Hầu hết trẻ con đều muốn được chiều chuộng, quan tâm và yêu thương. Điều này sẽ đem lại cho trẻ cảm giác được bảo vệ an toàn và bình yên. Nhưng, khi trẻ sở hữu quá nhiều thứ và luôn luôn có được bất cứ thứ gì mà trẻ đòi hỏi; không chịu theo một nề nếp, phép tắc nào… thì vô tình sự nuông chiều quá mức của chúng ta đã làm hư trẻ. Đôi khi chúng ta rất khó giữ được sự quân bình giữa việc thương yêu con và việc làm thỏa mãn những đòi hỏi của con, bởi vì có rất nhiều tình huống bạn phải nuôi chiều trẻ và làm thỏa mãn ý muốn của trẻ. Ví dụ: Lúc trẻ bị bệnh hay ốm yếu, khó nuôi, hoặc cha mẹ thường xuyên đi làm và có mặc cảm mình đã không thể chăm lo cho con chu đáo; cha mẹ ly thân; cha hoặc mẹ quá nghiêm khắc với con, nên người kia muốn đền bù bằng cách: chiều chuộng con... Sự nuông chiều trẻ cũng thường thấy khi trẻ là con một hoặc là con cầu tự. Ngoài ra, ông bà quá nuông chiều cháu cũng làm cha mẹ khó dạy dỗ trẻ. Cũng có thể có nhiều bậc cha mẹ trải qua thời thơ ấu thiếu thốn, khổ cực nên họ mong muốn con mình có được những thứ mà họ chưa bao giờ có. Hoặc, khi thấy con của người khác sống đầy đủ, họ cũng muốn cho con mình được như thế, nên vô tình đã làm trẻ hư. Việc quan tâm và chăm sóc đầy đủ về mặt vật chất lẫn tinh thần cho con trẻ quả thật rất tốt, nhưng nếu bạn quá nuông chiều con dẫn đến trẻ có những hành vi, tính cách bất thường lúc còn nhỏ và gây ra những vấn đề xã hội khi trưởng thành thì rất nguy hiểm. Những đứa trẻ như thế thường có những hành vi như sau: - Không được những đứa trẻ khác yêu mến, vì luôn tranh giành mọi thứ của bạn. - Có tính tham lam, vì trẻ luôn muốn có nhiều hơn là chia sẻ. - Không biết vâng lời, vì trẻ luôn được làm bất cứ điều gì mà nó muốn. - Không biết quan tâm đến người khác. - Không bao giờ biết thỏa mãn. - Thường xuyên kêu ca, phàn nàn và quấy nhiễu người khác. - Có nhân cách thô bạo, xấu tính. Phép lịch sự Lịch sự và cách cư xử nhã nhặn là những kỹ năng xã hội mà trẻ cần phải học và rèn luyện chứ không tự nhiên mà có. Đối với những điều có thể chấp nhận được trong tình huống này, nhưng lại không thể chấp nhận được trong tình huống khác có thể làm trẻ bối rối, khó hiểu. Thí dụ, tại sao bố la mắng người khác thì được, nhưng khi trẻ lặp lại những điều đó lại bị ngăn cấm, hoặc người lớn hay nói dối trong khi lại dạy trẻ không được nói dối… Do đó, bạn và người thân trong gia đình trước hết phải là tấm gương để cho trẻ học hỏi. Những đứa trẻ được dạy dỗ đàng hoàng, tử tế sẽ luôn tự tin và biết cách cư xử khi giao tiếp và thường được mọi người đánh giá tốt, yêu mến. Những trẻ này rất ít khi làm cho cha mẹ phải xấu hổ, bối rối vì trẻ luôn cư xử lễ phép và biết chia sẻ, thông cảm với người khác. Những tính cách tốt Nếu bạn muốn con mình lớn lên có nhiều đức tính tốt thì điều quan trọng trước tiên bạn phải là một tấm gương tốt. Nếu bạn hay ngắt lời khi trẻ đang nói, chen lấn khi xếp hàng, hay la mắng, nói xấu người khác bằng những ngôn ngữ từ bất nhã… thì gần như chắc chắn con bạn sẽ bắt chước những gì bạn đã nói. Ngược lại, nếu bạn luôn cư xử tử tế và nhu mì thì trẻ cũng bắt chước theo bạn. Hãy dạy cho trẻ nói tiếng "dạ, thưa" hay "cám ơn" từ lúc còn bé và khi đã đủ lớn để hiểu, hãy giải thích với trẻ việc tôn trọng người khác, biết chờ đến phiên mình và cách chia sẻ, giúp đỡ những người hoạn nạn có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Có thể trẻ chưa nắm bắt được hết ý nghĩa mà bạn đã nói, nhưng với cách này dần dần bạn đã thiết lập được một nền móng vững chắc về nhân cách sống tốt đẹp của trẻ về sau. Chỉnh sửa những thói hư tật xấu Để hình thành nên những tính cách tốt đẹp, không phải trẻ chỉ học qua một đêm là có được mà phải rèn luyện liên tục trong thời gian rất dài. Điều quan trọng là bạn không nên áp đặt trẻ phải trở thành một con người hoàn hảo, có đầy đủ các đức tính tốt quá sớm để tránh cho trẻ cảm giác bị gò ép, căng thẳng vì phải luôn luôn làm những điều đúng đắn. Đa số trẻ con thỉnh thoảng đều có những hành vi cư xử nóng nảy, xấu tính, hay tranh giành phần hơn với bạn bè, anh chị… Trong những trường hợp này, tùy theo mức độ của sự việc mà bạn chỉnh sửa, kỷ luật hay bỏ qua cho trẻ. Cũng có khi trẻ cư xử xấu tính chỉ đơn giản là do quá phấn khích, nhất thời. Chẳng hạn, do quá phấn khích khi thấy một thiết bị đồ chơi mới hấp dẫn trong công viên nên trẻ đã chen lên hàng đầu đoàn người đang đứng xếp hàng. Lúc này, bạn cần nhẹ nhàng bảo cho trẻ hiểu rằng, những người kia cũng rất thích và họ đã cố gắng xếp hàng để chờ đến lượt mình từ lâu rồi. Nhiều lúc trẻ cảm thấy bối rối, mắc cỡ và lúng túng khi gây ra một việc gì đó, nên không thể chào hỏi, thưa gửi hay xin lỗi người khác một cách nhã nhặn được. Trong trường hợp đó, bạn hãy thay mặt trẻ xin lỗi và đền bù các thiệt hại do trẻ gây ra nếu có.