Bội thực trái tuyến

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Ngoc Lan, 29/9/2005.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Bội thực trái tuyến, học sinh phải học 'dồn'

    Học sinh tan trường chạng vạng tối. Ảnh: V.A.
    Ngay giữa thủ đô, gần 50 học sinh tiểu học chen chúc trong gian phòng vài chục m2, cô giáo phải dùng micro giảng bài. Học sinh phải học dồn đến 18h. Nguyên nhân là trường tuyển sinh trái tuyến quá nhiều, không đủ phòng ốc để các em học 2 buổi mỗi ngày.

    Đây là thực tế đã xảy ra vài năm nay tại trường tiểu học Kim Liên - một trong những trường chất lượng cao của Hà Nội. Ngôi trường này luôn là mục tiêu "chạy" trường của các phụ huynh dịp hè. Giờ tan học, hàng loạt các loại xe gas đắt tiền như @, SH, Dylan, thậm chí cả ôtô xếp dọc phố Hoàng Tích Trí - nơi trường Kim Liên toạ lạc.

    Học dồn kiến thức, bỏ qua giáo dục văn thể

    Thế nhưng, sau niềm vui khai giảng, hơn 1.000 phụ huynh bắt đầu lao đao khi nhà trường thông báo, 9 lớp khối 4 và 13 lớp khối 5 (trên 1.000 học sinh) phải học nửa ngày do không có đủ lớp học. Học sinh chia làm 2 ca: ca sáng khối lớp 5 bắt đầu từ 8h và ca chiều của khối 4 vào học lúc 14h. Nếu học 5 tiết, ca chiều sẽ tan học vào lúc 18h.

    Giờ học lạ đời đã xáo trộn lịch sinh hoạt của hàng trăm gia đình. Chị Thanh, một phụ huynh học sinh cho hay, hai tuần nay, buổi trưa, vợ hoặc chồng phải về nhà nấu cơm, rồi đưa con đi học. Những hôm cu cậu học đủ 5 tiết, sau khi rời cơ quan, anh chị lại phải lòng vòng đâu đó rồi mới đến trường đón con.

    "Ban phụ huynh của lớp đã làm đơn đề nghị trường cho các cháu học bán trú để tiện cho gia đình, các cháu không phải học dồn mệt mỏi. Tuy nhiên, trường trả lời là không có phòng học để đáp ứng yêu cầu", chị Thanh nói.

    Nhưng lo lắng nhất là vấn đề chất lượng giảng dạy. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, học sinh, lớp học vài chục m2 nhưng có ngót nghét 50 em. Thậm chí có lớp, cô giáo phải dùng micro để giảng bài. Đối với lớp học bán trú, buổi sáng các em học văn hoá, buổi chiều ôn lại kiến thức và học các môn nhạc, họa, thể dục, chơi trò chơi... Đây là những môn học góp phần giáo dục toàn diện cho trẻ. Tuy nhiên, do học 1 buổi, thày cô chỉ chăm chăm dạy các môn văn hoá.

    Bất lực trước nạn tuyển sinh trái tuyến

    Trao đổi với VnExpress chiều 21/9, bà Nguyễn Thị Tố Mai, Hiệu trưởng tiểu học Kim Liên, cho hay, trường biết việc dạy dồn 1 buổi sẽ ảnh hướng đến đào tạo nhưng đành bất lực. Trường đang tính đến phương án, các giáo viên chủ nhiệm tìm thuê địa điểm bên ngoài để tổ chức học bán trú.

    "Nhiều phụ huynh có đơn đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho các cháu học bán trú. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa yên tâm về việc thuê nhà bên ngoài cho các cháu sinh hoạt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn thân thể, rồi những bất trắc có thể xảy ra khi cô giáo dẫn hàng chục em băng qua đường", bà Thanh nói.

    Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng tuyển sinh trái tuyến quá nhiều, bà Thanh thừa nhận đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng học sinh không được đáp ứng đầy đủ yêu cầu học tập. Năm học 2005-2006, tiểu học Kim Liên tuyển 600 học sinh nhưng chỉ có 300 em đúng tuyến (có hộ khẩu tại phường Kim Liên).

    "Chúng tôi mong Sở, phòng GD&ĐT quan tâm hơn đến vấn đề này, có biện pháp hạn chế học sinh trái tuyến, tránh gây áp lực cho cả nhà trường và gia đình như hiện nay", bà Thanh nói.

    Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, tiểu học Kim Liên không phải là trường duy nhất đang gánh chịu hệ quả do tuyển sinh trái tuyến quá nhiều. Ngành giáo dục đang chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo này. Năm học 2004-2005, tiểu học Kim Liên tuyển sinh 13 lớp mới nhưng năm học này đã giảm còn 11 lớp. Tuy nhiên, phụ huynh cũng phải thông cảm, tránh tư tưởng chạy đua trường điểm và gây áp lực cho ngành.

    Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 300 trường tiểu học, trong đó có 31 trường chuẩn quốc gia. Với hệ thống trường này, ông Tiến khẳng định, thừa sức đón các em có hộ khẩu Hà Nội, thậm chỉ cả người ngoại tỉnh sinh sống ở thủ đô vào các trường công lập. Thế nhưng, một số trường ở quận Thanh Xuân, Tây Hồ mặc dù đạt chuẩn quốc gia nhưng rất vắng học sinh.

    Một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tiết lộ, năm nay, chính ông cũng phải lo vài suất trái tuyến vào trường điểm cho con cháu quan chức trung ương, thành phố. "Mỗi mùa tuyển sinh là mùa kinh hoàng của chúng tôi. Họ gọi điện gửi gắm, mình từ chối sao được", ông than thở.

    Việt Anh
    VnExpress
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


Chia sẻ trang này