt. Sự đòi hỏi 1 cách khắt khe đối với những người làm việc dưới quyền cộng với tính tình nóng nẩy thất thường của Steve khiến có những nhân viên cảm thấy việc đi chung thang máy với Steve Jobs qua mấy tầng lầu thực sự là 1 trận tra tấn tinh thần. Steve Jobs không ngại xỉ vả nhân viên dưới quyền cũng như đuổi việc thẳng cánh bất kỳ ai làm cho ông cảm thấy không hài lòng. Sự chi ly đến từng chi tiết của Steve Jobs như việc tự mình chọn đá lát sàn từ tận 1 mỏ đá ở ngoại ô thành Rome nước Ý cho Apple Store dường như đã trở thành 1 nét văn hóa của Apple.

    Và hệ quả trực tiếp của tính khắt khe ấy sự hoàn hảo đến từng chi tiết trong sản phẩm của Táo Khuyết. Nói ngay như ở iPhone 4S. Mặc dù có rất ít thay đổi so với iPhone 4, nhưng những tính năng được nâng cấp như camera hay chip xử lý đều khiến cả những người khắt khe nhất cũng không có gì để phàn nàn. Dường như nếu đã không đưa vào thì thôi nhưng một khi đã được gắn mác Apple thì mặc định rằng sản phẩm, tính năng ấy là xuất sắc.

    [​IMG]

    Điều này khiến niềm tin của người sử dụng đặt vào Apple càng ngày càng lớn và là 1 phần tạo nên "Văn hóa fan cuồng" của Táo Khuyết.

    Kết

    Những gì tôi nêu ở trên chỉ là 1 phần rất nhỏ trong những bí quyết đã tạo nên 1 Apple như ngày hôm nay. Đằng sau sự thành công ấy còn vô số những tư duy, chiến lược mà trong khuôn khổ 1 bài viết chúng ta không thể kể ra hết. Và như đã nói ở trên, xin nhường lại những gì còn chưa được nhắc tới cho độc giả. Hãy comment và cho chúng tôi biết bạn nghĩ còn những điều gì đã dẫn tới thành công của Apple?
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi ngaoopxinh
    Đang tải...


  2. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Hay nhỉ! Mình luôn thích những gì thuộc về Apple.
     
  3. uhohwtf

    uhohwtf Thành viên tích cực

    Tham gia:
    26/5/2011
    Bài viết:
    533
    Đã được thích:
    428
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Một nửa của sự thật là như thế, một nửa còn lại là đây...

    Câu chuyện đằng sau dòng chữ: ‘Thiết kế tại Mỹ, gia công tại Trung Quốc’

    Có thể nhìn Apple hiện nay, không ai tưởng tượng ra được rằng đã có thời Táo Khuyết "khốn đốn" tới mức gần như phá sản. Sau khi sa thải Steve Jobs năm 1985, Apple lâm vào 1 thời kỳ xuống dốc không phanh do sự lãnh đạo quản lý yếu kém của ban điều hành.

    Trong suốt hơn 10 năm trời, Apple không cho ra đời được 1 sản phẩm đáng chú ý nào, những "bom tấn" của Apple như máy chụp ảnh, PDA Newton... đều trở thành "bom xịt" và là những thảm họa kinh doanh của Apple. Liên tục những sản phẩm thất bại, hàng núi thiết bị tồn kho, không 1 nhà bán lẻ nào dám "ôm" hàng của Apple trong suốt nhiều năm trời dần bào mòn Táo Khuyết cả về vốn lẫn nhân lực. Apple của những năm giữa thập niên 90 là 1 công ty đang ngoắc ngoải chờ chết.

    Và rồi, Steve Jobs trở về, kéo theo đó là hàng loạt nhân sự mới được trọng dụng như Jonny Ive, thiết kế sư trưởng của Apple, Tim Cook, giám đốc tài chính.... Khi Tim Cook nhận nhiệm vụ tại Apple, công việc đầu tiên mà ông này nhận được là tìm cách "thu vén" lại các nguồn vốn và nhân lực của 1 công ty đang tan rã. Việc đầu tiên mà Tim Cook làm ở Apple là đóng cửa các nhà máy sản xuất của Apple.

