Hà Nội: [chia Sẻ] Kiến Thức Về Kiến Trúc Bình Phong Trong Nhà Vườn Huế Truyền Thống

Thảo luận trong 'Nhà đất' bởi banhmysaigon, 30/10/2018.

  1. banhmysaigon

    banhmysaigon Thành viên mới

    Tham gia:
    21/8/2015
    Bài viết:
    49
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    8
    Khi nói tới bình phong chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến các tấm tranh giấy, gỗ ghép lại với nhau để ngăn phòng và trang trí, ít ai biết rằng từ thời xa xưa ở nước ta có 1 loại bình phong đã đi vào nét văn hóa truyền thống ở xứ Huế. Dưới đây là đôi nét về kiến trúc Bình Phong truyền thống Huế mà mình tham khảo được chia sẻ để mọi người cùng biết.

    Bài viết được viết trên Tạp Chí Kiến Trúc .com.vn với tựa đề: "Kiến trúc Bình Phong trong nhà vườn truyền thống Huế"
    [​IMG]
    Bình phong của nhà số 38 Nguyễn Phúc Nguyên – Kim Long – TP Huế


    Ở Việt Nam, có lẽ Huế là nơi vẫn còn giữ được nhiều kiểu Bình phong nhất. Cho đến nay, Bình phong vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều ngôi nhà vườn truyền thống Huế (NVTTH). Bình phong là hiện thân của kiến trúc mang đậm tính dân gian, là yếu tố không thể tách rời với ngôi nhà chính và cũng là thành viên thân thiết, gần gũi với nhiều thế hệ chủ nhân trong những NVTTH.

    Trải qua thời gian, hòa cùng nhịp sống hiện đại, những bức Bình phong đã có nhiều biến đổi về hình dáng, vật liệu cũng như về kích thước, màu sắc so với nguyên bản của nó. Việc nghiên cứu hệ thống Bình phong sẽ góp phần giải mã nhiều vấn đề thú vị của phong thủy được áp dụng trong kiến trúc truyền thống, nhất là trong kiến trúc cung đình Huế. Hơn thế nữa, để tiến tới phục hồi các giá trị của nhà vườn truyền thống Huế thì chúng ta không chỉ quan tâm tới các yếu tố kiến trúc và cảnh quan, mà các yếu tố phụ trợ cũng hết sức quan trọng. Việc nghiên cứu, bảo tồn hệ thống Bình phong sẽ góp phần quan trọng trong việc trả lại cho các NVTTH đúng diện mạo vốn có của nó.

    Tổng quan về Bình phong

    Bình phong có thể chia làm ba phần chính như sau:

    • Phần đế: Thông thường phần đế cao bằng Bể cạn đặt ở trước Bình phong, tuy nhiên một số nhà Bình phong không có Bể cạn thì phần đế có thể thấp hơn, một vài Bình phong có phần đế là khối chữ nhật đơn giản, một số khác thì có thêm hình vân mây, sóng nước.
    • Phần thân: Có hai cánh đối xứng nhau, thường ghi câu đối, hình vẽ tứ quý, bát quả, bát bửu…. Ở giữa phần thân thường ghi chữ Thọ, chữ Phước hoặc hình vẽ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng)
    • Phần đỉnh (có thể có hoặc không): Các Bình phong dạng cuốn thư thường không có phần này. Bình phong ở các phủ đệ thường có phần đỉnh, họa tiết mặt Nhật và Long Phụng.
    [​IMG][​IMG]

    Các nhóm chi tiết hoa văn thường xuất hiện trên Bình phong

    [​IMG][​IMG]
    Thống kê hình dạng Bình phong và một số dạng Bình phong trong Nhà vườn truyền thống Huế

    Đặc điểm kiến trúc
    • Hoa văn: các chi tiết hoa văn xuất hiện trên các Bình phong có thể chia làm ba nhóm sau: nhóm chữ viết, nhóm con vật và nhóm họa tiết trang trí (hình 2). Nhìn chung, chữ Thọ được sử dụng trang trí nhiều nhất, tiếp đến là chữ Phước. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, các Bình phong không dùng để cầu lộc, tiền tài mà chỉ cầu sự may mắn, trường tồn, đó là lý do tại sao không thấy chữ Lộc ở bất cứ Bình phong nào.
    Các họa tiết Rồng, Phụng, Kỳ Lân, hoa Sen, mặt Nhật, Bát quả, Bát bửu ít được sử dụng ở các Bình phong nhà dân, chủ yếu được trang trí ở các Bình phong của các phủ đệ, nhà quan lại có liên quan tới hoàng gia. Ngoài ra, họa tiết trang trí kỷ hà, bộ tứ quý cũng xuất hiện nhiều bởi nó mang nhiều ý nghĩa cầu chúc may mắn, thể hiện ước vọng của gia chủ. Hoa lá, cuộn mây được sử dụng hầu hết trên các Bình phong. Chi tiết trang trí này làm tăng thêm nét mềm mại, đặc sắc cho bức Bình phong vốn mang ý nghĩa che chắn khô cứng.

