Với Li Baofang, thời điểm đứa con gái nhỏ bắt đầu đi học là lúc chấm hết những ngày tươi đẹp mà bà dám tiêu tiền để chăm sóc bản thân. Học phí trở thành cái máy ngốn tiền không biết mệt. Cuối những năm 1980, sau nhiều thập kỷ sống tằn tiện, thì những lợi ích của sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc đã bắt đầu đến được với người nghèo. Bà kỹ thuật viên xét nghiệm ở bệnh viện này có đủ tiền để mua quần áo và giày dép. Li và chồng - làm trong một công ty quốc doanh, đôi khi còn xông xênh đến mức có thể làm một chuyến du lịch nội địa. "Chúng tôi thường đi ăn nhà hàng", bà kể lại trong lúc ngồi nghỉ sau một bài tập khí công ở công viên Bắc Kinh. Thế rồi cuộc sống đột ngột trở về tình trạng thắt lưng buộc bụng khi trước. "Kể từ lúc con bé đi học, chúng tôi thôi hết các thứ đó", bà Li thở dài. "Có đôi khi, cứ nghĩ cuộc đời là những ngày hy sinh". Giống như hàng triệu bậc cha mẹ Trung Quốc khác, vợ chồng bà Li phải vật lộn để có đủ tiền nộp học phí cho con. Mức học phí ngày càng cao cho nên dù nền kinh tế tạo ra nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, họ vẫn thấy chật vật. Bà Li đã nghỉ hưu, nên đời sống cả nhà trông vào tiền lương của ông, đang làm cho một liên doanh với Nhật. Nhưng khoản chi cho chuyện học hành của con cái ngày càng ngốn nhiều tiền. Cô con gái Xiaoyu 22 tuổi dang là sinh viên ngành piano tại Nhạc viện Bắc Kinh. Riêng học phí mỗi năm đã là 10.000 tệ (tương đương 20 triệu đồng) - gấp đôi lương tháng của ông bố. Một trong những nguyên nhân khiến gánh nặng học phí đè lên vai các phụ huynh Trung Quốc là vì ngân sách quốc gia cho giáo dục nhỏ - hiện chỉ chiếm 3,2 % GDP, thấp hơn nhiều so với các đang phát triển, thậm chí thấp hơn cả mức của một số nước như Thái Lan và Philippines. Ngân quỹ của chính phủ dành cho giáo dục đang giảm dần đều trong hai thập kỷ qua, sau nhiều chục năm nhà nước bao cấp gần như toàn bộ cho việc học tập của công dân. Các gia đình Trung Quốc giờ đây phải chi khoảng một phần ba tổng chi phí học tập, đây là con số do một nghiên cứu về chi tiêu công cộng ở Trung Quốc mà OECD tiến hành và công bố đầu năm nay. Bắc Kinh đã cam kết tăng tỷ trọng ngân sách chi cho giáo dục lên 4,5% đến năm 2010, đây là một phần trong kế hoạch dài hơi 50 năm đầy tham vọng nhằm nâng cấp hệ thống giáo dục. 'Học đi đôi với tiền' Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều người cho rằng phải giàu có thì mới có cơ hội được học tập tốt và sau này có việc làm ngon. "Các thế lực thị trường đang gây những ảnh hưởng to lớn đến cơ hội học tập", Gerard Postiglione, chuyên gia về hệ thống giáo dục Trung Quốc ở đại học Hong Kong nhận xét. Giới chức nước này dường như cũng thừa nhận rằng tình trạng bất bình đẳng sẽ tồn tại trong hệ thống giáo dục. "Hiển nhiên là không phải ai cũng có đủ tiền để có được sự giáo dục tốt nhất", một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục tên là Wang Xuming khẳng định trên tờ Beijing Review hồi đầu năm nay. "Một người giàu có thể đến cửa hiệu sang để mua một chiếc áo giá 10.00 tệ trong khi người nghèo chỉ có thể mua cái giá 100 tệ của một tay bán hàng rong", ông nói. Những gia đình giàu có đủ tiền cho con mình vào học ở những trường tốt và danh tiếng - cho dù phải hy sinh đôi chút; còn con cái của nhà nghèo chẳng có cách nào khác ngoài việc học ở những trường có chất lượng kém hơn. Tình cảnh đối với trẻ con của những lao động nhập cư đổ về thành phố