    Ở thời điểm 1997, Apple hầu như tự sản xuất phần lớn các thiết bị, linh kiện sử dụng trong sản phẩm của mình. Từ những bo mạch điện tử, bóng hình CRT cho tới cả các thiết bị nhỏ nhặt hơn như băng cassete, đĩa từ... Và việc lắp ráp các linh kiện để trở thành sản phẩm cuối cùng hoàn toàn do Apple đảm nhiệm. Kết quả của kiểu sản xuất này là hàng trăm nhà máy của Apple rải rác trên khắp thế giới, đi kèm với nó là hàng chục ngàn nhân công chờ được trả lương, hàng trăm triệu USD mỗi năm tiền vận hành, duy trì và bảo dưỡng các dây chuyền sản xuất và còn hàng trăm ngàn thứ chi phí không tên khác dồn lên đôi vai vốn đã quá yếu ớt của Táo Khuyết.

    Tim Cook quyết định vứt bỏ hoàn toàn khâu sản xuất này của Apple, đóng cửa các nhà máy và quay ra thuê các nhà thầu gia công linh kiện cho Apple theo thiết kế của Apple đặt hàng. Foxconn, Pegatron... trở thành những nghệ nhân thực sự đằng sau iPhone, iPad, Macbook... Khi thuê 1 nhà thầu gia công, Apple "trốn" được các chi phí về dây chuyền thiết bị, nhà xưởng và tận dụng được nguồn nhân công rẻ "như cho" của các nhà thầu châu Á. Kết quả, như chúng ta đều đã biết, Apple trở về từ cõi chết, chỉ sau hơn 10 năm ngắn ngủi đã từ bờ vực phá sản đi lên thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

    Tất cả là nhờ vào quyết định cất bỏ gánh nặng sản xuất của Tim Cook năm đó. Các sản phẩm của Apple bán với giá "cắt cổ" không phải bởi vì chi phí sản xuất của chúng đắt đỏ hơn các thiết bị cùng loại mà chỉ đơn giản là vì Apple bán đắt để thu được nhiều lợi nhuận và định hướng sản phẩm của mình nằm ở phân khúc "thượng lưu" mà thôi. Lợi nhuận sản xuất phần cứng của Apple, theo nhiều ước đoán, lên tới 30-40%, 1 con số "giật mình" nếu chúng ta biết rằng Dell hay HP chỉ có thể "vắt" ra 5-8% lợi nhuận từ buôn bán laptop.

    Báo Pháp luật TPHCM: Một góc nhìn khác về Apple và Steve Jobs

    Tập đoàn máy tính Apple có nhiều sản phẩm được ưa chuộng. Đôi khi người tiêu dùng chịu trả tiền gấp đôi cho sản phẩm có nhãn hiệu trái táo. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ lợi nhuận được phân phối đến tay những công nhân phải hy sinh sức khỏe, trí tuệ và thậm chí tính mạng để làm ra sản phẩm đó.

    Năm 2010, Apple đã từng thừa nhận các nhà máy của Apple tại Trung Quốc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi. Sang năm 2011, tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi hơn. Từ năm 2006, báo chí cũng đã phát hiện các công nhân tại nhà máy sản xuất máy nghe nhạc số iPod ở Trung Quốc làm quá giờ quy định. Họ chỉ được trả lương 50 USD/tháng trong khi phải làm tăng ca đến 15 tiếng/ngày.

    Tập đoàn Điện tử Foxconn của Đài Loan là nhà cung cấp sản phẩm chính cho Apple. Foxconn mở nhiều nhà máy tại Trung Quốc đại lục. Tháng 7-2009, một công nhân 25 tuổi người Trung Quốc nhảy lầu tự tử vì bị nghi dính líu đến vụ mất cắp hàng mẫu điện thoại iPhone của Apple. Sau đó, Apple tuyên bố các nhà sản xuất phải đối xử tôn trọng phẩm giá người lao động nhưng rồi đâu lại hoàn đấy!

    Mùa hè năm ngoái có 11 công nhân nhảy lầu tự tử tại nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc. Chỉ hai người sống sót. Sự việc tồi tệ đến nỗi các công nhân của Foxconn phải ký cam kết không tự tử. Nhà máy phải căng lưới tại các khu tập thể công nhân để chống nạn tự tử.

