- Đã cận kề ngày xử lý cương quyết việc cấm buôn bán, để xe trên vỉa hè, lòng đường và cấm bán hàng trên hơn 60 tuyến phố. Nhưng chính quyền nhiều phường, quận tại Hà Nội đang đau đầu với bài toán quy hoạch, sắp xếp cho những người bị ảnh hưởng mọt nơi “sống” mới để họ yên tâm và không “thách thức” chính quyền… “cứ phạt”! Cấm “triệt” hay cấp phép có điều kiện?! Các Quyết định 20, Quyết định 2053 và Quyết định 2064 về cấm buôn bán trên vỉa hè, cấm để xe trên vỉa hè, lòng đường và cấm bán hàng rong đã nêu rõ phạm vi các tuyến phố áp dụng, cũng như một lộ trình thời gian thực hiện rất chi tiết, đi kèm đó là chế tài xử phạt rõ ràng và trách nhiệm cụ thể của từng cấp chính quyền. Lập lại kỉ cương văn minh đô thị của Thủ đô là chủ trương đúng đắn, nhưng làm sao để sắp xếp cho dân một nới kiếm sống, khôn gtriệt đường cơm áo của dân vẫn còn phải cân nhắc! (Ảnh: H.Lê) Rõ ràng, đây là một quyết tâm, chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm lập lại kỷ cương đô thị Thủ đô và có thể coi là một tiền đề trong tiến trình xây dựng bộ mặt đô thị của Hà Nội. Song, càng cận kề ngày thực hiện, khi chính quyền cơ sở “chiếu” quyết định này vào từng tuyến phố thì không ít điều bất cập nảy sinh. Ông Bùi Văn Đại, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa chia sẻ, trước nay, đối với các tuyến phố có vỉa hè rộng trên 3m quận vẫn cấp phép cho các hộ kinh doanh trên vỉa hè với điều kiện để lại 1m cho người đi bộ. Những phố này, các cơ quan, cửa hàng vẫn được phép để xe không quá 2m chiều rộng. Vậy, nếu hiểu quy định mới là cấm “triệt”, thì dân sẽ vô cùng khốn khó! Trước thực tế này, theo Phó Chủ tịch quận Ba Đình Bùi Văn Thông, quận sẽ chủ động phân loại từng tuyến phố chứ không thể cấm triệt. Theo Phó Chủ tịch quận Ba Đình, ông Bùi Văn Thông, không thể cấm triệt và nen cấp phép với các điều kiện cụ thể! (Ảnh: H.Lê)Ông Thông ví dụ, phố Vạn Bảo ngay gần UBND quận Ba Đình là một phố “kiểu mẫu” bởi có vỉa hè thông thoáng từ 3-5mét. Tại đây, hoạt động kinh doanh trên vỉa hè sầm uất nhưng diễn ra trong trật tự và chưa bao giờ gây ùn tắc. Vì thế, không lý do gì mà áp dụng “cấm triệt” trên con phố này. Cấm triệt sẽ gây lãng phí lớn và dồn người dân vào đường cùng. Theo ông Thông, cái yếu xưa nay là chính quyền không “lưu tâm” quản lý sau cấp phép dẫn đến tình trạng biến tướng, lấn chiếm vỉa hè lòng đường và việc cấp phép quá dễ dàng mà không chú ý tới điều kiện. Cho nên, điều cần thiết trong thực hiện các quyết định này không phải là cấm triệt mà cần quy định rõ điều kiện được cấp phép kinh doanh hay để xe trên vỉa hè. Theo đó, quận sẽ giao cho các phường và lực lượng chức năng soạn thảo các điều kiện để được cấp phép. Các hộ muốn kinh doanh trên vỉa hè (vỉa hè rộng trên 3m) phải chứng minh được có chỗ để xe; diện tích kinh doanh được khống chế để còn phần cho người đi bộ… Hay các hộ muốn để xe trên vỉa hè phải đảm bảo có chỗ kinh doanh ổn định (nhà hoặc cửa hàng)… Những điều kiện này sẽ được phường thẩm tra, cấp phép và giao cho lực lượng chức năng (có thể là cảnh sát khu vực, phó chủ tịch hay cán bộ mảng đô thị) quản lí. Từ đó, “nắm đầu” người chịu trách nhiệm chính như phân cấp trách nhiệm và công việc cụ thể trong các quyết định hướng dẫn thực hiện của thành phố. Một điều khiến nhiều phường băn khoăn nữa, chiếu theo quyết định này thì những phố không có tên trong danh mục các tuyến phố cấm sẽ được người dân hiểu là “được phép kinh doanh hay để xe”?! Nỗi lo này không phải là vô cớ. Bởi, nói như Chủ tịch phường