- Con học bài đi. - Con đừng chơi nữa, ra ăn cơm đi. - Đến giờ con phải đi tắm rồi đấy. …. Đó là những câu nói hàng ngày của các mẹ nhắc nhở con. Khi có mẹ ở nhà, con có người nhắc để làm. Vậy khi mẹ đi vắng thì sao? Vì vậy tính tự giác là rất quan trọng. Mẹ cần dạy cho con tính tự giác trước hết là về những việc phục vụ cho chính bản thân con. Khi nào có thể dạy con ý thức tự giác? Việc tập cho trẻ có những hành động tự giác ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này. Cha mẹ nên bắt đầu trong giai đoạn xung quanh 3 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ đã bớt dần tính ái kỷ, là tính chỉ biết có mình và suy nghĩ : cái gì trong tay ta là của ta. Dạy trẻ tính tự giác bằng cách nào? Đứa trẻ tương tự như một tờ giấy trắng, có thể vẽ lên đó những hình ảnh đẹp, nhưng cũng có thể bôi bẩn nó bằng những nét nguyệch ngoạc vô ý thức. Chúng ta hãy biến những hoạt động mang tính bổn phận thành những trò chơi – mà đối với trẻ em, thì trò chơi chính là các hoạt động rất nghiêm túc ! Đồng thời sẽ đưa ra những hình phạt để trẻ càng có ý thức thực hiện. Những hình phạt này tác động trực tiếp đến ý thích của trẻ như không cho ăn kẹo, không mua đồ chơi,... Dạy trẻ như thế nào ? Không phải đưa ra trò chơi là để trẻ thích làm cũng được, chán thì thôi. Các mẹ nên làm theo những nguyên tắc sau: - Chọn việc từ đơn gain đến phức tạp phụ thuộc vào tuổi, khả năng của trẻ. - Cho bé lựa chọn làm theo cách này hoặc cách kia chứ không phải làm cái này hoặc cái kia. - Hướng dẫn từng bước chứ không làm hộ. Cùng làm với con nhưng việc của mẹ mẹ làm ,của con con làm. - Có tính nhất quán trong thời gian, cách thức công việc mà mẹ hướng dẫn con làm. “Gieo một hành động, gặt một thói quen – Gieo một thói quen, gặt một tính cách – Gieo một tính cách, gặt một số phận”. Tính tự giác hình thành cần 1 quá trình nên các mẹ hãy thật kiên trì nhé! Chúc các mẹ thành công!