    Ngoài thời gian lao động kinh khủng, điều kiện làm việc còn nguy hiểm đến tính mạng. Tháng 5 mới rồi, một vụ nổ xảy ra tại nhà máy của Foxconn ở Thành Đô (Trung Quốc), nơi sản xuất máy tính bảng iPad 2. Ba người chết, 15 người bị thương. Tổ chức Sinh viên và học giả chống hành vi sai trái của doanh nghiệp (SACOM) của Hong Kong đánh giá tai nạn là do sơ suất của nhà máy.

    Tập đoàn Wintek của Đài Loan sản xuất màn hình iPhone, iPad cho Apple. Tháng 8-2009, 137 công nhân làm việc tại nhà máy của Wintek ở Tô Châu (Trung Quốc) bị nhiễm độc n-hexane (hexyl hydride), hợp chất gây tổn thương hệ thần kinh đã bị cấm sử dụng tại Trung Quốc. Apple tuyên bố các nạn nhân đã được điều trị. Tuy nhiên, SACOM cho biết hai năm sau khi bị nhiễm độc, các nạn nhân vẫn phải gánh chịu di chứng.

    Không riêng gì Apple, Steve Jobs cũng chịu nhiều tai tiếng. Với tư cách là người đồng sáng lập và tổng giám đốc điều hành của Apple, Steve Jobs thản nhiên phát biểu với báo The Guardian (Anh) rằng nhà máy cung cấp iPad và iPhone ở Trung Quốc không bóc lột lao động.

    Tạp chí Forbes cho biết Steve Jobs có tổng tài sản khoảng 7 tỉ USD. Thế nhưng khác với Bill Gates, hầu như không có hồ sơ nào xác nhận Steve Jobs làm từ thiện. Báo New York Times ghi nhận năm 1997 Steve Jobs còn chỉ thị chấm dứt chương trình từ thiện của Apple.

    Trớ trêu thay, bất chấp những tai tiếng gắn liền với iPad, iPhone…, rất nhiều người tiêu dùng vẫn xem các sản phẩm thời thượng này là biểu tượng của thời trang hiện đại.

    Báo mạng vnexpress: 137 công nhân ngộ độc vì sản xuất màn hình iPhone

    Tuần trước, Apple công khai bản đánh giá điều kiện lao động ở các nhà máy sản xuất linh kiện của họ trên toàn cầu và có một con số khiến nhiều người sửng sốt: 137 công nhân bị nhiễm chất n-hexane.
    N-hexane được sử dụng để làm sạch màn hình cảm ứng cho điện thoại của Apple. Nhà máy Wintek ở Tú Châu (Trung Quốc) bắt đầu sử dụng chất này từ đầu năm 2009 sau khi nhận được đơn đặt hàng sản xuất tấm nền màn hình lớn từ hãng công nghệ Mỹ.

    Apple khẳng định vụ việc này vi phạm nghiêm trọng đến sự an toàn của công nhân và đã yêu cầu đối tác dừng sử dụng chất hóa học n-hexane, cải thiện điều kiện làm việc và cam kết thanh toán chi phí y tế cho những công nhân bị ảnh hưởng.

    Tuy nhiên, theo The New York Times (Mỹ), trong cuộc họp báo cuối tuần qua, hơn chục công nhân cho hay họ chưa từng nghe Apple đề cập tới chất độc này. Còn lãnh đạo tại Wintek lại ép họ và nhiều người khác thôi việc sau khi chấp nhận một khoản tiền nhằm miễn trách nhiệm y tế và pháp lý của công ty về sau.

    Trong khi đó, phát ngôn viên của Wintek tuyên bố không hề ép buộc công nhân nghỉ việc, thậm chí còn hứa hẹn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe lâu dài cho họ. Phát ngôn viên của Apple từ chối nói về những trường hợp ở Wintek nhưng cũng khẳng định công ty luôn kiểm tra và đảm bảo điều kiện làm việc chuẩn mực tại các nhà máy cung cấp linh kiện.

    Từ 18 tháng trước, công nhân Wintek bắt đầu than phiền về tình trạng đau đầu, chóng mặt và kiệt sức. Một số gặp khó khăn khi leo cầu thang và cởi cúc áo. "Tay tôi vã mồ hôi và chân thì cứng đờ", Jia Jingchuan, 27 tuổi, cho hay. "Ban đầu, tôi không hề nghĩ triệu chứng này liên quan đến công việc".

    Anh này bị tổn thương dây thần kinh, nhạy cảm với cái lạnh đến mức phải mặc cả quần áo giữ nhiệt dù đang ở trong nhà mà như anh nói là "thường những người ở tuổi tôi không bao giờ mặc".

