Từ xưa đã có câu: “Tiên học lễ hậu học văn”, đã nói lên tầm quan trọng của việc giáo dục lễ nghĩa và đào tạo nhân cách con người. Nên chúng ta đào tạo nhân cách cho trẻ ngay từ thuở nhỏ. Trong việc ăn uống hằng ngày cũng có những nguyên tắc lịch sự mà ông bà xưa vẫn dạy “Ăn coi nồi – ngồi coi hướng”: 1. Mời cơm trước khi ăn: Lễ nghĩa cơ bản và quan trọng đầu tiên khi ăn cần dạy cho bé ngay từ nhỏ là mời mọi người ăn cơm. Để làm được điều đó, cha mẹ cần làm gương cho con cái. Cha mẹ mời con cái ăn cơm lại là bài học hiệu quả, bởi trẻ hay bắt chước và mời lại. Điều đó thể hiện tình cảm, sự tôn trọng mà tất cả mọi người đều làm. Trước khi rời bàn ăn, trẻ phải tự giác để gọn bát đũa và thìa của mình vào một chỗ để rèn đức tính cẩn thận và gọn gàng cho con. 2. Ngồi ngay ngắn khi ăn: Khi bé vừa đủ lớn để ngồi ăn cùng với gia đình, ba mẹ cần rèn cho trẻ ngồi ngay ngắn khi ăn, không được nghịch ngợm trên bàn ăn và không được chảy nhảy lung tung. Ba mẹ cần có thái độ cứng rắn, đưa ra những quy định rõ ràng: nghiêm túc khi ăn, không vừa ăn vừa nói khi miệng còn thức ăn, không nhai tóp tép, không nghịch đồ chơi trên bàn ăn, phải cầm chén lên khi gắp thức ăn vào miệng. 3. Không “ kén cá chọn canh”: Nếu thường xuyên đáp ứng mọi yêu cầu của con, vô tình cha mẹ đã làm hư con cái. Nếu bé không chịu ăn cái này, phải ăn cái kia hoặc đưa ra điều kiện mới chịu ăn thì ba mẹ cần chấm dứt ngay tình trạng này của con, giải thích cho con hiểu và yêu cầu con ăn uống đủ chất các thức ăn tốt cho sức khỏe, tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh.