Tiến sĩ Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng khoa Dinh dưỡng Cộng đồng Trung tâm dinh dưỡng cho biết: Theo chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới thì trẻ gái 3 tuổi phải đạt cân nặng13.9kg và chiều cao 95.1 cm, trẻ trai 3 tuổi phải đạt cân nặng14.3kg và chiều cao 96.1cm mới gọi là lý tưởng. Nếu so với chuẩn này thì trẻ em Việt Nam vẫn nằm trong diện thấp còi. Tuy nhiên, rất đáng mừng là những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong chăm sóc dinh dưỡng cho con mình nên khoảng cách này ngày một giảm dần. Mời độc giả cùng trao đổi với Tiến sĩ Hạnh xung quanh vấn đề này. Dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ phát triển tối đa tiềm năng chiều cao của trẻ PV: Người Việt Nam từ xưa vốn dĩ đã thấp bé so với bạn bè thế giới, liệu yếu tố di truyền có là rào cản trong việc cải thiện tầm vóc cho thế hệ sau không thưa bác sĩ? Bác sĩ: Chiều cao không hoàn toàn do di truyền quyết định, mà còn bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố môi trường, trong đó môi trường dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất. Các ông bố bà mẹ trẻ thế hệ 7x hoặc 8x hiện nay được sinh ra vào những ngày đầu mới giải phóng, điều kiện dinh dưỡng kém nên thường thấp bé hơn so với tiềm năng chiều cao của mình. Nếu chăm sóc tốt và đúng cách, thế hệ sau hoàn toàn có thể đạt được chiều cao tối đa mà gen di truyền cho phép, nghĩa là cao hơn cha mẹ rất nhiều! PV: Chăm sóc đúng cách là như thế nào, thưa bác sĩ? Bác sĩ: Yếu tố di truyền là không thể can thiệp được, nên chúng ta cần tác động tốt vào những yếu tố về môi trường để giúp trẻ phát triển hết tiềm năng của mình. Trước tiên, trẻ cần được ăn đủ lượng, đủ chất, đặc biệt là phải uống sữa. Bên cạnh đó, phải lập cho trẻ một chế độ vận động phù hợp để phát triển cân đối hệ xương và cơ bắp. Giấc ngủ cũng rất quan trọng vì tuyến yên chỉ tiết hormon tăng trưởng khi trẻ ngủ say và ngủ sâu. Nên tập cho trẻ thói quen ngủ trưa (khoảng 60 phút) và đi ngủ sớm vào buổi tối (vào khoảng 21h). PV: Thưa bác sĩ, giai đoạn mang thai và 1-3 tuổi rất quan trọng đối với chiều cao của trẻ. Nếu vì một lý do nào đó mà bố mẹ không đầu tư đúng mức vào giai đoạn này thì sau 3 tuổi có còn “cứu” được chiều cao không? Bác sĩ: Sau 3 tuổi, chiều cao còn phát triển rất nhanh trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, phụ huynh cần tạo cho trẻ một nền tảng về dinh dưỡng thông qua chế độ ăn cân đối và hợp lý để chuẩn bị cho giai đoạn này. Nên chú trọng cung cấp canxi qua các nguồn thức ăn như sữa, đậu phụ, rau có lá xanh đậm…Nhưng cần lưu ý là canxi chỉ được chuyển hóa tạo thành xương khi có tác động của vitamin D và Kẽm. Kẽm vừa là thành phần, vừa tác động vào hoạt tính của trên 300 enzym trong hầu hết các quá trình chuyển hóa. Bổ sung kẽm một cách khoa học có thể giúp làm tăng nồng độ hóc môn IGF – 1, một yếu tố tăng trưởng quan trọng bậc nhất của cơ thể. Kẽm có nhiều trong các loại sò,hàu, thịt bò, gan heo, lòng đỏ trứng, đậu tương… và các loại sữa có bổ sung kẽm. Một hệ dưỡng chất cân đối sẽ giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng chiều cao. Ngoài ra, còn có các vi chất khác rất quan trọng đối với sự phát triển chiều cao như: Protein giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh và cân đối, Lysine giúp trẻ ăn ngon miệng, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển nhanh, FOS/Inulin (còn gọi là Prebiotic) giúp bảo vệ hệ tiêu hóa và hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng… PV: Xin cám ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích này! Ngọc Minh