    Các bác sĩ sau đó phát hiện nguyên nhân là do họ bị phơi nhiễm n-hexane. Trong báo cáo tuần trước, Apple cho biết chất này không còn được sử dụng tại Wintek, nơi đang có 18.000 công nhân làm việc với mức lương trung bình 200 USD đã tính cả giờ làm thêm, nữa.

    Wang Mei, 37 tuổi, cho biết cô đã phải nằm viện 10 tháng vì chất n-hexane nhưng vẫn chưa nghỉ việc. "Không phải tôi muốn làm ở đây. Mà vì tôi cần đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình", Mei giải thích cô chỉ rời nhà máy sau khi biết chắc Wintek sẽ thanh toán hóa đơn y tế cho mình.

    Debby Chan, làm việc tại một tổ chức về quyền lao động ở Hong Kong, cho biết Apple và Wintek quá chậm chạp trong việc xử lý vấn đề. "Chúng tôi nghe nói tới chuyện này từ năm 2009. Sau vụ đình công vào tháng 1/2010, chúng tôi đến bệnh việc hỏi thăm công nhân và họ nói ban lãnh đạo Wintek tỏ ra rất thờ ơ. Khi vụ việc bị đưa lên báo chí, Apple cũng không hề đưa ra lời xin lỗi".

    Apple lần đầu đề cập đến chất n-hexane trong báo cáo tuần trước. Trong bản đánh giá điều kiện lao động này, "Quả táo" cũng khen ngợi nhà máy Foxconn đã có những động thái tích cực trước những vụ công nhân tự tử như tăng lương, thuê chuyên gia tư vấn tâm lý và giăng lưới tại các khu nhà ở của công nhân...

    Biểu tình ngay khi Apple Store tốn kém nhất thế giới mở cửa

    Sau khi gian hàng bán iPad, iPhone chính hãng ở Hong Kong khai trương được 2 tiếng, hàng chục người đã đứng bên ngoài phản đối hành vi bóc lột sức lao động công nhân tại các xưởng sản xuất thiết bị cho Apple.

    Đáng chú ý nhất là banner dài 6 mét được nhóm người biểu tình treo ngay giữa trung tâm, trên đó vẽ hình người công nhân đang rỉ máu vì phải vác biểu tượng của Apple. Trên tấm vải đó còn ghi dòng chữ "No More iSlave" (không làm nô lệ cho Apple thêm nữa). Những người này cho rằng tình trạng bóc lột sức lao động vẫn đang xảy ra ở các nhà máy, đặc biệt là Foxconn, khiến tình trạng tự tử vẫn tiếp diễn.

    Khi banner được treo lên, các nhân viên an ninh đã tìm cách kéo nó xuống nhưng gặp phải phản đối quyết liệt từ những người biểu tình. Kết quả, tấm vải vẫn ở đó suốt gần một giờ.

    Báo mạng VTC news: Apple, Dell, HP bị tố bóc lột sức lao động ở Trung Quốc

    Một báo cáo gần đây của China Labor Watch (CLW), một tổ chức bảo vệ lao động của Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông, tuyên bố các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Apple, HP và Dell, đã tạo ra một mạng lưới các "công trường bóc lột sức lao động điện tử" ở Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm cho một loạt các vụ tự tử của công nhân tại các nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử của ba hãng.

    Cũng theo China Labor Watch, Apple đã lập nên những khoản lợi nhuận khổng lồ và đang ngày càng tiến gần hơn tới vị trí công ty giá trị nhất thế giới với tổng số vốn hóa thị trường lên tới hơn 360 tỉ USD. Khoản lợi nhuận kỉ lục này được mang lại từ chính việc bóc lột sức lao động và chà đạp lên nhân quyền người dân lao động của những hãng điện tử lớn như Apple.

    Để thu thập được những thông tin chính xác và thuyết phục nhất, China Labor Watch đã gửi các nhà điều tra đến làm việc trên dây chuyền sản xuất của mười nhà máy điện tử lớn nhất của Trung Quốc chuyên lắp ráp sản phẩm cho Apple, Dell, HP cũng như Sony, Nokia, Motorola và nhiều hãng khác.

    Trong tháng Tám, các nhà điều tra còn thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn tới hơn 400 công nhân về những điều kiện làm việc mà theo họ đó không chỉ là phi đạo đức, mà còn là bất hợp pháp theo như quy định của pháp luật Trung Quốc.

