Đổ bệnh vì học!

Thảo luận trong 'Tin tức' bởi Ngoc Lan, 19/5/2005.

  1. Ngoc Lan

    Ngoc Lan Thành viên tích cực

    Tham gia:
    29/9/2004
    Bài viết:
    669
    Đã được thích:
    179
    Điểm thành tích:
    83
    Đổ bệnh vì học!


    Tranh thủ ngủ ngay trên đường đến trường - Ảnh: Minh Giảng

    TT - Với chương trình nặng nề, quá tải bất hợp lý nên đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe học sinh - ít niềm vui, thiếu hưng phấn, thậm chí đã có nhiều HS phải ngã bệnh!

    “Tha cho con, con không đi học đâu!”

    Bà mẹ trẻ đưa đứa con trai 7 tuổi đang học lớp 2 tới Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: “Buổi sáng kêu con dậy đi học như mọi ngày tự nhiên nó phản kháng, đập đầu vào tường rồi quì lạy, van xin: Mẹ tha cho con, con không đi học đâu, mẹ mà bắt con đi học con sẽ chết”.

    Nhưng nghe bà kể về thời gian biểu của con, mới hiểu không có gì phải ngạc nhiên khi thấy cậu bé gầy còm và xanh xao: 6g sáng thức giấc, ăn sáng rồi đến trường, học 2 buổi/ngày; 17g cậu được mẹ đón nhưng không phải về nhà mà đi học thêm. Ăn vội gói xôi hay ổ bánh mì, cậu tiếp tục học thêm đến 21g ở nhà cô giáo. Chưa hết, về nhà, sau khi vệ sinh cá nhân, ăn tối cậu lại ngồi vào bàn học (có sự hướng dẫn của mẹ) đến 23g, thậm chí có bữa đến 24g khuya.

    Tại bệnh viện, sau khi được bác sĩ động viên và giúp lấy lại tinh thần, khi đã bình tĩnh, bệnh nhân mới kể lể: “Hôm qua con đã làm hết 20 bài toán cô giáo dạy thêm cho về nhà, còn bài ở trường con chưa kịp làm. Con sợ lắm, cô đã nói nếu không làm bài sẽ bị phạt...”.

    Một nữ sinh lớp 9 được bố dẫn đi khám bệnh động kinh. Vào phòng khám, cô vẫn ôm khư khư cuốn tập, nhân lúc bố mình nói chuyện với bác sĩ, cô vội vàng mở tập ra... tranh thủ học vì “nếu không, sẽ phải ở lại trường”. Theo lời bố bệnh nhân: “Năm nay thi tốt nghiệp nên cháu nó phải học suốt từ sáng đến tối: sáng - chính khóa, chiều - tăng tiết, tối cũng phải vào trường cho giáo viên dò bài. Có bữa 2g chiều không thấy bóng dáng con gái, cả nhà tôi nháo nhào chia nhau đi tìm. Mãi đến khi vô trường mới biết con mình không thuộc bài nên phải ở lại trường buổi trưa để học, khi nào thuộc mới được về. Do đó, lúc nào nó cũng bị ám ảnh... Nhiều lúc thấy con mệt, lo lắng vì học hành, khó ăn, khó ngủ, xót lắm nhưng không biết làm sao...”.

    X. - cậu HS lớp 12 - nhập viện (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) với triệu chứng “một ngày thăm... nhà vệ sinh vài chục lần”. X. đã đi siêu âm, nội soi dạ dày, đại tràng, uống thuốc điều trị bệnh tiêu hóa... nhưng căn bệnh vẫn không thuyên giảm. Tâm sự với bác sĩ, X. khổ sở: “Ở nhà hay ở lớp học cứ mỗi lần nghĩ đến học là em vã mồ hôi, tim đập thình thịch và... mắc “đi”. Em cũng hay buồn vô cớ, nhiều khi tâm trạng mình cứ buồn buồn mà không hiểu nổi lý do tại sao!”.

