Các vấn đề thường gặp về da ở trẻ sơ sinh gồm: mụn thịt, bớt máu, bớt xanh, hăm tã, vàng da sinh lý và cứt trâu. Chúng đều gây lo lắng cho những người phụ nữ lần đầu làm mẹ mặc dù trên thực tế không có gì đáng lo ngại. Mụn thịt Nửa số trẻ sơ sinh sở hữu những chiếc mụn nhỏ này. Chúng có màu trắng, cứng như ngọc trai và bằng một nốt tàn nhang nhỏ. Mụn thịt thường xuất hiện rải rác trên khuôn mặt, chủ yếu là vùng má, mũi, xung quanh mắt, có thể lan rộng hơn trên da đầu và trên khắp cơ thể. Cha mẹ đừng nên vì quá lo lắng mà đưa con đi điều trị nhé bởi đây chỉ là một đạng u nang biểu bì lành tính do protein dưới da chưa chuyển hóa hết. Mụn thịt này sẽ tự biến mất trong vài tuần đến vài tháng thôi. Bớt máu Thực chất đây chỉ là một vết bớt nhỏ màu hồng nhạt mà thôi. 40% trẻ sơ sinh có những vết bớt này trên gáy, trán, mí mắt hoặc xung quanh vùng mũi. Những vết bớt này xuất hiện do sự giãn mao mạch và có thể đậm màu hơn mỗi khi con khóc.Những vết bớt này cũng vô hại với trẻ và nó sẽ giảm dần và biến mất dần trong những năm đầu đời của con ngoại trừ những bé có vết bớt này trên gáy. Bớt xanh Đây là một loại bớt có màu nâu hoặc xanh đen thường xuất hiện trên mông, lưng hoặc vai và thường có kích thước lớn hơn so với bớt máu. Phần lớn những vết bớt này sẽ mờ đi khi con lớn dần. Chỉ có điều chúng sẽ gây chút rắc rối vì có thể bị nhầm lẫn với vết bầm của việc ngược đãi trẻ em. Mụn sữa Mụn sữa thường xuất hiện trong những tuần đầu tiên sau khi bé chào đời. Nó là những chiếc mụn nhỏ, đỏ ửng hoặc có thể là những mụn đầu trắng nhỏ trên mũi, trán và má. Nó khá giống với mụn trứng cá xuất hiện ở tuổi dậy thì chỉ có điều nó nhỏ hơn và không có mụn đầu đen. Cũng giống như mụn trứng cá, nguyên nhân gây ra mụn sữa vẫn chưa được giải đáp rõ ràng. Một số chuyên gia cho rằng các hormone bé nhận được từ mẹ trong những tháng cuối thai kỳ là nguyên nhân gây ra mụn sữa ở trẻ. Mặc dù vậy, đây chỉ là những phỏng đoán mà chưa có bất cứ một nghiên cứu thực sự nào. Mặc dù mụn sữa vô hại nhưng cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu để có thể yên tâm hơn về tình trạng của con. Vàng da sinh lý Khoảng 50% trẻ sơ sinh bị vàng da trong khoảng 48 -72 giờ sau sinh. Hiện tượng này là do số lượng hồng cầu ở trẻ sơ sinh lớn và bị phá vỡ nhanh hơn để thay thế bằng loại hồng cầu mới để bảo đảm chức năng sinh lý cho cơ thể. Trong khi đó gan trẻ chưa phát triển hết cùng với sự thiếu hụt một số loại men và protein tham gia trong quá trình gắn kết, chuyển hóa và bài tiết bilirubin. Dù là vì lý do gì thì vàng da sinh lý cũng không phải vấn đề gây nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Ngoại trừ những bé bị vàng da nặng thì cần phải điều trị vài ngày tại bệnh viện còn không thì hiện tượng này sẽ mờ dần trong vài tuần sau đó. Hăm tã Có đến 15% trẻ sơ sinh bị hăm tã. Viêm da do hăm tã do sự tiếp xúc thường xuyên với nước tiểu và phân. Axit có trong phân cũng như độ pH có trong nước tiểu cộng với tần suất đi ngoài của trẻ đã tạo điều kiện cho những nốt hay vùng đỏ xuất hiện và gây khó chịu cho da bé. Các biện pháp đơn giản để ngăn ngừa hăm tã là nên thay tã thường xuyên và ngay sau khi bé làm bẩn. Mẹ cũng nên tránh các chất tẩy rửa hoặc các hóa chất vì nó có thể làm tổn thương da bé, nên sử dụng các loại thuốc mỡ để tạo ra một lớp bảo vệ da đối với chất thải của con. “Cứt trâu” “Cứt trâu” là cách gọi dân gian của một loại viêm da rất phổ biến trong những tháng đầu tiên của con. Đó là hiện tượng bong tróc những mảng bã nhờn khô thường tích tụ nơi da đầu đôi khi nó cũng lan đến lông mày và cả khuôn mặt. Bạn có thể sử dụng một loại dầu gội chống gàu dành cho trẻ, pha loãng và gội cho bé hai lần một tuần. Đơn giản hơn, có thể xoa một ít dầu xoa bóp dành cho trẻ vào phần da dầu có cứt trâu, những mảng bám này sẽ tự bong ra. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn thì có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương án thích hợp cho con. Mặc dù hầu hết những nốt đỏ trên da trẻ sơ sinh đều không gây nguy hiểm cho con, nhưng một khi con cảm thấy ngứa ngáy khó chịu thậm chí có thể bị sốt vì những nốt đỏ đó thì việc bạn cần làm là đưa con đi khám bác sĩ ngay nhé. Nguồn: mecon.vn
Ðề: Cứt trâu, hăm tã và các vấn đề về da thường gặp ở bé sơ sinh cháu nhà mình đang bị như vậy, giờ mình áp dụng thử xem, đang lo lắng lắm