    Chín trong số mười nhà máy buộc bị cáo buộc là đã ép công nhân làm việc nhiều như làm thêm 40 giờ mỗi tuần song chỉ trả một mức lương cơ bản “không đủ cung cấp cho người lao động những thứ tối thiểu để chi trả các khoản chi phí sinh hoạt cơ bản” của họ.

    Bản báo cáo dài 136 trang còn cho biết thêm: "trên một dây chuyền lắp ráp HP, công nhân được yêu cầu hoàn thành mỗi nhiệm vụ được giao trong vòng ba giây và họ phải liên tục đứng trong khoảng thời gian mười giờ".

    Một trong những nhà máy được liệt kê trong báo cáo bị cho là có những ông chủ "quân phiệt" cấm người lao động nói chuyện trong suốt ca làm việc 12 tiếng. Một số người khác không cho phép công nhân sử dụng phòng tắm của nhà máy.

    "Trái với chính họ, các công ty đa quốc gia và các nhà máy sản xuất Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi tới cùng những hoạt động kinh doanh và lao động lạm dụng công nhân Trung Quốc", báo cáo cho biết. Nội dung của bản báo cáo cũng nhấn mạnh toàn bộ ngành công nghiệp không được kiểm soát và Apple chỉ trả 3,99 bảng để sản xuất một chiếc iPhone 600 triệu bảng, một chi phí hết sức ít ỏi cho một giá trị lợi nhuận gấp hàng trăm lần như thế nhờ vào việc bóc lột người lao động.

    Ngay đầu tuần này, một nhân viên của Foxconn, nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới được tìm thấy khi đã chết tại nhà máy của công ty ở phía Nam thành phố Thâm Quyến, nơi có hơn 250,000 công nhân lắp ráp các linh kiện cho hầu hết các công ty điện tử lớn.

    Năm ngoái, sự kiện một nhóm công nhân của Foxconn tự tử tập thể đã rung lên hồi chuông báo động khẩn cấp về sự giám sát các công đoạn làm việc cường độ cao vô nhân đạo trong ngành công nghiệp điện tử.

    Tuy nhiên, China Labor Watch khẳng định ngành công nghiệp này đã không hề thay đổi cung cách làm việc của nó và vẫn luôn tàn nhẫn đặt lợi nhuận lên trên mọi điều điều kiện lao động và sức khỏe của người công nhân.

    "Foxconn không phải là công ty duy nhất phải chịu trách nhiệm về các vụ tự tử của nhân viên. Apple, HP, Dell và các công ty quốc tế khác cũng là những tổ chức phải chịu trách nhiệm bởi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của họ là đi kèm với chi phí tiền lương và điều kiện làm việc tối ưu cho công nhân ", báo cáo lập luận.

    Trong một số nhà máy, công nhân không được đưa ra hợp đồng, hoặc trả tiền phiếu. Ngay cả khi có công đoàn trong một trong nhà máy, hoạt động bởi Quanta, nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới, "công nhân vẫn không hề biết đến bất kỳ đại diện nào trong công đoàn hay bất kì công nhân nào từng có một cuộc họp với công đoàn.”

    Một trong các nhà máy có tên trong bản báo cáo hoạt động cho MSI, một công ty Đài Loan, cho biết: "Chúng tôi thừa nhận một thực trạng rất phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử là việc phải làm thêm nhiều giờ, và chúng tôi thừa nhận các nhà máy của chúng tôi ở Trung Quốc cần phải một cái nhìn nghiêm khắc lâu dài vào bản thân mình. " Một số nhà máy khác, được điều hành bởi Tyco, lại tranh cãi về tính chính xác của báo cáo và cáo buộc China Labor Watch không hề phỏng vấn một đại diện nào của mình. "Chúng tôi có một tỷ lệ doanh thu cao của người lao động trong ngành công nghiệp này", phát ngôn viên của công ty khẳng định.

    Apple, Dell, HP và Nokia không đưa ra lời bình luận nào cho sự việc này.

    Trong báo cáo hàng năm vào đầu năm nay, Apple đã tiết lộ rằng lao động trẻ em tại các nhà cung cấp của hãng ở Trung Quốc đang xấu đi, với 91 trẻ em dưới 16 tuổi được tìm thấy trong các nhà máy sản xuất hàng hóa của Apple. Trong khi đó, Dell, thừa nhận rằng chỉ có 46% các nhà cung cấp thiết bị hoạt động theo quy tắc của hãng.

