Viêm da cơ địa là một trong những bệnh da liễu phổ biến ở chị em phụ nữ khi mang thai. Bệnh lý này không chỉ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt mà còn làm mẹ thêm lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy bị viêm da cơ địa khi mang thai có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Hãy theo dõi nội dung dưới đây nhé! 1. Hiểu nhanh về tình trạng viêm da cơ địa khi mang thai Tình trạng viêm da cơ địa khi mang thai có thể xảy ra do sự tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể chị em phụ nữ được xác định là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể xuất hiện do hệ miễn dịch suy yếu, tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài, da bị kích ứng do xà phòng, hóa chất, thay đổi thời tiết đột ngột,... Khi bị viêm da cơ địa, mẹ bầu sẽ có những triệu chứng như: nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa ngáy ở vùng da bụng, cánh tay, bàn tay, chân hoặc cổ,... Bệnh lý này xuất hiện kèm theo vòng lặp "ngứa - gãi - ngứa", nghĩa là mẹ càng gãi thì những cơn ngứa càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, các triệu chứng viêm da cơ địa thường có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và tâm lý của mẹ. 2. Mẹ bầu bị viêm da cơ địa có ảnh hưởng đến thai nhi không? Theo các chuyên gia, viêm da cơ địa không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi mà chỉ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, phiền toái. Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngáy dữ dội, khiến mẹ ăn uống kém ngon miệng, ngủ không sâu giấc, cùng với tâm lý căng thẳng mệt mỏi sẽ khiến em bé trong bụng bị ảnh hưởng gián tiếp. Cụ thể, nếu tình trạng này kéo dài, em bé có thể sẽ không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng, phát triển chậm hơn so với bình thường. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng viêm da cơ địa là bệnh lý có tính di truyền cao. Nếu mẹ mắc bệnh thì khả năng em bé ra đời cũng có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa, nhạy cảm hơn với những tác nhân bên ngoài. Kéo theo đó, trẻ cũng rất dễ mắc phải những căn bệnh như hen suyễn, rối loạn tiêu hóa, viêm tai giữa,... 3. Điều trị viêm da cơ địa cho bà bầu bằng cách nào? Giai đoạn mang thai các mẹ thường cực kỳ nhạy cảm và rất dễ gặp phải những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Chính vì vậy mẹ cần cẩn trọng trong việc điều trị, ưu tiên sử dụng các liệu pháp thiên nhiên cũng như chú ý hơn đến việc chăm sóc tại nhà. 3.1 Trị viêm da cơ địa bằng phương pháp thiên nhiên Mẹ bầu có thế sử dụng các loại lá tắm thảo dược thiên nhiên như lá trà xanh, lá khế, lá trầu không,... để cải thiện triệu chứng viêm da cơ đĩa, giảm bớt cảm giác khó chịu và giúp da phục hồi nhanh hơn. ☛ Tìm hiểu thêm tại: Tắm lá giảm ngứa do viêm da cơ địa 3.2 Dùng thuốc trị viêm da cơ địa cho bà bầu Dùng thuốc sẽ giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng viêm da cơ địa. Tuy nhiên mẹ bầu chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc có thể được dùng bao gồm: Thuốc bôi chứa kẽm oxide: Có tác dụng sát trùng, bảo vệ da, tương đối an toàn với bà bầu và thường được dùng trong các trường hợp viêm da cơ địa bán cấp. Thuốc kháng histamine thế hệ II: giúp giảm tình trạng ngứa ngáy, ít gây tác dụng phụ hơn thuốc kháng histamine thế hệ I. 3.3 Quang trị liệu Đây là liệu pháp sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo, tác động lên da nhằm biệt hóa tế bào, ức chế các chất tiền viêm, từ đó cải thiện tổn thương da. Tuy nhiên phương pháp này có thể kích thích sản sinh melanin, đẩy nhanh quá trình lão hóa và làm gia tăng nguy cơ ung thư da nên chỉ được cân nhắc áp dụng trong các trường hợp viêm da cơ địa nặng, lan rộng, gây ngứa ngáy dữ dội. 4. Cách chăm sóc bà bầu bị viêm da cơ địa Dưới đây là một số lưu ý cho mẹ bầu bị viêm da cơ địa: Không làm việc quá sức, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tránh để bản thân bị căng thẳng, stress Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc các loại quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt Không gãi cào, chà xát lên vùng da tổn thương vì có thể khiến các tổn thương da lan rộng, lâu lành, thậm chí gây bội nhiễm Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước Thường xuyên tập luyện, vận động nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, phù hợp với làn da Trên đây là những chia sẻ về tình trạng viêm da cơ địa ở bà bầu, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn!