DN Việt và giấc mơ đẳng cấp quốc tế. Còn nhiều rào cản để chinh phục đỉnh cao công nghệ

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi ku_li_ngo72, 25/11/2014.

  1. ku_li_ngo72

    ku_li_ngo72 Ku Lì Ngố

    Tham gia:
    21/12/2009
    Bài viết:
    109
    Đã được thích:
    16
    Điểm thành tích:
    18
    Doanh nghiệp Việt và giấc mơ đẳng cấp quốc tế
    Còn nhiều rào cản để chinh phục đỉnh cao công nghệ


    Phát triển sản phẩm công nghệ cao là hướng đi tất yếu để sản phẩm Việt vươn ra thế giới. Dù đường đi còn nhiều chông gai nhưng không ít doanh nghiệp Việt đã thành công, tạo ra những sản phẩm đẳng cấp quốc tế, có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường cả về chất lượng và giá thành…

    Những sản phẩm Việt gây “bão” làng công nghệ

    Triển lãm CES nổi tiếng toàn cầu, nơi quy tụ hàng trăm gương mặt công nghệ lớn nhất thế giới như LG, Apple, Samsung, Sony, Microsoft… đã phải bất ngờ trước sự xuất hiện của chàng trai Việt sinh năm 1981 Hồ Vĩnh Hoàng cùng với màn trình diễn ngoạn mục của robot giải trí mRobo – máy nghe nhạc kiêm robot nhảy. Với mRobo, Hồ Vĩnh Hoàng đã cho cả thế giới thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất robot mang thương hiệu “Made inVietnam”…

    Ngay từ năm 2002, khi còn là một sinh viên, Hồ Vĩnh Hoàng đã cùng bạn bè lập Công ty TOSY với ý tưởng kinh doanh táo bạo: chế tạo robot công nghiệp, robot dịch vụ và đồ chơi công nghệ cao. Tới nay, những chiếc đĩa bay, con quay của TOSY đã được xuất khẩu trên 60 nước, cả những thị trường đặc biệt khó tính như Mĩ, Anh, Pháp, Nhật, Đức, Ba Lan… Đặc biệt, dòng sản phẩm robot nhảy mang tên DiscoRobo đã gây tiếng vang lớn với giới công nghệ thế giới. DiscoRobo có thể cảm nhận nhịp điệu và nhảy một cách điêu luyện theo tiếng vỗ tay. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 9 quốc gia được ghi nhận có ngành công nghiệp robot phát triển: Đức, Nhật, Mĩ, Thụy Sĩ, Italia, Pháp, Anh, Canada, Hàn Quốc. Lợi thế của robot “Made in Vietnam” là giá thành hạ, chỉ bằng khoảng 1/4 so với các sản phẩm cùng loại của Đức, Nhật.

    [​IMG]

    Thành công của TOSY đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất robot với giá thành rẻ hơn Nhật Bản.​

    Bà Phạm Huyền Trang – đại diện TOSY cho biết: “Trong thời gian tới, hướng phát triển của TOSY là đưa robot đến mọi nơi và thay đổi cách con người trải nghiệm cuộc sống. Các sản phẩm robot dáng người của TOSY sẽ xuất hiện trong mọi gia đình để làm bạn và giúp đỡ con người”.

    Sản phẩm Nhà thông minh (SmartHome) của Bkav cũng được coi là thành công ngoạn mục của doanh nghiệp Việt trong làng công nghệ thế giới. Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav chia sẻ, cách đây 10 năm, khi bắt tay làm sản phẩm Nhà thông minh, Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng là nghiên cứu, thiết kế phát triển… Khi đó, doanh nghiệp phải giải quyết 4 vấn đề chính: nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa doanh nghiệp, vốn. Về nguồn nhân lực, Bkav phải đào tạo cho chính mình bằng cách tuyển sinh viên thực tập ngay từ năm thứ 2 vì thị trường không sẵn có.

