Cẩn trọng khi nói với con trẻ

Thảo luận trong 'Cư xử với con' bởi Hải Phạm, 26/11/2010.

  1. Hải Phạm

    Hải Phạm Thành viên rất tích cực

    Tham gia:
    24/11/2010
    Bài viết:
    1,025
    Đã được thích:
    1,555
    Điểm thành tích:
    1,013
    [​IMG]

    Tâm hồn trẻ thơ giống như tờ giấy trắng mà người lớn không thể tùy tiện “viết nháp” dù chỉ là trong lúc giận dữ hoặc ngẫu hứng.

    Qua thực tế, các chuyên gia tâm lý đã đúc kết được nhiều điều qua cách nói của các bậc cha mẹ đối với con trẻ. Có những lời nói tưởng chừng đơn giản nhưng mang lại hệ lụy không nhỏ đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ…

    Dọa nạt và chê bai

    Thông thường, mỗi khi bọn trẻ nghịch ngợm hoặc làm điều gì đó khiến người lớn bực mình, chúng hay bị mẹ mắng và dọa: “Đợi ba con về sẽ biết tay!” hoặc “Con mà hư nữa, cảnh sát sẽ đến bắt đi đấy!”… Đây chỉ là những lời dọa nạt suông không mang lại lợi ích gì cả. Không chỉ nhanh chóng nhận ra rằng cảnh sát không đến mà trẻ còn có suy nghĩ chối bỏ người mà mẹ nó đem ra để dọa. Tương tự, hình ảnh người cha sẽ trở nên nghiêm khắc đến tội nghiệp bởi đứa trẻ sẽ có cảm giác chờ đợi cha đi làm về với vẻ mặt giận dữ và nó sẽ bị trừng phạt.

    Không ít các bậc cha mẹ thường đưa những điểm yếu của con ra để coi đấy là lý do chúng bị xem thường. Ví dụ như: “Chẳng ai thương con nếu con cứ cáu kỉnh như thế!” hay “đó là lý do mà con chẳng có bạn bè gì cả”… Tuy những câu nói này là không thực nhưng nó sẽ gây tổn thương cho trẻ, tạo cho trẻ cảm giác nếu chúng không có bạn bè thì chỉ làm chúng thêm buồn, thiếu quyết đoán và nghi ngờ khả năng giao tiếp của mình. Nếu bạn bảo với con trẻ rằng bạn hay bất kỳ ai khác thương chúng chỉ vì thái độ của chúng, nghĩa là bạn đang dạy cho trẻ về một tình yêu có điều kiện và tình yêu ấy có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào.

    “Dán nhãn” cho trẻ cũng là một cách làm thủ tiêu tính cách của trẻ. Khi nói với con rằng: “Con khờ quá, hư quá, xấu xí quá…!” hoặc ngày nào cũng nhấn mạnh vào những cái không đẹp về ngoại hình của trẻ như mập quá, ốm quá… sẽ làm cho trẻ nghĩ rằng bản thân mình là như thế. Tính cách của trẻ sẽ phát triển theo chiều hướng “dán nhãn” của người lớn. Nhiều đứa trẻ tỏ ra tự ti với chúng bạn chỉ vì ngoại hình của mình mập quá hay ốm qua, xấu quá…

    Nếu cần nhắc nhở con về thái độ hay hành vi không tốt của chúng, các bậc cha mẹ cũng nên cân nhắc từ ngữ, đừng xúc phạm lòng tự trọng của trẻ. Khi nhận xét về ngoại hình của trẻ, cho dù con trẻ có những điểm yếu, bạn cũng đừng nên tập trung chỉ trích những điểm yếu này mà hãy tìm cách đề cao một thế mạnh nào đó của trẻ (ví dụ như “con có mái tóc, cặp mắt rất dễ thương") rồi từ từ hướng dẫn trẻ ăn uống và luyện tập để cân bằng trọng lượng cơ thể mà không làm chúng cảm thấy mình lập dị.

    Bác bỏ

    Trẻ con rất ngây thơ và dễ tin một cách hoàn toàn vào những gì người lớn nói. Nếu trẻ đang nỗ lực với việc học tập ở trường mà cha mẹ lại phán ngay rằng: “Sao con chẳng gặt hái được kết quả gì tốt cả?...” thì chỉ làm trẻ cảm thấy sự nỗ lực của mình chẳng có giá trị gì.