    Hỏi chuyện một hồi, bác sĩ mới phát hiện ra vấn đề: ba mẹ muốn X. đậu ĐH y dược trong năm nay trong khi X. biết rất rõ rằng “trường này khó đậu lắm”. Từ việc lo sợ (nếu không đậu được ĐH sẽ phụ lòng ba mẹ) dẫn đến mất tập trung, học khó nhớ, không hiệu quả và X. lại càng đâm lo lắng...

    Áp lực học hành nặng nề

    Theo BS Nguyễn Thị Giang - phó trưởng khoa khám trẻ em và bệnh viện ban ngày (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM): “Vài năm trở lại đây, cứ sau mùa thi, số bệnh nhân trong độ tuổi HS phổ thông lại tăng đột biến, trong đó chủ yếu là HS cuối cấp và nguyên nhân sâu xa dẫn đến “bệnh” là do áp lực học hành, thi cử. Những triệu chứng mà các bệnh nhân mắc phải khá giống nhau: mệt mỏi, uể oải, cáu gắt, nhức đầu, khó tập trung, không ngủ được hoặc ngủ không ngon giấc, hay nói mớ trong giấc ngủ, kém ăn...

    Theo kết quả khảo sát của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vào cuối năm 2004 trên 205 cán bộ - giáo viên phổ thông, 43,9% số này đánh giá: lượng kiến thức trong sách giáo khoa quá nhiều, HS không thể tiếp thu hết ở tiết học chính khóa; 23,9% nhận xét: lượng bài tập quá nhiều, HS không đủ thời gian làm. 86,4% trong số 485 phụ huynh xác nhận có cho con em mình đi học thêm, tập trung vào các môn: toán, văn - tiếng Việt, ngoại ngữ.

    Một số HS khác lại có những biểu hiện: mệt mỏi kéo dài, lúc nào cũng thèm ngủ, ngủ hoài không thấy chán, không muốn hoạt động kể cả học hành, hay buồn vô cớ... Bên cạnh đó, có em còn mắc bệnh đi đại tiện quá nhiều như bệnh nhân X. đã nói ở trên, hoặc có em đi tiểu tiện quá nhiều, cứ 5 phút đi tiểu một lần.

    Những bệnh nhân này đã phải chạy chữa mất nhiều thời gian ở các khoa nội như tiêu hóa, bài tiết, tim mạch... nhưng vẫn không khỏi, chỉ đến khi chẩn đoán do lo âu thái quá mới điều trị được” (BS Giang giải thích rằng: khi người ta lo âu quá sẽ dẫn đến hồi hộp, vã mồ hôi, làm tăng co thắt ruột, dạ dày, bàng quang đưa đến những rối loạn kể trên).

    TS Nguyễn Thị Quy, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, còn cho biết: 75,7% trong tổng số 485 phụ huynh được khảo sát đã nhìn nhận “khi học thêm HS không còn thời gian để tự học” và 49,3% phụ huynh khẳng định “học thêm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần HS”, nhưng 86,4% trong số họ vẫn cho con em đi học thêm để “vượt qua được các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH”. Từ đó mới thấy áp lực học hành, thi cử không chỉ đè nặng lên vai HS mà cả phụ huynh và giáo viên.

    BS Giang kết luận: tất cả những triệu chứng của bệnh nhân kể trên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời không chỉ làm giảm sút khả năng học tập mà còn làm giảm trí tuệ của HS, khiến các em gặp khó khăn trong sinh hoạt, giao tiếp... Tuy nhiên, ngoài biện pháp tâm lý trị liệu và thuốc men, nếu HS không điều chỉnh cách học (tức không có sự phối hợp của nhà trường và gia đình) thì cũng không thể điều trị bệnh hết hẳn.

    Theo báo Tuổi trẻ
     

    Xem thêm các chủ đề tạo bởi Ngoc Lan
    Đang tải...


Chia sẻ trang này