    Về phụ trợ, Bkav đã tìm đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặt yêu cầu làm theo tiêu chuẩn nhưng rốt cuộc, do "các doanh nghiệp chưa khắt khe, không nỗ lực giải quyết vấn đề" như lời ông Thắng nên Bkav quyết định xây dựng nhà máy cơ khí chuyên sản xuất khuôn mẫu sau đó đem đặt hàng sản xuất theo mẫu. Hiện Bkav có hơn 100 nhà cung cấp linh kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế, đều là nhà cung cấp cho các hãng công nghệ lớn như Apple, LG... Về vốn, ông Thắng tiết lộ, mỗi năm Bkav chi khoảng 100 tỷ đồng cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm - một con số đáng kể trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước rất dè xẻn chi cho nghiên cứu phát triển...

    Nhà thông minh Bkav SmartHome hiện đã có mặt tại các khu đô thị cao cấp như Phú Mỹ Hưng, Times City, Royal City… và đang được triển khai cho các dự án tại châu Âu, Singapore, Ấn Độ, Malaysia và Myanmar. Nói về SmartHome, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Trần Việt Thanh đánh giá rất cao: “Bkav đã không e ngại những tên tuổi lớn trên thế giới để tìm ra một hướng đi mới bằng trí tuệ Việt Nam, góp phần tạo ra những sản phẩm thuần Việt nhưng đạt chuẩn quốc tế. Có thể Bkav đã sử dụng các chi tiết phụ trợ để tạo nên SmartHome, nhưng quan trọng là phần mềm và thiết kế là hoàn toàn của người Việt tự làm”.

    Cái tên Nguyễn Hà Đông cùng với trò chơi Flappy Bird cũng đã khiến giới công nghệ sửng sốt sau thông tin anh thu về mỗi ngày 50.000 USD khi ứng dụng này vượt lên dẫn dầu trong kho tải ứng dụng của iOS và Android. Suốt một thời gian dài, làng game di động thế giới phải dõi theo từng động thái của chàng trai Việt khi anh tuyên bố sẽ khai tử Flappy Bird giữa lúc nó đang làm mưa làm gió khắp nơi trên thế giới. Giới công nghệ phân tích rằng, mặc dù ngành công nghiệp game của Việt Nam còn non trẻ nhưng luôn tiềm ẩn những cơ hội bùng nổ với sự xuất hiện của những nhân tố tài năng.

    Chỉ 12% doanh nghiệp Việt Nam có trình độ tiên tiến

    Bên cạnh thành công của những doanh nghiệp trên, không thể phủ nhận một điều, nền sản xuất của Việt Nam đi lên từ điểm xuất phát thấp. Đó cũng là rào cản cho việc tạo ra những sản phẩm đột phá, mang đẳng cấp quốc tế. Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng 12% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), 88% doanh nghiệp còn lại có trình độ công nghệ thuộc loại trung bình và lạc hậu. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,5% doanh thu (trong khi Hàn Quốc là 10%). Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68 trên 144 quốc gia xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, trong đó mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, FDI và chuyển giao công nghệ thứ 93, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp đứng thứ 121 và khả năng tiếp cận công nghệ mới chỉ đứng thứ 123/144 quốc gia.

    Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới thực trạng trên, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, nguyên nhân trực tiếp có thể kể tới là đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp. Nguyên nhân sâu xa hơn là do KHCN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, tận dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp Nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ.

    Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân: Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và chế tạo những sản phẩm công nghiệp có quy mô lớn, giá trị khoa học cao như giàn khoan tự nâng 90m nước phục vụ khai thác dầu khí, trở thành 1 trong 3 nước ở châu Á, 1 trong 10 nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan này. Việt Nam cũng đã làm chủ và chế tạo thành công các thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia như nhà máy nhiệt điện, thủy điện, cảng biển. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến hệ thống xylanh thủy lực và cầu trục 1.200 tấn của công trình thủy điện Sơn La, góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vào hoạt động sớm 2 năm, đem lại lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng. Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước trên thế giới sản xuất được vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy, cũng như đi đầu trong khu vực về mổ nội soi, nghiên cứu tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bỏng.

    Nguồn: CAND​
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi ku_li_ngo72
    Đang tải...


Chia sẻ trang này