    Sony và Motorola đều cho biết họ đã cam kết cải thiện điều kiện làm việc, nhưng từ chối bình luận thêm. "Nhiều người trong số các công ty khẳng định rằng họ đang thực hiện những cải cách sâu rộng, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về điều này," ông Li Qiang, giám đốc điều hành của China Labor Watch cho hay.

    Các hình ảnh cụ thể mời tham khảo link sau: Cuộc sống những người làm ra iPhone

    http://upro.vn/congdong/showthread.php?t=1416
     
    Sửa lần cuối: 5/1/2012
  4. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Cái đó không thể đổ lỗi cho Apple được, những công nhân đó sống trong chế xã hội chủ nghĩa được coi là đỉnh cao của văn minh nhân loại.

    Ấy vậy mà khối người ở VN ghen tỵ với thu nhập của họ đấy.
     
  5. uhohwtf

    uhohwtf Thành viên tích cực

    Tham gia:
    26/5/2011
    Bài viết:
    533
    Đã được thích:
    428
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Apple chẳng có lỗi tẹo nào, chung quy bởi vì thế giới phẳng mà ra, chỉ sợ có bạn thấy Apple lung linh quá nên post ít tin gọi là.
     
  6. uhohwtf

    uhohwtf Thành viên tích cực

    Tham gia:
    26/5/2011
    Bài viết:
    533
    Đã được thích:
    428
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    iPhone hào nhoáng và sự trả giá của mạng người

    Tác giả: Quốc Dũng (Theo NYTimes)

    Tốc độc sản xuất khủng khiếp của Apple cũng đi kèm với một cái giá đắt. Những người công nhân lắp ráp nên iPhone, iPad và những thiết bị khác đã phải làm việc trong một điều kiện hết sức khắc nghiệt. NYTimes mới đây đã có bài điều tra về thực trạng nhà máy sản xuất của Apple tại Trung Quốc.


    Kì I: iPhone được định giá bằng mạng người

    Lờ đi những cảnh báo

    Trong thập kỷ qua, Apple đã vụt bước trở thành một trong những công ty thành công nhất, giàu có nhất, và trở thành một huyền thoại. Yếu tố không nhỏ tạo nên thành công của hãng đó là việc phát triển hệ thống sản xuất rải khắp toàn cầu. Nhờ vào việc đặt các nhà máy sản xuất ở khắp nơi trên thế giới, Apple cũng như hàng loạt các ngành công nghiệp khác của Mỹ đã đạt được một tốc độ sản xuất chưa từng có trong lịch sử.

    Tuy nhiên, tốc độc sản xuất khủng khiếp ấy cũng đi kèm với một cái giá đắt. Những người công nhân lắp ráp nên iPhone, iPad và những thiết bị khác đã phải làm việc trong một điều kiện hết sức khắc nghiệt. Theo những người công nhân bên trong nhà máy sản xuất, họ phải làm việc theo những quy định riêng của nhà máy, với những vấn đề nghiêm trọng về điều kiện và môi trường làm việc - đôi khi đó còn là những vấn đề nguy hiểm đến tính mạng.

    Cả giám đốc điều hành Apple hiện tại và tiền nhiệm đều khẳng định công ty đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện môi trường lao động trong các nhà máy thời gian gần đây. Apple hiện có một loạt các tiêu chuẩn chi tiết về các vấn đề lao động, bảo vệ an toàn và các tiêu chuẩn khác. Công ty cũng gắn kết các tiêu chuẩn với những chiến dịch kiểm toán mạnh mẽ, và nếu sai phạm được phát hiện, nó sẽ được sửa đổi ngay lập tức.

    Thế nhưng sự thực chưa chắc đã là như vậy. Hơn một nửa các nhà cung cấp được Apple kiểm toán đã vi phạm ít nhất một khía cạnh các tiêu chuẩn mà hãng đặt ra từ năm 2007, trong một số trường hợp, những vi phạm này còn vi phạm cả pháp luật.