    • Vật liệu: Nhìn chung, vật liệu phổ biến nhất là gạch đá. Tuy nhiên, Bình phong làm bằng bụi Chè tàu, Tre, Trúc vẫn có thể thấy ở một số ngôi nhà vườn.
    • Hình dáng: Qua khảo sát 50 ngôi nhà vườn truyền thống, hình dạng hay gặp nhất của Bình phong là có dạng cuốn thư (78%). Ngoài ra, có những dạng Bình phong khác như Bình phong có mái, Bình phong Chè tàu, và dạng khác.
    • Tỷ lệ: Hình 5 quy ước những kích thước cơ bản của Bình phong như chiều rộng cánh (a), chiều rộng phần giữa (b), chiều cao (B) và chiều dài (L). Qua khảo sát phân tích 50 Bình phong, kích thước các thành phần Bình phong có tính tương quan với nhau (hình 6). Ví dụ chiều dài Bình phong (L) thường xấp xỉ 1,73 chiều cao của Bình phong (B); chiều dài (L) xấp xỉ 1,41 chiều cao không tính phần đế (H); và kích thước phần thân (b) thường gấp đôi kích thước phần cánh (a).
    [​IMG]
    Quy ước kích thước các thành phần của Bình phong
    Ngoài những ngôi nhà vườn truyền thống Huế, Bình phong còn được sử dụng trong nhiều công trình kiến trúc khác như trường học, đình chùa, am miếu, các ngôi nhà cấp 4 và nhà kiểu Pháp. Điều này chứng tỏ rằng, Bình phong đã đi vào tâm thức và một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân xứ Huế. Qua khảo sát những nhà dân thường, phần lớn các chủ nhân cho rằng: Việc đặt Bình phòng trước nhà chủ yếu liên quan đến tâm linh và phong thủy. Những Bình phong đó sẽ giúp gia đình tránh được tà ma, khí độc đi vào nhà. Như vậy, các Bình phong tuy kích thước, hình dáng và họa tiết khác nhau nhưng được sử dụng với mục đích tương tự, thể hiện nét văn hóa riêng độc đáo của người dân Cố Đô.

    [​IMG][​IMG]

    [​IMG]
    Tương quan tỷ lệ các thành phần của Bình phong

    Định hướng bảo tồn và cải tạo Bình phong trong nhà vườn truyền thống Huế
    Bình phong mặc dù còn tồn tại ở khá nhiều NVTTH nhưng số lượng càng ngày càng giảm là điều có thể thấy rõ. Bên cạnh đó, nhiều Bình phong được xây dựng, cải tạo lại nhưng hình dáng kiến trúc, tỷ lệ, cũng như màu sắc không hài hòa với tổng thể kiến trúc ngôi nhà. Điều đó làm giảm đi đáng kể giá trị, vai trò của Bình phong. Sau đây là một số định hướng trong bảo tồn và cải tạo Bình phòng trong NVTTH:

    • Khảo sát sơ bộ, xác định tuổi của Bình phong, lịch sử ngôi nhà và chủ nhân trước đây, vật liệu xây dựng và kiểu dáng nguyên trạng để nghiên cứu lựa chọn hướng bảo tồn hay xây dựng cải tạo lại cho phù hợp.
    • Phân tích và tìm mối liên hệ giữa Bình phong và ngôi nhà, như: Tỷ lệ, kích thước. Từ địa vị của chủ nhân trước đây mà có thể xác định các chi tiết trang trí cùa Bình phong.
    • Liên kết với các Ban, Ngành có liên quan, có nghiên cứu tới Bình phong, NVTTH để có được cái nhìn tổng quan đầy đủ về Bình phong đó. Đồng thời thu thập ý kiến về hướng bảo tồn, xây dựng cải tạo từ những người có chuyên môn quản lý để không ảnh hưởng tới ngôi nhà.
    • Sau khi đã được sự đồng ý của chủ nhà và các nhà quản lý, lập bản vẽ chi tiết, lập dự toán để cải tạo hay xây dựng mới lại. Các chi tiết trang trí phải dựa theo nguyên trạng, nếu có thay đổi cũng phải được sự đồng ý của các nhà chuyên môn. Vật liệu xây dựng tùy theo điều kiện hiện tại để có được Bình phong gần với nguyên mẫu nhất. Màu sắc có thể thay đổi nhưng vẫn phải theo tổng thể để phù hợp với ngôi nhà, tránh quá tham lam trong màu làm mất đi nét cổ kính vốn có của công trình.
    • Sau khi cải tạo hay xây dựng cũng cần có kế hoạch bảo tồn Bình phong và ngôi nhà để làm tăng thêm giá trị của Huế – một thành phố vườn.
    [​IMG]
    Bình phong ở trường chuyên Quốc Học Huế

    Thay lời kết

    Bình phong tuy là yếu tố nhỏ trong tổng thể kiến trúc NVTTH, nhưng lại rất quan trọng, thể hiện được kỹ thuật xây dựng và đời sống tinh thần phong phú trong tâm thức của người dân Huế xưa. Bảo tồn và phát triển yếu tố Bình phong cũng chính là giữ gìn và nâng cao giá trị của kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, nhiều Bình phong đang dần bị phá hủy, trong khi việc xây mới thường tự phát dẫn đến hình thức kiến trúc trở nên méo mó kệch cỡm. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu này góp phần cung cấp nguồn tài liệu thiết thực, góp phần sửa chữa, xây dựng và cải tạo lại Bình phong theo đúng diện mạo vốn có của nó, nhằm giữ vững những giá trị cốt lõi, làm nên linh hồn của NVTTH.

    Hy vọng nó là thông tin hữu ích cho những ai có sở thích và hướng tới nét văn hóa truyền thống này trong căn nhà riêng của mình.
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi banhmysaigon
    Đang tải...


Chia sẻ trang này