Dạy con... 'giữ đồ'

Thảo luận trong 'Các vấn đề giáo dục khác' bởi Kún iu, 13/2/2015.

  1. Kún iu

    Kún iu Thành viên kỳ cựu

    Tham gia:
    19/3/2011
    Bài viết:
    7,082
    Đã được thích:
    1,531
    Điểm thành tích:
    863
    Mua cho con một em búp bê đắt tiền, mới quay qua quay lại đã thấy con… vặt gãy tay chân búp bê ra rồi bỏ đó. Con đi học, bạn sắm sửa dụng cụ học tập đầy đủ cả, nhưng chỉ cần vài bữa là con về báo… mất!!! Làm thế nào để dạy con biết nâng niu, giữ gìn đồ vật nhưng không biến trẻ trở thành ích kỷ, chỉ biết khư khư 'giữ của'?

    Dạy trẻ chỉ riêng việc này đã là không dễ! Một số 'mẹo' nhỏ sau đây sẽ hữu ích cho bạn.

    1. Dạy con từ… 3 tuổi!

    Nhiều bậc phụ huynh quan niệm: Trẻ nhỏ thì biết gì, chúng háo hức khám phá món đồ chơi nên mới tháo tung ra hoặc bẻ tay bẻ chân búp bê xem “khác biệt” thế nào. Tuy nhiên, lời “bào chữa” này của bạn chỉ đúng với trường hợp bé dưới 3 tuổi mà thôi. Từ 3 tuổi trở đi, việc giữ gìn, nâng niu đồ đạc đã cần được dạy một cách nghiêm túc. Bé đã đủ lớn để hiểu được những điều bạn nói và hình thành những thói quen giữ gìn đồ đạc từ lúc này. Nếu để quá muộn, tới lúc bé quen tật cứ chơi xong là quăng tứ tung, không bao giờ biết quý trọng một món đồ vật của mình mới sửa bé là khá khó!

    Giáo dục trẻ tính gọn gàng và thái độ nâng niu giữ gìn những đồ vật trong gia đình là việc cần làm từ khi trẻ lên 3 tuổi. Chỉ cần uốn nắn và chỉ bảo bé đôi chút thôi cũng giúp bé hiểu hơn và ý thức hơn về việc này.

    2. Tập chơi xong biết dọn

    Đây là bài học đầu tiên, đơn giản nhất để bé biết nâng niu, giữ gìn đồ đạc. Tuy nhiên, lưu ý là không nên bỏ mặc bé dọn một mình, vì ở tuổi lên 3, con bạn chưa biết bắt đầu từ chỗ nào đâu. Hãy mua cho bé những thùng, rổ, kệ với màu sắc khác nhau, được dán nhãn khác nhau. Tập cho con từng việc thật đơn giản như: “Mẹ con mình cùng nhặt hết những quả bóng cho vào thùng này nhé!”. Hướng dẫn con cặn kẽ, khen ngợi, khuyến khích khi bé làm tốt. Ngoài ra, hãy biến việc dọn đồ chơi sau khi chơi thành một “trò chơi” có cả bạn cùng tham gia với bé. Khi thấy mẹ nhặt bóng bỏ vào thùng, bé sẽ học cách làm theo. Dần dần, bé nhập tâm và ghi nhớ cách dọn đồ chơi. Đó là lúc bạn có thể yên tâm bé chơi xong biết tự dọn một mình.

    3. Không để con “đòi gì mua nấy”!

    Có tuổi thơ cơ cực thiếu thốn, muốn có một con búp bê nhỏ xíu cũng không đủ tiền mua nên nhiều bậc cha mẹ luôn có xu hướng chiều chuộng con thái quá, đáp ứng mọi nhu cầu về đồ chơi của trẻ một cách dễ dàng như cách để “bù đắp” lại cho tuổi thơ của chính mình.

    Tuy nhiên, cách làm này là không đúng. Khi trẻ đòi gì đều được mua nấy ngay lập tức, tự nhiên trẻ sẽ không còn thấy những vật mình đã đòi và có được “quý giá” nữa. Tâm lý này rất dễ hiểu. Một đứa trẻ phải dành dụm cả tháng trời mới mua được một món đồ chơi chắc chắn sẽ nâng niu món đồ chơi đó hơn hẳn trẻ đòi và mẹ mua ngay cho.

    [​IMG]

    Bạn hãy tập cho con cách chờ đợi để có được một thứ gì đấy. Chẳng hạn bé muốn có một chiếc xe mô hình, bạn có thể hẹn với con: “Nếu con có đủ 5 phiếu bé ngoan của tuần này, cuối tuần mẹ sẽ mua cho con!”. Trong sự cố gắng từng ngày để đạt được đến điều mình mong muốn, tự nhiên bé sẽ cảm thấy yêu quý, trân trọng, giữ gìn món đồ chơi ấy kỹ lưỡng hơn.