còn tệ hơn. Một số trường tư dành cho các em này hoạt động được là nhờ nguồn tài trợ của các tổ chức xã hội và tư nhân. Trường học nằm lọt thỏm giữa các khu nhà có công năng khác như tiệm ăn hoặc quán karaoke. Nhiều người cho rằng hệ thống quản lý nhân khẩu của Trung Quốc góp phần gây khó cho lao động nhập cư. Một số dịch vụ và quyền lợi - trong đó có việc cho trẻ học ở trường công - chỉ dành cho cư dân địa phương ở các thành phố, chứ không dành cho người nhập cư. Các chuyên gia giáo dục cho hay cha mẹ ở những vùng nông thôn nghèo phải dành đến 25% thu nhâp tháng của họ để mua sách cho con. "Thật không công bằng", Xu Hengliang, chủ tịch trường Hui Jia - một trong những trường tư đắt đỏ nhất ở Trung Quốc và có 10.000 sinh viên theo học, nói. "Thật là không phải khi có một số người quá giàu, số khác lại quá nghèo. Đây là vấn đề mà chúng ta phải đương đầu. Các nước phương tây cũng từng phát triển quá nhanh, và họ cũng gặp những khó khăn tương tự". Trường Hui Jia bao gồm những tòa ký túc xá hiện đại, bao quanh bởi những hàng cây và thảm cỏ đắt tiền, ngoài cùng là hàng rào an ninh bằng thép cao ngạo. Cách không xa đó là trường tư Ming Yuan - một cơ sở cũ mà trường công không dùng tới, nằm lọt giữa các quán ăn và hàng karaoke, chủ yếu dành cho con của các lao động nhập cư. Học phí mỗi năm ở trường Hui Jia là 40.000 tệ (khoảng 80 triệu đồng) đối với học sinh cấp một, 70.000 tệ (140 triệu đồng) với cấp hai. Cha mẹ của những em học ở trường này thường đã từng du học nước ngoài, trở về Trung Quốc và kiếm được những công việc rất béo bở, làm quan chức cấp cao trong chính phủ hoặc doanh nhân giàu có. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ Trung Quốc phải bằng lòng đưa con vào những trường còn lâu mới sánh được với Hui Jia. "Khi chúng học tiểu học thì còn đỡ", bà Ma Kuili, một bạn tập thể dục của bà Li nhận xét. Bà Ma có con trai 18 tuổi vừa tốt nghiệp trung học và nộp đơn vào cao đẳng quân sự. "Nhưng từ trường cấp hai trở lên thì tốn kém lắm. Cứ mỗi tuần nó lại xin tôi 300 tệ (600.000 đồng). Có khi xin đến 400. Vị chi là mấy quyển sách đã hết 700 tệ rồi". Trong một xã hội coi sự học hành của con cái là khoản đầu tư dài hạn của gia đình, các trường công cũng ra sức tìm cách moi tiền của các bậc phụ huynh. Họ đưa ra mức lương hấp dẫn để mời chào giáo viên giỏi, mua thêm trang thiết bị để mở ra những cua học mới. Điều đó cũng có nghĩa là họ có thể ra giá học phí cao hơn. Nhiều trường có tiếng ở các trung tâm thành phố lớn muốn cha mẹ học sinh đóng góp tiền "ghi sổ vàng" - một hình thức nộp phí đầu vào phi chính thức. Cha mẹ đóng tiền thì con cái mới được vào học. Khoản "sổ vàng" ở một trường tiểu học hạng nhất có thể lên đến 100.000 tệ (200 triệu đồng), một số phụ huynh cho biết. "Anh phải chuẩn bị mà đưa khoản tiền đó, và nói rằng anh chẳng cần hóa đơn", Liu Fen, nhân viên tín dụng của một ngân hàng quốc doanh ở Bắc Kinh, tiết lộ sau khi con cô được nhập trường. Con trai của Liu học ở Trường số hai Bắc Kinh, một trong những trường được cho là xịn nhất thành phố này, nơi chỉ chấp nhận thí sinh vào học nếu đạt điểm thi tuyển rất cao. "Không một đứa trẻ nào ở trường này xuất thân trong gia cảnh bình thường", Liu cho biết. "Anh phải có quan hệ hoặc là tiền". "Nếu định cho con học trường phọt phẹt nào đó thì chẳng nói làm gì, nhưng ai mà muốn thế? Ai chẳng muốn cho con mình học trường tốt nhất". T. Huyền (theo IHT) Nguồn: vnexpress