    Nhân viên trong khu sản xuất phải làm việc tăng ca, một vài trường hợp phải làm đến 7 ngày/ tuần. Một số người do đứng quá lâu mà chân đã bị sưng lên đến mức không thể đi được, một phần trong số đó là trẻ em chưa đủ độ tuổi lao động. Thêm vào đó, nhiều báo cáo cho thấy các công ty sản xuất linh kiện cho Apple cũng thường xuyên xả chất thải độc hại và làm sai lệch hố sơ.

    "Apple không quan tâm đến gì khác ngoài việc tăng chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. Phúc lợi của người lao động không phải là lợi ích của họ.", ông Li Mingqi, một cựu công nhân từng làm việc tại Foxconn - một nhà cung cấp của Apple cho biết.

    Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà cung cấp tỏ ra coi thường sức khỏe người lao động. 2 năm trước, 137 công nhân làm việc tại một nhà cung cấp sản phẩm cho Apple ở Trung Quốc đã bị tổn thương sức khỏe sau khi được lệnh sử dụng hóa chất độc hại để lau sạch màn hình iPhone. 7 tháng trước, 2 vụ nổ lớn tại nhà máy sản xuất iPad, trong đó có một vụ xảy ra tại nhà máy Foxconn tại Thành Đô, đã giết chết 4 người và làm bị thương 77 người. Trước khi vụ nổ xảy ra, Apple đã được cảnh báo về điều kiện làm việc độc hại ở đây.

    "Nếu Apple đã được cảnh báo nhưng lại lờ đi, nó thật đáng lên án. Nhưng những vấn đề liên quan đến đạo đức quốc gia này lại có thể được chấp nhận ở quốc gia khác, và các công ty đã lợi dụng điều này.", Nicholas Ashford, cựu chủ tịch của Ủy ban cố vấn Quốc gia về an toàn lao động và Y tế, thuộc Bộ Lao Động Mỹ nói.

    Tất nhiên, Apple không phải là công ty điện tử duy nhất làm như vậy. Các nhà máy sản xuất đặc tại Trung Quốc cũng sản xuất các linh kiện cho Dell, HP, IBM, Lenovo, Motorola, Nokia, Sony, Toshiba và nhiều hãng khác.

    Nguy cho nhân công nhưng lợi cho doanh nghiệp


    Một vài cựu nhân viên điều hành của Apple cho biết có một vấn đề rất khó giải quyết trong công ty: đó là dù hãng rất muốn cải thiện điều kiện làm việc trong các nhà máy, nhưng cũng không muốn tạo xung đột với các nhà cung cấp quan trọng, bởi như thế sẽ ảnh hưởng tới tiến độ công việc.

    Apple mới đây đã công bố một báo cáo quý với mức lợi nhuận lớn hơn bất cứ công ty nào trong lịch sử, với hơn 13 tỉ USD lợi nhuận và doanh số bán hàng lên tới 46,3 tỉ USD. Hãng cho biết, con số này còn có thể lớn hơn nếu như dây chuyền sản xuất có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn.



    Chính vì lý do đó, nhiều hãng điện tử khác cũng đã "ngoảnh mặt làm ngơ" với những gì đang diễn ra tại dây chuyền sản xuất ra các sản phẩm điện tử của mình. Mô hình này có thể xấu xí, nguy hại cho công nhân nhưng nó lại nhanh chóng và có thể đổi mới liên tục.

    Việc khách hàng luôn mong muốn có những sản phẩm điện tử mới tốt hơn được tung ra hàng năm buộc các nhà sản xuất phải tập trung nhiều hơn vào khâu đổi mới thay vì cải thiện điều kiện làm việc trong các nhà máy.

    "Chúng tôi đã biết vấn đề tại các dây chuyền sản xuất trong 4 năm, nhưng các vấn đề vẫn tồn tại", một cựu nhân viên điều hành giấu tên của Apple cho biết. "Vì sao ư? Bởi hệ thồng này làm việc cho chúng tôi. Các nhà sản xuất sẽ phải thay đổi lại toàn bộ mọi thứ nếu Apple bắt họ làm như vậy. Và sự thay đổi này khiến một nửa số iPhone gặp trục trặc, liệu Apple có chấp nhận điều này?"

    Trong bản báo cáo của mình, Apple đòi hỏi mỗi vi phạm lao động cần được khắc phục, và nhà cung cấp nào không hoàn thành yêu cầu này sẽ bị cắt hợp đồng. Tuy nhiên, Apple không muốn như vậy bởi hiện tại rất khó để tìm được một nhà cung cấp mới. Điều này cũng rất tiêu tốn thời gian và tiền bạc. Foxconn là một trong số ít những nhà cung cấp trên thế giới đủ khả năng để sản xuất số lượng lớn iPhone và iPad.