Phương Mai (quận Đống Đa), thời kỳ xây dựng tuyến phố văn minh đô thị cách nay 4, 5 năm, không riêng gì phường ông quản lý mà nhiều phường khác cũng đã rất “trường kì” mới xây dựng được đôi ba tuyến phố cấm để xe, cấm bán hàng rong. Tuy nhiên, có nhiều tuyến phố được duyệt trong quyết định lại “chệch” với các phố này. Bởi thế, nếu không giải thích cho dân rõ thì dân có thể “vịn” vào danh mục các tuyến phố cấm lần này để làm phép “loại trừ”, khi đó, công sức gìn giữ tuyến phố văn minh bấy lâu có thể đổ sông đổ bể… Khó quy hoạch; phạt chưa chắc đã xuể! Tại Hội nghị liên ngành Giao thông vận tải và Công an thành phố mới đây về thực hiện các quyết định này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo việc lập quy hoạch giao thông tĩnh (bãi để xe, xây dựng thêm chợ…) là vấn đề cấp thiết để tái bố trí chỗ để xe, nơi buôn bán cho nhân dân. Vấn đề này, khi trả lời báo chí tại buổi giao ban của Thành ủy đầu tháng 6 vừa qua, ông Phạm Hữu Nam, Trưởng Phòng Quản lý giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết đã giao cho các quận chủ động lập kế hoạch và cấp phép bãi đổ xe để giải tỏa lượng xe trên các tuyến phố cấm. Không dễ gì để tái bố trí được một bãi để xe cho vài trăm xe máy như thế này, nhất là tại khu trung tâm hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: H.Lê) Vậy nhưng, khi tiếp xúc với các quận để tìm hiểu vấn đề này, câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ các phòng xây dựng đô thị quận gần như là một: “quá khó”! Hiện tại, quận Đống Đa có 16 bãi trông giữ xe máy được cấp phép. Nếu hiểu “cấm triệt” theo danh mục các tuyến phố cấm để xe thì con số 16 bãi này sẽ giảm chừng một nửa vì những bãi này đang nằm trên các tuyến cấm nói trên. Trong khi Phòng Xây dựng đô thị quận sau nửa tháng loay hoay mới “nhắm” được duy nhất 1 chỗ gần phố Phạm Ngọc Thạch. Tương tự, việc bố trí thêm bãi để xe tại quận Hoàn Kiếm, nhất là các con phố sầm uất quanh Hồ Gươm như Tràng Tiền, Hàng Khay, Lương Văn Can đã đến mức… giới hạn, bởi thực tế, trước đây, các bãi để xe quanh khu vực này đã luôn trong tình trạng quá tải. Đại diện quận này cho hay, nếu không bố trí kịp bãi để xe cho dân buôn bán, dân “làm liều” thì cũng chưa chắc quận đủ lực lượng mà phạt! Như trước đây, Hoàn Kiếm có chưa đến chục tuyến phố văn minh đô thị nhưng lực lượng trật tự viên đã “oải”. Nay thêm 16 tuyến phố, không biết lực lượng đâu ra để tuần tra xử phạt 24/24?! Dù cho, chế độ chính sách đã tăng từ 20.000 lên 35.000đ/người/ngày, và mỗi năm quận đã chi khoảng 1 tỉ để nuôi quân song số lực lượng này đang giảm vì họ không mặn mà! Cho nên, quận này cũng kiến nghị thành phố và ngành công an tăng cường “cho mượn” lực lượng cơ động vì lực lượng này đông song công việc đang khá nhàn! Để “giải” bài toán chờ quy hoạch và thiếu lực lượng xử phạt, theo Phó Chủ tịch quận Ba Đình Bùi Văn Thông, phải làm từ từ và vừa cấm, vừa tuyên truyền và hướng dẫn cho dân làm thủ tục xin cấp phép ở những phố có thể linh động. Khi đó, sẽ giao cho cảnh sát khu vực giám sát và chịu trách nhiệm chứ không thể căng lực lượng trật tự viên ra hòng lăm lăm xử phạt 24/24h được! Trưởng Phòng Quản lý giao thông đô thị Sở GTVT cũng nói rằng, lệnh cấm lần này không nói rõ giới hạn khung giờ, nên có thể “suy luận” là thực hiện 24/24 h mỗi ngày. Vì vậy, chắc chắn vừa thực hiện, các cấp tham mưu cho thành phố sẽ vừa tính, vừa rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa khó khăn cho người dân và cả những băn khoăn từ phía chính quyền cơ sở.