Cô gái mù trở thành giáo viên giỏi

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Ngoc Lan, 19/10/2007.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Cô gái mù trở thành giáo viên giỏi

    [​IMG]
    Cô Nga đang soạn giáo án bằng chữ nổi. Ảnh: CAND

    Gần 30 năm với đôi mắt mù lòa, nhưng cô Nga đã trở thành một cô giáo giỏi, dạy chữ nổi ở Hội người mù Quảng Trị.
    > Một học sinh khiếm thị vào đại học

    Nguyễn Thị Nga sinh ra và lớn lên ở vùng Cùa, Quảng Trị, nơi từng là chiến khu xưa trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nhà Nga làm nông, đông anh em vất vả lắm mới đủ cái ăn, cái mặc.

    Một ngày giữa tháng 5/1978, khi ấy em vừa tròn 12 tuổi, vào bếp nhóm lửa, chưa kịp bắc nồi cơm lên bếp, bỗng một tiếng nổ vang rền, một quả đạn giấu mặt dưới nền đất trong bếp lửa đã bắn tung những mảnh đạn vào khắp cơ thể em, nghiệt ngã nhất là hai mảnh đạn đã găm sâu vào hai con mắt.

    Rời khỏi bệnh viện về nhà, những ngày đầu cô bé Nga vừa hoảng sợ vừa cô đơn, buồn tủi, luôn nép mình trong vòng tay của mẹ vì quanh mình là màn đêm tối mịt mù, không còn vui chơi, không còn sinh hoạt bình thường như những ngày tháng cũ cùng bè bạn.

    Với quyết tâm vượt lên tật nguyền, những ngày đầu khi cả nhà vào nương rẫy, một mình Nga ở nhà lặng lẽ dò dẫm tập đi lại, xác định từng vị trí trong nhà, trong vườn từ nhà bếp, chuồng lợn đến sân phơi, giếng nước.

    Khi đã nhận biết được đâu là đường xuống bếp, đâu là bếp lửa nấu cơm, nơi giặt giũ áo quần, một buổi chiều, Nga đã gây bất ngờ cho cả nhà và hàng xóm vì nấu được một nồi cơm. Vậy là mình có ích, mình sống có ý nghĩa, cảm xúc ấy chực trào ra nước mắt. Để giúp gia đình cải thiện đời sống, Nga làm thêm nghề nấu rượu, cứ vài ngày cho ra một nồi rượu, vừa bán rượu cho xóm làng, vừa lấy bã rượu nuôi heo.

    Tiếng tăm cô bé "tàn mà không phế" đồn xa. Năm 1997, Nga được Hội Người mù Quảng Trị tạo điều kiện cho đi học lớp chữ nổi dành cho người mù tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam tại Hà Nội.

    Khi nhập học, lẽ ra Nga phải học lớp C (lớp cơ bản đầu tiên), nhưng bằng nỗ lực, Nga đã được các thày, cô ở Trung tâm cho lên học lớp A. Mặc dù chương trình phức tạp nhưng Nga vẫn vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành chương trình học tập, đạt kết quả loại giỏi.

    Đầu năm 1998, Nga về lại quê hương trở thành cô giáo mù dạy xóa mù cho hàng trăm người cùng cảnh ngộ. Tại lớp học, cuộc đời Nga đã đổi thay, tình yêu đôi lứa của Nga chớm nở với anh Phan Văn Đồng, người cùng lớp học, thương binh 1/4 (mù mắt), Chủ tịch Hội Người mù huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và rồi đám cưới được tổ chức. Hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với hai con người đã trải qua bất hạnh, khổ đau.

    Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, cô giáo Nga tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đã trở thành giáo viên dạy giỏi của Hội Người mù Quảng Trị. Hơn 5 năm nay, Nga đã đến rồi đi khắp nơi trong tỉnh để dạy chữ nổi cho người mù, ở đâu cần là Nga đến.

    Có năm khi đến dạy chữ nổi cho người mù ở huyện Cam Lộ, Nga vừa dạy vừa học nghề làm chổi đót cùng Hội Người mù ở đó để kiếm thêm thu nhập. Tại đây, trí thông minh và lòng kiên nhẫn của cô đã khiến nhiều người khâm phục. Hội đã giao cho Nga nhiệm vụ cứ sáng sớm mang chổi ra chợ Phiên gần đó bán. Tuy nhiên, công việc chưa được bao lâu, Nga đã được điều đi dạy nơi khác.

    Bây giờ, hai mẹ con cô giáo Nga, con gái Nga đã 7 tuổi về lại Hội Người mù Quảng Trị ở thị xã Đông Hà để tiếp tục công việc dạy chữ nổi cho người cùng cảnh ngộ. Nga tâm sự: "Dù vợ chồng mỗi người một nơi, nhưng giờ đây công việc của em đã ổn định, em cố gắng sẽ dạy thật giỏi để khỏi phụ lòng mọi người đã quan tâm giúp đỡ từ những ngày đầu gian khổ".

    (Theo Công An Nhân Dân)
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


Chia sẻ trang này