    Đôi khi trẻ con cũng thích đưa ra những ý kiến đóng góp với người lớn trong gia đình nhưng nếu bạn bác bỏ ý kiến của trẻ hoặc không cho chúng tham dự vào bất cứ cuộc trò chuyện nào của mình với những câu như: “Con mà biết gì!” hoặc “Không ai hỏi ý kiến con!” thì không những bạn đã xúc phạm đến lòng tự trọng của trẻ mà còn tạo cho chúng nguy cơ sẽ chẳng có được sáng kiến gì trong cuộc đời.

    Thật xa vời nếu cứ bảo cha hoặc mẹ phải dành cả ngày để đáp ứng mọi nhu cầu của con trẻ. Nhưng cha mẹ không nên thể hiện thái độ thờ ơ trước những nhu cầu của con. Khi con trẻ đưa ra một nhu cầu gì, không ít bậc cha mẹ tỏ thái độ “bác bỏ” một cách phũ phàng: “Mẹ bận ngay bây giờ, phải đi liền đây!” hoặc “Chuyện này chẳng có gì quan trọng!”… Thái độ này của cha mẹ sẽ khiến cho trẻ có cảm giác rằng chúng bị coi thường. Hãy bình tĩnh nói với con điều mà bạn cần phải làm, giải thích dịu dàng với con rằng: “Sau khi xong việc mẹ (bố) con mình sẽ cùng thảo luận chuyện này”…

    So sánh và quá kỳ vọng

    “Tại sao con không thể ngồi yên như chị con?” hay “Rồi con cũng chỉ giống như cha con thôi”… Những câu nói mang tính chất “so sánh” này thường tạo ra những tự kỷ ám thị, xa rời thực tế nơi trẻ. Mỗi người là một cá thể, vì thế có trạng thái và cách biểu hiện thái độ khác nhau. So sánh như thế sẽ làm cho trẻ trở nên mất tự tin, phủ định chính mình hoặc anh chị em mình.

    Khi làm điều gì đó cho con, không nên bất cứ lúc nào cha mẹ cũng kỳ vọng là con sẽ phải “cảm ơn” mình. Có cần thiết con bạn lúc nào cũng phải nói lời “cảm ơn” chăng? Có những bà mẹ chỉ vì mất hai giờ ủi đồ cho con mà đã thốt lên: “Mẹ làm tất cả vì con đấy, chẳng biết cảm ơn mẹ gì cả, sao con không biết nghĩ đến người khác thế nhỉ…?”. Nói như vậy tức là cha mẹ đã cho trẻ thấy chúng thiếu suy nghĩ. Khi trẻ đến tuổi biết chú ý đến người khác, chúng cũng sẽ bắt chước kiểu cách này của cha mẹ mình, dễ trở nên tự mãn khi làm được việc gì đó cho ai.

    Cha mẹ có quyền kỳ vọng vào tương lai của con cái nhưng nếu một khi bạn đặt quá nhiều kỳ vọng, có thể đứa trẻ sẽ không có cơ hội phát triển cá tính thật của chúng. Nhiều cha mẹ vẫn có thói quen bảo con rằng: “Con biết đấy, bố mẹ muốn tương lai con sẽ trở thành bác sĩ, giáo sư, luật sư…”.

    Thực tế cho thấy, nếu bạn muốn con trở thành một bác sĩ, liệu nó có khả năng không? Quan trọng hơn, nó có thích không? Biết đâu con bạn lại có năng khiếu về máy móc và thích trở thành một kỹ sư điện tử thì sao? Bắt đứa trẻ đi theo nghề mà cha mẹ chọn sẵn, chỉ làm nó cảm thấy buồn chán, thất vọng và trở nên cáu kỉnh.

    Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, cha mẹ nên tìm cách gầy dựng cho trẻ lòng tự tin. Nếu chưa gầy dựng được nhiều thì cứ tiếp tục hun đúc mỗi ngày một chút. “Lời nói chẳng mất tiền mua…”, có lẽ chẳng còn là câu nói chỉ dành riêng cho người lớn với nhau. Với con trẻ, người lớn cũng phải nên “lựa lời mà nói”, đừng vô tình vì lời nói mà tập cho trẻ những tính xấu, cũng đừng vô tình vì lời nói mà phá vỡ đi lòng tự tin của trẻ.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Hải Phạm
    Đang tải...


Chia sẻ trang này