    "Vì vậy, Apple sẽ không rời bỏ Foxconn hay Trung Quốc", Heather White, một nhà nghiên cứu tại đại học Havard cho biết.

    Trong năm 2010, CEO Steve Jobs của Apple đã nói về mối quan hệ của Apple với các nhà cung cấp trong một hội thảo công nghiệp như sau:

    "Tôi thật sự nghĩ rằng Apple đang là một trong những công ty trong ngành công nghiệp của chúng ta, thậm chí trong cả ngành công nghiệp nói chung, hiểu rõ điều kiện làm việc tại các dây chuyền sản xuất".

    Một cựu nhân viên điều hành khác cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng để mọi thứ trở nên tốt hơn. Nhưng hầu hết mọi người sẽ thấy thực sự bối rối khi biết những chiếc iPhone của mình làm ra từ đâu".
     
  7. pho89

    pho89 Thành viên tích cực

    Tham gia:
    3/11/2011
    Bài viết:
    610
    Đã được thích:
    130
    Điểm thành tích:
    83
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Bất cứ một nhà tư bản nào cũng muốn bỏ ra ít tiền nhưng thu được hiệu quả cao nhất chứ không riêng gì Apple. Nên nói đòi quyền bình đẳng thì cũng khó lắm, nhưng nói đi nói lại em cũng mong muốn công nhân không còn bị bóc lột nhiều như vậy nữa, họ xứng đang được trả lương tương xứng với sức lao động đã bỏ ra
     
  8. bbanana

    bbanana Giấy VS Pulppy, An An

    Tham gia:
    5/12/2011
    Bài viết:
    114
    Đã được thích:
    13
    Điểm thành tích:
    18
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Không bao giờ có sự công bằng, bạn sẽ thật sự kiệt quệ để đi tìm cái công bằng trong xã hội! Người công nhân luôn phải chịu thiệt thòi để mang lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp. Biết là mình đang bị vắt kiệt sức lao động mà vẫn phải làm với đồng lương rẻ mạt. Ngày mới tốt nghiệp CĐ mình cũng đã từng xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp VN- Singapore Thuân An- Bình Dương.Cuộc sống chỉ duy trì được dựa vào việc tăng ca. Sáng đi,tối về có khi nào thấy no bụng đâu!!
     
  9. webmaster

    webmaster Stay hungry. Stay foolish

    Tham gia:
    16/12/2006
    Bài viết:
    13,288
    Đã được thích:
    35,263
    Điểm thành tích:
    6,063
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Chúng ta vẫn chọn làm như vậy vì chúng ta tính toán rằng đi làm như vậy có lợi hơn là không, nếu không hẳn chúng ta đã không làm ngay từ đầu. Vậy là cả hai bên đều có lợi và ít ra lúc đó chúng ta thấy công bằng?
     
  10. uhohwtf

    uhohwtf Thành viên tích cực

    Tham gia:
    26/5/2011
    Bài viết:
    533
    Đã được thích:
    428
    Điểm thành tích:
    103
    Ðề: Bí mật đằng sau sự thành công của Apple

    Nếu mở rộng góc nhìn ra thì sẽ phức tạp chứ không đằng thằng được như vậy. Nếu là người công nhân, OK có việc làm dù sao còn hơn không. Nếu là nhà tư bản, OK tiếp tục bóc lột cho đến khi bị pháp luật tuýt còi. Nếu là khách hàng, OK sẽ tiêu đồng đôla của mình cho tổ chức mình thích. Sự tẩy chay của người tiêu dùng (boycott) là điều khá đáng sợ, đã từng xảy ra cho Nike, Tommy Hilfiger vì cái tội dung túng cho các sweat shop, tại sao giờ không phải là Apple và các tập đoàn điện tử khác?
    Nếu người tiêu dùng đều suy nghĩ như teen cả "Em có một ước ao, em có một khát khao.. là có con Iphone 4S" thì chả có gì để comment nữa cả. Trong giác độ này người tiêu dùng nước nhà chưa nhận thức giống người tiêu dùng ở các nước phát triển hơn. Tẩy chay sp của Vedan là một sự khởi động rất hay để hình thành sự nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
     

Chia sẻ trang này