    4. Làm gương cho trẻ

    Trong mọi trường hợp, cha mẹ luôn là tấm gương để trẻ soi vào và bắt chước. Bạn đừng hi vọng con biết giữ gìn giày dép nếu như bé thấy bạn quăng giày dép mỗi nơi mỗi chiếc. Đừng mong con giữ gìn đồ đạc, nếu như bé nhìn thấy chính bạn vứt lung tung đồ của bạn ở khắp nơi. Muốn con đi về luôn treo ngay ngắn áo khoác, nón mũ lên thì chính bạn cần làm cho con thấy trước.

    Trẻ là “chuyên gia” bắt chước. Một khi trẻ sinh ra trong một gia đình cả ba lẫn mẹ đều rất ý thức giữ gìn đồ đạc, trẻ sẽ có những thói quen tương tự từ rất sớm.

    [​IMG]

    5. Để con sử dụng đồ dùng riêng

    Đây là một cách hay để bé sớm ý thức được đâu là “cái của mình” và học cách giữ gìn chúng. Chẳng hạn, ở trường, khăn của bé, ly của bé, chén của bé… đều được đánh dấu riêng theo một biểu tượng nhất định (bông hoa, quả cam, quả chuối…). Khi biết phân biệt đâu là đồ của mình, bé sẽ không vứt bừa bãi nữa, biết đồ vật còn hay mất. Ở nhà cũng thế. Hãy cho bé biết đâu là khăn của con, chén của con, bàn chải đánh răng của con, hướng dẫn con đâu là kệ của mình, tủ của mình và sắp xếp các đồ vật như thế nào sau khi sử dụng.

    6. Gửi “linh hồn” vào đồ vật!

    Đây là một mẹo nhỏ đặc biệt hữu hiệu với trẻ ở tuổi mẫu giáo. Ở tuổi này, trẻ rất giàu tình cảm. Nếu bạn biết cách “biến” những đồ vật, đồ chơi thành một người bạn của bé, nhân cách hóa chúng như có “linh hồn”, bé sẽ trở nên rất chú tâm bảo vệ, nâng niu “các bạn”. Ví dụ như bé sẽ vứt con gấu bông vào xó nếu như đó chỉ là… gấu bông. Nhưng nếu nghe mẹ kể rằng: “Tối qua, con chơi xong không đặt bạn gấu bông lên kệ. Bạn gấu bông ở một mình trong xó nhà thì nhớ mẹ và buồn lắm!”, tự nhiên bé sẽ rất ân hận về lỗi của mình, và nâng niu “bạn gấu bông” hơn. Đừng lo! Đây không phải là nói dối bé. Đây chỉ là cách để bạn làm cho thế giới của bé giống như cổ tích mà thôi.

    [​IMG]

    7. Giao trách nhiệm rõ ràng

    Khi trẻ đã bắt đầu qua tuổi 7-8 trở lên, trẻ sẽ được sở hữu một số đồ vật đắt tiền hơn, quý giá hơn, chẳng hạn như một chiếc xe đạp nhỏ. Lúc này, bạn cần giao trách nhiệm cho con một cách cụ thể. Chẳng hạn mỗi tuần con phải dành một buổi sáng chủ nhật để lau chùi cẩn thận lại xe, cho xe luôn mới. Khi được giao trách nhiệm, bé sẽ thấy mình “lớn” hơn và hứng thú hơn với việc giữ gìn, bảo quản các đồ vật của mình.

    8. Cho con thăm các bạn khó khăn hơn mình


    Hãy hướng dẫn con từ khi còn nhỏ cách sắp xếp cẩn thận sách cũ, quần áo cũ, đồ chơi cũ và đưa bé trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện để tặng lại các đồ vật cho những bạn hoàn cảnh khó khăn hơn. Có thể ban đầu, trẻ chưa ý thức được nhiều. Nhưng thông qua những câu chuyện của mẹ, những lần tiếp xúc với các bạn nhỏ khác, con sẽ hiểu ra rằng mỗi món đồ vật con đang có là rất đáng giá, cần nâng niu, gìn giữ. Bé cũng sẽ hiểu ra thế nào là chia sẻ cùng người khác. Nâng niu một đồ vật không có nghĩa là khư khư giữ cho riêng mình đồ vật đó. Bạn hãy yên tâm rằng chỉ cần theo bạn một thời gian ngắn, bé sẽ thật sự biết cách giữ gìn từng cuốn sách, vì nhớ rằng sau khi đọc xong còn dành tặng lại cho các bạn khác nữa.

    Nguồn: mevacon
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Kún iu
    Đang tải...


Chia sẻ trang này