Xin chào bác sĩ, Tôi năm nay 28 tuổi, hiện tôi vừa mới sinh con đầu lòng. Tôi sinh cháu ở bệnh viện, khi về nhà được khoảng một tuần nay tôi thấy đầu cháu bị nghiêng sang một bên khi nằm và bế. Tình trạng này kéo dài cả tuần trời mặc dù tôi liên tực chỉnh lại cổ cho con mỗi khi cháu nằm nhưng đều không được. Hiện tôi đang rất lo lắng không biết có phải cháu bị tật gì hay bị bệnh gì. Vậy xin bác sĩ tư vấn và cho tôi lời khuyên. Xin cảm ơn bác sĩ! Chào bạn! Chứng vẹo cổ thường gặp ở rất nhiều trẻ sơ sinh. Thông thường, vấn đề này ít được các phụ huynh quan tâm vì nghĩ có thể đây là do bé có thói quen nằm nghiêng. Do đó, các phụ huynh thường chỉ điều chỉnh tạm thời cho bé. Chứng vẹ cổ ở trẻ sơ sinh tùy nguyên nhân, mức độ mà có thể nguy hiểm hoặc không nguy hiểm. Hiện nay đang có tình trạng trẻ đến khám và điều trị chứng vẹo cổ nhưng tình trạng bệnh đã chuyển biến khá nặng đến mức có thể thành dị tật. Các bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra, phát hiện và điều trị sớm chứng vẹo cổ cho bé để trẻ không mang tật suốt đời. Nguyên nhân của chứng vẹo cổ ở trẻ sơ sinh có thể do các nguyên nhân sau, bạn có thể tìm hiểu và xem tình trạng của con mình ứng với trường hợp nào để có thể nhận biết và xác định chính xác. - Chứng vẹo cổ ở trẻ sơ sinh là do u xơ cơ ức đòn chũm. Đây là nguyên nhân gây vẹo cổ phổ biến hiện nay ở trẻ sơ sinh. Trong 2 tuần đầu tiên sau sinh, phụ huynh đã có thể phát hiện bệnh nếu quan sát thấy đầu cháu bé nghiêng xuống một bên vai trong khi cằm lại quay về hướng khác. Rõ hơn, phụ huynh sờ thấy một bên cạnh cổ gồ lên hình dạng một bướu căng cứng hơn bình thường. Y học chưa tìm được nguyên nhân của căn bệnh này song theo các nghiên cứu, trẻ sinh ngược thường mắc bệnh. Cách điều trị vẹo cổ do u xơ cơ trong giai đọan sớm là vật lý trị liệu kéo giãn cơ ức đòn chũm bằng cách xoay nghiêng cổ về bên đối diện một cách nhẹ nhàng để tạo sự cân bằng cho cổ. Cần tập cho trẻ từ 3 đến 4 lần một ngày, mỗi lần 5 đến 10 phút. Điều lưu ý là cần điều trị ngay khi mới phát hiện các biểu hiện không bình thường của cơ ức đòn chũm thì kết quả đạt được mới khả quan. Bệnh có thể khỏi nếu kiên trì điều trị. Thời gian vàng của điều trị thường là tháng đầu sau sinh, sau 3 tháng khả năng khỏi bằng vật lý trị liệu giảm đi rất nhiều. Đối với những trường hợp mà tập vật lí trị liệu không cho kết quả hoặc bé đã có vẹo cổ nặng thì có chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ cắt ngang qua u cơ để giải phóng vùng cơ bị xơ hóa, giúp cho biên độ họat động của cơ nhiều hơn, bé sẽ xoay trở đầu dễ dàng hơn; sau phẫu thuật có thể bé phải mang nẹp cổ thêm một tháng nhằm đạt hiệu quả tối đa. Tuy nhiên có những trường hợp phẫu thuật cũng không đem lại kết quả nhiều nếu vẹo cổ nặng; do đó vấn đề phát hiện sớm là rất quan trọng. - Nguyên nhân chứng vẹo cổ ở trẻ có thể do một chấn thương, té ngã hoặc do ảnh hưởng tư thế nằm của các cháu khi ngủ. Ngoài ra, ở những trẻ mắt bị lác, bị viêm họng cũng là nguyên nhân dẫn đến bị vẹo cổ. Chứng vẹo cổ vì các nguyên nhân này thường không cần phải chữa trị vì sẽ hết sau một vài ngày, tuy nhiên nếu kéo dài, cũng cần tới bác sĩ để xét nghiệm tìm những nguyên nhân có liên quan tới hệ thần kinh hoặc bệnh thấp khớp. Với những thông tin như trên, bạn nên tìm hiểu kỹ xem con mình nằm trong trường hợp nào. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên đưa cháu đến bệnh viện để các bác sĩ khám và chẩn đoán sớm, không nên để lâu vì nếu rơi vào trường hợp cần phải chữa trị ngay mà không được phát hiện sẽ dễ dẫn đến việc trẻ bị mang tật. Nguồn: khoedep360